Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Bộ Ngoại giao Mỹ: Công dân Việt KHÔNG có khả năng thay đổi chính phủ một cách ôn hoà

    RFA
    13/4/2022

    Bộ Ngoại giao Mỹ: Công dân Việt không có khả năng thay đổi chính phủ một cách ôn hoà

    Hình minh hoạ: Áp phích cổ động cho bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân ở Hà Nội hôm 19/5/2021 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 12/4 công bố bản Báo cáo về tình hình nhân quyền của các nước trên thế giới trong năm 2021, trong đó có Việt Nam được nêu như là một quốc gia độc tài, một đảng cầm quyền và "cuộc bầu cử Quốc hội không tự do cũng không công bằng, có sự cạnh tranh hạn chế giữa các ứng cử viên do Đảng Cộng sản xét duyệt kỹ".

    Báo cáo do Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát hành cho biết, công dân Việt Nam "không có khả năng thay đổi chính phủ của họ một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng; hạn chế nghiêm trọng đối với sự tham gia chính trị; Chính phủ tham nhũng nghiêm trọng; buôn người; những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do hiệp hội của người lao động; và sử dụng lao động trẻ em bắt buộc."

    Hồi tháng 5/2021, Chính phủ Việt Nam quyết tâm tổ chức cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 trong bối cảnh bùng phát của dịch COVID-19, trong khi Việt Nam chưa có đủ vắc-xin và thuốc chữa trị.

    Hai người nộp đơn tự ứng cử Đại biểu Quốc hội là các ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh bị bắt giữ trước khi cuộc bầu cử diễn ra, sau đó bị tuyên án lần lượt là 5 năm và 6,5 năm tù giam với cáo buộc "phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước" theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

    Theo báo cáo của phía Hoa Kỳ thì Cục này có các báo cáo đáng tin cậy về: các vụ giết người bất hợp pháp hoặc tùy tiện của Chính phủ; tra tấn và đối xử và trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục bởi các nhân viên Chính phủ; bắt giữ và giam giữ tùy tiện; tù nhân chính trị; sự trả thù có động cơ chính trị đối với các cá nhân ở quốc gia khác.

    Ngoài ra còn có những vấn đề nghiêm trọng với tính độc lập của cơ quan tư pháp; can thiệp tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào quyền riêng tư; hạn chế nghiêm trọng đối với tự do ngôn luận và phương tiện truyền thông, bao gồm việc bắt giữ và truy tố tùy tiện những người chỉ trích Chính phủ, kiểm duyệt và các luật về tội phỉ báng; hạn chế nghiêm trọng về tự do internet; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do hiệp hội; hạn chế quyền tự do đi lại, bao gồm cả lệnh cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động.

    Báo cáo cũng cho hay, Chính phủ Việt Nam thỉnh thoảng có hành động sửa chữa, bao gồm cả truy tố các quan chức vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng, nhưng các sĩ quan cảnh sát và quan chức Nhà nước thường hành động mà không bị trừng phạt.

    Đặng Như Quỳnh bị bắt vì ‘lợi dụng tự do, dân chủ’, tác động tới tài chính, chứng khoán 

    14/4/2022 

    VOA Tiếng Việt 

    Dang Nhu Quynh's Facebook avatar as of 04/14/2022.

    Dang Nhu Quynh's Facebook avatar as of 04/14/2022. 

    Một Facebooker có tới gần 320.000 người theo dõi ở Việt Nam vừa bị công an bắt khẩn cấp với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”, một đại diện của Bộ Công an Việt Nam loan báo hôm 14/4.

    Trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công an, cho báo chí biết người bị bắt là Đặng Như Quỳnh và việc bắt giữ đã được thực hiện hôm 12/4.

    Ông Quỳnh, 42 tuổi, cư trú ở Hà Nội, hiện bị điều tra do có nghi ngờ rằng ông đã đăng lên trang cá nhân các thông tin “chưa được kiểm chứng” về một số cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản, theo thông tin từ đại diện của Bộ Công an.

