Header Ads

  • Breaking News

    Michael Beckley - Nỗi sợ Trung Quốc đang định hình Trật tự Thế giới Mới như thế nào? (P3). Hết

    https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/02/Enemies-of-My-Enemy-3.jpg

    Nguồn: Michael Beckley, Enemies of My Enemy – How Fear of China Is Forging a New World Order, Foreign Affairs, 14/02/2022

    Michael Beckley là Phó Giáo sư chuyên ngành Khoa học chính trị tại Đại học Tufts, và là tác giả của cuốn Unrivaled: Why America Will Remain the World’s Sole Superpower.

    Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

    Đọc lại:

    Phần 1:  Tại đây

    Phần 2:  Tại đây

    Sự va chạm giữa các hệ thống

    Lịch sử xây dựng trật tự quốc tế là một lịch sử chứa đầy những cuộc cạnh tranh tàn bạo giữa các hệ thống xung đột, không thể hợp tác hài hòa với nhau. Trong thời kỳ ‘yên bình’ nhất, cuộc cạnh tranh đó diễn ra dưới hình thức chiến tranh lạnh, hai bên tranh giành lợi thế và thăm dò lẫn nhau bằng mọi biện pháp, chỉ trừ lực lượng quân sự. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đối đầu cuối cùng trở thành chiến tranh nóng, và kết thúc với việc một bên đè bẹp bên kia. Trật tự của kẻ chiến thắng sau đó sẽ thống trị, cho đến khi nó bị phá hủy bởi một đối thủ cạnh tranh mới – hoặc cho đến khi nó đơn giản là sụp đổ, vì không có mối đe dọa từ bên ngoài nào còn tồn tại để giữ nó đứng vững.

    Ngày nay, ngày càng nhiều các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia đang kêu gọi một sự hợp tác mới giữa các cường quốc để giải quyết các vấn đề toàn cầu và phân chia thế giới thành các phạm vi ảnh hưởng. Nhưng ý tưởng về một trật tự bao trùm trong đó không tầm nhìn của cường quốc nào chiếm ưu thế là điều viển vông, chỉ có thể tồn tại trong trí tưởng tượng của những người ủng hộ chính phủ toàn cầu và các nhà lý luận hàn lâm. Hiện chỉ có hai trật tự đang được xây dựng – một do Trung Quốc lãnh đạo và một do Mỹ lãnh đạo – và cuộc cạnh tranh giữa hai trật tự này đang nhanh chóng trở thành cuộc đụng độ giữa chế độ chuyên chế và chế độ dân chủ, khi mà hai nước tự xác định mình chống lại bên kia và cố gắng truyền bá cho liên minh của mình các mục đích ý thức hệ. Trung Quốc đang tự định vị mình là người bảo vệ hệ thống thứ bậc và truyền thống của thế giới, chống lại một phương Tây suy đồi và mất trật tự. Còn Mỹ đang triệu tập, trong muộn màng, một liên minh mới, đối trọng với quyền lực của Trung Quốc và nỗ lực biến thế giới trở thành nơi an toàn cho nền dân chủ.

    Sự va chạm giữa các hệ thống này sẽ định hình lại thế kỷ 21 và phân chia lại thế giới. Trung Quốc sẽ coi trật tự dân chủ đang nổi lên là một chiến lược ngăn chặn được thiết kế để bóp nghẹt nền kinh tế và lật đổ chế độ của họ. Đáp lại, nước này sẽ tìm cách tự bảo vệ mình, bằng cách củng cố quyền kiểm soát quân sự trên các tuyến đường biển quan trọng, tạo ra các đặc khu kinh tế cho các tập đoàn của mình, đồng thời nâng đỡ các đồng minh chuyên chế trong lúc gieo rắc hỗn loạn nơi các nền dân chủ. Ngược lại, sự gia tăng đàn áp và gây hấn của Trung Quốc sẽ càng thúc đẩy Mỹ và các đồng minh xa lánh Bắc Kinh, và xây dựng một trật tự dân chủ. Để hiểu rõ hơn về vòng tròn luẩn quẩn này, hãy xem xét điều gì đã xảy ra vào tháng 03/2021, khi Canada, Anh, Mỹ và EU trừng phạt bốn quan chức Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Dù các biện pháp trừng phạt chỉ mang tính giơ cao đánh khẽ, nhưng Bắc Kinh vẫn coi chúng là một cuộc tấn công vào chủ quyền của mình nên đã phản đối ngoại giao mạnh mẽ, đi kèm là một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế. EU đã đáp trả bằng cách đóng băng Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư EU-Trung Quốc.

