I. SẢN PHẨM ĐẦU TIÊN CỦA BẢN ĐĂNG KÝ KẾT HÔN
Cuộc chiến tranh xâm lược mang tính quy mô tổng lực ngày 24-02-2022 của Nga chống Ukraina gây ra nỗi kinh hoàng ở châu Âu và trên thế giới. Cuộc chiến tranh này vấp phải sự kháng chiến anh dũng vô song của nhân dân Ukraina, thức tỉnh sự phản ứng quyết liệt đồng nhất của Mỹ và phương Tây, tạo ra sự phản đối mạnh mẽ rộng khắp thế giới. Đồng thời cuộc chiến tranh này phá vỡ toàn cầu hoá, phân mảnh thị trường thế giới, đang bắt đầu gây ra những cuộc khủng hoảng nguy hiểm về lương thực, năng lượng, lạm phát.., những rối loạn tài chính tiền tệ, và nhiều đổ vỡ, đứt gẫy khác.
Tuyên bố chung Nga - Trung Quốc ngày 04-02-2022, xác định sự hợp tác song phương “không giới hạn”, nghĩa là chẳng thua kém gì một liên minh. Có thể coi sự hợp tác này là cuộc “hôn nhân” đầu tiên và bất thường trong toàn bộ lịch sử Nga-Trung kể từ khi có mối quan hệ chính thức giữa Liên Xô và CHNDTH (1949). Bởi vì quan hệ Liên Xô – TQ ngày xưa chưa lúc nào nồng ấm, có nhiều thời kỳ giành giật nhau căng thẳng. Riêng cuộc đụng độ biên giới rất đẫm máu giữa 2 nước do TQ gây ra năm 1969 tại vùng Ussury (kéo dài 5 tháng), cho thấy sự tranh giành địa chính trị của TQ với LX rất gay gắt. Cuộc xung đột này còn làm lộ ra ý đồ TQ đã rất sớm muốn đi với Mỹ. Hồ sơ được giải mật cho biết lúc ấy LX đã phải tính đến sử dụng vũ khí A nếu không kiểm soát được tình hình…
Nhiều thông tin cho phép kết luận Tập Cận Bình đã biết trước cuộc chiến tranh ngày 22-04-2022, và Putin đã thoả thuận với Tập Cận Bình sau kết thúc thế vận mùa Đông ở Bắc Kinh mới tiến hành chiến tranh, và chắc chắn còn nhiều thoả thuận hợp tác quan trọng khác không công bố.
Nhìn lại, có đủ lý lẽ để nhận định: Tuyên bố chung 04-02-2022 là Bản đăng ký kết hôn của căp đôi Nga-Trung, cuộc chiến tranh ngày 22-04-2022 là sản phẩm đầu tiên của cuộc hôn nhân này. Đây là cuộc chiến tranh đầu tiên trong thế kỷ 21 xáo trộn tình hình địa chính trị và địa kinh tế thế giới hiện thời, đẩy thế giới vào một cục diện mới đa cực rất phức tạp, với nguy cơ chiến tranh hạt nhân đến gần hơn bao giờ hết.
II. VÌ SAO CÓ CHIẾN TRANH NGA XÂM LƯỢC UKRAINA 24-02-2022?
Câu hỏi đã được trả lời này, vẫn xin có đôi lời góp thêm.
Đế chế Sa hoàng ra đời từ thế kỷ XVI, với quy mô đã từng là 1/6 địa cầu, từng là đế chế mạnh nhất châu Âu, với hiện thân cuối cùng là siêu cường Liên Xô có ảnh hưởng sâu rộng đối với 1/3 thế giới. Sau chiến tranh thế giới II, Liên Xô đã thách thức mất /còn toàn bộ thế giới tư bản phương Tây. Sự sụp đổ của LX 1991 chỉ là một thất bại tiếp theo của đế chế Sa hoàng trong toàn bộ lịch sử quan hệ của nó với thế giới phương Tây. Hệ quả: Liên bang Nga ngày nay chỉ còn diện tích là 1/9 thế giới. Song bản thân đế chế Sa hoàng vẫn tiếp tục tồn tại dưới dạng siêu cường Nga hôm nay, tuy rằng vai trò và không gian ảnh hưởng của nó trên thế giới này bị thu hẹp đáng kể.
Sau khi hoàn thành giai đoạn lột xác để trở thành Liên bang Nga, bắt đầu với Putin, đế chế Sa hoàng hôm nay tìm đường phục hưng trong muôn vàn chật vật, và đến hôm nay vẫn không ra khỏi cái bóng đè truyền kiếp lực bất tòng tâm của dĩ vãng: Nguyên thuỷ đế chế sa hoàng là một đế chế lớn, tạo ra được cho mình sự phát triển toàn diện so với đương thời, song chưa bao giờ là một đế chế đủ mạnh xứng với tầm cỡ nó có, càng chưa bao giờ đủ mạnh so với vùng ảnh hưởng chung quanh nó tạo ra được. Cái bóng đè kinh niên lực bất tòng tâm này có nhiều nguyên nhân; song những nguyên nhân đập ngay vào mắt mọi người có lẽ là (a)đế chế này quá lớn so với số dân của nó; (b)nó đi theo môt hướng phát triển khác hẳn so với các đế chế ở phương Tây; và (c)ảnh hưởng sâu xa của cơ đốc giáo.
