Mises Institute
Tổng thống Joe Biden nói về COVID-19 ở Hoa Kỳ trong Thính phòng Tòa án Phía Nam ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 30/03/2022. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)
Hôm thứ Năm (31/03), Tổng thống Biden đã đưa ra hai lời thừa nhận lớn về các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga do Hoa Kỳ dẫn đầu. Lời thừa nhận thứ nhất là các lệnh trừng phạt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lương thực cho nhiều quốc gia khác ngoài Nga và đây chỉ đơn giản là cái giá mà người Mỹ buộc phải trả.
Lời thừa nhận thứ hai là các biện pháp trừng phạt không có tác dụng thay đổi các chính sách của Moscow, và “các lệnh trừng phạt không bao giờ răn đe” chính quyền bị nhắm đến khỏi việc thực hiện hành vi xâm lược.
Vì vậy, ông Biden giờ đây đã giải thích một cách hữu ích rằng các lệnh trừng phạt không chỉ không thực sự răn đe Moscow mà người dân Hoa Kỳ còn phải trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm để duy trì các lệnh trừng phạt không có tác dụng.
Những lời thừa nhận này được đưa ra sau những tuyên bố lặp đi lặp lại từ Tòa Bạch Ốc và những người ủng hộ ông Biden cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ răn đe Nga tiến hành hoặc duy trì một cuộc xâm lược Ukraine.
Hơn nữa, Tòa Bạch Ốc đã nhiều lần hạ thấp tác động của các lệnh trừng phạt đối với chi phí sinh hoạt của các gia đình Mỹ. (Thực tế rằng các biện pháp trừng phạt có thể có tác động tàn phá đối với các nước nghèo tất nhiên là bị bỏ qua).
Vì vậy, bây giờ ông Biden đã nói rõ: các biện pháp trừng phạt không có tác dụng, và chúng sẽ khiến quý vị trở nên nghèo hơn. Nhưng dù sao thì chúng ta cũng phải giữ chúng ở nguyên vị trí.
Chính xác thì ông Biden đã nói gì về chi phí của các biện pháp trừng phạt?
Sau khi tham dự một cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 và NATO hôm 31/03, ông Biden cho biết tình trạng thiếu lương thực “sẽ là thật sự.” Sau đó, ông nói thêm, “Cái giá của các lệnh trừng phạt này không chỉ áp đặt lên Nga, mà có ảnh hưởng lên rất nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước Âu Châu và đất nước của chúng tôi.”
Tất nhiên, những “chi phí” này vượt ra ngoài giá lương thực và giá năng lượng và giá của nhiều loại hàng hóa khác. Giá dầu vẫn ở gần mức cao nhất trong 10 năm.
Đáng chú ý là ông Biden thừa nhận bản thân các lệnh trừng phạt là yếu tố chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt sắp tới. Mặt khác, việc những người ủng hộ các lệnh trừng phạt tuyên bố rằng chỉ cuộc xâm lược của Nga mới làm hạn chế nguồn cung cấp lương thực đã trở thành việc làm thông thường. Đúng vậy, cuộc xâm lược đã làm giảm sản lượng lương thực ở Ukraine một cách tự nhiên, nhưng rõ ràng các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ dẫn đầu sẽ làm giảm nguồn cung lương thực cho hàng chục quốc gia Phi Châu, nhiều quốc gia trong số đó phụ thuộc rất nhiều vào ngũ cốc của Nga.
May mắn thay cho người Mỹ, Bắc Mỹ là khu vực xuất cảng lương thực, và bản thân Hoa Kỳ là nước xuất cảng thực phẩm ròng, mặc dù thực tế là người Mỹ tiêu thụ nhiều calo hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nói cách khác, người Mỹ còn một khoảng cách khá xa so với mức đủ sống khi nói đến chế độ ăn kiêng của họ. Béo phì, chứ không phải là suy dinh dưỡng, là tình trạng ở Mỹ. Nhưng chi phí sinh hoạt của người Mỹ dù sao cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Chúng ta nên dự tính giá thực phẩm sẽ tăng cao hơn cả những gì chúng ta đã có thể mong đợi do chính sách lạm phát của ngân hàng trung ương đã thúc đẩy mức tăng giá tổng thể — trước Chiến tranh Ukraine — lên tới gần 8%.
Tình trạng này là do mặc dù người Mỹ là các nhà xuất cảng lương thực, các lệnh trừng phạt sẽ tiếp tục đẩy giá thực phẩm toàn cầu lên cao hơn nữa trong khi bảo đảm rằng nhiều đối tác thương mại của chúng ta phải dành nhiều nguồn lực hơn để mua thực phẩm. Sự thay đổi này có nghĩa là giảm năng suất và đầu tư cho các đối tác thương mại vào hàng hóa mà người Mỹ mua. Đổi lại, điều đó có nghĩa là nguồn cung giảm và giá cả tăng đối với người tiêu dùng Mỹ.
Nếu các biện pháp trừng phạt không hiệu quả, sao còn thực hiện?
Việc ông Biden thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt “không bao giờ răn đe” mâu thuẫn với tuyên bố hàng tuần của các quan chức Tòa Bạch Ốc, những người đã khẳng định rằng các lệnh trừng phạt sẽ buộc Nga rút khỏi Ukraine. Ví dụ, bà Kamala Harris tuyên bố “tác dụng răn đe của các biện pháp trừng phạt này vẫn còn có ý nghĩa,” và Phó cố vấn An ninh Quốc gia Daleep Singh nói, “Các lệnh trừng phạt bản thân nó không phải là mục đích. Chúng phục vụ một mục đích cao hơn. Và mục đích đó là để răn đe và ngăn chặn.”
