Võ Thái Hà tổng hợp
Thủ tướng Đức hoan nghênh cuộc gặp Áo-Nga tại Moscow
11/4/2022
Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hoan nghênh cuộc gặp của người đồng cấp Áo Karl Nehammer và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow và ủng hộ bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, một phát ngôn viên của chính phủ cho biết hôm 11/4, theo Reuters.
Thủ tướng Áo Nehammer cho biết ông sẽ gặp Putin vào ngày 11/4, nói thêm rằng ông hy vọng sẽ giúp xây dựng cầu nối giữa Nga và Ukraine và ngăn chặn “chiến tranh xâm lược”.
Giới luật sư hình sự Anh yêu cầu tăng thu nhập
Từ thứ Hai này, hiệp hội đại diện cho hầu hết các luật sư hình sự ở Anh và Xứ Wales sẽ bắt đầu thực hiện chính sách “không làm thay.” Kể từ giờ, các luật sư bào chữa sẽ không còn ra tranh biện thay đồng nghiệp nếu người kia vắng mặt không đến tòa.
Theo luật, luật sư bào chữa được nhà nước trả lương nếu thân chủ không đủ khả năng chi trả. Mức lương này của họ đã nhiều năm không tăng. Một đánh giá hồi tháng 11 đã đề xuất tăng ngay lập tức ở mức tối thiểu 15%. Chính phủ nói sẽ làm vậy từ tháng 10, nhưng giới luật sư muốn được tăng lương cao hơn.
Chính sách “không làm thay” sẽ làm chậm tiến độ của các vụ xử án vốn đang bị trì hoãn. Được biết thời gian trung bình từ giai đoạn nghi ngờ có tội phạm cho đến khi tuyên án tại tòa thường lên đến gần hai năm. Năm ngoái số vụ tồn đọng đã tăng lên tới 60.000 do bị đại dịch Covid-19 làm trì trệ. Các tòa án đang ngày càng không thể cho tất cả mọi người một phiên tòa công bằng và nhanh chóng.
Kinh tế Trung Quốc lao đao vì phong tỏa diện rộng
Trung Quốc thường công bố dữ liệu kinh tế nhanh hơn hầu hết các nước. Song giờ đây họ cũng không thể theo kịp với sự suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế giữa đợt bùng dịch covid-19 lớn. Hiện các hạn chế đã được áp đặt ở 73 trong số 100 thành phố lớn nhất Trung Quốc, theo hãng tư vấn Dragonomics. Phó chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc Bettina Schön cho biết Thượng Hải, vốn chiếm gần 3,8% GDP của cả nước, đã trở thành một “thành phố ma.” (Ngoài ra các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy người dân thành phố đang bất mãn với cuộc phong tỏa vụng về của thành phố.)
Trong bảy ngày tới, Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu kinh tế tháng 3, bắt đầu với số liệu lạm phát vào thứ Hai. Họ cũng sẽ công bố GDP quý đầu năm. Nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 0,3% so với quý trước đó, kết quả kém thứ hai kể từ khi Trung Quốc bắt đầu so sánh giữa các quý vào năm 2010. Các số liệu tháng 4 có thể còn tệ hơn.
Mỹ tìm cách thuyết phục Ấn Độ từ bỏ lập trường trung lập đối với Nga
Đối thoại Bộ trưởng 2+2 Mỹ-Ấn, tức một loạt các cuộc họp giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai bên, thường sẽ nhấn mạnh các giá trị chung giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới này. Thế nhưng đối thoại lần thứ tư tới đây tại Washington D.C. vào thứ Hai có thể sẽ bộc lộ bất đồng quan điểm lớn giữa hai bên.
Dù đã ra tuyên bố lên án hành động tàn bạo ở Bucha, Ấn Độ vẫn trung lập trước cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Họ đã bỏ phiếu trắng tất cả 11 nghị quyết về cuộc chiến này tại Liên Hợp Quốc, khẳng định rằng chỉ hành động vì lợi ích quốc gia riêng mình. Mỹ rất muốn Ấn Độ đổi ý. Họ đã cảnh báo Ấn Độ không nên mua dầu và vũ khí Nga – nhưng không quá quyết liệt, vì không muốn làm mất lòng một đồng minh quan trọng trong cuộc đấu với Trung Quốc. Tại thượng đỉnh vào thứ Tư, Mỹ được cho là sẽ đề nghị giúp Ấn Độ tìm các nguồn vũ khí thay thế (hiện khoảng một nửa lượng vũ khí nhập khẩu của New Delhi đến từ Nga). Đó có thể là cách tốt nhất để thuyết phục Ấn Độ.