Khoảng cách lực bất tòng tâm này của nước Nga Putin còn lớn hơn bao giờ hết kể từ khi đế chế Nga sa hoàng ra đời từ thời Ivan Bạo chúa, mặc dù Putin đã vực được nước Nga đứng dạy sau đổ vỡ 1991. GDP của Nga hôm nay còn nhỏ hơn của Quảng Đông, hoặc chỉ tương đương với Hàn Quốc và đứng thứ 10 thế giới. Ngoài cái mạnh về vũ khí huỷ diệt, và rất giầu tài nguyên và lúa mỳ để bán, hầu như Nga không có nền kinh tế hàng hoá nào khác đáng kể; và đấy là nguồn thu nhập chủ yếu của quốc gia này để sống, trong đó lại dốc phần cơ bản vào trang bị quân đội. Còn lại, nước Nga Putin tiếp tục lạc hậu về nhiều mặt. Nền kinh tế Nga hiện nay chủ yếu do những tập đoàn kinh tế đầu sỏ (the oligarchs) thân hữu chung quanh Putin nắm giữ; kẻ nào không thần phục Putin đều bị loại bỏ thẳng tay dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả đầu độc. Thực tại của chế độ chuyên chế này cùng với ảnh hưởng sâu rộng của cơ đốc giáo đã tạo ra nền tảng cho cái được gọi là chủ nghĩa Putin (Walter Laqueur[1]). Toàn bộ thực tế này chi phối quyết định sự phát triển của nước Nga từ sau 1991 cho đến hôm nay.
Song song với việc thiết lập một thể chế chính trị độc đoán tuyệt đối, một mặt Putin thẳng tay đàn áp mọi xu hướng đối lập, mặt khác tập hợp chung quanh mình những phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan – trong đó có cả những kẻ sùng bái Hitler.., cổ vũ cho tinh thần Nga, bản sắc Nga, bác bỏ phương Tây… Mọi nỗ lực đối nội và đối ngoại của Putin theo chủ nghĩa dân tộc hữu khuynh cực đoan (extreme rightwing nationalism) được thực hiện với tâm thế và phong cách độc tài đầy bạo lực của một sỹ quan KGB nhà nghề, hôm nay giữ cương vị lãnh tụ của giới tinh hoa Siloviki[2] ngự trị nước Nga (đã từng khét tiếng từ thời Liên bang Xô-viết cho đến nay). Tất cả nhằm phục sinh đế chế Sa hoàng kiểu xô-viết stalinist, tìm cách liên minh với TQ và các thế lực cực đoan khác trên thế giới (còn được gọi là những nỗ lực hình thành phe trục) để triển khai.
Putin sẵn sàng thực hiện chiến tranh đè bẹp mọi nỗ lực trỗi dạy và muốn thoát Nga của các nước trong Liên Xô cũ: chiến tranh khuất phục Chechnya 1999, khuất phục Georgia 2008, chiếm Krym và vùng Donbas 2014… Nước Nga Putin thường xuyên gây áp lực với các nước Armenia, Azerbajan, Moldova, Litva, Estonia… Bởi vì sau khi thoát Nga thành công năm 1991, hầu như tất cả các quốc gia này đều hội nhập châu Âu và tham gia NATO để tránh sự trừng phạt của Nga. Tại Syrie, sau nhiều năm giúp chính quyền Bashar al-Assad, năm 2015 Putin đưa quân vào giúp đập tan sự nổi dậy của cuộc cách mạng mùa xuân Ả-rập và các phong trào hồi giáo khác nhau – với những tội ác chiến tranh rùng rợn như đang lặp lại ở Ukraina, đồng thời chống lại những sự can thiệp của một số nước khác tại đây, qua đó xác lập chỗ đứng đầu tiên của Nga ở Trung Đông; cuộc chiến tranh ở Syrie hiện nay vẫn đang tiếp diễn. Sau nhiều năm can thiệp hậu thuẫn các chế độ độc tài tại Belarus và Kajakhstan, năm 2021 Putin đưa quân vào giúp, hậu thuẫn kinh tế và chính trị, hỗ trợ chính quyền sở tại đập tan sự nổi dậy của nhân dân tại 2 quốc gia này chống lại chính phủ độc tài và tham nhũng, vân vân…
Nói riêng về Ukraina: Là quốc gia lớn thứ 2 sau Nga trong Liên Xô cũ, hôm nay đứng trong vùng đệm giữa Nga và châu Âu.
Ukraina xưa nay vốn là một dân tộc, có lịch sử riêng từ khoảng thế kỷ IX, có ngôn ngữ và truyền thống văn hoá riêng của mình, có những mối liên quan văn hoá với phương tây – trước hết là với Balan, hay là vẫn hướng về phương Tây từ trước khi đế chế Sa hoàng ra đời. Tuy rằng dân tộc Ukraina có nhiều quan hệ anh em rất sâu sắc với dân tộc Nga bắt đầu từ thời Sa hoàng (kể từ khi bị sáp nhập vào Nga, chính thức từ thế kỷ XIX), song đấy vẫn là 2 dân tộc khác nhau. Năm 1922, Ukraina trở thành một nước đồng sáng lập Liên bang Xô viết đồng thời trở thành một nhà nước cộng hòa theo thể chế xã hội chủ nghĩa nằm trong Liên Xô (xem Wikipedia) – và đúng 100 năm sau, năm 2022 Ukraina là đối tượng xâm lược số 1 của Nga Putin.
