Võ Thái Hà tổng hợp
Mỹ và đồng minh họp tại Đức bàn cung cấp vũ khí cho Ukraina
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (G) tại Washington, Hoa Kỳ ngày 22/04/2022. REUTERS - POOL
Ngày 26/04/2022, Hoa Kỳ và khoảng 40 đồng minh họp tại căn cứ quân sự Ramstein, phía tây nước Đức, để bàn về việc trang bị vũ khí thêm cho Ukraina chống xâm lược Nga.
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, người chủ trì cuộc họp, được AFP trích dẫn, « Ukraina có thể chiến thắng nếu họ có vũ khí tốt, được hậu thuẫn tốt ». Còn tổng thống Zelensky cho rằng chiến thắng của Ukraina chỉ còn là vấn đề về thời gian.
Bộ Quốc Phòng Mỹ nêu mục đích của cuộc họp là « tạo thêm khả năng cho các lực lượng Ukraina ». Ông Lloyd Austin muốn « thấy Nga suy yếu đến mức không thể gây thêm kiểu hành động như xâm lược Ukraina nữa ». Ngoài thông báo tài trợ thêm 731 triệu đô la, từ nay Washington cung cấp vũ khí hạng nặng để giúp Kiev chống quân Nga, hiện tập trung trên chiến trường ở miền đông và nam Ukraina.
Trước đó, Pháp cũng thông báo gửi cho Ukraina đại bác Caesar có tầm bắn 40 km, phía Anh cũng đã giao nhiều tên lửa phòng không Starstreak và xe bọc thép Stormer.
Đức sẽ cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina
Ngày 26/04, chính phủ Đức thay đổi lập trường, thông báo sẽ cho phép giao xe tăng phòng không loại « Guepard » cho Ukraina. Thông tin chi tiết về số lượng và thời hạn bàn giao được bộ trưởng Quốc Phòng Đức nêu trong cuộc họp ở căn cứ Ramstein. Đây là bước ngoặt mới của chính phủ Đức, vẫn thận trọng trong việc giao vũ khí hạng nặng cho Ukraina để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga. Tuy nhiên, lập trường của Berlin luôn bị các nước Baltic và Trung Âu chỉ trích.
Ngoài ra, theo thông tín viên RFI Pascal Thibaut tại Berlin, nhà sản xuất vũ khí Đức Rheinmetall cũng đang đề nghị Berlin cho phép xuất sang Ukraina loại xe tăng hạng nhẹ « Marder », cũng như 88 xe tăng hạng năng « Leopard » đã qua sử dụng.
« Xe chiến đấu bộ binh « Marder » được đưa vào biên chế quân đội Đức (Bundeswehr) cách đây hơn 50 năm. Từ đó, loại xe này đã nhiều lần được hiện đại hóa và vẫn được quân đội Đức sử dụng rộng rãi và sắp được thay thế bằng xe bọc thép « Puma ». Nhà sản xuất Rheinmetall hiện có khoảng 100 xe Marder đã qua sử dụng và đã xin phép chính phủ xuất khẩu thiết bị này sang Ukraina. Như vậy, đây có thể là chuyến giao vũ khí hạng nặng đầu tiên của Đức cho Kiev. Ngày 25/04, một người phát ngôn của chính phủ Đức cho biết quyết định sẽ « sớm » được đưa ra.
Nếu Berlin đồng ý, những chiếc xe này sẽ được tân trang và có thể được giao thành ba lần. Khoảng 20 xe sẽ được giao sau 6 tuần, những chiếc khác sau 6 tháng và nửa còn lại trong thời hạn 1 năm. Tổng chi phí sẽ vào khoảng 150 triệu euro, gồm việc cải tiến thiết bị, đạn dược và huấn luyện sử dụng cho quân đội Ukraina.
Tuần trước, Berlin nêu khả năng trao đổi để giảm bớt thời gian. Các nước Đông Âu sẽ giao vũ khí hạng nặng do Liên Xô sản xuất mà quân đội Ukraina quen sử dụng, đổi lại Đức sẽ cam kết cung cấp cho các nước láng giềng thiết bị hiện đại hơn để thay thế ».