Nguy cơ leo thang xung đột ở Bắc Cực
Diễn đàn Bắc Cực Quốc tế sẽ bắt đầu họp tại St Petersburg vào thứ Hai. Lần này nó có ít người tham dự hơn trước. Vào ngày 3 tháng 3, bảy trong số tám thành viên thường trực của Hội đồng Bắc Cực — Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển — đã đồng loạt tuyên bố tẩy chay cuộc họp để phản đối Nga xâm lược Ukraine.
Tài liệu thành lập của hội đồng nêu rõ hội đồng “không nên giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh quân sự,” phản ánh tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác tại một khu vực tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Băng cực tan chảy đang mở ra các tuyến đường biển mới, mở ra khả năng khai thác khoáng sản dưới biển sâu, và làm tăng khả năng xung đột ở khu vực. Nga đã xây dựng 475 địa điểm quân sự dọc biên giới Bắc Cực trong sáu năm qua. Và đáp lại cuộc xâm lược Ukraine, Canada đã công bố kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự. Chỉ mới hồi đầu năm Hội đồng Bắc Cực còn được đề cử giải Nobel Hòa bình.
Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã tỏ ra thiếu can đảm trong việc chống lại Đảng Cộng Sản Trung Quốc
David Zhang
Tổng thống Joe Biden gặp gỡ trực tuyến với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từ Phòng Tình Huống tại Tòa Bạch Ốc, hôm 18/03/2022. (Ảnh: Tòa Bạch Ốc qua AP)`
Theo nhà sử học Kevin Roberts, chế độ cầm quyền Trung Quốc đặt ra thách thức lớn nhất từ trước đến nay đối với Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã không đẩy lùi chế độ này một cách hiệu quả và mạnh mẽ.
“Trong toàn bộ lịch sử của Hoa Kỳ chưa bao giờ có một đối thủ nào có thể tạo ra mối đe dọa lớn đối với cuộc sống của người dân Hoa Kỳ như vậy và do đó đe dọa đến tự do của toàn thế giới hơn là Trung Quốc,” theo ông Robert, Chủ tịch của Quỹ Di Sản theo phái bảo tồn truyền thống ở Hoa Thịnh Đốn gần đây đã nói với EpochTV trong chương trình “Bên trong Trung Quốc”.
“Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang xây dựng một chế độ đối kháng gay gắt đối với Hoa Kỳ thông qua chế độ tà ác toàn trị của họ,” ông nói thêm.
Theo quan điểm của ông Roberts, tầng lớp chính trị của Hoa Kỳ đã không đáp lại một cách thỏa đáng đối với những thiệt hại do Đảng Cộng Sản Trung Quốc gây ra. Ông nói rằng chính quyền Biden đã không thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ trong việc xử trí các mối đe dọa khác nhau của chế độ cầm quyền này.
Trong khi đó, Toà Bạch Ốc đã cho thấy những bước đi sai lầm trong các lĩnh vực khác của chính sách đối ngoại trong đó có cuộc rút lui đầy hỗn loạn khỏi Afghanistan và việc từ chối cung cấp phản lực cơ cho Ukraine vốn lẽ ra có thể hỗ trợ rất lớn cho đất nước đang bị bao vây này, theo như ông Roberts cho biết.
Ông Roberts nói: ”Những vụ việc như thế này sẽ khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có kết luận rằng “chính phủ Hoa Kỳ thiếu khả năng và yếu kém”.
Hơn nữa, theo ông, các nhà lãnh đạo Mỹ từ cả hai đảng đều giữ quan điểm rằng hòa giải với chế độ cầm quyền này là cách tiếp cận tốt nhất.
Thái độ này tương tự như thái độ của Thủ tướng Anh Arthur Neville Chamberlain, người được biết đến với chính sách nhân nhượng của mình đối với Adolf Hitler.
