Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ Anh - Tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese – Chơi với Mỹ hay thân với “Tàu”?



    Cuộc tổng tuyển cử ngày 21 Tháng Năm 2022 đã đưa Anthony Albanese lên ghế thủ tướng (ảnh: Bai Xuefei/Xinhua via Getty Images)

    Thứ Hai 23 Tháng Năm 2022, Anthony Albanese (59 tuổi) sẽ tuyên thệ trở thành thủ tướng Úc thứ 31. Một trong những câu hỏi đang được quan tâm nhiều là Anthony Albanese có chính sách như thế nào đối với Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc và Úc trở nên xấu nghiêm trọng dưới thời Thủ tướng tiền nhiệm Scott Morrison…

    Xuất thân từ thành phần bình dân

    Anthony Albanese, người con duy nhất của một bà mẹ đơn thân lớn lên trong khu dân cư lao động nghèo ở Sydney, đã dẫn dắt Công đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia, chấm dứt chín năm cầm quyền của phe bảo thủ. “Người dân Úc đã bỏ phiếu cho sự thay đổi”, nhà lãnh đạo Công đảng 59 tuổi nói với những người ủng hộ ông ở Sydney. Trong chiến dịch tranh cử, Albanese, biệt danh “Albo”, hứa sẽ có những thay đổi lớn sau gần 10 năm cầm quyền của phe bảo thủ, từ đẩy mạnh hành động vì khí hậu đến thúc đẩy quyền của người bản địa và trấn áp tham nhũng chính trị. Albanese nói rằng ông muốn gắn kết người Úc lại với nhau. “Tôi muốn thống nhất đất nước. Tôi nghĩ rằng mọi người đã có đủ sự chia rẽ. Những gì người dân muốn bây giờ là đến với nhau như một quốc gia và tôi sẽ thực hiện điều đó”.

    Trong 26 năm kể từ khi Albanese lần đầu tiên được bầu vào Quốc hội, Công đảng mới chỉ nắm chính quyền được năm năm – trong những nhiệm kỳ đầy biến động của hai Thủ tướng Kevin Rudd và Julia Gillard. Albanese ngồi ghế bộ trưởng sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2007 của Rudd, thăng tiến nhanh trong hàng ngũ Công đảng và cuối cùng nắm quyền lãnh đạo phe đối lập.

    Trong chiến dịch tranh cử, Anthony Albanese thường xuyên nhắc đến xuất thân khiêm tốn của mình. “Mẹ tôi luôn mơ một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tôi. Tôi hy vọng hành trình cuộc đời của tôi sẽ truyền cảm hứng cho những người Úc muốn vươn tới những vì sao”… Hồi Anthony Albanese còn nhỏ, để tránh con mình mang tiếng là đứa trẻ “hoang”, trong một xã hội lao động theo truyền thống Công giáo La Mã khắt khe và bảo thủ ở Úc những năm 1960, mẹ ông – bà Maryanne Ellery (người Úc gốc Ireland) – nói dối rằng, cha của ông, một người Ý tên Carlo Albanese, đã chết trong một tai nạn xe hơi ngay sau khi kết hôn với bà.


    Anthony Albanese trong một cuộc tiếp xúc cử tri gần nhà riêng, Sydney, ngày 22 Tháng Năm 2022 (ảnh: James D. Morgan/Getty Images)

    Mãi đến năm Anthony Albanese 14 tuổi, mẹ mới tiết lộ sự thật: Người cha chưa chết và bố mẹ Anthony Albanese chưa bao giờ kết hôn. Bà Maryanne Ellery sống với cha mẹ ruột trong ngôi nhà thuộc sở hữu nhà nước ở Camperdown, ngoại ô Sydney. Bà sinh Anthony Albanese vào ngày 2 Tháng Ba 1963. Vì không muốn mẹ phiền lòng và sợ bà bị tổn thương, Anthony Albanese chỉ bắt đầu tìm kiếm cha vào năm 2002 sau khi mẹ mất. Năm 2009, Anthony Albanese gặp bố, tại quê nhà của ông, thị trấn Barletta, miền Nam nước Ý. Lúc đó, Anthony Albanese đến Ý để họp, với tư cách Bộ trưởng Bộ Giao thông và cơ sở hạ tầng Úc.

    Năm 12 tuổi, Anthony Albanese từng giúp những người lớn tổ chức biểu tình phản đối giá thuê nhà để có thể giữ lại căn nhà đang sống cùng mẹ mà nhà nước định bán lại cho giới bất động sản tư nhân. Một số người quen biết Albanese nói rằng ông thực sự quan tâm công bằng xã hội do chính quá khứ khó khăn thời niên thiếu của mình. “Khi trưởng thành, tôi hiểu rõ tác động của chính phủ đối với việc tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống người dân” – Anthony Albanese nói. Ông là người đầu tiên trong gia đình theo học đại học, chuyên ngành kinh tế. Ông cũng tham gia hoạt động chính trị thời còn sinh viên. 22 tuổi, ông được bầu làm chủ tịch Công đảng Trẻ (Young Labor), phân nhánh thanh niên của Công đảng, và sau đó làm viên chức phụ trách nghiên cứu dưới thời chính phủ Bob Hawke, thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Công đảng…

    Chơi với Mỹ hay thân với “Tàu”?