Ukraine kêu gọi LHQ bảo đảm hành lang nhân đạo cho dân sơ tán ở Mariupol
26/4/2022
Khói bốc lên từ nhà máy thép Azovstal ở Maryupol (ảnh chụp ngày 19/4/2022
Ukraine ngày 25/4 phủ nhận chuyện đạt được thỏa thuận với Nga về sơ tán thường dân khỏi một nhà máy thép ở thành phố Mariupol, miền nam nước này, và kêu gọi Liên hiệp quốc đứng ra khởi xướng và bảo đảm cho một thỏa thuận như thế.
Trước đó cùng ngày, Nga tuyên bố sẽ mở một hành lang nhân đạo cho thường dân rời khỏi nhà máy thép Azovstal khổng lồ, nơi họ đang cố thủ cùng với lính Ukraine và bị Nga tấn công.
“Điều quan trọng phải hiểu là một hành lang nhân đạo mở ra phải theo thỏa thuận của cả hai bên. Một hành lang được công bố đơn phương không mang lại an ninh và do đó không phải là hành lang nhân đạo”, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.
Ngay sau khi bà đưa ra bình luận của mình, một phụ tá của Tổng thống Ukraine cho biết các lực lượng Nga đang tấn công nhà máy thép từ trên không và bằng pháo binh và xe tăng.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng không cần thiết phải xông vào nhà máy, nơi những người bảo vệ Mariupol cuối cùng của Ukraine đang cố thủ sau hai tháng bị Nga bao vây và bắn phá.
Ukraine kêu gọi Liên hiệp quốc ‘làm cơ quan khởi xướng và bảo đảm hành lang nhân đạo từ Azovstal cho thường dân’, bà Vereshchuk nói. Bà cho biết các quan chức của Liên hiệp quốc và Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế nên có mặt khi bất kỳ hành lang nào được thiết lập.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, người đang tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ở Ukraine, sẽ gặp ông Putin ở Moscow vào ngày 26/4 và gặp Tổng thống Ukraine Volodimir Zelenskyy ở Kyiv vào ngày 27/4.
Bộ Ngoại giao Nga nói Moscow định thảo luận các vấn đề liên quan đến Mariupol và nhà máy Azovstal với ông Guterres, hãng thông tấn Nga RIA đưa tin.
Ông Guterres đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 25/4 và đôi bên ‘nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết’ về các hành lang nhân đạo để sơ tán thường dân và chuyển giao vật phẩm cứu trợ, Liên hiệp quốc cho biết.
Tuy nhiên, Phó Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Dmitry Polyanskiy nói một thỏa thuận ngừng bắn sẽ chỉ giúp cho các lực lượng Ukraine tập hợp lại.
Ông Polyanskiy nói với các phóng viên: “Chúng tôi không nghĩ rằng ngừng bắn là một lựa chọn tốt vào lúc này,” đồng thời ông cũng lưu ý rằng “không phải do tôi quyết định ”.
Sau khi phái người đứng đầu cứu trợ của Liên hiệp quốc Martin Griffiths tới Nga và Ukraine vào đầu tháng này, ông Guterres hôm 13/4 nói rằng một lệnh ngừng bắn nhân đạo trên toàn quốc dường như không thể thực hiện được ‘vào thời điểm hiện tại’. Sau đó, ông kêu gọi tạm ngưng chiến bốn ngày nhân Lễ Phục sinh Chính thống giáo vào cuối tuần trước, nhưng bị phớt lờ.
Moscow, mô tả các hành động của mình ở Ukraine là một ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’, phủ nhận việc nhắm vào thường dân. Nga đổ lỗi cho Ukraine về sự thất bại liên tục của các hành lang nhân đạo.
