Header Ads

  • Breaking News

    Trương Duy Hy - Tử thủ căn cứ hỏa lực 30 Hạ Lào. Chương 19, 20, 21


    Trong tháng tư năm 2022, Báo Quốc Dân sẽ lần lượt đăng lại quyển Hồi ký chiến tranh của Đại úy Pháo binh Trương Duy Hy, Quyển hồi ký gồm 25 chương, hàng ngày sẽ phổ biến 3 chương.



    (Nguồn: Lê Thy đánh máy từ sách in trước 1975 do TM gởi tặng)


    Chương 19, 20, 21

    Chương 19

    VỀ KHE-SANH SAU 23 NGÀY TỬ-THỦ CĂN-CỨ HỎA-LỰC 30

    Hai mươi phút sau, phi trường Khe Sanh hiện ra trước mặt tôi…

    Nhân viên Pháo-đội túc trực đón tôi với 1 chiếc dodge. Lập tức đưa tôi về BCH/TĐ gặp Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng.

    Vừa gặp tôi, Thiếu-tá ôm chầm lấy tôi, hai tay vỗ nhẹ vào lưng tôi, khẽ bảo:

    – Tôi mừng quá! Anh về được tôi mừng quá! Tôi lo cho anh từng giây, từng phút!…

    Tôi cảm động đến nghẹn ngào và ứa nước mắt khi nghĩ đến cái chết của binh sĩ thuộc hạ, đã từng chiến đấu bên cạnh tôi trong những ngày tử thủ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30, giờ đây không còn thấy nữa!…

    Cùng lúc ấy, Thiếu-úy Liêm phụ tá Ban 3 chạy vội vào hầm chỉ huy báo cáo với Thiếu-tá:

    – Trình Thiếu-tá, trực thăng không chịu triệt thoái nữa…, còn 15 anh em chưa về được!

    Tôi cướp lời Liêm:

    – Thưa Thiếu-tá, Thiếu-tá làm thế nào can thiệp gấp với Bộ Tư-lệnh Dù xin trực thăng tiếp tục lên đưa anh em về kẻo tội quá! Hiện chỉ còn Thường–vụ Trung-đội là TS1 Lục hướng dẫn anh em thôi… Bây giờ còn sớm chán… Xin Thiếu-tá giúp ngay mới kịp…

    Tôi vừa dứt lời, Thiếu-tá chụp lấy cái nón sắt bên cạnh, đi ngay qua Bộ Tư-lệnh Dù cùng Thiếu-tá Thông.

    Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau, 4 trực thăng lên đường triệt thoái số anh em còn sót lại. Nhưng, cuối cùng vẫn còn Hạ-sĩ Cang, Y tá Pháo-đội và B2 Bân bị kẹt lại. Tôi có hỏi các Pháo-thủ về sau, và được biết, phi công vội vã quá, thành thử Cang và Bân không tài nào leo lên trực thăng! Tôi ngồi đứng không yên, nghĩ đến nỗi vất vả gian truân đầy nguy hiểm mà Cang và Bân còn phải hứng chịu! Ít ra, chúng phải đợi đến vài hôm nữa, khi có tái tiếp tế mới mong về lại Khe Sanh… Trong thời gian ấy, việc gì sẽ xảy ra?!… Tôi thầm cầu nguyện cho các đồng đội tôi được bình an!

    Từ Khe Sanh, tất cả các thương binh được chuyển khẩn cấp về Quảng Trị. Trung-úy Thọ, Sĩ-quan Trợ Y Tiểu-đoàn đưa tôi qua bệnh xá dã chiến Quân-đoàn I để băng bó lại vết thương và làm giấy chứng thương. Nhân tiện, tôi được gặp các binh sĩ Biệt-Động-Quân… Anh em vồ vập cám ơn tôi… mừng cho tôi gặp nhiều may mắn vì chính các anh ấy không hy vọng tôi có thể leo nổi lên trực thăng! Các anh cũng cho tôi biết là tất cả các binh sĩ Biệt-Động-Quân triệt thoái bằng đường bộ với chúng tôi, đều may mắn về đầy đủ.

    Sau đấy, tôi tháp tùng Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng và Thiếu-tá Thông xuống Bộ Chỉ-huy Pháo-binh Quân-đoàn I. Trước tiên, sau cái bắt tay mừng cho tôi, Trung-tá Chung ân cần hỏi thăm sức khỏe anh em Pháo-đội C… xong hướng dẫn tôi đi trình diện Chuẩn-tướng Phan-Đình-Soạn, Chỉ-huy Trưởng Pháo-binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – mà bây giờ đang là Tư Lệnh Phó cuộc hành quân Lam Sơn 719 này.

    Trung-tá trình với Chuẩn-tướng:

    – Kính Chuẩn-tướng, Đại-úy Hy vừa mới từ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 về, đến trình diện Chuẩn-tướng…

    Tôi đứng nghiêm chào, trình diện… và không đợi tôi trình hết câu, Chuẩn-tướng bắt tay tôi, một tay vỗ vào vai tôi, Chuẩn-tướng bảo:

    – Thật là mừng khi gặp lại anh, bình yên chứ? Còn các anh em khác thế nào?

    – Thưa Chuẩn-tướng, đã về được gần hết, chỉ còn sót lại hai nhân viên. Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng tôi hết mình can thiệp, nhưng trễ rồi. Tôi hy vọng hai anh em đó sẽ về ngày mai hoặc ngày kia, khi có tái tiếp tế.

    Chuẩn-tướng đưa mắt nhìn Trung-tá và dắt tôi ra khỏi hầm làm việc, nói với Trung-tá Chỉ-huy Trưởng:

    – Thôi, mình qua bên anh nói chuyện.

