Thời sự Việt Nam
Ngyaf Thứ hai 11 tháng 4 năm 2022
Cựu tù lương tâm VN Chu Mạnh Sơn bị cảnh sát Thái bắt và đối diện nguy cơ trục xuất
RFA
11/4/2022
Từ phải qua: ông Chu Mạnh Sơn, bà Nguyễn Thị Luyến và ông Nguyễn Văn Thêm khi mới bị bắt /FB Mary Phuong
Một người bất đồng chính kiến từng bị chính quyền Việt Nam xử 30 tháng tù giam với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" vừa mới bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ và đối diện nguy cơ trục xuất khi đang xin tị nạn chính trị tại Thái Lan.
Hôm 8 tháng 4, cảnh sát Thái Lan bắt một nhóm năm người Việt tị nạn trong đó có ông Chu Mạnh Sơn.
Ông Sơn cho biết gia đình ông có quy chế tị nạn của Liên Hiệp Quốc và đang trong quá trình làm hồ sơ đi định cư tại Canada.
Ông cùng những người tị nạn khác tới trụ sở của lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan hôm 8/4, với mục đích xin giấy lý lịch tư pháp, thể theo yêu cầu của cơ quan di trú Canada như thủ tục cuối cùng trước khi đi định cư, và bị bắt giữ tại đây.
Ông kể lại sự việc với phóng viên RFA qua điện thoại từ trung tâm giam giữ người nhập cư IDC của Bangkok như sau:
“Khi mà tôi và gia đình anh chị Thêm-Luyến vào văn phòng cảnh sát bên tư pháp của cảnh sát hoàng gia để xin giấy xác nhận tư pháp, thì họ hỏi tôi giấy tờ, sau đó tôi đưa thẻ UN nhưng sau đó họ yêu cầu đưa hộ chiếu thì tôi không có. Còn gia đình anh chị Thêm-Luyến thì đã từ lâu không còn hộ chiếu.
Sau đó thì họ yêu cầu chúng tôi ngồi lại và gọi cảnh sát bên di trú đến, sau đó thì cả tôi và gia đình anh chị Thêm-Luyến, và hai đứa còn một đứa 16 tuổi, một đứa năm tháng tuổi, tổng cộng là năm người bị đưa về IDC. Hiện giờ thì tôi đang bị nhốt tại nhà tạm giữ của IDC.”
Thái Lan là nơi nhiều người Việt Nam chọn tới xin tị nạn để tránh sự đàn áp ở quê nhà vì các lý do như tôn giáo và chính trị, tuy nhiên nước này chưa ký Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc liên quan đến tình trạng người tị nạn .
Những người này thường không có giấy tờ hợp pháp, phải đối diện với việc bị bắt bởi cảnh sát di trú vì bị coi là người cư trú bất hợp pháp.
Ông Chu Mạnh Sơn cho biết, sau khi bị bắt một ngày thì cảnh sát Thái Lan đã đưa họ ra tòa với kết quả những người này bị buộc tội cư trú bất hợp pháp và nhận bản án trục xuất.
“Sáng ngày mùng 9 thì cảnh sát họ đưa chúng tôi ra toà, sau đó toà tuyên phạt mỗi người 10.000 baht, riêng tôi thì phải nộp thêm một ngàn nữa do nhập cảnh bất hợp pháp, vì tội vượt biên vào đây. Sau khi nộp tiền thì họ nói rằng sẽ đưa chúng tôi về IDC sau đó sẽ có lệnh trục xuất.”
Bản thân ông Chu Mạnh Sơn là một cựu tù nhân lương tâm, ông bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” và chịu án 30 tháng tù giam hồi năm 2012, trong một vụ án được biết đến dưới tên “14 thanh niên Công giáo và Tin Lành”.
