Các tác giả: Olivier Blanchard, Jean Pisani-Ferry
Tác giả:
OLIVIER BLANCHARD, Giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts và là cựu kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
JEAN PISANI-FERRY, là thành viên nghiên cứu cao cấp không thường trú tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Ông là giáo sư Tommaso Padoa-Schioppa tại Viện Đại học Châu Âu ở Florence và là thành viên nghiên cứu cao cấp tại Bruegel, một tổ chức think tank của Châu Âu.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Une politique économique de guerre, Le Grand Continent, ngày 28/04/2022.
Không có cuộc chiến nào là miễn phí. Đối với châu Âu, cuộc xâm lược Ukraine là một cú sốc kinh tế hàng đầu. Trong bài viết mang tính học thuyết này, Olivier Blanchard và Jean Pisani-Ferry đưa ra một lời đáp về kinh tế vĩ mô.
Không ai có thể dự đoán, một cách chắc chắn, cuộc chiến ở Ukraine sẽ diễn biến như thế nào, và những hệ quả địa chính trị từ cuộc chiến đó sẽ như thế nào trong vài tháng tới, huống gì nói đến vài năm tới. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị, ngay từ bây giờ, phải suy nghĩ đến các hệ quả của cuộc chiến và các biện pháp ứng phó, biết rằng sẽ cần phải điều chỉnh các biện pháp đó theo diễn biến của tình hình. Ngoài ra, họ còn phải suy nghĩ đến sự liên kết trong một hành động chung với các nước khác, cho dù đó là các lệnh trừng phạt chống lại Nga, hay các chính sách trợ cấp và chuyển nhượng cho công dân của chính nước họ. Đây là những gì mà chúng tôi cố gắng thực hiện trong bài viết này, tập trung vào những vấn đề kinh tế vĩ mô xác đáng nhất đối với Châu Âu.
Chúng tôi bắt đầu bằng cách xem xét những hệ lụy tiềm tàng của cuộc chiến, và rà soát nhiều kênh khác nhau, thông qua đó cuộc chiến sẽ ảnh hưởng đến các triển vọng kinh tế vĩ mô. Về cơ bản, điểm nổi bật là ngay cả khi các kênh về cầu và các kênh tài chính đều phát huy tác dụng, và ngay cả khi các tác động trực tiếp của cuộc chiến lên ngân sách là đáng kể – do gia tăng của chi tiêu quốc phòng và chi phí bảo hộ người tị nạn –, người ta có thể sẽ cảm nhận được tác động mạnh nhất của cuộc chiến ở châu Âu lên giá năng lượng và, ở một mức độ thấp hơn, lên giá lương thực.
Kế đến, chúng tôi phân tích những yếu tố quyết định của giá năng lượng. Mọi thứ đều phụ thuộc vào các quyết định của Nga, ngay cả khi không có các lệnh trừng phạt, và hiệu ứng của các lệnh trừng phạt tiềm tàng lên các quyết định đó. Về vấn đề này, cần phải phân biệt rõ một mặt là dầu hỏa và than đá, và mặt khác là khí đốt. Liên quan đến dầu hỏa và than, Nga phải điều chỉnh ít nhiều giá dầu hỏa và than so với giá dầu hỏa và than trên thế giới và trên thị trường cạnh tranh, nơi mà nước này phải đối mặt với một cầu rất co dãn. Đối với khí đốt, nơi mà hoạt động thương mại dựa trên các cơ sở hạ tầng cụ thể, khiến Liên minh châu Âu trở thành một thị trường riêng biệt, thì cầu khá kém co dãn, và vì thế Nga có thể được coi là nước gần như độc quyền xuất khẩu khí đốt.
Điều này có nhiều hệ lụy rất khác nhau, về cách hành xử khả dĩ của Nga khi không có các lệnh trừng phạt, cũng như về hiệu ứng của các lệnh trừng phạt, chẳng hạn như thuế quan đánh trên hàng xuất khẩu của Nga. Trên thực tế, do những ràng buộc về mặt kỹ thuật, không thể hình dung cấm vận hoàn toàn khí đốt. Ngược lại, việc áp dụng các biện pháp thuế quan là hoàn toàn khả thi: điều đó sẽ hiệu quả hơn và cần được xem xét, mặc dù có khả năng ảnh hưởng đến giá tiêu dùng khí đốt.
Ở đây, chúng tôi giả định giá năng lượng có khả năng tăng so với mức giá trước chiến tranh, mặc dù có sự bất trắc to lớn về mức tăng giá này. Cho đến nay, cả hai bên đều đã bảo vệ hoạt động thương mại dầu khí khỏi tác động của cuộc xung đột[1]. Những biến động mạnh trên thị trường dầu hỏa, và thậm chí mạnh hơn trên thị trường khí đốt, đều có nguyên nhân từ dự đoán Nga sẽ cắt giảm nguồn cung năng lượng và từ các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Nhưng “sự lo sợ về cán cân năng lượng” này mang tính bấp bênh và không thể được coi là điều chắc chắn.
Kế đến, chúng tôi xem xét những hệ lụy của cuộc chiến đối với các chính sách tài khóa và tiền tệ của Liên minh châu Âu.
Nếu để sang một bên nhiều chi tiêu khác nhau, từ quốc phòng đến người tị nạn, đến sự cần thiết phải thích ứng cơ sở hạ tầng năng lượng với một dạng cung mới về năng lượng, vấn đề trọng tâm của chính sách tài khóa, trong chừng mực giá lương thực và năng lượng tăng, là làm sao biết được điều đó có xảy ra hay không và làm thế nào để bù đắp, toàn bộ hoặc một phần, nguồn thu nhập thực tế bị mất của các hộ gia đình.
Như vậy, có hai vấn đề đặt ra. Vấn đề thứ nhất liên quan đến cách tiến hành tốt nhất: các chính sách trợ cấp, chuyển nhượng hay điều tiết giá cả? Vấn đề chính là làm sao biết được mức độ mà sự kết hợp các biện pháp trên với các lệnh cấm vận hoặc thuế quan có vai trò như thế nào trong tổng hiệu ứng của các lệnh trừng phạt, giá nhập khẩu năng lượng và các tác động lên lạm phát. Vấn đề thứ hai là làm sao biết được các biện pháp đó, nếu được triển khai, nên được tài trợ bằng tiền thuế hay bằng tiền nợ vay. Nếu có một lập luận chính trị vững chắc nghiêng về phía một thuế suất chiến tranh ngoại lệ, thì mất mát của thu nhập thực tế, do giá hàng nhập khẩu cao hơn và sự bất trắc gắn với cuộc chiến, có khả năng dẫn đến tình trạng tổng cầu thấp và chi tiêu thâm hụt, vì vậy sẽ cần phải duy trì hoặc ít nhất là hạn chế mức sụt giảm sản lượng. Nợ nần, dù có tăng, thì vẫn có thể chịu đựng được.
Liên quan đến chính sách tiền tệ, cần phải xem xét lại các thông lệ thực hành tốt, tùy theo tình huống, khi đối mặt với giá năng lượng hoặc giá lương thực tăng cao – cụ thể là việc điều chỉnh các hiệu ứng trong đợt đầu tiên và thắt chặt lại để hạn chế hiệu ứng trong các đợt tiếp theo. Một mặt, lạm phát sẽ cộng thêm vào mức lạm phát vốn đã cao, làm tăng rủi ro các dự kiến mất điểm neo. Mặt khác, mặc dù được chính sách tài khóa hỗ trợ, nhưng tổng cầu có thể sẽ thấp và gây áp lực lên việc làm giảm tỷ lệ lạm phát. Hiệu ứng thứ nhất gợi lên một chính sách tiền tệ thắt chặt, và hiệu ứng thứ hai là một chính sách tiền tệ nới lỏng. Hiện tại, cả hai hiệu ứng nói trên đều ít nhiều triệt tiêu lẫn nhau, cho thấy chính sách tiền tệ có thể vẫn nằm, trong một thời gian, trên quỹ đạo thời trước chiến tranh, trong khi vẫn phải cảnh giác theo dõi.
Trong bối cảnh hiện tại, có một sự tương quan quan trọng và bất thường giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ. Chính sách tài khóa càng bảo vệ thu nhập thực tế của người lao động, thì càng có ít khả năng xuất hiện nhu cầu tăng lương cao trong các đợt sắp tới. Khi triển vọng sụt giảm của lạm phát trở thành đáng tin, thì càng có ít khả năng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ để có được một tỷ lệ lạm phát thấp hơn. Do đó, các mức thâm hụt ngân sách lớn hơn có thể dẫn đến chi phí sản xuất thấp hơn trong cuộc chiến chống lạm phát.
Cuối cùng, vấn đề đặt ra là liệu vai trò tiết chế của sự hỗ trợ ngân sách có thể được tính đến một cách rõ rệt trong các cuộc đàm phán về tiền lương hay không. Trong thời kỳ đại dịch, tình trạng thất nghiệp cục bộ và sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp được chính phủ tài trợ đã xã hội hóa các nguồn thu nhập bị mất và đã chứng minh là một phương cách rất hiệu quả và có kết quả để giảm thiểu những biến động về kinh tế và xã hội. Sẽ là điều rất hữu ích, một cách tiềm tàng, khi thiết lập một cuộc đối thoại ba bên giữa chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động và, điều lý tưởng nhất, là đưa ra một sự tiết chế về tiền lương và giá cả, đổi lấy một sự hỗ trợ đáng kể về mặt ngân sách.
Cuộc thảo luận của chúng tôi được bố cục như sau. Chúng tôi bắt đầu bằng cách xem xét những kênh mà qua đó cuộc chiến sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Liên minh châu Âu. Trong Phần 2, chúng tôi sẽ xem xét những nhân tố có khả năng xác định diễn biến của giá năng lượng. Trong Phần 3, chúng tôi sẽ xem xét những hệ lụy lên sản xuất và lạm phát trong Liên minh châu Âu (EU), và trong Phần 4, những tác động đối với chính sách tài khóa và tiền tệ của EU. Trong Phần 5, chúng tôi sẽ rút ra một loạt kết luận.
1 – Tác động kinh tế của cuộc chiến
Bản chất các cú sốc
Giả thuyết nghiên cứu của chúng tôi là cuộc xung đột, bắt đầu với cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2, sẽ không được giải quyết trong ngắn hạn. Trong thời gian khoảng mười hai tháng tới, chúng tôi đưa ra giả thuyết về sự bế tắc, sự chiếm đóng của Nga trước sức kháng cự của Ukraine, hoặc một cuộc đình chiến tiếp theo sau các cuộc đàm phán gay gắt. Chúng tôi cho rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt được một giải pháp lâu dài.
Trong bối cảnh này, chúng tôi đưa ra một loạt các giả định:
• Việc vi phạm các nguyên tắc của Liên hợp quốc, chúng đã được tuân thủ trong ba phần tư thế kỷ trên lục địa châu Âu, sẽ tiếp tục làm mờ đi chân trời và ảnh hưởng đến lòng tin vượt lên trên các hiệu ứng trực tiếp của cuộc chiến.
• Hầu hết người tị nạn Ukraine sẽ quay trở về thành phố nơi họ đã từng sinh sống, nhưng chỉ theo dần dần, do quy mô tàn phá sẽ ngăn họ quay trở lại Ukraine.
• Cuộc khủng hoảng sẽ dẫn đến một sự gia tăng lâu dài các chi tiêu quốc phòng của châu Âu.
• Sau đại dịch, cú sốc mới này sẽ khiến các doanh nghiệp toàn cầu xem xét lại sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng mở rộng và các hệ thống giao hàng “vừa kịp lúc”.
• Cuộc chiến sẽ ảnh hưởng đến thu hoạch mùa màng và nông sản xuất khẩu của Ukraine (và về tiềm năng cũng cả của Nga), làm giảm nguồn cung trên thế giới và làm tăng giá lương thực trên thế giới.
• Ngoài sự phản ứng tức thì đối với cuộc chiến, Liên minh châu Âu sẽ đẩy nhanh cam kết giảm thiểu, và cuối cùng loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, thông qua các nguồn cung ứng thay thế khác và chuyển đổi nhanh hơn sang các nguồn năng lượng tái tạo.
• Các lệnh trừng phạt có khả năng kéo dài hoặc gia tăng, dẫn đến việc xuất khẩu dầu hỏa và khí đốt của Nga giảm đáng kể, cho dù đó là một quyết định của EU hay là các quyết định khác của chính phủ Nga, nhằm hạn chế các sản phẩm xuất khẩu đó. Đây là một vấn đề lớn, cả về mặt địa chính trị lẫn kinh tế, mà chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết trong phần tiếp theo.
Các giả thuyết chính về những hệ lụy của cuộc chiến Nga-Ukraine lên Liên minh châu Âu
Bảng: Le Grand Continent • Récupérer les données • Créé avec Datawrapper
Trong bài viết mang tính học thuyết này, chúng tôi tập trung vào những hệ lụy ngắn hạn. Chúng tôi có ý định quay trở lại bàn về những tác động dài hạn trong một bài viết khác. Hầu hết các giả định đều hiển nhiên. Một số các giả định khác thì cần có một nghiên cứu sâu hơn.
Xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và liên kết tài chính
Xuất khẩu sang Nga đã giảm đáng kể và có nguy cơ giảm nhiều hơn nữa, do sự phối hợp các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu, các biện pháp đáp trả hạn chế của chính phủ Nga, và các vấn đề giao hàng. Các chứng cứ mang tính giai thoại đã chỉ ra rằng, ngay cả khi không có các hạn chế pháp lý, các doanh nghiệp châu Âu đã miễn cưỡng giao dịch với Nga, do tâm lý lo ngại về các vấn đề pháp lý và thanh toán. Theo các số liệu thống kê thương mại của EU, xuất khẩu hàng hóa sang Nga lên tới 89 tỷ Euro vào năm 2021; nếu hoạt động xuất khẩu đó bị dừng lại – một giả định ở mức tối đa – thì điều này sẽ dẫn đến, mọi thứ khác đều như nhau, tổng cầu hàng hóa của EU giảm 0,6% GDP của năm 2019[2]. Xuất khẩu hàng hóa sang Nga giảm 50% sẽ làm tổng cầu giảm 0,3% GDP.
Liên minh châu Âu cũng chiếm ba phần tư nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga, với tổng giá trị hơn 300 tỷ euro vào cuối năm 2019[3]. Giả sử một nửa giá trị các khoản đầu tư này bị mất, thì điều đó sẽ chiếm khoảng 1% GDP của Liên minh châu Âu và ít hơn 2% nguồn vốn FDI ra nước ngoài của Liên minh châu Âu. Mặc dù có ý nghĩa đáng kể đối với nhiều ngân hàng và doanh nghiệp, nhưng không thể coi khoản mất mát đó là một vấn đề kinh tế vĩ mô lớn.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sự liên kết giữa các định chế tài chính đóng một vai trò quan trọng, sự suy yếu của một định chế sẽ dẫn đến sự suy yếu của một số chủ nợ. Mặc dù Nga đã có những nỗ lực rõ ràng để tôn trọng các cam kết của họ với các nước bên ngoài và ổn định nền kinh tế, nhưng khả năng chính phủ Nga vỡ nợ vẫn là một khả năng thực tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khả năng vỡ nợ của Nga không có khả năng gây ra những vấn đề lớn cho hệ thống tài chính của Liên minh châu Âu. Các công ty con của các ngân hàng Nga đã bị đóng cửa và thanh lý mà không gây nguy hại cho hệ thống tài chính.
Ngoài năng lượng và lương thực, nhập khẩu từ Nga và Ukraine có tầm quan trọng kinh tế nhỏ. Tuy nhiên, sự gián đoạn các hoạt động nhập khẩu đó có thể góp phần vào sự biến động chung của các chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra.
Người tị nạn
Dòng người tị nạn đã lên tới 4,6 triệu người (không tính 7,1 triệu người phải di dời trong nội địa lãnh thổ Ukraine) vào thời điểm biên soạn bài viết này, hầu hết trong số họ là phụ nữ và trẻ em (UNHCR 2022)[4]. Cuộc di cư vẫn tiếp diễn (mặc dù với tốc độ chậm hơn), đến mức con số đó có khả năng lên tới 5 triệu người, và có thể nhiều hơn thế nữa. Đây là một bi kịch nhân đạo ở mức độ khổng lồ, đặt ra những vấn đề lớn về công tác tổ chức và phân chia [công tác định cư người tị nạn] giữa các nước. Tuy nhiên, chi phí kinh tế vĩ mô có vẻ tương đối hạn chế. Ước tính chi phí ngân sách hàng năm về chỗ ở, thực phẩm, chăm sóc y tế và giáo dục cho người tị nạn dao động từ 9.000 đến 25.000 euro/người mỗi năm[5]. Giả sử chi phí đó là 10.000 euro cho mỗi người tị nạn (mỗi năm), thì chi phí tài trợ cho 5 triệu người tị nạn trong một năm là 50 tỷ euro, hay 0,35% GDP của EU. Thậm chí, con số chi phí này còn được định giá là quá cao, bởi vì sau vài tháng, một số người tị nạn có khả năng sẽ quay trở về nhà, một số người khác thì sẽ tìm được việc làm và một số người khác nữa sẽ di cư khỏi Liên minh châu Âu.
Thực phẩm
Nga và Ukraine là những nước sản xuất chính, và nhất là những nước xuất khẩu lớn về lương thực, đặc biệt là lúa mì[6]. Theo Tổ chức Nông lương (FAO), xuất khẩu lúa mì của Nga và của Ukraine chiếm 23% xuất khẩu lúa mì của thế giới và 7% sản lượng lúa mì của thế giới trong năm 2019. Ở Ukraine, việc gieo hạt cho vụ mùa tiếp theo có thể gặp khó khăn; và các biện pháp hạn chế tự áp đặt có thể hạn chế xuất khẩu của Nga. Các vấn đề về phân phối, do giao tranh ở các cảng dọc bờ Biển Đen, có thể làm giảm hoạt động xuất khẩu nhiều hơn nữa. Giá lúa mì trên thị trường đã tăng gần 50%, từ 7,70 US$ một giạ vào thời điểm trước chiến tranh lên 11 US$, một mức giá chỉ thấy xuất hiện trong vài ngày trong năm 2008 (Macrotrends 2022).
Do Liên minh châu Âu là nhà xuất khẩu ròng các sản phẩm nông nghiệp (năm 2021, thặng dư thương mại của khối này đạt gần 50 tỷ euro, theo Eurostat), việc giá nông sản trên thế giới tăng có thể cải thiện khá tốt các tỉ số mậu dịch của khối này. Tuy nhiên, cần lưu ý đến hai điều quan trọng. Thứ nhất là tổn thất đối với người tiêu dùng EU (trái ngược với EU nói chung, có nghĩa là người sản xuất và người tiêu dùng cộng lại) có thể ở mức lớn đáng kể, một vấn đề mà chúng tôi sẽ bàn trở lại trong Phần 3. Thứ hai là giá lương thực cao đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều nước mới nổi và nhiều nước đang phát triển, ảnh hưởng đến mức độ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của các nước đó, và có khả năng ảnh hưởng tiềm tàng đến Liên minh châu Âu.
2 – Vấn đề năng lượng
Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Nga và Liên minh châu Âu, phần lớn, do Nga là nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch chính của châu Âu. Cho đến nay, cả hai bên đã có hành động kiềm chế trong việc sử dụng năng lượng như một phương thức gây áp lực lẫn nhau. Nhưng vào ngày 8 tháng 4, Liên minh châu Âu đã quyết định cấm nhập khẩu than Nga kể từ ngày 22 tháng 8 (Bown 2022). Một số nước thuộc EU còn tiến xa hơn. Ví dụ, vào ngày 30 tháng 3, Ba Lan đã tuyên bố quyết định ngừng nhập khẩu bất cứ nguồn năng lượng nào của Nga từ nay đến cuối năm 2022. Suy ngẫm về những gì có thể xảy ra với giá cả năng lượng, tùy thuộc vào các quyết định của Nga và các lệnh trừng phạt tiềm tàng, điều quan trọng là cần phân biệt rõ giữa dầu hỏa (và than) và khí đốt.
Dầu hỏa và khí đốt
Các dữ liệu về năng lượng có thể dễ gây nhầm lẫn do sự không đồng nhất về các đơn vị đo lường, vì thế, một bản tóm tắt ngắn gọn về tình hình là một điểm khởi đầu hữu ích. Nguồn cung năng lượng của Liên minh châu Âu dựa chủ yếu vào dầu hỏa (33%, gần như nhập khẩu hoàn toàn), khí đốt (24%, chủ yếu là nhập khẩu) và than (12%, chủ yếu là nhập khẩu) (Hình 1). Các nguồn cung khác bao gồm năng lượng tái tạo (trong nước), năng lượng hạt nhân (về cơ bản là trong nước, bởi vì tự thân nguồn nhiên liệu này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí) và điện nhập khẩu. Nga là nhà cung ứng chính về dầu hỏa, khí đốt và than đá.
Các nguồn năng lượng sơ cấp trong 27 nước thuộc Liên minh châu Âu vào năm 2019
Tính toán của các tác giả dựa trên dữ liệu về cán cân năng lượng từ Eurostat. Tỷ lệ được tính trên khối lượng năng lượng (Terajoules) có trong nhiều nguồn cung khác nhau.
Đồ họa: Le Grand Continent • Nguồn: Eurostat • Créé avec Datawrapper
Trước chiến tranh, giá dầu hỏa xuất khẩu của Nga theo sát giá dầu Brent trên thị trường thế giới, cho thấy một khả năng thay thế mạnh. Do Nga là một trong nhiều nhà cung ứng dầu hỏa cho Liên minh châu Âu, chúng tôi giả định việc EU giảm nhập khẩu [dầu hỏa] từ Nga có thể được thay thế bằng việc nhập khẩu [dầu hỏa] từ các nơi khác. Và việc Nga giảm xuất khẩu [dầu hỏa] sang phương Tây có thể được bù đắp một phần bằng việc Nga bán [dầu hỏa] cho Ấn Độ và Trung Quốc.
Không giống như dầu hỏa, thị trường khí đốt mang tính khu vực. Về cơ bản, có ba thị trường lớn trên quy mô thế giới: Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Á. Hẳn là giá [khí đốt] trên các thị trường này đều liên kết với nhau, bởi vì khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể được vận chuyển đến bất kỳ nơi nào trong số các thị trường nói trên, nhưng các thị trường này cũng có nhiều khác biệt đáng kể. Ví dụ, từ năm 2021, mức cầu mạnh ở châu Á đã dẫn đến một sự phân kỳ đáng kể giữa giá khí đốt ở Bắc Mỹ và giá khí đốt ở châu Á và châu Âu.
Vì thế, thị trường xác đáng để thảo luận về tác động của một lệnh trừng phạt của EU là thị trường châu Âu, chứ không phải là thị trường thế giới. Khí đốt được sử dụng chủ yếu để sản xuất điện (1/3), sử dụng trong các ngành công nghiệp và dịch vụ (1/3), và trong các hộ gia đình (chỉ dưới 1/3). Có nhiều khả năng thay thế khí đốt vì một số mục đích sử dụng (điện được sản xuất từ khí đốt có thể được thay thế bằng điện được sản xuất từ các nguồn năng lượng khác), và ở mức độ ít hơn nhiều vì một số mục đích sử dụng khác (hệ thống sưởi ấm bằng khí đốt không thể được thay thế bằng dầu hỏa hoặc than). Trung bình, khí đốt Nga chiếm 8,4% nguồn cung năng lượng sơ cấp ở Liên minh châu Âu, nhưng có những khác biệt lớn giữa các nước thành viên. Ví dụ, Bồ Đào Nha không nhập khẩu bất kỳ nguồn khí đốt nào từ Nga, nhưng ở Hungary, khí đốt Nga chiếm 28,5% nguồn cung năng lượng sơ cấp (Pisani-Ferry, 2022).
Mặc dù không được kết nối hoàn toàn với nhau (ví dụ như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chỉ có các kết nối bằng đường ống dẫn khí đốt hạn chế với Bắc Âu), những khác biệt về giá [khí đốt] trong Liên minh châu Âu có thể được phân xử chủ yếu thông qua các giao dịch nội bộ về [khí đốt] nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới, miễn là có một thỏa thuận chính trị về chủ đề này[7] – đây chính là điều chưa đạt được. Trong phần tiếp theo, chúng tôi coi thị trường của Liên minh châu Âu như là một thị trường độc nhất.
Suy ngẫm về việc xác định giá năng lượng
Ngay cả khi không có các lệnh trừng phạt, Nga cũng có thể muốn hành xử, theo cách có chiến lược, trong việc xác định chính sách xuất khẩu dầu hỏa và khí đốt của họ.
Trong trường hợp của dầu hỏa, Nga có thể muốn tăng doanh thu [về dầu hỏa] để tài trợ thêm cho các chi phí liên quan đến cuộc chiến. Điều này sẽ dẫn đến việc tăng nguồn cung dầu hỏa trên thế giới và do đó làm giảm giá dầu hỏa trên thế giới. Tuy nhiên, Nga có thể phải đối mặt với một loạt khó khăn. Nguồn cung bổ sung hiện đang bị hạn chế do khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa trên thị trường quốc tế (được phản ánh qua mức chiết khấu giữa giá dầu hỏa Ural và giá dầu Brent). Ngoài ra, Nga là một phần của Liên minh OPEC+, điều này hạn chế khả năng tăng sản lượng xuất khẩu dầu hỏa của Nga.