    Lên khỏi miệng hầm, tôi móc ở túi một huy chương cấp 3, có khắc mấy dòng chữ «Chiến công Cấp 3…» của Cộng quân do anh em Nhảy Dù tịch thu tuần trước kính biếu Chuẩn-tướng.

    Cùng lúc đó, hai vị tướng lãnh 2, 3 sao và vài Sĩ-quan cấp Tá của Hoa Kỳ đang trò chuyện – có lẽ là chuyện hành quân, Chuẩn-tướng đưa cao cái huy chương và giới thiệu tôi trước các Sĩ-quan cao cấp ấy. Bằng ngoại ngữ, Chuẩn-tướng nói qua về Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 mà tôi đã tử thủ.

    Khi vào hầm Trung-tá CHT/PB/QĐI, tôi tường thuật tỉ mỉ từ ngày 26–2–1971 đến hôm nay tất cả những gì Pháo-đội tôi thực hiện cạnh Tiểu-đoàn 2 Dù. Tôi không quên trình bày trước Trung-tá và Chuẩn-tướng về trường hợp chiến đấu gan dạ của Trung-úy Lân. Chuẩn-tướng rất hài lòng và hứa sẽ cố gắng can thiệp thăng cấp cho Lân…

    Từ giã Chuẩn-tướng và Trung-tá Chung, Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng cùng Thiếu-tá Thông đưa tôi về lại BCH/TĐ dùng cơm tối. Nhân cơ hội này, Đại-úy Diệm, Pháo-đội Trưởng Pháo-đội Chỉ-huy thuật lại cho tôi những gì đã xảy ra trong vụ kho đạn phát nổ tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 mà chính Diệm chứng kiến. Diệm kể:

    – Chiều ngày 2-3-71, tôi được lệnh phải mang dây câu súng chuyển trực tiếp cho thầy để triệt thoái súng. Nhưng khi đến nơi, nhìn xuống Căn-Cứ Hỏa lực 30 của thầy lửa cháy, đạn nổ lung tung… cơ hồ khói lửa ngập tràn cả căn-cứ… Thỉnh thoảng những cột khói, lửa phụt lên… Tôi chắc thầy không cách nào có thể ở lại căn-cứ, chắc lúc đó thầy và lực lượng Dù phải rút khỏi căn-cứ… Tôi nhìn rõ các khẩu đại bác 105 ly của Pháo-binh Dù, 155 ly của Pháo-đội thầy nghiêng ngã, xiêu vẹo… trông thật khủng khiếp…

    – Không, lúc đó tôi còn ngồi trong hầm cạnh Đài Tác-xạ. Mãi đến 17g00 hơn tôi mới thoát ra khỏi hầm chạy đến phòng tuyến! Tôi có nghe và nhìn thấy trực thăng đến… Không những hai chiếc chứ đâu phải một chiếc? Nhưng vì tôi nghĩ không có bổn phận gì với phi hành đoàn, thành thử tôi không mở máy liên lạc. Giá lúc đó biết Diệm đang bay trên đầu thì tôi đã liên lạc rồi. Với ăng-ten ngắn 7 đoạn, hẳn Diệm cũng nghe rõ…

    – Tôi đi một chiếc, còn Trung-tướng Tư Lệnh Dù đi một chiếc… Tôi không ngờ lúc đó mà thầy còn có thể ngồi trong hầm?!…

    – Chứ làm sao mà chạy! Thế mà còn may… sau khi chạy ra giao thông hào thì hầm cũng sập, suýt nữa gởi xác tại chỗ còn gì!

    – Hôm đó tôi quần mãi trên không phận Căn-Cứ 30 có đến cả giờ đồng hồ. Cuối cùng phải đem dây, lưới trở về lại…

    …Đêm nay, Diệm nhường cái nệm cho tôi nghỉ. Tuy vậy, cũng khó khăn lắm tôi mới dỗ được giấc ngủ. Hình ảnh của Pháo-thủ đã hy sinh, đã thất lạc tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30, và nỗi lo lắng cho Cang, Bân cứ lởn vởn trong tâm trí tôi…

    Rạng ngày 6-3-1971, mới 7 giờ sáng, Trung-tá Đặng-Nguyên-Phả, Tiểu-đoàn Trưởng Tiểu-đoàn 48 điện thoại mời tôi dùng điểm tâm tại Bộ Chỉ-huy Hành-quân/TĐ48/PB. Trung-tá đã cư xử với tôi bằng một cảm tình đặc biệt nhất, xem tôi như người em của 4 năm về trước tại Tiểu-đoàn 21 Pháo-binh. Tôi cảm động vô cùng. Trung-tá hỏi tôi vài vấn đề thuộc phạm vi kinh nghiệm «nghề nghiệp», kinh nghiệm tác chiến học được của Tiểu-đoàn 2 Dù cùng diễn tả lại những trận đánh cam go tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30.

    10g00 tôi tiếp nhận 2 đại bác 155 ly mới. Thiếu-úy Ngân và Thiếu-úy Châu làm Trung-đội Trưởng. 14g00 tôi đích thân đưa Trung-đội lên Lao Bảo, đóng chung với Pháo-đội A/TĐ44/PB do Đại-úy Thu, Pháo-đội Trưởng, có nhiệm vụ tăng cường cho Pháo-đội này yểm trợ trực tiếp Lữ-đoàn 1 và các tác xạ hỗ tương với Căn-Cứ Phú Lộc.

    …Được Chuẩn-tướng mời dùng cơm tối tại Bộ Chỉ-huy Pháo-binh Quân-đoàn, tôi rời Lao Bảo trước 18g00 cùng ngày.

