Header Ads

  • Breaking News

    Phương Tôn – Phải chăng “Phong trào #MeToo” đã lan tỏa đến Việt Nam?



    Trong thời gian ngắn vừa qua hầu như mọi người Việt Nam, trong và ngoài nước, đều lưu tâm đến những lời tố cáo của bà Dạ Thảo Phương, đang sống ở Cyprus, là nhà thơ và cũng từng là cựu phóng viên của báo Văn Nghệ (trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) qua lá thư ngỏ được phổ biến rộng rãi tố cáo ông Lương Ngọc An, Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ về hành vi “cưỡng hiếp” từ năm 2000.

    Bà Dạ Thảo Phương nêu lý do trong đơn tố cáo: “Gần đây, tôi có theo dõi một số vụ nạn nhân bị xâm hại tình dục đứng ra tố cáo. Đọc những bình luận tiêu cực như làn mưa dao trút xuống họ và người thân, tôi bàng hoàng…

    Thực trạng này cần phải thay đổi. Tôi không muốn có thêm bất cứ nạn nhân nào phải trải qua những nỗi thống khổ tôi từng trải.”

    Như được tiếp sức mạnh, vượt qua nỗi sợ hãi, nhà văn nữ Bùi Mai Hạnh hiện đang sống tại Úc, cũng lên tiếng trên Facebook riêng, cho biết ông Lương Ngọc An cũng đã từng tấn công tình dục bà nhưng may mắn không thành. Nội dung bài tố cáo được bà công khai trên FB Bùi Mai Hạnh qua bài viết “Ai có tai thì nghe”. (bài không được đăng lại ở đây do bà đã ghi rõ: “Nghiêm cấm sao chép đăng tải bài viết dưới mọi hình thức mà chưa được phép.”)

    Lời tố cáo và mục đích được bà Dạ Thảo Phương và bà Bùi Mai Hạnh đưa ra thật rõ ràng, thật phù hợp dù có thể vô tình, với mục tiêu của “Phong trào #MeToo” đã từng gây chấn động, gây được nhiều tiếng vang trên thế giới, một phong trào mà ban đầu chỉ là một cách để các nạn nhân của bạo lực và quấy rối tình dục kết nối với nhau, dần dần phát triển thành một phong trào toàn cầu.

    #MeToo được tạo ra như thế nào?
    Tarana Burke, một nhà hoạt động dân quyền và nhân quyền người Mỹ, lần đầu tiên sử dụng cụm từ #MeToo vào năm 2006. Nó nhằm gửi thông điệp đến tất cả những phụ nữ từng là nạn nhân của bạo lực tình dục rằng họ không đơn độc trong trải nghiệm của mình. Tuy nhiên #MeToo của Tarana Burke rơi vào im lặng, bị chết yểu.
    Mãi cho đến hơn mười năm sau, vào năm 2017, nữ diễn viên Alyssa Milano đã hồi sinh #MeToo để khuyến khích phụ nữ và nam giới chia sẻ kinh nghiệm của chính họ như một phần của phong trào chống quấy rối tình dục. Nguyên nhân: Hai nhà báo nữ Jodi Kantor và Megan Twohey của New York Times, trong một bài báo đã cáo buộc Harvey Weinstein, một nhà dạo diễn và sản xuất phim đầy quyền lực tại Holywood quấy rối tình dục trong hơn ba thập kỷ và trưng bày các khoản thanh toán trong tám cuộc dàn xếp của ông ta cho các nữ diễn viên, trợ lý sản xuất và các nhân viên khác của Miramax và The Weinstein Company. Alyssa Milano chọn hashtag #MeToo thực ra chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì lúc đó Milano vẫn chưa biết về nguồn gốc của cụm từ này.
    Được sự hưởng ứng của toàn xã hội, phong trào #MeToo trở nên sôi động, các nạn nhân cuối cùng đã dám nói một cách cởi mở về những trải nghiệm đau thương của họ. Trong những tuần sau lời kêu gọi của Milano, hashtag #MeToo đã được sử dụng hơn 12 triệu lần. Với những tác động toàn cầu, các vấn đề về quấy rối tình dục và bạo lực cuối cùng đã nhận được sự chú ý của giới truyền thông mà họ xứng đáng nhận được. Và với sự tham gia của họ, những người bị ảnh hưởng, trực tiếp bị nạn đã tạo ra một cộng đồng nhằm hỗ trợ lẫn nhau.