Ukraina đã từng chịu đựng nhiều thảm cảnh thời Liên bang Xô viết – trong đó có nạn đói diệt chủng Holodomor 1932 -1933... Trong chiến tranh vệ quốc vỹ đại chống phát xít Đức, khoảng 40% những người đã hy sinh để bảo vệ Liên Xô là người Ukraina, v… v… Kể từ khi trở thành quốc gia độc lập 1991 cho đến đời tổng thống Prochenko (mãn nhiệm năm 2019), Ukraina chìm đắm trong tệ nạn tham nhũng, sự chia rẽ bè phái trong tranh giành quyền lực, và sự phân hoá nhiều mặt trong nội bộ nhân dân (thực trạng này không hề thua kém nước Nga Putin hôm nay). Vì những lẽ này, khát vọng của nhân dân Ukraina về dân chủ và tự do, về gia nhập EU và NATO ngày càng cháy bỏng. Trong khi đó Nước Nga Putin thường xuyên can thiệp quyết liệt vào nội tình Ukraina, cao điểm là tình hình căng thẳng đã làm nổ ra cuộc cách mạng Maidan đẫm máu 01-2014, lật đổ chính quyền thân Nga. Tổng thống đương nhiệm Ukraina lúc đó là Yanukovich đã kêu gọi Nga đưa quân vào chiếm Krym (thực ra là đã phối hợp với nhau từ trước). Yanukovich sau đó đã kịp thời cuỗm được một khoản tiền lớn từ ngân sách quốc gia rồi bỏ chạy sang Nga sống lưu vong, nhờ đó thoát được sự truy nã của Interpol. Phản ứng lại ngay tức khắc, tháng 03-2014 Nga tấn công chiếm bán đảo Krym và phần quan trọng trong vùng Sevastopol. Trải qua 6 đời tổng thống kể từ 1991 đến đời tổng thống Porochenko (2014-2019), tình hình Ukraina vẫn ngày càng trầm trọng mọi mặt, lòng dân phân tán, quốc gia trở thành nước nghèo nhất châu Âu! Toàn bộ thực tế này đã dẫn tới thắng cử ròn rã năm 2019 của tổng thống thứ 7 là Zelensky.
Xin lưu ý: Quốc Hội Ukraina ngày 07/02/2019 đã ghi vào Hiến Pháp mục tiêu trở thành thành viên Liên Hiệp Châu Âu và NATO - một quyết định được tổng thống Petro Porochenko đương nhiệm lúc ấy cho là «mang ý nghĩa lịch sử», như một hệ quả tất yếu của việc Nga chiếm Krym và Sevastopol năm 2014. Bước đi định mệnh này của Hiến pháp Ukraina xảy ra trong bối cảnh khoảng hai tháng sau (05-2019) bầu cử vòng 2 đã dẫn đến thắng cử vang dội của tổng thống Zelensky.
Ngoài đời, từ lâu Zelensky đã trở thành nghệ sỹ của nhân dân, người của nhân dân qua hoạt động nghệ thuật đầy trí tuệ, tính khai sáng, tính phê phán và tính nhân văn của mình – một nhân vật không thuộc đảng phái nào cả, với số phiếu bầu áp đảo là 73%. Xin lưu ý cho: Mãi đến 31-03-2018 Zelensky mới lập ra được “Đảng Đầy tớ nhân dân” của mình (lấy tên một bộ phim của chính Zelensky có ảnh hưởng lớn ở Ukraina) để tranh cử. Vì có quyền lựa chọn, nên nhân dân Ukraina đã chọn đúng… Những cuộc nói chuyện trực tuyến của tổng thống Zelensky tại quốc hội Mỹ và tại một số quốc gia khác, để lại cho cả thế giới sự khâm phục: Zelensky đã thức tỉnh rất thuyết phục Mỹ và phương Tây về những yếu kém của những quốc gia này trong đương đầu với cái ác mới đã xuất hiện trên thế giới!
Song như một lời nguyền địa lý, để cho Ukraina có thể trở thành cái nôi của dân chủ, hơn nữa nó có thể sẽ là pháo đài của phương Tây áp sát nước Nga, đó là điều đế chế sa hoàng sống lại trong nước Nga Putin hôm nay không thể chấp nhận được. Trước khi xảy ra cuộc chiến tranh 24-02-2022, những diễn biến trong mối quan hệ Nga – Ukraina nói riêng, và trong mối quan hệ giữa Nga với thế giới bên ngoài nói chung, cho thấy cuộc chiến tranh 24-02-2022 xâm lược Ukraina đã manh nha từ khi Nga chiếm Krym và Sevastopol năm 2014 – bắt đầu từ những hoạt động chống phá liên tục của những người Nga ly khai tại Donetsk và Luhangsk do Nga hậu thuẫn! Dư luận tiến bộ trên thế giới nhận định toàn bộ quá trình phục hưng đế chế Sa hoàng đến nay và cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina cho thấy Putin đang thách thức nghiêm trong phương Tây, đang cùng đi với TQ thay đổi trật tự thế giới.