    Quanh bàn ăn, ngoài Trung-tá CHT/PB/QĐI còn có các vị Tiểu-đoàn Trưởng TĐ44, 48, 64 Pháo-binh, vài vị Sĩ-quan Hoa Kỳ, Thiếu-tá Thông, Thiếu-tá Đảng, Đại-úy Kinh… Trước khi nhập tiệc, Chuẩn-tướng cho biết, các món ăn đều do gia đình Chuẩn-tướng vừa gởi ra lúc trưa. Tôi cảm động nhất khi Chuẩn-tướng giới thiệu bữa cơm thân mật đêm nay là để «Welcome Captain Hy».

    Chuẩn-tướng ngỏ ý ngạc nhiên khi nghe tôi làm Pháo-đội Trưởng Pháo-đội C qua Lào. Vì trước đây, tôi là Sĩ-quan Tiếp-liệu! Nhân tiện, tôi trình bày với Chuẩn-tướng việc tôi được gọi thụ huấn khóa Pháo-đội Trưởng tại trường Dục Mỹ tháng 7 năm ngoái. Sau đấy, chính tôi muốn cầm Pháo-đội Tác-xạ để cùng anh em chiến đấu, chứ ở Tham Mưu tôi đã công tác non 4 năm rồi!… Đồng thời, tôi cũng tỏ bày với ý nghĩ trung thực của tôi về cuộc chiến tại Lào:

    – Thưa Chuẩn-tướng, mới nắm Pháo-đội 6 tháng thì được tham dự cuộc hành quân này – đúng là cuộc hành quân không tiền khoáng hậu! Nhờ vậy mà tôi học hỏi khá nhiều kinh nghiệm. Hy vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp cho tôi trong việc chỉ huy chiến đấu hiệu quả hơn trước. Nhất là chiến trường khủng khiếp ở Hạ Lào hẳn đã tôi luyện cho Pháo-thủ Pháo-đội C không còn ngán với chiến cuộc tại nội địa…

    …Đói khát kéo dài từ 26-2-1971 đến 5-3-1971, giờ đây được ăn một bữa cơm ê hề giò gà rô-ti, tôm… Chuẩn-tướng lại cho phép tôi tha hồ dùng! Quá ngon miệng, tôi ăn đến quên thôi!…

    Cũng trong dịp này, tôi được biết tại Bộ Chỉ-huy Hành-quân, chính Trung-tá và Chuẩn-tướng đã đặc tâm lo lắng cho từng Pháo-đội tham dự bằng những chỉ thị kịp thời về các tác xạ hỗ tương. Những lúc chúng tôi bị uy hiếp nặng nề, chính Trung-tá và Chuẩn-tướng không hề rời máy vô tuyến để theo dõi, ra lệnh… Hành động của Trung-tá và Chuẩn-tướng còn thể hiện qua những lần tôi được tiếp xúc tại Khe Sanh, chứng tỏ Trung-tá và Chuẩn-tướng thật tâm lo lắng cho chúng tôi hơn bao giờ hết. Trong câu hỏi đầu tiên của những bậc đàn anh khi gặp tôi, tôi nhớ rõ – lúc nào cũng hỏi thăm tình trạng sức khỏe của Pháo-thủ, và mừng rỡ khi biết các Pháo-thủ chiến đấu gan dạ, nêu cao tinh thần đồng đội, rồi cuối cùng mới hỏi đến các chiến cụ, tình trạng đại bác… Sự kiện này đã an ủi chúng tôi và gợi cho chúng tôi cái cảm nghĩ: quả thật, chúng tôi đã chiến đấu trong tập thể, không đơn độc – và, tập thể đó, có cả những bậc đàn anh khả kính luôn luôn hướng về chúng tôi…

    …20g00, tôi trở về BCH/TĐ. Nơi đây tôi phải thức để viết cho xong bản tường trình về công trạng của Lân, giao cho Ban I đánh máy để kịp đệ trình Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng, và một bản «Kinh nghiệm Chiến Trường» dưới sự nhận xét của tôi về Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 đệ trình lên Chuẩn-tướng.

    …Sáng ngày 7-3-1971, Đại-úy Kinh, từ BCH/TĐ48/PB/HQ gọi điện thoại mời tôi sang bên ấy gấp, vì một số ký giả, phóng viên… đang mong được tiếp xúc với tôi.

    9g30, tôi đích thân lái chiếc xe jeep đến chỗ hẹn. Tôi không ngờ các bạn ký giả, phóng viên đã sẵn sàng ngồi quanh chiếc bàn vuông tự bao giờ. Ngoài một số phóng viên Quân Đội còn một số ký giả của các báo mà tôi chưa hân hạnh được quen biết. Tất cả anh em đã dành cho tôi một sự tiếp đón nồng hậu bằng những cái bắt tay chặt chẽ, bằng những lời tâm tình chân thật, bằng những nét lo âu… vui mừng… thể hiện trên nét mặt qua những mẫu chuyện tôi trình bày về cuộc chiến đấu tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30…

