(Nguồn: Tập san ĐA HIỆU số 121- Tháng 1/2022)
Tôi lấy đề tài bài hồi ký này là “Bạch Y Thương Cẩu” do tâm đắc vào ý thơ của nhà thơ Đỗ Phủ trong bài Khả Thán:
“Thiên thượng phù vân như bạch y,
Tu du hốt biến vi thương cẩu.”
(“Trời có đám mây bay hình tựa như chiếc áo trắng,
Phút chốc đám mây biến thành hình con chó màu xanh.”)
Câu này có ý nói đời là vô thường biến đổi không lường, từng giây từng phút.
Thực ra trong bài này, tôi muốn viết về một người tù đặc biệt mà tôi đã gặp trong trại tù “cải tạo”. Tôi và anh ta ở hai chiến tuyến khác nhau trước đây, nhưng khi gặp anh ta, cùng chung số phận và cùng khổ trong chốn lao tù Cộng Sản, chúng tôi quên chuyện trước đây mà nay chỉ biết tình cảm của con người. Chúng tôi còn có cơ may hiểu nhau hơn và tôn trọng nhau. Dù không nói ra nhưng hầu như về sau nầy chúng tôi đã nhận ra như cùng chung chiến tuyến, đúng như mây bay trên trời chuyện đời vô thường đố ai biết được.
Câu chuyện về “Người Tù Đặc Biệt” xin sẽ nói sau.
Ngày Ba Mươi tháng Tư năm 1975 Cộng Sản Bắc Việt xâm chiếm toàn miền Nam, Tổng Thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng. Hy vọng lật ngược thế cờ đã chết tức tưởi trong tôi từ ngày ấy. Ngày 15 tháng 6 năm 1975, tôi và đồng đội đành thất thủ trình diện Uỷ Ban Quân Quản thành phố Sài Gòn để đi ở tù. Tâm tư của tôi nặng trĩu khi nghĩ đến vợ con côi cút, neo đơn ở lại với quân thù. Tôi nghĩ đến ngày về chắc xa lắm. Nhưng liệu có ngày đó không? Con đường chúng tôi đi từ đó đã trải qua biết bao bao khổ ải, nhưng tôi chưa hề oán trách một số đồng đội đã bỏ chúng tôi ra đi tìm nơi an trú ở nước ngoài, trong khi chúng tôi thề ở lại chiến đấu đến hơi thở cuối cùng với bọn Cộng Sản Bắc Việt bạo tàn.
Đêm 16/6/1975, chúng nhồi nhét chúng tôi lên các xe tải bịt bùng, chạy vòng vèo nhằm đánh lạc hướng, điểm đến cuối cùng là Long Giao. Chỉ nội đêm đó tôi nghe như đã có người chết vì nghẹt thở. Ở Long Giao được hai tháng, chúng tôi được đưa lên tàu Sông Hương từ bến cảng Sài Gòn để đưa ra Bắc. Tại đây, chúng tôi được chia thành từng toán hai trăm năm chục người đưa lên tàu lửa trực chỉ lên Yên Báy qua phà Ô Lâu, đi bộ hai ngày đường nhập vào rừng núi Tây Bắc. Về sau, tôi mới biết rải rác nơi đây có nhiều trại tù giam giữ hàng ngàn sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa đưa từ miền Nam ra.
Trại giam Liên Hoàng gồm nhiều phân trại có tên Hồng Ca do Bộ Công An quản lý thuộc huyện Trấn Yên tỉnh Yên Báy. Phân trại của tôi nằm sát đường lên Cổng Trời, địa danh do anh em tù “cải tạo” đặt tên. Nơi đây rừng núi âm u, buổi sáng nghe chim ca “ở mãi không về” tối đến chúng lại hót “chết đi sống lại” nghe mà buồn thúi ruột. Đúng là địa ngục trần gian. Tôi đã từng chứng kiến đồng đội của tôi ngã gục vì đói, vì bệnh, vì bị kẻ thù ngược đãi. Những ngôi mộ chôn họ được đánh dấu bằng từng viên đá ghép lại, hoặc bằng một khúc cây do đồng đội xót thương ghi dấu.
