CEO của hàng không Thai Vietjet phải xin lỗi vì 'quảng cáo đùa Cá tháng Tư xúc phạm nhà vua'
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Phi cơ của Thai Vietjet - hình minh họa
Ông Woranate Laprabang, CEO của hàng không Thai Vietjet vừa phải xin lỗi vì 'quảng cáo đùa ngày 1 tháng Tư' bị tố cáo đã 'xúc phạm' Quốc vương Thái Lan.
Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đang xem xét có mở cuộc điều tra hình sự theo luật cấm khi quân của vương quốc Đông Nam Á này hay không, theo Reuters hôm 04/04/2022.
Luật này có thể ra án tới 15 năm tù cho người bị kết tội.
Trang The Diplomat cùng ngày có bài nói công ty hàng không từ Việt Nam, "phải xin lỗi vì đùa nhạo Vua của Thái Lan (Vietnamese Airline Apologizes for Tweet Poking Fun at Thailand's King).
Theo BBC News Thai ở London, trong bài đăng hôm thứ Hai (04/04), tài khoản Twitter của Thai Vietjet hôm 01/04 đã đăng nội dung nói "hãng hàng không này sẽ mở đường bay nối tỉnh Nan (Thái Lan) với Munich (Đức).
Tweet này của Thai VietJet bị phản đối mạnh và ngày hôm sau đã bị công ty xóa đi.
Dù đoạn nhắn trên Twitter không nói gì đến vua Maha Vajiralongkorn, 69 tuổi nhưng người Thái Lan hiểu đây là một cách nói ẩn dụ vì vua ̀Thái Lan hay sống ở Bavaria với Hoàng quý phi Sineenat Wongvajiraphakdi, người có quê ở tỉnh Nan. Munich là thủ phủ của bang Bavaria, Đức.
Năm 2019, vua Thái Lan phong cho bà Sineenat tước Hoàng quý phi (Royal Noble Consort) sau lễ đăng quang của ông.
Ngoài ra, Thái Lan có Hoàng hậu Suthida, người được vua cưới trước đó, cũng trong năm 2019, theo Reuters.
Ông Woranate Laprabang phải lên tiếng xin lỗi, nhân danh Thai VietJet trước cơn giận của phái bảo hoàng, thể hiện trên mạng xã hội.
Dù có gắn hashtag 'Cá tháng Tư' (#aprilfoolsday), nhưng dòng tweet bị phái bảo hoàng Thái Lan coi là đã "cười nhạo nhà vua, theo trang Khaosod trích một bình luận trên mạng xã hội.
Một người khác đòi trừng trị hãng hàng không này: "Nếu có luật chống lại hãng hàng không này, tôi sẽ ủng hộ ngay. Đừng để họ kiếm lời từ người dân Thái Lan", trang The Diplomat đưa tin.
Theo ông Woranate Laprabang, các nhân viên chịu trách nhiệm cho câu tweet đã bị tạm ngưng làm việc để điều tra, và ban lãnh đạo công ty không biết về chuyện nó xảy ra.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Bãi biển Thái Lan - hình minh họa
Tuy thế, nhà hoạt động Srisuwan Janya, người cũng là một luật sư, đã thông báo cho cảnh sát để báo là "có hành vi phạm tội hình sự, theo luật về computer của Thái Lan.
Toạ đàm học thuật về Ukraine bị “bức tử”
Bình luận của Phan Huy
Chánh văn phòng VUSTA Lê Công Lương (chỉ tay) yêu cầu những người dự toạ đàm về Ukraine ra về hôm 2/4/2022 /Photo: RFA
Sáng nay, theo Giấy mời, chúng mình rủ nhau đến trụ sở của VUSTA, 53 Nguyễn Du, leo bộ lên tận tầng ba, dự Toạ đàm học thuật. Đề tài: “Cuộc chiến Nga – Ukraine và tác động đến cục diện quốc tế”. Giấy mời còn kèm theo cả đề cương ba gạch đầu dòng: i) Nhận diện cuộc chiến: “Chiến dịch quân sự đặc biệt” hay “chiến tranh xâm lược”; ii) Tác động đối với thế giới/ khu vực; iii) Tác động đối với Việt Nam.
