Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Khoa - Việt Nam được gì từ IPEF?



    Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) cùng với Thủ tướng Ấn Narendra Modi (phải) và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida trong sự kiện Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF) ở Tokyo, Nhật, ngày 23-5-2022. Nguồn: The Quint

    Thứ hai, ngày 23-5-2022, tại Tokyo, Nhật Bản, một tổ chức kinh tế mới do Mỹ dẫn đầu được chính thức công bố: Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Thái Bình Dương (viết tắt là IPEF: Indo-Pacific Economic Framework).

    Những thành viên đầu tiên bao gồm: Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Brunei, Philippines, Indonesia, Malaysia, và Singapore. Với tổ chức này, Mỹ chính thức trở lại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, sau khi dự án Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP: Trans-Pacific Partnership) bị Donald Trump kết liễu khi mới sinh ra được một thời gian ngắn.

    Dù không nói ra, IPEF cũng như TPP trước đó, là những tổ chức nhằm bao vây Trung Quốc, không cho nước này thay đổi trật tự, luật chơi thế giới, đã hình thành sau thế chiến thứ II. IPEF còn hơn TPP vì bao gồm cả Ấn Độ, tức là nước trong nhóm tứ cường (Quad: Mỹ, Ấn, Nhật và Úc), nhóm phối hợp hành động được tuyên bố vào năm 2017, khi khu vực biển Đông đứng trước những hành động leo thang, củng cố quân sự của Trung Quốc, đe dọa tới tự do lưu thông hàng hải.

    Ngoài ra còn có hai nước quan trọng góp mặt trong IPEF, trước đây không có mặt trong TPP, đó là là Indonesia, nước lớn nhất Đông Nam Á, và Hàn Quốc, căn cứ sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới.

    IPEF là một trận địa tổng lực do người Mỹ giăng ra, tuy có hạn chế sự ràng buộc hơn so với TPP. Sự ít ràng buộc này có thể là vì người Mỹ muốn có một kết quả sớm, chứng tỏ rằng họ đang liên minh với châu Á, rằng họ vẫn không bị cuộc chiến Ukraine làm xao lãng, bởi nếu ràng buộc nhiều, thì e rằng không kéo được đông đảo các quốc gia yếu nhất ở Đông Nam Á.

    Có bốn mục tiêu của IPEF: Bảo đảm hệ thống cung ứng toàn cầu, năng lượng sạch, chống tham nhũng, và nền kinh tế số. IPEF không bao gồm chuyện giảm thuế, hay là mở lối vào thị trường khổng lồ của Mỹ.

    Sở dĩ lần này Mỹ không đưa ra chuyện tiếp cận thị trường Mỹ là do sức ép của ngành công nghiệp chế tạo ở Mỹ đã và vẫn đang mất nhiều việc làm do toàn cầu hóa và tự do thương mại. Sức ép này không chỉ được đảng Cộng hòa đối lập sử dụng, mà còn được cánh cấp tiến trong nội bộ đảng Dân chủ đưa vào nghị trình của mình, làm chia rẽ quan điểm trong chính đảng Dân chủ.

    Không có chủ bài này, IPEF kém hấp dẫn đối với một số các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, muốn lợi dụng giá nhân công rẻ để xuất khẩu hàng tiêu dùng vào Mỹ, cũng như giành phần sản xuất của công nghiệp chế tạo toàn cầu.

    Dù vậy, bên cạnh sự ít ràng buộc, mục tiêu bảo đảm hệ thống cung ứng toàn cầu lại rất quan trọng đối với Việt Nam, nước vẫn chưa biết mình đứng đâu trong hệ thống cung ứng này.

    Nếu IPEF thành công trong mục tiêu này, thì Việt Nam sẽ ở chỗ nào, chuỗi cung ứng nào? Chip điện tử? Thiết bị y khoa? Đây là hai nhóm hàng hóa mà Mỹ và phương Tây bị hụt hẫng vì đại dịch và sự đối đầu với Trung Quốc, khi mà họ tách rời để chống lệ thuộc vào các nhà máy và nguyên liệu ở Hoa lục (découplage) chỉ mới bắt đầu trong vài năm qua. Sự chống lệ thuộc này đã được tăng tốc khi nhiều đại công ty Mỹ và phương Tây muốn dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, hoặc ít nhất tìm kiếm thêm những nhà máy ngoài Hoa lục. Sự tách rời này hiện vô tình được thúc đẩy bởi chính sách zero Covid của Tập Cận Bình, phong tỏa nhiều địa phương Trung Quốc.