Từ trong cái chết hàng ngày rình rập, tôi bỗng nhiên bình tĩnh. Khát vọng “sống” đã đánh thức tôi hơn bao giờ. Đã có lúc tôi sáng tác các vần thơ chắp nối trong đầu tôi, trong đó thơ nhắc đến vợ tôi, các con tôi: Nguyên Nhỵ Tam Lan Tứ My. Trong khoảnh khắc đó, tâm hồn tôi vẫn còn lưu chút lãng mạn khi nghĩ đến tình yêu với người vợ dấu yêu năm xưa. Tôi đang hoài vọng quên cả bên ma thiêng quỷ dữ:
Tìm em mãi tận Cổng Trời
Bởi chân em vốn là người cõi Tiên
Trải qua trăm suối ngàn đèo
Chỉ mây ôm núi sương chèn lối đi.
Phải rồi, trong cảnh tù đày này có ai nghĩ đến ngày về. Thành ra ngày về gặp vợ con xa vời lắm thế thì được gặp vợ cũng khó như gặp Tiên trên trời vậy! Đó là ký ức về “Cổng Trời” của tôi, đã đến đó thì khó về. Tôi nghe đâu trại tù Cổng Trời tử thần khét tiếng ở tỉnh Hà Giang cũng nằm không xa nơi tôi bị giam giữ, vì Yên Báy giáp ranh với Hà Giang.
Trong không gian cô quạnh của rừng núi miền Việt Bắc, nhiều đêm thao thức tự xét mình, tôi cảm thấy không làm lỗi lầm gì khiến tôi phải ân hận trước cảnh nước mất nhà tan, sông sầu núi thảm vào tay Cộng quân xâm lược. Trong gần mười năm phục vụ trong quân đội, với ba năm hành quân chiến đấu ngoài bưng biền và gần bảy năm giữ chức vụ Sĩ Quan Kế Hoạch Hành Quân cấp quân đoàn, tôi phục vụ quân đội với tinh thần trong sáng của một sĩ quan xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Tôi không biết tham nhũng, hối lộ là gì.
Ngay cả khi tôi có cơ hội giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận Buôn Mê Thuột, gia đình tôi vẫn sống kham khổ trong phạm vi lương hằng tháng eo hẹp có được của tôi. Hai vợ chồng tôi chia sẻ mấy con cá nhỏ cho các con tôi trong các bữa ăn, mà thời đó với chức vụ chỉ huy trưởng một trung tâm Tiếp Vận lớn cỡ như Buôn Mê Thuột về vật chất tôi muốn gì cũng có được. Tôi vô cùng biết ơn vợ tôi không se sua, chịu khó gói ghém đồng lương ít ỏi của tôi cho qua ngày, không hề xúi dục tôi làm bậy để kiếm tiền bất hợp pháp.
Khoảng thượng tuần tháng 11 năm 1978, Cộng Sản Hà Nội đánh hơi Bắc Kinh sẽ xua quân xâm chiếm Việt Nam trong thời gian sắp tới, chừng đôi ba tháng nữa thôi. Do đó Hà Nội đã gấp rút di chuyển các trại tù “cải tạo” về phía Nam, tránh xa vùng chiến địa gần biên giới với Trung – Việt. Vào đầu tháng 1/1979, trại tôi được di chuyển về trại giam Số 3, nằm trong khu vực rừng núi phía Tây, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, do Cục 10 Bộ Công An điều khiển. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược Trung Quốc ồ ạt đánh chiếm toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.
Đến trại 3 Tân Kỳ, tôi được vào đội rau xanh, chuyên sản xuất rau cho trại. Sau một ngày lao động ngoài trời, buổi chiều khi hoàng hôn sắp tắt tất cả tù viên vào “chuồng” (phòng nhốt tù được các tù nhân ví như chuồng nhốt súc vật). Cũng như ở trại cũ ngoài Yên Báy, sau khi vào chuồng một số anh em ốm đau đến nhờ tôi cạo gió, hoặc châm cứu (dùng lá ngải cứu phơi khô quấn thành điếu thuốc đốt lên rồi dí đầu lửa gần huyệt đạo bệnh nhân trong vòng ba mươi giây, thường là á huyệt), bởi vì trong tình trạng ốm đau giữa chốn núi rừng không có thuốc men. Tôi trị bệnh như vậy phần nào an ủi anh em ốm đau. Có thể vì yếu tố tâm lý, sáng ra nhiều anh vui vẻ bắt tay tôi bảo rằng họ đã khá rồi, hết bệnh rồi. Tôi mát tay quá. Tôi thầm cám ơn Trời Phật đã độ trì cho các anh.
