Phần 1
Trật tự thế giới đang sụp đổ, và ai cũng có ý kiến riêng về việc giải quyết tình trạng này. Một số người cho rằng Mỹ chỉ cần tái khởi động nỗ lực lãnh đạo trật tự tự do mà nước này đã giúp thiết lập từ 75 năm trước. Số khác nói rằng các cường quốc cần chung tay hướng dẫn cộng đồng quốc tế bước vào kỷ nguyên mới của hợp tác đa cực. Lại cũng có những người vẫn kêu gọi phân chia thế giới thành những vùng ảnh hưởng nhất định. Điểm chung của tất cả các quan điểm này là giả định rằng quản trị toàn cầu là thứ có thể được thiết kế và áp chế từ trên xuống. Với kỹ năng ngoại giao khôn ngoan và hàng loạt các hội nghị thượng đỉnh, ‘khu rừng’ thế giới sẽ có thể được chuyển hóa thành đất trồng trọt. Xung đột lợi ích và những thù hằn lịch sử cũng có thể được thương lượng gạt bỏ và thay thế bằng hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, lịch sử trật tự quốc tế ghi nhận rất ít những trường hợp giải pháp hợp tác chỉ đạo từ trên xuống thành công. Những trật tự bền vững nhất trong lịch sử hiện đại – từ Hòa ước Westphalia thế kỷ 17 đến trật tự quốc tế tự do của thế kỷ 20 – đều không phải là những tổ chức quốc tế làm việc hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại. Thay vào đó, chúng là những liên minh được lập bởi các cường quốc để tiến hành cạnh tranh an ninh chống lại các đối thủ chính của họ. Nỗi sợ hãi và thù ghét một kẻ thù chung, chứ không phải những lời kêu gọi làm thế giới tốt đẹp hơn, đã giúp những trật tự này đứng vững. Các thành tựu xuyên quốc gia, nếu có thể đạt được, cũng chủ yếu là sản phẩm phụ từ hợp tác an ninh, kiểu hợp tác sẽ bền lâu miễn là mối đe dọa chung còn hiện hữu và còn có thể giải quyết được. Khi mối họa này biến mất, hoặc trở nên lớn quá sức, trật tự sẽ sụp đổ. Ngày nay, trật tự tự do đang bắt đầu lung lay vì nhiều lý do, nhưng về cơ bản là bởi vì mối đe dọa mà nó vốn dĩ được thành lập để chống lại – Liên Xô cộng sản – đã tan rã từ ba thập niên trước. Không một trật tự nào được đề xuất để thay thế trật tự hiện hành đã thực sự thành công, vì đơn giản là chưa có kẻ thù nào đủ đáng sợ, đủ nguy hiểm để khơi nguồn cho một sự cộng tác đủ dài lâu giữa các tác nhân chính trên trường quốc tế.
Cho đến nay, qua một loại các động thái đàn áp và hung hăng, Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia khắp nơi trên thế giới phải hoảng sợ. Nước này đã hành động hung hăng tại Đông Á, cố gắng tìm mọi cách để tạo ra một khu vực kinh tế riêng trong nền kinh tế thế giới, và xuất khẩu các hệ thống kỹ thuật số có khả năng khiến chủ nghĩa độc tài trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, một số lượng lớn các quốc gia phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp đến an ninh, thịnh vượng và lối sống của họ – tất cả đều xuất phát từ một nguồn duy nhất.
