Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Tòa án TPHCM tuyên 108 năm tù 12 người dân trong phiên toà bị cho là “vi phạm tố tụng”

    RFA
    19/4/2022

    Tòa án TPHCM tuyên 108 năm tù 12 người dân trong phiên toà bị cho là “vi phạm tố tụng”

    Bà Trần Ngọc Xuân (ảnh trái) và quang cảnh phiên tòa /FB Nguyen Van Mieng/báo Người Lao Động 

    Các bị cáo bị tuyên án nặng nề dù một mực kêu oan trong một phiên tòa chính trị.

    Hôm 18 tháng 4, Toà án Nhân dân TP. HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với 12 người bị cáo buộc tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. 

    Phiên toà diễn ra chỉ trong vỏn vẹn một ngày với kết quả là các bị cáo phải nhận những bản án nặng nề, từ 3 đến 13 năm tù giam. 

    Điều đáng chú ý là không một ai trong số những người bị xét xử thừa nhận tội danh mà Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM áp đặt lên họ, trong khi đó luật sư thì cho rằng phiên toà đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng. 

    Trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho bà Trần Thị Ngọc Xuân là một trong 12 bị cáo, cho biết nhận định của ông về phiên toà:

    “Thực ra tôi đã nói tại phiên toà rằng phiên toà này vi phạm tố tụng bởi vì tất cả là 9 vụ án khác nhau ở các tỉnh thành khác nhau, nhưng lại gom thành một vụ, khiến cho bà Xuân trở thành nhân vật nghiệm trọng, cái hành vi của bà ấy trở thành nghiêm trọng. 

    Cái đó là vi phạm luật Tố tụng Hình sự về vấn đề sát nhập vụ án, bởi vì giữa 12 người này họ không có một cái liên kết nào cả. Chỉ có trường hợp của bà Xuân là biết 2 người trong số đó, nhưng mà mối quan hệ đó không phải là mật thiết theo cái kiểu cấp bậc trưởng nhóm phó nhóm, hoàn toàn biết nhau theo cái hướng là biết nhau vậy.”

    Theo luật sư thì Viện Kiểm sát đã cáo buộc bà Trần Thị Ngọc Xuân là người tích cực nhất trong nhóm 12 người, do đó bà này bị tuyên án 13 năm tù giam, nặng nhất trong số 12 người. 

    Lý do những người này bị buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 109 của Bộ luật Hình sự là vì họ bị cho là đã “lôi kéo người dân tham gia tổ chức Chính phủ Việt Nam Lâm thời” của ông Đào Minh Quân. 

    Đây là một tổ chức bị Bộ Công an Việt Nam liệt vào danh sách phản động, hay thậm chí là khủng bố. 

    Tuy nhiên theo vị luật sư của đoàn luật sư TP. HCM thì bản thân những người này không hề có ý định “lật đổ”, mà chỉ đơn thuần nghĩ rằng mình đang giúp đỡ người nghèo.

    “Trong tất cả 12 bị cáo này, tôi nhận định chung là họ ở trong tình trạng nghèo khổ và ít học, cho nên khi thấy một chương trình đưa ra ở trên mạng nói rằng có 18 chương trình của Liên Hiệp Quốc kết hợp với một chính phủ lầm thời nào đó, sẽ cấp đất cấp nhà thế là họ giới thiệu cho những người nghèo khác, và họ đăng ký, cũng có những người thấy nhiều người khác nghèo hơn mình nên đã giới thiệu cho những người đó để họ được cấp đất, cấp nhà để được an cư lập nghiệp, thế rồi bị bắt.”

    Luật sư cũng cho biết trong số những người bị xét xử còn có hai người thuộc sắc dân Ê-đê và một người thuộc sắc dân M’Nông, đều tới từ tỉnh Đắk Lắk. Những người này phải tham dự phiên toà trong điều kiện không có người phiên dịch, mặc dù năng lực nghe hiểu tiếng Việt không tốt. 

    Trong số những người bị xét xử thì chỉ duy nhất bà Trần Thị Ngọc Xuân là không nhận tội và không chấp nhận bản án, 11 người còn lại dù không thừa nhận động cơ của mình là có tính chất lật đổ chính quyền nhưng đã chấp nhận bản án và xin khoan hồng. 

    Đáng chú ý là chỉ có mình bà Xuân là có thuê  luật sư, còn lại 11 người khác đều được tòa chỉ định luật sư do khung hình phạt lên đến tử hình. 

