Cáp quang biển APG gặp sự cố, Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng
RFA
18/4/2022
Các tuyến cáp quang biển bị sự cố đang được sửa chữa (Hình minh hoạ)
vov,congluan-RFA edited
Tuyến cáp quang biển quốc tế nối Châu Á-Thái Bình Dương Asia Pacific Gateway (APG) đã gặp sự cố trên phân đoạn S1.7 cách khu vực Đông Nam Á khoảng 910km, khiến kết nối internet hướng đi quốc tế từ Việt Nam bị ảnh hưởng.
Nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho truyền thông hay tin trên trong ngày 17/4 đồng thời cho biết sự cố trên xảy ra hôm 15/4.
ISP cũng cho biết đến thời điểm này đơn vị quản lý tuyến cáp chưa thông tin đến các nhà mạng về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố.
Theo ISP, đây là lần đầu tiên trong năm 2022, tuyến cáp APG gặp sự cố. Trước đó trong năm 2021, tuyến cáp này đã bốn lần gặp sự cố, gần nhất là sự cố xảy ra vào các ngày 5/12 và 13/12 trên hai hướng cáp kết nối đi Nhật và Hong Kong. Đến cuối tháng 2/2022, việc sửa chữa và khôi phục dung lượng mới được hoàn thành.
Tuyến cáp quang biển quốc tế APG được đưa vào vận hành giữa tháng 12/2016, có chiều dài khoảng 10.400 km, đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Cuối tháng 12/2021, theo báo cáo của Internet Việt Nam, cáp quang biển tại Việt Nam bình quân gặp sự cố khoảng 10 lần mỗi năm, mỗi lần sửa có thể kéo dài cả tháng. Điều này khiến nhà mạng viễn thông trong nước chỉ khai thác, sử dụng được 3/4 công suất của tuyến cáp đó.
Tại Việt Nam, lưu lượng truy cập internet từ các địa chỉ nước ngoài hiện lớn hơn nhiều so với trong nước. Vì thế, mỗi lần các tuyến cáp biển quốc tế gặp sự cố thì chất lượng dịch vụ internet của hầu hết các nhà mạng tại Việt Nam đều bị ảnh hưởng, đặc biệt trong việc truy cập các ứng dụng như Google, Facebook hay Youtube …
Việt Nam bắt đầu cấp ‘hộ chiếu vắc xin’ cho toàn dân từ ngày 15/4
VOA Tiếng Việt
Mẫu hộ chiếu vắc xin của Việt Nam trên ứng dụng PC Covid-19.
Bộ Y tế Việt Nam vừa bắt đầu cấp hộ chiếu vắc-xin điện tử cho người dân trên toàn quốc vào ngày 15/4.
Theo biểu mẫu được Bộ Y tế ban hành từ tháng 12/2021, hộ chiếu vắc xin của Việt Nam sẽ bao gồm 11 khung thông tin, bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, bệnh dịch, số mũi tiêm, ngày tiêm, liều số, sản phẩm vắc-xin đã nhận, nhà sản xuất vắc xin và mã chứng nhận. Thông tin được hiện thị bằng mã QR Code để bảo mật. Mã này sẽ hết hạn sau 12 tháng. Sau khi hết hạn, người dân sẽ được thông báo cho việc tạo mã QR mới thay thế.
Hộ chiếu vắc xin có trên ứng dụng PC Covid-19 hoặc “Sổ sức khoẻ điện tử”. Nếu không có ứng dụng này, người dân có thể lấy hộ chiếu bằng cách truy cập cổng thông tin của Bộ Y tế và điền các thông tin cần thiết. Sau đó, họ sẽ nhận được hộ chiếu qua email.
Tính đến tối 15/4, Bộ Y tế đã cấp hộ chiếu vắc xin cho khoảng 500.000 người dân thuộc 200 cơ sở tiêm chủng.
Theo Bộ này, hộ chiếu vắc-xin sử dụng các tiêu chuẩn do WHO và EU ban hành và hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và có thể nhiều hơn trong thời gian tới.
Các quốc gia đã chấp nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.