Ông này cho biết bản thân và gia đình vượt biên giới tới Thái Lan lánh nạn vào năm 2017 vì sự truy quét của công an Việt Nam. Trả lời câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu ông bị trục xuất về nước, ông Sơn nói:
“Đối với trường hợp của tôi, trước đây là một người bất đồng chính kiến hoạt động chính trị, đang bị cảnh sát ở Việt Nam truy tìm. Nếu như bị trục xuất về Việt Nam thì sẽ phải đối mặt với án tù rất là cao.”
Cùng bắt với ông Chu Mạnh Sơn là gia đình của ông Nguyễn Văn Thêm, cũng là những người tị nạn gồm: vợ là bà Nguyễn Thị Luyến, hai người con là bé Philip Nguyễn Nhật Nam (khoảng năm tháng tuổi), và Nguyễn Tiến Đạt 17 tuổi.
Đài Á châu Tự do đang liên hệ với phía cơ quan chức trách của Thái Lan để xác minh thông tin về lệnh trục xuất đối với những người này.
Phóng viên cũng đã liên hệ với Bộ phận Bảo vệ người tị nạn của văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn tại Thái Lan để xác minh về vụ bắt giữ và tình trạng của năm người Việt tị nạn, nhưng người đại diện của bộ phận này từ chối cung cấp thông tin vì lý do “bảo mật”.
Đắk Lắk: Gần 400 hécta rừng bị đốn, chính quyền “đổ” do kiểm lâm bị nhiễm COVID
RFA
Một diện tích rừng bị phá tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar. /baodaklak.vn
Gần bốn trăm hécta rừng tự nhiên tại huyện Ea Súp tỉnh Đắk Lắk bị chặt phá nhưng địa phương không hề biết. Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đang đề nghị công an tỉnh xác minh, xử lý theo qui định.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk được truyền thông Nhà nước loan trong ngày 11/4, diện tích rừng bị phá là hơn 382 hécta tại các tiểu khu 222 và 205 do xã Ea Tờ Mốt, huyện Ea Súp quản lý.
Tờ Người Lao động dẫn lời của lãnh đạo UBND xã Ya Tờ Mốt (chủ rừng) rằng việc chặt phá số lượng rừng lớn như vậy nhưng địa phương không phát hiện được là do lâm tặc lợi dụng lúc trời mưa, đêm tối và cán bộ kiểm lâm 13/17 người bị nhiễm COVID.
Mặc dù vậy, Sở Nông nghiệp vẫn đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, xác minh, xử lý nghiêm theo quy định.
Ngoài ra, Sở cũng đề nghị UBND tỉnh giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện Ea Súp làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra phá rừng trái pháp luật, không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Liên quan đến vụ phá rừng được cho là với số lượng lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Đắk Lắk, tờ Thanh Niên đã đến tận nơi phỏng vấn người dân. Tại đây, một người dân cho biết từ giữa tháng 3/2022 đêm nào ông cũng nghe tiếng máy cưa vang rền trong các cánh rừng gần đó nhưng ông không dám báo chính quyền vì sợ lộ thông tin sẽ bị trả thù.
Cũng tại tỉnh Đắk Lắk, liên quan vụ phá rừng xảy ra tại khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, hôm đầu tháng 4/2022, toà án nhân dân huyện Ea Kar đã tuyên án 40 người. Trong số ba người bị xét xử về tội “nhận hối lộ”, có hai nguyên cán bộ khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô là Hoàng Công Ý (trạm trưởng kiểm lâm) và Vương Thế Cao (trạm phó). Hai người này bị tuyên phạt lần lượt là 7 năm 6 tháng tù và 7 năm tù.
37 “lâm tặc” nhận hình phạt tù và cải tạo không giam giữ, trong đó cao nhất Lê Mô Y Cum, ngụ huyện Sông Hinh, Phú Yên nhận mức án 10 năm tù.
Tình trạng phá rừng những năm gần đây liên tục xảy ra không chỉ ở Đắk Lắk mà còn ở các tỉnh Kontum, Đắk Nông.v.v. Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức phức tạp. Toàn tỉnh đã xảy ra 590 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích rừng bị phá là 177 ha.
