Header Ads

  • Breaking News

    Dorothy Li - Trung Quốc: Phong tỏa hàng chục triệu người gây thêm tổn thất cho các chuỗi cung ứng toàn cầu



    Bức ảnh chụp từ trên không này được chụp hôm 07/12/2021 cho thấy các container và giàn cẩu tại một cảng ở Liên Vân Cảng thuộc tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. (Ảnh: của STR/AFP qua Getty Images)

    Chứng kiến ​​trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc, nơi có 25 triệu người, lâm vào tình cảnh phong bế sau hơn bốn tuần phong tỏa đã khiến những người ở Bắc Kinh lo lắng. Thành phố thủ đô này đã phát hiện các đợt bùng phát COVID-19 ngày càng gia tăng và đã gấp rút tiến hành xét nghiệm hàng loạt nhằm ngăn chặn loại virus này.

    Gần như toàn bộ 22 triệu cư dân ở Bắc Kinh đã hoàn thành ba vòng xét nghiệm hôm 30/04. Kết quả có thể xác định liệu họ có lâm vào cảnh ngộ giống như những người ở Thượng Hải, nơi những người bị quây trong các hàng rào kim loại phải gõ xoong nồi ở ban công nhà họ vào ban đêm để phản đối cuộc phong tỏa đã kéo dài một tháng.

    Những người mua sắm ở Bắc Kinh đã đổ xô đi dự trữ thực phẩm để dự phòng. Các quan chức đã đóng cửa các trường học mà không xác định ngày mở cửa trở lại, cùng nhiều địa điểm hơn. Các công nhân đã dựng hàng rào kim loại màu xanh xung quanh các khu dân cư nơi các ca nhiễm bệnh được ghi nhận. Một tấm biển được đặt bên ngoài một khu dân cư phức hợp có nội dung, “Chỉ được vào. Không được ra.”

    Khung cảnh ở Bắc Kinh gợi nhớ đến các thành phố khác của Trung Quốc đang chiến đấu với biến thể Omicron đang lây lan nhanh. Khi chính quyền Trung Quốc tỏ ra quyết tâm kiềm chế sự bùng phát theo chính sách “zero COVID” hà khắc của mình, thì các đợt phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt – và những nỗi đau được ghi nhận rõ rệt mà chính sách này gây ra – có khả năng vẫn là tình trạng phổ biến.

    Theo tính toán của The Epoch Times dựa trên các thông báo của giới chức địa phương, tính đến ngày 28/04, có ít nhất 26 thành phố trên toàn quốc hiện đang bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ, trên khoảng 78 triệu người. Những thành phố này trải dài từ phía bắc thành phố Bao Đầu (Baotou), một nơi cung cấp đất hiếm chính, đến phía đông thành phố Nghĩa Ô (Yiwu), một trung tâm xuất cảng sản xuất mọi thứ từ cây thông Giáng Sinh đến hàng hóa tranh cử tổng thống.


    Một chiếc xe đạp đậu trước hàng rào có rào chắn của một khu dân cư bị phong tỏa ở Bắc Kinh hôm 29/04/2022. (Ảnh: Andy Wong/AP Photo)

    Những người sống trong các khu vực không bị phong tỏa vẫn phải đối mặt với các hạn chế. Trung tâm công nghệ Hàng Châu đang xét nghiệm cư dân của mình mỗi 48 giờ một lần. Khoảng 12.2 triệu sinh viên và người lao động phải cung cấp bằng chứng về kết quả âm tính nếu họ muốn đi lại bằng phương tiện công cộng và vào trường học hoặc văn phòng. Các biện pháp tương tự sẽ có hiệu lực ở Bắc Kinh sau hôm 05/05, với việc các quan chức gọi đó là “các xét nghiệm acid nucleic bình thường hóa” tại một cuộc họp giao ban hôm 30/04.

