Header Ads

  • Breaking News

    Nghĩ gì về Hội Nghị Thượng Đỉnh Đặc Biệt ASEAN-Mỹ ngày 28 và 29 tháng 03 bị dời lại vô thời hạn?

    Lê Thành Nhân (Lethanhnhan@vietquoc.org)

    04/4/2022

    https://lh3.googleusercontent.com/pw/AM-JKLXf4ymmnHkSNHqbdkDxDnxthDhV8cQdVkJDFMY6rQavKU9xFaI3mONduNW6CY_g8gIamiyvkwk6oHHGSmek2TA6QRkSQleocXIHRZIL8PPyxBTg4Su9XndxA6yP_KUg_C_CVPK7u9FCeK-bO7hhpf4H=w1280-h720-no?authuser=2

    Hội Nghị Thượng Đỉnh Đặc Biệt (HNTĐĐB) ASEAN-Hoa Kỳ là hội nghị đặc biệt giữa các nhà lãnh đạo của các nước trong khối ASEAN và Tổng Thống Mỹ để thảo luận về những điều quan trọng trong khu vực Đông Nam Á về kinh tế, chính trị, an ninh của 10 quốc gia khối ASEAN với Mỹ. 

    1) HNTĐĐB ASEAN-Mỹ đầu tiên dưới thời TT Obama  

    Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ khối ASEAN-Mỹ, HNTĐĐB tổ chức vào ngày 15/02/2016 tại Sunnylands, miền Nam California Hoa Kỳ dưới sự chủ toạ của Tổng Thống Barack Obama. Trong đó lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á (khối ASEAN) đều có mặt. Trong nhiệm kỳ của tổng thống Obama, Mỹ bắt đầu chiến lược “xoay trục” về Đông Nam Á. Người đề xuất chiến lược xoay trục là Kurt Campbell, phụ tá Bộ Trưởng Ngoại Giao đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương cũng là tác giả cuốn “The Pivot”. Một cuốn sách mà Cố Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa và là ứng viên Tổng Thống năm 2008 John McCain đã khen ngợi rằng “Đây là cuốn sách cần phải đọc cho bất cứ ai muốn hiểu Thế Kỷ Thái Bình Dương đang nổi lên, và vai trò không thể thiếu của Mỹ đối với thế kỷ này”.

    Ông Kurt Campbell nay là thành viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương cũng là một cộng sự viên thân tín của Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan, 2 người này rất thân thiết và hợp ý nhau đã có nhiều bài viết chung trên Tập San Foreign Affairs.

    Vì chính sách “xoay trục” nên Washington cần có một HNTĐĐB ASEAN-Mỹ. Kết quả của Hội Nghị tại Sunnylands năm 2016 là Mỹ xác định việc tôn trọng chủ quyền và đẩy mạnh nền giao thương với các nước trong khối ASEAN. Chủ đề chính của Hội Nghị là bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hội Nghị đi đến nhận thức chung là khu vực Đông Nam Á đang nổi lên những vấn đề phức tạp như tình hình Biển Đông, Bắc Hàn thử hoả tiễn liên lục địa và bom nguyên tử, an ninh Internet, biến đổi khí hậu toàn cầu…

    Các nước trong khối ASEAN cũng mong muốn rằng Mỹ là đối đối tác chiến lược quan trọng của ASEAN để thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực và giải quyết các vấn đề đang diễn biến càng ngày càng phức tạp tại khu vực này – dù không nêu đích danh, nhưng ai cũng biết là do Bắc Kinh gây ra.

    Cũng vào thời điểm này, Mỹ phải đương đầu với 2 cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông và Afghanistan, nên không dồn hết mọi nỗ lực vào vùng Đông Nam Á, dù biết rằng vùng này đang bị thách thức của Trung Cộng.