    Cái khó khăn của tôi là làm thế nào lột trần được những chiến thắng, vượt ngoài sức tưởng tượng của chính tôi, của các bạn đồng đội bằng lời nói! Thật vậy, tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30, chúng tôi đã đâu lưng đấu cật cùng Tiểu-đoàn 2 Dù và Pháo-đội C3 Dù đạt được một chiến quả vĩ đại quá, nhưng lúc bấy giờ trong tay tôi không có lấy một tấm hình để chứng minh! Bao nhiêu film màu, film đen đều gởi về Đà Nẵng để nhờ vợ tôi sang, ngay khi tôi còn đang chiến đấu tại căn-cứ không kịp gởi ra cho tôi – vả lại, biết thế nào mà gởi được, vì tin tức chiến sự hằng ngày chắc chắn đã làm cho gia đình tôi lo âu cùng cực, còn đầu óc đâu nghĩ đến việc rửa film, sang ảnh hầu gởi lên căn-cứ cho tôi!… Ấy thế là tôi chỉ còn biết lật lại những trang nhật ký, bám đầy bụi đất, tường thuật từng chiến thắng… từ các cuộc yểm trợ cho Tiền-sát-viên cho Căn-Cứ Hỏa-Lực 31, cho Biệt-Động-Quân, với những cuộc trực xạ chống thiết giáp, đẩy lui mộng tràn ngập vị trí theo chiến thuật biển người của Cộng quân khi chúng xung phong vào bãi đáp… Tôi cũng không quên diễn tả trận đánh gan dạ phi thường nhưng đầy mưu lược của binh sĩ Dù xảy ra trước mắt tôi không quá 75 thước! Cùng tình đồng đội, tinh thần thượng võ từ vị tướng lãnh cho đến anh Binh nhì của binh chủng ưu tú này. Nhân tiện, tôi cũng đã dẫn chứng cho các bạn ký giả lòng khâm phục của chúng tôi qua vài hành động cao thượng của BCH/TĐ2 Dù, đó là, sau mỗi trận đánh, chiến tích của chúng tôi được BCH/TĐ2 Dù báo cáo rất tỉ mỉ về Bộ Tư-lệnh Dù ở Khe Sanh, không hề có sự nhầm lẫn giữa những gì chúng tôi thu đạt được và Tiểu-đoàn 2 Dù thu đạt được (điều này tôi được Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng đề cập đến trong những lúc chuyện trò tại BCH trong mấy ngày qua)…

    …Khoảng 11g00, trở lại BCH/TĐ, tôi nhận giấy phép 7 ngày do Thiếu-tá tôi cấp. Nhưng khi cầm giấy phép trên tay, Thiếu-tá bảo:

    – Tuy tôi cấp cho anh 7 ngày phép, nhưng anh cố gắng ra sớm sớm để lo cho Pháo-đội… thăm hai ngày cho gia đình biết tin là đủ rồi…

    Tính Thiếu-tá tôi từ lâu vẫn vậy! Nhưng cảm tình nồng nhiệt và biết ơn Thiếu-tá đã khơi trong lòng tôi hôm về lại Khe Sanh, do Thiếu-úy Kiêm Trưởng Ban 5 tâm sự – Là chính Thiếu-tá đã xúc động đến rơi nước mắt, lúc không bắt được liên lạc với tôi, và nhất là sau lúc Diệm báo cáo về tình hình Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 mà chính Diệm là chứng nhân! Cả tuần lễ, Thiếu-tá không hề chợp mắt, gắt gỏng mọi người… Tất cả chỉ vì lo cho tôi, nghĩ đến Pháo-đội C! Tôi hiểu và kính trọng Thiếu-tá tôi lắm. Tuy vậy tôi vẫn bực mình về việc tiết kiệm ngày phép của Thiếu-tá cho tôi. Tôi cảm nghĩ bị «cân hồ» quá kỹ!

    – Thưa Thiếu-tá, với thân tàn ma dại này, tôi nghĩ, tôi phải uống, chích thuốc 7 ngày chưa chắc đã lại sức! Tôi xin Thiếu-tá đi đúng ngày, về đúng phép của Thiếu-tá cho…

    Nỗi lo của Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng tôi là nỗi lo triền miên, lo từng con ốc trong súng bị rơ đến cái bửng xe bị móp… Chuỗi ngày dài, tôi được hân hạnh sống cạnh Thiếu-tá, chưa lần nào thấy Thiếu-tá tôi thơi thới! Âu đó cũng là bản tính do thiên phú. Nhưng nghĩ cho cùng, nhờ những nỗi lo này của Thiếu-tá mà Tiểu-đoàn 44 Pháo-binh đã hơn hai lần giết sạch bọn đặc công Cộng sản đột kích vào BCH/TĐ tại Hòa Cẩm, Đà Nẵng…

    Với giấy phép trên tay, tôi đi vội về BCH/PB/QĐI xin phương tiện. Một lần nữa, tôi gặp Trung-tá Chỉ-huy Trưởng. Trung-tá lấy bom, cam cho tôi ăn rồi giao tôi cho Trung-tá Chỉ-huy Phó can thiệp xin một phi vụ trực thăng.

    Kết quả, tôi được về Đông Hà trong chuyến trực thăng của Chuẩn-tướng Phan-Đình-Soạn

    Chương 20

    BẢY NGÀY PHÉP

    Mười tám giờ ba mươi, tôi lách mình qua cổng. Vợ con, cả ông bà nhạc gia… chạy vội ra ôm chầm lấy tôi oà khóc sướt mướt!

    Năm đứa con tôi tranh nhau níu lấy áo quần tôi, như muốn để chúng xác nhận rằng, ba nó quả thật còn sống bằng xương bằng thịt. Đứa lớn nhất, nhìn vào ống chân trái bị rách của tôi, vừa khóc vừa hỏi:

    – Ba bị thương ở chân hả ba?

    – Ba bị thương xoàng thôi, rách sơ tí thịt thôi! Không can gì, lành rồi.