Đại thể có 3 loại ý kiến giải thích nguyên nhân cuộc chiến tranh 24-02-2022: (i) cũng như bất kỳ đế chế nào trên thế giới này, đế chế Sa hoàng không thể không kèn không trống rút lui khỏi vũ đài thế giới, sự trỗi dậy của nó hôm nay là bản năng sống còn tất yếu của nó – cũng như đế chế Trung Hoa đang trên đường phục hưng hôm nay vậy; (ii) do Mỹ và phương Tây đã bội ước với Gorbachov – vì đã mở rộng NATO sang phía Đông; và (iii)do cả 2 nguyên nhân (i) và (ii) cộng lại – trong đó nguyên nhân sâu xa và mang tính quyết định của cuộc chiến tranh 24-02-2022 là nguyên nhân (i), nguyên nhân (ii) chỉ là phụ trợ, là cái cớ, và thuận tiện cho việc lựa chọn thời điểm, tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là thứ yếu.
Cách lý giải iii hợp lý hơn cả, vì trọng tâm ý đồ của Putin trước và sau chiến tranh Ukraina vẫn nhất quán là thách thức cấu trúc châu Âu để bảo vệ sự tồn tại của mình, và qua đó muốn làm sống lại thời huy hoàng của đế chế xô-viết stalinist – giấc mộng Putin.
Thời điểm 24-02-2022 cho cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina liên quan mật thiết với những diễn biến trên thế giới. Khi quan hệ Mỹ - Trung trở nên cực kỳ căng thẳng từ thời Trump, lại đúng vào lúc Mỹ bộc lộ nhiều yếu kém mới trong quá trình chuyển đoạn từ Trump sang Biden (trong đó nổi bật là cuộc rút quân thảm hại khỏi Afghanistan thời Biden), nội bộ Mỹ - EU có nhiều mâu thuẫn, NATO suy yếu.., Putin chủ động khai thác mâu thuẫn Mỹ - Trung, nhờ đó tạo ra được liên minh Nga – Trung hợp tác không giới hạn (tuyên bố chung Nga – Trung ngày 04-02-2022), và Putin đã quyết định hành động khi thời cơ đến. Sau khi tiến hành tổng diễn tập quân sự lớn và toàn diện chưa từng có, ngày 21-02-2022 Putin đọc diễn văn nêu ra mọi lý do (các pretexts) để khai mào, chính đáng hoặc nguỵ biện – trong đó có v/đ vu khống Ukraina nazi hoá theo chủ nghĩa phát xít, phạm tội diệt chủng đối với người Nga ở Donbas.., và tố cáo NATO mở rộng về phía Đông…[3]; ngày 24-02-2022 nổ súng khai chiến.
Những tin tức biết được có thể cho kết luận: Sự hợp tác song phương này dựa trên thoả thuận giữa Putin và Tập Bình rất sâu sắc, được tính toán kỹ lưỡng, đầy tham vọng toàn cầu, diễn ra vào lúc thế giới phương Tây trên đà suy thoái. Lịch sử thế giới hiện tại chứng kiến cuộc hôn nhân của hai siêu cường Nga – Trung “đồng sàng dị mộng” này trở thành một cặp đôi hoàn hảo trên đoạn đường hiện nay, với khát vọng cùng nhau vẽ lại bản đồ địa chính trị và địa kinh tế thế giới, hiện thực đến mức hầu như có thể lấy tay sờ mó vào được! Trình bầy như thế không biết đã diễn đạt được hết hay chưa vấn đề:
- Thảm hoạ nào sẽ chờ đợi thế giới, nếu như không có cuộc chiến đấu vệ quốc dũng cảm vô song của nhân dân Ukraina chen vào và bước đầu làm thất bại ý đồ chiến lược của Putin trong cuộc chiến tranh này!?
Xin hãy thử giả định: Cuộc chiến tranh chớp nhoáng (der Blitzkrieg) với tất cả tổng lực của nước Nga Putin nếu thành công mỹ mãn trong vài ngày như kế hoạch tác chiến đã đề ra, toàn thế giới hôm nay – trong đó có cả nước ta – sẽ thế nào?!
III. CUỘC CHIẾN TRANH UKRAINA THAY ĐỔI CỤC DIỆN THẾ GIỚI
Sự kiện chiến tranh ở Ukraina làm cho mọi thay đổi trên thế giới đang diễn ra từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, làm lộ ra diện mạo một thế giới khác.
· Về Ukraina
Cuộc kháng chiến anh dũng vô song của nhân dân Ukraina bảo vệ tổ quốc chẳng những làm bộc lộ bản chất hợp tác Nga-Trung, mà còn là cú hích thức tỉnh nhân loại: Phải đứng lên dấn thân đấu tranh bảo vệ hoà bình và phấn đấu cho những giá trị của dân chủ và phát triển; bởi vì chưa bao giờ thế giới đứng trước những thách thức khôn lường do quá trình toàn cầu hoá đang đổ vỡ hiện nay gây ra từ cuộc chiến tranh xâm lược ngày 24-02-2022, và do nguy cơ chiến tranh hạt nhân đến gần với nhân loại hơn bao giờ hết!
Xin tóm tắt trong mấy nét sau đây.