Hơn nữa, vào tháng Hai, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết, “Tổng thống tin rằng các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích răn đe…. và để chúng có hiệu quả – để răn đe, chúng phải được thiết lập theo cách mà nếu ông Putin hành động, thì phí tổn sẽ được áp đặt.”
Việc Tòa Bạch Ốc buộc phải thay đổi câu chuyện của mình đã cho thấy trong một thời gian ngắn các lệnh trừng phạt đã không đạt được mục tiêu. Trong một nỗ lực để giải thích cho sự thất bại, ông Biden sau đó tuyên bố trong một câu trả lời lan man rằng ông chưa bao giờ nói các biện pháp trừng phạt răn đe được bất cứ điều gì:
“Chúng ta hãy làm rõ một điều. Nếu quý vị nhớ, nếu quý vị theo dõi tôi từ đầu, tôi không nói rằng các lệnh trừng phạt có thể răn đe ông ta trên thực tế. Các lệnh trừng phạt không bao giờ răn đe. Quý vị cứ tiếp tục nói về điều đó… Các lệnh trừng phạt không bao giờ răn đe. Việc duy trì các lệnh trừng phạt. Việc duy trì các lệnh trừng phạt. Việc làm tăng sự tổn thất, và đó là lý do tại sao tôi yêu cầu cuộc họp NATO này hôm nay, là để bảo đảm rằng sau một tháng, chúng ta sẽ duy trì những gì chúng ta đang làm không chỉ trong tháng này, tháng sau, mà trong suốt phần còn lại của năm nay. Đó là những gì sẽ răn đe ông ta.”
Vì vậy, quan điểm mới của đảng này là các lệnh trừng phạt không răn đe Nga khỏi bất cứ điều gì, nhưng một ngày nào đó chúng sẽ gây ra đủ đau đớn để buộc Nga phải rời khỏi Ukraine. Đây chỉ là một suy nghĩ mơ mộng khác từ Tòa Bạch Ốc, và hồ sơ thành công đáng buồn của các biện pháp trừng phạt kinh tế cho thấy rõ điều này.
Như chúng tôi đã lưu ý tại mises.org, các biện pháp trừng phạt có thành tích tồi tệ trong việc đạt được các mục tiêu đã nêu là buộc thay đổi chính sách của các chính quyền bị nhắm đến. Điều này là do các chính quyền bị nhắm đến có xu hướng nhân đôi các biện pháp trừng phạt thay vì thỏa hiệp với các quốc gia trừng phạt. Nói cách khác, chủ nghĩa dân tộc có sức mạnh hơn cả khó khăn kinh tế đối với các quốc gia bị nhắm mục tiêu. Rào cản thứ hai dẫn đến thành công là: nếu Hoa Kỳ muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt thực sự hiệu quả, họ sẽ cần phải có được sự hợp tác gần như toàn cầu từ các quốc gia khác. Nếu không có sự hợp tác như vậy, các quốc gia khác sẽ cung cấp nhiều cứu cánh cho các chính quyền bị nhắm đến.
Trong trường hợp của Nga, chúng ta đã thấy điều này một cách lẻ tẻ. Đức đã từ chối cắt xuất cảng năng lượng từ Nga. Các nhà lập pháp Mexico từ đảng cầm quyền đang thiết lập một nhóm mới về “tình hữu nghị Mexico-Nga”. Ấn Độ hiện đang trong quá trình tìm ra một thỏa thuận thương mại đồng rupee-rúp mới để tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Tất nhiên, Trung Quốc nói rằng họ sẽ làm những gì họ muốn.
Tất cả đều tuân theo kịch bản thông thường của các lệnh trừng phạt kinh tế và giúp minh họa tại sao chúng thất bại. Điều đáng chú ý là Tòa Bạch Ốc đã nhanh chóng buộc phải thừa nhận cả hai điều rằng các biện pháp trừng phạt đã không đạt được mục tiêu rõ ràng là răn đe, và rằng Tòa Bạch Ốc cho là không sao cả khi nhún vai và nói, “Này, thiếu lương thực chỉ là cái giá mà những người nhỏ bé phải trả!” Trước sự bất lực của các biện pháp trừng phạt và thiệt hại đang gây ra cho các bên thứ ba, đã đến lúc phải thừa nhận thực tế và tiếp tục sống.
Nếu Hoa Thịnh Đốn thực sự muốn chấm dứt đổ máu — thay vì tích cực ngăn cản hòa bình như hiện nay — họ sẽ tích cực theo đuổi một thỏa thuận thương lượng và ngừng bắn.
Ông Ryan McMaken là biên tập viên của Mises Wire và The Austrian. Ông McMaken có bằng kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học Colorado, đồng thời là nhà kinh tế học của Sở Gia cư Colorado từ năm 2009 đến năm 2014. Ông là tác giả cuốn “Các Cao Bồi Cộng Sản: Giai Cấp Tư Sản và Quốc Gia-Nhà Nước trong Thể Loại Phương Tây” (“Commie Cowboys: The Bourgeoisie and the Nation-State in the Western Genre”).
Thành lập vào năm 1982, Viện Mises thúc đẩy việc giảng dạy và nghiên cứu trong trường phái kinh tế học, tự do cá nhân, lịch sử trung thực, và hòa bình quốc tế của Áo, theo truyền thống của ông Ludwig von Mises và ông Murray N. Rothbard. Đây là nơi tìm kiếm sự thay đổi căn bản trong môi trường trí tuệ, thoát khỏi chủ nghĩa nhà nước và hướng tới trật tự sở hữu tư nhân.
Nhật Thăng biên dịch
Không có nhận xét nào