    Thật ra, mọi người những tưởng tôi đã gởi xương tại Hạ Lào, nhất là khi đọc báo thấy có đăng tin một Đại-úy Pháo-binh hy sinh tại trận địa, nhưng không ghi rõ tên mà chỉ ghi: «…Đại-úy H, Pháo-đội Trưởng Pháo-đội C…». Sau này tôi mới biết đó là Đại-úy Nguyễn-Văn-Hồ, PĐT/PĐC thuộc Tiểu-đoàn 20 Pháo-binh của Thiếu-tá Hào. Anh là người bạn chí thân của tôi, từng làm việc chung tại Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn 21 Pháo-binh ở Quảng Ngãi trong mấy năm liền trước đây – và, tháng 7 năm ngoái, Hồ cùng tôi thụ huấn khóa Pháo-đội Trưởng tại trường Pháo-binh QLVNCH Dục Mỹ. Lúc bấy giờ, anh cùng tôi nằm chung một giường hai từng. Tất cả tật xấu cùng nết tốt, chúng tôi không giấu nhau tí nào. Nghe tin anh tử trận, thật tình tôi đã khóc!… Tôi cũng không ngờ nhà tôi lại biết tin trước cả tôi! Tôi đâm sửng sốt khi nghe nhà tôi thuật lại:

    – Mấy đứa bạn em xem báo, thấy có Đại-úy H., Pháo-đội Trưởng Pháo-đội C… Tờ báo ác hại, lại không ghi rõ Tiểu-đoàn, nên cả đám bạn em cứ đề quyết là anh. Em lo quá, chạy vội lên hậu cứ Tiểu-đoàn hỏi thăm và các ông Trung-sĩ trên đồn thì nói anh vẫn bình an ở Lào. Em không tin, lo rứt cả ruột gan… Hôm kia, nghe tin đồn là anh đã về Khe Sanh, cả nhà trông anh ngắn cổ, vẫn không thấy thư từ gì cả làm em sinh nghi… Chắc anh bị thương… bị… nên Tiểu-đoàn họ giấu chăng? Tối lại, nhiều người bạn anh lại hỏi thăm tin tức anh. Ai cũng nghi là anh chết! Em cùng các bà trong Hội Bảo Trợ Gia Đình Binh Sĩ vùng I đi cầu nguyện cho các anh luôn…

    Bây giờ tôi mới thấm thía thế nào là tình gia đình! Suốt trong cuộc chiến, tôi đã quên đi để dối tâm lo lắng cho những Pháo-thủ đã cùng tôi tử thủ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30.

    Thằng Bách Chiến cố gắng vác Khẩu AK47, anh nó đội cái nón, chị nó xách cái mặt nạ – chiến lợi phẩm của tôi mang về – săm se cả buổi. Hẳn những vết máu còn dính trên cây súng tạo cho chúng những tưởng tượng ghê gớm về cuộc chiến.

    …Vào nhà, tôi ngã mình trên salon, đảo mắt nhìn khắp các đồ vật trang trí tại phòng khách với một cảm tưởng lâng lâng khó tả.

    Bức hình chung của nhà tôi và tôi chụp sau cuộc hành quân tháng 4-1964 treo trên tường – lúc tôi còn là Chuẩn-úy với kiếp Tiền-sát-viên – đập vào mắt tôi… Bỗng dưng những kỷ niệm xa xưa cách nay 7, 8 năm hiện lên trong trí tôi. Tôi không bao giờ quên cuộc hành quân gian khổ dạo ấy. Chứng tích còn lại là bộ râu, sau hơn một tháng trời di chuyển từ Kontum lên Tân Cảnh, vượt Toumorong, xuyên rừng núi về hướng Đông… Cuối cùng là nút chặn tại Mang-Bút để tiêu diệt đám tàn quân Việt cộng chạy loạn vì cuộc hành quân Đỗ Xá. Bấy giờ, lực lượng ta tấn công phía Tây Quảng Ngãi lên miền Sơn Cước… Nó còn nhắc cho tôi nhớ lại cảnh đói khát hai ngày, cùng với một Tiểu-đoàn Bộ binh, chúng tôi đều phải dùng rau má, cải tàu bay rừng thay cơm!…

    Giờ đây, dưới cằm, râu tôi cũng lại mọc dài, nhưng nó là chứng tích của những ngày tử thủ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 vượt biên, tấn công sào huyệt của Cộng quân ở Hạ Lào… Có lẽ, vì cuộc hành quân quy mô có tính cách chiến lược với quá nhiều nguy hiểm xảy đến cho tôi và đồng đội, nên bộ râu của tôi tự nó có một ý nghĩa khác trước! Nó được dính trên khuôn mặt hốc hác hơn, gầy gò hơn, thể hiện sự lo âu bởi trách nhiệm nặng nề hơn…

    …Không để tôi yên, các con tôi bâu quanh lấy tôi, hết đứa này hỏi đến đứa khác hỏi, chúng bắt tôi phải trở về với thực tại. Chúng đặt không biết bao nhiêu câu hỏi, đến nỗi tôi không còn biết trả lời câu nào trước, câu nào sau!… Bà ngoại chúng thấy vậy phải hét to:

    – Chứ bọn bây không ra sân chơi, để ba bây nghỉ à? Đi, đi chỗ khác chơi…

    Cụt hứng, chúng lủi thủi mang chiến lợi phẩm của tôi ra hàng hiên ngồi kháu chuyện…

    Sau đấy, tôi đưa gia đình đến hiệu ảnh chụp một tấm hình lưu niệm trước khi «hạ» bộ râu.

    …Để có điều kiện săn sóc cho tôi, nhà tôi phải nghỉ ở sở một tuần. Nhân tiện chúng tôi đưa nhau đến Tổng Y Viện Duy Tân để ủy lạo cho các Pháo-thủ Pháo-đội C đang điều trị tại đây, nhưng tôi thất vọng vì chỉ được gặp vài người: HS Đình, HS Vốn, B1 Một và B1 Quốc… Các Pháo-thủ này cho tôi biết, số còn lại nằm ở Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương. Trong đó, chỉ có Thiếu-úy Thiện bị cưa chân phải lên tận đầu gối!