- Nhân dân Ukraina với tổng thống Zelensky đứng đầu chiến tuyến của mình đã đúng khi lựa chọn quyết tâm bảo vệ đến cùng tổ quốc của mình, bất chấp tất cả những gì đã và đang phải trải qua. Cuộc kháng chiến tuy sẽ còn phải đi qua giai đoạn cuối cùng phía trước, đang vô cùng quyết liệt và rất đẫm máu trước khi kết thúc, song ngay bây giờ có thể nhận định: Ý đồ chiến lược nguyên thuỷ của cuộc chiến tranh xâm lược này đã thất bại.
- Làm thất bại ý đồ chiến lược nguyên thuỷ cuộc chiến tranh xâm lược này, nhân dân Ukraina anh dũng đã giành thắng lợi trong hiệp đấu đầu tiên cho chính mình, cho Mỹ và các nước EU đang giúp đỡ cuộc kháng chiến của mình, và cho nhân dân nhiều nước khác đứng về phía và đang ủng cuộc kháng chiến này. Thắng lợi trong hiệp đấu đầu tiên nay đặt ra tiền đề, và nhờ đó cũng xác lập được định đề trong cục diện mới trên thế giới hôm nay: Hoà bình, dân chủ và phát triển của cả thế giới đang bị thách thức hơn bao giờ hết, cả nhân loại phải đứng lên mà giành lấy, mà bảo vệ! Không có gì cho không!
- Từ một nước Ukraina nội bộ chia năm xẻ bẩy, bị tệ nạn quan liêu tham nhũng hành hạ tan tác đất nước, và bị Nga can thiệp liên tục và thô bạo trong suốt 30 năm kể từ khi trở lại là một quốc gia độc lập năm 1991, hôm nay trở thành một quốc gia với tinh thần đoàn kết dân tộc vững trãi bất khả kháng, đã và đang kháng chiến anh dũng vô song dưới lá cờ của người tổng tư lệnh anh hùng dân tộc Zelensky của mình! Nhân dân Ukraina chẳng những đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong hiệp đấu đầu tiên này, mà còn đang tự lột xác mình để trở thành một dân tộc mới, với những giá trị mới của đoàn kết dân tộc, dân chủ, và tự do – đòi hỏi không thể thiếu cho thời kỳ sau này hàn gắn vết thương chiến tranh và kiến thiết lại tổ quốc bị tàn phá! Sự tự biến đổi như vậy để vươn lên trở thành một dân tộc tự làm chủ vận mệnh của mình và làm chủ đất nước mình với những giá trị cao quý nhất của văn minh nhân loại có lẽ nên được xem là bước ngoặt đổi đời của lịch sử nhân dân Ukraina, của nước Ukraina, là niềm vui và sự cổ vũ chung cho nhân dân các nước trên thế giới đang cùng trên trận tuyến với nhân dân Ukraina.
· Về Mỹ và EU
Sự thức tỉnh của Mỹ và EU trong toàn bộ vấn đề chiến tranh ở Ukraina, thể hiện tập trung qua những thoả thuận và quyết định chung cấp cao của Mỹ, EU, NATO và G7 ở Brussels (24 & 25-03-2022)[4] về đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraina là chưa từng có kể từ sau chiến tranh thế giới II.
Đây là bất ngờ lớn đối với liên minh Nga – Trung, đối với thế giới, và đối với cả chính bản thân Mỹ và các nước EU. Kể từ sau chiến tranh thế giới II, đấy là sự đoàn kết và hành động thống nhất của Mỹ và EU chưa từng có – thể hiện trong giúp Ukraina về vũ khí và kinh tế để duy trì được sức chiến đấu và giải quyết được vấn đề người tỵ nạn, thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế - chính trị đối với Nga, ngăn chặn nguy cơ Nga tiến hành chiến tranh hoá học hay chiến tranh hạt nhân chống Ukraina, tăng cường sự có mặt thường trực tại chỗ của lực lượng vũ trang NATO trên vành đai phía Đông, răn đe TQ tiếp tay cho Nga kéo dài chiến tranh, kiềm chế mọi nguy cơ chiến tranh lan rộng hoặc biến tướng thành đối đầu trực tiếp với Nga… Sự việc các thành viên EU đồng loạt tăng cường ngân sách quốc phòng để nâng cao khả năng phòng thủ của họ, dám từng bước đoạn tuyệt với nguồn cung cấp năng lượng từ Nga nói lên nhận thức sâu sắc và quyết tâm lớn của họ…
Hầu như có thể kết luận chắc chắn nếu không có NATO mở rộng như hiện nay, có lẽ châu Âu nguy khốn từ lâu rồi, và Mỹ và châu Âu chắc sẽ khó có được phản ứng như hiện nay về vấn đề Ukraina. Ngay trong hiện tại, cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác của Nga đã khiến Thuỵ Sỹ bỏ thái độ trung lập để tán thành 2 nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc lên án cuộc chiến tranh này, Phần Lan và các nước Bắc Âu đang tính đến việc gia nhập NATO.
