Để mất 303 ha rừng, chín cán bộ, nhân viên công ty lâm nghiệp Ea Kar bị phạt tù
RFA
Rừng Ea Kar bị phá tan hoang. /infonet.vn
Chín cán bộ, nhân viên công ty Lâm nghiệp Ea Kar tỉnh Đắk Lắc vừa bị tuyên phạt từ hai đến năm năm tù về tội để mất hơn 303 hecta rừng.
Toà sơ thẩm tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên xử và tuyên phạt nhóm cán bộ, nhân viên công ty Lâm nghiệp Ea Kar trong ngày 14/4, tuy nhiên mức án được nói thấp hơn nhiều so với đề nghị của Viện kiểm sát
Cụ thể, ông Nguyện Hồng Mạnh, Chủ tịch Công ty bị toà tuyên năm năm tù giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, trong khi trước đó Viện kiểm sát đề nghị mức án từ chín đến mười năm tù giam.
Phan Văn Đức, nguyên Phó giám đốc nhận bản án bốn năm sáu tháng tù, trong khi VKSND đề nghị tám đến chín năm tù.
Theo tờ Người lao động, không chỉ hai ông Mạnh và Đức lãnh án dưới khung Viện Kiểm sát đề nghị mà cả bảy người còn lại cũng lãnh mức án dưới khung.
Theo hồ sơ vụ án, vào ngày 18/8/2019, Công an huyện Ea Kar phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk bắt quả tang bốn đối tượng khai thác trái phép sáu cây gỗ trên lâm phần do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý bảo vệ.
Trước đó, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã phát hiện nhiều vị trí rừng bị khai thác trái phép. Theo số liệu tổng hợp của công an, từ năm 2015 đến 2019, công ty Ea Kar đã để mất hơn 303 hecta rừng, với gần 29.000m3 gỗ, thiệt hại hơn 29,4 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, phía Viện kiểm sát cho rằng công ty Ea Kar được nhà nước giao quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng tự nhiên đã có sẵn nhưng lại không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao. Việc thiếu trách nhiệm trong quản lý của ban giám đốc và nhân viên công ty đã khiến rừng tự nhiên liên tục bị khai thác trái phép. Do đó cần có một bản án nghiêm khắc để răn đe, giáo dục, phòng vừa tình trạng khai phá rừng trái phép.
Được biết, tại phiên toà phía đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk chưa yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại số tiền hơn 29 tỉ đồng.
Trong cùng ngày, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã khởi tố vụ án huỷ hoại 400 ha rừng tự nhiên tại xã Ya Tờ Mốt huyện Ea Súp để tiếp tục điều tra, làm rõ sai phạm.
Công an triệu tập người kêu gọi biểu tình ủng hộ bà Nguyễn Phương Hằng
Tiktoker L.V.P. tại buổi làm việc với công an /FB Đất Thủ quê hương tôi
Công an Thị xã Tân Uyên (Bình Dương) hôm 15/4 cho báo Nhà nước biết đã triệu tập và phạt hành chính một người vì kêu gọi biểu tình tại khu du lịch Đại Nam của bà Nguyễn Phương Hằng - người vừa bị công an bắt giữ hồi tháng trước với cáo buộc vi phạm Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
Theo thông tin từ công an, người bị mời làm việc là L.V.P. (sinh năm 1990, quê Đồng Tháp). Người này đã sử dụng tài khoản cá nhân của mình trên Tiktok có tên @phunguniexport để đăng tải video kêu gọi biểu tình ngay trước cổng khu du lịch Đại Nam nơi bà Hằng là Tổng giám đốc.
Theo thông tin từ trang Facebook thân chính phủ có tên Đất Thủ quê hương tôi, video kêu gọi người tham gia biểu tình vào ngày 27/3/2022 tại khu du lịch Đại Nam, phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Người đăng video thừa nhận với công an là đã đăng video này vào ngày 26/3 vì mục đích câu view và like, hứa sẽ gỡ bỏ video này và cam kết không tái phạm
Hiện tại trên tài khoản TikTok của người này đã không còn video đó nữa.
Bà Hằng trước khi bị bắt là người thường xuyên thực hiện các livestream chỉ trích nhiều người nổi tiếng bao gồm các nghệ sĩ và nhà báo, cho rằng họ là những người đã ăn chặn tiền từ thiện của người nghèo. Bà Hằng cũng tấn công Tịnh Thất Bồng Lai, một cơ sở tu tại gia ở Long An, chỉ trích cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.
Các livestream của bà Hằng thường thu hút đông người xem, có khi lên đến một triệu người.