    Nghe Thiện bị cưa chân, tôi buồn không thốt nên lời. Vết thương của Thiện ở chân đâu có nặng bằng ở mông, vậy mà Thiện bị cưa mất một chân! Tại sao có thể thế được?!…

    Sau khi giúp đỡ một ít tiền cho các Pháo-thủ, chúng tôi tìm nhà Thiện. Nơi đây, vợ Thiện vừa lên xe đò ra Huế để nuôi Thiện. Người anh của Thiện thuật lại cho tôi:

    – Thưa Đại-úy, hôm đưa Thiện từ Khe Sanh về bệnh viện, vì thương binh quá đông, nên các bác sĩ xem không kỹ, cứ cho là bị thương xoàng, không ngờ để quá 4 ngày, thối lây qua xương! Vì vậy, lúc ở Huế, bác sĩ bảo phải cưa chứ không còn cách nào khác.

    Hai hôm sau, có tin Thiện di tản về Tổng Y Viện Duy Tân, vợ chồng tôi vội vã lên thăm ngay.

    Khỏi cần phải hỏi, chúng tôi tiến vào phòng thương binh dành riêng cho các Sĩ-quan tham dự cuộc Hành Quân Lam Sơn 719.

    Thiện nằm nghiêng, toàn thân đắp một tấm drap trắng.

    Tôi chạy vội lại giường Thiện, ôm chầm lấy Thiện, nghẹn ngào không thốt nên lời!… Mặt Thiện tái nhợt vì mất máu, thân hình gầy gò khẳng khiu. Thiện gượng ngồi dậy nhưng không ngồi được. Tôi biết ý, bảo Thiện cứ tự nhiên nằm cho khỏe.

    Qua hai hàng nước mắt đọng quanh mi, Thiện bảo tôi:

    – Tôi tức quá Đại-úy ơi! Bị rủi ro phải về trước, không được cùng Đại-úy, các bạn chiến đấu… Lúc tôi nhập viện, nếu ít thương binh, may ra tôi được săn sóc kỹ hơn và hy vọng không đến nỗi phải cưa giò như thế này!… Thưa thật với Đại-úy, nằm bệnh viện mà lòng tôi chẳng yên tí nào, cứ nghĩ đến Đại-úy và anh em trong Pháo-đội hoài! Sau khi cưa chân, họ chuyển tôi ra khu ngoại thương. Gặp ai về bệnh viện tôi cũng hỏi thăm tin tức Đại-úy, nhưng chẳng có ai biết. Hôm rồi một số anh em bị thương của Pháo-đội về điều trị ở Huế, nhưng chúng cũng không biết gì về Đại-úy cả. Có đứa bảo Đại-úy bị lạc làm tôi lo quá, nhất là nghĩ đến sức khỏe của Đại-úy… chắc không chịu nổi khí hậu ở rừng… nguy quá!

    – Em bị thương, anh xem như chính anh bị gãy cánh tay mặt! Sau khi đưa em về, tình hình trên căn-cứ trầm trọng không kể xiết. Mỗi ngày chúng pháo kích có đến hàng ngàn đạn đủ loại… chiến xa tấn công… Bọn chúng tràn lên cả bãi đáp trực thăng, nơi em bị thương… Nhưng nhờ bọn mình có thời, bắn cháy được hai chiến xa chúng. Rồi nhờ địa thế căn-cứ mình khá cao, nên sau đấy chúng chỉ xung phong bằng bộ binh… đủ cho Dù với mình trực xạ tiêu diệt!

    Tôi thuật sơ qua những phút hãi hùng khủng khiếp nhất cho Thiện nghe, trong lúc vợ tôi đứng cạnh tôi bùi ngùi nhìn cái chân cụt của Thiện, thỉnh thoảng run lên vì nhức!

    Cuối cùng tôi bảo Thiện:

    – Thôi em yên tâm nằm điều trị tại đây, anh sẽ cho một đứa đến săn sóc và để cho em sai vặt… Vừa rồi, anh những tưởng không được gặp em tại đây trước khi ra lại Khe Sanh, nên anh và chị có đến nhà gởi người anh của em để chuyển lại em ít tiền mọn của Pháo-đội… Em hãy xem đó như là chân tình của toàn thể quân nhân Pháo-đội C tưởng nhớ đến em, mà vui lòng không từ chối.

    Vẫn với nước mắt đoanh tròng, Thiện tiếp:

    – Thành thật tôi cám ơn Đại-úy và anh em trong Pháo-đội. Kính nhờ Đại-úy chuyển lời cầu chúc của tôi đến các bạn được bình an trong cuộc Hành Quân này.

    …Từ giã Thiện, trên đường về, tôi rộn lên bao niềm suy tư chua xót trước hoàn cảnh gia đình Thiện! Gương hy sinh, tình đồng đội của Thiện hiện lên rõ trong trí tôi! Ngoài Thiện còn biết bao cảnh thương tâm khác quyện vào nhau, ám ảnh và như thúc giục tôi – một thằng người còn toàn vẹn – ý thức lấy trách nhiệm, sớm trở lại chiến trường để cùng chia xẻ với các chiến hữu trong thiên chức bảo vệ Miền Nam Tự Do này, trong đó có gia đình, họ hàng và bè bạn của chính tôi, không muốn để cho họa Cộng sản tràn xuống mũi Cà Mau. Dù rằng, tôi chỉ là một trong muôn vàn hột cát trên bãi sa mạc, chẳng có nghĩa gì đối với sự hy sinh cao cả của các chiến hữu đàn anh.