Cũng do việc tôi trị bệnh cho anh em tù nhân trong buồng hằng đêm, cán bộ trại biết được gọi tôi lên có ý cho tôi làm việc ở trạm xá, nhưng tôi thú thật tôi chẳng biết gì về y tế, chỉ biết chút ít về cạo gió đốt huyệt sơ sài mà thôi. Nghe vậy họ cho tôi trở lại đội rau xanh.
Tôi có vài kỷ niệm trong thời gian tôi làm “lang băm”. Kỷ niệm tôi nhớ nhất là khi tôi đốt huyệt cho Thạch Tròn, vốn là người Miên nguyên thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến. Anh ta rất khỏe, đi rừng chỉ mặc chiếc quần đùi và cái áo cộc ngắn. Anh ta đi chân không, vì gai tre rừng đối với anh ta là chuyện nhỏ. Thế mà một buổi chiều tối khi cửa chuồng vừa khóa lại, anh vội vã mò đến chỗ tôi. Thấy dáng anh không được khỏe như các ngày thường, tôi chưa kịp hỏi thì anh đã mệt nhọc lên tiếng:
– “Toản ơi! Chắc ‘tau’ (tiếng địa phương có nghĩa là tao) chết quá. Sao tau khó thở và cảm thấy đau trong lòng ngực. Toản có cách chi cứu tau với.”
Tôi nghĩ bụng với bệnh nầy bác sĩ thứ thiệt cũng phải bó tay. Thuốc đâu? Dụng cụ y khoa đâu mà trị? Nhưng không lẽ để anh đau đớn tuyệt vọng, mặc dầu tôi đâu có gì ngoài mấy điếu ngải cứu. Trong tâm tôi ngay lúc đó nhóm lên một niềm tin rằng cơn đau của anh ta rồi sẽ hết. Tôi đốt cháy điếu ngải cứu, rồi dí sát vào điểm đau trên ngực (á huyệt) của anh ta. Đầu ngải cứu chạm sát vào da anh ta đến nỗi tôi nghe như có mùi khét. Tôi giật mình nhích mũi thuốc ra xa, rồi tiếp tục cứu. Hồi lâu cơn đau giảm dần anh ta bắt đầu đi vào giấc ngủ êm.
Sáng ra, anh đến gặp tôi, vui vẻ như không có gì xảy ra, và cám ơn tôi. Khi được tôi hỏi vết da bị bỏng hôm qua có đau lắm không, anh cười trả lời, “Chuyện nhỏ.” Tôi nghĩ chỉ có Thạch Tròn mới chịu đựng được đòn “tra tấn” cháy da đó mà thôi. Đây là một kỷ niệm nhớ đời khi tôi trở thành một “lang băm” bất đắc dĩ trong trại tù. Dầu ở tù ở trại Hồng Ca Yên Báy, hay ở trại Số 3 Tân Kỳ Nghệ An tôi đều giữ tâm nguyện cứu mình và cứu người. Cho dù khổ cực cách mấy, tôi không bi quan tuyệt vọng, với bạn tù tôi giúp đỡ an ủi những lúc họ bị ốm đau. Tôi mong ngày mai trời lại sáng và mọi người sẽ về sum họp bên vợ bên con, quốc nạn nhất định sẽ qua đi.
Tháng 5 năm 1981, hơn nửa tù nhân thuộc Phân Trại 3 của tôi được đưa vào trại Z30D tại Hàm Tân-Thuận Hải. Tại đây tôi và bạn tù Trương Đình Tu được phân công chăm sóc vườn thuốc Nam, kiêm vệ sinh khu trạm xá. Trong vườn thuốc Nam rộng hơn một công đất, chúng tôi trồng nhiều cây thuốc, chủ yếu là sâm đại hành và xuyên tâm liên.
(Một loại thuốc được quảng cáo trị bách bệnh, sốt cũng uống, ho cũng uống, v.v… Trong tình cảnh vô cùng thiếu thốn không có thuốc men thì người bệnh không còn chọn lựa nào khác. Xuyên Tâm Liên cũng có một số hiệu quả và là phao cứu cuối cùng. )
Bất cứ công an nào của trại có dịp về Bắc thăm gia đình cũng đều gặp chúng tôi để xin một ít sâm đại hành về làm quà cho ông bà già, vì sâm đại hành ngâm rượu uống vào bồi bổ cơ thể và trị được chứng đau nhức. Chúng tôi tổ chức lai giống, canh tân lại vườn thuốc Nam trông rất thứ lớp và đẹp khiến mọi người khi thấy đều trầm trồ khen ngợi. Dần dà, khoảng ba tháng sau tôi gặp người tù đặc biệt, mà tôi đang viết trong hồi ký nầy.