Sự giác ngộ đã dẫn đến một loạt phản ứng. Các nước láng giềng của Trung Quốc đang tăng cường vũ trang và liên kết với cường quốc ngoài khu vực nhằm đảm bảo an ninh cho lãnh thổ và các tuyến đường biển của mình. Nhiều trong số các nền kinh tế lớn nhất đang cùng nhau phát triển các tiêu chuẩn thương mại, đầu tư và công nghệ chung nhằm phân biệt đối xử ngầm với Trung Quốc. Các nền dân chủ đang tập hợp để lập ra những chiến lược nhằm chống lại chủ nghĩa độc tài trong và ngoài nước, đồng thời, các tổ chức quốc tế mới đang liên tục được thành lập để triển khai những chiến lược này. Có thể ở thời điểm hiện tại, những nỗ lực này trông rất lộn xộn. Tuy nhiên, nếu chúng ta chịu nhìn xa khỏi những tiểu tiết, thì một bức tranh toàn cảnh sẽ dần sáng tỏ, rằng cuộc đối đầu với Trung Quốc đang định hình một trật tự thế giới mới, dù tốt hay xấu.
Trật tự mang tính loại trừ
Những người theo tư tưởng tự do hiện đại gắn trật tự quốc tế với hòa bình và sự hòa hợp. Nhưng, trong lịch sử, các trật tự quốc tế thường là nhằm cầm chân kẻ thù, chứ không phải để tập hợp mọi người lại cùng nhau. Như lập luận của nhà lý thuyết quan hệ quốc tế Kyle Lascurettes, các trật tự chính trong bốn thế kỷ vừa qua đều là các “trật tự mang tính loại trừ” (orders of exclusion) mà các cường quốc thống trị lập ra để tẩy chay và vượt mặt đối thủ. Thiết lập trật tự không phải là nhằm kiềm chế xung đột địa chính trị, mà là chính trị cường quyền dưới một lớp áo khác, một cách thức khác để ngăn chặn kẻ thù, tiết kiệm chi phí hơn mà không cần đến chiến tranh.
Nỗi sợ hãi kẻ thù, không phải niềm tin vào bằng hữu, mới là nền tảng cho trật tự của từng thời kì, và các thành viên sẽ phát triển một bộ quy ước chung bằng cách xác định mình ở phe đối đầu với kẻ thù. Qua đó, họ cũng khai thác bản năng nguyên thủy của con người khi tham gia hành động tập thể. Các nhà xã hội học gọi đây là “động lực trong nhóm/ngoài nhóm” (in-group/out-group dynamic). Các nhà triết học gọi đây là “Định lý Sallust” (Sallust’s theorem) – theo tên vị sử gia cổ đại, người đã chỉ ra rằng chính sự sợ hãi Thành Carthage đã khiến các thành viên Cộng hòa La Mã hợp tác với nhau. Trong khoa học chính trị, khái niệm tương tự là “trung thành tiêu cực” (negative partisanship), chỉ xu hướng xuất hiện ở một nhóm cử tri, những người trở nên cực kỳ trung thành với một đảng phái nào đó chỉ vì họ ghét đảng đối thủ.
Xu hướng tiêu cực này đã bao trùm xuyên suốt lịch sử trật tự thế giới. Năm 1648, các vương quốc giành chiến thắng trong Chiến tranh 30 Năm đã áp đặt quy tắc về quốc gia có chủ quyền qua Hòa ước Westphalia, nhằm làm suy yếu quyền lực của Giáo Hội Công Giáo và Đế chế La Mã Thần thánh. Vương quốc Anh và các đồng minh soạn thảo Hiệp ước Utrecht năm 1713 để kiềm chế nước Pháp, bằng cách hủy bỏ tính chính danh của những lần mở rộng lãnh thổ qua hôn nhân giữa các thành viên hoàng gia và liên minh giữa các triều đình, vốn là phương pháp gia tăng quyền lực ưa thích của vua Louis XIV. Hòa hợp Quyền lực châu Âu, trật tự hòa bình hậu Napoleon được lập ra tại Vienna năm 1815, đã được các chế độ quân chủ bảo thủ sử dụng để ngăn chặn sự trỗi dậy của các chế độ tự do cách mạng. Các bên chiến thắng trong Thế chiến I đã duy trì một trật tự nhằm kiểm soát Đức và nước Nga Bolshevik. Sau Thế chiến II, quân Đồng Minh thiết kế một trật tự toàn cầu lấy trọng tâm là Liên Hiệp Quốc, nhằm ngăn chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa trọng thương kiểu Đức Quốc Xã quay trở lại. Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh dần phá vỡ trật tự đó, phương Tây lại tạo ra một trật tự riêng biệt nhằm cô lập và đánh bại chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Trong suốt giai đoạn Chiến tranh Lạnh, thế giới đã bị phân thành hai trật tự: nửa giàu hơn do Washington lãnh đạo, và nửa nghèo hơn đi theo Moscow.