Tính đến ngày 14/4, Việt Nam đã tiêm chủng gần 209 triệu liều vắc xin COVID-19, với gần 100% người trên 18 tuổi đã được tiêm đủ hai mũi và hơn 51% đã được tiêm mũi nhắc lại.
Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng bắt đầu được tiêm chủng kể từ ngày 14/4 và cũng sẽ được cấp “hộ chiếu vắc xin” như người lớn.
Canada tài trợ 4,4 triệu đôla cho dự án giúp phụ nữ miền núi Việt Nam làm kinh tế
Ngoại trưởng Canada Melanie Joly trao đổi với một nữ nông dân trồng trà ở Việt Nam. Photo Facebook Embassy of Canada to Vietnam.
Chính phủ Canada vừa công cố tài trợ một dự án giúp hàng ngàn phụ nữ dân tộc miền núi Việt Nam cải thiện đời sống kinh tế trị giá 4,4 triệu đôla.
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly ngày 14/4 công bố khoản tài trợ mới này cho dự án Nâng quyền kinh tế cho phụ nữ tiến bộ tại Việt Nam (AWEEV), do Care Canada phối hợp với CARE International tại Việt Nam và các đối tác địa phương thực hiện.
“Dự án này sẽ thúc đẩy quyền của phụ nữ dân tộc thiểu số bằng cách tăng cường sự tham gia của họ vào các hoạt động kinh tế có nhận thù lao, đồng thời củng cố tiếng nói và vai trò lãnh đạo của họ”, thông cáo của chính phủ Canada cho biết khi Ngoại trưởng Joly kết thúc chuyến công du ba ngày đến Việt Nam, từ ngày 12-14/4.
Theo một thông cáo trước đó của tổ chức CARE International, dự án AWEEV dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 2.635 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số từ 1.550 hộ gia đình sống ở vùng sâu vùng xa của hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang giúp họ cải thiện điều kiện kinh tế.
AWEEV được thiết kế phù hợp với Chính sách Hỗ trợ Quốc tế về Nữ quyền (FIAP) của Bộ Các Vấn đề Toàn cầu (GAC) của chính phủ Canada. Thiết kế của dự án được củng cố bằng cách tiếp cận dựa trên quyền để giải quyết bất bình đẳng giới đối với nhóm phụ nữ nghèo và yếu thế nhất ở Việt Nam.
Ngoại trưởng Canada Melanie Joly công du Việt Nam từ ngày 12-14/4/2022. Photo Facebook Embassy of Canada to Vietnam.
Ông Brian Allemekinders, Tham tán Hợp tác Phát triển - Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho biết: “Canada hợp tác để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng tôi tin rằng việc phát huy hết tiềm năng của phụ nữ để đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng là chìa khóa để đạt được các mục tiêu quốc gia. Canada mong muốn những kết quả mục tiêu của dự án được hiện thực hóa, bao gồm cải thiện đời sống kinh tế cũng như giảm gánh nặng chăm sóc cho phụ nữ nghèo ở nông thôn, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số”.
Hôm 14/4, Ngoại trưởng Joly gặp gỡ những phụ nữ trồng trà ở Thái Nguyên và Hà Giang và tìm hiểu về cách thức mà viện trợ của Canada đang giúp họ nâng cao thu nhập, trở thành những người chủ doanh nghiệp, theo thông tin của Đại sứ quán Canada tại Hà Nội.
Ngoài ra, bà Joly gặp gỡ sinh viên và các nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ đến từ Đại học Thái Nguyên.
Thông báo của Đại sứ quán Canada viết: “Cuộc đấu tranh của họ chống lại những định kiến và bạo lực đối với phụ nữ sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người. Quyền của phụ nữ là quyền con người.”
Trước đó, vào tháng 2/2022, khi trao giải thưởng Tự do Truyền thông 2022 cho nữ nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm, Ngoại trưởng Joly viết trên Twitter khen ngợi “lòng quả cảm và quyết tâm” của bà Trang. Việt Nam phản đối việc chính phủ Canada và Anh Quốc trao giải thưởng này.