    Trong những năm tới, cuộc chiến thương mại và công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ – vốn bắt đầu từ thời chính quyền Trump – sẽ còn dữ dội hơn nữa khi cả hai bên đều cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. Các quốc gia khác sẽ nhận thấy rằng bảo vệ lợi ích quốc gia bằng cách duy trì liên hệ với cả hai khối [Mỹ và Trung Quốc] ngày càng trở nên khó khăn. Thay vào đó, Trung Quốc và Mỹ sẽ thúc đẩy các đối tác phải chọn phe, buộc họ phải điều chỉnh lại chuỗi cung ứng của mình, và tuân theo toàn bộ hệ sinh thái công nghệ và tiêu chuẩn của một bên nhất định. Mạng Internet sẽ bị chia đôi. Khi người ta chuyển từ trật tự này sang trật tự khác – đấy là nếu họ có thể xin được “thị thực” – người ta cũng sẽ bước vào một vùng đất kỹ thuật số khác. Điện thoại của họ, cũng như các trang web yêu thích, tài khoản email, hoặc các ứng dụng truyền thông xã hội đều sẽ không hoạt động. Chiến tranh chính trị giữa hai hệ thống sẽ ngày càng gia tăng, vì mỗi bên đều cố gắng làm suy yếu tính chính danh trong nước và sức hấp dẫn quốc tế của đối thủ cạnh tranh. Các tuyến đường biển Đông Á sẽ bị tắc nghẽn bởi các tàu chiến, và các lực lượng đối đầu sẽ thường xuyên chạm trán ở cự ly gần.

    Bế tắc sẽ chỉ kết thúc khi một bên đánh bại hoặc làm kiệt quệ bên kia. Hiện tại, lợi thế đang nghiêng về phía Mỹ, quốc gia có tài sản và năng lực quân sự mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc, đồng thời có triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong tương lai. Tính đến đầu thập niên 2030, Tập Cận Bình – một người nghiện thuốc lá, béo phì, với một công việc nhiều căng thẳng – sẽ ở tuổi 80, nếu như ông vẫn còn sống. Khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc sẽ tăng cao, dự báo quốc gia này sẽ mất khoảng 70 triệu người trưởng thành trong độ tuổi lao động, đồng thời có thêm 130 triệu người cao tuổi. Các khoản vay hàng trăm tỷ đô la của Trung Quốc ở nước ngoài sẽ đến hạn thanh toán và nhiều đối tác nước ngoài của Trung Quốc sẽ không thể hoàn trả tiền. Thật khó để tin là một quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức lại có thể duy trì trật tự quốc tế của mình một cách lâu dài, đặc biệt là khi đối mặt với kháng cự quyết liệt từ các quốc gia giàu có nhất thế giới.

    Tuy nhiên, trật tự dân chủ do người Mỹ lãnh đạo cũng không chắc có thể tồn tại. Người Mỹ có thể phải đối mặt với khủng hoảng hiến pháp trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 và rơi vào xung đột dân sự. Ngay cả khi điều đó không xảy ra, Mỹ và các đồng minh của họ vẫn có thể gặp rắc rối. Thế giới dân chủ đang trải qua cuộc khủng hoảng niềm tin và đoàn kết lớn nhất kể từ những năm 1930. Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy và làn sóng phản đối chủ nghĩa toàn cầu hóa đang trỗi dậy, gây khó khăn cho các hành động tập thể. Nhiều nền dân chủ Đông Á đang có tranh chấp lãnh thổ với nhau. Nhiều người châu Âu coi Trung Quốc là một cơ hội kinh tế hơn là một mối đe dọa chiến lược, và nghiêm túc nghi ngờ độ tin cậy của Mỹ với tư cách là một đồng minh, sau khi đã phải gánh bốn năm thuế quan nặng nề và chịu đựng sự khinh miệt từ Tổng thống Donald Trump, người có thể sẽ sớm trở lại cầm quyền. Người châu Âu cũng có quan điểm khác với người Mỹ về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, và các chính phủ châu Âu lo ngại sự thống trị công nghệ của Mỹ cũng nhiều như lo ngại sự bá chủ kỹ thuật số của Trung Quốc. Ấn Độ có thể chưa sẵn sàng từ bỏ chính sách không liên kết truyền thống của mình để ủng hộ một trật tự dân chủ, đặc biệt là khi nước này đang trở nên đàn áp hơn đối với các vấn đề trong nước. Một trật tự được xây dựng xoay quanh giá trị dân chủ cũng sẽ chật vật khi hình thành quan hệ đối tác hữu ích với các chế độ chuyên chế vốn là đối tác quan trọng trong bất kỳ liên minh chống Trung Quốc nào, chẳng hạn như Singapore và Việt Nam. Nỗi sợ hãi Trung Quốc là một động lực mạnh mẽ, nhưng nó có thể không đủ mạnh để che đậy những rạn nứt tồn tại trong liên minh chống Trung Quốc đang nổi lên.