Đập vào tai ngay khi vừa bước vào hội trường là cuộc khẩu chiến chát chúa. Kẻ đứng người ngồi, “nhấp nhô” hàng ghế đầu khoảng 15 – 20 cụ trạc tuổi 75 – 80, toàn giáo sư, tiến sỹ. Có GS-Viện trưởng Tô Duy Hợp, GS. Hoàng Chí Bảo, GS. Đặng Quốc Bảo, GS. Vũ Huy Thông, GS. Công Nghĩa Tụ, PGS-TS Trương Sỹ Hùng… Một ông có dáng vẻ sếp, hỏi ra mới biết là Chánh VP VUSTA Lê Công Lương “tôn kính”, giọng bề trên: “Ukraine hiện là vấn đề nhậy cảm, không thể tổ chức toạ đàm học thuật ở đây được. Các vị không được phép”.
“Ơ hay, họp bàn công việc của Viện, và trong khuôn khổ ấy, chúng tôi mời TS. Đinh Hoàng Thắng, một nhà ngoại giao lâu năm, có trách nhiệm, am hiểu về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại nói về đề tài thời sự…”, một GS. phản kháng. Vẫn ông Lương: “Đến cả cựu Chủ tịch VUSTA Đặng Vũ Minh (sếp cũ của Lê Công Lương) xin mượn địa điểm để họp liên quan đến những người học ở bên mấy xứ ấy về mà còn không được phép, nữa là các ông, mời các vị đi về…”
“Không cho toạ đàm thì chúng tôi họp tổng kết vậy”, một vị khác nài nỉ. Vẫn cái giọng lệnh vỡ của Công Lương: “Họp cũng không được, mời quý vị ra về”. Một GS. già bật dậy, giọng không còn mấy bình tĩnh: “Thế ông đưa cái lệnh cấm tổ chức toạ đàm chúng tôi xem. Có giâý tờ gì không?”. Đến đây thì Công Lương bí: “Giấy tờ… thì không có nhưng có lệnh. Mời các ông ra về…”
Dòng người vẫn tiếp tục ra – vào khán phòng. Tốp đầu tiên gồm các Tiến sỹ Quang A, Nguyễn Ngọc Chu, Tạ Đình Thính, Đinh Hoàng Thắng… rời hội trường trong vội vàng. Dòng đi vào thì ngơ ngác, không biết chuyện gì vừa xẩy ra… Xung quanh cổng VUSTA thấy khá đông công an chìm nổi và bảo vệ, kéo cổng, không cho người vào. Chiếc xe đeo biển Ngoại giao của Đại biện Ukraine có cắm cờ hai màu xanh – vàng, đậu bên lề đường, phía cổng chính cơ quan. Hoá ra, vì có nhân tố nước ngoài, nên “lệnh trên” càng quyết tâm dẹp toạ đàm. Trên hội trường, có nghe ông Lương “gào” ý này nhưng thật ra mình không hiểu, thời này là thời nào mà còn “nước ngoài với nước trong”… “Yếu tố nước ngoài” là cái quái gì?
Không nhẽ, vì sự có mặt rất đáng trân trọng của Madame đại diện “chân chính và duy nhất” (theo cách nói xưa học trong trường) cho quân dân Ukraine đang chiến đấu vì dân chủ và tự do của chính họ, và cũng là cho cả thế giới nữa, trong đó có Việt Nam ta… mà cấm mở mồm nói về đất nước và con người xứ hoa “Hướng Dương”??? Những bà cụ, những phụ nữ, có người còn sinh con dưới làn tên lửa siêu thanh và bom nhiệt áp của Nga… Họ đang trú dưới các nhà ga metro lạnh cóng, nhiều nơi không điện, không nước… giữa bom rơi đạn lạc, đất nước tan hoang. Ôi, Ukraine và Việt Nam, hai nước cùng chung một “cuộc chiến tháng hai”… Khi nào chúng ta mới hết đau khổ? Cuộc chiến giữa chuyên chế và dân chủ này còn bao lâu nữa mới kết thúc?