Elon Musk mua lại Twitter
Người giàu nhất thế giới đang mua lại thứ mà ông từng gọi là “quảng trường thành phố trên thực tế.” Elon Musk, ông chủ của hãng xe Tesla và công ty hàng không vũ trụ SpaceX, đã đưa ra lời đề nghị 43,4 tỷ USD cho Twitter. Vào thứ Hai, hội đồng quản trị của công ty chính thức chấp nhận yêu cầu của ông, một trong những vụ mua lại đắt nhất lịch sử.
Công việc kinh doanh của Twitter hiện rất khiêm tốn. Giá cổ phiếu của nó hầu như không tăng kể từ khi lên sàn cách đây 9 năm. Nhưng ông Musk nói điều làm ông quan tâm là nội dung, chứ không phải tiền. Ông nói việc có một nền tảng “đáng tin cậy và đa dạng là cực kỳ quan trọng đối với tương lai của nền văn minh.” Ý tưởng của ông về đa dạng có thể đồng nghĩa với việc khôi phục lại những tài khoản Twitter bị cấm, chẳng hạn như Donald Trump, người đã bị khóa tài khoản sau cuộc bạo động ở Điện Capitol của Mỹ hồi tháng 1 năm 2021. Hội đồng quản trị của Twitter, sau một số do dự ban đầu, đã chấp nhận đề nghị của Musk. Người dùng của Twitter, với đa số thuộc giới trẻ và thiên về đảng Dân chủ, đang rất tức giận.
Ông Macron chuẩn bị lập chính phủ mới
Sau khi tái đắc cử vào ngày 24 tháng 4, Emmanuel Macron đang lên kế hoạch cho một chính phủ mới. Vị đương kim tổng thống có quan điểm trung dung đã thắng 58,5% số phiếu và đánh bại đối thủ theo chủ nghĩa dân tộc Marine Le Pen, người giành được 41,5%. Đây là lần đầu tiên kể từ khi nền Cộng hòa thứ Năm được thành lập vào năm 1958, người Pháp trực tiếp bầu lại một tổng thống đương nhiệm có thế đa số trong quốc hội.
Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri đi bầu 72% là thấp hơn so với khi ông Macron đắc cử vào năm 2017. Phát biểu trong đêm bầu cử, ông đã hứa sẽ quan tâm đến thực trạng này và sẽ tham vấn nhiều hơn. Thủ tướng hiện tại Jean Castex sẽ sớm từ chức và ông Macron sẽ chỉ định một người mới để đưa đất nước vào cuộc bầu cử quốc hội ngày 12 và 19 tháng 6 tới đây. Hình hài đầy đủ của chính phủ mới còn phụ thuộc vào việc liệu đảng và những người ủng hộ của tổng thống có thể tiếp tục thắng đa số trong quốc hội hay không — một việc có vẻ khả thi, nhưng chưa hoàn toàn chắc chắn.
Bê bối tiệc tùng của chính phủ Anh vẫn chưa qua đi
Vụ bê bối tiệc tùng ở các văn phòng chính phủ Anh giữa giai đoạn phong tỏa covid-19 không hề có dấu hiệu sẽ chìm xuồng. Boris Johnson đã tham dự một số bữa tiệc — trong đó có một bữa tiệc mừng sinh nhật của chính ông – và đã bị cảnh sát phạt tiền. Những ngày tới đây sẽ đặc biệt hồi hộp cho ông.
Một báo cáo về vụ này, được báo giới gọi là “Partygate,” đang được chuẩn bị bởi công chức cấp cao Sue Grey. Sau khi cảnh sát hoàn tất điều tra, Ủy ban Đặc quyền của Hạ viện sẽ xác định xem thủ tướng có phạm tội nói dối Quốc hội hay không khi phủ nhận có biết về các bữa tiệc. Nếu bị xem là nói dối Quốc hội, ông sẽ phải chịu áp lực từ chức.