    Việc làm của ông Quỳnh bị cho là “trực tiếp xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp” của các cá nhân, tổ chức, cũng như “có dấu hiệu tác động, ảnh hưởng tiêu cực” đến thị trường tài chính, chứng khoán của nhà nước, vẫn theo đánh giá của phía công an.

    Theo tìm hiểu của VOA, trong khoảng hơn 2 tuần gần đây, ông Quỳnh đăng một số bài trên Facebook cá nhân bàn luận về việc nhà chức trách Việt Nam bắt giữ các vị lãnh đạo của hai tập đoàn lớn là FLC và Tân Hoàng Minh, đồng thời đưa ra nhận định cá nhân rằng sẽ còn có những vụ bắt bớ tương tự ở các doanh nghiệp, tập đoàn khác.

    Mỗi bài đăng của ông đều nhận được hàng ngàn phản ứng “yêu, thích”, hàng trăm lời bình luận, và nhiều người khác lan truyền bằng chức năng “share”.

    Cũng trùng với thời điểm xuất hiện các bài đăng đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp, tập đoàn mà ông Quỳnh nêu tên bị mất giá, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm, nhiều nhà đầu tư chứng khoán bị lỗ và cho rằng đó là do các thông tin “thất thiệt” gây ra.

    Nói về điều này, Phát ngôn viên Tô Ân Xô của Bộ Công an phát biểu với báo giới hôm14/4 rằng: “Việc đưa thông tin thất thiệt đã tác động xấu tới dư luận xã hội, tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán của Việt Nam, gây thiệt hại về uy tín, kinh tế của cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư”.

    Vẫn trung tướng Xô cho biết thêm ngoài ông Quỳnh, có thể còn có những người khác vì “hiện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành các hoạt động điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật” trong thời gian tiếp theo.

    Sau khi nhà chức trách Việt Nam bắt giữ các vị lãnh đạo của tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh lần lượt về các tội “thao túng chứng khoán” và “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, chính phủ Việt Nam đã ra chỉ thị cho một số bộ phải có các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán và trấn an các nhà đầu tư.

    Theo quan sát của VOA, một trong những biện pháp đó là “Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan tăng cường công tác nắm tình hình thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đưa tin thất thiệt không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường”.

    Facebooker Đặng Như Quỳnh đã từng bị công an Việt Nam xử lý vì “đưa thông tin thất thiệt” trước đây. Hồi cuối tháng 3/2020, ông Quỳnh đã phải “làm việc” với công an và sau đó “phải gỡ bỏ” gần 220 bài viết bị cho là chứa thông tin “chưa được kiểm chứng” hoặc những bình luận mang tính “xuyên tạc”, “đưa tin thất thiệt” về tình hình đại dịch COVID-19 ở Việt Nam khi đó.

    Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng bị bắt vì nhận hối lộ trong vụ ‘các chuyến bay giải cứu’

    14/4/2022


    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/deputy-foreign-minister-to-anh-dung-arrested-for-involvement-in-rescue-flights-during-covid-19-pandemic-04142022090950.html/@@images/image

    Từ trái qua: Thứ trưởng Tô Anh Dũng, ông Phạm Trung Kiên, ông Vũ Anh Tuấn /Bộ Công An 

    Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng vào ngày 14/4 bị khởi tố và bị bắt tạm giam với cáo buộc ‘nhận hối lộ’ duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện những chuyến bay gọi là ‘giải cứu công dân’ trong đại dịch COVID-19. Công thông tin điện tử Bộ Công an loan tin này.

    Ngoài thứ trưởng Tô Anh Dũng, Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Phạm Trung Kiên, chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế và ông Vũ Anh Tuấn nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, cùng với cáo buộc tương tự theo Điều 354 Bộ Luật Hình sự 

    Ông Kiên từng có thời gian làm thư ký của một thứ trưởng Bộ Y tế.

