Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cục An ninh nội địa "đánh địch từ trung tâm địch”

    RFA
    28/4/2022

    Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cục An ninh nội địa "đánh địch từ trung tâm địch”

    Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong buổi làm việc tại Cục An ninh nội địa hôm 27/4/2022 /Nhân Dân 

    Hôm 27/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến làm việc với Cục An ninh nội địa, chỉ đạo không để bất ngờ về an ninh trong dịp lễ 30/4 và đề nghị "đánh địch từ trung tâm địch".

    Báo Chính phủ dẫn lời ông Phúc đề nghị Cục An ninh nội địa trong thời gian tới cần có kế hoạch cụ thể, bố trí lực lượng tăng cường cơ sở, nhất là tại các địa bàn trọng yếu, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ hoặc bất cứ sơ suất nào trong việc bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn trong thời gian nghỉ lễ 30/4-01/5 và các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, trong đó có SEA Games 31.

    Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng yêu cầu cục này triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp công tác, "đánh địch từ trung tâm địch", nắm tình hình, tham mưu xử lý vấn đề phức tạp ngay từ cơ sở, từ khi mới nảy sinh, không để diễn biến phức tạp, không để hình thành các điểm nóng về an ninh, trật tự.

    Theo ông Phúc, lực lượng này cần nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, phản động, góp phần bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao quan trọng của đất nước trong thời gian tới.

    Theo Vietnam News, Cục An ninh nội địa báo cáo với ông Phúc tình hình ngày càng có nhiều các hoạt động phá hoại của các lực lượng, tổ chức phản động và thù địch với chính quyền Việt Nam.

    Chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xem những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền một cách ôn hòa là thế lực thù địch, phản động... đồng thời bỏ tù những người bất đồng chính kiến trong các phiên tòa bị các tổ chức quốc tế chỉ trích về tính minh bạch, độc lập xét xử.

    Việt Nam trấn an EU về Luật An ninh mạng 

    28/4/2022 

    VOA Tiếng Việt 

    Bộ trưởng Công an Tô Lâm tiếp ông Gunnar Wiegand, Tổng Vụ trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS). Photo CAND.

    Bộ trưởng Công an Tô Lâm tiếp ông Gunnar Wiegand, Tổng Vụ trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS). Photo CAND. 

    Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam nói với nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) rằng Luật An ninh mạng của nước này “không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài”, đồng thời đề nghị EU tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm về bảo đảm an ninh mạng đối với các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu của Việt Nam.

    Hôm 27/4, khi tiếp ông Gunnar Wiegand, Tổng Vụ trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS), Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói: “Luật An ninh mạng không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài, việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trên không gian mạng là nhằm đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia, nhiều quốc gia cũng ban hành các văn bản Luật tương tự như Việt Nam...”, theo Cổng thông tin Bộ Công an.

    Luật An ninh mạng của Việt Nam, thông qua vào tháng 6/2018, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, theo đó yêu cầu các công ty Internet phải dỡ bỏ các nội dung mà chính quyền cho là ‘độc hại’, đồng thời cũng cấm những người sử dụng Internet ở Việt Nam lan truyền những thông tin được cho là “chống phá Nhà nước, chống phá chính quyền”.

    Hôm 27/4, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị EU tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm về bảo đảm an ninh mạng đối với các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu, kinh nghiệm quản lý dữ liệu xuyên biên giới, cơ chế bảo vệ dữ liệu trong một số lĩnh vực quan trọng. Ông Lâm cũng yêu cầu hai bên tăng cường thảo luận, chia sẻ quan điểm, tham gia xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quốc gia về an ninh mạng.

    Trước khi Luật An ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực, đại diện các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu cảnh báo việc thực thi này có thể gây ra “thiệt hại kinh tế nghiêm trọng”, cũng như “ảnh hưởng” đến sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của Việt Nam.

    Việt Nam áp dụng công nghệ sinh trắc học của Nhật để quản lý công dân 

    28/4/2022 

    VOA Tiếng Việt 

    Mẫu căn cước công dân mới của Việt Nam có mã QR.

    Mẫu căn cước công dân mới của Việt Nam có mã QR. 

    Bộ Công an Việt Nam đã chọn một tập đoàn Nhật Bản để giúp quản lý dữ liệu công dân bằng công nghệ sinh trắc học.

    Theo tờ Nikkei Asia, tập đoàn Nhật NEC đang giúp cho Việt Nam hiện đại hoá thẻ căn cước cho tất cả công dân từ 14 tuổi trở lên.

    “Hiện thẻ này được liên kết với dữ liệu khuôn mặt và vân tay của 50 triệu người Việt”, tờ Nikkei Asia cho biết.