VinGroup muốn vay tiền của chính phủ Mỹ
Một mẫu xe điện của VinFast được giới thiệu tại Los Angeles Auto Show, California hôm 18/11/2021 /AFP
Chủ tịch tập đoàn Vingroup của Việt Nam cho biết hôm 9/4 rằng, công ty VinFast sẽ tìm kiếm nguồn tài chính từ chính phủ Hoa Kỳ để hỗ trợ việc mở rộng nhà máy đã được lên kế hoạch ở bang Bắc Carolina.
“Đó cũng là một trong những lựa chọn tài chính của chúng tôi, nhưng chúng tôi cần chứng minh cho họ thấy rằng chúng tôi đủ năng lực”, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng nói với một nhóm trong đó có các phóng viên.
Tuần này, VinFast cho biết công ty có trụ sở tại Singapore đã nộp đơn đăng ký phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với các cơ quan quản lý chứng khoán Hoa Kỳ, khi công ty sẵn sàng đầu tư 4 tỷ USD để xây dựng một nhà máy ở Hoa Kỳ.
VinFast, bắt đầu hoạt động vào năm 2019, đang đặt cược lớn vào thị trường Hoa Kỳ, nơi họ hy vọng sẽ cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô và công ty khởi nghiệp, bằng cách kế thừa hai mẫu SUV chạy điện và mô hình cho thuê pin giúp làm giảm giá bán xe.
Ông Vượng cho biết VinFast đã cam kết, việc IPO sẽ giúp định vị nhà sản xuất xe điện như một thương hiệu toàn cầu, nhưng nói thêm: “Nếu điều kiện không phù hợp, chúng tôi có thể chờ đợi”.
"Bản thân chúng tôi quyết tâm thúc đẩy và cam kết thực hiện đợt IPO này, nhưng mục tiêu cao nhất cho đợt IPO không phải là tài chính mà là đưa VinFast ra thị trường toàn cầu", ông nói với nhóm, theo Reuters.
Cho vay từ chương trình cho vay Sản xuất Xe Công nghệ Tiên tiến (AVTM) của chính phủ Hoa Kỳ là một lựa chọn khác mà VinFast đang tìm hiểu, ông Vượng nói, khi trả lời một câu hỏi.
Quỹ trị giá 25 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thành lập vào năm 2007 khi các nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Detroit rơi vào khủng hoảng. Nó được quản lý bởi Bộ Năng lượng vẫn có khả năng cho vay gần 18 tỷ đô la, theo trang web của Bộ này.
VinFast hứa sẽ tạo ra 7.500 việc làm tại nhà máy dự tính xây ở Bắc Carolina, nơi sẽ chế tạo các mẫu xe SUV VF8 và VF9 chạy bằng điện. Công ty cho biết họ có kế hoạch bắt đầu xây dựng nhà máy ngay sau khi giấy phép được cấp với mục tiêu bắt đầu sản xuất vào năm 2024.
Công ty có kế hoạch bắt đầu xuất khẩu hai loại xe điện này sang Hoa Kỳ vào cuối năm nay từ nhà máy hiện có ở Việt Nam.
Báo Nhà nước không đưa tin vụ VN bỏ phiếu chống nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền
Bảng kết quả bỏ phiếu thông qua Nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ ở New York hôm 7/4/2022 /AFP
Việt Nam là một trong số 24 quốc gia bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Mỹ để loại Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền vì gây ra cuộc chiến tranh ở Ukraine, tuy nhiên khi tường thuật về vụ việc này các tờ báo nhà nước đã không hề đề cập gì đến lá phiếu này của Việt Nam.
Quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo cùng với các nước như Trung Quốc, Lào, Cuba, Bắc Hàn, Nga, Iran... bỏ phiếu chống, tuy nhiên với kết quả 93 phiếu ủng hộ nghị quyết, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng thì Đại hội đồng LHQ đã nhất trí đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền do chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Trước cuộc bỏ phiếu, Nga đã cảnh báo những nước bỏ phiếu thuận và bỏ phiếu trắng sẽ bị coi là một "cử chỉ không thân thiện" và gây ra hậu quả cho quan hệ song phương. Chính Việt Nam đã hai lần bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết chống Nga.
Một lần nữa, báo chí do Nhà nước Việt Nam kiểm soát khi đưa tin về vụ việc bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng nhân quyền không hề đề cập gì đến là phiếu của nước nhà, điều mà bạn đọc quan tâm.
Chỉ có duy nhất trang Vietnamplus (TTXVN) đưa tin dẫn lời của ông Đặng Hoàng Giang - Đại sứ Việt Nam tại LHQ phát biểu trong cuộc họp của hội đồng rằng, Việt Nam quan ngại trước ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine đối với người dân và thông tin về việc nhiều dân thường bị thiệt mạng trong những ngày qua.
Nước này "phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, đồng thời cho rằng cần xác minh, kiểm chứng các thông tin gần đây một cách công khai, minh bạch, khách quan, với sự hợp tác của các bên liên quan."
Việt Nam thời gian qua rầm rộ công bố thông tin về việc sẽ ứng cử vào chức Chủ tịch Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, cho rằng việc này đã thể hiện mong muốn của Hà Nội trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Sau khi có kết quả bỏ phiếu, đại diện Nga tuyên bố quyết định kết thúc sớm tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2021 - 2023, và gọi đây là "bước đi phi pháp và mang động cơ chính trị nhằm trừng phạt một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ vốn theo đuổi một chính sách đối nội và đối ngoại độc lập”.
Ngoại trưởng Canada ghé Việt Nam trong chuyến công du Đông Nam Á
Ngoại trưởng Mélanie Joly /AFP
Ngoại trưởng Canada bà Mélanie Joly thực hiện chuyến công du Indonesia và Việt Nam nhằm mở rộng quan hệ đối tác và tái khẳng định cam kết của Ottawa với các quốc gia trong khu vực như một phần của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sắp tới của Canada.
Cơ quan Ngoại vụ Toàn cầu của Canada ra thông cáo như vừa nêu vào ngày 9/4 đồng thời cho biết chuyến công du của ngoại trưởng Canada diễn ra từ ngày 9 đến 14/4/2022.
Theo thông cáo, trong chuyến công du Indonesia và Việt Nam, Ngoại trưởng Joly cũng sẽ thảo luận về những thách thức cấp bách trên quy mô toàn cầu, bao gồm sự cần thiết của một giải pháp ngoại giao đối với cuộc xung đột ở Ukraine và những nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Myanmar.
Thông cáo dẫn lời ngoại trưởng Joly rằng: “Canada là một đối tác mạnh mẽ, đáng tin cậy và hiệu quả của Indonesia, Việt Nam và ASEAN. Việc chúng ta kỷ niệm những thập kỷ hợp tác là cơ hội tuyệt vời để phản ánh những kinh nghiệm và thành tựu của chúng ta. Tôi mong muốn đến thăm Indonesia và Việt Nam để hiểu rõ hơn về khu vực, mở rộng quan hệ đối tác và đóng góp thành công vào một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn, linh hoạt, toàn diện và bền vững hơn vì lợi ích của tất cả người dân”.
Cũng theo thông cáo tại Hà Nội, ngoại trưởng Canada sẽ gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên để nhấn mạnh mối quan hệ song phương lâu đời của Canada và Việt Nam trong quá trình tiến tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.
Ngoài ra bà ngoại trưởng cũng sẽ thăm tỉnh Thái Nguyên để gặp gỡ phụ nữ dân tộc thiểu số và tìm hiểu thêm về cách thức hỗ trợ phát triển của Canada dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Canada tiếp tục phát triển với kim ngạch trao đổi thương mại trong năm 2021 vượt 6 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020.
Không có nhận xét nào