Thế là cuộc toạ đàm học thuật về Ukraine bị “bức tử”. Nhưng trong hoạ có phúc! Nhờ thế mới được ngồi nói chuyện với các bác, các cụ, còn được nhận sách từ nữ nhà văn Phan Thuý Hà và cô Đại biện Ukraine. Gọi cô, vì nàng còn trẻ và là một phụ nữ quá tuyệt vời. Nataliya Zhynkina tỏ ra thông cảm về chuyện “hoãn” toạ đàm và vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì xẩy ra. Nataliya cười rất duyên gợi nhớ câu thơ trong tập “Thơ Không Tuổi” – Tác giả Vũ Tuấn Hoàng – nàng vừa tặng: “Trên đời đau khổ tột cùng/ Ngục trung xiềng xích, khát vùng tự do…”
Ôi, Ukraine của tôi! “Cầu mong Thượng đế lòng lành…”
Việt Nam bị cáo buộc ‘rửa bông vải’ vùng Tân Cương, Trung Quốc
Công nhân thu hoạch bông trên cánh đồng ở Korla, một thị trấn phía nam Urumqi, thủ phủ của Tân Cương. /AFP
Cơ quan Phòng vệ Biên giới và Hải quan Hoa Kỳ cần phải lưu ý kỹ những sản phẩm làm từ bông vải nhập từ Việt Nam. Lý do vì những sản phẩm này bị cáo buộc giúp Trung Quốc lách lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ theo Đạo luật Ngăn ngừa Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ. Liên Minh Dân Chủ Việt Nam đưa ra tuyên bố này hôm 27/3.
Theo tổ chức quy tụ một số hội nhóm người Việt tại hải ngoại thì có sáu nhà sản xuất từ Việt Nam trên hơn năm chục nhà sản xuất trung gian quốc tế đã mua những sản phẩm chưa hoàn chỉnh làm từ bông vải xuất xứ từ vùng Tân Cương của năm nhà sản xuất hàng đầu Trung Quốc.
Liên Minh Dân chủ lưu ý rằng một số nhãn hiệu quốc tế được cung cấp bởi các trung gian Việt Nam như thế có nguy cơ cao sử dụng bông vải Tân Cương trong các sản phẩm của họ.
Liên Minh Dân chủ trưng dẫn số liệu của cơ quan Liên Hiệp quốc UN Comtrade nêu ra rằng hơn phân nửa hàng xuất khẩu bán thành phẩm làm từ bông vải của Trung Quốc được chuyển đến các quốc gia Châu Á mà Việt Nam là thị trường phổ biến thứ hai. Phân tích dữ liệu vận tải tàu biểu cũng cho thấy sau khi đến Việt Nam, những nhà sản xuất trung gian quốc tế hoàn tất những sản phẩm đó để xuất khẩu ra khắp thế giới. Những sản phẩm như thế thường có hàm lượng nguyên liệu được cung ứng bởi những đối tác Trung Quốc bị nghi ngờ. Cách thức đó dẫn đến hệ quả giúp ‘rửa bông vải Tân Cương’ cho Trung Quốc.
Theo Đạo luật Ngăn ngừa Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ những thành phẩm hay bán thành phẩm từ Vùng Tân Cương Trung Quốc do lao động cưỡng bức làm ra bị cấm nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Vietnam Airlines lỗ gần 1 tỷ đôla, sắp cạn vốn
04/4/2022
Một máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Hãng hàng không Vietnam Airlines vừa loan báo lỗ lũy kế gần 22 nghìn tỷ đồng sau ba năm bị tác động của đại dịch COVID-19, tính ra khoảng lỗ này đã chiếm gần hết số vốn sở hữu của công ty hàng không lớn nhất Việt Nam. Để cứu vãn tình hình, hãng xin được miễn thuế môi trường đối nhiên liệu, nhưng Bộ Tài Chính đã thẳng thừng từ chối.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với khoản lỗ gần 1,12 nghìn tỷ đồng, khiến tổng khoảng lỗ trong năm 2021 lên hơn 13,3 nghìn tỷ đồng. Tính lũy kế, Vietnam Airlines lỗ gần 22 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ đôla), ăn mòn gần hết số vốn chủ sở hữu hơn 22,1 nghìn tỷ đồng, theo báo cáo tài chính đăng trên trang web của công ty.