    Người ngoại quốc đào thoát

    Cuộc chiến chính sách zero COVID bất tận của chính quyền Trung Quốc đã buộc những người ngoại quốc ở trung tâm tài chính quốc tế Thượng Hải phải suy nghĩ lại về cuộc sống của họ. Đợt phong tỏa kéo dài một tháng của thành phố này, nơi đặt trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia, đã khiến ngay cả những chuyên gia cổ cồn trắng phải chật vật với vấn đề không có thức ăn.

    Mặc dù bây giờ nhiều người được phép đi lại trong khu phố của họ, nhưng những lo ngại về việc bị đưa vào diện cách ly vẫn hiện hữu. Các quan chức địa phương cho biết tại một cuộc họp báo ngày 01/05 rằng 25 triệu dân của thành phố này sẽ tiếp tục thực hiện thêm các xét nghiệm đến ngày 07/05. Một kết quả dương tính có nghĩa là phải tách khỏi gia đình và sống trong các cơ sở cách ly đông đúc, với đèn chiếu sáng 24 giờ và không có nước nóng.

    Bà Jennifer Li, một người ngoại quốc, nói: “Trước khi có phong tỏa, tôi không thực sự cảm thấy chính quyền này chuyên chế, bởi vì ở một mức độ nào đó quý vị được tự do làm những điều mình muốn.” Bà đang lên kế hoạch cho gia đình mình rời khỏi thành phố đã từng là nhà của họ trong 11 năm.

    Bà nói thêm, cách giải quyết dịch COVID-19 của chính quyền “khiến chúng tôi nhận ra rằng tính mạng và sức khỏe tinh thần của con người không quan trọng đối với chính quyền này ra sao.”

    Gần đây, Phòng Thương mại EU đã cảnh báo rằng “số lượng người ngoại quốc ở Trung Quốc đã giảm một nửa kể từ khi đại dịch bắt đầu và có thể giảm một nửa nữa vào mùa hè này.”


    Các khu dân cư trong một cuộc phong tỏa COVID-19 ở quận Tĩnh An, thành phố Thượng Hải, hôm 29/04/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

    Thiệt hại kinh tế

    Các hạn chế nghiêm ngặt cũng đang làm tê liệt hoạt động kinh tế. Chỉ số hoạt động sản xuất thu hẹp lại với tốc độ cao hơn trong tháng Tư, đạt mức thấp nhất kể từ tháng Hai năm 2020, khi các đợt phong tỏa làm ngừng hoạt động sản xuất công nghiệp và lần đầu tiên làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

    Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) của ngành sản xuất chính thức đã giảm xuống mức 47.4 trong tháng Tư so với mức 49.5 trong tháng Ba, đưa ra một cái nhìn đầu tiên về thiệt hại kinh tế do các biện pháp phong tỏa gây ra.

    Các nhà phân tích từ một số ngân hàng đầu tư đã tiếp tục cắt giảm dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khi cuộc phong tỏa ở Thượng Hải kéo dài. Mức thấp nhất là từ ngân hàng Nomura, với dự đoán là 3.9%, giảm so với 4.3% trước đó, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là tăng 5.5%.

    Ông Hoàng Nghiêm Trung (Yanzhong Huang), một thành viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Ngoại giao (Council on Foreign Relations), nói trong một hội thảo trực tuyến hôm 26/04 rằng, trong trường hợp xấu nhất, “Trung Quốc có thể dự kiến GDP sẽ giảm 53% nếu tất cả các thành phố bị buộc phải phong tỏa.”

    Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm hơn 4% trong tháng Tư, mức giảm hàng tháng lớn nhất trong 28 năm qua, trong khi các thị trường chứng khoán của nước này là những thị trường hoạt động tồi tệ thứ hai trong năm nay sau khi Nga bị áp đặt các biện pháp trừng phạt.

    Giáo sư Nhan Tuệ Hân (Yen Huai-Shing), Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa Đài Loan (CIER), cho biết suy thoái có thể sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi toàn cầu vì việc phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các công ty ở Trung Quốc và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

    Các vấn nạn của chuỗi cung ứng

    Các nhà sản xuất xe hơi và điện thoại đang gặp phải tình trạng thiếu linh kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo số liệu chính thức, Hoa Kỳ nhập cảng gần 18% tất cả các sản phẩm từ Trung Quốc và 33% các mặt hàng điện tử.