    Người có quyền lực không an toàn như họ nghĩ
    Vị trí đặc quyền trong xã hội đã cho phép nhiều người có quyền lực trong các lãnh vực thể thao, chính trị và ngành công nghiệp giải trí quấy rối người khác, ép buộc họ quan hệ tình dục hoặc thậm chí cưỡng hiếp họ mà không gánh phảii hậu quả gì. Bất cứ ai có quyền lực và tiền bạc thường không bị luật pháp chạm tới. Ngoài ra, rất tiếc vẫn thường xảy ra tình trạng các nạn nhân lại bị xã hội nhìn nhận, phê phán với thái độ hoài nghi hoặc không tin vào những gì họ nói.

    Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với trường hợp của bà Dạ Thảo Phương. Một số không nhỏ người Việt đả tỏ ra ồn ào trên các mạng xã hội khi nghi ngờ, đưa ra những luận điệu như là “tại sao bây giờ, sao hơn hai mươi năm, mới nói ra?” hoặc là “Người cũng chẳng tử tế gì”, “đồng tình đồng thuậ,n chứ không ai mà hiếp được” v.v… toàn là những lời lên án cay nghiệt gây tổn thương cho nạn nhân.
    Một ví dụ nổi bật về điều này là Harvey Weinstein, đã được đề cập ở trên. Hơn 100 phụ nữ, bao gồm cả nữ diễn viên và cựu nhân viên của Weinstein Company, đã cáo buộc ông ta quấy rối tình dục. Vào tháng 10 năm 2017, ông ta đã bị sa thải khỏi công ty sản xuất của chính mình. Năm 2020, ông bị kết án 23 năm tù. Vào tháng 7 năm 2021, ông ta lại phải ra hầu tòa cũng vì vấn đề lạm dụng tình dục.

    Một thí dụ khác, R. Kelly, một nhạc sĩ người Mỹ, bị kết án vào ngày 27 tháng 9 năm 2021. Anh ta bị buộc tội lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp. Anh ta được cho là đã gây áp lực lên các nạn nhân của mình và do đó đã khiến họ im lặng trong nhiều thập kỷ. Tất cả những phụ nữ liên quan đã gặp Kelly khi họ còn là trẻ vị thành niên. Năm 2001 và 2002, R. Kelly bị các nạn nhân khởi kiện. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các bên liên quan đã đạt được thỏa thuận ngoài tòa án. Số tiền vẫn chưa được biết cho đến ngày nay.

    Hoặc qua #MeToo, một Kevin Spacey kể từ mùa thu năm 2017, bị hơn 30 cáo buộc tấn công và quấy rối tình dục, bao gồm cả nam diễn viên Anthony Rapp (“A Beautiful Mind”, “Star Trek: Discovery”). Ông đã kể lại trong một cuộc phỏng vấn với Buzzfeed vào năm 2017, cho biết bị Spacey quấy rối tình dục tại một bữa tiệc năm 1986 khi anh mới 14 tuổi trong khi Spacey 26 tuổi. Kevin Spacey nay 57 tuổi đã phải rút lui khỏi ngành điện ảnh và phải rời vai Tổng thống Mỹ trong loạt phim House of Cards, phải đền bù 30 triệu Dollar cho nhà sản xuất phim.

    Phong trào #MeToo đã đánh gục một số người có quyền lực, trở nên như một luồng gió đẩy mạnh, tiếp sức giúp một số người bị nạn tìm thấy can đảm để công khai tố cáo đích danh thủ phạm và thực hiện hành động pháp lý chống lại chúng. Sự im lặng xung quanh vấn đề quấy rối và bạo lực tình dục cuối cùng cũng bị phá vỡ.

    #MeToo giúp nạn nhân không còn cảm thấy đơn độc, tạo nên một cộng đồng vững mạnh, nơi những người bị ảnh hưởng cảm thấy được lắng nghe. Từ đó, các chuẩn mực và quan điểm xã hội về chủ đề lạm dụng tình dục đã vĩnh viễn bị thay đổi. Quấy rối tình dục và bạo lực đã được coi là vấn đề nghiêm trọng và nhất là những người có ảnh hưởng, quyền lực phải chịu trách nhiệm trước xã hội và pháp luật.

    Liệu #MeToo có trở thành một phong trào để bảo vệ những nạn nhân bị lạm dụng tình dục tại Việt Nam hay không, phải cần đến thời gian để trả lời nhưng trước mắt, nếu nạn nhân mạnh mẽ, can đảm chịu công khai tố cáo, sẵn sàng đương đầu với dư luận như trường hợp bà Dạ Thảo Phương thì ít nhất một Lương Ngọc An, người hiện được xem là thủ phạm dù chưa bị truy tố trước pháp luật cũng phải bị thôi giữ chức Phó tổng biên tập tờ báo Văn nghệ.

    Thủ phạm bị trừng phạt, đó cũng là một trong những mục tiêu #MeToo nhắm tới.

    Phương Tôn

    Tháng 4. 2022

    Không có nhận xét nào