Vào một buổi trưa, tôi và Trương Đình Tu đang lau chùi vệ sinh trạm xá thì nhận được lệnh buổi chiều đúng ba giờ chúng tôi lên Bộ chỉ huy trại gặp tên trung úy công an phụ trách an ninh trại để làm việc. Tôi cảm thấy lo lắng nhưng Tu có vẻ lo lắng nhiều hơn tôi. Nhưng mà lo lắng cũng phải thôi, gặp ai không gặp gặp phải tên trung úy công an phụ trách an ninh để “làm việc” mà không cho biết việc gì, chắc là lành ít dữ nhiều.
Đúng ba giờ chiều hôm đó tôi và anh Tu lên gặp viên trung úy. Buổi gặp thật ngắn gọn. Hắn nhìn chúng tôi bằng đôi mắt cú vọ và nhấn mạnh từng tiếng:
– “Ngày mai trạm xá sẽ nhận một “người tù đặc biệt”. Hai anh có nhiệm vụ tắm rửa và lo cho anh ta ăn uống. Ngoài hai việc đó ra, hai anh tuyệt đối không được nói chuyện với anh ta. Nếu vi phạm hai anh sẽ bị Bộ chỉ Huy của trại Z30D trừng trị nghiêm khắc. Các anh đã thông hiểu và thi hành được không? Tôi nhắc lại, nghiêm cấm hai anh không được trò chuyện với người tù đó.”
Cả tôi và anh Tu đành hứa sẽ không chuyện trò với “người tù đặc biệt”, theo tên gọi của tên trung úy công an phụ trách an ninh trại.
Khoảng 2 giờ chiều ngày hôm sau, một xe nhỏ bịt bùng chở “người tù đặc biệt” (tôi đoán vậy) vào trạm xá. Trước và sau xe bịt bùng có hai xe jeep hộ tống chở đầy công an vũ trang. Hầu như anh em tù “cải tạo” hôm đó đều xôn xao muốn biết việc gì đang xẩy ra trong trạm xá, nhưng có lẽ tôi là người nôn nóng nhất muốn biết người tù đó mặt mày ra sao? Nam hay nữ? Chắc hắn ta phải ghê gớm lắm mà viên trung úy kia mới gầm gừ đe dọa tôi và anh Tu trong buổi “làm việc” ngày hôm qua, không được nói chuyện không được tiếp xúc với hắn ta ngoại trừ lo việc tắm rửa và cơm nước cho đương sự mà thôi.
Rồi chuyện gì đến nó phải đến. Lúc bốn giờ chiều, tên trung úy công an gọi tôi và anh Tu vào trạm xá để giới thiệu chúng tôi với “người tù đặc biệt” (như tên gọi của tên này). Tôi thường ngày rất giỏi đoán tuổi đoán người, nhưng thú thật với người tù nầy tôi đoán được người từ này là nam giới là đã giỏi lắm rồi. Việc tôi đoán đầu tiên là anh ta bị biệt giam ít nhất mười năm trong phòng tối, nên bây giờ khi được ra ngoài da anh ta trắng như đa số các cô các bà. Đôi mắt anh có vẻ chưa quen với ánh sáng, hai chân thì tong teo như hai ống xương khô. Có lẽ suốt mười năm trong phòng biệt giam của Cộng Sản cả hai chân anh đều bị cùm, lâu ngày máu không lưu thông được các tế bào hai chân bị hoại tử nên phát sinh biến chứng tê liệt.
