Header Ads

  • Breaking News

    CSIS - Sáng kiến khung kinh tế Ấn độ Dương – Thái Bình Dương




    Hoa Kỳ đã lựa chọn các nhà đàm phán cho Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Biden

    Theo nguồn tin từ các quan chức ẩn danh, Sharon Yuan, một thành viên Bộ Tài chính, người từng làm việc trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã bị Mỹ từ bỏ, đã được tuyển dụng để giám sát công việc của nhân viên cho Bộ Thương Mại trong khi những nỗ lực của nhân viên Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) sẽ được dẫn dắt bởi Dawn Shackleford, trợ lý USTR khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Shackleford sẽ làm việc cùng với Phó USTR Sarah Bianchi, người được Biden bổ nhiệm điều hành nỗ lực của cơ quan này.

    Hoa Kỳ cùng 12 quốc gia khởi động Khung Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

    Trong khuôn khổ chuyến công du Châu Á đầu tiên của Tổng thống Biden, vào ngày 23/5/2022 tại Tokyo, Tổng thống Biden cùng người đồng cấp thuộc 12 quốc gia trong khu vực đã chính thức khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) với một tuyên bố chung và một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo dưới cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Cùng với nhau, các quốc gia tham gia đại diện cho khoảng 40% nền kinh tế thế giới và bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào xuất hiện từ khối có thể đi một chặng đường dài hướng tới việc thiết lập các tiêu chuẩn thậm chí vượt ra ngoài khuôn khổ của khung.

    Ra đời 5 năm sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), IPEF có mục đích khẳng định lại cam kết kinh tế của Hoa Kỳ tại khu vực bằng cách cung cấp một giải pháp do Hoa Kỳ lãnh đạo thay thế cho quy chế kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Mặc dù không có cam kết ràng buộc mới nào được đưa ra tại sự kiện này, sáng kiến kinh tế trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vốn được chờ đợi từ lâu của chính quyền Biden đã chính thức khởi động.

    Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Biden cho biết Khung Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được thiết kế để mang lại “lợi ích cụ thể” cho người dân trong toàn khu vực. Nhà Trắng cho biết khuôn khổ sẽ giúp Hoa Kỳ và các nền kinh tế Châu Á hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề bao gồm chuỗi cung ứng, thương mại kỹ thuật số, năng lượng sạch, bảo vệ người lao động và các nỗ lực chống tham nhũng. Các chi tiết vẫn cần được thương lượng giữa các nước thành viên, khiến chính quyền khó có thể nói làm thế nào khuôn khổ này có thể thực hiện lời hứa giúp đỡ người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ đồng thời đáp ứng nhu cầu toàn cầu.

    Khung kinh tế mới được đưa ra vào thời điểm chính quyền Hoa Kỳ tin rằng họ có lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh. Vào tuần trước, Bloomberg Economics đã công bố một báo cáo dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ vào khoảng 2,8% vào năm 2022 so với 2% của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1976, Hoa Kỳ vượt Trung Quốc về chỉ số tăng trưởng. Sự suy thoái của Trung Quốc đã làm suy yếu các giả định rằng Trung Quốc sẽ tự động thay thế Mỹ với tư cách là nền kinh tế hàng đầu thế giới. Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nói rằng đây “là một ví dụ khá nổi bật để các quốc gia trong khu vực nên nhìn nhận câu hỏi về các xu hướng và quỹ đạo.”

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói hôm thứ Sáu rằng bất kỳ khuôn khổ hợp tác khu vực nào cũng phải vì “hòa bình và phát triển, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác giữa các nước trong khu vực, không nên nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào hoặc làm suy yếu lợi ích của họ, và không nên chọn lọc hoặc loại trừ.”

    Những câu hỏi quan trọng

    Câu hỏi 1: Những đặc điểm chính nào của IPEF đã được công bố ​​tại sự kiện khởi động?

    A1: Không nhiều chi tiết mới được cung cấp trong bản khuôn khổ được chính thức công bố bên cạnh những gì đã được thông báo. Thay vào đó, bản khuôn khổ chính thức phát hành chủ yếu phân bổ các chủ đề từ nghị trình thương mại rộng lớn hơn của chính quyền Biden, ưu tiên – ít nhất một cách thể hiện – thương mại công bằng và bao trùm, tính bền vững, và nhu cầu phát triển dân chủ kỹ thuật số.