    Khi được hỏi là liệu thân chủ của mình là bà Trần Thị Ngọc Xuân có kháng cáo hay không, luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết:

    “Trước khi rời phiên toà thì bà Xuân có chào tôi và tôi nhắc với bà ấy rằng là bà có 15 ngày để kháng cáo, thì bà nói là bà sẽ suy nghĩ xem có kháng cáo hay không. 

    Trước đây tại trại giam bà có nói chuyện với tôi là cái tình trạng giam giữ của tù nhân Việt Nam nó quá khắc nghiệt, đến ngày hôm nay là bà đã bị giam hai năm tại số 4 Phan Đăng Lưu, và bà ấy thấy rằng cái tình trạng tù tội như vậy nó khắc nghiệt quá. 

    Cho nên thường thì xu hướng của những người có sức khoẻ yếu là họ sẽ quyết định không kháng cáo, còn trường hợp của bà ấy thì bà có nói như vậy nhưng tôi không biết là quyết định của bà trong 15 ngày tới là sẽ như thế nào.”

    Quân đội Việt Nam và Nga 'sẽ diễn tập quân sự chung'

    Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu thăm Hà Nội ngày 23/01/2018

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu thăm Hà Nội ngày 23/01/2018

    Nga vừa cho biết sẽ cùng Việt Nam tiến hành diễn tập quân sự chung nhằm rèn luyện kỹ năng chỉ huy và tham mưu trong việc tổ chức hoạt động huấn luyện chiến đấu.

    Cơ quan báo chí Quân khu phía Đông của Nga thông báo ngày 19/4:

    "Lần đầu tiên tại trụ sở Quân khu phía Đông đã tổ chức và tiến hành hội nghị lập kế hoạch diễn tập quân sự chung Nga-Việt. Cuộc họp của các phái đoàn diễn ra dưới hình thức video trực tuyến."

    Cuộc họp trực tuyến diễn ra giữa Thiếu tướng Sergei Lagutkin, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát khu vực, và Đại tá Ivan Taraev, Trưởng phòng Hợp tác quân sự quốc tế. 

    Ở phía Việt Nam, Thiếu tướng Đỗ Đình Thanh, Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, tham dự cuộc họp.

    Đại tá Ivan Taraev cho biết, mục tiêu của cuộc diễn tập quốc tế sẽ là "nâng cao kỹ năng thực hành của cán bộ chỉ huy và tham mưu trong việc tổ chức huấn luyện chiến đấu và quản lý các đơn vị trong tình huống chiến thuật khó khăn, cũng như phát triển các giải pháp phi tiêu chuẩn khi thực hiện nhiệm vụ".

    Các bên đã đề xuất có thể sẽ gọi tên cuộc diễn tập là "Kontinentalnyi Soyuz - 2022" (Liên minh lục địa 2022).

    Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham dự Hội thao Quân sự quốc tế 2021 (Army Games) tại Nga tháng Tám 2021

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham dự Hội thao Quân sự quốc tế 2021 (Army Games) tại Nga tháng Tám 2021

    Nga và Việt Nam có quan hệ quốc phòng gắn bó.

    Tháng Sáu 2021, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã điện đàm với Đại tướng Sergey Kuzhugetovich Shoygu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.

    "Trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam, nhân dân và các lực lượng vũ trang Liên bang Xô Viết, trong đó có Liên bang Nga đóng vai trò then chốt, luôn sát cánh cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và tri ân sự ủng hộ, giúp đỡ chí nghĩa, chí tình, to lớn và hiệu quả của các đồng chí, nhiều thế hệ cán bộ của Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô trước đây và Liên bang Nga đã trở thành những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam" - Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

    Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bangNga. Alexey Yurievich Krivoruchko đã thăm Hà Nội vào tháng Chín 2021.

    Chiến lược quốc phòng của Việt Nam

    Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 nói, Việt Nam không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

    Tài liệu này cũng nói: "Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, chúng ta sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau."

    Sau khi Nga xâm lược Ukraine, trên phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam cũng xuất hiện một số bài viết khẳng định lại quan điểm quốc phòng - ngoại giao Việt Nam.

    TS Nguyễn Văn Sơn (Học viện An ninh nhân dân) viết: "Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ phát ngôn và hành động nào của Việt Nam đề cập đến việc ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine và Việt Nam cũng không "thiên vị" hay đứng về bất kỳ một bên nào xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine. Những luận điệu cho rằng Việt Nam đứng bên này để chống bên kia, "cổ suý chiến tranh" là hoàn toàn sai trái, bịa đặt."

    Hôm 23/3, Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng nói: "Chúng ta không đứng về bên nào, chúng ta bảo vệ lẽ phải, bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đồng thời, Việt Nam không chấp nhận để nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, hoặc là sử dụng một phần lãnh thổ Việt Nam để phát động chiến tranh xâm lược nước thứ ba."