Các nghị sĩ đảng Bảo thủ cho đến nay vẫn ủng hộ ông Johnson. Nhưng họ có thể loại bỏ ông bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tờ Times tiết lộ vào ngày 25 tháng 4 rằng báo cáo của bà Grey là “vô cùng tai hại” và sẽ khiến ông không còn lựa chọn nào khác ngoài từ chức. Tất cả những điều này đến ngay trước thềm cuộc bầu cử địa phương vào ngày 5 tháng 5 tới. Nếu những người Bảo thủ thất bại, mọi chuyện sẽ rất tệ cho ông Johnson.
Người dân Trung Quốc dùng NFT để né kiểm duyệt trong phong tỏa
Có thể nói các biện pháp phong tỏa hà khắc của Trung Quốc để đối phó dịch covid-19 chẳng khác nào giam lỏng tại nhà với quy mô lớn. Với hơn 10 triệu người ở Thượng Hải bị phong tỏa, và những dấu hiệu cho thấy người Bắc Kinh sẽ sớm chịu cảnh tương tự, người dân đã tìm đến internet để trút giận. Song ở Trung Quốc, mọi khiếu nại đều nhanh chóng bị kiểm duyệt xóa đi.
Các cư dân mạng đã chuyển sang các công cụ khác để bộc lộ cảm xúc, trong đó có blockchain. Bởi vì công nghệ này sử dụng máy chủ phi tập trung, các nội dung sẽ không thể bị xóa đi, trong khi mọi hoạt động đều ẩn danh. “Shanghai Covid Memories” (Ký ức Covid ở Thượng Hải) là một kho lưu trữ kỹ thuật số như vậy. Trong album này có một đoạn video ghi lại cảnh một người mẹ cầu xin nhân viên y tế cho phép đưa đứa con hai tuổi bị bệnh của mình đến bệnh viện. Tất cả các tệp đều được lưu (và có sẵn để bán) dưới dạng tài sản không thể thay thế (NFT) trên sàn OpenSea. Cho đến nay chưa có ai mua. Nhưng bất kỳ ai cũng có thể truy cập và xem qua thư viện.
Liên Âu và Ấn Độ lập ‘‘Hội đồng Thương mại và Công nghệ’’ để siết chặt hợp tác song phương
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (P) tiếp chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại New Delhi, Ấn Độ ngày 25/04/2022. AP
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen vừa có chuyến công du Ấn Độ hai ngày, Chủ nhật 24/04 và thứ Hai 25/04/2022, để siết chặt hợp tác nhiều mặt với cường quốc châu Á này. Việc Liên Âu và Ấn Độ siết chặt hợp tác diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ tránh công khai lên án Nga xâm lăng Ukraina, cố tìm cách giữ cân bằng quan hệ giữa Nga và phương Tây.
Trong dịp này, hai bên quyết định thành lập « Hội Đồng Thương mại và Công nghệ ». Đây là một cơ chế hợp tác đặc biệt mà từ trước đến nay Liên Âu chỉ có với Hoa Kỳ. Một trọng tâm khác trong chuyến đi của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu là thúc đẩy xây dựng một chiến lược chung Ấn – Âu nhằm đối phó với « những thay đổi nhanh chóng của môi trường địa - chính trị » (tuyên bố chung Ấn Độ - Liên Âu).
Thông tín viên Sébastien Farcis tường trình từ New Delhi :
« Hội đồng Thương mại và Công nghệ là một cơ chế phối hợp cho phép Ấn Độ và Liên Hiệp Châu Âu tăng cường tương tác về chính sách trong các lĩnh vực thương mại, khoa học, công nghệ và an ninh. Cho đến nay, chỉ có Hoa Kỳ mới có được mức độ hợp tác phối hợp như vậy với Liên Âu.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng khẳng định chủ trương của Bruxelles là tôn trọng các đường biên giới, và điều này càng trở nên quan trọng kể từ cuộc chiến ở Ukraina, và quan điểm này cũng được áp dụng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đe dọa lấn chiếm nhiều vùng lãnh thổ của Ấn Độ. Theo giáo sư Harsh Pant, phó chủ tịch Quỹ Observer Research Foundation, lập trường nói trên của Liên Âu trấn an với New Delhi.