Báo cáo tài chính quý VI/2021 của Vietnam Airlines. Photo Vietnam Airlines.
Tính đến 31/12/2021, Vietnam Airlines ghi nhận tổng nợ phải trả lên tới gần 62,6 nghìn tỷ đồng, gần bằng tổng tài sản 63 nghìn tỷ đồng, theo đó khoảng nợ phải trả cho nhân viên là hơn 1.070 tỷ đồng. Tổng số nợ ngắn hạn là hơn 41,2 nghìn tỷ đồng và nợ dài hạn là hơn 21,3 nghìn tỷ đồng, theo bảng cân đối kế toán hợp nhất của công ty.
Vietnam Airlines hiện vẫn do nhà nước quản lý, dù đã chuyển qua hình thức cổ phần từ năm 2015, với số vốn 55,2% của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC), 31,14% của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), và 5,62% của Tập đoàn hàng không Nhật Bản ANA Holding Inc (ANA).
Từ ngày 15/2, ngành hàng không Việt Nam bắt đầu mở lại toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế đến các nước và từ hôm 15/3 Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế sau gần hai năm đóng cửa vì đại dịch.
Trong tháng 3 vừa qua, Vietnam Airlines khai thác 7.314 chuyến bay, theo trang Simply Flying. Tuy nhiên, mọi chuyện gần đây không được thuận buồm xuôi gió. Hãng này vừa tạm ngừng các chuyến bay đến Moscow vì “lý do bảo hiểm hàng không” và hiện đang chịu tác động từ cuộc chiến Ukraine và Nga và giá nhiên liệu gia tăng.
Trước tình cảnh lỗ kéo dài, Tổng công ty Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2022 “do đang gặp rất nhiều khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh khi giá xăng dầu liên tục tăng và ảnh hưởng của dịch COVID-19”.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính hôm 4/4 đã bác đề nghị này, nói rằng: “Trong bối cảnh cân đối Ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, chiến lược như chi cho công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, công tác phòng, chống dịch thì các doanh nghiệp cũng cần có sự chia sẻ nhất định với nhà nước.”
Tư vấn Đức chấm dứt hợp đồng, tuyến metro số 2 có thể kéo dài đến năm 2030
RFA
Tuyến metro số 2 /cafef.vn
Tư vấn chung của dự án metro số 2 Bến Thành-Tham Lương thông báo chấm dứt hợp đồng do không đạt được thoả thuận chung với Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư).
Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 4/4 dựa theo nội dung trong bản báo cáo của Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) về tình hình triển khai dự án metro số 2 Bến Thành-Tham Lương.
Theo báo cáo của MAUR, tư vấn chung IC do liên danh Metro Team Line 2 (đứng đầu là một công ty của Đức), hôm 24/3 (một ngày sau cuộc họp mở lại đàm phán thương thảo phục lục hợp đồng phụ lục số 13 với MAUR) đã ra thông báo không thể thực hiện phụ lục số 13 và chính thức chấm dứt hợp đồng.
Từ năm 2012, MAUR đã ký hợp đồng tư vấn IC với liên danh Metro Team Line 2. Hợp đồng có hai giai đoạn, trong đó giai đoạn A (thiết kế và hỗ trợ cho việc đấu thầu các gói thầu chính) và giai đoạn B (giám sát thực hiện xây dựng dự án).
Do việc phê duyệt điều chỉnh dự án cùng một số phát sinh khác từ quá trình triển khai dẫn đến phát sinh phụ lục hợp đồng số 13. Việc đàm phán được tiến hành từ cuối năm 2019 nhưng liên tục gặp nhiều trở ngại.