    Tương tự, Pgs, Ts Phan Trọng Hào (Hội đồng Lý luận Trung ương) nói về 'bốn không' và 'bốn tránh': "Cùng với thực hiện chính sách quốc phòng "bốn không", Việt Nam cũng chủ trương "bốn tránh": (1) Tránh xung đột về quân sự; (2) Tránh bị cô lập về kinh tế; (3) Tránh bị cô lập về ngoại giao; (4) Tránh bị lệ thuộc về chính trị. Có thể nói đây là hệ thống đồng bộ các quan điểm chiến lược của Việt Nam về chính sách quốc phòng và đối ngoại nhằm tạo lập và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, góp phần huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN."

    Dư luận xôn xao việc mua bán 600 căn biệt thự thời Pháp, Hà Nội đột ngột tuyên bố dừng bán

    RFA
    19/4/2022

    Dư luận xôn xao việc mua bán 600 căn biệt thự thời Pháp, Hà Nội đột ngột tuyên bố dừng bán

    Hình minh hoạ: Toà nhà Chính phủ ở Hà Nội có từ thời Pháp /AFP 

    Chính quyền thành phố Hà Nội vào chiều ngày 19/4 đột ngột thông báo dừng bán các biệt thự cổ có từ thời Pháp trước năm 1954 với lý do để rà soát sau khi nhận được các thông tin phản ánh.

    Trước đó hai ngày, báo chí trong nước loan tin Hà Nội rao bán 600 căn biệt thự cũ thuộc sở hữu Nhà nước nhằm tạo vốn cho việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc.

    Cũng theo báo chí trong nước, có căn biệt thự được rao bán trên mạng với giá khoảng 516 triệu đồng / m2, tương đương 165 tỷ đồng ở ngày trung tâm Hà Nội.

    Dư luận trên mạng xã hội đặt nhiều câu hỏi về việc các căn biệt thự này sẽ được bán cho ai, tiến bán biệt thự sẽ được sử dụng minh bạch như thế nào.

    Trong cuộc họp báo vào chiều ngày 19/4, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết quỹ nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước chủ yếu được hình thành khi thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà ở, công tư hợp doanh, nhà vắng chủ và nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ. Các biệt thự cũ do nhiều công ty kinh doanh nhà quản lý và cho hộ gia đình, cá nhân thuê.

    Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, thành phố có 970 nhà biệt thự có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước. Theo đó, Hà Nội có 207 biệt thự thuộc danh mục không bán do nằm ở trung tâm chính trị Ba Đình, đang cho doanh nghiệp thuê, rộng hơn 500 m2...; 600 biệt thự đang bán dở dang, đề nghị tiếp tục bán (mới bổ sung 1); 164 biệt thự đã bán trọn biển số nhà cho hộ dân theo Nghị định 61, tập trung tại khu Đội Cấn, Trung Tự, Vĩnh Hồ.

    Trong 600 biệt thự thuộc diện bán có 5.686 hộ ký hợp đồng thuê và đã bán được gần 5.000 hộ. Hiện còn 713 hộ đang thuê ở trong những căn biệt thự chưa bán, do đó trong văn bản mới đây thành phố đề xuất tiếp tục bán những căn còn lại trong danh mục 600 căn này.

    Hiện không rõ thành phố có tiếp tục rao bán các biệt thự cổ này hay không và nếu có thì bao giờ.


    Việt Nam bắt cựu Tư lệnh và hàng loạt tướng, tá Cảnh sát Biển 

    18/4/2022

    VOA Tiếng Việt 

    Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - cựu Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam.

    Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - cựu Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam. 

    Việt Nam vừa bắt giam 5 tướng lĩnh, bao gồm cựu Tư lệnh Cảnh sát Biển, và 2 sĩ quan cấp tá của lực lượng này vào ngày 18/4 với cáo buộc “Tham ô tài sản”.

    Các tướng tá bị bắt bao gồm: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, cựu Tư lệnh Cảnh sát Biển; Trung tướng Hoàng Văn Đồng, cựu Chính ủy; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, cựu Phó Chính ủy; Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, cựu Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, cựu Phó Tư lệnh, Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chủ nhiệm Kỹ thuật và Phó Tư lệnh và Thượng tá Bùi Văn Hòe, Phó Phòng Tài chính.

    Các tướng tá trên bị điều tra về tội “Tham ô tài sản”, theo khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự và các quyết định đã được Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương phê chuẩn, báo chí Việt Nam dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng cho biết.

