Header Ads

  • Breaking News

    Thách thức với EU khi Algeria thay thế Nga cung cấp năng lượng cho châu Âu


    Algeria đang nổi lên là cung cấp năng lượng mới của châu Âu. Nhưng nước này là đối tác mua vũ khí lâu năm của Nga. Do đó, Moskva có thể thu được một phần lợi nhuận bị mất trên thị trường năng lượng châu Âu thông qua việc bán vũ khí và thiết bị quân sự cho Algeria.Robert Quinn Carolan, chuyên gia về Phát triển Quốc tế và Chính trị Thế giới, Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO) bình luận trên trang web của Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC) mới đây rằng, kể từ khi hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bắt đầu ngày 24/2, châu Âu đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Moskva, theo đó tìm kiếm các giải pháp thay thế cho dầu và khí đốt có nguồn gốc từ Nga.

    Theo ông Carolan, ban đầu, Đức có vẻ do dự, nhưng Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp và Pháp đã khởi động đa dạng hóa các lựa chọn của họ và "săn lùng" các nhà cung cấp năng lượng mới trong số các quốc gia giàu dầu khí của khu vực Trung Đông-Bắc Phi (ví dụ: UAE, Qatar và Algeria). Trong khi Madrid, Athens và Rome đang theo đuổi các thỏa thuận năng lượng mới với Algeria thời gian gần đây, vấn đề này có thể gặp một số phức tạp về mặt hậu cần.

    Trong số những phức tạp này là khả năng kỹ thuật của Algeria trong việc cung cấp một lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu trong một khoảng thời gian ngắn và việc sử dụng quỹ châu Âu để mua LNG của Algeria có thể vô tình chảy vào nền kinh tế Nga khi Algeria vẫn duy trì tư cách là nước mua vũ khí Nga lớn nhất ở châu Phi.

    Hai sự phức tạp này cộng thêm các báo cáo rằng các nước châu Âu - chủ yếu là Đức - trên thực tế đã tăng mua năng lượng của Nga trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến 4/2022, có thể làm suy yếu các hành động hạn chế mà EU đang tìm cách áp đặt lên ngành công nghiệp năng lượng của Nga.

    Có thể danh sách các nước châu Âu quan tâm đến khí đốt của Algeria ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, năng lực khai thác và vận chuyển hiệu quả khí đốt đến châu Âu của Algeria hiện vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu này.

    Là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba của châu Âu - sau Nga và Na Uy - Algeria chiếm 8% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU năm 2021, tương đương 34 tỷ mét khối, so với khoảng 20% (130 tỷ mét khối) được xuất khẩu sang EU từ Nga trong cùng năm.

    Một số chuyên gia cho rằng việc ngừng vận chuyển LNG của Nga qua các đường ống Dòng chảy phương Bắc I và II có thể dẫn đến việc nhập khẩu khí đốt của châu Âu trong giai đoạn 2022-2024 giảm 40%.

    Điều này có nghĩa là Algeria sẽ cần huy động nguồn dự trữ LNG sẵn có và tăng sản lượng ít nhất 12-38% để đáp ứng nhu cầu của thị trường năng lượng châu Âu trước mùa Thu và Đông 2022, khi nhu cầu năng lượng trên toàn EU chắc chắn sẽ vượt qua nhu cầu hiện tại.

    Mặc dù Algeria đã đảm bảo với các đối tác châu Âu, chẳng hạn như Italy, rằng họ có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng đối với LNG, tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra là liệu nước này có thể cung cấp cho châu Âu nguồn cung cấp năng lượng mà họ yêu cầu thông qua đường ống Địa Trung Hải hay không.

    Công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên Algeria Sonatrach hiện đang làm việc với các đối tác EU, ví dụ như công ty khí đốt Eni của Italy và công ty khí đốt Total của Pháp, nhằm tăng cường khai thác LNG tại các mỏ dầu mới ở miền Trung và miền Nam của nước này. Nhưng vẫn có những cảnh báo Algeria không thể đáp ứng các yêu cầu của châu Âu cho giai đoạn 2022-2024.

    Kể từ năm 2019, Algeria đã phải đối mặt với cả nhu cầu gia tăng trong nước đối với dự trữ LNG cũng như bất ổn chính trị leo thang từ các cuộc biểu tình năm 2019. Hơn nữa, công ty dầu khí nhà nước Sonatrach tiếp tục đối mặt với bộ máy quan liêu cứng nhắc vốn làm chậm, thậm chí cản trở việc khai thác.

    Ngoài ra, Sonatrach được coi là đơn vị đặt ra các điều khoản hợp đồng gây khó khăn cho người mua bên ngoài và liên tục phải đối mặt với những lo ngại về an toàn, bị tấn công mạng tại các cơ sở chế biến cùng những hạn chế khác trong khai thác và vận chuyển khí đốt.Đó sẽ là những thách thức lớn cần phải khắc phục, nhưng nếu Algeria có thể đáp ứng nhu cầu của EU trong bối cảnh bất ổn nội bộ và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng dầu, nước này có thể kiếm được một khoản lợi nhuận đáng kể.

    Tuy nhiên, ông Carolan kết luận, bất chấp những nỗ lực của EU nhằm trừng phạt việc cung cấp năng lượng của Nga cho châu Âu, Moskva có thể thu hồi một phần lợi nhuận bị mất trên thị trường năng lượng châu Âu bằng cách tăng doanh số bán vũ khí cho Algeria - cũng như các quốc gia châu Phi giàu có về dầu khí khác (ví dụ: Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria và Cote d'Ivoire).

    Algeria hiện là nước mua vũ khí hạng nhẹ và thiết bị quân sự lớn nhất của Nga ở châu Phi. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), khoảng 70% vũ khí cỡ nhỏ (súng trường, đạn dược, v.v.) và thiết bị quân sự (pháo, xe bọc thép) của Algeria có nguồn gốc từ Nga. Giá trị của những thiết bị này lên tới 4,2 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2020.

    Ngoài ra, Nga cũng có thể tận dụng các thỏa thuận trong đối tác chiến lược cũng như các thỏa thuận đối tác năng lượng để phát triển các cơ sở hydro và năng lượng hạt nhân ở Algeria - một vấn đề thường xuyên được thảo luận trong các cuộc đàm phán giữa Moskva và Algiers trong suốt hai thập kỷ qua.

    Nếu các thỏa thuận giữa Nga và Algeria được tiến hành, chúng sẽ giúp ngăn chặn các cuộc tấn công phối hợp nhằm vào nền kinh tế Nga vốn đang chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của EU đối với năng lượng Nga.

    Không có nhận xét nào