Ông Roberts nói rằng sự thất bại của nhà lãnh đạo Anh này trong việc đứng lên chống lại Hitler nên là “bài học lớn nhất trong lịch sử hiện đại” cho Hoa Kỳ, ông nói thêm rằng Hoa Thịnh Đốn phải ngăn việc phạm phải sai lầm tương tự đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Một phần của mối nguy hiểm từ ĐCSTQ là do họ có khả năng xâm nhập vào xã hội Hoa Kỳ thông qua những mối kết nối kinh doanh rộng lớn. “Trung Quốc đã khiến Hoa Kỳ trông có vẻ giống Trung Quốc hơn”, ông nói.
“Chúng ta phải loại bỏ các khoản đầu tư của ĐCSTQ vào các trường đại học ở Hoa Kỳ. Chúng ta phải loại bỏ các khoản đầu tư của ĐCSTQ vào bất kỳ lợi ích an ninh quốc gia nào của chúng ta. Chúng ta phải trừ bỏ đi gốc rễ và nhánh, mọi bộ phận của ĐCSTQ trên đất nước này.”, ông nói thêm.
Theo ông Roberts để ngăn chặn chế độ cầm quyền Trung Quốc, giới lãnh đạo Hoa Kỳ cần có lòng quyết tâm giống như Tổng Thống Ronald Reagan, người đã chiến đấu mạnh mẽ với Liên Bang Xô Viết để chấm dứt Chiến Tranh Lạnh.
“Tổng Thống Reagan đã có lòng can đảm chính trị trước tất cả mọi lời khuyên ngăn mà ông nhận được từ phía đối lập và từ những người thỏa hiệp trong Liên Hiệp Quốc để nhìn chằm chằm vào Xô Viết và nói rằng ‘Hãy phá bỏ bức tường đó’,” ông Roberts nói.
“Nếu chúng ta không tham dự vào những trận chiến vĩ đại về sự minh bạch đạo đức, về sự tự do này, thì bản thân chúng ta có lẽ thậm chí không nên tồn tại như một quốc gia.”
Anh David Zhang là người dẫn chương trình China Insider trên EpochTV. Anh hiện đang làm việc tại New York và thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đưa tin về Trung Quốc. Anh chuyên phỏng vấn chuyên gia và bình luận tin tức về các vấn đề Trung Quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến mối giao bang giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Minh Đức biên dịch
Hội đồng Bảo an LHQ đối mặt với những lời chỉ trích và kêu gọi ‘không có lý do gì để tồn tại’
Khi tội ác giết hại dân thường của Nga ở Ukraine đang dần bị phanh phui từng ngày, thì những lời chỉ trích đối với sự bất lực và tính hiệu quả của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang xuất hiện ở khắp nơi.
Việc sử dụng “lý thuyết vô dụng” nhắm vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã được đưa ra kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine, cùng với những lời chỉ trích rằng nó đã thất bại trong việc ngăn chặn ngay cả một cuộc chiến đã được dự báo trước. Gần đây, Hội đồng bảo an đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không hành động bất chấp sự phẫn nộ của quốc tế về việc giết hại dã man thường dân và tấn công tình dục trẻ em ở Ukraina.
Dân biểu Liz Cheney, một đảng viên Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào ngày 10 (theo giờ địa phương) rằng “câu hỏi tồn tại đặt ra là liệu Nga có thể đạt được các mục tiêu của mình khi Nga ở trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hay không. Cơ chế này cho thấy rằng đó không phải là kiểu tổ chức hiệu quả mà tôi mong đợi”, bà nói.
Dân biểu Cheney đã nói như vậy khi được hỏi về ý kiến của Tổng thống Ukraine Volodimir Zelensky về “lý thuyết vô dụng” của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trước đó, trong bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày mùng 5, Tổng thống Zelensky nói rằng “Quân đội Nga đã giết trẻ em và gia đình của chúng rồi đốt xác chúng chỉ để mua vui. Họ nghiền nát những thường dân đang chạy trốn bằng một chiếc xe tăng, hãm hiếp và sát hại những người phụ nữ trước mặt con cái của họ”, ông nói.
Nhà viết luận Thomas Friedman cũng chỉ ra trong một bài báo trên tờ New York Times ngày hôm đó rằng: “Làm thế nào để thế giới có thể có một Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hoạt động hiệu quả trong khi làm việc với một quốc gia do tội phạm chiến tranh lãnh đạo, có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào.”
