Ảnh minh họa: Nhân dân tệ và đô la trong cuộc chiến Ukraina. REUTERS/China Daily
Trên trận địa Ukraina, mọi chú ý hướng về cuộc đọ sức giữa vũ khí của Nga và Mỹ. Về tài chính, Ukraina có thể là điểm khởi đầu cuộc xung đột giữa đồng đô la Mỹ và nhân dân tệ Trung Quốc. Lệnh trừng phạt Nga xâm chiếm Ukraina khiến Bắc Kinh mạnh dạn hơn để áp đặt một trật tự tiền tệ mới với thế giới.
Đâu là những lợi thế và trở ngại để nhân dân tệ soán ngôi đô la ? Liệu rằng thế giới có dám tin vào một đơn vị tiền tệ quốc tế hoàn toàn không tuân thủ luật chơi của thị trường như đồng tiền Trung Quốc ?
Chiến tranh Ukraina, bệ phóng cho đồng nhân dân tệ
Phương Tây đã ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt Matxcơva ngay những ngày đầu tổng thống Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraina. Dự trữ ngoại tệ của hầu hết các ngân hàng Nga tại Hoa Kỳ và châu Âu bị phong tỏa. Nga cũng đã bị loại khỏi hệ thống thông tin ngân hàng quốc tế SWIFT. Nội hai quyết định đó đã đủ để làm dấy lên trở lại viễn cảnh Trung Quốc cùng với một số quốc gia không hữu hảo với Hoa Kỳ như Iran hay Venezuela thành lập một mặt trận « chống đô la » khuynh đảo vị thế của đồng tiền Mỹ trong hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu.
Trong chưa đầy hai tháng, hai đồng minh thân thiết nhất của Washington là Israel và Ả Rập Xê Út đã bắn đi hai tín hiệu theo chiều hướng này : Tel Aviv vừa thông báo, dự trữ của Ngân Hàng Trung Ương Isral mở cửa đón nhân dân tệ. Riyad từ đầu tháng 3/2022 cho biết đang nghiên cứu khả năng dùng đồng tiền Trung Quốc để thanh toán một phần các hóa đơn xuất khẩu dầu hỏa. Báo tài chính Mỹ Wall Street Journal coi đây là một tin « động trời », bởi từ sau Thế Chiến Thứ Hai, Ả Rập Xê Út tuyệt đối « trung thành » với Mỹ và đã từng nhiều lần đem kho dự trữ dầu hỏa quốc gia để phục vụ lợi ích chính trị, địa chính trị của Hoa Kỳ. Giờ đây Riyad là nguồn cung cấp đến 25 % dầu hỏa cho Trung Quốc, bắt đầu « chuyển hướng » và đây là « dấu hiệu rạn nứt rõ rệt nhất giữa các nền kinh tế đang trỗi dậy và phương Tây », là bằng chứng mới thể hiện nguyện vọng « tách rời khỏi quỹ đạo của đồng đô la Mỹ » .
Trong mắt nhà kinh tế Pháp Michel Aglietta, chuyên gia về tiền tệ và đồng tác giả cuốn Cuộc chạy đua tranh giành thế thượng phong trên về tiền tệ thế giới trước thách thức cạnh tranh Mỹ-Trung- La course à la suprématie monétaire mondiale. A l’épreuve de la rivalité sino-américaine, NXB Odile Jacob (4/2022), đây là thời điểm đồng nhân dân tệ Trung Quốc « lên ngôi ». Mỹ rồi Liên Hiệp Châu Âu phong tỏa dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Trung Ương Nga (gần 50 % trong số hơ 640 tỷ đô la) khiến bản thân Bắc Kinh và không ít quốc gia đang phát triển từ ở châu Phi đến châu Á và cả châu Mỹ Latinh lo sợ. Trung Quốc hiện đang có 3.500 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ và đang nắm giữ 1.000 tỷ công trái phiếu của Hoa Kỳ.
Thuận lợi trong kế hoạch soán ngôi đô la
Trong tác phẩm mới cho ra mắt độc giả đầu tháng tư Michel Aglietta nhấn mạnh trên hai điểm : một là vị trí của đồng đô la trong « giỏ dự trữ ngoại tệ » của thế giới đang từ 70 % hồi năm 2000 nay đã rơi xuống còn 59 %. Trái lại, nhân dân tệ tuy mới chỉ có một chỗ đứng « khiêm tốn » nhưng càng lúc càng được một số quốc gia quan tâm, bởi nguyện vọng « tách rời khỏi quỹ đạo đô la ». Nguyện vọng đó thể hiện mạnh mẽ tại tại khu vực châu Á (trong đó có Việt Nam, Cam Bốt …).
