Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Việt Nam “tự bắn vào chân mình” với lá phiếu chống tại Liên Hiệp Quốc

    Việt Nam “tự bắn vào chân mình” với lá phiếu chống tại Liên Hiệp Quốc

    Reuters/RFA edited 

    Chuyên gia cho rằng với lá phiếu chống lại nghị quyết trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tự bắn vào chân mình.

    Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 7 tháng 4 thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền đối với Nga, nhằm phản ứng lại các báo cáo gần đây về việc lính Nga thực hiện các cuộc thảm sát dân thường ở Ukraine.  

    Điều đáng chú ý là Việt Nam cùng với Trung Quốc, Bắc Hàn... nằm trong số 24 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, dù trước đó quốc gia Cộng Sản đã hai lần bỏ phiếu trắng nhằm thể hiện sự trung lập trong vấn đề Nga-Ukraine. 

    Theo chuyên gia thì với lá phiếu này, Việt Nam đã tự làm khó mình trong việc kêu gọi sự ủng hộ từ các nước Phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang tranh cử để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.  

    Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, giáo sư Carlyle Thayer từ trường đại học New South Wales, nước Úc, cho biết quan điểm của ông về sự kiện này: 

    “Tôi có thể nói rằng Việt Nam đã tự bắn vào chân mình. Việt Nam vẫn luôn tự hào với vị thế của mình trên trường quốc tế, vì là một nhân tố quan trọng, nhưng nay bất cứ quốc gia nào phản đối hành vi của Nga thì cũng sẽ không ủng hộ Việt Nam. 

    Việt Nam đã từng rất thành công trong việc được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an hai lần, và được khối các nước châu Á đồng thuận ủng hộ, nhưng bây giờ thì e rằng sự thuận lợi đó sẽ không còn nữa. 

    Và nếu Việt Nam tiếp tục có những lá phiếu như lần này thì họ sẽ mất thêm sự ủng hộ, bởi vì Hoa Kỳ và toàn bộ thế giới Phương Tây chắc chắn sẽ không hài lòng, và họ sẽ ủng hộ nước khác thay vì Việt Nam, hay nói cách khác, tại sao họ phải ủng hộ Việt Nam khi Việt Nam về phe Nga.”

    Theo vị giáo sư này thì đáng nhẽ ra Việt Nam nên tiếp tục bỏ phiếu trắng, nhưng ông cũng cho rằng có thể lá phiếu chống lần này nhằm thể hiện nguyên tắc của Việt Nam trong việc ủng hộ các nỗ lực đối thoại, thay vì cô lập. 

    Ngoài ra thì có lẽ chính quyền Việt Nam cũng sợ tạo ra tiền lệ và chính mình sẽ rơi vào hoàn cảnh của Nga sau này. 

    Trước cuộc bỏ phiếu cho nghị quyết loại Nga, nước này đã cảnh báo những nước bỏ phiếu thuận và bỏ phiếu trắng sẽ bị coi là một "cử chỉ không thân thiện" và gây ra hậu quả cho quan hệ song phương.

    Hệ luỵ của lá phiếu chống lần này vượt ra khỏi khuôn khổ của việc chạy đua vào Hội đồng Nhân quyền, theo vị giáo sư người Úc:

    “Tôi cho rằng trong hoàn cảnh này thì không lãnh đạo cấp cao nào của Việt Nam có thể thực hiện một chuyến đi đến Châu Âu, dù là vì vấn đề thương mại hay gì đi nữa, bởi vì chuyện này sẽ được lôi ra, nếu không bởi một thành viên của nghị viện Châu Âu thì cũng bởi một nước nào đó. Với hành động lần này Việt Nam đã khiến mình bị sơ hở rất nghiêm trọng.”

    Đường lối đối ngọai của Việt Nam trước giờ được cho là duy trì mối quan hệ chiến lược với tất cả các nước lớn, để tạo ra một môi trường đa cực, nhằm tránh bị ảnh hưởng quá nhiều bởi một bên nào. 