Trong trường hợp của khí đốt, cần phải lưu ý đến một hiệu ứng tinh tế hơn. Liên minh châu Âu đang cố gắng hết sức để giảm thiểu sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên Nga, nhưng cam kết cắt giảm hai phần ba khí đốt nhập khẩu Nga từ nay đến cuối năm 2022 mang tính lạc quan[8]. Về nguồn cung, có thể thay thế một phần khí đốt Nga bằng khí đốt từ Na Uy, Algeria và Azerbaijan, nhưng các nước này có năng lực sản xuất hạn chế. Phần [khí đốt] còn lại phải được giao bằng đường tàu biển dưới dạng khí LNG, nhưng chỉ trong ngắn hạn thôi, bởi vì số lượng tàu LNG là có hạn, và nguồn cung [khí đốt] bổ sung chỉ có thể đến từ việc chuyển hướng các lô hàng [khí đốt] có điểm đến là châu Á. Về phía cầu, khả năng thay thế khí đốt bằng các nguồn năng lượng khác cũng bị hạn chế bởi các thiết bị hiện hữu. Các nghiên cứu gần đây (IEA 2022b, McWilliams et al. 2022) đã kết luận rằng, trong năm nay và năm tới, Liên minh châu Âu chưa thể thay thế hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên Nga[9]. Trong ngắn hạn, mức cầu về khí đốt của Liên minh châu Âu do đó sẽ tương đối kém co giãn và, theo những giả định hợp lý, độ co giãn đối với giá của cầu khí đốt Nga từ Liên minh châu Âu (tổng cầu trừ đi nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới) cũng có thể thấp hơn một.
Theo giả định về một thế độc quyền chuẩn, độ co giãn thấp như thế sẽ dẫn đến việc Nga sẽ định giá khí đốt rất cao, ngay cả khi không có chiến tranh[10]. Lý do mà Nga đã không làm điều nói trên trong quá khứ là bởi vì độ co giãn đó, trong dài hạn, chắc chắn sẽ lớn hơn một, và vì thế, họ phải đối mặt với một thỏa hiệp liên thời gian: một mức giá rất cao sẽ làm tăng thu nhập trong ngắn hạn, nhưng sẽ làm giảm thu nhập trong dài hạn. Nhưng chiến tranh có hai hiệu ứng lên tính toán này. Thứ nhất, một lần nữa, giờ đây Nga cần có nguồn thu nhập cao, khiến cho giá khí đốt sẽ tăng. Thứ hai là dự báo các lệnh trừng phạt trong tương lai, và quyết định rõ rệt của Liên minh châu Âu trong việc thoát khỏi nguồn khí đốt xuất khẩu của Nga, làm giảm hiệu ứng của việc tăng giá lên doanh thu trong tương lai, điều này một lần nữa sẽ khiến Nga phải tăng giá, miễn là vẫn còn cầu.
Nói tóm lại, khi coi thường các lệnh trừng phạt, Nga có thể muốn tăng doanh thu xuất khẩu năng lượng của họ. Tuy nhiên, trái ngược với trường hợp của dầu hỏa, muốn tăng doanh thu có thể khiến tăng khối lượng xuất khẩu (có xét đến giá dầu hỏa trên thế giới), trong trường hợp của khí đốt, mong muốn này đòi hỏi cần tăng giá khí đốt (và do đó làm giảm khối lượng khí đốt xuất khẩu). Đúng là các hợp đồng dài hạn về khí đốt bình thường ngăn cản cách hành xử như thế – do quy định việc chỉ số hóa giá khí đốt theo giá của sàn giao dịch TTF (Title Transfer Facility) của Châu Âu. Tuy nhiên, Nga có thể linh hoạt điều chỉnh để chuyển một phần nguồn cung [khí đốt] của họ trong khuôn khổ các hợp đồng hiện hữu sang hình thức thuận mua vừa bán. Nói một cách cơ bản hơn, rốt cuộc, có thể phải sửa đổi lại các điều khoản của hợp đồng hoặc bãi bỏ hợp đồng.
Liên quan đến các lệnh trừng phạt, cho dù là cấm vận hay thuế quan, cấu trúc của thị trường luôn mang tính cơ bản, và cần phải xem xét, một cách riêng biệt, các hiệu ứng lên xuất khẩu dầu hỏa và khí đốt.
Các lệnh trừng phạt: dầu hỏa
Để trừng phạt Nga, Liên minh châu Âu có thể bắt chước Hoa Kỳ và Anh, ra sắc lệnh cấm vận Nga. Đây sẽ là cách tiếp cận đơn giản nhất, vì lệnh cấm vận của châu Âu sẽ củng cố sự miễn cưỡng hiện tại của các doanh nghiệp về năng lượng, các chủ tàu buôn, các ngân hàng và các công ty bảo hiểm, đang giao dịch với dầu hỏa xuất khẩu của Nga. Một biện pháp như thế sẽ không ngăn được Nga xuất khẩu, bởi vì họ sẽ tìm người mua khác, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ hoặc các nước khác, như họ đã làm, nhưng một lệnh cấm vận chắc chắn sẽ làm tăng mức chiết khấu giá dầu hỏa Nga, như đã thấy với mức chiết khấu giá dầu hỏa Urals (khoảng 25% vào thời điểm hiện tại). Nói cách khác, chiến lược của phương Tây (phần lớn đã được triển khai) sẽ là duy trì dầu hỏa Nga trên thị trường, đồng thời tìm cách để hạ giá dầu hỏa đó. Nếu xuất khẩu ròng của Nga giảm, thì giá dầu hỏa trên thế giới sẽ tăng, trừ khi xuất khẩu của Nga giảm được bù đắp bằng quyết định tăng sản lượng dầu hỏa của các nước sản xuất khác, từ Ả Rập Xê-út, Iran đến Venezuela.
Sự gia tăng giá dầu hỏa thế giới, cuối cùng, sẽ phụ thuộc vào khả năng của Nga trong việc tìm được người mua khác, và vào quyết định của các nước khác trong việc bán ra nhiều hơn. Để có một ý tưởng về tác động lên giá dầu hỏa phụ thuộc vào việc giảm nguồn cung toàn cầu như thế nào, thì cần tìm hiểu một số tiền lệ trong lịch sử.
Lệnh cấm vận năm 1973 của OPEC đã làm giảm 7% nguồn cung trên thế giới và khiến giá dầu hỏa tăng 51%. Cuộc Cách mạng Iran năm 1978 đã làm giảm 4% nguồn cung trên thế giới và khiến giá dầu hỏa tăng 57%. Cuộc chiến Iran-Iraq năm 1980 đã làm giảm 4% nguồn cung trên thế giới và khiến giá dầu hỏa tăng 45%. Cuộc chiến vùng Vịnh 1990 đã làm giảm 6% nguồn cung trên thế giới và khiến giá dầu hỏa tăng 93% (Hamilton 2022). Vào năm 2019, Nga chiếm khoảng 13% sản lượng dầu hỏa thế giới và xuất khẩu dầu hỏa của nước này có một tỷ trọng tương đương trong thương mại thế giới, khiến cho nếu Nga giảm mạnh nguồn cung mà không được bù đắp bằng một gia tăng nguồn cung của các nước sản xuất dầu hỏa khác, thì sẽ có những hiệu ứng rất lớn lên giá dầu hỏa (BP 2021)[11].
Tuy nhiên, lịch sử có thể không phải là một chỉ dẫn đáng tin. Hiệu ứng của việc cung giảm phụ thuộc vào độ co giãn của cung dầu hỏa ngoài nước Nga và của cầu dầu hỏa trên thế giới. Và cả hai điều nói trên nay đã khác so với những năm 1970 hoặc ngay cả với những năm 1990. Độ co giãn của cung đối với giá dầu hỏa đã tăng, kể từ các thời điểm được nêu ở trên, đặc biệt kể từ khi Hoa Kỳ bắt đầu khai thác dầu hỏa đá phiến. Nhưng cần có thời gian để việc khoan các giếng dầu mới bắt đầu làm tăng sản lượng.
Hơn nữa, độ co giãn của cầu đối với giá dầu hỏa đã giảm, do dầu hỏa ngày càng được sử dụng nhiều hơn ở những lĩnh vực thiếu các sản phẩm thay thế (ví dụ, để làm nhiên liệu cho động cơ xe và máy bay). Và các biện pháp của chính phủ nhắm đến việc bảo vệ một phần lợi ích của người mua, cho dù đó là doanh nghiệp hay người tiêu dùng, khỏi tình trạng giá tăng, có thể làm giảm thêm độ co giãn của cầu. Như chúng tôi trình bày trong Phần 4, vào cuối năm 2021 và một lần nữa kể từ khi bắt đầu cuộc chiến [Nga-Ukraine], chính phủ của nhiều nước đã đưa ra các chính sách trợ cấp và chuyển nhượng liên quan đến năng lượng. Trong mức độ mà chúng ảnh hưởng đến tín hiệu giá dầu hỏa, thì các biện pháp này sẽ làm giảm phản ứng của cầu. Điều đó không quan trọng khi một nước nhỏ trợ cấp [giá dầu hỏa] một cách riêng lẻ, nhưng nếu nhiều nước cùng làm như thế – và đây là trường hợp xảy ra nếu Liên minh châu Âu tham gia cùng Hoa Kỳ và Vương quốc Anh triển khai các chính sách trợ cấp [giá dầu hỏa] – thì kết quả tất yếu là giá dầu hỏa trên thị trường thế giới sẽ tăng cao hơn.
Các lệnh trừng phạt: khí đốt
Cấu trúc của thị trường khí đốt có thể được hình dung như sau, một nước Nga trong thế độc quyền đối mặt với một lượng lớn các nước mua khí đốt Nga trong Liên minh châu Âu, những nước có thể có nguồn cung khí đốt từ các nguồn khác, nhưng với mức chi phí tăng cao rất đáng kể. Như đã thấy, ngay cả khi không có lệnh trừng phạt, Nga cũng có thể muốn tăng giá khí đốt và giảm cung khí đốt. Vấn đề đặt ra ở đây là điều gì sẽ xảy ra nếu Liên minh châu Âu quyết định sử dụng các lệnh trừng phạt, rất có thể là thông qua thuế quan đối với khí đốt xuất khẩu của Nga[12]. Đây sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy các nước thành viên trong Liên minh châu Âu đã sẵn sàng cùng nhau đối đầu với Nga. Liên minh châu Âu sẽ bảo hộ quyền tự do [giao dịch] các hợp đồng tư nhân và vẫn có hiệu lực pháp lý, bởi vì Liên minh châu Âu (cũng như Hoa Kỳ và các nước khác trong Liên minh châu Âu ủng hộ Ukraine) đã loại Nga khỏi điều khoản tối huệ quốc tại WTO. Chúng tôi giả định phản ứng là các hợp đồng tư nhân sẽ bị chấm dứt hoặc sẽ được đàm phán lại.
Trong bối cảnh này, hiệu ứng của thuế quan phụ thuộc vào độ co giãn của cầu ròng (cầu về khí đốt Nga trừ đi cung về khí đốt không phải của Nga trong Liên minh châu Âu). Nói chung, thuế quan sẽ làm giá tiêu dùng tăng, nhưng ít hơn tỷ lệ một đối một [1-1]; tương tự, nó sẽ làm mức giá trước thuế quan giảm, nhưng ít hơn tỷ lệ một đối một.
Trong trường hợp đặc biệt, khi độ co giãn của cầu của Liên minh châu Âu không đổi, thì lý thuyết gợi ý rằng Nga sẽ giữ nguyên giá (trước thuế quan), điều này sẽ dẫn đến giá tiêu dùng tăng theo tỷ lệ một đối một và làm cầu giảm. Doanh thu của Nga sẽ giảm đồng thời với cầu. Trong trường hợp một cầu tuyến tính, hiệu ứng của thuế quan lên giá tiêu dùng sẽ nhỏ hơn tỷ lệ một đối một – Nga sẽ hạ mức giá trước thuế quan, nhưng thấp hơn tỷ lệ một đối một. Cầu sẽ giảm ít hơn là trong trường hợp độ co giãn không đổi. Doanh thu của Nga sẽ giảm do cầu thấp hơn và giá trước thuế quan thấp hơn. Giả thuyết này có vẻ là hợp lý nhất.
Điều thú vị cần lưu ý là một mức thuế quan nhỏ thôi cũng có thể thực sự làm tăng phúc lợi của người dân trong Liên minh châu Âu: mặc dù người tiêu dùng phải trả tiền nhiều hơn, nhưng doanh thu từ thuế quan lại cao hơn chi phí phụ trội, và vì thế, nếu được phân phối lại một cách hợp lý, người mua có thể sẽ hưởng lợi nhiều hơn[13]. Một thuế quan cao hơn sẽ có một hiệu ứng tiêu cực lên thu nhập của Nga, và cả lên phúc lợi của người dân trong Liên minh châu Âu [EU]. Trong giả thuyết cầu tuyến tính, Daniel Gros (2022) cho rằng một mức thuế quan 30% đánh lên khí đốt Nga, trên thực tế, sẽ tối đa hóa phúc lợi của người dân trong EU. Cao hơn mức nói trên, thuế quan sẽ làm giảm phúc lợi của người dân trong EU, nhưng có thể làm giảm đáng kể doanh thu của Nga. Gros cho rằng một mức thuế quan 60% sẽ làm giảm ba phần tư nguồn thu nhập từ xuất khẩu khí đốt của Nga, nhưng với cái giá phải trả là giảm một số phúc lợi của người dân trong EU.