    Trong một cuộc họp báo về việc khởi động sáng kiến, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết IPEF là “nền tảng” cho các nỗ lực của Hoa Kỳ trong khu vực. Ông cũng nhấn mạnh cách tiếp cận mới của chính quyền trong tương tác kinh tế, “Thực tế là các mô hình trước đây đã không giải quyết được những thách thức này – hoặc không giải quyết chúng một cách đầy đủ và khắc phục chúng – khiến người lao động, doanh nghiệp và người tiêu dùng của chúng ta dễ bị tổn thương hơn. Vì vậy, chúng tôi tin rằng chúng ta cần một mô hình mới mà chúng ta có thể nhanh chóng tiến tới đối đầu với những thách thức này một cách thực tế và đó là những gì IPEF sẽ làm.”

    Như đã được biết trước đây, IPEF sẽ tập trung vào bốn trụ cột chính sách, giờ đây với các tên gọi mới, mỗi trụ cột do một cơ quan riêng lẻ lãnh đạo:

    Kinh tế kết nối, bao gồm các chủ đề thương mại công bằng và linh hoạt, với bảy chủ đề phụ về lao động, môi trường và khí hậu, kinh tế kỹ thuật số, nông nghiệp, minh bạch và các thông lệ quản lý tốt, chính sách cạnh tranh và tạo thuận lợi thương mại. Trụ cột này do Đại diện Thương mại Hoa Kỳ ( USTR) chủ trì;

    Nền kinh tế có tính đàn hồi, bao gồm các chủ đề về năng lực chống chịu của chuỗi cung ứng. Trụ cột này do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) dẫn dắt;

    Kinh tế sạch, bao gồm các chủ đề về cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và giảm thải cacbon. Trụ cột này do Bộ Thương mại Hoa Kỳ dẫn dắt;

    Kinh tế Công bằng, bao gồm các chủ đề về thuế và chống tham nhũng. Trụ cột này do Bộ Thương mại Hoa Kỳ chủ trì.

    Các quốc gia có thể chọn tham gia bất kỳ số lượng nào trong bốn trụ cột nhưng phải cam kết tất cả các khía cạnh của từng trụ cột mà họ tham gia.

    Về tổng thể, hiện vẫn chưa rõ chi tiết về cách thức chính quyền Biden, phối hợp với các đối tác trong khu vực, theo đuổi hoặc đạt được những mục tiêu này, những lợi ích cụ thể mà chính quyền sẽ có thể cung cấp như một công cụ thương lượng để khuyến khích sự theo đuổi và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các đối tác. Mặc dù đã có 12 quốc gia ký kết khởi động IPEF, hiện vẫn chưa rõ đối tác nào sẽ tham gia trụ cột chính sách cụ thể nào, cũng như những quốc gia nào đã quyết định không tham gia ban đầu nhưng cuối cùng có thể bị thuyết phục tham gia vào các cuộc đàm phán.

    Như tờ Financial Times đã đưa tin trước đó, Biden đã quyết định giảm nhẹ ngôn ngữ để thu hút nhiều quốc gia Đông Nam Á tham gia hơn. Mỹ và các nước đã thay đổi ngôn ngữ trong dự thảo tuyên bố chung sẽ đi kèm với việc công bố IPEF. Bản dự thảo ban đầu nói các nước sẽ “khởi động các cuộc đàm phán”. Nhưng dự thảo sau này đã pha loãng ngôn ngữ để truyền đạt rằng các nước đang bắt đầu tham vấn cho các cuộc đàm phán sau này. Các đề cập về các cuộc đàm phán đã được loại bỏ khỏi tờ thông tin về IPEF của Nhà Trắng. Bên cạnh đó, trụ cột thương mại chỉ cho biết rằng Hoa Kỳ sẽ “tham gia toàn diện” với các đối tác. Điều này hỗ trợ gì cho việc khởi động các cuộc đàm phán chính thức thì hiện vẫn chưa rõ.

    Câu hỏi 2: Nhóm các quốc gia tham gia ban đầu nói gì về sự nhiệt tình của khu vực đối với IPEF?

    Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã tuyên bố quan tâm đến IPEF và ký kết khởi động, mặc dù vẫn chưa rõ trụ cột nào mỗi quốc gia có kế hoạch tham gia.

    Sự tham gia của các đối tác kinh tế tiên tiến gần gũi như Nhật Bản, Úc, New Zealand và Singapore đã được dự kiến, nhưng sự tham gia của bảy quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khác – bao gồm cả bảy quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) , các thành viên trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), cùng với Hàn Quốc và Ấn Độ – là rất quan trọng. Có vẻ như cách tiếp cận phi tập trung của IPEF với các rào cản tham gia thấp, ít nhất là ở bước đầu, đã tỏ ra thành công.

    Một số quốc gia đã bị loại khỏi sự ra mắt của IPEF. Do những lo ngại về chính trị và nhân quyền, Myanmar không tham gia. Lào và Campuchia, hai trong số các quốc gia kém phát triển nhất trong khu vực, cũng không tham gia vì những thách thức về năng lực. Các quốc gia thuộc Vành đai Thái Bình Dương ở Châu Mỹ đã tham gia đàm phán TPP – Canada, Mexico, Peru và Chile – không được mời. Thay vào đó, các quan chức Hoa Kỳ có kế hoạch sử dụng Hội nghị thượng đỉnh Châu Mỹ sắp tới làm địa điểm để thảo luận nhiều vấn đề thuộc IPEF với các quốc gia này. Trong khi Đài Loan thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia IPEF – và 250 thành viên Quốc hội kêu gọi gia nhập – hòn đảo này cuối cùng đã bị loại ra khỏi khuôn khổ để đảm bảo sự tham gia của các quốc gia Nam và Đông Nam Á khác không muốn chống lại Bắc Kinh. Đáng chú ý, các quốc đảo Thái Bình Dương cũng vắng mặt trong buổi ra mắt IPEF.

    Một quan chức Nhà Trắng cho biết hôm Chủ nhật rằng Hoa Kỳ đang tìm cách làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác kinh tế với Đài Loan, bao gồm ngành công nghiệp bán dẫn và chuỗi cung ứng, nhưng nói thêm, “Chúng tôi đang theo đuổi hướng đó trước trên cơ sở song phương.”

    Có thể nói Hoa Kỳ đã thành công trong việc thu hút các nước đang phát triển ở Đông Nam Á, Nam Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc các quốc gia này chỉ cam kết tham dự vòng đầu tiên xác định phạm vi thảo luận, và liệu sự nhiệt tình ban đầu đối với khuôn khổ có tiếp tục khi các cuộc đàm phán được bắt đầu, vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

    Câu hỏi 3: IPEF nói gì về cách tiếp cận của chính quyền Biden trong việc tham gia kinh tế ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương?

    A3: Chính sách kinh tế và thương mại quốc tế vẫn là một vấn đề gây tranh cãi đối với chính quyền Biden. Những người chỉ trích ở cả hai đảng tiếp tục phản đối việc chính quyền kéo dài các mức thuế quan dưới thời Trump, sự không sẵn sàng đàm phán các hiệp định thương mại mới và chiến lược cải cách hệ thống thương mại đa phương đang phát triển – vẫn chưa rõ ràng – của chính quyền.

    Vì IPEF không phải là một hiệp định thương mại truyền thống, chính quyền sẽ không cần phải xin sự chấp thuận của Quốc hội, do đó tránh được một cuộc chiến chính trị hóa để có được sự phê chuẩn trong nước. Trong khi cách tiếp cận phi tập trung của nó làm giảm rào cản đối với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tham gia khuôn khổ, việc theo đuổi một thỏa thuận không cần thông qua Quốc hội là tín hiệu rằng Hoa Kỳ không có ý định nhượng bộ đáng kể.

    Dù vậy, có phải tất cả các thỏa thuận sẽ không cần thông qua Quốc hội Mỹ hay không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết các nhóm lao động và môi trường sẽ “có ghế hàng đầu trên bàn nghị sự” của khung kinh tế mới, nhưng không thể biết trước về việc liệu các thoả thuận ra đời từ những cuộc thương thuyết này có được đệ trình lên Quốc hội để thông qua. Điều này phụ thuộc vào diễn tiến của các đàm phán.