    Ông Tô Anh Dũng, 58 tuổi, đã có gần 30 năm làm việc trong ngành ngoại giao, kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau liên quan đến các lĩnh vực hội nhập quốc tế, ngoại giao song phương và đa phương…

    Ông Dũng được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Ngoại giao từ năm 2019. Trước đó, ông làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ kiêm chức vụ trợ lý bộ trưởng.

    Ngày 27/1 vừa qua cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành khởi tố và bắt tạm giam bốn cán bộ thuộc Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao với cáo buộc nhận hối lộ khi thực hiện các chuyến bay ‘giải cứu’ công dân bị kẹt ở nước ngoài trong hai năm dịch COVID-19 vừa qua. 

    Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, công bố hôm 28/1 cho rằng những người này đã có hành vi sai phạm trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.

    Bốn người bị khởi tố và bắt giam gồm bà Nguyễn Thị Hương Lan (sinh năm 1974) - Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; ông Đỗ Hoàng Tùng (sinh năm 1980) - Cục phó; ông Lê Tuấn Anh (sinh năm 1982) - Chánh văn phòng của cục và ông Lưu Tuấn Dũng (sinh năm 1987 )- Phó phòng bảo hộ công dân của Cục.

    Cũng liên quan vụ này, bà Hoàng Diệu Mơ, sinh năm 1980, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch & Dịch vụ Hàng không An Bình, vào ngày 25/3 bị bắt với cáo buộc tội ‘đưa hối lộ’ theo Điều 364, Bộ Luật Hình sự VN.

    Việt Nam mong tiếp tục nhận viện trợ vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 12 tuổi

    RFA

    Việt Nam mong tiếp tục nhận viện trợ vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 12 tuổi

    Hình trên là Trẻ em từ 12 đến 17 tuổi chờ tiêm vắc-xin Pfizer / BioNTech COVID-19 tại Hà Nội vào ngày 23/11/2021. 

    AFP 

    Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc tiếp tục nhận vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ viện trợ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới.

    Quyết định trên của Chính phủ VN được thực hiện sau khi VN trong ngày 14/4 thông báo gần 200 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đầu tiên tại  trường Trần Quốc Toản tỉnh Quảng Ninh đã tiêm mũi một vắc-xin phòng COVID-19 do Chính phủ Úc tài trợ. Tiếp theo Quảng Ninh, Bộ Y tế cho biết ngày 16/4 thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành tiêm vắc-xin cho trẻ cùng độ tuổi nêu trên.

    Tờ Sức khoẻ & Đời sống cho biết, theo quyết định, Bộ Y tế được giao xem xét theo tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vắc-xin, nguồn viện trợ, nguồn vắc-xin có thể mua thương mại để xác định và chịu trách nhiệm về số lượng, loại vắc-xin nhận viện trợ, mua thương mại bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ, an toàn, chất lượng, hiệu quả; không để bị động, không thừa, thiếu hụt vắc-xin trong mọi hoàn cảnh.

    Ngoài ra, Bộ Y tế cũng được giao chủ động xác định và chịu trách nhiệm về số lượng, thời gian và chủng loại vắc-xin cần mua phù hợp với tiến độ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

    Được biết, đến nay Chính phủ Úc đã cam kết tài trợ 7,2 triệu liều vắc-xin cho VN để tiêm cho trẻ trong độ tuổi này. Lô vắc-xin đầu tiên gần một triệu liều đã về Việt Nam và đã được kiểm định, phân bổ để chuẩn bị tiêm cho trẻ.

    Cũng theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 11,8 triệu trẻ em từ 5 - dưới 12, trong đó số trẻ cần tiêm đến hết quý 2/2022 là hơn 8,2 triệu trẻ (không bao gồm 3,6 triệu trẻ đã nhiễm COVID-19 sẽ trì hoãn tiêm sau ba tháng kể từ khi mắc).

    Thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 14/4, Việt Nam đã tiêm gần 209 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Tỷ lệ bao phủ mũi một và mũi hai của người trên 18 tuổi là 100%; mũi 3 là trên 51%.