12 người ra tòa theo cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’
RFA
18/4/2022
Phiên toà xét xử 12 người ở TPHCM hôm 18/4/2022
PLO
Phiên xử 12 người bị cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo Điều 109 Bộ Luật Hình sự VN diễn ra ngày từ 18/4 và dự kiến kéo dài sang ngày 19/4 tại Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh.
Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn cáo trạng nói bà Trần thị Ngọc Xuân, 53 tuổi và 11 người khác bị lôi kéo bởi các thành viên của tổ chức tại Hoa Kỳ có tên ‘Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời’ do ông Đào Minh Quân cầm đầu.
Nếu bị kết tội những người này phải đối diện mức án từ 5-20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.
Cáo trạng cho rằng bà Trần Ngọc Xuân được người có tên Lâm Ái Huê tự xưng là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Tài chính của "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" hướng dẫn thủ tục đăng ký làm thành viên tổ chức. Sau đó, bà Xuân được giao nhiệm vụ hoạt động tại khu vực TPHCM, nhận nhiều tài liệu mà cáo trạng nói ‘xuyên tạc về tình hình Việt Nam’. Bà Xuân bị cho thường xuyên dùng Facebook phát trực tiếp các nội dung kêu gọi người dân tham gia tổ chức và thực hiện "trưng cầu dân ý" bầu cho ông Đào Minh Quân làm "Tổng thống Đệ tam Việt Nam Cộng Hòa.
Cơ quan Điều tra nói từ tháng 3 đến tháng 6/2018, bà Xuân lôi kéo, hướng dẫn chồng, hai con ruột và ba người khác tham gia tổ chức. Ngày 19/2/2019, bà Xuân lợi dụng việc đi thăm các hộ nghèo ở phường Tam Bình, TP Thủ Đức, phát năm bộ tài liệu với nội dung ‘tuyên truyền chống phá Nhà nước’. Bà này được các thành viên tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" cho điện thoại di động, 300 USD, 400 đô la Canada và ba triệu đồng.
Tại khu vực Đồng Nai, bà Lương Thị Thu Hiền, 54 tuổi, giới thiệu "đang tham gia tổ chức từ thiện ở nước ngoài", thu thập thông tin nhiều hộ nghèo để "hỗ trợ". Cáo trạng xác định, thực chất bà này lấy thông tin người dân để đăng ký "trưng cầu dân ý" cho ông Đào Minh Quân.
Những người khác bị cáo buộc đã thực hiện hành vi tương tự ở các tỉnh An Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên và Kon Tum. Ngoài ra, họ còn làm cờ vàng ba sọc đỏ của Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà với nhiều kích thước, in, phát tán các tài liệu như "Hiến pháp lâm thời", "Hiến pháp Đệ tam Việt Nam Cộng hòa", "Sơ lược tiểu sử Thủ tướng Đào Minh Quân"... để nhiều người biết đến tổ chức này và thực hiện "trung cầu dân ý".
Phiên xử bà Trần Thị Ngọc Xuân cùng với 11 người vừa nêu từng được dự kiến diễn ra trong hai ngày 29 và 30/3/2022. Tuy nhiên, vào chiều ngày 28/3, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bảo vệ quyền lợi cho bà Trần Thị Ngọc Xuân, được thư ký toà án gọi điện thông báo rằng bà Xuân bị nhiễm COVID nên phiên toà sơ thẩm phải hoãn lại.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết, 12 bị can trong vụ án này bị bắt trong năm 2020 và ban đầu bị khởi tố theo chín vụ án riêng lẻ ở nhiều tỉnh, thành khác nhau như TPHCM, An Giang, Đồng Nai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Nông và Phú Yên…
Từ tháng ba đến tháng 8/2020, các vụ án này đã bị nhập lại thành một vụ án lớn vì có chung các hành vi như đăng ký, tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, thực hiện “trưng cầu dân ý”, phát hành, tuyên truyền các tài liệu “hiến ước lâm thời”, “Hiến pháp Đệ III Cộng hòa” và “Sơ lược Tiểu sử Thủ Tướng Đào Minh Quân”…
Không có nhận xét nào