Trong bối cảnh đó Michel Aglietta ghi nhận chiến tranh Ukraina càng « thúc đẩy bước tiến của nhân dân tệ trên trường quốc tế và thu hẹp ảnh hưởng của đô la » cho dù là trong ngắn hạn có nhiều khả năng Bắc Kinh không quá lộ liễu thể hiện là điểm tựa mang tính quyết định đối với Nga ở thời điểm này, nhưng Bắc Kinh luôn có tầm nhìn xa và mục tiêu của Trung Quốc là « tăng cường tính độc lập đối với Hoa Kỳ » trên nhiều lĩnh vực từ công nghệ cao đến tiền tệ …
Công cụ lợi hại: E-nhân dân tệ
Vậy trên con đường chinh phục thế giới đó, Trung Quốc có những lợi thế và trở ngại nào ? Vẫn chuyên gia về tiền tệ Michel Aglietta đánh giá, một trong những lợi thế của Trung Quốc là đồng nhân dân tệ digigal ( kỹ thuật số ), do Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc phát hành, vận hành gần như một đồng tiền bình thường qua ứng dụng điện thoại. Đồng nhân dân tệ digital như vậy được đặt dưới sự quản lý của các giới chức tiền tệ và tài chính Trung Quốc, cho phép quan sát mọi luồng giao dịch, biết rõ tiền bạc được chuyển từ tài khoản nào và đến tay ai. Các hoạt động rửa tiền, trốn thuế khó mà thoát khỏi tai mắt của nhân viên thanh tra. Nhưng có lẽ quan trọng hơn là mục tiêu giảm bớt ảnh hưởng của đồng đô la Mỹ. Hiện tại, 88 % giao dịch thương mại trên thế giới được thanh toán bằng đô la. Để so sánh, cho dù là công xưởng và là quốc gia xuất khẩu số 1 của thế giới, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ chiếm có 4 %.
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ dự báo trong 10 năm nữa sẽ có tới 1 tỷ người trên thế giới dùng tiền nhân dân tệ kỹ thuật số và đây sẽ là đơn vị được dùng trong 15 % các khoản giao dịch trên toàn cầu.
Virus corona phá hỏng tham vọng của Bắc Kinh ?
Tuy nhiên đúng vào lúc Trung Quốc gặp thuận lợi nhờ chiến tranh Ukraina để đẩy mạnh tiến trình « quốc tế hóa » nhân dân tệ thì virus corona lại giáng cho Bắc Kinh một đòn đau. Trả lời RFI Việt ngữ, Michel Santi chuyên gia về kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính, phân tích :
Michel Santi : « Vào thời điểm mà cả thế giới đã mở rộng cửa, riêng Trung Quốc vẫn thu mình khép kín trong các các đợt phong tỏa. Bắc Kinh khăng khăng giữ chủ trương zero Covid. Công xưởng của thế giới bị đóng cửa và khoảng 1.000 tàu chở hàng bị kẹt ngoài khơi cảng Thượng Hải, không vào được gần bờ để dỡ hay chất hàng. Giả định Thượng Hải dỡ bỏ lệnh cấm vận ngay bây giờ, cũng phải mất nhiều tuần lễ mới hy vọng giải quyết được tình trạng ách tắc. Có thể nói là trong một chừng mực nào đó, thị trường Trung Quốc đang bị tê liệt và kèm theo đó là những hậu quả tiềm tàng rất tai hại, trước hết là đối với ngành xuất khẩu của nước này. Vào lúc mà Bắc Kinh muốn một phần kim ngạch xuất khẩu phải được thanh toán bằng nhân dân tệ, quyết định phong tỏa chặt chẽ nhiều cảng và thành phố công nghiệp để chống dịch là tín hiệu không hay. Thậm chí chính sách đó hủy hoại những nỗ lực nhằm củng cố uy tín của đồng nhân dân tệ.
Bản thân đồng tiền Trung Quốc chưa đủ sức trấn an cộng đồng quốc tế ông Santi phân tích tiếp :
Michel Santi : « Như mọi nhà đầu tư, các Ngân Hàng Trung Ương đều phải có một khoản dự trữ ngoại tệ và đương nhiên đó phải là những đơn vị tiền tệ ổn định và dễ hoán đổi sang một ngoại tệ khác. Khác với đô la Mỹ, euro của châu Âu hay đồng yen Nhật Bản, nhà nước Trung Quốc can thiệp để kiểm soát tỷ giá đồng nhân dân tệ. Bắc Kinh kiểm soát từ tỷ giá giao dịch nhân dân tệ đến thị trường và tất cả các doanh nghiệp như là Alibaba … Trong mắt giới tài chính, đó là dấu hiệu cho thấy ‘thị trường Trung Quốc chưa chín muồi’. Hệ quả kèm theo là không dễ hoán đổi đơn vị tiền tệ Trung Quốc để thu vào đô la hay bất kỳ một đơn vị tiền tệ quốc tế có uy tín nào khác. Điều này ảnh hưởng đế quyết định của các Ngân Hàng Trung Ương trên thế giới trong giỏ dự trữ ngoại tệ ».
