Bình quân mỗi người dân gánh trên 35 triệu đồng nợ công năm 2020.
Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 xin ý kiến Quốc hội xem xét, phê chuẩn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay tổng số thu ngân sách là 2,27 triệu tỉ đồng, tổng chi ngân sách là 2,35 triệu tỉ đồng. Quyết toán bội chi ngân sách nhà nước là 216.405 tỉ đồng, thấp hơn so với mức bội chi mà Quốc hội cho phép là 368.300 tỉ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá việc phân bổ và sử dụng ngân sách có nhiều đổi mới khi khoản chi đầu tư cho phát triển đã đạt trên 2,2 triệu tỉ đồng (kế hoạch là 2 triệu tỉ đồng). Ưu tiên thực hiện các chủ trương, định hướng lớn về an sinh xã hội, chuẩn nghèo, đảm bảo nhiều lĩnh vực quan trọng.
Bội chi ngân sách được quản lý, điều hành chặt chẽ với 3,37%, giảm so với giai đoạn trước. Nhờ kiểm soát bội chi và cơ cấu lại nợ công, tỉ lệ nợ công đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020.
Về nợ công, báo cáo kiểm toán cho hay dư nợ công đến 31-12-2020 là 3,52 triệu tỉ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019, bằng 55,94% so với GDP (dưới mức trần 65% GDP).
“Như vậy, nợ công bình quân đầu người là 35,1 triệu đồng/người, có xu hướng tăng qua các năm khi năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người” – cơ quan kiểm toán đánh giá.
Luật Quản lý nợ công của Việt Nam quy định, nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Theo đó, nợ chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ hoặc các khoản vay khác do Bộ Tài chính ký kết, phát hành, uỷ quyền phát hành theo quy định của pháp luật.
Nợ chính phủ không bao gồm khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ của doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng vay trong nước, nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Nợ chính quyền địa phương là khoản nợ do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký kết, phát hành hoặc uỷ quyền phát hành.
Nợ công xuất phát từ nhu cầu chi tiêu của chính phủ; khi chi tiêu của chính phủ lớn hơn số thuế, phí, lệ phí thu được, Nhà nước phải đi vay trong hoặc ngoài nước để trang trải thâm hụt ngân sách.
Các khoản vay này sẽ phải hoàn trả gốc và lãi khi đến hạn, Nhà nước sẽ phải thu thuế tăng lên để bù đắp. Vì vậy, suy cho cùng nợ công chỉ là sự lựa chọn thời gian đánh thuế: hôm nay hay ngày mai, thế hệ này hay thế hệ khác.
Vay nợ thực chất là cách đánh thuế dần dần, được hầu hết chính phủ các nước sử dụng để tài trợ cho các hoạt động chi ngân sách. Nợ chính phủ thể hiện sự chuyển giao của cải từ thế hệ sau tức thế hệ phải trả thuế cao cho thế hệ hiện tại tức thế hệ được giảm thuế.
Với những phân tích cơ bản như trên sẽ giúp dễ hình dung hơn việc Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14-4-2022 phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030, trong đó, dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP.
Cũng theo văn bản mà Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký, thì trong năm nay, Chính phủ sẽ trả nợ 335.815 tỉ đồng, tương đương 14,6 tỉ USD. So với năm 2021 thì mức trả nợ năm nay thấp hơn khoảng 30.117 tỉ đồng. Trong đó, khoản nợ trực tiếp Chính phủ là 299.849 tỉ đồng (khoảng 13 tỉ USD), trả cho các dự án cho vay lại 35.966 tỉ (gần 1,6 tỉ USD).
Tổng trả nợ Chính phủ 3 năm tới hơn 1,1 triệu tỉ đồng, gồm trả nợ trực tiếp 971.000 tỉ và nợ vay lại 145.000 tỉ đồng.
Không có nhận xét nào