    Nhưng giáo sư Carlyle Thayer cho rằng môi trường quốc tế hiện nay đang khiến Việt Nam không thể tiếp tục đường lối ngoại giao đu dây nữa, vì sự chia rẽ giữa các nước lớn đang ngày càng trở nên sâu sắc. 

    Và ông cũng cho rằng Việt Nam không nên trông chờ gì vào nước Nga, bởi nước này giờ đây giống như chất độc phóng xạ - thứ không nên dính vào. 

    “Quan điểm của tôi là trong những năm sắp tới thì nước Nga sẽ không bao giờ có thể đóng vai trò gì đáng kể đối với Việt Nam. 

    Ngày nào mà Putin còn nắm quyền thì Nga sẽ còn suy yếu về mặt kinh tế và bị cô lập. 

    Nước này giờ đây giống như như chất độc phóng xạ, nếu ta chạm vào thì sẽ bị bệnh. Và đây sẽ là vấn đề rất lớn vì Việt Nam với Nga có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.”

    Tuy bỏ phiếu chống cho nghị quyết được Mỹ đề cử, nhưng trước đó ông Đặng Hoàng Giang - Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc lên án về các báo cáo cho rằng, đã có thảm sát thường dân tại Ukraine, và yêu cầu cần có cuộc điều tra minh bạch với sự tham gia của các bên liên quan.

    Tròn một năm kể từ khi bị bắt, nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh vẫn chưa được xét xử

    Tròn một năm kể từ khi bị bắt, nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh vẫn chưa được xét xử

    Bà Nguyễn Thuý Hạnh cầm biểu ngữ đòi trả tự do cho tù nhân lương tâm ở Hà Nội năm 2016 

    Facebook Nguyễn Thuý Hạnh 

    Nhà hoạt động nhân quyền người Hà Nội vẫn chưa được xét xử dù đã bị bắt tròn một năm.

    Ngày mùng 7 tháng 4 đánh dấu một năm kể từ khi nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, người sáng lập Quỹ 50k, bị bắt.

    Bà bị cáo buộc dưới tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

    Đã 12 tháng kể từ khi bị bắt giam nhưng nhà hoạt động này vẫn đang trong giai đoạn tạm giam để phục vụ điều tra, giai đoạn được cho là khó khăn nhất đối với tù nhân chính trị.

    Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, luật sư Nguyễn Văn Đài, người đã từng bị bắt giam hai lần vì các tội danh chính trị, cho biết những thách thức mà tù chính trị gặp phải trong giai đoạn tạm giam:

    “Đối với những người bất đồng chính kiến hay là hoạt động đối lập ở Việt Nam thì thường bị bắt dưới các tội danh chính trị ví dụ như điều 88 trước đây nay là 107, 79 trước đây nay là 109.

    Thì theo quy định của Luật Tố tụng Hình sự thì họ cho phép việc không cho luật sư tiếp cận thân chủ của mình, thứ hai là không được gặp gia đình trong quá trình điều tra.

    Thế nên đây là khoảng thời gian mà họ gây áp lực rất lớn đối với những người bị tạm giam. Nếu như người quản giáo đối xử với mình đúng theo quy định của pháp luật thì không thành vấn đề, nhưng mà họ làm mọi cách để khiến mình tức giận, về bất kể điều gì. Từ việc ăn cơm sống, ăn cơm thiu, canh thiu, cho xà phòng vào canh hay là họ dùng mọi biện pháp để áp chế tinh thần của mình.

    Mình không có người nhà để bày tỏ điều đó, hay là nói với người nhà để người nhà truyền tải thông tin đó với bạn bè, hay đưa lên mạng xã hội rồi gửi đến cộng đồng quốc tế. Cho nên người bị tạm giam trong cả giai đoạn đó là vô cùng bức xúc, rất là khó chịu, nhiều người không chịu được thì có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.”

    Theo thông tin từ gia đình thì bản thân nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh đã mắc bệnh trầm cảm nghiêm trọng từ trước khi bị bắt. Do đó họ lo ngại rằng bệnh tình của bà sẽ trở nên trầm trọng hơn dưới điều kiện giam giữ trong trại tạm giam.