    Nếu liên minh đó không củng cố được trật tự quốc tế của mình, thì thế giới sẽ dần rơi vào tình trạng vô chính phủ, một cuộc đấu tranh giữa các cường quốc bất hảo và các khối khu vực, nơi kẻ mạnh làm bất cứ những gì mình có thể, còn kẻ yếu chấp nhận những gì họ phải chấp nhận. Một số học giả giả định – hoặc hy vọng – rằng một thế giới không có trật tự sẽ tự tìm ra trật tự cho mình, rằng các cường quốc sẽ tạo ra những phạm vi ảnh hưởng ổn định và né tránh xung đột, hoặc sự lan rộng của thương mại quốc tế và những ý tưởng khai sáng sẽ tự nhiên giúp duy trì hòa bình và thịnh vượng toàn cầu. Nhưng hòa bình và thịnh vượng không tự nhiên mà có. Chúng là kết quả của sự hợp tác bền vững giữa các cường quốc – nghĩa là của một trật tự quốc tế.

    Đặt niềm tin vào dân chủ

    Lịch sử cho thấy rằng các thời kỳ đa cực ‘lỏng’ (fluid multipolarity) thường kết thúc trong thảm họa, bất kể ý tưởng có đột phá hay công nghệ có tiên tiến thế nào ở thời điểm đó. Giai đoạn sau của thế kỷ 18 chứng kiến đỉnh cao của thời kỳ Khai sáng ở châu Âu, trước khi lục địa này rơi vào địa ngục của Chiến tranh Napoléon. Vào đầu thế kỷ 20, những bộ óc nhạy bén nhất của thế giới đã dự đoán về sự kết thúc của xung đột giữa các cường quốc, khi đường sắt, cáp điện báo và tàu hơi nước giúp các quốc gia xích lại gần nhau hơn. Thế nhưng cuộc chiến tồi tệ nhất trong lịch sử lại nhanh chóng nổ ra sau đó. Một thực tế đáng buồn và đầy nghịch lý là các trật tự quốc tế giữ vai trò tối quan trọng nhằm ngăn chặn hỗn loạn, nhưng chúng thường chỉ xuất hiện trong thời kỳ cạnh tranh giữa các cường quốc. Cạnh tranh với Trung Quốc là cuộc cạnh tranh đầy rủi ro đối với Mỹ và các đồng minh, nhưng đó có thể là cách duy nhất để tránh những mối nguy lớn hơn.

    Để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, Mỹ và các đồng minh sẽ cần phải có một cái nhìn sáng suốt hơn về lợi ích của mình, so với những gì họ làm từ hồi Chiến tranh Lạnh. Khi ấy, lợi ích kinh tế của họ kết hợp chặt chẽ với lợi ích địa chính trị. Đơn giản thì lòng tham, chứ không phải thứ gì khác, có thể buộc các quốc gia tư bản liên kết với nhau để bảo vệ tài sản tư nhân trước sự tấn công dữ dội của chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, giờ đây, sự lựa chọn không còn đơn giản như vậy nữa, bởi vì ngáng đường Trung Quốc sẽ dẫn đến những hệ lụy kinh tế đáng kể, đặc biệt là trong ngắn hạn. Nhưng cái giá đó có thể thấp hơn nhiều so với việc duy trì hoạt động kinh tế dài hạn với Bắc Kinh – ước tính, gián điệp Trung Quốc đã tước đoạt của chỉ riêng nước Mỹ khoảng 200 tỷ đến 600 tỷ USD mỗi năm – chưa nói đến vấn đề đạo đức và rủi ro địa chính trị khi hợp tác với một chế độ toàn trị tàn bạo với tham vọng của chủ nghĩa phục thù. Tuy nhiên, khả năng tính toán sáng suốt khi đối đầu với Trung Quốc dường như vượt quá khả năng của riêng bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là những nước phân cực như Mỹ và nhiều đồng minh dân chủ của họ.

    Hy vọng, nếu có, đang nằm trong một cam kết mới đối với các giá trị dân chủ. Mỹ và các đồng minh có chung nguyện vọng về một trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc dân chủ, và được ghi nhận trong các hiệp định và luật pháp quốc tế. Cốt lõi của một trật tự như vậy đang được rèn giũa trong ‘lò lửa’ cạnh tranh với Trung Quốc và có thể được uốn nắn thành một trật tự khai sáng nhất mà thế giới từng chứng kiến – một thế giới tự do đích thực. Nhưng để đạt được điều đó, Mỹ và các đồng minh sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc, và cùng nhau tiến về phía trước, trong một cuộc đấu tranh dài đằng đẵng.

    https://nghiencuuquocte.org


    Không có nhận xét nào