    7 ngày phép trôi qua nhanh! Tôi từ giã gia đình với tất cả sự bịn rịn của vợ con, những tiếng khóc nức nở của bé Chiến, bé Hảo, của người vợ biết nuông chìu lo lắng cho chồng!… Trước mặt tôi phút này là tất cả những gì trói buộc, giữ chặt tôi trong mái nhà êm ấm đầy đủ tiện nghi… Nhưng khuất sau dãy núi Ái Vân, hình ảnh chiến đấu của các chiến hữu gan dạ là một thanh gươm vô hình nhưng sắc bén, đã cắt đứt tất cả những lưu luyến đang vây quanh tôi, khích động tôi thản nhiên hướng về bổn phận, nhiệm vụ, mà giờ đây các Pháo-thủ đang chờ đợi tôi trong cuộc hành trình dang dở…

    …Đông Hà bắt đầu mưa lại. Qua một đêm tạm trú với Thiếu-tá Thanh, Tiểu-đoàn Phó Tiểu-đoàn 48 Pháo-binh, tôi xin được trực thăng lên lại Khe Sanh…

    Chương 21

    TRỞ LẠI KHE-SANH TIẾP-TỤC CHIẾN-ĐẤU

    Mười bảy giờ ngày 15-3-1971, sau khi trình diện Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng, tôi tiếp tục nhận thêm 2 đại bác 155 ly với Thiếu-úy Trí, Chuẩn-úy Khánh làm Trung-đội Trưởng. Đồng thời 2 Khẩu khác của Pháo-đội A do Thiếu-úy Ba chỉ huy được sát nhập vào Pháo-đội tôi, cuối cùng, Pháo-đội C chúng tôi được đầy đủ 6 Khẩu.

    Tại Lao Bảo, Ngân được lệnh thuyên chuyển về Tiểu-đoàn 101 Pháo-binh Cơ Giới 175 ly, giao Trung-đội lại cho Thiếu-úy Châu.

    …Kể từ đây, lộ trình di chuyển từ Khe Sanh đến Lao Bảo, tuy không quá 15 cây số, đường rộng, hai bên lộ tương đối ít rậm rạp, đa số các lùm cây được Công-binh phát quang trống trãi. Tuy nhiên, Cộng quân lại tăng gia pháo kích ngày càng khủng khiếp. Những quả đạn pháo kích được trải dài giữa đường, do các Tiền-sát-viên địch ẩn nấp trên các sườn núi điều chỉnh. Vì vậy, việc tiếp tế đạn dược thật là trở ngại. Thỉnh thoảng, chúng mang cả B40 ra sát lộ trực xạ vào các đoàn xe của ta. Dần dần, vị trí Pháo-binh ở Lao Bảo bị uy hiếp nặng nề cả ngày lẫn đêm.

    Thiếu-úy Châu đích thân vào máy báo cáo chi tiết từng phút… những gì xảy ra cho Pháo-đội của tôi tại Lao Bảo giờ đây, cũng không khác những gì đã xảy ra cho chúng tôi như khi còn ở Căn-Cứ Hỏa-Lực 30. Cộng quân xử dụng đủ loại súng: Hỏa tiễn, Pháo-binh, súng cối 82, và ngay cả loại súng bắn thẳng như B40, 57 ly, 75 ly SKZ không giật trực xạ vào vị trí! Hầm ngủ các Khẩu lần lượt bị tung nắp. Hai khẩu đại bác 175 ly của Hoa Kỳ bị hủy diệt tại chỗ.

    Tình trạng mỗi lúc một bi đát vì súng hư hỏng, chiến đấu khó khăn. Nhưng tinh thần Pháo-thủ không hề bị suy giảm. Có lẽ vì anh em đã trải qua một cuộc thử thách cam go đầy nguy hiểm tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 trước đó không quá 3 tuần!

    Đồng thời, hầu hết các tiền trạm của ta, kéo dài từ phi trường chính Khe Sanh đến Bộ Tư-lệnh Dù, Tổng Hành Dinh của Trung-tướng Hoàng-Xuân-Lãm… đều có đạn pháo kích rót đến. Những trận pháo kích này, thật sự không gây thiệt hại gì cho ta và cũng không hề làm cản trở công việc yểm trợ tiếp liệu của Tiền trạm.

    Bấy giờ tôi được chỉ thị chiếm đóng vị trí ở bìa bãi đáp trực thăng cạnh Bộ Tư-lệnh Dù. 4 đại bác của tôi chỉ có nhiệm vụ tác xạ theo lệnh Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn Dù để bảo vệ các căn-cứ quanh vùng. Song, việc tác xạ không còn sôi động như trước, giúp cho chúng tôi có thời gian để bảo trì quân dụng, tu bổ các công sự.

    Mãi đến ngày 20 và 23-3-71, các Pháo-đội B từ A-Lưới, Pháo-đội A và Pháo-đội tôi từ Lao Bảo lần lượt kéo súng về Khe Sanh. Cuộc triệt thoái của những Pháo-đội này cũng thật cam go, đầy trở ngại khó khăn. Suốt dọc theo lộ trình triệt thoái, Pháo-đội B đã phải nhờ chiến xa kéo súng và chiến đấu với số «Lính Pháo Đánh Bộ» cùng với Lữ-đoàn Dù. Chính các lực lượng này đã vượt «Suối Máu» một cách vất vả, gian khổ nhất. Sau khi đoàn quân triệt thoái từ A-Lưới về đến Lao Bảo, Pháo-binh của ta trấn đóng tại đây cũng được lệnh di chuyển theo… Lợi dụng thời gian này, địch gia tăng pháo kích kịch liệt, cố tạo nên trở ngại lớn lao trong kế hoạch của ta, nhưng cuối cùng đoàn quân vẫn hoàn thành nhiệm vụ.