3 – Gia tăng của giá nguyên liệu, lạm phát và sức mua
Cuộc thảo luận ở trên đã làm rõ một điều là, phụ thuộc vào nhiều nhân tố, những nhân tố tác động đến quyết định của Nga lẫn những nhân tố liên quan đến bản chất và cường độ của các lệnh trừng phạt, giá dầu hỏa và khí đốt sẽ diễn biến một cách khó lường. Chúng tôi ít bi quan hơn trước những dự báo chung mới nhất từ các viện nghiên cứu kinh tế của Đức, với kịch bản trung tâm là giá dầu Brent sẽ đạt mốc 135 US$/thùng và giá khí đốt ở châu Âu sẽ tăng gần gấp đôi, lên 200 euro/MWh. Trong phần còn lại của bài viết này, chúng tôi giả định – trong khi vẫn nhận thức rõ sự bất trắc rất lớn gắn với giả định này – các quyết định của Nga và các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn sẽ khiến giá dầu hỏa và khí đốt tăng 25% so với mức giá trước chiến tranh.
Việc giá nguyên liệu tăng đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Thử lấy giá dầu hỏa: giá dầu Brent đã tăng từ 10,3 US$/thùng vào tháng 2 năm 1999 lên 133 US$ vào tháng 6 năm 2008, sau đó từ 40 US$ vào tháng 12 năm 2008 lên 123 US$ vào tháng 4 năm 2011. Mức giá trên 100 US$ đó đã được duy trì cho đến tháng 8 năm 2014. Xét về lạm phát kể từ năm 2014, 100 US$ khi đó tương đương với 120 US$ vào thời điểm ngày nay, cho nên mức giá dầu hỏa thực tế hiện tại vẫn chưa đạt mức giá cao kỷ lục trong lịch sử (Hình 3)[14]. Như vậy, các nhà kinh tế đã có một sự thấu hiểu rõ về các hiệu ứng của việc giá nguyên liệu tăng lên nền kinh tế.
Lạm phát
Hiệu ứng tức thời và dễ thấy nhất là lạm phát, và điều đó có thể có tác động rất quan trọng. Vào năm 2021, điện, nhiên liệu sưởi ấm và nhiên liệu dùng trong giao thông vận tải chiếm 9,6% chi tiêu tiêu dùng của cá nhân trong khu vực đồng euro, và lương thực chiếm trung bình 15,7% trong rổ tiêu dùng[15]. Nhìn chung, tỷ trọng tiêu dùng dễ bị ảnh hưởng bởi tác động trực tiếp của tình trạng giá tăng, là cao.
Các ước tính thực nghiệm thường chỉ ra rằng tác động của việc giá nguyên liệu tăng lên giá tiêu dùng chỉ mang tính cục bộ, nhưng diễn ra nhanh. Một nghiên cứu chi tiết của Eurosystem (ECB 2010) cho thấy, đối với giá dầu hỏa gần 100 US$ mỗi thùng, độ co giãn của thành tố năng lượng của chỉ số HICP (Harmonized Index of Consumer Prices [chỉ số giá tiêu dùng hài hoà]) đối với giá dầu hỏa là 0,4 (phần lớn là do thuế tiêu thụ đặc biệt không nhạy cảm với giá dầu hỏa), trong đó 90% đã có hiệu lực trong một tháng. Tuy nhiên, các ước tính này đã hơi lỗi thời, bởi vì chúng giả định một chỉ số hóa giá khí đốt trên giá dầu hỏa (đã bị loại bỏ) và sự cứng nhắc của giá điện (giả định không thực tế nữa) (ECB 2010, Bảng 9).
Tiếp theo, thử lấy 10% là phần của năng lượng trong tiêu dùng cá nhân và giả sử có một biến động 50%. Tác động trực tiếp của giả định giá tăng giá 25% sẽ là là 25% × 0,1 × 0,5 = 1,25%. Đối với lương thực, thử lấy 15% là phần của thực phẩm trong tiêu dùng cá nhân, một mức giá tăng 10% và một biến động 0,5%. Tác động trực tiếp sẽ là 10% × 0,15 × 0,5 = 0,75%. Điều này có nghĩa là chi phí của một rổ tiêu dùng sẽ tăng 2%.
Sẽ khó tránh khỏi các hiệu ứng trong đợt đầu tiên này, nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu. Các chu kỳ tiếp theo sẽ phản ánh sự phản ứng của các doanh nghiệp và người lao động. Các nhà sản xuất hàng hóa, có sử dụng năng lượng hoặc nông sản trong quá trình sản xuất, sẽ tăng giá để phục hồi tỷ trọng lợi nhuận của họ. Người lao động, có mức lương thấp hơn giá tiêu dùng trong đợt đầu tiên, sẽ yêu cầu tăng mức lương danh nghĩa để phục hồi mức lương thực tế của họ. Tất cả điều này sẽ dẫn đến việc giá cả và tiền lương tăng. Sức mạnh của các chu kỳ mới này phụ thuộc vào nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc phục hồi tỷ trọng lợi nhuận của họ và nỗ lực của người lao động trong việc duy trì mức lương thực tế của họ. Cuối cùng, nếu giá nguyên vật liệu vẫn ở mức cao, thì áp lực lên lạm phát sẽ chỉ giảm xuống khi các doanh nghiệp, có sử dụng các nguyên liệu này, chấp nhận tỷ trọng lợi nhuận thấp hơn, và/hoặc người lao động chấp nhận mức lương thực tế thấp hơn. Như chúng ta sẽ thấy, điều gì xảy ra với lạm phát và hoạt động theo dòng thời gian phụ thuộc vào chính sách tài khóa và tiền tệ.
Thu nhập thực tế
Động năng lạm phát này hiện hữu, cho dù nền kinh tế sản xuất hay nhập khẩu các sản phẩm cơ bản. Nhưng việc nền kinh tế có phải là nền kinh tế nhập khẩu ròng hay không cũng tạo ra một sự khác biệt quan trọng trong diễn biến của tổng thu nhập thực tế. Thử lấy trường hợp của Hoa Kỳ, vốn đáp ứng hầu như các nhu cầu về năng lượng trên lãnh thổ của họ. Giá năng lượng tăng sẽ dẫn đến thu nhập thực tế của người sử dụng năng lượng (người tiêu dùng và doanh nghiệp) giảm, và thu nhập thực tế của các nhà sản xuất năng lượng (và các cổ đông của họ) tăng. Hiệu ứng lên thu nhập thực tế của Mỹ nói chung là gần bằng không. Hiệu ứng lên tổng cầu ở Hoa Kỳ phụ thuộc vào xu hướng chi tiêu cận biên của người sử dụng và nhà sản xuất năng lượng, có thể tăng hoặc giảm. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu nhập khẩu gần như toàn bộ khí đốt và dầu hỏa mà Liên minh tiêu dùng, cho nên khi giá tăng thì dẫn đến việc thu nhập thực tế của người sử dụng năng lượng giảm, và thu nhập thực tế của các nhà sản xuất nước ngoài tăng, vốn có khả năng không có nhu cầu chi tiêu nhiều các sản phẩm của EU. Như vậy, việc giá các sản phẩm cơ bản này tăng có nhiều khả năng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến cầu trong nước. Trong cả hai trường hợp, người sử dụng năng lượng, đặc biệt là người tiêu dùng, có thể thấy mình rơi vào tình huống tồi tệ hơn. Nhưng hiệu ứng lên tổng cầu phụ thuộc vào việc nước đó có phải là nước nhập khẩu ròng hay không.
Sẽ là điều rất hữu ích khi nghĩ về những hệ lụy của giá dầu hỏa và khí đốt tăng lên thu nhập thực tế của Liên minh châu Âu và có được một ý tưởng về độ lớn nhỏ của các hệ luỵ này.
Thử bắt đầu với dầu hỏa. Các thị trường dầu hỏa có vẻ giả định việc giảm cung toàn cầu sẽ có mức hạn chế. Giá một thùng dầu Brent là 99 US$, một ngày trước khi bắt đầu cuộc chiến, so với 78 US$ vào đầu năm 2022; mức giá đó đã tăng lên 133 US$ trong một thời gian ngắn, nhưng vào thời điểm viết bài này (ngày 14 tháng 4), nó đã giảm xuống còn 110 US$. Giả sử giá dầu hỏa tăng từ 78 US$ lên 100 US$, tức khoảng 25%[16]. Khối lượng nhập dầu hỏa (từ Nga và các nước khác) của Liên minh châu Âu là 5.900 triệu thùng vào năm 2021. Mức giá tăng như trên có nghĩa là thu nhập thực tế của Liên minh châu Âu sẽ giảm, 5.900 x 22 x 100/1,1 (theo tỷ giá hối đoái US$-euro), tức 120 tỷ euro, hay 0,9% GDP năm 2019[17].
Thị trường khí đốt cũng đã giảm so với mức giá cao hồi tháng Hai, nhưng vẫn còn ở mức cao. Giả sử tỷ lệ mức tăng giá trung bình khí đốt của Liên minh châu Âu, khoảng 25%, tương tự như trong trường hợp của dầu hỏa. Kim ngạch nhập khẩu khí đốt (từ Nga và các nước khác) sẽ bằng 170 tỷ euro trong năm 2021. Điều này có nghĩa là thu nhập thực tế của Liên minh châu Âu giảm, 170 x 0,25 ≈ 42 tỷ euro, hay 0,3% GDP năm 2019.
Theo những giả định tương đối vừa phải nói trên, việc giá dầu hỏa và khí đốt tăng, do cuộc chiến gây ra, sẽ làm thu nhập thực tế của EU giảm khoảng hơn 1% GDP. Nhưng điều này sẽ cộng thêm vào hiệu ứng của các đợt tăng giá trước đó kể từ năm 2019. Nói chung, và không tính đến thời kỳ phong tỏa [vì dịch bệnh] vào năm 2020, theo đó giá cả và sản lượng đều giảm, nhập khẩu năng lượng của Liên minh châu Âu, vốn đã lên tới mức 2,6% GDP vào năm 2019, sẽ vượt quá 5% GDP nếu giá cả vẫn ở mức vào đầu năm 2022, và sẽ tăng lên hơn 6% trên cơ sở các giả định của chúng tôi[18]. Bất luận tiêu chí nào được xem xét, đây là một cú sốc kinh tế vĩ mô lớn, với những hậu quả nghiêm trọng lên thu nhập, sản lượng và lạm phát.
Các hiệu ứng phân phối
Ngoài thiệt hại tổng thể về thu nhập thực tế đối với người tiêu dùng, các hiệu ứng phân phối cũng là một vấn đề rất quan trọng. Tiêu dùng khí đốt, tiện ích công và lương thực (tính theo tỷ trọng của tổng tiêu dùng) của các hộ gia đình có thu nhập thấp đều cao hơn so với các hộ gia đình có thu nhập cao, mặc dù có những khác biệt rõ rệt giữa các nước. Dựa trên dữ liệu của Eurostat, sự khác biệt đó là nhỏ ở các nước Scandinavia, ví dụ 26% đối với điểm ngũ phân vị thấp so với 25% đối với điểm ngũ phân vị cao ở Đan Mạch. Sự khác biệt này cao hơn ở Pháp và Đức, 25% so với 21% ở Pháp, 26% so với 21% ở Đức. Sự khác biệt này thậm chí còn cao hơn ở các nước nghèo hơn, ví dụ 31% so với 23% ở Tây Ban Nha và 50% so với 37% ở Bulgaria[19],[20]. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng của các hộ gia đình có thu nhập thấp thường cứng nhắc hơn, vì phần lớn thu nhập của họ đã được phân bổ trước cho tiền thuê nhà và các khoản chi khác hàng tháng mà họ không thể dễ dàng thay đổi. Như thế, bên cạnh những hiệu ứng tổng thể lên sản lượng và lạm phát, cần phải tính đến việc các hộ gia đình nghèo chịu nhiều thiệt hại hơn so với các hộ gia đình giàu, do giá các sản phẩm cơ bản tăng. Điều này có những hệ lụy rõ rệt lên chính sách tài khóa.
4 – Các hệ lụy về mặt chính sách công
Cuối cùng, chúng tôi đề cập đến phản ứng của các chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong ngắn hạn, vấn đề chính và cội nguồn các mức chi tiêu lớn tiềm tàng, là liệu có bảo vệ người tiêu dùng khỏi tình trạng giá các sản phẩm cơ bản tăng hay không, và cách thức làm thế nào.