    Trao đổi với đài RFA, ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của nhà hoạt động này cho biết:

    “Khi mà bị bắt thì cô Hạnh đang bị trầm cảm nặng và đang chữa trị với một bác sĩ ở Sài Gòn, một thời gian sau thì trại tạm giam có cho gửi thuốc cho cô Hạnh. Vừa rồi thì có nghe tin hồi tháng một người ta đưa cô Hạnh vào bệnh viện tâm thần để giám định y khoa trong một tháng, rồi lại đưa trở về trại. Nhưng bên cơ quan điều tra không thông báo cho gia đình biết, chỉ có bệnh nhân ở trong bệnh viện đó biết cô Hạnh nên gọi điện báo tin là cô Hạnh có mặt ở đó. Thì gia đình hoàn toàn không biết gì về sức khoẻ của cô Hạnh hiện như thế nào.”

    Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết, việc cơ quan điều tra không cho tù chính trị gặp mặt luật sư và thân nhân trong quá trình điều tra, không nhằm mục đích nào khác ngoài để trừng phạt những người này, ông cho biết thêm:

    “Mình phải hiểu cái bản chất của chế độ độc tài Cộng sản ở Việt Nam, khi họ bắt giữ những người đối lập hoặc bất đồng chính kiến thì cái mục đích tước đoạt tự do chỉ là một phần, nhưng mà mục đích trừng phạt về thể chất cũng như về tinh thần mới là mục đích chính.

    Bởi vì như tôi đã nói, nếu họ đối xử với mình ở trong tù đúng với tinh thuần pháp luật của họ, chứ chưa nói tốt hơn, thì mình không sợ ngồi tù.

    Thế nhưng mà họ muốn không cho mình gặp gia đình, không cho mình gặp luật sư để đè nén, áp bức, tra tấn mình về mặt tinh thần, để làm cho mình sau này có hết án tù thì mình không còn đủ nghị lực, lý trí để nuôi dưỡng lý tưởng và đấu tranh cho lý tưởng của mình nữa.”

    Trường hợp nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh không phải là cá biệt trong việc tạm giam dài hạn, cơ quan an ninh điều tra ở Việt Nam vẫn thường kéo dài thời hạn tạm giam đối với các vụ án có yếu tố chính trị. 

    Luật pháp Việt Nam cho phép kéo dài thời hạn tạm giam đến khi kết thúc quá trình điều tra đối với các vụ án có yếu tố “an ninh quốc gia” đặc biệt nghiêm trọng, tức không có mốc thời gian cụ thể.

    Các tổ chức nhân quyền quốc tế như tổ chức Ân xá Quốc tế đã nhiều lên án lối thực hành này và gọi đó là hành vi tra tấn.

    Ngoài việc lập quỹ 50K, bà Nguyễn Thúy Hạnh là người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội hồi năm 2016.

    Công an điều tra những người giúp bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện các livestream

    Công an điều tra những người giúp bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện các livestream

    Bà Nguyễn Phương Hằng trong một livestream trước đây 

    Ảnh chụp màn hình livestream của bà Nguyễn Phương Hằng 

    Công an TPHCM đang điều tra, làm rõ trách nhiệm của những người tham gia, tổ chức, giúp sức cho bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện các livestream trước khi bà này bị bắt giữ hôm 24/3 vừa qua với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích cá nhân”, theo Điều 331 của Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

    Trả lời báo chí trong nước tại buổi họp báo hôm 7/4, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tập trung lực lượng để làm rõ hành vi phạm tội của bà Hằng. và làm rõ vai trò của những người đã giúp sức cho bà Hằng.

    Ông Hà nói công an sẽ cung cấp thông tin kịp thời về kết luận điều tra và các quyết định của cơ quan điều tra trên trang thông tin điện tử của Công an thành phố. Tuy nhiên, theo báo chí Nhà nước, ông Hà không cho biết thêm cụ thể tên những người nào đang bị điều tra cùng bà Hằng.