    Trong chiến dịch tranh cử, Albanese hứa cắt 43% khí thải carbon vào năm 2030 so với mức năm 2005, tăng cường năng lượng tái tạo, giảm giá xe hơi điện và giúp xây dựng các dự án pin và năng lượng mặt trời cho cộng đồng. Về đối ngoại, Công đảng sẽ tiếp tục quan điểm ủng hộ Mỹ. Anthony Albanese nhấn mạnh rằng “trụ cột đầu tiên” trong chính sách đối ngoại của Úc là liên minh với Hoa Kỳ; và do đó ông ủng hộ mô hình AUKUS (Hiệp ước an ninh bộ tam Anh-Úc-Mỹ ký vào Tháng Chín 2021 mà một trong những cam kết là trang bị cho Hải quân Úc tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân). Công đảng cũng đề xuất thành lập một trường quốc phòng ở Thái Bình Dương để đào tạo quân đội các nước láng giềng nhằm đối phó sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên Quần đảo Solomon nằm ngay trước cửa nhà Úc.

    Thứ Ba 24 Tháng Năm 2022, sau khi chỉ ngồi ghế thủ tướng một ngày, Anthony Albanese dự kiến gặp Tổng thống Joe Biden tại Tokyo trong hội nghị Đối thoại bộ tứ (Quadrilateral Security Dialogue), cùng Ấn Độ và Nhật.

    Cần nhắc lại, quan hệ Canberra-Bắc Kinh trở nên xấu nghiêm trọng dưới thời Thủ tướng tiền nhiệm Scott Morrison. Tháng Tư 2022, việc Ngoại trưởng Úc Marise Payne gặp tân Đại sứ Trung Quốc Tiêu Thiên (Xiao Qian) đã được xem là một bước đột phá. Suốt gần hai năm, giới ngoại giao Trung Quốc không hề nghe điện thoại của giới chức Úc. Hồ Tất Tiến, bỉnh bút của Hoàn Cầu thời báo, gọi Scott Morrison là một “thảm họa”, rằng chính phủ Morrison “gây ra quá nhiều điều tệ hại cho Trung Quốc”, và “chính quyền Công đảng của Anthony Albanese chưa chắc ngon lành hơn nhưng đầu tiên hãy để tôi ăn mừng trước thất bại của Scott Morrison và thành viên đảng ông ta”.

    Anthony Albanese chủ trương thắt chặt quan hệ với các nước Đông Nam Á. Hồi còn ngồi ghế bộ trưởng, Anthony Albanese đến Indonesia nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Anthony Albanese thậm chí cũng muốn lôi kéo tân Tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr (đứa con út Vincent của Bongbong hiện học tại Đại học Melbourne). Phần Trung Quốc, dù cảnh giác nhưng chính phủ Anthony Albanese có thể cải thiện ít nhiều quan hệ với Bắc Kinh – như nhận xét của Guo Chunmei, nhà nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử của Anthony Albanese, bà Penny Wong (Hoàng Anh Hiền) – người sẽ ngồi ghế ngoại trưởng Úc – nói rằng kế hoạch Công đảng là mở rộng quan hệ ngoại giao cũng như viện trợ cho các nước Đông Nam Á như một trong những chiến lược đối phó ảnh hưởng Trung Quốc, nhưng cùng lúc Canberra cũng không muốn gây thêm căng thẳng với Bắc Kinh.

    Cuộc thăm dò của Lowy Institute năm 2021 cho thấy người Úc nói chung ngày càng có cái nhìn tiêu cực về hệ thống chính trị lẫn hoạt động quân sự Trung Quốc (trong khi họ vẫn có cảm tình với con người và văn hóa Trung Hoa). Quan hệ Úc-Trung Quốc thật ra bắt đầu trở nên tệ từ năm 2016 khi xảy ra scandal nhốn nháo liên quan một thượng nghị sĩ Công đảng có mối quan hệ mờ ám với một đại gia Trung Quốc. Hậu quả, dưới thời Thủ tướng Malcolm Turnbull, Canberra thông qua luật cấm người nước ngoài tài trợ cho các chiến dịch tranh cử chính trị ở Úc. Tiếp đó, Úc cấm Huawei và ZTE đầu tư vào mạng 5G…


    Nếu không có gì thay đổi, bà Penny Wong sẽ là ngoại trưởng Úc (ảnh: Paul Kane/Getty Images)

    Tân Ngoại trưởng Penny Wong (Hoàng Anh Hiền)

    Bà Penny Wong (Penelope Ying-Yen Wong), sinh ngày 5 Tháng Mười Một 1968, từng là Bộ trưởng phụ trách Biến đổi Khí hậu đầu tiên của Úc từ năm 2007 đến năm 2010 trong Chính phủ Kevin Rudd; và Bộ trưởng Tài chính từ năm 2010 đến 2013 trong Nội các Julia Gillard.

    Sinh tại Malaysia với mẹ là người Úc và cha người Malaysia gốc Hoa (thuộc tộc Hakka, tức Khách Gia hoặc còn được gọi là người Hẹ), Penny Wong học tại trường Cao đẳng Scotch ở Adelaide, sau đó học Đại học Adelaide, tốt nghiệp với bằng Cử nhân Văn học và Cử nhân Luật. Trước khi tham gia Thượng viện, Wong làm luật sư và cố vấn chính trị. Năm 2008, bà trở thành người gốc Á đầu tiên có mặt trong một nội các Úc. Bà cũng là nữ nghị sĩ liên bang Úc đầu tiên công khai là người thuộc cộng đồng LGBT (lesbian, gay, bisexual, and transgender).

    Không có nhận xét nào