Các biện pháp thuế khóa và chuyển nhượng
Theo giả định của chúng tôi, mức tăng trung bình của giá cả trong rổ tiêu dùng, có tính đến tiền lương, ở mức khoảng 2%[21]. Nhưng mức giảm thu nhập thực tế của điểm ngũ thập phân thấp nhất ở các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất (ví dụ như Slovakia) cao gấp đôi, tức ở mức 4%. Đây là một con số rất cao, khi biết rằng sự phân tán các hiệu ứng lên thu nhập của các hộ gia đình, ngay cả trong cùng một khoanh thu nhập, có thể ở mức rất lớn, tùy thuộc vào điều kiện sinh hoạt, và việc chấp nhận giá các sản phẩm cơ bản tăng có thể ở mức lớn hơn những giả định của chúng tôi[22].
Do đó, vấn đề đặt ra là trong chừng mực nào và làm thế nào để bảo vệ các hộ gia đình một cách tốt nhất. Kể từ khi giá năng lượng bắt đầu tăng vào cuối năm 2021, các nước thành viên EU đã đưa ra một loạt các biện pháp để giảm bớt cú sốc. Các chế độ này có thể được nhóm lại theo ba đề mục[23].
GIẢM TẠM THỜI THUẾ SUẤT ĐÁNH VÀO NĂNG LƯỢNG
Khả năng thứ nhất là đồng ý với các chính sách trợ cấp trực tiếp đại trà, ví dụ như dưới hình thức giảm hoặc hạ mức thuế đánh vào năng lượng, vốn đang ở mức cao ở hầu hết các nước thành viên Liên minh châu Âu. Ví dụ, vào tháng 2, Pháp đã đưa ra mức giảm thuế điện trong một năm (với chi phí là 8 tỷ euro, tương đương 0,3% GDP) và, vào ngày 1 tháng 4, giảm 15% thuế xăng dầu trên mỗi lít trong thời gian 4 tháng, với chi phí được ước tính là 2,2 tỷ euro, tương đương khoảng 0,1% GDP[24]. Chính sách trợ cấp này được coi như là một biện pháp tạm thời khẩn cấp trong khi chờ đợi việc triển khai một hệ thống có mục tiêu rõ ràng hơn vào đầu mùa hè. Rất dễ nhìn thấy chính sách trợ cấp này, và đó là một lợi thế chính trị. Ngoài ra, các mức giảm tạm thời tương tự về thuế tiêu thụ đặc biệt cũng đã được triển khai, cụ thể ở Đức, vào ngày 23 tháng 3, thuế xăng dầu đã giảm 30 xu/lít[25].
CHUYỂN NHƯỢNG CỐ ĐỊNH
Một cách tiếp cận khác là chuyển tiền trợ cấp một lần, độc lập với nhu cầu tiêu dùng lương thực, dầu hỏa và khí đốt. Ví dụ, vào ngày 23 tháng 3, Đức đã triển khai chuyển tiền trợ cấp phổ quát một lần (Energiepreis-Pauschale) là 300 euro cho mỗi người, cộng với các khoản trợ cấp bổ sung khác cho trẻ em. Năm ngoái, Pháp đã triển khai một khoản trợ cấp 100 euro, được trả tự động cho những người có thu nhập không vượt quá 2.000 euro mỗi tháng, với nguồn chi phí là 3,8 tỷ euro, tương đương khoảng 0,2% GDP[26]. Các biện pháp này có ít khả năng tác động mạnh đến giá thị trường của lương thực, dầu hỏa và khí đốt (chỉ hiệu lực trong phạm vi các nguồn thu nhập tăng thêm được chi cho các mặt hàng này), và vì thế có hiệu ứng là các chính sách chuyển tiền trợ cấp một lần sẽ chủ yếu đến tay người tiêu dùng hơn là đến tay các nhà sản xuất nguyên liệu.
Tất nhiên là có những giải pháp được cho là khả thi để xác định, một cách chính xác, đối tượng hưởng tiền trợ cấp một lần, nhằm bảo hộ tốt hơn những người vừa có thu nhập thấp vừa chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm, dầu hỏa và khí đốt. Ví dụ, trong trường hợp của điện, người ta có thể chuyển tiền trợ cấp tỷ lệ thuận với hóa đơn tiền điện gần nhất của các công ty dịch vụ công, và kết hợp thông tin này với thông tin về thu nhập của hộ gia đình, giới hạn số tiền trợ cấp đối với những người có thu nhập dưới một ngưỡng nhất định nào đó. Hoặc có thể phát hành các phiếu trả tiền xăng – một khoản tiền nhất định chỉ được chi cho năng lượng hoặc xăng mà thôi –; thực vậy, phiếu trả tiền năng lượng đã có ở Pháp, và phiếu trả tiền xăng đó đang được thảo luận ở Hoa Kỳ. Trong trường hợp phiếu trả tiền xăng có trị giá nhỏ hơn những gì người thụ hưởng cần chi cho năng lượng, thì biện pháp này cũng không ảnh hưởng đến mức giá cận biên mà họ phải đối mặt, và do đó không ảnh hưởng đến các biện pháp khuyến khích giảm tiêu dùng năng lượng. Tuy nhiên, về mặt chính trị, phiếu trả tiền xăng có nhiều khả năng được chấp nhận thấp hơn, so với các chính sách trợ cấp chung.
ĐIỀU TIẾT GIÁ CẢ
Còn có một cách tiếp cận khác là tách cặp một số giá cả nhất định, chẳng hạn như giá điện, khỏi chi phí cận biên của các giá này. Vấn đề này đặc biệt trở nên quan trọng do sự biến động cực kỳ lớn của giá khí đốt tự nhiên trên thị trường, vốn là chi phí cận biên xác đáng của việc sản xuất điện. Đặc biệt, Tây Ban Nha đã chỉ trích mạnh mẽ hiệu ứng lạm phát của việc định giá điện, và, vào tháng 3, Liên minh châu Âu đã đồng ý tạm thời tách bán đảo Iberia khỏi thị trường điện châu Âu. Pháp đã yêu cầu công ty điện lực quốc gia của nước này hạn chế tăng giá điện ở mức 4% vào năm 2022 và đáp ứng nhu cầu cung cấp điện ở mức giá này, điều đó đòi hỏi công ty điện lực phải gánh chịu một phần lớn chi phí, dẫn đến một sự suy giảm lớn trong nguồn thu của ngân khố nhà nước và một một sự sụt giảm mạnh về giá trị trên thị trường. Điều này cũng dẫn đến một kết quả kém hiệu quả, do giá điện thấp hơn chi phí cận biên, nhưng lại cho phép một gia tăng tiềm năng lớn của thặng dư của người tiêu dùng tăng – với cái giá phải trả là một sự sụt giảm lớn hơn của thặng dư của nhà sản xuất điện. Nhìn từ góc độ phúc lợi, thu nhập thực tế của người tiêu dùng có thể chi phối sự tổn thất về hiệu quả[27].
CÁC HIỆU ỨNG KHÔNG MONG MUỐN TIỀM TÀNG CỦA CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP
Có thể nêu ra hai ý kiến phản bác chính chống lại các chính sách trợ cấp. Thứ nhất là chính sách trợ cấp làm tăng cầu năng lượng, như thế góp phần duy trì giá năng lượng ở mức cao[28]. Vấn đề này đã được nhiều người biết đến và là chủ đề các cuộc thảo luận truyền thống về hệ quả kinh tế thuế khóa. Lấy ví dụ về chính sách trợ cấp cho nhiều mục đích sử dụng dầu hỏa khác nhau. Hiệu ứng lên giá tiêu dùng phụ thuộc vào diễn biến của giá dầu hỏa trên thị trường. Nếu chỉ có một nước sử dụng chính sách trợ cấp như thế, và nước này là nhỏ trên thị trường thế giới, thì giá dầu hỏa trên thị trường thế giới sẽ không thay đổi, và sự trợ cấp đó sẽ được thể hiện bằng một sụt giảm của giá tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu tất cả các nước trong EU, và có thể cả các nước khác như Hoa Kỳ, triển khai các chính sách trợ cấp như thế, thì đường cung xác đáng là đường cung thế giới, không co giãn trong ngắn hạn. Ở mức cực đoan hơn, nếu đường cung hoàn toàn không co giãn, thì hiệu ứng sẽ là làm giá dầu hỏa trên thị trường tăng trên một đơn vị sản xuất, và không ảnh hưởng đến giá tiêu dùng[29]. Nói cách khác, tiền trợ cấp sẽ rơi vào tay các nhà sản xuất dầu hỏa, bao gồm cả Nga. Trên thực tế, kết quả hẳn nhiên có thể có hiệu ứng nhỏ hơn, theo tỷ lệ một đối một, của tiền trợ cấp lên giá dầu hỏa trên thị trường, nhưng điều đó ít hấp dẫn hơn.
Ý kiến phản bác thứ hai, cụ thể hơn nhưng rất xác đáng, là liệu các chính sách trợ cấp có đi ngược lại một biểu thuế quan khả dĩ trong tương lai hay không, và trên thực tế còn củng cố vị thế của Nga trong cuộc đối đầu với Liên minh châu Âu. Như chúng ta đã thấy trong phần trước, một biểu thuế quan đánh trên khí đốt sẽ làm giá khí đốt lẫn khối lượng khí đốt xuất khẩu của Nga giảm, trong khi doanh thu tương ứng có thể được sử dụng để giảm thiểu tác động đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để làm tốt nhất. Một chính sách trợ cấp trực tiếp cho giá khí đốt trên thị trường trong nước, chẳng hạn như giảm biểu thuế gián tiếp lên khí đốt, sẽ làm tăng cầu khí đốt và giá cả sẽ phụ thuộc vào tính toán của Nga, do đó đối trọng với các hiệu ứng thuế quan. Chính phủ các nước không nên sử dụng nguồn thu từ thuế quan đánh trên khí đốt Nga để trợ cấp cho việc tiêu dùng năng lượng, đến mức làm giảm giá cận biên của khí đốt trên thị trường châu Âu. Thay vào đó, họ nên dựa vào hệ thống chuyển nhượng không tác động đến giá cận biên.
Tài trợ bằng tiền thuế hay tiền nợ vay
Vấn đề tiếp theo là trong chừng mực nào các cơ chế tài khóa nên được tài trợ bằng tiền thuế phụ trội hay bằng tiền nợ vay. Doanh thu từ thuế quan có thể hữu ích, nhưng, như đã thấy ở phần trên, thuế quan có ít khả năng tạo ra nhiều doanh thu, trong trường hợp của dầu hỏa – nhưng hẳn là có khả năng tạo ra nhiều doanh thu hơn trong trường hợp của khí đốt.
Chi tiêu ngân sách tùy nghi tức thời chủ yếu bao gồm các chi tiêu về quốc phòng (bao gồm cả việc cung cấp vũ khí cho Ukraine), viện trợ cho người tị nạn, các biện pháp hỗ trợ cho các hộ gia đình, và các khoản đầu tư khẩn cấp để thích ứng với hệ thống năng lượng. Theo giả định của chúng tôi về giá, chi phí ngân sách nằm trong phạm vi từ thấp đến có thể quản lý được: vào năm 2022, chi phí ngân sách sẽ không vượt quá một phần sáu điểm phần trăm GDP của Liên minh châu Âu dành cho quốc phòng, một phần ba điểm phần trăm dành cho viện trợ cho người tị nạn, và theo quyết định của nhiều nước thành viên, từ một nửa đến một điểm phần trăm dành cho các biện pháp hỗ trợ cho các hộ gia đình[30]. Một vấn đề khó xử hơn là liệu cần phải chi bao nhiêu cho các khoản đầu tư khẩn cấp về năng lượng. Chúng tôi không có một ước tính chính xác, nhưng giả định rằng nó không được vượt quá nửa điểm phần trăm. Nói chung, chi phí ngân sách tùy nghi cho cuộc chiến, vì thế, nên được duy trì trong phạm vi từ 1,5 đến 2% GDP. Con số này sẽ thấp hơn một nửa chi phí ngân sách dành cho các biện pháp hỗ trợ đại dịch, mà ở châu Âu đã thường lên tới 4% GDP vào năm 2020.
Liệu nên tài trợ các chi tiêu phụ trội đó bằng tiền thuế hay tiền nợ vay? Vì các lý do kinh điển trong tài chính công, có những lập luận xác đáng để tài trợ một phần bằng tiền nợ vay. Hẳn nhiên sẽ có một số mức tăng chi tiêu có thể chỉ mang tính tạm thời, và điều này biện minh cho việc giảm thuế.
Về mặt kinh tế học chính trị, khái niệm thuế chiến tranh – một loại “thuế Putin”, như Tổng thống Biden đã gọi ở Hoa Kỳ, dù ông đề cập đến tình trạng thu nhập thực tế giảm hơn là một thuế suất rõ ràng – có thể ít mất lòng dân hơn trong các trường hợp khác, và trái với nhận thức hiện tại ở Tây Âu, nhấn mạnh đến thực tế cho rằng một cuộc chiến, ngay cả một cuộc chiến kinh tế, không phải là thứ miễn phí.