    Vụ bắt giữ theo sau quyết định cách chức và khai trừ đảng các lãnh đạo trên vào tháng 10/2021 vì vai trò của họ trong Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát Biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020. Trước đó, ngày 30/9, Đảng Cộng sản công bố ban lãnh đạo nhiệm kỳ này có những “vi phạm rất nghiêm trọng”.

    Hàng loạt cán bộ cấp tướng, người đứng đầu bị cáo buộc “suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương, làm thất thoát, thiệt hại rất lớn tiền và tài sản của Nhà nước, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh của Cảnh sát biển và Quân đội nhân dân Việt Nam, gây bức xúc dư luận xã hội, đến mức phải thi hành kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng”, theo thông cáo của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 1/10/2021.

    Trong một diễn tiến liên quan, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng Việt Nam hiện đang điều tra một vụ án khác liên quan đến sai phạm về xăng dầu.

    Theo đó, Cục Điều tra Hình sự đã khởi tố 14 người về tội “Nhận hối lộ”, trong đó có nhiều người giữ vị trí quan trọng trong lực lượng Cảnh sát biển như Thiếu tướng Lê Xuân Thanh và Thiếu tướng Lê Văn Minh.

    Theo quyết định kỷ luật của Ban Bí thư, Thiếu tướng Lê Xuân Thanh với cương vị Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, đã vi phạm pháp luật trong việc ký các văn bản, hồ sơ để thanh toán chi phí xử lý vụ việc, thuê phương tiện, xăng dầu, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.

    Thiếu tướng Lê Văn Minh với cương vị Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã vi phạm pháp luật trong việc ký, phê duyệt các văn bản, hồ sơ xử lý các vụ việc, thuê phương tiện và đề nghị thanh toán, rút tiền từ ngân sách nhà nước.

    Trong vụ án được công bố vào ngày 28/12, nhiều cán bộ Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển đã bị cáo buộc nhận hối lộ, tiếp tay và bảo kê cho đường dây sản xuất hơn 200 triệu lít xăng giả.

    Theo ước tính của cơ quan điều tra, trong khoảng thời gian từ tháng 8/2020 cho đến khi bị bắt, đường dây này đã đưa ra thị trường hơn 200 triệu lít xăng giả, với trung bình một triệu lít mỗi ngày.

    Vụ án được xem là có tính chất “đặc biệt nghiêm trọng” nên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

    Kontum: Một ngày có năm trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông

    RFA
    18/4/2022

    Kontum: Một ngày có năm trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông

    Tâm chấn động đất tại tỉnh Kon Tum 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngViện Vật lý 

    Một trận động đất có độ lớn 4.5, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km đã xảy ra tại khu vực thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kontum vào ngày 18/4. Đây là trận động đất thứ hai được cảnh báo có độ lớn trên 4.1 xảy ra tại tỉnh này.

    Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu cho truyền thông hay tin trên trong cùng ngày.

    Theo Trung tâm, từ 15/4 đến 18/4, tại khu vực huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum đã xảy ra liên tiếp hàng chục trận động đất nhỏ có độ lớn dưới 3.5. Riêng trận động đất trên 4.1 đã có hai trận. Một trận xảy ra hôm 15/4 và trận xảy ra sáng 18/4 như vừa nêu trên.

    Cụ thể, trong ngày 18/4, đây là trận động đất thứ năm diễn ra trong một ngày. Bốn trận động đất trước lần lượt có độ lớn từ 2.9 đến 4.1.

    Trong ngày 17/4, cũng tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cũng đã xảy ra năm trận động đất liên tục, với các độ lớn từ 2.7 đến 3.0.

    Theo Viện vật lý địa cầu, tình trạng động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra một thời gian dài với các trận động đất nhỏ nhưng thời gian gần đây bắt đầu có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ.

    Truyền thông Nhà nước dẫn lời Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu - ông Nguyễn Xuân Anh rằng, khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ, do đó các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5.0. Mặc dù các trận động đất từ đầu năm 2022 đến nay không gây rủi ro về thiên tai nhưng Viện vẫn tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu về các trận động đất tại huyện Kon Plông.

    Qua đó, ông Nguyễn Xuân Anh cũng đưa ra khuyến cáo rằng người dân và chính quyền khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng. Ngoài ra, khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi người dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn; đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.

    Để chủ động ứng phó với tình huống động đất tại Kontum, ngày 19/4, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ tổ chức cuộc họp với đại diện Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Xây dựng, Viện vật lý địa cầu và UBND tỉnh Kon Tum, các công ty quản lý công trình thủy điện trên địa bàn Kon Tum, đặc biệt là thủy điện Thượng Kon Tum.


    Không có nhận xét nào