    Với chiến lược phát triển trên toàn cầu về công nghệ sinh trắc học, tập đoàn Nhật Bản hiện đang mở rộng hoạt động kinh doanh tới các quốc gia mới nổi. Trong đó, Việt Nam là quốc gia thứ ba sử dụng công nghệ của NEC, sau Ấn Độ và Nam Phi.

    Bộ Công an Việt Nam đã chọn NEC trong quá trình chuyển đổi từ quản lý công dân trên giấy tờ theo cách cũ sang quản lý thông tin bằng kỹ thuật số. “Hơn 1.800 trung tâm được thành lập để đăng ký thông tin về khuôn mặt và dấu vân tay của công dân Việt Nam”, Nikkei Asia cho biết thêm.

    Theo tập đoàn của Nhật, công nghệ của họ đã đạt được độ chính xác cao nhất thế giới trong thử nghiệm nhận dạng khuôn mặt của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Nhật Bản vào năm 2021. Công nghệ của NEC kết hợp học sâu (deep learning), hệ thống khớp hình ảnh với các hướng khác nhau trên khuôn mặt sử dụng hình ảnh có độ phân giải thấp được chụp từ máy ảnh số. Hệ thống sinh trắc học của NEC đã được áp dụng thành công trên quy mô lớn như quản lý định danh toàn bộ thành viên tham gia Thế vận hội và Paralympic Tokyo 2021.

    Tờ Công an Nhân dân cho biết, với công nghệ của NEC, một người đến tuổi làm chứng minh nhân dân sẽ được lưu giữ khoảng 1.700 ảnh chân dung. Những ảnh lưu này được thực hiện trên công nghệ sinh trắc học và việc nhận dạng con người qua ảnh sẽ tương đồng theo chu kỳ sinh học với người thật, đang sống theo thời gian và độ tuổi.

    Vì vậy, từ một bức ảnh chụp ở độ tuổi làm chứng minh nhân dân sẽ được hệ thống nhận dạng sinh trắc học di động của NEC lưu giữ suốt đời. Hệ thống này sẽ nhận dạng con người qua hệ thống kiểm soát cửa khẩu tự động, hệ thống kiểm soát ra vào cửa khẩu…

    Tờ báo nói thêm rằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến của NEC sẽ giúp cho lược lượng công an quản lý tốt hơn dân cư và tội phạm.

    Việt Nam hiện đang thúc đẩy quá trình phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025. Trong chiến lược vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký phê duyệt vào ngày 28/4, Việt Nam đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, bao gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số, phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia, phát triển dữ liệu số quốc gia, phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; và bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. Mục tiêu mỗi người dân có danh tính số kèm theo mã QR là một trong những nội dung cũng được đề ra trong chiến lược trên.

    Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường ra toà vào ngày 12/5

    RFA
    28/4/2022


    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-medical-vice-minister-to-stand-trial-on-may-12-04282022094948.html/@@images/image

    Cựu Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường (thuốc chỉ mang tính minh hoạ) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAP/RFA edit 

    Cựu Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cùng 13 người khác bao gồm các cựu quan chức Y tế và Hải quan sẽ ra hầu toà vào ngày 12 tháng 5 tới đây trong vụ buôn bán thuốc chữa ung thư giả của Công ty VN Pharma. Truyền thông Nhà nước trích nguồn tin từ Toà án Nhân dân TP Hà Nội cho biết như vậy hôm 28/4.

    Ông Trương Quốc Cường bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285 Bộ Luật Hình sự năm 1999.

    Bị truy tố cùng tội danh và ra hầu toà lần này con có ông Nguyễn Việt Hùng (cấp phó ông Cường ở Cục Quản lý dược) và Lê Đình Thanh (nguyên công chức Cục Hải quan TP.HCM).

    Hai bị cáo khác bị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ theo Điều 281 BLHS năm 1999 gồm: Nguyễn Thị Thu Thủy, Phạm Hồng Châu - nguyên là Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.

    Chín người còn lại ra hầu toà bị truy tố tội buôn bán thuốc giả, trong đó có ông Nguyễn Minh Hùng - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty VN Pharma, Võ Mạnh Cường - cựu Giám đốc Công ty TNHH thương mại Hàng hải Quốc tế H&C.

    Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, số thuốc giả mang nhãn mác Health 2000 Canada được VN Pharma bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc tổng cộng hơn 623.000 họp, thu lợi bất chính số tiền hơn 31,5 tỷ đồng.

    Ông Cường khi đó là Cục trưởng Cục Quản lý dược, Phó Chủ tịch thường trực, được Chủ tịch ủy quyền điều hành Hội đồng Xét duyệt thuốc đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao; thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc.

    Ông Cường đã đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp, dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, với trị giá hơn 148 tỉ đồng.

    Ông Cường được ghi nhận tình tiết giảm nhẹ vì đã nộp 1,8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.


    Không có nhận xét nào