Tuy nhiên, vì lý do ổn định kinh tế vĩ mô, có nhiều lập luận ủng hộ việc sử dụng nguồn tài trợ từ tiền nợ vay. Thu nhập thực tế của Liên minh châu Âu sẽ giảm đáng kể và có nguy cơ dẫn đến một sự sụt giảm của tiêu dùng. Nhu cầu xuất khẩu của Nga cũng được dự kiến giảm đáng kể. Tình trạng bất trắc tăng lên, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc cắt giảm tiêu dùng và đầu tư trong cuộc khủng hoảng Covid, một lần nữa có thể đóng một vai trò quan trọng. Sự hỗ trợ bằng chính sách tài khóa và tài trợ bằng vốn vay, thay vì tăng thuế để bù đắp cho chi tiêu tăng, có thể sẽ là điều cần thiết[31].
Điều này đặt ra vấn đề kinh điển về khả năng bền vững của nợ vay (một vấn đề mà một trong các tác giả đã đề cập từ rất lâu trong các bài viết khác)[32]. Nếu đúng là lạm phát chậm lại phải cần đến các lãi suất thực tế tạm thời cao hơn, nhưng các nhân tố đằng sau lãi suất thực trung tính thấp vẫn không thay đổi và, trong chừng mực mà lạm phát vẫn được kiểm soát, cho nên không cần bắt đầu tính đến việc đưa rủi ro lạm phát vào lãi suất thực của trái phiếu, lãi suất trung tính, sau thời kỳ tăng tạm thời, sẽ trở về mức thấp trong trung hạn. Cho đến hiện tại, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chỉ tăng 50 điểm cơ bản, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, một mức điều chỉnh tăng có giới hạn do quy mô của cú sốc địa chính trị và kinh tế.
Trong ngắn hạn, động năng của nợ vay cần phải được duy trì ở mức cực kỳ thuận lợi. Trong dự báo vào tháng 3 của ngân hàng ECB (2022a) về mức tăng trưởng GDP thực tế của khu vực đồng euro, lãi suất danh nghĩa chỉ đạo và lạm phát cho năm 2022 là 3,7%, 0,8% (đối với lợi tức 10 năm) và 5,1%. Điều đó hàm ý giá trị đối với (r – g) là (0,8% – 5,1% – 3,7%) = -8%[33]. Kết hợp với một tỷ trọng nợ vay là 98%, điều đó sẽ cho phép chính phủ các nước trong Liên minh châu Âu, nói chung, có mức thâm hụt ngân sách chính là 8% trong khi vẫn duy trì được tỷ trọng nợ vay không đổi. Thế nên, có một biên độ hành động quan trọng để tạm thời xử lý các mức thâm hụt ngân sách lớn hơn nếu cần.
Chính sách tiền tệ
Lời khuyên chung cho ngân hàng trung ương khi đối mặt với giá các sản phẩm cơ bản tăng là tính đến các hiệu ứng của đợt đầu tiên (dù sao thì cũng không thể làm được gì nhiều) và hạn chế các hiệu ứng của đợt thứ hai, nếu cần, bằng cách giảm sản lượng và tăng tỷ lệ thất nghiệp, cho đến khi lạm phát trở lại mức mục tiêu đã đề ra (Blanchard và Galí, 2007).
Có thể trông chờ các doanh nghiệp rốt cuộc sẽ phục hồi tỷ suất lợi nhuận của họ. Như thế, mức độ can thiệp của ngân hàng trung ương nhằm làm chậm lại hoạt động, phần lớn phụ thuộc vào diễn biến của lương. Khi lương thực tế bị giảm trong đợt đầu tiên, người lao động sẽ muốn gỡ lại và sẽ yêu cầu tăng lương danh nghĩa. Và nếu dự kiến lạm phát vẫn ở mức cao, họ sẽ yêu cầu tăng thêm lương danh nghĩa. Sức mạnh của hiệu ứng thứ nhất này, mong muốn gỡ lại tiền lương bị tụt hậu của người lao động phụ thuộc, trong số nhiều nhân tố khác, vào quy mô tổn thất thu nhập thực tế mà họ đã chịu đựng trong đợt đầu tiên, và vào khả năng đàm phán của họ, do đó vào quy mô hẹp của thị trường lao động. Sức mạnh của hiệu ứng thứ hai, lạm phát được dự kiến, phụ thuộc vào tính đáng tin của chiến lược của ngân hàng trung ương và vào cam kết của ngân hàng này đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu đã đề ra.
Trong bối cảnh này, có sự tương tác quan trọng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Quay trở lại với nhiều biện pháp bảo vệ khác nhau mà chính phủ các nước có thể sử dụng: trợ giá – trong chừng mực chúng làm giảm, một cách cơ học, mức tăng giá tiêu dùng – hoặc các mức giá trần (như trong trường hợp tách giá điện khỏi chi phí cận biên) làm giảm tình trạng lạm phát trong đợt đầu tiên, và như thế hạn chế mức giảm ban đầu của lương thực tế. Điều này sẽ giảm bớt áp lực lên lương trong các chu kỳ tiếp theo, giúp ngân hàng ECB dễ dàng hơn trong việc giảm lạm phát với thời gian. Các khoản trợ cấp không ảnh hưởng đến tình trạng lạm phát trong đợt đầu, nhưng sẽ hạn chế mức giảm thu nhập thực tế ban đầu, và như thế có tiềm năng làm giảm áp lực tiền lương trong đợt thứ hai và các đợt tiếp theo. Nói tóm lại, một sự gia tăng của chính sách bảo vệ và những thâm hụt ngân sách cao hơn sẽ làm giảm nhu cầu thắt chặt chính sách tiền tệ để đưa lạm phát trở về mục tiêu đã đề ra.
Vì vậy, có một thỏa hiệp rõ rệt: từ góc độ hiệu quả, cũng như để đảm bảo tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt, chính phủ các nước nên tránh các biện pháp hỗ trợ thu nhập làm suy yếu tín hiệu giá cả và, trong thực tế, có thể làm lợi cho Nga. Nhưng từ quan điểm kiểm soát lạm phát, họ nên dựa vào các biện pháp có tác động trực tiếp và đo lường được đến giá tiêu dùng. Có thể có một số biện pháp đáp ứng được cả hai điều kiện nói trên (đó là trường hợp trợ cấp dựa trên mức tiêu dùng năng lượng trong quá khứ, nếu chỉ số giá phản ánh không phải giá cận biên mà là giá trung bình mà các hộ gia đình phải trả). Cho đến nay, đã có rất nhiều biện pháp được thực thi, nhưng chưa vượt qua được cuộc thử nghiệm.
Thảo luận ba bên về tiền lương
Chúng ta có thể đi xa hơn một chút và ủng hộ các cuộc thảo luận ba bên, thậm chí cả các cuộc thương thảo, giữa các doanh nghiệp, người lao động và Nhà nước. Chừng nào mà giá các nguyên liệu vẫn còn cao, thì tiền lương thực tế và/hoặc biên lợi nhuận phải ở mức thấp hơn. Như chúng tôi đã gợi ý, nhà nước có thể hạn chế mức giảm thu nhập thực tế của người lao động thông qua các chính sách trợ cấp, chuyển nhượng, và điều tiết giá cả, được tài trợ bởi một sự kết hợp các loại thuế đánh trên người khá giả nhất hoặc bằng cách tài trợ qua nợ vay, chuyển một phần gánh nặng cho những người đóng thuế tương lai. Lạm phát là một cách cực kỳ kém hiệu quả để đạt được một kết quả công bằng. Việc người lao động, doanh nghiệp và nhà nước đồng ý với nhau, qua thương thảo, về một kết quả tốt hơn và qua đó, hạn chế lạm phát trong đợt thứ hai và các đợt tiếp theo, rõ ràng là điều đáng mong muốn.
Liệu điều đó có khả thi hay không? Vai trò của các cuộc thương thảo xã hội như thế đã được tranh luận từ lâu, và kết quả thông thường là cần có một mức độ phối hợp phi thực tế trong nội bộ các doanh nghiệp và nghiệp đoàn. Lần này có thể khác, và các cuộc thương thảo ba bên, hoặc ít nhất là các cuộc thảo luận, là một tùy chọn mà chính phủ các nước nên xem xét.
Bất kỳ thành công nào trong việc hạn chế quy mô các hiệu ứng trong đợt thứ hai đều cho phép có được một chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Có hai nhân tố xác đáng khác ở đây, cho dù chúng làm dịch chuyển chính sách tiền tệ mong muốn theo các chiều hướng trái ngược, là: phân tích các dự báo và mức cầu thấp trong khu vực tư nhân.
Tính bất định tiềm ẩn của các dự kiến
Lạm phát do cú sốc về nguyên liệu cộng thêm vào tỷ suất lạm phát cao đáng kể, so với mức dự kiến cho năm 2021. Ngay cả trong thời kỳ trước chiến tranh, tình hình này đã làm dấy lên mối lo ngại về tính bất định của các dự kiến lạm phát, điều sẽ khiến cho nhiệm vụ của ngân hàng ECB càng trở nên khó khăn hơn. Theo điều tra của ngân hàng ECB, bên cạnh các nhà dự báo chuyên nghiệp (ECB 2022b), các dự kiến lạm phát trong dài hạn đã bắt đầu tăng lên, với mức dự báo trung bình tăng từ 1,8% vào đầu năm 2021 lên 2,1% vào tháng 4 năm 2022 (Lane 2022)[34]. Ban đầu, đây là một diễn tiến tích cực sau nhiều năm, theo đó lạm phát dự kiến ở mức quá thấp, nhưng nỗi lo ngại giờ đây là khi lạm phát trong đợt đầu tiên tăng thêm, do cuộc chiến, thì có thể dẫn đến khả năng thuần túy và đơn giản là các dự kiến trở thành bất định. Như thành viên trong Hội đồng thống đốc ngân hàng ECB, Isabel Schnabel (2022), gần đây đã nhấn mạnh, điều này biện hộ cho một sự định hướng của chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trong các đợt tiếp theo, cho dù không có lạm phát cao hơn trong quá khứ.
Điểm yếu tiềm tàng của cầu trong khu vực tư nhân
Một nhân tố xác đáng khác là hiệu ứng của các cú sốc gắn liền với cuộc chiến lên tổng cầu. Xuất khẩu giảm, đầu tư thua lỗ, và niềm tin chung bị lung lay, là những lý do chính đáng, ngay cả khi có sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa, để cho rằng tổng cầu sẽ thấp hơn, độc lập với mọi sự thắt chặt về chính sách tiền tệ. Điều này hàm ý không cần thiết phải thắt chặt chính sách tiền tệ, so với tình hình trước chiến tranh và, mọi thứ khác giống nhau, biện hộ cho một chính sách tiền tệ linh hoạt hơn.
Ở giai đoạn này, rất khó để đánh giá nhân tố nào trong số các nhân tố nói trên sẽ chi phối, và liệu chính sách tiền tệ của ngân hàng ECB sẽ mang tính chặt chẽ hơn hay linh hoạt hơn, so với những gì được dự báo trong thời kỳ trước chiến tranh. Quy mô các cú sốc, sức mạnh các hiệu ứng trong đợt thứ hai, tính bất định của các dự kiến lạm phát, và mức tổng cầu thấp, tất cả đều không chắc chắn. Các thị trường đang gặp khó trong việc đánh giá xem hiệu ứng thực lên chính sách tiền tệ sẽ như thế nào: đường cong lợi tức của đồng euro đã giảm mạnh khi bắt đầu cuộc chiến, nhưng hiện tại đã cao hơn một chút so với thời kỳ trước chiến tranh (xem Hình 4)[35]. Quan điểm hiện tại của ngân hàng ECB không triển khai các điều chỉnh lớn vì lý do chiến tranh, có vẻ như là quan điểm đúng đắn ở giai đoạn này[36]. Nhưng ngân hàng ECB sẽ phải điều chỉnh quan điểm và thể hiện sự nhanh nhạy đặc biệt để tránh lạm phát kéo dài hoặc một cuộc suy thoái.
5. Kết luận
Đối với châu Âu, cuộc chiến ở Ukraine là một cú sốc kinh tế hàng đầu. Trong khi những hệ lụy của các chính sách tài khóa trực tiếp, hỗ trợ người tị nạn, tăng chi tiêu quân sự, và củng cố quyền tự chủ về năng lượng vẫn còn hạn chế, thì tác động của sự gia tăng của giá năng lượng và lương thực lên thu nhập quốc dân và phân phối thu nhập, sẽ là một thách thức tiềm tàng đáng kể. Điều này làm nảy sinh ba thách thức kinh tế vĩ mô.