Các đặc điểm chính của trật tự tự do ngày nay có nguồn gốc từ các liên minh thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ. Sau khi Liên Xô quyết định không tham gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, và Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT), các thể chế này đã được tái tổ chức theo hướng trở thành những hạt nhân xúc tiến sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản – mục đích thứ nhất của chúng là xây dựng lại nền kinh tế tư bản, và thứ hai là thúc đẩy toàn cầu hóa. Kế hoạch Marshall đặt ra nền tảng cho Cộng đồng châu Âu bằng những khoản viện trợ từ Mỹ cho bất kỳ chính quyền nào đồng ý trục xuất mọi đảng viên cộng sản ra khỏi đội ngũ của mình, và hướng đến một “liên bang kinh tế” (economic federation). NATO trở thành một mặt trận thống nhất chống lại Hồng Quân. Chuỗi đồng minh tại Đông Á của Mỹ được dựng lên nhằm kiềm chế sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản tại khu vực này, đặc biệt là nhằm ngăn chặn Trung Quốc và Triều Tiên. Sự hợp tác của Mỹ với Trung Quốc, kéo dài từ thập niên 1970 đến tận những năm 2010, là một ván bài nhằm chia rẽ Xô-Trung.
Mỗi sáng kiến trong số này đều là một thành phần của trật tự được tạo lập trước tiên nhằm đánh bại Liên Xô. Nếu thiếu vắng những mối đe dọa Chiến tranh Lạnh, Nhật và Tây Đức hẳn đã chẳng chấp nhận để Mỹ đóng quân lâu dài trên đất nước mình. Anh, Pháp, Đức hẳn đã chẳng cùng nhau đóng góp tài nguyên công nghiệp. Mỹ – quốc gia đã trốn tránh mọi cam kết quốc tế và dùng thuế quan để đóng cửa nền kinh tế suốt hai thế kỷ trước đó – hẳn đã chẳng dốc sức tài trợ cho các thể chế quốc tế; cũng chẳng cung cấp các bảo đảm an ninh, các khoản viện trợ khổng lồ và mở cửa thị trường cho hàng tá nước, kể cả những cựu thù phe Trục. Chỉ có mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân và một siêu cường cộng sản mới có thể khiến đông đảo các quốc gia tạm dẹp xung đột lợi ích và thù hằn lịch sử sang một bên, để xây dựng một cộng đồng an ninh mạnh mẽ nhất và một chế độ thương mại tự do nhất trong lịch sử.
Oằn mình dưới áp lực
Suốt hàng chục năm, Mỹ và các đồng minh vẫn luôn biết rõ mình đang ‘chiến đấu’ vì điều gì và kẻ thù là ai. Nhưng khi Liên Xô sụp đổ, mối đe dọa lớn nhất đã biến mất, nhường chỗ cho một loạt những mối đe dọa nhỏ hơn. Trong môi trường hậu Chiến tranh Lạnh còn mới mẻ và bất định, các đồng minh phương Tây quyết định quay trở về với những thành công của quá khứ. Thay vì xây dựng một trật tự mới, họ lựa chọn củng cố thứ sẵn có. Kẻ thù cũ có thể tan rã, nhưng sứ mệnh thì vẫn giữ nguyên: đó là mở rộng cộng đồng dân chủ thương mại tự do. Trong vòng ba thập niên tiếp theo, họ nỗ lực biến trật tự tự do phương Tây trở thành một trật tự toàn cầu. Số lượng thành viên NATO tăng lên gần gấp đôi. Cộng đồng châu Âu dần phát triển thành EU, một liên minh kinh tế toàn diện với số nước thành viên cũng tăng lên hơn gấp đôi. GATT được chuyển hóa thành Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hoan nghênh hàng chục thành viên mới gia nhập, mở ra một giai đoạn siêu toàn cầu hóa (hyperglobalization) chưa từng có tiền lệ.