    Với những âm mưu thâm độc nắm bao tử như những nhà cầm quyền Cộng Sản từng thực hiện với dân chúng, Trung Cộng tuôn những tấn hàng hóa giá rẻ tràn ngập vào thị trường các nước ASEAN, nhất là sau thời gian khủng hoảng tài chính năm 1997, nền giao thương giữa Trung Cộng- ASEAN hằng năm thường gấp đôi Mỹ-ASEAN. Trung Cộng đã biến các nước ASEAN thành chợ trời sân sau của mình.

    https://lh3.googleusercontent.com/pw/AM-JKLW6RLpvY8MAXJ3iqY4IPKGQRCyBstXm-nrOjhQWV5WySwI8KlkESe52sZnq4Eai05fGa3hM_s7BcY51Ej_I3HJM7nZubkK0164m13j1TH5BwkAWY7S6G7QshXej1aZuKhQRVyMbD4doF8pvfWrGvbDE=w1082-h507-no?authuser=2

    Biểu đồ về giao thương của khối ASEAN với Trung Cộng, Mỹ, Nhật và EU từ năm 2004 đến 2020. Nhìn vào biểu đồ này, vào năm 2004 nền giao thương giữa ASEAN-Trung Cộng (đường đỏ) chỉ  bằng một nửa của Mỹ (xanh), EU (vàng) và Japan (xám). Đến năm 2020 nền giao thương giữa ASEAN-Trung Cộng gần gấp đôi so với Mỹ, EU và Japan. Đủ biết quyền lực mềm của Trung Cộng ảnh hương khối ASEAN ngày nay như thế nào! (source: ASEAN trading)

    2) HNTĐĐB ASEAN-Mỹ dưới thời TT Trump 

    Đầu năm 2017, Tổng Thống Trump bước vào Toà Bạch Ốc, cuối năm 2017 Mỹ tuyên bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở (AĐ-TBD) tại Đà Nẵng. Hoa Kỳ dồn sức vào việc tái phối trí lực lượng để xây dựng chiến lược mới này.

    Chiến lược AĐ-TBD nhằm phá vỡ kế sách “Vành Đai, Con Đường” của Bắc Kinh. Trung Cộng đang dùng hai kế sách xảo thuật: một là quyền lực mềm và hai là dẫm lên luật pháp quốc tế để xâm lược. Qua hai xảo thuật đó, TC dẫn dắt các nước ASEAN đi vào quỹ đạo của Bắc Kinh. 

    Trong việc thực hiện chiến lược AĐ-TBD, chính quyền TT Trump chú tâm đến Trung Cộng là đối thủ số một của Mỹ trong thế kỷ thứ 21. 

    TT Trump, không những công bố trên lý thuyết mà trên thực tế đã có những hành động cứng rắn chưa từng có như mở đầu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung từ năm 2018, dẹp bỏ các viện Khổng Tử ở Mỹ, Cấm vận công ty Trung Cộng có khả năng cạnh tranh kỹ thuật công nghệ, bắt Phó Tổng Giám Đốc Tài Chánh Mạnh Vãn Chu của công ty Hoa Vi, đóng cửa và trục xuất toà Lãnh Sự Trung Cộng tại Houston, Texas, cấm nghiên cứu sinh và học sinh đến Mỹ du học để đánh cắp sở hữu trí tuệ tại Hoa Kỳ, nhiều điệp viên của Trung Cộng bị FBI truy lùng và đưa ra tòa Hoa Kỳ với những bản án nặng nề, v.v… 

    Những việc làm đó thức tỉnh dân Mỹ nhận ra Trung Cộng là kẻ thù số một của Mỹ hiện nay. Đồng thời điều chỉnh lại suy nghĩ của tầng lớp trí thức mơ màng về chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa (thiên tả).

    Trong nhiệm kỳ TT Trump, Washington dành gần hết thời gian để chống Bắc Kinh, không quan tâm đúng mức về toàn cục 10 nước trong khối ASEAN nên bị Trung Cộng tấn công sân sau các đồng minh thân cận của Mỹ đáng kể là Thái Lan, Philippines thay đổi lập trường, Campuchia và Miến Điện biến thành con rối của Bắc Kinh. 