    Một ngày làm việc của thủ tướng Phạm Minh Chính ở thung lũng điện tử (Silicon Valley, California) trong chuyến đi Mỹ vừa qua, là một bước chuẩn bị tốt của chính phủ đương nhiệm của Việt Nam. Nhưng nếu Việt Nam thành công trong việc đón đầu việc củng cố hệ thống cung ứng này, và có thêm nhiều nhà máy của các đại công ty y khoa và điện tử được mở ra đâu đó ở Bình Dương, Vĩnh Phúc,… thì người Việt sẽ làm công việc gì ở các nhà máy đó? Họ sẽ thêm được bao nhiêu phần trăm giá trị gia tăng, hay là chẳng khác gì mấy thời Charlie Chaplin (hề Sạc Lô)?

    Tôi không nghĩ rằng các công nhân của những nhà máy đó sẽ khác nhiều hơn 1 triệu công nhân ở các khu công nghiệp Việt Nam từng bỏ chạy về quê khi đại dịch bùng phát hồi giữa năm 2021, vì… đói!

    Trong tình hình hiện nay, ngay cả khi giới chức Việt Nam và các nhà đầu tư phương Tây muốn các sản phẩm làm ra tại Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thêm nhiều giá trị thặng dư, họ cũng không thể làm được vì nền giáo dục Việt Nam quá tệ hại, không thể đào tạo để cung cấp được số nhân công đó.

    Có phần rất chắc chắn rằng, nếu IPEF thành công và Việt Nam thành công trong việc gia nhập IPEF, thì người Việt vẫn là những người làm những công việc đơn giản và rẻ tiền nhất.

    Đó chỉ là mục tiêu cụ thể nhất của IPEF, ba mục tiêu còn lại càng khó cho Việt Nam.

    Với mục tiêu chống tham nhũng, người ta có thể nói rằng, chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng đang làm hài lòng dân chúng. Cứ cho là ông Trọng thật sự chống tham nhũng, không như lời nói xấu của “các thế lực thù địch” rằng chuyện đốt lò này là đấu đá nội bộ, nhưng với cơ chế chính trị của Việt Nam hiện nay, đây là công việc chống tham nhũng của một người, trong khi người ấy không còn trên vũ đài chính trị nữa, thì “cái lò” này cũng sẽ tắt.

    Với mục tiêu năng lượng sạch, đòi hỏi một kinh phí rất lớn. Trừ khi Việt Nam được sự hậu thuẫn rất mạnh về tài chính, nếu không thì khả năng các nhà máy điện chạy than sẽ quay trở lại là chuyện dễ dàng xảy ra. Cần nhắc lại rằng, một phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực môi trường rất nổi tiếng ở Hà Nội đã bị nhà cầm quyền bắt bỏ tù cách đây không lâu.

    Mục tiêu nền kinh tế số gắn liền với mục tiêu đầu tiên, là khả năng của nhân lực Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam cho tới hiện nay vẫn không thích công khai minh bạch, không thể đáp ứng cho một nền kinh tế số lành mạnh được.

    Điều mà tương lai Việt Nam cần, trong 20 năm nữa, lại không nằm trong bốn mục tiêu của IPEF đề ra, hay nói đúng hơn là có liên quan, nhưng xa, đó là chuyển đổi số phận cho 60% cư dân Việt Nam đang sống lay lắt trong một nền nông nghiệp lạc hậu. Nền nông nghiệp này lệ thuộc một cách tội nghiệp vào thị trường Hoa lục, mà những đồng chí của đảng Cộng sản Việt Nam bên kia biên giới phía Bắc, thích thì cho hoa quả Việt Nam vào bán ở các chợ Trung Quốc, không thì thôi.

    Đa số phần còn lại của dân chúng cũng không phải là cư dân công nghiệp và dịch vụ mà thật sự chỉ là những nông dân làm thuê trong các nhà máy.

    Cho dù IPEF có thất bại, thì cũng không khác gì với những thất bại khác của chính sách Mỹ trước đây ở châu Á.

    Còn IPEF thành công thì Việt Nam cũng không thành công; với cấu trúc chính trị xã hội hiện nay, với sự mất đà cải tổ giáo dục, lẽ ra đã hoàn thành hơn 20 năm trước đây.

    Bức tranh màu xám này chỉ có thể sáng hơn nếu có một ý chí chính trị mãnh liệt và can đảm.

    Không có nhận xét nào