Thách thức thứ nhất là làm sao sử dụng các lệnh trừng phạt một cách tốt nhất, để răn đe Nga đồng thời hạn chế những hiệu ứng tiêu cực lên nền kinh tế của Liên minh châu Âu. Về vấn đề này, điều quan trọng là cần phân biệt rõ giữa dầu hỏa và khí đốt. Đối với dầu hỏa, Nga có thể đa dạng hóa khách mua bằng cách rút khỏi thị trường EU và bán dầu ra thị trường thế giới, khi nước này vận hành như người nhận giá. Hệ lụy là những hậu quả từ các lệnh trừng phạt của EU sẽ mang tính toàn cầu và một lệnh cấm vận của châu Âu về dầu hỏa Nga hoặc việc châu Âu áp đặt các biểu thuế quan lên dầu hỏa Nga có thể có những hiệu ứng hạn chế đến giá dầu hỏa tiêu dùng. Đối với khí đốt, Liên minh châu Âu và Nga đều có một thế mạnh mặc cả. Nga gần như phụ thuộc hoàn toàn vào cơ sở hạ tầng các đường ống dẫn khí đốt, kết nối nước này với thị trường châu Âu. Châu Âu bị hạn chế trong khả năng tiếp cận các nguồn cung khí đốt khác, với mức chi phí tiềm tàng cao. Theo quan điểm của châu Âu, cấm vận khí đốt không phải là một tùy chọn. Ngược lại, thuế quan là một biện pháp hiệu quả một phần và cần được xem xét, dù có những hiệu ứng hẳn nhiên lên giá khí đốt tiêu dùng ở châu Âu.
Thách thức thứ hai là làm sao đối phó với mức thu nhập thực tế giảm, do các chi phí nhập khẩu năng lượng tăng. Ở đây, có hai vấn đề nảy sinh. Thứ nhất, nếu chính phủ các nước muốn bảo vệ một phần lợi ích của người mua – người tiêu dùng và các doanh nghiệp – chống lại tình trạng giá tăng, thì họ có nhiều lựa chọn trong số các biện pháp, từ chính sách trợ cấp trực tiếp đến chuyển nhượng có mục tiêu, đến các biện pháp điều tiết giá và hạn chế giá trần. Đối với khí đốt, và ở mức độ thấp hơn đối với dầu hỏa, các chính sách trợ cấp – đặc biệt là chính sách cắt giảm thuế trên diện rộng – có thể vô hiệu hoá một phần hiệu ứng của các lệnh trừng phạt, và vì thế sẽ là điều không mong muốn. Chuyển nhượng cố định không ảnh hưởng đến giá cận biên, và do đó không làm giảm động lực phải giảm cầu, là các biện pháp được ưa thích, đặc biệt nếu đối tượng hưởng trợ cấp là các hộ gia đình có thu nhập thấp và các hộ gia đình khác bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thứ hai, chính phủ các nước phải quyết định phương thức tài trợ cho các khoản chi phụ trội. Bởi vì một phần chi tiêu mang tính tạm thời, và vì lý do của tình hình bất trắc, tổn thất về thu nhập thực tế và xuất khẩu sang Nga giảm, tất cả đều dẫn đến một tổng cầu thấp, cho nên một sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa, và vì thế một sự tài trợ phụ trội cho thâm hụt ngân sách có thể là điều cần thiết. Ngay cả khi tình hình thâm hụt ngân sách lớn hơn, với tỷ lệ lạm phát cao và lãi suất danh nghĩa vẫn còn thấp, thì cần phải giảm tỷ trọng nợ trong khoảng thời gian hai năm, và tình hình nợ sẽ vẫn bền vững.
Thách thức thứ ba về mặt kinh tế vĩ mô là đối phó với tình hình lạm phát tăng do giá năng lượng và giá lương thực tăng. Hai tác lực này đã có tác dụng. Đầu tiên là sự cần thiết phải tránh tình trạng tính bất định của các dự kiến lạm phát, một thách thức lớn hơn bình thường do lạm phát đã tăng đáng kể trong thời kỳ trước chiến tranh. Để ngăn rủi ro này, cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Thứ hai là tình hình tổn thất về thu nhập thực tế, ngay cả với một số khoản bù đắp nhất định từ chính sách tài khóa, có khả năng dẫn đến tổng cầu thấp, điều này hàm ý cần nới lỏng chính sách. Vì thế, thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách là phải đối phó với các mục tiêu mâu thuẫn đó. Trong bối cảnh này, các công cụ của chính sách công sẽ bổ sung cho nhau. Việc kết hợp một sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa được thiết kế tốt cho các hộ gia đình, với một cuộc thảo luận ba bên về tiền lương, có thể góp phần cải thiện sự đánh đổi mà ngân hàng trung ương phải đối mặt.
Đối với mỗi chiều kích trong số ba chiều kích nói trên, có sự bất trắc lớn về kết quả. Giá năng lượng có thể tăng nhiều hơn, so với diễn biến cho đến hiện tại, hoặc ngược lại, quay trở lại mức thời kỳ trước chiến tranh. Do đó, tình hình tổn thất về thu nhập thực tế và áp lực lạm phát có thể lớn hơn nhiều, hoặc ngược lại, là một vấn đề nhỏ hơn nhiều so với dự kiến hiện tại. Điều này đưa chúng tôi đến kết luận cuối cùng. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải linh hoạt, được cấu thành từ các biện pháp có thể dễ điều chỉnh theo nhu cầu, chứ không phải là các biện pháp lâu dài.
LỜI CẢM ƠN
Bài viết mang tính học thuyết này là phần mở rộng của một bài viết trên blog của Viện Peterson được Jean Pisani-Ferry đăng lên ngày 10 tháng 3, có tựa đề “Europe’s economic response to the Russia-Ukraine war will redefine its priorities and future [Sự đáp trả về mặt kinh tế của châu Âu đối với cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ xác định lại các mục tiêu ưu tiên và tương lai của châu Âu]”. Chúng tôi cảm ơn Thomas Belaich đã hỗ trợ trong công tác nghiên cứu, và Agnès Bénassy-Quéré, Steven Fries, Philip Lane, Elina Ribakova, Guntram Wolff, và các đồng nghiệp tại Viện Peterson, vì những lời bình của các bạn trong một phiên bản trước đó.
Xuyên suốt bài viết mang tính định hướng này, chúng tôi lấy mốc thời gian giữa tháng 4 để chốt mốc thời gian hiệu lực cho các dữ liệu.
TÁC GIẢ
OLIVIER BLANCHARD, Giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts và là cựu kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
JEAN PISANI-FERRY, là thành viên nghiên cứu cao cấp không thường trú tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Ông là giáo sư Tommaso Padoa-Schioppa tại Viện Đại học Châu Âu ở Florence và là thành viên nghiên cứu cao cấp tại Bruegel, một tổ chức think tank của Châu Âu.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Une politique économique de guerre, Le Grand Continent, ngày 28/04/2022.
NGUỒN TRÍCH DẪN:
[1] Khi bài viết này được dàn trang, Nga đã tuyên bố ngừng xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria.
[2] GDP danh nghĩa của 27 nước thuộc khối EU là 14.017 tỷ euro vào năm 2019. Nguồn: Eurostat.
[3] Ủy ban Châu Âu, Russia fact sheet.
[4] Các tên trong ngoặc đơn, theo sau là ngày, được tham chiếu từ thư mục dưới đây:
Bachmann, R., D. Baqaee, C. Bayer, M. Kuhn, A. Löschel, B. Moll, A. Peichl, K. Pittel và M. Schularick. 2022. What if? The Economic Effects for Germany of a Stop of Energy Imports from Russia [Điều gì sẽ xảy ra? Tác động kinh tế đối với Đức khi ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga]. ECONtribute Policy Brief 028, ngày 7 tháng 3, https://www.econtribute.de/RePEc/ajk/ajkpbs/ECONtribute_PB_028_2022.pdf.
Baqaee, D., và B. Moll. 2022. What if Germany is cut off from Russian oil and gas? [Điều gì sẽ xảy ra nếu Đức bị cắt dầu hỏa và khí đốt từ Nga?] Học viện Markus, ngày 7 tháng 4, https://bcf.princeton.edu/events/david-baquee-and-ben-moll-on-what-if-germany-is-cut-off-from-russian-oil-and-gas/.
Blanchard, Olivier và Jordi Galí. 2007. Real wage rigidities and the New Keynesian model [Sự cứng nhắc của lương thực tế và mô hình Tân Keynesian]. Tạp chí Journal of Money, Credit, and Banking 39: 35–65.
Blanchard, Oliver. 2023. Fiscal policy under low interest rates [Chính sách tài khóa trong thời kỳ lãi suất thấp]. Sắp xuất bản. MITPress. Có thể truy cập phiên bản trước khi xuất bản tại https://fiscal-policy-under-low-interest-rates.pubpub.org/.
Bown, Chad P. 2022. Russia’s war on Ukraine: A sanctions timeline [Cuộc chiến của Nga ở Ukraine: Lịch trình trừng phạt]. PIIE Real-Time Economic Issues Watch, ngày 14 tháng 4, https://www.piie.com/blogs/realtime-economic-issues-watch/russias-war-ukraine-sanctions-timeline.
BP. 2021. Tạp chí Statistical Review of World Energy. London.
Darvas, Zsolt. 2022. Bold European Union action is needed to support Ukrainian refugees [Liên minh châu Âu cần có hành động táo bạo để hỗ trợ người tị nạn Ukraine]. Blog Bruegel, ngày 6 tháng 4, https://www.bruegel.org/2022/04/bold-european-union-action-is-needed-to-support-ukrainian-refugees/.
Doenne, Thomas. 2019. Les effets de la fiscalité écologique sur le pouvoir d’achat des ménages: Simulation de plusieurs scénarios de redistribution [Hiệu ứng của chính sách đánh thuế sinh thái lên sức mua của hộ gia đình: Mô phỏng nhiều kịch bản tái phân phối]. Conseil d’analyse économique Focus 030 (Tháng 3), https://www.cae-eco.fr/staticfiles/pdf/cae-focus030.pdf.
ECB (Ngân hàng Trung ương Châu Âu). 2010. Energy markets and the euro area economy [Thị trường năng lượng và nền kinh tế khu vực đồng euro].
Báo cáo chuyên đề 113, Task Force of the Monetary Policy Committee of the EuropeanSystem of Central Banks [Lực lượng Đặc nhiệm của Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc Hệ thống Ngân hàng Trung ương Châu Âu].
ECB (Ngân hàng Trung ương Châu Âu). 2022a. Các dự báo kinh tế vĩ mô cho khu vực đồng euro, https://www.ecb.europa.eu/pub/projections/html/ecb.projections202203_ecbstaff~44f998dfd7.en.html.
ECB (Ngân hàng Trung ương Châu Âu). 2022b. Survey of Professional Forecasters [Điều tra các nhà dự báo chuyên nghiệp], ngày 15 tháng 4.
Ủy ban châu Âu. 2021. Energy prices: Commission presents a toolbox of measures to tackle exceptional situation and its impacts [Giá năng lượng: Ủy ban giới thiệu một bộ công cụ các biện pháp để giải quyết tình huống ngoại lệ và các tác động của nó], https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:52021DC0660&from=EN.
Ủy ban châu Âu. 2022. REPowerEU: Joint European Action for more affordable, secure and sustainable energy [REPowerEU: Hành động chung của Châu Âu vì một nguồn năng lượng hợp lý, an toàn và bền vững hơn]. Communication, ngày 8 tháng 3, https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/ip_22_1511.
Eurostat. 2022. Extra-EU trade in agricultural goods [Mậu dịch ngoài EU về nông sản], https://ec.europa.eu/eurostat/ statistics-explained/index.php?title=Extra-EU_trade_in_agricultural_goods.
FAO (Tổ chức Nông lương LHQ). 2022. The importance of Ukraine and the Russian Federation for global agricultural markets and the risks associated with the current conflict [Tầm quan trọng của Ukraine và Liên bang Nga đối với các thị trường nông sản toàn cầu và những rủi ro liên quan đến cuộc xung đột hiện nay] (ngày 16 tháng 3). Rome. https://www.fao.org/3/cb9013en/cb9013en.pdf.
Các viện nghiên cứu kinh tế của Đức. 2022. Gemeinschafts-Diagnose 1/2022 “Von der Pandemie zur Energiekrise—Wirtschaft und Politik im Dauerstress,” https://www.ifw-kiel.de/fileadmin/Dateiverwaltung/IfW-Publications/-ifw/Gemeinschaftsdiagnose/Langfassungen/gd_2022_1.pdf.
Chính phủ Pháp. 2022. Plan de résilience économique et sociale [Kế hoạch phục hồi kinh tế và xã hội], ngày 16 tháng 3, https://www.gouvernement.fr/sites/default/files/document/document/2022/03/dossier_de_presse_-_plan_de_resilience_economique_et_sociale_-_16.03.2022.pdf?v=1647592494.
Gros, Daniel. 2022. Optimal tariff versus optimal sanction: The case of European gas imports from Russia [Thuế quan tối ưu so với trừng phạt tối ưu: Trường hợp nhập khẩu khí đốt của châu Âu từ Nga]. EUI Policy Brief 2022/19.