    Khối ASEAN có 10 nước mà trong đó có 6 nước như Campuchia, Miến Điện nay là con bài trong túi của Bắc Kinh; Việt Nam, Lào là chư hầu; Thái Lan và Philippines đồng minh thân của Mỹ đang nghiêng ngả thân thiện với Bắc Kinh. Như vậy Mỹ đang đối diện với một tình thế cực kỳ khó khăn trong việc cảm hoá toàn khối cùng nằm trong trục chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở.

    Chính quyền của TT Trump mời HNTĐĐB ASEAN-Hoa Kỳ vào 14/03/2020 tại thành phố Las Vegas với mục đích “làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác của ASEAN-Mỹ, sẽ mang lại một cơ hội cho các nước khối ASEAN, đặc biệt về sự phát triển của tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương là tương lai cho ASEAN”. Đại dịch virus Vũ Hán, nước Mỹ đóng cửa, HNTĐĐB bất thành với lý do “đại dịch virus Vũ Hán đang lan tràn nguy hiểm”.

    3) HNTĐĐB ASEAN-Mỹ dưới thời TT Biden:

    TT Joe Biden đã mời các lãnh đạo khối ASEAN đến Washington họp HNTĐĐB ASEAN-Mỹ vào hai ngày 28 và 29 tháng 03 năm 2022.

    Ngoài Miến Điện không được mời vì lãnh đạo nước này bất xứng do dùng quân sự đảo chánh chính phủ dân cử hợp pháp của bà Aung San Suu Kyi vào tháng 2/2021. Còn lại 9 nước được mời tham dự HNTĐĐB năm 2022. Hội Nghị năm nay mang một tầm vóc lớn hơn đối với các Hội Nghị trước đây như trong “Indo-Pacific Strategy of The United State of America” (Chiến Lược của Hoa Kỳ đối với các quốc gia Đông Nam Á) do chính phủ Biden công bố vào tháng 2/2022.

    Lần này, Mỹ sẽ đưa ra những những việc cụ thể để lấp đầy những lỗ hổng mà Trung Cộng đang chiếm ưu thế như cân bằng giao thương ASEAN-Hoa Kỳ qua những hợp tác kinh tế kỹ thuật số, kỹ thuật công nghệ, năng lượng sạch, an ninh mạng, viện trợ ngăn ngừa bệnh dịch, viện trợ kinh tế xây dựng hạ tầng cơ sở, nhiều nhà đầu tư của Mỹ sẽ chuyển công ty từ Trung Cộng đến các nước khối ASEAN.

    Chính quyền Joe Biden đặt nhiều kỳ vọng vào HNTĐĐB ngày 28 và 29 tháng 3 như Thư Ký Báo Chí Toà Bạch Ốc bà Jen Psaki đã tuyên bố “Ưu tiên của Chính quyền Biden-Harris là trở thành một đối tượng mạnh mẽ, đáng tin cậy và củng cố khối ASEAN được trao quyền và thống nhất để giải quyết những thách thức của thời đại chúng ta”.

    Việc tổ chức HNTĐĐB lần này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của chính quyền Biden nhằm thu hút sự tham gia của khối ASEAN, một khu vực mà nước này coi là trung tâm để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng.

    Thế nhưng, vào những ngày 28 và 29 là ngày chờ đợi của Mỹ để giải quyết nhiều vấn đề ưu tiên của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đã phải dời lại vô thời hạn!

    Theo cơ quan ngôn luận của Thổ Nhĩ Kỳ (1) đăng tin: “Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp các nhà lãnh đạo Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Washington trong hai ngày 28 và 29/3. Cuộc họp đã bị hoãn lại vì một số nhà lãnh đạo ASEAN không thể tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh Đặc Biệt vào ngày dự kiến”.