Tuy nhiên Mỹ và EU / NATO không thể đáp ứng đòi hỏi của Ukraina về thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraina để hạn chế Nga tấn công từ trên không hay từ ngoài biển vào – với lý do cần phòng ngừa biến tướng thành chiến tranh NATO-Nga, cùng với lý do này nên còn dè dặt trong cung cấp cho Ukraina một số vũ khí tối tân nhất… Tóm lại, Mỹ và EU dành cho Ukraina sự giúp đỡ rất lớn để kháng chiến đến thắng lợi, kết hợp với trừng phạt Nga quyết liệt về kinh tế, chính trị, song giữ cho tình hình nằm trong giới hạn không để cho xảy ra đối đầu NATO-Nga, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh hạt nhân / chiến tranh thế giới III.
Song ngay trong lúc này, diễn tiến đàm phán Ukraina – Nga chưa biết lúc nào mới có thể đi tới kết thúc, Mỹ và phương Tây đang đứng trước hàng loạt vấn đề lớn chung quanh (a) chủ đề đọ sức tiếp với cặp Nga-Trung như thế nào trên thế giới này, đồng thời phải giải quyết (b) chủ đề làm thế nào bảo đảm thực thi được thoả thuận sẽ đạt được giữa Ukraina và Nga. Hai loại nhiệm vụ này liên quan mật thiết với nhau.
Có thể có những vấn đề đáng lưu ý sau đây:
(1) Mỹ và phương Tây sẽ phải nỗ lực rất nhiều về đối nội và đối ngoại, để không mất đà hiện nay, và để đủ mạnh trong giải quyết những vấn đề kinh tế và nội trị của quốc gia mình và của toàn bộ tập hợp này cho phép họ (a) giữ được lợi thế bước đầu hiện nay trong đối phó với liên minh Nga-Trung, và (b) bảo đảm thực thi được thoả thuận Ukraina-Nga. Nhất là cái giá Mỹ và EU phải trả để duy trì được sự trừng phạt và sức ép của họ đối với Nga không hề nhỏ. Bởi vì quy luật muôn thuở quật ngã được đối phương, thì mình cũng đứt hơi! Có thể nói Mỹ và phương Tây còn rất nhiều việc phải làm để không xảy ra tình huống giữa đường đứt gánh…
(2) Chiến tranh phá vỡ toàn cầu hoá. Là những nước có vai trò dẫn dắt sự phát triển kinh tế thế giới, Mỹ và phương Tây đứng trước nhiệm vụ kép vừa phải sớm tạo ra sự phát triển năng động mới của chính quốc gia mình để tăng cường thực lực, vừa phải đi đầu trong góp phần phục hồi, cải thiện và phát triển mới quá trình toàn cầu hoá sao cho có lợi nhất cho hoà bình, hợp tác và phát triển giữa mọi quốc gia – nghĩa là phải tìm cách hạn chế tới mức có thể hiện tượng để cho TQ chỉ một chiều lạm dụng toàn cầu hoá cho mưu đồ bá chủ, nhưng TQ lại vô trách nhiệm đối với thế giới như đã diễn ra xuyên xuốt trong những thập kỷ vừa qua. Thách thức này rất lớn, đòi họi mọi quốc gia phải vào cuộc – song trách nhiệm nặng nhất trước hết đặt lên vai Mỹ và tất cả các nước phát triển. Họ có làm được không?
(3) Mỹ và phương Tây – bao gồm hầu hết những nước phát triển khác – đang hình thành ngày càng rõ nét hơn một mặt trận chung chống chiến tranh, bảo vệ hoà bình, vì sự phát triển và dân chủ. Tuy nhiên nơi này nơi khác ngay trong lòng thế giới phương Tây và trong các khu vực trên thế giới vẫn còn sự phân hoá nhất định trong đối xử và trong những quan hệ làm ăn với Nga và TQ. Phía Nga và TQ sẽ ra sức phản công. Mỹ và phương Tây sẽ phải nỗ lực rất nhiều để tiếng nói của hoà bình, hợp tác và dân chủ có sức mạnh quyết định. Cuộc sống tiếp tục khẳng định chân lý: Hoà bình chỉ có thể giành được và gìn giữ được bằng thực lực và bản lĩnh của từng quốc gia và bằng sự phấn đấu chung của mọi quốc gia vì hoà bình và dân chủ.
· Về liên minh Nga-Trung
Hiện nay, vì blitzkrieg thất bại, Nga đang từ chiến lược chiếm đất chuyển sang dùng chiến tranh huỷ diệt từ trên không, từ biển vào và trên mặt đất, để thực hiện đánh/đàm kéo dài, mong giành thắng lợi.