Tôi đoán anh ta chắc phải trên năm mươi tuổi. Qua ánh mắt, anh nhìn tôi và anh Tu có vẻ thân thiện dù mới đầu chưa quen biết. Bù lại, anh nhìn bọn công an áo vàng bằng cặp mắt nghiêm trang lạnh lùng. Thế thì anh thuộc loại tù nào, phe nào? Tôi phân loại anh ngay lúc đó trong đầu tôi là anh ta không dính dáng gì đến Chính Quyền Miền Nam Việt Nam. Anh ta lại càng không phải dân đâm thuê, chém mướn vì anh ta có dáng dấp của một người thuộc lớp trí thức khoa bảng. Anh ta cũng không thể là dân buôn bán hàng quốc cấm. Thế thì anh ta phạm tội gì mà bị bọn Cộng Sản Bắc Việt đối xử với anh ta tàn ác như vậy? Tôi nghĩ chỉ trong tương lai gần tôi sẽ tìm ra câu trả lời về những thắc mắc hiện có trong đầu tôi; vì sau nầy tôi có nhiệm vụ phải tắm rửa cho anh hằng ngày, tôi sẽ có cơ hội chuyện trò với anh ta, dễ gì mà tên trung úy công an biết được.
Hai ba ngày đầu như để tránh rắc rối cho tôi với anh Tu, “người tù đặc biệt” hạn chế tiếp xúc với chúng tôi, ngoại trừ lúc đầu gặp gỡ giới thiệu công việc. Anh ta ăn nói rất nhẹ nhàng giới thiệu tên anh ta là Văn, sáu mươi tuổi đời kèm theo nụ cười nhân hậu. Đáp lại tôi và anh Tu giới thiệu tên để dễ dàng xưng hô sau nầy. Tất nhiên nhất cử, nhất động của tôi và Tu không tránh khỏi cặp mắt cú vọ theo dõi của tên công an. Tôi nghĩ thầm trong bụng chuyện “người tù đặc biệt” tên Văn khá ly kỳ hấp dẫn. Tôi sẽ dễ dàng qua mặt tên trung úy công an, để kết cục tôi sẽ khám phá phần nào bí mật về cuộc đời của anh Văn lỡ sau nầy được trở về tôi sẽ kể chuyện những tháng ngày trong tù, kèm thêm chuyện “người tù đặc biệt” nầy chắc chắn hấp dẫn, lôi cuốn người nghe.
Khoảng ba ngày sau khi anh Văn xuất hiện tại trạm xá Z30D, một phái đoàn công an hùng hậu gồm đại tá, trung tá, thượng tá công an xuống làm việc với anh Văn. Họ có cả thảy sáu người. Tôi đoán họ từ Sài Gòn. Vì tôi và anh Tu được lệnh đứng canh cửa không cho trại viên nào được vào trạm xá trong lúc phái đoàn đang làm việc, nên tôi có cơ hội nghe lén cuộc đối thoại giữa anh Văn và phái đoàn nọ. Tôi đứng cách giường anh Văn nằm chưa đầy mười thước, buổi nói chuyện diễn ra khoảng mười lăm phút.
Tên đại tá công an mở đầu nói gì hơi dông dài tôi không nghe kịp. Sau đó, tôi nghe được tiếng anh Văn nói lớn lên đại ý anh ta không muốn nói chuyện với phái đoàn nầy, mà nhắn nhủ muốn nói chuyện với cấp cao hơn của Cộng Sản tại Hà Nội mà thôi. Anh Văn chắc làm gì lớn lắm trong Đảng Cộng Sản Bắc Việt, vì thế mới coi phái đoàn công an cao cấp kia không ra gì. Thế nhưng sao với những người tù như chúng tôi anh tỏ ra thân thiện, nhẹ nhàng, vui vẻ như thế? Chuyện khá hấp dẫn không thể bỏ qua, phải tìm ra lý do.
Dáng anh cao khoảng tầm cỡ với tôi, nước da trắng, trán cao, mắt sáng thông minh, nụ cười tươi đôn hậu, có vẻ là quan văn hơn là quan võ. Sau nầy có dịp nói chuyện với anh, có những điểm chúng tôi rất tâm đắc, nhất là sau nầy anh biết tôi là sĩ quan cấp tá xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam danh tiếng. Tôi biết anh nguyên là trưởng toán phóng viên của Bắc Việt tại Hội Nghị Paris năm 1973. Em và anh của anh là thứ trưởng, là giám đốc bệnh viện lớn ở Hà Nội. Chỉ trong một tuần, anh nói chuyện với Tu và tôi một cách thân thiện, nhẹ nhàng như quen biết từ lâu. Tôi và Tu thay nhau cõng anh xuống giếng tắm hằng ngày vì hai chân anh hoàn toàn bại liệt.