    Cựu tù lương tâm Chu Mạnh Sơn được bảo lãnh ra khỏi trại giam Sở di trú Thái Lan

    RFA

    Cựu tù lương tâm Chu Mạnh Sơn được bảo lãnh ra khỏi trại giam Sở di trú Thái Lan

    Từ phải qua: ông Chu Mạnh Sơn, bà Nguyễn Thị Luyến và ông Nguyễn Văn Thêm khi mới bị bắt 

    Facebook Mary Phuong 

    Hai người Việt Nam đang tị nạn chính trị tại Thái Lan là cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn và ông Nguyễn Văn Thêm vừa được luật sư riêng bảo lãnh ra khỏi Trung tâm Giam giữ Người Nhập cư Trái phép IDC ở thủ đô Bangkok vào tối ngày 12/4/2022.

    Trước đó, ông Sơn cùng gia đình ông Nguyễn Văn Thêm, bà Nguyễn Thị Luyến cùng hai con đến đồn cảnh sát để xin giấy xác nhận lý lịch tư pháp như một bước cuối cùng trước khi đi định cư Canada theo diện bảo lãnh tư nhân do tổ chức VOICE bảo trợ.

    Cả năm người bị cảnh sát di trú bắt giữ trong ngày 8/4 do không có giấy tờ hợp lệ và phải ra tòa với tội danh cư trú bất hợp pháp, bị phạt tiền và đối diện với nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam.

    Ông Chu Mạnh Sơn kể lại với chúng tôi vào chiều 13/4 như sau:

    "Sau những nỗ lực mà luật sư riêng phải phối hợp với UN (Liên hiệp quốc), rồi bên cảnh sát IDC cũng như bên di trú yêu cầu chúng tôi cung cấp giấy tờ xác nhận chúng tôi là người tị nạn, đóng tiền thế chân.

    Cũng như lúc đó là tôi cũng như gia đình anh Nguyễn Văn Thêm, chị Nguyễn Thị Luyến bị đem ra tòa và đối diện với nguy cơ, khi thẩm phán nói là phạt tiền và trục xuất khỏi Thái Lan nên chúng tôi rất lo lắng.

    Rất là may sau những ngày luật sư nỗ lực làm việc và bên UN hỗ trợ rất nhiệt tình thì mãi chiều tối ngày hôm qua thì bên IDC chấp nhận cho chúng tôi được luật sư bảo lãnh để chúng tôi ra ngoài, và hàng tháng phải đến trình diện."

    Theo ông Sơn, điều kiện để được bảo lãnh là phải có Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc chứng nhận là người tị nạn và cơ quan này phải là bên trực tiếp quản lý người được bảo lãnh.

    Ngoài ra còn phải nộp tiền thế chân, phí kiểm tra COVID-19, tiền phạt do cư trú bất hợp pháp... tổng cộng là gần 2.000 đô la Mỹ/người.

    Bà Nguyễn Thị Luyến và hai đứa con của mình, một bé 5 tháng tuổi và một em 17 tuổi vẫn đang ở Trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép của Bangkok do đang bị dương tính với COVID-19.

    Ông Chu Mạnh Sơn cho biết thêm, các luật sư sẽ làm việc tiếp tục để bảo lãnh những người còn lại ra khỏi trại giam của IDC nhằm tránh nguy cơ phải ngồi tù lâu hay bị trục xuất.

    Thái Lan đến nay chưa ký công ước về người tị nạn của Liên Hiệp quốc tuy nhiên nhiều người tị nạn vẫn tìm đến đây để lánh nạn và xin quy chế để mong được đi tị nạn chính trị một nước thứ ba do có văn phòng của Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc.

    Blogger Trương Duy Nhất của RFA hồi tháng 1 năm 2019 bị bắt giữ chỉ một ngày sau khi nộp đơn xin quy chế tị nạn tại Bangkok, không lâu sau đó ông xuất hiện tại nhà tù Việt Nam, mà người ta nghi ngờ rằng có sự nhúng tay của lực lượng an ninh Hà Nội.


    Không có nhận xét nào