Còn TQ đang cùng một lúc phải giải quyết nhiều bài toán khó: Cứu Putin thế nào để còn giữ được tinh thần tuyên bố chung 04-02-2022 mà vẫn lách được trừng phạt của Mỹ và EU, giữ thể diện với thế giới vì tay đã nhúng chàm quá lộ liễu trong v/đ Ukraina, giành lấy vai sứ giả hoà bình giả hiệu để vừa rửa mặt vừa tạo thế mới.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể trong ngắn hạn, có thể nhận định: Cho đến nay TQ là nước duy nhất được lợi, hay được lợi nhiều nhất trong cuộc chiến tranh này. – Có thể liệt kê một số sự việc sau đây:
(1) rút ra được nhiều kinh nghiệm rất quan trọng không thể thiếu để điều chỉnh chiến lược toàn cầu của mình – chiến tranh Ukraina được xem như một test kit cho toàn bộ chiến lược toàn cầu hiện có của TQ;
(2) tiếp tục giữ được và khai thác mối liên minh với Nga để đối đầu / mặc cả với Mỹ và phương Tây – hầu như chắc chắn sau cuộc chiến tranh này Nga càng cần TQ hơn và vì thế TQ vẫn bảo tồn được vị thế hiện có của TQ đối với Mỹ và phương Tây, mối quan hệ cặp đôi này tiếp tục gia tăng;
(3) điều chỉnh chiến lược cho vấn đề sáp nhập Đài Loan, hầu như chắc chắn sẽ phải lùi lại một số năm;
(4) TQ càng thấy rõ Mỹ và phương Tây không thể bỏ được thị trường TQ – một yếu tố TQ đã khai thác và lợi dụng cực kỳ thành công bắt đầu từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay;
(5) khai thác được nỗi sợ của Mỹ và phương Tây về chiến tranh A
(6) Vân vân…
Tuy có một số hiện tượng rạn nứt nào đó trong nội bộ TQ về cuộc chiến tranh này và về Tập Cận Bình, song có lẽ trong phạm vi ngắn hạn vai trò và vị thế hiện nay của Tập Cận Bình không có thay đổi gì đáng kể trong nội bộ TQ. Nhìn dài hạn lại là chuyện khác.
Sự vận động nội tại của Nga và TQ giữ vai trò quyết định nhất hai quốc gia này trong tương lai sẽ hướng về đâu: (i) về chuyên chế và chiến tranh, hay là (ii) về dân chủ và hoà bình.
Trên thế giới có nhận định:
Về Nga, chiến tranh xâm lược Ukraina đã tiêu hao nghiêm trọng những gì nước Nga vực lên được từ sau 1991, gây chia rẽ nội bộ chưa từng có, chất xám sẽ ngày càng bỏ nước ra đi, đầu tư nước ngoài rút, nước Nga Putin sẽ khủng hoảng sâu sắc hơn, nhưng càng chuyên chế và khát máu hơn, và như thế rất nguy hiểm. Không loại trừ sẽ có những biến động nội tại lúc nào đó sẽ dẫn đến thay đổi / đổ vỡ chế độ, Lịch sử Liên Xô kể từ ngày thành lập cho đến nước Nga Putin hôm nay (khoảng 1 thế kỷ) tổng cộng đã 4 – 5 lần có những biến cố như thế - và sự phục sinh ở thời điểm hôm nay là một đế chế sa hoàng stalinist đang tìm cách tự khẳng định mình! Bề dầy của lịch sử văn hoá Nga có thể góp phần làm sáng tỏ sự trỗi dậy trở lại kiểu này (resurgence)!..
Về TQ, sự kiện chiến tranh Ukraina một mặt thức tỉnh Mỹ và EU đứng trong một mặt trận chung – điều mà TQ không ngờ nhất và cũng lo ngại nhất, mặt khác làm cho thế giới còn lại ngày càng nhận diện rõ hơn bản chất bá quyền của TQ và những giới hạn TQ không thể vượt qua. Những diễn biến này khiến TQ đang phải điều chỉnh nhiều thứ, giấc mộng Trung Hoa hôm nay phải đứng xa hơn một chút so với trước khi có sự kiện chiến tranh Ukraina, song khát vọng của Tập lấy lại 5 thế kỷ TQ đánh mất hầu như không đổi.
Trong khi đó Sergei Lavrov và Vương Nghị liên tục khẳng định hợp tác Nga-Trung đang tiếp tục mạnh lên.
Từ những suy nghĩ trên có thể cảnh báo:
- Sự thất bại chiến lược keo đầu tiên của Putin trong cuộc chiến tranh 24-02-2022 không làm cho hợp tác Nga-Trung theo tinh thần tuyên bố chung 04-02-2022 tan vỡ, mà càng củng cố thêm. Bởi vì sau thất bại đầu tiên này, 2 quyền lực này càng cần nhau hơn bao giờ hết, nhất là Nga – vì làm khác đi, sẽ có nghĩa cả Vladimir Putin và Tập Cận Bình đều cam chịu số phận lúc nào đó sẽ có thể bị bắt làm tù binh, điều chắc chắn họ không muốn – và hơn thế nữa, họ vẫn còn nguyên trong tay mọi vũ khí rắn và mềm họ có, chẳng có lý do gì để bỏ cuộc!
- TQ có Nga yếu và cần liên minh với mình như hiện nay là điều kiện địa chính trị lý tưởng chưa từng có cho TQ kể từ khi khởi xướng giấc mộng Trung Hoa bá chủ thế giới – xin đừng quên điều này liên quan mật thiết đến Biển Đông. Sự hợp tác của hai bên ngày càng cần nhau như vậy trên thực tế đã trở thành một liên minh. Nghĩa là cuộc xâm lăng Ukraina có thể được xem là cuộc chiến tranh đầu tiên của liên minh này; cuộc chiến tranh tiếp theo của liên minh có thể sẽ là Đài Loan, hoặc một nơi nào khác trên Biển Đông, Biển Hoa Đông, hoặc đâu đó trong khu vực Indo-Pacific... Nền tảng của liên minh này chỉ có 1 cụm từ cộc lốc “hợp tác không giới hạn” – song đấy là một dạng hiệp ước chiến lược (a strategic treaty) ngắn nhất trong lịch sử quan hệ quốc tế, nhưng có nội dung rộng lớn và bao quát nhất, chỉ bị giới bởi thực lực của 2 nước này và sự áp đặt của cuộc sống.
