Header Ads

  • Breaking News

    Jack Miller - Tầm nhìn của bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ hợp nhất chúng ta thành một dân tộc tự do



    “Tuyên ngôn Độc lập, ngày 04/07/1776,” khoảng năm 1792, của John Trumbull. Tranh sơn dầu trên vải 20.9 inch x 31 inch. Bộ sưu tập Trumbull đến năm 1832. Phòng trưng bày nghệ thuật Đại học Yale, New Haven, Connecticut. (Ảnh: Tài sản công)

    Sự chia rẽ sâu sắc và sự thù địch bất tận — đặc biệt là xung quanh các chủ đề gây tranh cãi về chủng tộc và phân biệt đối xử — đang đe dọa chia rẽ quốc gia của chúng ta.

    Những vấn đề nghiêm trọng như vậy phải được thảo luận và giải quyết. Nhưng chúng ta không nên để cho những vấn đề này khiến chúng ta quên đi một điều luôn kết nối người dân Mỹ thuộc nhiều sắc tộc, chủng tộc và tôn giáo thành một dân tộc.

    Rất đơn giản, đó chính là tầm nhìn trong Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta: “Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ một số Quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được Sống, quyền được Tự do và mưu cầu Hạnh phúc.”

    “Tất cả mọi người” có nghĩa là mỗi con người. Người Mỹ thuộc mọi chủng tộc và tôn giáo đều sinh ra bình đẳng và do đó có quyền bình đẳng.

    Bản Tuyên ngôn nói rằng tất cả chúng ta đều có quyền được sống và quyền được tự do. Nhưng bản tuyên ngôn không nói rằng chúng ta có quyền được hạnh phúc mà là chúng ta có quyền “mưu cầu” hạnh phúc.

    Và đó là căn nguyên của những xung đột ngày nay.

    Xã hội của chúng ta là một xã hội trọng nhân tài, nơi mà thành công và hạnh phúc là do chúng ta quyết định. Không có bảo đảm về kết quả bình đẳng. Nhưng bình đẳng về cơ hội là một nguyên tắc căn bản — một nguyên tắc mà chúng ta cần hiểu và tiếp tục duy hộ.

    Tầm nhìn của bản Tuyên ngôn là mọi người dân Mỹ nên có cơ hội thành công như nhau. Tất nhiên, chúng ta biết rằng điều đó không phải lúc nào cũng đúng với tất cả mọi người.

    Một số nhóm người dân Mỹ khi sinh ra đã không có được một địa vị công bằng hoặc không nhận được sự công bằng trong suốt cuộc đời. Dòng dõi người Mỹ gốc Phi bị bắt làm nô lệ và ngay cả sau khi được giải phóng, họ vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự phân biệt đối xử thông qua các luật Jim Crow và các rào cản chủng tộc khác. Những người nhập cư Công giáo gốc Hoa và Ireland phải đối mặt với sự phân biệt tôn giáo và sắc tộc vào giữa thế kỷ 19. Làn sóng người Do Thái, người Ý, và những người nhập cư khác đều phải đối mặt với sự kỳ thị tương tự.

    Lịch sử của chúng ta là về cuộc đấu tranh lâu dài để vượt qua mọi hình thức phân biệt đối xử và để đạt được tầm nhìn của bản Tuyên ngôn về bình đẳng. Mặc dù mọi thứ không đến nhanh như mong đợi, nhưng chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Người Mỹ gốc Phi, người Hoa, người Công giáo, và người Do Thái đã đẩy lùi được các hành vi và thái độ phân biệt đối xử, trong đó nhiều người đã tận dụng tất cả các cơ hội mà xã hội tự do của chúng ta mang tới để thăng tiến bản thân.

    Trên thực tế, do sự cần cù của họ, những người nhập cư gốc Hoa và các nước Á Châu khác ngày nay đã hiện diện với số lượng lớn tại nhiều trường đại học và giờ đây đang bị phân biệt đối xử khi nhập học. Điều này không tuân theo các nguyên tắc của bản Tuyên ngôn.

    Nhưng ngay khi quốc gia chúng ta đang tiến gần hơn đến việc trở thành một xã hội công bằng, không có tính [phân biệt] chủng tộc với những cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, thì chúng ta đột nhiên quay trở lại trở thành một xã hội bị ám ảnh bởi chủng tộc. Điều đó không nhất thiết phải như vậy.

    Một trong những ảnh hưởng lớn nhất đến sự thành công trong tương lai của các cá nhân là nền giáo dục mà họ nhận được. Và đó là nơi mà chúng ta đang đối xử không công bằng với một số nhóm nhất định – đặc biệt là đối với một số người da màu.

    Người dân Mỹ thuộc mọi chủng tộc nên nhận được một nền giáo dục hàng đầu để đem đến cho tuổi thanh xuân của chúng ta một khởi đầu tuyệt vời. Điều này bao gồm một bộ phận công dân vững chắc. Mỗi thế hệ nên học về tầm nhìn của Tuyên ngôn về quyền bình đẳng và những nỗ lực không ngừng của chúng ta để thực hiện quyền đó. Và họ nên học cách trở thành những công dân tốt, hữu ích và hiểu biết. Tôi tin rằng hầu hết mọi người dân Mỹ đều sẽ ủng hộ hết mình cho mục tiêu đó.

    Nhưng ngay cả như vậy, thì vẫn còn một yếu tố rất cần thiết nữa: mỗi các nhân cần chủ động tận dụng tất cả các cơ hội sẵn có trong một xã hội trọng tài như xã hội của chúng ta.

    Sau cuộc Nội Chiến, khi những người nô lệ cuối cùng đã được giải phóng, ông Frederick Douglass, một người theo chủ nghĩa bãi nô, là nhà văn và nhà diễn thuyết người Mỹ gốc Phi nổi tiếng, có câu nói rất hay: “Theo một nghĩa nào đó, quý vị được tự do. Nhưng quý vị không được nghĩ rằng tự do có nghĩa là không phải làm việc. Hãy ghi nhớ điều đó. Tôi nhấn mạnh với quý vị, rằng nếu quý vị muốn giàu có thì quý vị phải cần cù.”

    Ông Douglass nhấn mạnh sự cần thiết phải có một “nỗ lực bền bỉ và không mệt mỏi” để tận dụng quyền phổ quát được mưu cầu hạnh phúc này và biến sứ mệnh đó thành hiện thực cho tất cả mọi người.

    Ông Douglass đang nói chuyện với một khán giả người Mỹ gốc Phi, nhưng lời khuyên của ông cũng áp dụng cho tất cả mọi người ngày nay. Tất cả người dân Mỹ nên được hợp nhất bằng sự bình đẳng khi mới được sinh ra và sự bảo đảm công bằng trong suốt cuộc đời.

    Vì vậy, vâng, chúng ta hãy thảo luận và giải quyết các vấn đề của chúng ta. Nhưng đừng bao giờ quên tầm nhìn này từ bản Tuyên ngôn của chúng ta, điều hợp nhất tất cả chúng ta thành một dân tộc tự do.

    Ông Jack Miller là người sáng lập và là chủ tịch của Trung tâm Jack Miller, một tổ chức thúc đẩy việc giảng dạy các nguyên tắc và lịch sử thành lập nước Mỹ bằng cách hỗ trợ các giáo sư và chương trình tại các cơ sở trên toàn quốc cũng như các khóa học dành cho giáo viên hệ K-12 giúp họ xây dựng các bài học hấp dẫn cho học sinh.

    Khánh Ngọc biên dịch

    Không có nhận xét nào