Ấn Độ từ lâu đã chỉ trích Liên Hiệp Châu Âu không coi trọng các vấn đề có ý nghĩa nghiêm trọng về chiến lược với New Delhi, như khủng bố, Pakistan hay Trung Quốc. Tình hình nay đã thay đổi, bởi Liên Hiệp Châu Âu đồng ý thảo luận về vấn đề địa - chính trị và đã có một chính sách về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Như vậy, các thảo luận diễn ra nhanh hơn và thực dụng hơn.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng dành một ngày riêng cho môi trường, gặp ban phụ trách Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế, có trụ sở gần New Delhi ».
Chiến tranh Ukraina : Matxcơva cảnh cáo nguy cơ thế chiến thứ ba
Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tại Matxcơva, Nga ngày 24/03/2022. AP - Kirill Kudryavtsev
Hôm qua, 25/04/2022, một ngày sau chuyến thăm Kiev của hai lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng Mỹ, Nga lên tiếng cảnh cáo phương Tây chớ xem nhẹ rủi ro cao xảy ra chiến tranh hạt nhân, nhưng đồng thời khẳng định muốn tiếp tục các cuộc đàm phán
Theo Reuters, trong một cuộc phỏng vấn dài trên kênh truyền hình Nhà nước, khi được hỏi về những căng thẳng chưa từng có giữa Nga và phương Tây và việc so sánh với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 – đỉnh điểm căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô thời đó, ngoại trưởng Serguei Lavrov cảnh cáo nguy cơ xung đột Ukraina trượt đà dẫn đến một thế chiến thứ ba. Ông nói : « Mối nguy này là nghiêm trọng, hiện hữu, chúng ta không nên xem nhẹ ».
Khi bảo vệ « chiến dịch quân sự đặc biệt » của Nga nhắm vào Ukraina, ngoại trưởng Lavrov chỉ trích Hoa Kỳ thiếu đối thoại, khi cho rằng « Hoa Kỳ hầu như ngưng hết mọi tiếp xúc đơn giản chỉ vì Nga buộc phải bảo vệ người Nga tại Ukraina », và ông cũng không quên nhắc lại đây chính là một trong những động cơ được Matxcơva đưa ra để biện hộ cho cuộc tấn công của mình.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông Serguei Lavrov còn tố cáo phương Tây cung cấp các loại vũ khí tinh vi, các loại xe bọc thép và drone tân tiến cho Ukraina, cho đấy là một hành động khiêu khích trong mục tiêu kéo dài hơn là chấm dứt cuộc xung đột.
Do vậy, lãnh đạo ngoại giao Nga cho rằng « những loại vũ khí này sẽ là đích ngắm hợp pháp cho quân Nga tấn công trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt này », trước khi cáo buộc thêm là « NATO, về thực chất, đang dấn thân vào một cuộc chiến với Nga thông qua một trung gian và khối liên minh quân sự này đang trang bị vũ khí cho bên trung gian. Điều đó có nghĩa là chiến tranh ».
Cuối cùng, ngoại trưởng Serguei Lavrov tuyên bố điều cốt lõi của một thỏa thuận nếu có, cho phép chấm dứt xung đột tại Ukraina phần lớn sẽ phụ thuộc vào tình hình quân sự trên thực địa. Ông lên án tổng thống Zelensky chỉ « vờ » đàm phán.
Kim Jong-un quyết đẩy nhanh chương trình vũ khí hạt nhân Bắc Hàn
Zubaidah Abdul Jalil & Frances Mao
Nguồn hình ảnh, KNCA/Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un nói ông sẽ phát triển năng lực hạt nhân của nước mình với "mức độ nhanh nhất"
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đã có bài phát biểu mang tính thách thức tại cuộc duyệt binh tối thứ Hai, theo đó ông mạnh mẽ tuyên bố sẽ tăng cường kho vũ khí hạt nhân của nước mình.