Cũng đúng một tuần sau khi đám công an Sài Gòn xuống gặp anh Văn và phải về không, một nhóm khác lại xuống gặp anh. Có lẽ nhóm này từ Hà Nội và có lẽ cao cấp hơn, như thuộc hàng bộ trưởng hoặc thứ trưởng của bộ công an hoặc bộ nội an Công Sản. Cuộc tiếp xúc diễn ra vào lúc hai giờ chiều, khi các cửa sổ ở trạm xá được đóng kín. Tôi và Tu được phép đứng ở bên ngoài cánh cửa lớn. Nhóm cán bộ cao cấp và anh Văn trao đổi rất nhiều vấn đề (tôi đoán thế) và có lẽ họ không đồng ý với nhau về trọng tâm cuộc nói chuyện, nên cuối cùng tôi nghe rất rõ tiếng của anh Văn thốt lên đầy căm hờn:
– “Tôi phục vụ Đảng gần bốn mươi năm, cuối cùng Đảng đã cho tôi cái gì ngoài đôi chân bại liệt và một thân hình tàn phế.”
Màn đối thoại hạ màn. Phái đoàn cao cấp ra về mà chẳng thuyết phục anh Văn được điều gì như họ mong muốn trước khi đến đây.
Qua cuộc đối thoại, tôi cảm thấy anh ta “ghê” thật vì đã xem bọn cán bộ cao cấp ở Hà Nội không ra gì. Nhưng anh Văn đã phạm tội gì mà Cộng Sản Hà Nội biệt giam anh đến mười năm khiến anh trở thành tàn phế? Khi cõng anh trên lưng để xuống giếng tắm rửa, tôi cũng cảm thấy xót xa cho anh. Ngày nào họ là “đồng chí, đồng rận” mà nay đối xử với nhau quá ư tàn ác. Chỉ có bọn Cộng Sản mới nhẫn tâm như vậy mà thôi. Tôi sẽ cố tìm hiểu xem tại sao chúng đối xử man rợ với anh như thế. Thời gian sau nầy, tên trung úy công an có đôi mắt cú vọ đã chuyển đi đâu tôi không còn thấy nữa, thành thử tôi và anh Tu cảm thấy dễ thở hơn.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó mà anh Văn đã vào trú tại trạm xá Z30D đã hai tháng rồi. Tôi và Tu thay nhau cõng anh hàng ngày để tắm rửa cho anh. Chúng tôi và anh Văn ngày một thân tình. Riêng tôi, tôi thường trao đổi với anh về văn chương, thơ phú, âm nhạc, có lúc say mê quên cả giờ giấc. Nhưng tuyệt đối, tôi không bao giờ hỏi anh về thân thế, cũng như không bao giờ hỏi anh câu hỏi mấu chốt là vì sao anh bị “biệt phủ” Hà Nội đối xử với anh tàn nhẫn đến như thế. Tuy nhiên, tôi biết thêm một số tin tức về anh qua các người làm việc dưới quyền anh chị của anh Văn, đang giữ các chức vụ cao cấp tại Hà Nội, nhân chuyến công tác vào Sài Gòn mang theo quà gởi cho anh. Vì một lý do nào đó tôi chưa hề thấy mẹ hay anh chị em của anh vào thăm anh. Phải chăng Hà Nội không muốn bà con ruột thịt anh gặp anh trong hoàn cảnh quá đau lòng khi thấy con mình em mình trong tình trạng tàn phế chăng?
Được biết dòng dõi của anh Văn thuộc nòi khoa bảng, anh em đều từng qua du học Liên Sô hay các nước Đông Âu. Người nào cũng có học vấn cao và giữ các chức vụ cao cấp trong guồng máy cầm quyền Hà Nội. Có người là thứ trưởng, có người đang là giám đốc bệnh viện nổi tiếng tại Hà Nội. Có bằng cấp cao về truyền thông và báo chí, anh nguyên là Trưởng Ban Báo Chí của phái đoàn Bắc Việt tại Hội Nghị Ba Lê 1973. Anh bị bắt vào tù, bị biệt giam gần mười năm vì lý do đã phản đối chính sách vô nhân đạo của Cộng Sản Hà Nội đối với quân dân cán chính miền Nam, trong các trại tù “cải tạo” khắc nghiệt. Anh yêu cầu Hà Nội phải đối xử nhân đạo với họ, bằng cách cung cấp thuốc men khi họ đau ốm, cho họ ăn đủ no để có sức lao động, và nhất là phải có thời hạn tù. Tất nhiên chính quyền Hà Nội không bao giờ chấp nhận khuyến cáo nầy của anh.
