Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Từ ‘trắng’ sang ‘chống’, Việt Nam muốn gửi thông điệp rõ ràng cho phương Tây? 

    12/4/2022 

    Khánh An-VOA 

    Phiên họp diễn ra cuộc bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc vào ngày 7/4/2022.

    Phiên họp diễn ra cuộc bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc vào ngày 7/4/2022. 

    Lá phiếu đổi màu từ vàng (phiếu trắng) của hai lần biểu quyết trước sang đỏ (phiếu chống) của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đang gây ra làn sóng chỉ trích đối với Hà Nội từ trong nước lẫn quốc tế. Các nhà nghiên cứu chính trị giải thích với VOA về “hậu trường” Hà Nội và đưa ra cái nhìn từ góc độ chuyên gia.

    Trong số 193 quốc gia thành viên bỏ phiếu về nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 7/4, Việt Nam nằm trong thiểu số 24 quốc gia chống lại nghị quyết.

    Phiên họp tại Đại Hội đồng LHQ nối lại chuỗi các phiên khẩn cấp đặc biệt về cuộc chiến ở Ukraine và theo sau các báo cáo về vi phạm của lực lượng Nga.

    Trước đó, nhiều bức ảnh đáng lo ngại đã xuất hiện từ thị trấn Bucha, ngoại ô thủ đô Kyiv, nơi hàng trăm thi thể thường dân được tìm thấy trên đường phố và trong các ngôi mộ tập thể sau khi Nga rút quân khỏi khu vực này.

    Quân đội Nga bị cáo buộc trách nhiệm khi nhiều thi thể thường dân được cho là bị trói và bị bắn ở cự ly gần. Vụ việc đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn cầu và những tuyên bố từ phương Tây rằng sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nhiều hơn nữa đối với Moscow.

    Cuộc biểu quyết loại Nga khỏi hội đồng nhân quyền LHQ nhận được sự ủng hộ của 93 quốc gia, 58 quốc gia bỏ phiếu trắng và 24 quốc gia bỏ phiếu chống. Nghị quyết cuối cùng được thông qua vì đạt được tỷ lệ đa số phiếu tán thành 2/3.

    Tuy nhiên, lá phiếu chống màu đỏ của Việt Nam lại nhận về làn sóng chỉ trích dữ dội và sự thất vọng từ người dân trong nước lẫn quốc tế.

    Một số người cho rằng Việt Nam đã “chọn phe” khi tự xếp mình vào chung hàng ngũ phiếu chống với Trung Quốc và một số ít quốc gia khác. Thậm chí, Giáo sư Carl Thayer khi trả lời Đài Á Châu Tự Do còn cho rằng Việt Nam đã “tự bắn vào chân mình”, tự làm khó mình giữa bối cảnh đang tranh cử để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

    “Tôi nghĩ lần này chắc phải có vấn đề gì trong đó, bởi vì đúng là họ đã chọn hai lần (phiếu) trắng, thì lần này chuyện gì đã xảy ra? Áp lực từ đâu để họ làm vấn đề này?”, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, đặt câu hỏi về quyết định “đổi màu” lá phiếu của Việt Nam.

    Ông đặt ra giả thuyết có thể Việt Nam đã chịu sức ép từ Trung Quốc khi đưa ra quyết định trên: “Vấn đề nhân quyền là một đằng, còn vấn đề địa chính trị để bảo vệ an ninh, kinh tế cho Việt Nam lại là chuyện khác. Tôi nghĩ họ cũng phải do dự trong vấn đề này. Nếu họ ở xa Trung Quốc một tí giống như Campuchia, thì họ có thể dễ nói chuyện hơn”.

    Theo GS. Ngô Vĩnh Long, Hà Nội cũng có thể cho rằng việc biểu quyết loại tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền LHQ là “không công bằng” khi chưa có chứng cứ điều tra rõ ràng về những tội ác mà Nga bị cáo buộc phạm phải trong cuộc chiến ở Ukraine.

    Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một chuyên gia nghiên cứu khách mời đang sống tại Hà Nội của Viện Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, bác bỏ khả năng Hà Nội chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh trong lần bỏ phiếu này.

    Ông nói: “Tôi ở ngay Hà Nội này và tôi biết Trung Quốc không thể có tác động gì vào việc Việt Nam làm gì hay không làm gì ở LHQ. Lần trước, lần thứ hai, thì Trung Quốc có tác động đến Lào, nói với Lào hãy bỏ phiếu chống, nhưng Lào họ bỏ phiếu trắng. Còn tác động vào Việt Nam trong việc này là không thấy. Nếu có cũng không có tác dụng gì cả vì như thế này. Gần đây, Trung Quốc gây ra chuyện tập trận ở ngay thềm lục địa trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 4 lần liền nên Việt Nam tỏ ý rất khó chịu đối với Trung Quốc”.

    Nhà nghiên cứu của Viện ISEAS giải thích với VOA về lựa chọn phiếu chống của Việt Nam:

    “Ở Hà Nội người ta không tin rằng đám quân Nga ở Ukraine gây ra mấy chuyện giết chóc dân thường ở thị trấn Bucha đó. Người ta không tin là bởi vì người ta có một đám người ở Việt Nam gần đấy. Họ đi đến đấy cùng các nhóm quốc tế khác, không phải đi điều tra mà họ được mời đến đấy để xem thì họ thấy rằng nó vô lý. Họ có báo về nhà thì ở Hà Nội họ nói rằng như thế thì quan điểm của Việt Nam sẽ phải là phản đối chuyện giết người dân thường, nhưng họ cũng yêu cầu cần phải có điều tra độc lập của LHQ, tức là cụ thể từ Toà án Hình sự Quốc tế thuộc LHQ”.

    Một lý do khác liên quan dẫn đến quyết định “phiếu chống” là phía Việt Nam cho rằng truyền thông Ukraine “có vấn đề”, vẫn theo lời TS. Hà Hoàng Hợp.

    “Ở Hà Nội, những người Việt Nam đang làm bên Ukraine người ta thấy rằng truyền thông của Ukraine có vấn đề. Nó chứa đựng nhiều chuyện mà người ta nói thẳng ra là chứa nhiều chuyện không có thật. Và vì thế người ta đã có một cuộc họp và người ta đi đến quyết định là để người đại diện của Việt Nam ở LHQ bỏ phiếu chống”.

    Nhà nghiên cứu từ Hà Nội nói theo quan điểm của ông và nhiều người khác, lá phiếu trắng có lẽ sẽ an toàn hơn giữa bối cảnh chưa có kết quả đúng sai từ một cuộc điều tra quốc tế độc lập.

    TS. Hà Hoàng Hợp nói: “Người ta tỏ thái độ như thế thì có thể nó là rất mạnh. Rất mạnh và gây ngạc nhiên. Đúng là như mọi người nhận xét là cứ bỏ phiếu trắng thì nó có vẻ an toàn hơn, nhưng lần này người ta chọn bỏ phiếu chống luôn. Đây rõ ràng là một thông điệp cho chính phương Tây chứ không phải chỉ là chuyện nước Nga đâu. Đây chính là thông điệp của chính quyền Việt Nam này đối với phương Tây là không nên vội”.

    Nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền LHQ là nghị quyết thứ 3 mà Đại hội đồng LHQ thông qua liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Đối với 2 nghị quyết trước là lên án và yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine, Việt Nam đều bỏ phiếu trắng.

    https://www.voatiengviet.com/a/6526060.html

    Việt Nam muốn Canada nhập thêm nhiều hàng nông sản Việt Nam

    RFA
    13/4/2022


    Việt Nam muốn Canada nhập thêm nhiều hàng nông sản Việt Nam

    Ngoại trưởng Canada Melanie Joy và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hà Nội hôm 13/4/2022 /AFP 

    Việt Nam mong muốn Canada mở cửa thị trường cho hàng hoá Việt Nam, đặc biệt là nông sản, đồng thời giúp Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Đó là lời đề nghị được Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đưa ra trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Canada Melanie Joy tại hà Nội hôm 13/4.