Ngài Jeffrey Nice, người dẫn đầu phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh chống lại tên đồ tể Balkan Slobodan Milosevic, nói với tờ The Times: “Quyền phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giống như quyền phủ quyết của Hitler ở Nuremberg [nơi diễn ra phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh của Đức Quốc xã]”; “Trục xuất Nga khỏi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoặc rút lại quyền phủ quyết là một bước rất quan trọng mà chúng ta phải thực hiện”, ông nói.
Gần đây, ngày càng có nhiều tiếng nói chỉ ra sự biện minh hợp pháp về tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nghị sĩ Úc Dave Sharma nói, “Điều 23 của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó đề cập đến việc thành lập Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chỉ rõ quốc gia thành viên thường trực là Liên Xô cũ chứ không phải là Nga. Không thể có việc kế nhiệm. Liên Xô tuyên bố giải thể vào năm 1991, và Liên hợp quốc đã chưa chính thức chấp thuận việc chuyển giao quy chế thành viên thường trực của Nga kể từ đó.
Ông Sharma nói: “Nga đã chứng tỏ mình không có giá trị đạo đức để phục vụ với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an thông qua các hành động của nước này ở Ukraine”.
Người viết chuyên mục Mark Thyssen cũng viết trong bài báo của Washington Post rằng: “Hiến chương Liên hợp quốc không nêu rõ tư cách của ‘Liên bang Nga’ để trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Nếu các quốc gia thành viên tiếp tục vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, họ có thể bị trục xuất ”.
Trong khi đó, Nga đã phủ quyết yêu cầu quyết định điều tra vụ thảm sát thường dân ở Mali vào ngày hôm qua. Dự thảo tuyên bố do Pháp đệ trình ngày 8 có nội dung “Chúng tôi yêu cầu một cuộc điều tra độc lập và kỹ lưỡng về các cáo buộc vi phạm nhân quyền và lạm dụng thường dân ở Moura, Mali, vào ngày 27 đến 31 tháng 3”. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc phản đối rằng không cần điều tra.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, trong cùng thời gian, lực lượng chính phủ ở Moura, liên minh với lính đánh thuê nước ngoài, đã hành quyết tổng cộng 300 thường dân. Vào thời điểm đó, lính đánh thuê nước ngoài là nhóm Wagner mà Nga sử dụng trong cuộc xâm lược Ukraine.
Nguồn: News.v.daum
Điện Kremlin nói không có lý do gì khiến Nga vỡ nợ
11/4/2022
Trụ sở Bộ Tài Chính Nga.
Hôm 11/4, Điện Kremlin cho biết Nga có đủ nguồn lực để trả nợ nên không có lý do khách quan nào dẫn đến việc vỡ nợ, theo Reuters.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng: “Chỉ có thể là một sự vỡ nợ do con người tạo ra, mang tính kỹ thuật”.
Ông Peskov nói: “Không có lý do khách quan nào dẫn đến việc vỡ nợ như vậy. Nga có mọi thứ cần thiết để thực hiện mọi nghĩa vụ của mình”.
Bầu cử tổng thống Pháp : Mỹ, Đức thở phào nhẹ nhõm
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) tiếp đồng nhiệm Mỹ Joe Biden (T) tại đại sứ quán Pháp ở Rome, Ý ngày 29/10/2021. AFP - LUDOVIC MARIN
Vì những lý do khác nhau, Mỹ và Đức thở phào nhẹ nhõm sau kết quả vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp. Washington lo ngại chiến thắng của bà Le Pen thân Nga làm rạn nứt mặt trận đoàn kết chống Matxcơva xâm lăng Ukraina và sẽ là một thắng lợi chính trị của Vladimir Putin. Berlin kỳ vọng nhiều vào ông Macron đưa châu Âu vượt khỏi khủng hoảng trước thách thức chiến tranh Ukraina.
Thông tín viên thường trực tại Washington Guillaume Naudin phân tích về quan điểm của Nhà Trắng về cuộc bầu cử tổng thống Pháp trong bối cảnh Nga đe dọa an ninh của toàn châu Âu :
« Hai tuần trước bầu cử ở Pháp, Nhà Trắng đã lo lắng khi thấy tỷ lệ ủng hộ bà Marine Le Pen tăng lên. Chính quyền Biden không mấy hào hứng trước viễn cảnh phải làm việc chung với nhân vật này trong trường hợp bà đắc cử.