    Được quy tụ cả 3 Trung-đội về một chỗ, tôi lại nhận lệnh mới di chuyển vị trí vào gần Bộ Tư-lệnh Dù hơn. Chính nơi đây trong những lúc rỗi rảnh, tôi dành thì giờ để ghi lại những chi tiết cần thiết, bổ túc cho quyển nhật ký dở dang.

    Qua hôm sau, Pháo-đội C được xuất phái Bộ Tư-lệnh Dù để tăng phái cho Lữ-đoàn I Đặc Nhiệm của Đại-tá Nguyễn-Trọng-Luật. Dịp này, tôi hân hạnh được tiếp xúc với Trung-tá Sáu vài lần – nguyên trước kia Trung-tá là Chỉ-huy Trưởng Pháo-binh Quân-đoàn I, và nay là Chỉ-huy Phó Lữ-đoàn I Đặc Nhiệm. Vẫn với giọng trầm tĩnh, nụ cười cởi mở, Trung-tá thuật lại nỗi gian truân của toàn Bộ Chỉ-huy Lữ-đoàn lúc chiếm đóng Căn-Cứ A-Lưới, lúc triệt thoái… Trong câu chuyện, thỉnh thoảng Trung-tá cho tôi vài nhận xét về kinh nghiệm chiến trường thật xác thực, cùng vài cảnh tượng thương tâm xảy ra trước mắt Trung-tá…

    …Vào một buổi trưa, bỗng Thiếu-tá Liên, Tiểu-đoàn Phó của tôi từ bên ngoài, nhảy vội vào Đài Tác-xạ ôm lấy tôi mừng rỡ! Râu Thiếu-tá mọc dài! Điều mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy! Thôi thì Thiếu-tá hàn huyên đủ chuyện – và chính tôi không ngờ, thật tình không ngờ, lúc Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 bị nổ tung kho đạn, là lúc Thiếu-tá đang dùng ống nhòm từ Căn-Cứ A-Lưới quan sát, lo lắng cho số phận mong manh của tôi! Thế rồi trong suốt cuộc hành trình cùng các chiến hữu Dù rời bỏ căn-cứ, Thiếu-tá đã theo dõi từng phút, để cuối cùng mừng cho Pháo-đội C trở lại Khe Sanh an toàn. Những cảm nghĩ trung thực của Thiếu-tá đối với chiến tích của Pháo-đội C, thể hiện lòng yêu thương đậm đà, mà có lẽ, chỉ có Thiếu-tá, là người ở trong cuộc giằng co từng phút với tử thần mới phát khởi như thế.

    Nhờ trở lại Khe Sanh tiếp tục chiến đấu, tôi chứng kiến hàng trăm đồng bào Lào tháp tùng theo các đơn vị thiết giáp vượt biên giới về Việt Nam. Trông họ thật thảm thương! Qua hình thức bên ngoài về cách phục sức: đàn ông đóng khố, đàn bà lượt bượt gói mình trong chiếc «xà–rông» rộng thùng thình, con nít trần truồng… Mỗi người đều có mang sau lưng một cái gùi to tướng, chứa đựng bên trong nào ngô, khoai, nào những vật dụng «không đáng giá» nhưng tối thiết cho đời sống của họ… người sau theo chân kẻ trước, âm thầm bước cạnh các chiến binh của ta.

    Bất giác tôi thở dài, liên nghĩ đến những lời tuyên truyền loan đi từ Đài Phát Thanh Hà Nội về sức đề kháng của Nhân Dân Nam Lào đối với cuộc Hành Quân Lam Sơn 719! Tôi không thể và không bao giờ tưởng tượng nổi, dù có cố gắng – cũng không làm sao tin được rằng: những con người Hạ Lào ấy có đủ khả năng xử dụng các chiến cụ, cơ giới tấn công vào chúng tôi, như chúng tôi đã chạm mặt qua các cuộc công đồn của chúng tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30! Thật vậy, không cần phải chú ý mới nhận thấy, thoáng nhìn họ, ta có thể so sánh họ chẳng khác nào dân tộc thiểu số trong dãy Trường Sơn dưới thời kỳ Pháp thuộc!… Hơn thế nữa, tù hàng binh do lực lượng ta bắt được tại trận, toàn là người Việt, nói tiếng Việt thuộc miền Đồng Hới trở ra… Ấy thế mà ngày cũng như đêm, đài Hà Nội không ngượng mồm lải nhải cái gọi là «Tin Chiến Sự» thuật lại những trận đánh khốc liệt trên đất Hạ Lào với giọng điệu cổ võ nhân dân Nam Lào trước thành tích này, thành tích nọ!…

    Suy từ đấy, dù có khó tính bao nhiêu, tưởng cũng khó mà xuyên tạc. Nhưng với Cộng sản không có cái gì là chúng không làm được, miễn cái cứu cánh chúng đạt được! Vì lẽ này, luận điệu tuyên truyền bịp bợm của chúng, lại một lần nữa đem ra áp dụng, có gây hoang mang trong hàng ngũ chiến sĩ ta và xảo trá lường gạt dư luận quốc tế! Sự kiện đó là ngón sở trường của nhà nước Cộng sản miền Bắc vậy.

    Qua ngày 24-3-1971, BCH/TĐ cùng các Pháo-đội Tác-xạ A và B được triệt thoái về Đông Hà. Riêng Pháo-đội tôi vẫn trấn giữ Khe Sanh yểm trợ bao vùng.

    Không có nhận xét nào