    Bà Nguyễn Phương Hằng trước khi bị bắt là người thường xuyên tổ chức các buổi livestream trên mạng xã hội Facebook và YouTube. Tại các buổi livestream này, bà Hằng tố cáo các nghệ sĩ, một số nhà báo nổi tiếng ăn chặn tiền từ thiện đóng góp cho người dân. Bà Hằng cũng chỉ trích cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dùng tiền từ thiện đóng góp cho người nghèo vào việc khác, nêu tên Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi là người có liên quan đến mình.

    Theo truyền thông Nhà nước, Công an TPHCM đã xác định có nhiều người giúp sức, hỗ trợ bị can Nguyễn Phương Hằng trong việc lên kịch bản, chuẩn bị nội dung, quản trị 12 kênh mạng xã hội, chuẩn bị trang thiết bị kỹ thuật… 

    Ngoài ra, công an cũng xác định những người làm và đăng các video lên YouTube, khách mời, tham gia chia sẻ, phát tán nội dung trong các buổi livestream là có liên quan, góp sức cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.

    Hôm 27/3, Công an TPHCM đã cho báo chi trong nước biết đang mở rộng điều tra và đã mời những người hỗ trợ, tiếp sức cho bà Hằng lên làm việc. Tuy nhiên, tên tuổi cụ thể từng người chưa được công an công bố.

    Giám đốc CDC Bình Phước bị cách chức do dính líu vụ bộ xét nghiệm COVID-19 Việt Á

    Giám đốc CDC Bình Phước bị cách chức do dính líu vụ bộ xét nghiệm COVID-19 Việt Á

    Xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội hôm 11/8/2021 /AFP 

    Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Văn Sáu, vào ngày 8/4 bị kỷ luật cách chức do dính líu đến vụ bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.

    Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin dẫn quyết định ký trong cùng ngày do Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước Quách Ái Đức về việc thi hành kỷ luật như vừa nêu đối với ông Nguyễn Văn Sáu. Trước khi bị cách chức giám đốc CDC, ông này đã bị phía Đảng cách hết mọi chức vụ trong hệ thống đảng.

    Sai phạm của ông Nguyễn Văn Sáu, ngoài cương vị Giám đốc CDC Bình Phước còn là đảng ủy viên Đảng ủy Sở Y tế, bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước nêu ra là đồng chịu trách nhiệm với Đảng ủy về những khuyết điểm gồm buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát để một số cán bộ, nhân viên của đơn vị vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc mua vật tư y tế phòng chống COVID-19.

    Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, CDC Bình Phước được nói đã mua của Công ty Việt Á hơn 87 ngàn bộ kit xét nghiệm và gần 48 ngàn bộ kit tách chiết với tổng số tiền 41,5 tỷ đồng. Hồi đầu tháng 12/2021, đại diện của Công ty Việt Á đã đến tặng “quà” cho ông Nguyễn Văn Sáu. Tuy vậy, theo lời khai của ông Sáu thì ông xin trả lại phần quà được tặng cho cơ quan chức năng.

    Công ty Việt Á bị Bộ Công an xác định đã thổi giá bộ kit xét nghiệm lên đến khoảng 45% và đã đút lót cho các “đối tác” khoảng 800 tỷ đồng.

    Đã có hơn 20 người bị bắt giữ và khởi tố liên quan đến vụ bộ xét nghiệm của Việt Á bao gồm lãnh đạo công ty, các quan chức của Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, Học viện Quân y, và ít nhất năm giám đốc CDC các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, và Bình Dương.

    Trung tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra hôm 3/3 cho biết, cơ quan điều tra của 62/63 tỉnh, thành đã tiến hành thu thập tài liệu liên quan đến Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm trực tiếp, gián tiếp cho các tổ chức, cá nhân, pháp nhân tại các địa phương để tập hợp, củng cố, làm rõ đầy đủ các hành vi vi phạm của các đối tượng trong vụ án.


    Không có nhận xét nào