Trước hết về mặt cá nhân, ứng cử viên cực hữu luôn tỏ thiện cảm với cựu tổng thống Donald Trump thậm chí là còn muốn được các cộng tác viên của cựu tổng thống Mỹ hỗ trợ. Marine Le Pen có lập trường gần gũi với Vladimir Putin và đó là điều khiến Nhà Trắng lo ngại.
Đành rằng bà Le Pen đã giữ khoảng cách với điện Kremlin kể từ khi Matxcơva tấn công Ukraina, nhưng trong bối cảnh hiện tại, nếu như nữ ứng viên này đắc cử thì Washington sẽ hiểu rằng, đây là một thắng lợi vẻ vang của Vladimir Putin về mặt chính trị từ khi cuộc chiến Ukraina khai mào. Hoa Kỳ cũng rất lo ngại trước khả năng Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Pháp và đây là một điều chính quyền Mỹ đặc biệt theo dõi ».
Còn nhìn từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut cho rằng Emmanuel Macron không còn có sức thu hút đối với công luận và báo giới Đức cao như 5 năm trước đây. Nhưng khả năng tổng thống Pháp tái đắc cử bảo đảm cho một sự ổn định tại châu Âu vào thời điểm này :
« Trước vòng một, công luận Đức ủng hộ rộng rãi ông Macron, xem ứng viên này là người bảo đảm cho sự tiếp nối trong chính sách của Liên Hiệp Châu Âu vào lúc mà châu lục này đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên Emmanuel Macron không có sức thu hút lớn như hồi 2017. Truyền thông Đức cũng ít quan tâm đến bầu cử tổng thống Pháp hơn bởi mọi chú ý đang dồn về chiến tranh Ukraina. Dù vậy ở đây, mọi người thực sự thở phào nhẹ nhõm khi thấy Emmanuel Macron về đầu. Một vài phản ứng trong giới chính khách tại Berlin phấn khởi tin rằng với Macron trong cương vị lãnh đạo, tương lai của Liên Hiệp Châu Âu được bảo đảm.
Thậm chí một số tiếng nói cho rằng cuộc bầu cử ở vòng 2 sắp tới được coi như một cuộc bỏ phiếu « ủng hộ » hay « chống lại » Liên Âu. Một phần tương lai của châu Âu tùy thuộc vào kết quả bầu cử tổng thống Pháp lần này. Nhưng cũng phải nói là Berlin lo ngại, trong trường hợp Marine Le Pen đắc cử, sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương ».
Pakistan : Thủ tướng Imran Khan bị lật đổ
Người ủng hộ phe đối lập ăn mừng kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm đánh đổ thủ tướng Imran Khan, tại Karachi, ngày 10/04/2022. AP - Fareed Khan
Sau nhiều tuần lễ khủng hoảng chính trị, Quốc Hộ Pakistan hôm 10/04/2022 bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng Imran Khan. 174 trong số 342 đại biểu Quốc Hội đòi thủ tướng đương nhiệm phải ra đi. Kể từ khi giành được độc lập năm 1947 không một vị thủ tướng Pakistan nào tại chức trọn một nhiệm kỳ, Imran Khan lên cầm quyền từ 2018 là người đầu tiên bị Quốc Hội bất tín nhiệm.
Gần như chắc chắn lãnh đạo đảng Liên đoàn Hồi Giáo Pakistan PML-N, ông Shehbaz Sharif, em trai cựu thủ tướng Nawaz Sharif, sẽ được chỉ định để điều hành đất nước. Nhưng khủng hoảng chính trị Pakistan chưa tới hồi kết như ghi nhận của thông tín viên Sonia Ghezali, từ Islamabad :
« Thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng đã được 174 dân biểu đối lập thông qua. Phó chủ tịch Quốc Hội Pakistan thông báo đảng cầm quyền chỉ được 172 người ủng hộ. Phe đối lập vui mừng đón nhận thắng lợi này. Thực ra đây không phải là một bất ngờ bởi vì từ nhiều ngày qua đối lập Pakistan đã giành được đa số.
Mọi người hoan hỷ, nhiều tiếng hò hét vui mừng chào đón các dân biểu đối lập khi họ bước vào Quốc Hội. Nào là Fazul Rehman đại diện cho đảng JUI-F, rồi Shehbaz Sharif của đảng PML-N hay Bilawal Bhutto thuộc đảng nhân dân Pakistan PPP.