Tôi sống gần gũi với anh Văn gần bốn tháng. Một buổi sớm mùa Đông lạnh lẽo, một toán công an võ trang với chiếc xe nhỏ bịt bùng lại chở anh đi. Chắc chuyến đi lành ít, dữ nhiều? Bạo quyền Hà Nội muốn thủ tiêu anh, hay muốn đưa anh về trại tù Cổng Trời khét tiếng ở Hà Giang để đày ải anh. Nơi đây, người tù một khi đã đến thì ít ai được sống sót trở về với gia đình vợ con? Có lẽ Cộng Sản Hà Nội dường như không lay chuyển được lập trường của anh trước chính sách tàn ác của chúng đối với hàng vạn tù “cải tạo”, những người thua cuộc?
Khi anh Văn đi rồi, tôi ngộ ra rằng hai người trước đây dù ở hai chiến tuyến khác nhau; nhưng khi họ cùng hướng về một điều thiện, cùng phân biệt được điều đúng và sai, thì dễ thông cảm và có khi còn xem nhau như anh em. Tôi giữ trong tôi nhiều kỷ niệm về anh, và tôi hy vọng anh cũng giữ trong anh nhiều kỷ niệm về tôi.
Trong hơn bốn tháng trời anh Văn không bao giờ nói với tôi về chính trị, về cuộc chiến, cũng như chưa bao giờ nói với tôi về anh và gia đình. Điều tôi biết anh là một con người đa cảm, vị tha, và hờn căm Cộng Sản. Trong bốn tháng gần anh, anh nói cho tôi nghe về văn học, về triết học, đặc biệt nói về những văn nhân thi sĩ nỗi tiếng của thế giới. Anh thuyết giảng cho tôi nghe mười lăm nhà văn nổi tiếng của Nga, các sách truyện và khuynh hướng của họ, như văn hào Lev Nicolayevich Tolstoy, văn hào Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, nhà văn Maksim Gorky. Tôi thích nhất khi anh nói về chủ nghĩa hiện sinh nổi lên tại Pháp vào thế kỷ 20, đó là một phong trào triết học đứng đầu có triết gia hiện sinh Jean- Paul Sartre và Martin Heidegger. Anh nói cho tôi nghe về nhà văn nhà triết học Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997). Ông là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đỗ hai bằng tiến sĩ văn học và luật học năm ông mới 23 tuổi đời (1932) tại đại học nổi tiếng Sorbonne bên Pháp. Ngoài ra anh còn nói cho tôi nghe về giai thoại Nguyễn Mạnh Tường đã từng tranh cãi “nẩy lửa” với Jean – Paul Sartre về triết học hiện sinh.
Hai ký ức tôi giữ mãi trong lòng, đó là hai ký ức tôi vô tình đã làm anh rơi lệ. Cũng nên nói thêm vào lúc đó anh Văn khoảng 60 tuổi còn tôi vừa đúng 40.
Lần thứ nhất tôi làm anh ứa lệ là khi anh bảo tôi đọc thơ thiền của tôi viết trong tù cho anh nghe. Tôi không ngại ngùng đọc cho anh nghe liền, hay cũng đọc mà dở cũng đọc. Tôi đã đọc đến hai câu thơ:
“Câu kinh tiếng kệ quên mùi tục.
Nghe tiếng gà trưa nhớ mẹ hiền.”
Đọc xong, ngoảnh lên tôi thấy đôi mắt anh ứa lệ. Có lẽ trong giây phút đó anh chạnh lòng nghĩ đến mẹ đang mòn mỏi chờ đợi anh suốt hơn mười năm qua. Anh chắc đã biết sẽ không có ngày về, vì bọn Cộng Sản Bắc Việt sẽ không dám cho anh gặp mẹ trong cảnh thân anh giờ đã bại liệt, sau gần bốn mươi năm anh nhầm lẫn phục vụ cho bọn Cộng Sản bạo tàn. Cố nén đau thương anh Văn lên tiếng hỏi tôi:
– Nghe nói Toản là quyển tự điển về thơ. Thế thì thử đọc cho tôi nghe bài thơ nào tâm đắc nhất nói về người mẹ.