Lễ duyệt binh kỷ niệm ngày thành lập lực lượng vũ trang Bắc Hàn cũng phô diễn các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vốn đã bị cấm.
Hồi tháng Ba, Bắc Hàn đã thử nghiệm tên lửa ICBM lớn nhất từng được biết đến của nước này, lần đầu tiên kể từ 2017.
Vụ thử khiến cộng đồng quốc tế lên án rộng khắp.
Hoa Kỳ cũng áp một số biện pháp trừng phạt đối với nước này sau vụ thử. Các tên lửa ICBM, được thiết kế để vận chuyển vũ khí hạt nhân, nới rộng phạm vi tấn công của Bắc Hàn đến tận phần đất của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cho đến nay, ông Kim vẫn không hề nao núng trước sự lên án của quốc tế.
Cuộc duyệt binh cũng phô diễn tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, cùng các tên lửa siêu thanh.
"Chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện các bước để củng cố và phát triển năng lực hạt nhân của đất nước chúng ta với tốc độ nhanh nhất," ông nói, và nói thêm rằng các lực lượng hạt nhân của nước này "phải sẵn sàng" để có thể triển khai vào bất kỳ lúc nào, theo tường thuật chính thức của hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn, Korean Central News Agency (KCNA).
Tuyên bố của ông Kim được đưa ra trong lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội Bắc Hàn
Vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn về cơ bản là công cụ để ngăn ngừa chiến tranh, nhưng có thể được sử dụng cho các mục đích khác, ông nói, và lặp lại những lời lẽ của mình trước đây rằng nước này sẽ đánh trả nếu bị tấn công.
Các hình ảnh về cuộc diễu hành do truyền thông nhà nước công bố cho thấy Hwasong-17 nằm trong số các vũ khí được phô diễn tại cuộc duyệt binh. Bắc Hàn tuyên bố đã bắn thử lần đầu tiên vào tháng Ba loại tên lửa ICBM lớn.
Các chuyên gia Nam Hàn đã đặt câu hỏi về khả năng thành công của vụ phóng thử.
Bình Nhưỡng luôn phô trương các loại vũ khí mới của mình tại các cuộc duyệt binh, sự kiện vốn là những đoàn lễ diễu hành kéo dài với các đoàn xe tăng, pháo binh và binh lính.
Lễ diễu binh hôm thứ Hai được theo dõi chặt chẽ, do Bắc Hàn đã tiến hành thử nghiệm một số tên lửa trong năm nay, làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Hàn đã khởi động hoạt động ở cơ sở thử nghiệm hạt nhân ở Punggye-ri hồi tháng Ba, làm dấy lên lo ngại nước này sẽ tiếp tục thử vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Kỳ bầu cử gần đây ở Nam Hàn với kết quả thắng cử của tân tổng thống Yoon Suk-yeol, người vốn lên tiếng gay gắt về các hành động của Bắc Hàn, đã khiến quan hệ hai bên trở nên căng thẳng.
Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Suh Wook hồi đầu tháng cho biết miền Nam có năng lực để tấn công các điểm phóng tên lửa của Bắc Hàn - làm dấy lên phản ứng dữ dội từ Bình Nhưỡng.
Hồi 2018, ông Kim Jong-un đã ra lệnh cấm các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân tầm xa, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Donald Trump.
Nhưng vào 2020, ông Kim tuyên bố ông không còn bị ràng buộc bởi lời hứa này.
Trong khi đó, chính quyền ông Joe Biden lặp đi lặp lại rằng họ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết, nhưng cho đến nay không tỏ ra quan tâm lắm đến việc kết nối với Bắc Hàn, quốc gia đã đòi phải chấm dứt các lệnh trừng phạt.
Thay vào đó, ông Biden đặt mối ưu tiên cho quan hệ với Nam Hàn và Nhật Bản, đồng thời ủng hộ những nỗ lực của Tổng thống Nam Hàn sắp mãn nhiệm Moon Jae-in trong việc làm dịu quan hệ giữa hai nước.
Không có nhận xét nào