Không thành viên nào trong chính phủ xuất hiện, vì họ đã rời khỏi trụ sử Quốc Hội ngay từ khi thủ tục bỏ phiếu bắt đầu vài phút trước lúc nửa đêm, giờ địa phương. Hôm nay là một ngày lịch sử đối với Pakistan, vì lần đầu tiên thủ tướng bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và phải ra đi.
Imran Khan đã có gắng kháng cự, bám víu quyền lực cho đến phút cuối cùng. Thậm chí là ông đã thách thức cả nền dân chủ của Pakistan. Rốt cuộc Tối Cao Pháp Viện đã phải can thiệp để Quốc Hội có thể biểu quyết.
Vấn đề còn lại là làm thế nào để thành lập một nội các mới. Các đảng đối lập chuẩn bị thành lập chính phủ liên minh, nhưng chính phe này cũng là những kình địch chính trị.
Thủ tướng vừa bị lật đổ Imran Khan kêu gọi dân chúng xuống đường vào tối nay. Khủng hoảng chính trị Pakistan còn lâu mới kết thúc. Đây chỉ là một chương mới đang được mở ra và đang báo trước một giai đoạn có nhiều sóng gió ».
Hơn 10 tỉnh, thành ở Trung Quốc đột ngột đóng cửa đường cao tốc
Ảnh minh hoạ: Secretchina.
Mới đây, hơn 10 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đã phải phong tỏa đường cao tốc do phòng chống dịch, động thái này có tác động “chưa từng có” đối với ngành hậu cần.
Một số phương tiện truyền thông đại lục cho rằng chỉ một phần của tuyến đường cao tốc bị đóng cửa, chứ không phải tất cả. Một số cư dân mạng chỉ ra: “Động thái này không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân mà còn ảnh hưởng đến mọi tầng lớp xã hội, nhiều nhà máy, xí nghiệp có nguy cơ phải đóng cửa”.
Theo báo cáo của Timednews vào ngày 8 cho biết, vào ngày 7 tháng 4, tài khoản WeChat công khai “Địch luân trường ti” đã đăng bản một bài vết trên WeChat với tiêu đề “toàn bộ đóng cửa đột ngột! đường cao tốc ở hơn 10 cao tốc tỉnh, thành phố phong tỏa để kiểm soát! ngành hậu cần gặp phải siêu bão ‘trước nay chưa từng có’, ảnh hưởng không thể tưởng tượng nổi”.
Đường cao tốc tại 10 tỉnh thành của Trung Quốc hiện đã bị đóng cửa hoàn toàn, động thái như vậy giống như dội quả bom hạt nhân nặng ký vào ngành hậu cần, nhiều người trong ngành công nghiệp hậu cần mịt mù không biết phải làm sao. Bài viết WeChat này đã được chuyển tiếp bởi nick name ”Đại V La Chấn Vũ” cùng những người khác, và hiện đã bị xóa.
Theo báo cáo, bài báo WeChat bị xóa có nội dung: “Đóng cửa cả ngày! các đường cao tốc ở Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Đông, Thượng Hải, An Huy, Hà Bắc, Liêu Ninh, Thiểm Tây, Cát Lâm và những nơi khác bị đóng cửa để kiểm soát. Lối vào và lối ra của trạm thu phí dự phòng tạm thời bị đóng cửa và một số khu vực kinh doanh dịch vụ cũng được thông báo đóng cửa.
Hôm qua, Hàng Châu và Thiệu Hưng, các thành phố quan trọng trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, cũng đã ban hành một thông báo khẩn cấp để đóng cửa đường cao tốc trong đêm. Điều này đã thả một quả bom nữa vào ngành hậu cần vốn đã rất thảm khốc, sợ rằng vẫn còn bom hạt nhân nữa. Tôi tin rằng nhiều người trong ngành hậu cần, đêm qua lại mất ngủ, hoang mang không biết phải làm sao? “
Báo cáo chỉ ra rằng sau khi đường cao tốc tỉnh Giang Tô bị “phong tỏa”, tỉnh Chiết Giang đã tuyên bố “thất thủ”. “Ngọn lửa hy vọng cuối cùng trong lòng các tài xế bị dập tắt chỉ qua một đêm. Vì vậy, mọi người! Hãy nhanh chóng tỉnh lại. Giờ mua hàng của nhà cung cấp, đừng hỏi giá có ưu đãi hay không, mà hãy hỏi có bị đóng cửa không, có thể giao hàng bình thường không? Cũng đừng hỏi tài xế giá giao hàng một chuyến đi là bao nhiêu mà là hỏi có thể giao đúng hẹn được không. Sau đó, bài báo liệt kê chi tiết các tuyến đường cao tốc đã bị phong tỏa của nhiều tỉnh, thành”.