Theo truyền thông Nhà nước, Công an TPHCM đã xác định có nhiều người giúp sức, hỗ trợ bà Nguyễn Phương Hằng trong việc lên kịch bản, chuẩn bị nội dung, quản trị 12 kênh mạng xã hội, chuẩn bị trang thiết bị kỹ thuật…
Ngoài ra, công an cũng xác định những người làm và đăng các video lên YouTube, khách mời, tham gia chia sẻ, phát tán nội dung trong các buổi livestream là có liên quan, góp sức cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.
Game Axie Infinity của công ty Việt Nam bị hacker Bắc Hàn tấn công
Hình chụp hôm 10/12/2021: hai người giới thiệu cách chơi Axie Infinity tại ngoại ô Manila, Philippines. /AFP
Các hacker có liên quan đến Chính phủ Bắc Hàn đã tấn công vào một trò chơi trên mạng có tên Axie Infinity của một công ty Việt Nam hồi tháng trước, đánh cắp 620 triệu đô la trị giá tiền kỹ thuật số. Thông báo của Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết như vậy hôm 15/4.
Vụ đánh cắp mới này được cho là lớn nhất trong lịch sử tiền kỹ thuật số và đặt ra những câu hỏi đối với an ninh của ngành công nghiệp mới mẻ này.
Trò chơi Axie Infinity do công ty Sky Mavis của Việt Nam phát triển, cho phép người chơi mua và bán tốc độ sử dụng tiền trong trò chơi. Người chơi có thể kiếm tiền kỹ thuật số bằng việc chơi game hoặc trao đổi avatar với nhau.
FBI cho biết hai nhóm có tên Lazarus và APT38 có liên quan đến Bắc Hàn là thủ phạm phải chịu trách nhiệm trong vụ đánh cắp này.
Lazarus là nhóm nổi tiếng trong vụ tấn công hồi năm 2014 vào hãng Sony Pictures Entertainment để trả thù việc hãng này sản xuất bộ phim “The Interview”chế giễu lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un.
Chương trình mạng của Bắc Hàn được coi là chỉ mới bắt đầu vào khoảng giữa năm 1990 nhưng từ đó đã được phát triển lên đến 6.000 đơn vị tác chiến mạng và được biết đến với cái tên Phòng 121. Theo một báo cáo của quân đội Mỹ năm 2020, cơ quan này hoạt động tại nhiều quốc gia bao gồm Belarus, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Nga.
Cựu chi cục trưởng thuỷ sản Quảng Nam bị 14 năm tù vì “nhận hối lộ”
Bà Tâm và đồng phạm tại toà /Congan.com.vn
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, nguyên chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Quảng Nam bị đưa ra xét xử tại phiên toà diễn ra ngày 15/4 do nhận tiền hối lộ của chủ tàu và chỉ đạo chia chác tiền hối lộ.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong cùng ngày đồng thời cho biết với hành vi vi phạm trên, Toà án tỉnh Quảng Nam đã tuyên phạt bà Tâm tổng cộng 14 năm tù về hai tội “nhận hối lội” ( bảy năm tù) và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (bảy năm tù).
Cùng bị tuyên án với bà Tâm còn có ông Trần Quốc Việt (nguyên Trưởng phòng Tàu) 42 tháng tù, Nguyễn Huỳnh Nam (nguyên Phó phòng Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thuộc Chi cục Thủy sản) 24 tháng tù cùng về tội nhận hối lộ.
Ngoài ra, Toà Quảng Nam cũng tuyên phạt 19 ngư dân có liên quan tới vụ án trên với mức án từ 18 tháng tù treo đến 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, lợi dụng chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, 20 ngư dân huyện Duy Xuyên, mặc dù không đánh bắt xa bờ nhưng đã bắt tay với Cục Thuỷ sản tháo máy định vị của tàu mình gửi cho các chủ tàu đi đánh bắt xa bờ nhằm hợp thức hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhiên liệu, chiếm đoạt tiền của nhà nước.
Sau khi phát hiện sự việc, thay vì xử phạt vi phạm thì nhóm của bà Tâm đã nhận tiền hối lộ của chủ tàu vi phạm.
Với hành vi trên, cáo trạng ghi bà Tâm với chức trách là người đứng đầu Chi cục Thủy sản Quảng Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chương trình hỗ trợ ngư dân nhưng đã không làm tròn trách nhiệm, không giám sát việc niêm phong máy trên các tàu cá, tạo sơ hở để các chủ tàu hợp thức hồ sơ đề nghị hỗ trợ, gây thiệt hại số tiền ngân sách nhà nước hơn 2,7 tỷ đồng.
Không có nhận xét nào