    Trong khi đó, các quan chức chính quyền ẩn danh khác nói rằng nếu không có yếu tố thuế quan, rất có thể sẽ không cần thiết phải thông qua Quốc hội. Các loại thỏa thuận đang được hình dung hiện nay, một số ràng buộc, một số không, có thể được thực thi thông qua các thỏa thuận hành pháp. Tuy nhiên một quan chức nói chính quyền sẽ tham khảo ý kiến của Quốc hội như thể cần tới sự chấp thuận của Quốc hội. Đây được coi là nỗ lực xây dựng lại lòng tin sau kinh nghiệm về TPP và nhằm thiết lập một sự ủng hộ lưỡng đảng lâu dài cho bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào.

    Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế khiến IPEF không phải là một hiệp định thương mại truyền thống. Không có lời hứa về khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn của Hoa Kỳ, động lực đáng kể để các đối tác trong khu vực đồng ý với các tiêu chuẩn cao của Hoa Kỳ sẽ biến mất. Việc thiếu các cơ chế thực thi cũng hạn chế khả năng của Hoa Kỳ trong việc đảm bảo các lợi ích của mình trong khuôn khổ.

    Ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và xa hơn, chính quyền Biden đã cam kết thực hiện một cách tiếp cận đa phương về thương mại và kinh tế nhằm thúc đẩy mối quan hệ với các đồng minh và đối tác. Trong Hội đồng Thương mại và Công nghệ Hoa Kỳ-EU (TTC), một diễn đàn an ninh kinh tế khác do Hoa Kỳ lãnh đạo, các đồng minh xuyên Đại Tây Dương vốn đã chia sẻ các mục tiêu chung, lịch sử thể chế mạnh mẽ về đàm phán các mục tiêu phức tạp và ngày càng có nhiều thỏa thuận chung được ký kết trong những chủ đề mà IPEF cũng chứa đựng. Nếu Hoa Kỳ có thể nhân rộng mức độ hợp tác và động lực này ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương — không chắc chắn do sự đa dạng của khu vực và thiếu các động lực rõ ràng — IPEF vẫn có khả năng là một khuôn khổ đầy tham vọng tương tự giữa một loạt các đối tác.

    Câu hỏi 4: Các bước tiếp theo cho IPEF là gì?

    IPEF không phải là một hiệp định thương mại đa phương và các cuộc đàm phán sắp tới theo từng trụ cột của khuôn khổ có thể sẽ tiến hành theo tốc độ riêng của chúng. Không giống như một hiệp định thương mại truyền thống, IPEF sẽ là một hiệp định hành pháp (hoặc các hiệp định) không yêu cầu sự chấp thuận của quốc hội.

    Dự kiến ​​trong vài tháng tới, các quốc gia quan tâm IPEF sẽ lựa chọn các trụ cột mà họ sẽ tham gia đàm phán. Vào giữa mùa hè, chính quyền đặt mục tiêu triệu tập hội nghị thượng đỉnh cấp bộ trưởng với tất cả các quốc gia tham gia sự kiện khởi động để mở rộng các cuộc đàm phán tổng thể, chia thành các nhóm theo trụ cột và bắt đầu đàm phán. Trong vòng 12-18 tháng, chính quyền hy vọng sẽ kết thúc các cuộc đàm phán theo từng trụ cột. Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), do Hoa Kỳ đăng cai vào tháng 11 năm 2023, được nhiều người coi là thời hạn không chính thức để hoàn tất các thỏa thuận IPEF. Điều đó nói lên rằng, có hy vọng về những chiến thắng sẽ được “thu hoạch sớm”, đặc biệt liên quan đến các vấn đề thương mại và chuỗi cung ứng.

    Như CSIS đã lập luận trước đây, IPEF là trụ cột trong chính sách kinh tế của chính quyền tại một khu vực quan trọng và thất bại sẽ là một đòn giáng mạnh vào các mục tiêu của chính quyền. Sau một sự kiện khởi động đầy hứa hẹn, giờ đây sự chú ý chuyển sang mức độ hiệu quả của chính quyền có thể chuyển sang các cuộc đàm phán chính thức và đưa ra các biện pháp khuyến khích để các nước chủ chốt trong khu vực tiếp tục tham gia và đưa ra các cam kết có ý nghĩa.