Ngày tàn của đô la còn xa
Như vừa nói, đô la Mỹ vẫn còn nhiều lợi điểm mà không một đơn vị tiền tệ nào có được, kể cả đồng tiền chung châu Âu euro hay yen của Nhật. Cho đến tận ngày nay, đô la « vẫn là vua », chiếm 59 % dự trữ ngoại tệ của thế giới, là đơn vị thanh toán gần 90 % trao đổi mậu dịch toàn cầu. Các nhà đầu tư trên thế giới dường như vẫn chỉ tin tưởng vào đồng tiền của Mỹ. Chuyên gia Michel Santi đánh giá :
Michel Santi : « Không có lý do chính đáng nào để nghi ngờ về thế thượng phong của đồng đô la Mỹ. Ngay cả đồng tiền chung châu Âu là euro cũng không có tham vọng và cũng không muốn soán ngôi đô la. Ở thời điểm hiện tại, đô la đang tăng giá so với yen của Nhật, euro của châu Âu. Đây là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy thế giới không dễ thoát ly khỏi quỹ đạo của đô la. Điểm đáng ngại ở đây là khi đô la tăng giá, nợ nước ngoại của các nền kinh tế đang trỗi dậy cũng tăng theo. Gánh nặng nợ nần càng lúc càng nặng. Ở thập niên 1970, một vị bộ trưởng tài chính Mỹ đã nói với đồng nhiệm Pháp ‘đô la là đơn vị tiền tệ của chúng tôi, nhưng là một vấn đề của các bạn’ Câu nói đó vẫn còn tính thời sự.
Đây là cơ hội để đồng tiền Trung Quốc gặm nhấm thêm thị phần, nhưng vấn đề chỉ khoanh vùng đối với Nga mà thôi. Nhìn rộng hơn một chút về thái độ của Trung Quốc trên vấn đề Ukraina : Trung Quốc tránh lên án Matxcơva xâm chiếm Ukraina và đã không về hùa với phương Tây trừng phạt Kremlin. Ai cũng biết Trung Quốc đang là điểm tựa kinh tế của Nga trong giai đoạn này. Theo tôi, thái độ đó bất lợi cho đà quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, bởi giới đầu tư sợ rằng Âu, Mỹ cũng có thể trừng phạt các ngân hàng hay doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng cân nhắc kỹ lưỡng những « được », « thua » và đang kỳ vọng nhiều về các dự án hợp tác khai thác tài nguyên của Nga trong vùng Siberi. Một khi kinh tế Nga suy yếu và cần đầu tư nước ngoài, thì Trung Quốc sẽ « một mình một chợ », vì các hãng lớn của Âu Mỹ đã bỏ đi hết cả. Là một quốc gia khát nguyên liệu như Trung Quốc, cắm rễ vào Siberi và cùng khai thác tài nguyên với Matxcơva là tham vọng Bắc Kinh đang ấp ủ ».
Ngay cả trong trường họp một số quốc gia muốn giảm mức độ lệ thuộc vào đô la Mỹ thì các đơn vị tiền tệ quốc tế được ưa chuộng nhất là euro, yen, đồng bản Anh, franc của Thụy Sĩ và đương nhiên là mức độ tin cậy rất cao vào vàng.
Không thể phủ nhận trọng lượng kinh tế, thương mại, và tài chính của Trung Quốc, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng nhân dân tệ còn là một đồng tiền « với nhiều khác biệt » : nhân dân tệ không « hoạt động tự do và tỷ giá hối đoái của đơn vị tiền tệ này nằm ngoài tầm kiểm soát của luật cung cầu trên thị trường » .
Vậy thì ai dám đánh cuộc vào nhân dân tệ để thoát ly khỏi đô la ? Ai dám đánh cuộc rằng, khác với Washington, Bắc Kinh sẽ không sử dụng đồng tiền của Trung Quốc như một loại vũ khí trừng phạt những đối thủ chính trị, quân sự, kinh tế của Đảng Cộng Sản nước này ?
Không có nhận xét nào