    Đây là chuyến thăm đầu tiên của bà Melanie Joy tới Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng Canada.

    Ngoại trưởng Canada tới Việt Nam lần này trong chuyến công du tới hai nước Indonesia và Việt Nam nhằm tái khẳng định cam kết của Ottawa với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, theo thông cáo báo chí của Cơ quan Ngoại vụ Toàn cầu Canada đưa ra trước chuyến đi.

    Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Canada năm 2021 đạt hơn sáu tỷ đô la, tăng gần 19% so với năm 2021.

    Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh chuyến thăm của bà Melanie Joy đặc biệt nhân kỷ niệm năm năm quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước (2017 - 2022).

    Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, biến đổi khí hậu, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023).

    Hai bên cũng thảo luận vấn đề Biển Đông, trong đó khẳng định việc tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

    Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định tại cuộc gặp về lập trường của Việt Nam liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraine rằng Việt Nam kiên trì ủng hộ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

    Việt Nam là nước đã bỏ phiếu chống tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 7/4 vừa qua đối với nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền.

    Hoa Kỳ cắt giảm mạnh thuế chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam 

    12/4/2022 

    VOA Tiếng Việt 

    Trong số các nước bị áp thuế chống bán phá giá sơ bộ, mật ong Việt Nam bị áp thuế cao nhất.

    Trong số các nước bị áp thuế chống bán phá giá sơ bộ, mật ong Việt Nam bị áp thuế cao nhất. 

    Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa giảm gần 7 lần thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết hôm 12/4.

    Đây là một phần trong kết luận cuối cùng của DOC về mức áp thuế trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với mật ong nhập khẩu từ Argentina, Brazil, Ấn Độ và Việt Nam.

    Theo đó, thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam từ 410,93% - 413,99% trong kết luận sơ bộ đã được cắt giảm xuống còn 58,74% - 61,27%.

    “Bộ Công Thương hoan nghênh việc DOC lắng nghe ý kiến các bên và đã điều chỉnh một phần phương pháp tính toán”, cơ quan phụ trách thương mại của Việt Nam nói, kèm theo lưu ý rằng kết quả này “vẫn chưa phản ánh đúng thực tế tình hình sản xuất, xuất khẩu mật ong của Việt Nam”.

    Bộ này nói sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội liên quan để trao đổi với các cơ quan của Hoa Kỳ trong các giai đoạn tiếp theo về đánh giá thiệt hại, rà soát thuế chống bán phá giá…

    Vào cuối tháng 11/2021, DOC công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với sản phẩm mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, mức thuế chung dành cho tất cả doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam là 412,49%, cao hơn gấp đôi mức thuế mà Hiệp hội Các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ đề xuất ban đầu là 207%.

    Trong số các nước khác bị áp thuế chống bán phá giá, bao gồm Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Việt Nam, Argentina, mật ong Việt Nam bị áp thuế cao nhất.

    Sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông qua người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói rằng việc Mỹ áp dụng mức thuế chống bán phá giá dự kiến trên đối với mật ong Việt Nam là sẽ tác động hết sức tiêu cực đối với ngành nuôi ong của Việt Nam mà Mỹ là thị trường xuất khẩu chính.

    “Đề nghị các biện pháp của phía Hoa Kỳ trong vấn đề này phải trên cơ sở khách quan, công bằng, theo đúng quy định của WTO, không gây thiệt hại vô lý cho người nuôi ong và doanh nghiệp Việt Nam”, bà Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo ngày 17/2.

    Bộ Công thương Việt Nam cho biết các biện pháp chống bán phá giá của Hoa Kỳ sẽ chính thức có hiệu lực trên cơ sở kết luận cuối cùng về bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

    Hiện nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đang điều tra về thiệt hại và dự kiến ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 23/5.

    Theo số liệu thống kê của ITC, sản lượng mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2021 đạt 56.133 tấn với kim ngạch khoảng 82,1 triệu USD.


    Không có nhận xét nào