Báo Guardian. 2022. “Đức sẽ sớm ngừng nhập khẩu khí đốt Nga”, theo lời của Olaf Scholz,” ngày 8 tháng 4, https://www.theguardian.com/world/2022/apr/08/germany-russian-gas-imports-olaf-scholz-boris-johnson-ukraine.
Hamilton, James. 2022. Sanctions, energy prices, and the global economy [Các lệnh trừng phạt, giá năng lượng và nền kinh tế toàn cầu]. Học viện Markus, ngày 17 tháng 3, https://economics.princeton.edu/events/james-hamilton-on-sanctions-energy-prices-and-the-global-economy.
IEA (Cơ quan Năng lượng Quốc tế). 2022a. How Europe can cut natural gas imports from Russia significantly within a year [Châu Âu làm thế nào để có thể cắt giảm đáng kể lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga trong vòng một năm], ngày 3 tháng 3, https://www.iea.org/news/how-europe-can- cut-natural-gas-imports-from-russia-significantly-within-a-year.
IEA (Cơ quan Năng lượng Quốc tế). 2022b. A 10-point plan to reduce the European Union’s reliance on Russian natural gas [Kế hoạch 10 điểm nhằm giảm sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga], https://www.iea.org/reports/a-10-point-plan-to-reduce-the-european-unions-reliance-on-russian-natural-gas.
Lane, Philip R. 2022. The euro area outlook and monetary policy, speech [Bài phát biểu: Quan điểm của khu vực đồng euro và chính sách tiền tệ], ngày 17 tháng 3, https://www.ecb.europa.eu/press/key/date/2022/html/ecb.sp220317_1~a7d800c4b6.en.pdf?0 8d189a3cd47024025a0dc9731383432.
Macrotrends. 2022. Wheat prices–40 year historical chart [Giá lúa mì – Biểu đồ lịch sử 40 năm], ngày 19 tháng 4, https://www.macrotrends.net/2534/wheat-prices-historical-chart-data.
McWilliams, Ben, Giovanni Sgaravatti, Simone Tagliapietra, Georg Zachmann. 2022. Can Europe manage if Russian oil and gas are cut off? [Liệu Châu Âu có thể xoay sở nếu nguồn dầu khí Nga bị cắt hay không?], Bruegel, ngày 17 tháng 3, https://www.bruegel.org/2022/03/can-europe-manage-if-russian-oil-and-coal-are-cut-off.
Moll, Ben. 2022. Phụ lục trực tuyến của Bachmann et al. (2022), https://benjaminmoll.com/RussianGas_Appendix/.
Pisani-Ferry, Jean. 2022. Europe’s economic response to the Russia-Ukraine war will redefine its priorities and future [Phản ứng kinh tế của Châu Âu đối với cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ xác định lại các mục tiêu ưu tiên và tương lai của họ]. Blog RealTime Economic Issues Watch, ngày 10 tháng 3, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, https://www.piie.com/blogs/realtime-economic-issues-watch/europes-economic-response-russia-ukraine-war- will-redefine-its.
Ritchie, Hannah. 2022. How could the war in Ukraine impact global food supplies? [Cuộc chiến ở Ukraine có thể tác động như thế nào đến nguồn cung lương thực toàn cầu?] Our World in Data, ngày 24 tháng 3, https://ourworldindata.org/ukraine-russia-food.
Schnabel, Isabel. 2022. Managing policy trade-offs [Quản lý các đánh đổi về chính sách], ngày 2 tháng 4, https://www.ecb.europa.eu/ press/key/date/2022/html/ecb.sp220402~9af4336c23.en.html.
Sgaravatti, G., S. Tagliapietra, và G. Zachmann. 2022. National policies to shield consumers from rising energy prices [Các chính sách quốc gia để bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc tăng giá năng lượng]. Bruegel, ngày 29 tháng 3, https://www.bruegel.org/publications/datasets/national-policies-to-shield-consumers-from-rising-energy-prices/.
Sturm, John. 2022. The Simple Economics of Trade Sanctions on Russia: A Policymaker’s Guide [Kinh tế học đơn giản về các lệnh trừng phạt thương mại đối với Nga: Cẩm nang của một nhà hoạch định chính sách]. Báo cáo chuyên đề, ngày 9 tháng 4, MIT.UNHCR (Cao ủy LHQ về người tị nạn). 2022. Cập nhật nhanh tình hình Ukraine, ngày 13 tháng 4, https://reliefweb.int/report/ukraine/ukraine-situation-flash-update-8-13-april-2022.
[5] Xem cuộc khảo sát gần đây của Darvas (2022). Các ước tính trên dựa trên dữ liệu của Thụy Điển. Pisani-Ferry (2022) sử dụng một ước tính trị giá 10.000 € dựa trên chi phí của làn sóng tị nạn năm 2015 ở Đức. Các chi phí này nhất thiết phải thấp hơn ở Ba Lan và ở các nước tuyến đầu khác so với ở Thụy Điển. Vì thế, chúng tôi bám sát vào mức ước tính 10.000 €.
[6] Để biết thêm chi tiết về hậu quả của cuộc chiến lên giá lương thực, xem FAO (2022). Xem thêm Ritchie (2022).
[7] Ví dụ, khí LNG nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới có thể được điều hướng đến những nước có mức thặng dư cầu lớn nhất.
[8] Xem Communication de la Commission européenne ngày 8 tháng 3 năm 2022.
[9] Để thảo luận sâu hơn về độ co giãn thay thế ngầm giữa khí đốt và các nguồn năng lượng khác, và những hệ lụy đối với GDP trong trường hợp cấm vận hoàn toàn khí đốt Nga, xem Bachmann et al. (2022), Baqaee và Moll (2022), và Moll (2022).
[10] Chúng tôi nghĩ về Nga như một nước độc quyền trước một lượng lớn nước mua dầu. Khi có một thuế quan chung, và sự phối hợp giữa những người mua với nhau, thì điều thích hợp hơn có thể là nghĩ đến trạng thái cân bằng của thị trường, như là kết quả của một trò chơi giữa hai đấu thủ. Vào thời điểm hiện tại, do không có sự phối hợp, chúng tôi chưa tìm hiểu những hệ lụy của phương án thay thế này.
[11] Ở đây và ở nơi khác, trừ khi có quy định khác, chúng tôi sử dụng dữ liệu năm 2019 để tham chiếu, vì dữ liệu năm 2020 đã bị ảnh hưởng bởi cú sốc Covid, còn dữ liệu năm 2021 thì không phải lúc nào cũng có sẵn.
[12] Có một cuộc tranh luận pháp lý về việc liệu một hành động như thế có cần đến sự đồng thuận trong nội bộ Liên minh châu Âu hay không. Các lệnh trừng phạt đã được nhất trí quyết định trên cơ sở điều 29 của Hiệp ước về Liên minh châu Âu, nhưng được triển khai bởi một đa số những nước đủ tư cách. Các quyết định về chính sách thương mại được triển khai bởi một đa số những nước đủ tư cách. Và trong lĩnh vực năng lượng, mỗi nước thành viên có quyền xác định “cấu trúc chung của nguồn cung năng lượng của nước họ” (điều 194 của Hiệp ước về Hoạt động của EU).
[13] Điểm này được John Sturm (2022) nhấn mạnh, cho thấy mối quan hệ với lập luận về thuế quan cải thiện chính sách về phúc lợi, vốn là tiêu chuẩn trong thương mại quốc tế.
[14] Dữ liệu Fred từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ.
[15] Nguồn: Trọng số HICP của ngân hàng ECB cho năm 2021 (chỉ có bản tiếng Anh).
[16] Giá dầu hỏa thô (Brent)
[17] Nguồn nhập khẩu dầu hỏa: Cán cân năng lượng, Eurostat
[18] Theo tính toán của chúng tôi, dựa trên việc định giá các dòng năng lượng sơ cấp với các giả định của chúng tôi về giá.
[19] Các số liệu này được xây dựng như là tỉ số của tiêu dùng lương thực (CP01) cộng với tiêu dùng điện năng, khí đốt và các nhiên liệu khác (CP045), cộng với việc sử dụng các phương tiện đi lại cá nhân (CP072) trên tổng tiêu dùng, đối với từng nhóm người sử dụng. Số liệu được lấy từ Eurostat.
[20] Một số số liệu, vốn đã được công bố, có vẻ cao hơn nhiều. Ví dụ, dữ liệu BLS của Hoa Kỳ cho năm 2020 đưa ra một tỷ số tiêu dùng thực phẩm, phương tiện đi lại và các dịch vụ công ích, so với thu nhập khả dụng là 74% đối với điểm ngũ thập phân thấp, so với 20% đối với điểm ngũ thập phân cao. Nhưng điều này phản ánh, một phần, nhiều định nghĩa khác nhau về những gì được đưa vào giỏ tiêu dùng nhỏ hơn, và đặc biệt, là thực tế các phân tích tập trung vào tỉ số tiêu dùng khí đốt, các dịch vụ công ích và thực phẩm, so với thu nhập khả dụng, hơn là chi phí tiêu dùng. Ở điểm ngũ thập phân thấp là nhiều cá nhân và hộ gia đình không tiết kiệm, và vì thế mà thu nhập khả dụng thấp hơn so với tiêu dùng.
[21] Xuyên suốt cuộc thảo luận trước đó về lạm phát, trong chừng mực các nhà sản xuất thành phẩm chưa phản ánh đầy đủ giá các sản phẩm cơ bản tăng và chấp nhận giảm lợi nhuận biên, thì hiệu ứng trong chu kỳ ban đầu sẽ nhỏ hơn con số được đưa ra trong bài viết. Tuy nhiên, nếu họ phục hồi được lợi nhuận biên theo thời gian, thì con số đưa ra trong bài viết là mức xác đáng nhất.
[22] Trong trường hợp của Pháp, Douenne (2019) đã cung cấp nhiều chứng cứ về sự phân tán theo chiều dọc và chiều ngang của các hiệu ứng của thuế carbon.
[23] Vào tháng 10 năm 2021, Ủy ban Châu Âu đã giới thiệu một bộ công cụ các biện pháp để giải quyết tình hình năng lượng, cũng như nhiều phương án khả thi khác, để các nước thành viên xem xét.
[24] Để biết thêm chi tiết về các biện pháp của Pháp, được gọi là lá chắn thuế quan, xem Chính phủ Pháp (2022).
[25] Xem tài liệu của chính phủ Đức ngày 23 tháng 3: https://www.bundesfinanzministerium.de/Content/DE/Downloads/2022-03-23-massnahmenpaket-bund-hohe-energiekosten.pdf?__blob=publicationFile&v=3. Một tập hợp các biện pháp khác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng [bởi cuộc chiến Nga-Ukraine] đã được triển khai vào ngày 8 tháng 4.
[26] Khoản thanh toán này được áp dụng trong năm 2021, trong thời kỳ trước chiến tranh Nga-Ukraine, để bù đắp cho tình hình giá tăng cao đáng kể của nhiều mặt hàng nguyên liệu trong năm 2021.
[27] Để biết thêm về các biện pháp mà các nước thành viên trong Liên minh châu Âu đã triển khai, đặc biệt là các chính sách trợ cấp, chuyển nhượng và điều tiết giá cả, xem Sgaravatti, Tagliapietra, và Zachmann (2022).
[28] Điều đó cũng đi ngược lại nhu cầu phi cacbon hóa trong hệ thống năng lượng.
[29] Độ dốc của đường cung là chủ đề được thảo luận trên Twitter giữa Paul Krugman và Jason Furman.
[30] Chương trình hỗ trợ của Đức bao gồm hai gói, mỗi gói trị giá khoảng 15 tỷ euro.
[31] Điều thú vị ở khía cạnh này là Đức đã quyết định kết hợp hai cách tiếp cận bằng cách tài trợ cho một quỹ quốc phòng bằng một khoản vay nợ bằng 3% GDP, đồng thời cam kết tài trợ cho việc gia tăng lâu dài các mức chi tiêu quân sự thông qua thuế suất.
[32] Olivier Blanchard, “Fiscal policy under low interest rates [Chính sách tài khóa với lãi suất thấp]” (2023).
[33] Ngân hàng ECB cũng đưa ra hai kịch bản khác, một kịch bản bất lợi và một kịch bản nghiêm trọng. Trong kịch bản bi quan, mức tăng trưởng kinh tế là 2,3%, lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm là 0,8% và lạm phát là 7,1%, hàm ý giá trị (r – g) bằng -8,6%.
[34] Mức tăng từ 1,8% lên 2% là mức mong muốn; vấn đề là liệu nó có dừng lại ở mức đó hay không.
[35] Ví dụ, xem các đường cong lợi tức, ngày 23 tháng 2, ngày 3 tháng 3 và ngày 17 tháng 3.
[36] Như thế, chúng tôi đã chia sẻ rộng rãi các phân tích và kết luận của Isabel Schnabel (2022) trong diễn văn của bà ngày 2 tháng 4.
http://www.phantichkinhte123.com
Không có nhận xét nào