    Các đại công ty của Hoa Kỳ, trong đó có Apple và Microsoft, đã cảnh báo rằng các đợt phong tỏa tại Trung Quốc đã làm gia tăng sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm tăng sự bất ổn về triển vọng kinh doanh của họ.


    Các tàu chở container được nhìn thấy tại Cảng Los Angeles ở San Pedro, California, hôm 17/11/2021. (Ảnh: Apu Gomes/AFP qua Getty Images)

    Một nguyên nhân gốc rễ của những rắc rối trong chuỗi cung ứng là do hoạt động vận chuyển bị chậm trễ nghiêm trọng: việc xét nghiệm COVID-19 thường xuyên đã làm gián đoạn công việc của các tài xế xe tải và nhân viên bến cảng. Bà Sara Hsu, giáo sư phụ tá lâm sàng về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Tennessee ở Knoxville, viết trên tờ The Diplomat: “Một khi phong tỏa được dỡ bỏ và hoạt động kinh tế một lần nữa trở nên sôi động, thì một lượng lớn sản phẩm từ các đơn đặt hàng cộng dồn sẽ tràn vào Hoa Kỳ.” Bà nói thêm rằng điều này có nghĩa là các đợt tồn đọng mà các cảng Los Angeles và Long Beach đã trải qua hồi năm ngoái sẽ tái diễn.

    Giáo sư Nhan Tuệ Hân không cho rằng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ sớm kết thúc.

    Bà Nhan nói với The Epoch Times: “Việc phong tỏa do COVID [của Trung Quốc] mang lại nhiều bất ổn hơn cho các nhà đầu tư ngoại quốc và làm tổn hại đến niềm tin của họ.”

    Bà gợi ý rằng các công ty đa quốc gia nên xem xét việc chuyển chuỗi cung ứng của họ sang nơi khác. Bà Nhan lưu ý, một số công ty ở trung tâm bán dẫn của Đài Loan đã bắt đầu đa dạng hóa các chuỗi cung ứng kể từ năm 2018 trong cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc.

    Không khoan nhượng trong chính sách zero COVID

    Khi zero COVID gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế đất nước, hôm 29/04, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố thúc đẩy cơ sở hạ tầng để kích cầu, một phương pháp mà Bắc Kinh đã sử dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và 2009 vốn đã tạo ra một núi nợ. Tuy nhiên, ông đã không cung cấp các chi tiết chính, bao gồm số tiền chi tiêu và khung thời gian cụ thể.

    Tuy nhiên, ông Tập – người đang tìm kiếm một nhiệm kỳ năm năm lần thứ ba chưa từng có vào mùa thu này — không có dấu hiệu thay đổi cách làm tại cuộc họp hôm thứ Sáu (29/04) của Bộ Chính trị gồm 25 thành viên, trung tâm quyền lực trong ĐCSTQ do ông lãnh đạo.

    Theo bản tóm tắt cuộc họp do hãng thông tấn Tân Hoa Xã chính thức công bố, ban lãnh đạo này đã kêu gọi đất nước “kiên trì với chính sách zero linh hoạt” (“dynamic zero”), đây là một tên gọi khác của chính sách zero COVID.

    Ông Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, nói với hãng thông tấn Thụy Sĩ Market NZZ: “Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi thế bí mà chủ tịch [Tập Cận Bình] đã dồn nước này vào.”

    “Họ là tù nhân trong câu chuyện của chính mình. Thật là bi thảm: Trung Quốc là nước đầu tiên gặp phải đại dịch, và cũng là nước cuối cùng thoát khỏi. Và khi lâm vào tình cảnh này, họ luôn nói với cả thế giới rằng họ là những người giỏi nhất.”

    Cô Dorothy Li là phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.

    Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á và Reuters
    Nhật Thăng biên dịch

    Không có nhận xét nào