- Cả Nga và TQ đều tuyên bố tại nhiều nơi, gần đây nhất là Sergei Lavrov tại Ấn Độ (31-03-2022): Hợp tác Nga-Trung nhằm thực hiện một trật tự quốc tế đa nguyên (được hiểu là nhiều cường quốc làm chủ thế giới) và dân chủ (được hiều là dân chủ của các cường quốc – thực chất là nhằm vào chống Mỹ!). Song ngay khi mới xúc tiến cuộc chiến tranh xâm lược 24-02-2022, Putin đã răn đe quyết liệt sẵn sàng xử dụng vũ khí A. Điều này cảnh báo: Bản chất liên minh Nga-Trung mang trong nó yếu tố kích thích hay đẩy thế giới đến gần chiến tranh hạt nhân!.. Ngoài ra phải đặt câu hỏi liên minh này còn có thể làm những gì khác nữa!? Thực tế này nhắc nhở loài người hãy cảnh giác!
IV. VIỆT NAM LÀM GÌ?
Việt Nam cần phải trở thành một quốc gia độc lập, dân chủ, tự chủ, tự cường, có đủ trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh, (a) để vĩnh viễn thoát khỏi quá khứ đau khổ và đẫm máu là nạn nhân của cái trật tự quốc tế “hai phe bốn mâu thuẫn” còn tác động mãi đến hôm nay, (b) để không bao giờ một lần nữa quốc gia lại là nạn nhân của đối đầu 2 phe hay giữa các phe nào, song mặt khác nước ta phải làm tất cả mọi việc để trở thành cái nôi của hoà bình, hợp tác và phát triển không thể thiếu trong khu vực Đông Nam Á, và đồng thời phải là một trong các thành viên rường cột của ASEAN – trên cơ sở đó bảo vệ được sự tồn tại và tạo ra sự phát triển phải có cho mình để sống; (c) đứng tại điểm nóng Biển Đông trên chiến tuyến đối kháng Mỹ - Trung, dứt khoát Việt Nam hôm nay phải làm mọi việc để có khả năng và bản lĩnh trở thành tụ điểm của hoà bình, của bảo vệ luật pháp quốc tế, và của lẽ phải, không để cho lửa chiến tranh bén vào nhà mình, nếu có kẻ nào xâm lược đất nước mình thì phải đủ bản lĩnh và sức mạnh tự mình chống trả bất khuất, tranh thủ được sự đồng tình ủng của hộ bè bạn để bảo vệ thắng lợi sự vẹ n toàn mọi mặt của tổ quốc; (d) là nước duy nhất có quan hệ truyền thống và sâu rộng với TQ, Mỹ và Nga, Việt Nam cần đủ bản lĩnh độc lập tự chủ để phát huy vai trò của mình góp phần vào hoà giải và hoà bình. Đáp ứng thành công những đòi hỏi mới này (a, b, c, và d) trong cục diện thế giới hôm nay là con đường hứa hẹn nhất của nước ta, để xây đắp nên mối quan hệ bền vững với TQ - vì hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển theo 5 nguyên tắc chung sống hoà bình!
Song cái bất biến để ứng vạn biến là: Phải có một nhân dân Việt Nam có quyền lựa chọn làm chủ chính mình và làm chủ đất nước mình như là một tiền đề tất yếu, để đoàn kết cùng nhau xây dựng nên bằng được một Việt Nam đáp ứng được những đòi hỏi mới (a, b, c, và d) như trình bầy trên. Cái bất biến này là cái đích một ly không rời! Cái đích này cả nước phải cùng nhau đứng lên giành lấy, để tổ quốc Việt Nam của chúng ta hôm nay tồn tại, sống được, và phát triển trong thế giới này!
Hàng chục năm nay, trong các kiến nghị, thư gửi lãnh đạo ĐCSVN nhân các dịp trọng đại khác nhau, trong các bài viết trên mạng, tựu trung lại tôi khẩn thiết đề nghị: Phải tiến hành cuộc cải cách chính trị đổi đời đất nước, để xây dựng nên một dân tộc Việt Nam trưởng thành làm chủ đất nước, để tạo ra trí tuệ, ý chí, bản lĩnh và sức mạnh của quốc gia đáp ứng được những đòi hỏi (a, b, c, và d) do cục diện thế giới hôm nay khách quan đặt ra cho nước ta – bắt đầu từ đổi mới ĐCSVN hôm nay trở thành đảng của dân tộc và dân chủ như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nêu trong thư ngày 09-08-1995[5], để có một tổ chức chính trị đủ mạnh xúc tiến công cuộc cải cách mang ý nghĩa lịch sử trọng đại này. Hàng chục năm nay tôi đã cân nhắc kỹ mọi bề và khẳng định: Cuộc cải cách chính trị này là con đường sống duy nhất, cả nước ta phải đứng lên lựa chọn. Không được phép làm khác!
Hết
Hà Nội – Võng Thị, ngày 03-04-2022
Không có nhận xét nào