Tôi hiểu trong giây phút nầy anh nhớ mẹ anh vô ngần. Anh chỉ nghĩ về mẹ và muốn nghe về mẹ mà thôi. Tôi lên giọng và đọc cho anh Văn nghe bài thơ viết về mẹ rất chân quê của nhà thơ Lưu Trọng Lư:
“Mỗi lần nắng mới hắt bên sông
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi sầu theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không
Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới gieo ngoài nội
Áo mới người phơi trước dậu thưa
Đã mấy năm nay vắng mặt người
Nhưng hình dáng cũ của mẹ tôi
Vẫn còn văng vẳng bên hàng dậu
Trong ánh trưa Hè trước dậu thưa.”
(Cũng cần viết rõ, Lưu Trọng Lư vốn là một trong những thi sĩ nổi tiếng qua những áng thơ trữ tình, như ‘Tiếng Thu’. Tuy nhiên, sau khi theo Cộng Sản, Lưu Trọng Lư đã trở thành một “văn nô “, chỉ xử dụng thơ phú của mình để ca tụng chế độ bất nhân Cộng Sản. Mọi người đã không còn thấy hình ảnh của thi sĩ Lưu Trọng Lư, đầy nhân bản của những năm xưa.)
Đến đây tôi nghe rõ tiếng nấc của anh Văn quyện trong buổi trưa Hè tịch mịch trong trại tù Z30D. Tôi hối hận đã làm anh buồn, tính đa cảm cùng lòng thương nhớ mẹ hiền đã khiến cho người từng là phát ngôn viên của phái đoàn Cộng Sản tại Hội Nghị Paris năm 1973 ngậm ngùi rơi lệ. Giờ đây, anh đã về với quê hương dân tộc, trở về với bản chất thực của một con người.
Lần thứ hai cũng do tôi vô tình, một lần nữa đã làm anh rơi lệ. Trưa hôm đó như thường lệ tôi cõng anh Văn sau lưng từ trạm xá xuống giếng nước để tắm rửa cho anh. Cả hai đều mệt. Tôi vội để anh xuống và nối tiếp câu chuyện đang dang dở. Tôi hỏi anh Văn trước đây có khi nào anh nghĩ một ngày kia một người lính “ngụy” như tôi cõng một đảng viên Cộng Sản cao cấp tàn phế trên lưng do chính đồng đội gây ra, như anh và tôi bây giờ. Bất giác tôi đọc hai câu thơ trong bài Khả Thán của thi sĩ Đổ Phủ nổi tiếng đời Đường:
“Thiên thượng phù vân như bạch y
Tu du hốt biến vi thương cẩu.”
Có nghĩa:
“Trên trời có đám mây bay hình thù tựa như chiếc áo trắng
Phút chốc áo trắng kia biến thành hình con chó màu xanh.”
Ý nói đời là vô thường biến đổi không lường, cũng như anh và tôi trước đây ở hai trận tuyến, nhưng nay anh và tôi thân thiết tưởng như cùng chung một trận tuyến. Nào có ai ngờ, đọc xong hai câu thơ, tôi ngoảnh lên nhìn anh Văn thì thấy mắt anh như chừng rớm lệ. Có lẽ anh cám cảnh về cuộc đời tàn phế của mình khi trót theo bọn Cộng Sản bạo tàn. Tôi đã vội vàng xin lỗi anh.
Đó là hai ký ức sâu đậm khi tôi nghĩ về “người tù đặc biệt” tên Văn.
Khi những ký ức này được viết xuống thì câu chuyện đã xảy ra cách đây gần 40 năm. Thời gian chưa đủ dài đối với thời gian sống của một con người trung bình, nhưng đường như quá dài đối với một người tù có tuổi 60, không có ngày về, tàn phế và cùng kiệt về thể chất. Nếu may mắn anh còn sống và đọc được câu chuyện này thì hãy nhớ rằng anh đã từng chia xẻ nỗi nhục nhằn, đau khổ với một người cùng chung cảnh ngộ, cùng ý nghĩ, nhưng đã có một thời ở hai bờ chiến tuyến.
Xét cho cùng niềm đau xảy ra cho mỗi cá nhân, mỗi một gia đình, niềm đau chung xảy ra cho cả Dân Tộc Việt Nam ta suốt gần tám mươi năm (1945-2021) và còn kéo dài nữa không biết bao giờ mới dứt, vì đất nước ta bất hạnh đã sản sinh ra một người có tên Hồ Chí Minh.
Portland ngày 3 tháng 10 năm 2021.
Lê Quốc Toản, K20
Không có nhận xét nào