Tuy nhiên, mọi thứ đã chẳng thể tồn tại lâu. Trật tự tự do, giống như các trật tự quốc tế khác, cũng chỉ là một dạng ‘đạo đức giả có tổ chức’ vốn mang sẵn trong mình mầm mống tự diệt vong. Để hình thành một cộng đồng gắn kết, những người xây dựng trật tự buộc phải loại trừ những dân tộc thù địch, đưa hành vi bất hợp tác ra ngoài vòng pháp luật, và đàn áp các ý kiến ở trong nước chống đối việc thiết lập các quy tắc quốc tế. Những hành động trấn áp này sau cùng cũng phản tác dụng. Giữa thế kỷ 19, phản ứng xuất hiện dưới dạng một làn sóng cách mạng tự do, xóa bỏ sự thống nhất và sự chặt chẽ về ý thức hệ của các triều đại trong Hòa hợp Quyền lực châu Âu. Trong thập niên 1930, các quốc gia phát xít bất mãn đã phá hủy trật tự tự do giữa hai cuộc thế chiến – vốn là thứ đang ngáng đường tham vọng đế quốc của họ. Đến cuối thập niên 1940, Liên Xô đã mạnh mẽ bác bỏ trật tự toàn cầu mà chính nước này từng giúp dàn xếp chỉ vài năm trước đó, liên tục bành trướng lãnh thổ tại Đông Âu bất chấp những điều khoản trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Đại diện Liên Xô ở tổ chức này thậm chí còn chế giễu, gọi Hệ thống Bretton Woods là “chi nhánh của Phố Wall”. Xét đến bản chất loại trừ của các trật tự thế giới, việc kích động đối đầu là điều không thể tránh khỏi.
Nhiều cá nhân phương Tây từ lâu đã tin tưởng rằng trật tự tự do sẽ là một ngoại lệ của lịch sử. Cam kết cởi mở và không phân biệt đối xử của hệ thống này được cho là sẽ giúp nó “khó lật đổ, nhưng dễ gia nhập” – trích lập luận của nhà khoa học chính trị G. John Ikenberry trong một bài luận công bố năm 2008. Bất kỳ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, đều có thể tham gia nền kinh tế toàn cầu hóa. Các thể chế tự do có thể phù hợp với mọi thành viên – ngay cả những thành viên phi tự do, những nước vẫn có khả năng thay đổi dần dần thành các bên liên quan có trách nhiệm. Càng có nhiều thành viên, thì ‘vòng tròn phát triển’ càng hiện rõ: thương mại tự do sẽ tạo ra thịnh vượng, thịnh vượng giúp truyền bá dân chủ, dân chủ giúp nâng cao hợp tác quốc tế, hợp tác quốc tế lại dẫn đến nhiều trao đổi thương mại. Quan trọng nhất là trật tự này không gặp phải cản trở lớn nào, bởi kẻ thù mạnh nhất đã bị đánh bại. Hồi kết của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô gửi đi một thông điệp rõ ràng, rằng chẳng gì đủ sức thay thế dân chủ tư bản chủ nghĩa.