Theo thông tin từ MAUR, mặc dù vậy, đến nay, các quận đã gần như hoàn tất thủ tục bồi thường, đạt 99,67%; tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 83,62%.
Hiện đại diện MAUR cho biết, việc ký hợp đồng số 13 và huy động IC được xem là phương án tối ưu, nhưng nếu không thành công phải thay thế tư vấn để không làm ảnh hưởng thêm tiến độ dự án.
Metro số 2 có tổng mức đầu tư hơn 47.890 tỉ đồng, với chiều dài hơn 11km đi qua 6 quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Dự án được phê duyệt thời gian hoàn thành năm 2026.
Tuy nhiên theo MAUR, với tình hình hiện nay, dự án có thể kéo dài đến năm 2030.
Ca sĩ Sangeeta Kaur tức Teresa Mai đoạt Grammy lần thứ 64
04/4/2022
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Sangeeta Kaur lên sân khấu nhận giải Grammy ngày 3/4
Ca sĩ người Mỹ gốc Việt Sangeeta Kaur vừa đoạt giải Grammy lần thứ 64 cho album 'Mythologies' ở Hoa Kỳ.
Theo thông báo của Ban Tổ chức giải Grammy năm nay, giải nhất cho hạng mục album đơn ca cổ điển (The Best Classical Solo Vocal Album) được trao cho đĩa nhạc Mythologies của Sangeeta Kaur và Hila Plitmann.
Đây là tác phẩm nhạc của nữ nghệ sĩ piano Danaë Xanthe Vlasse được Sangeeta Kaur trình bày.
Hồi tháng 12/2021, cây đơn ca Sangeeta Kaur lần đầu tiên được đề cử giải Grammy cho hoạt động nghệ thuật, thể hiện album mới Mythologies của Danaë Xanthe Vlasse.
Đây là lần đầu tiên một nữ nghệ sĩ Mỹ gốc Việt được đề cử Grammy Award trong hạng mục nói trên, theo các báo Hoa Kỳ cùng thời gian.
Các trang này cũng nói Sangeeta Kaur từng có mặt trong các tác phẩm của nghệ sĩ nhạc rock Stewart Copleand (The Police) và nhà soạn nhạc Ấn Độ Kej.
Cô Sangeeta Kaur được trích lời trên trang EnigmaOnline.com năm 2021 nói rằng "Thu âm cho Mythologies là một trải nghiệm đặc biệt với tôi".
Sinh ra ở Hoa Kỳ trong gia đình cha mẹ người Việt, cô có tên Teresa Mai (Mai Xuân Loan).
Tốt nghiệp Bob Cole Music Conservatory ở Đại học California State University, Long Beach, và có bằng thạc sĩ trình diễn ca khúc (Master of Music in Vocal Performance) ở Nhạc viện Boston Conservatory, cô chịu ảnh hưởng của triết học Ấn Độ và yoga.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Sangeeta Kaur lên sân khấu nhận giải Grammy ngày 3/4
Thường trình diễn cùng chồng là nghệ sĩ guitar Hải Nguyễn, Teresa Mai, từ 2009, lấy nghệ danh mới Sangeeta Kaur theo tiếng Ấn, nghĩa là 'Công chúa của âm nhạc và sự hài hòa'.
Sinh ra ở Hoa Kỳ, cô vẫn có thể trả lời bằng tiếng Việt khi trả lời phỏng vấn.
Sangeeta Kaur cũng hát tiếng Việt thuần thục, như trong các lần biểu diễu nhạc Việt tại Hoa Kỳ.
Trong một phỏng vấn gần đây, cô cho biết "rất muốn sang Việt Nam để tổ chức hòa nhạc".
Cô cũng cho biết rằng vài năm trước cô đã từng thăm Hà Nội và Sài Gòn trong khoảng hai tuần, không phải để hát mà để dạy yoga.
Không có nhận xét nào