Jiemian News đưa tin vào ngày 9 rằng, một số thành phố đã thực sự đóng cửa một số lối vào và lối ra trên đường cao tốc vì lý do phòng chống dịch bệnh, nhưng chỉ đóng cửa một số chứ không phải tất cả. Việc đóng cửa một số đường cao tốc sẽ thực sự gây khó khăn cho giao thông.
Ở một số thành phố nhỏ, nơi có thể chỉ có một lối vào và ra cao tốc, nếu bị đóng, có nghĩa là các phương tiện không thể lên cao tốc từ khu vực địa phương, mà cần phải đi vòng một quãng đường dài để lên đường cao tốc, hoặc chỉ có thể đi đường không phải là cao tốc. Hiện nay phương diện vận chuyển hàng hóa đang chịu cản trở ngày càng nghiêm trọng.
Một số nút giao thông đường cao tốc thường mở đã đặt ra nhiều hạn chế đối với người lái xe tải và một số lượng lớn người lái xe không thể vào đường cao tốc vì bị đánh dấu đi qua khu vực nguy cơ dịch bệnh cao hoặc trung bình trong mã hành trình hoặc biển số xe từ những nơi khác.
Hiện tại, việc đóng cửa các tuyến đường cao tốc ở nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp công nghiệp. RFA đưa tin, ảnh hưởng của dịch bệnh lên chuỗi cung ứng khiến giá cả tăng vọt. Đặc biệt, việc đóng cửa các thành phố cảng xuất nhập khẩu quan trọng như Thâm Quyến và Thượng đã làm tăng thêm sự gian nan của chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng.
Việc đóng cửa các đường cao tốc ở các thành phố xung quanh, hoặc việc lắp thẻ trên đường cao tốc để kiểm tra kết quả xét nghiệm axit nucleic đã khiến các xe tải chở hàng vận chuyển các thành phần quan trọng giữa các nhà máy phải xếp hàng dài.
Việc đóng cửa các tuyến đường cao tốc ở hơn 10 tỉnh ở Trung Quốc có tác động rất lớn, khiến cư dân mạng bàn luận sôi nổi.
Cư dân mạng “Jacobson” cho biết, “Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã đóng cửa đường cao tốc. Động thái này không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân mà còn ảnh hưởng đến mọi tầng lớp xã hội, nhiều nhà máy và xí nghiệp có khả năng phải đóng cửa”.
Người dùng mạng có tên “TMS” nói: “Các đường cao tốc chính trong nước đều bị đóng cửa. Dự đoán rằng Thượng Hải sẽ không trụ được cho dù là phong tỏa. Virus đã lây lan khắp cả nước. ĐCSTQ không thông báo sự việc, càng không dám nói rằng việc đóng cửa thành phố đã thất bại, vì vậy bắt đầu đóng cửa các đường cao tốc để cắt giảm virus”.
Nick name “Thanh phong” nói, “Đường cao tốc bị đóng cửa ở nhiều nơi, hậu cần không thông suốt và dòng người lưu thông cũng không thông suốt, điều này sẽ gây ra tình trạng thiếu vật tư và người dân sẽ cạn kiệt lương thực”.
Nick name “Youzhe” bình luận, “Vào thời điểm kiểm soát và đóng cửa đường cao tốc nhiều thành phố quy mô lớn năm nay cũng chính là tình trạng thiếu và cắt điện vào năm ngoái. Năm 2021, xuất hiện tình trạng thiếu điện và cắt điện, điều này thật khó tin, còn dịch bệnh gần đây lại khiến đường cao tốc bị chặn, điều này khiến người ta cảm thấy kỳ lạ”.
Nguồn: Secretchina.
Không có nhận xét nào