    Thủ tướng Singapore: Sự phát triển của Trung Quốc là tốt cho Châu Á, nhưng các nước cũng muốn duy trì quan hệ với Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu

    Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei hôm thứ Sáu ngày 20/5/2022 trước thềm Hội nghị Quốc tế về Tương lai Châu Á tại Tokyo, Thủ tướng Lý Hiển Long nói sự phát triển của Trung Quốc là tích cực cho khu vực, nhưng các nước ở Châu Á – Thái Bình Dương cũng muốn duy trì mối quan hệ rất quan trọng với các nền kinh tế khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu. Và các quốc gia như Singapore muốn nuôi dưỡng những liên kết này với Nhật Bản, duy trì sự cân bằng để có thể đạt được khả năng chống chịu và không quá phụ thuộc hẳn vào một bên.

    Thủ tướng Modi: Ấn Độ sẽ làm việc với các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để có IPEF linh hoạt, bao trùm

    Trong bài phát biểu tại sự kiện khởi động IPEF, Thủ tướng Modi mô tả việc ra mắt IPEF là một tuyên bố về mong muốn chung đưa khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cảm ơn Biden về “sáng kiến quan trọng”, ông nói rằng cần phải tìm ra các giải pháp chung và sáng tạo cho những thách thức kinh tế của khu vực.

    “Ấn Độ sẽ làm việc với tất cả các bạn để thiết lập một IPEF vừa bao trùm vừa linh hoạt,” Modi nói bằng tiếng Hindi. Ông liệt kê lòng tin, minh bạch và kịp thời là nền tảng của chuỗi cung ứng linh hoạt. Ông nói: “Tôi tin rằng khuôn khổ sẽ giúp củng cố ba trụ cột này và điều này sẽ đưa khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trên con đường tiến tới tiến bộ, hòa bình và thịnh vượng.”

    Thủ tướng Việt Nam kêu gọi duy trì chủ nghĩa đa phương và tăng cường đoàn kết quốc tế trên cơ sở chân thành, tin cậy và trách nhiệm

    Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng mô hình tăng trưởng và liên kết kinh tế bền vững hơn, linh hoạt hơn, đồng thời phát huy hết nội lực và ngoại lực. Ông kêu gọi duy trì chủ nghĩa đa phương và tăng cường đoàn kết quốc tế trên cơ sở chân thành, tin cậy và trách nhiệm.

    Tổng thống Hàn Quốc hứa sẽ hợp tác với các đối tác trong khu vực trong việc xây dựng chuỗi cung ứng đối ứng trong công nghệ bán dẫn, pin và công nghệ di động tương lai

    Trong bài phát biểu tại sự kiện khởi động IPEF, tân Tổng thống Hàn Quốc cho rằng việc khởi động IPEF vì thịnh vượng chung của các nước trong khu vực là vô cùng quan trọng để giải quyết những thách thức bởi đại dịch, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và các cuộc khủng hoảng khác. “Tôi kỳ vọng IPEF sẽ phát triển theo các nguyên tắc cởi mở, bao trùm và minh bạch để mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng chung ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”

    Ông Yoon cũng hứa với các nhà lãnh đạo rằng Hàn Quốc sẽ hợp tác với các đối tác trong khu vực trong việc xây dựng chuỗi cung ứng đối ứng trong công nghệ bán dẫn, pin và công nghệ di động tương lai.

    Xem thêm:


    Financial Times ngày 20/5/2022: Joe Biden waters down Indo-Pacific Economic Framework to win more support. Một bản PDF được lưu ở đây.


    Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 23/5/2022: Statement on Indo-Pacific Economic Framework for Prosperity [PDF]


    The Asahi Shimbun/The Associated Press ngày 23/5/2022: Biden to lay out in Japan who’s joining new Asia trade pact



    The New York Times ngày 23/5/2022: Biden to Begin New Asia-Pacific Economic Bloc With a Dozen Allies. Một bản PDF được lưu ở đây.

    Nikkei Asia ngày 19/5/2022: Indo-Pacific Economic Framework is not an FTA: 5 things to know. Một bản toàn văn được lưu ở đây.




    The Korea Times ngày 24/5/2022: Korea joins US-led trade pact as China bristles

    Không có nhận xét nào