Tiếc thay, đó là những giả định sai lầm. Trật tự tự do, về bản chất, mang tính loại trừ sâu sắc. Bằng cách khuyến khích thị trường tự do, mở cửa biên giới, tăng cường dân chủ, các thể chế siêu quốc gia và sử dụng lí trí để giải quyết vấn đề, trật tự này đã thách thức các niềm tin và thể chế truyền thống, vốn là cơ sở thống nhất các cộng đồng bao thế kỷ qua: chủ quyền quốc gia, chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, thị tộc, gia đình. Những mối dây liên kết cục bộ này đã bị kìm nén trong Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và các đồng minh buộc phải giữ vững thành trì thống nhất nhằm ngăn chặn Liên Xô. Tuy nhiên, chúng đã nổi lên một lần nữa trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh. “Chúng tôi sẽ làm một điều tồi tệ với các anh” – quan chức Liên Xô Georgi Arbatov nói trước một cử tọa người Mỹ vào năm 1988. “Chúng tôi sẽ tước mất kẻ thù của các anh.” Tiên đoán ấy quả thực chính xác. Khi không còn kẻ thù chính yếu, trật tự tự do đã chứng kiến sự trỗi dậy của hàng loạt những kẻ đối lập theo chủ nghĩa dân tộc, dân túy, tôn giáo và độc tài.
Rất nhiều trụ cột của trật tự tự do đang phải oằn mình dưới áp lực. NATO lục đục vì những tranh cãi liên quan đến chia sẻ gánh nặng. EU suýt chút nữa đã tan rã trong khủng hoảng khu vực đồng euro, và trong những năm sau đó, tổ chức này đã mất Anh, đồng thời phải đối mặt với sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu bài ngoại trên khắp lục địa. Vòng đàm phán thương mại đa phương gần nhất của WTO cũng đã kéo dài tận 20 năm mà chẳng đi đến thỏa thuận nào, còn Mỹ thì đang làm tê liệt cốt lõi của tổ chức này – Tòa Phúc thẩm (Appellate Court), nơi mà các quốc gia giải quyết tranh chấp giữa họ với nhau – vì WTO đã không chịu giải quyết vấn đề các rào cản phi thuế quan của Trung Quốc. Nhìn tổng thể, trật tự tự do dường như không được trang bị kỹ lưỡng để giải quyết những vấn đề cấp bách trên toàn cầu, như biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính, dịch bệnh, thông tin sai lệch trên mạng, dòng người tị nạn và chủ nghĩa cực đoan chính trị, rất nhiều trong số này có thể được coi là hậu quả trực tiếp từ một hệ thống mở, chủ trương không có bất kỳ ràng buộc nào đối với dòng tiền, hàng hóa, thông tin và dịch chuyển nhân sự xuyên biên giới.
Các nhà hoạch định chính sách từ lâu đã thừa nhận những vấn đề này. Tuy nhiên, không có ý tưởng cải tạo hệ thống nào được ủng hộ, đơn giản bởi vì xây dựng một hệ thống mới là quá tốn kém. Việc đó đòi hỏi giới lãnh đạo, thay vì dùng thời gian và tiền bạc để theo đuổi chương trình nghị sự cá nhân, phải dùng chúng để thúc đẩy các thảo luận về quy tắc quốc tế và thuyết phục công chúng còn hoài nghi. Nó cũng đòi hỏi các quốc gia phải đưa lợi ích tập thể lên trên lợi ích quốc gia, và tin tưởng rằng những nước khác cũng sẽ làm như vậy. Những hành động này không tự nhiên mà có, và đó là lý do tại sao việc thiết lập trật tự lại cần phải có một kẻ thù chung. Ba mươi năm qua, kẻ thù duy nhất đó đã vắng bóng, và kết quả là, trật tự tự do cứ thế ngày một lung lay.
(Còn tiếp 2 phần)
Gồm 3 phần
Nguồn: Michael Beckley, Enemies of My Enemy – How Fear of China Is Forging a New World Order, Foreign Affairs, 14/02/2022
Michael Beckly là Phó Giáo sư chuyên ngành Khoa học chính trị tại Đại học Tufts, và là tác giả của cuốn Unrivaled: Why America Will Remain the World’s Sole Superpower.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Không có nhận xét nào