    Đài truyền hình CNBC thì đưa tin: “Các nguồn tin cho biết Mỹ hoãn hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ hai ngày 28 và 29 với các nhà lãnh đạo ASEAN trong tình hình lo ngại về Coronavirus” (2)

    Bài báo đáng chú ý nhất từ Campuchia với những lời lấp lửng của Thủ Tướng Hun Sen – một con bài của Trung Cộng mà năm nay là chủ tịch luân phiên của khối ASEAN (3) “Tôi xin hoãn lại nếu không có thỏa thuận về lịch trình hội nghị thượng đỉnh. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ nên trì hoãn”, Hun Sen còn cho biết trong giữa tháng Năm đến giữa tháng Sáu năm nay, ông không thể rời Campuchia vì cuộc bầu cử cấp xã diễn ra. Hun Sen lớn lối “Nếu chủ tịch ASEAN [tức Hun Sen] không thể rời khỏi đất nước, thì điều đó có nghĩa là hội nghị thượng đỉnh sẽ không diễn ra vào những ngày đó”!

    Điều đáng chú ý hơn nữa là vào thời gian trên một số Bộ Trưởng Ngoại giao của khối ASEAN là Myanmar, Philippines và Indonesia có mặt tại Bắc Kinh để dự Hội Nghị Thượng Đỉnh với ngoại trưởng Trung Cộng – đây là sự việc được suy luận “mối quan hệ gần gũi giữa Trung Cộng và các nước láng giềng ASEAN trội hơn so với Mỹ chăng?” Nếu thật vậy, thì là một thách thức to lớn của Washington trong việc xây dựng sự ủng hộ của khối ASEAN để chống lại Trung Cộng.

    4) Những lo ngại của chính khách Hoa Kỳ 

    Dù có nhiều để giải thích việc hoãn lại Hội Nghị Thượng Đỉnh Đặc Biệt Hoa Kỳ-ASEAN ngày 28 và 29 tháng 3 vừa rồi, các Thượng Nghị Sĩ của Mỹ đã nhìn ra những những bất trắc của chính quyền Biden đối với khối ASEAN.

    Thượng Nghị Sĩ Todd Young của tiểu bang Indiana nói với phóng viên China Watcher rằng: “TT Biden cần Hội Nghị Thượng Đỉnh Đặc Biệt để tập hợp sự ủng hộ của ASEAN đối với Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, trong đó vạch ra một kế hoạch chống lại những nỗ lực của Trung Cộng nhằm tạo ra một “phạm vi ảnh hưởng” trong khu vực thông qua “ép buộc và gây hấn”. Chính quyền Biden nên cho biết rõ ràng những lợi ích kinh tế của ASEAN trong khuôn khổ của chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương.

    Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Florida Marco Rubio lo lắng “Trong khi Tổng thống Biden đang cố gắng làm việc trên lịch trình của mình, thì Trung Cộng tập trung vào việc phá hoại lợi ích của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Hoãn lại HNTĐĐB là một cơ hội lớn bị bỏ lỡ”.

    Ông Charles Santiago, nghị viên quốc hội Malaysia và là chủ tịch các nghị sĩ khối ASEAN cảnh báo “Không như 20 năm trước, khi phần này của thế giới [ASEAN] là một phần trong quỹ đạo của Hoa Kỳ – Hoa Kỳ đã đánh mất điều đó và bây giờ là thời khắc của Trung Cộng”.

    Qua những phát biểu trên chúng ta thấy sự hợp tác giữa ASAEN và Mỹ hiện nay có gì không ổn!

    Từ năm 2016 đến nay là 6 năm, ba lần tổ chức HNTĐĐB ASEAN-Hoa Kỳ, một lần thành công, một lần bỏ lỡ, một lần hoãn lại vô thời hạn. Câu hỏi đặt ra là Washington có bảo đảm một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở thành công hay không khi khối ASEAN là một cột trụ của chiến lược này đang có những mặc cả giữa Mỹ và Trung Cộng? Các Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ lo lắng là đúng, trong khi họ cho rằng tương lai thế kỷ thứ 21 của Mỹ đặt trọng tâm ở vùng Châu Á Thái Bình Dương. Một ngày chậm chân của Mỹ là một ngày tạo cơ hội cho Trung Cộng xâm lấn chiếm sâu thêm vào khu vực này!

    Hoa Kỳ ngày 4 tháng 4 năm 2022
    Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)


    (1) https://www.aa.com.tr/en/asia-pacific/us-asean-summit-postponed-over-apparent-scheduling-rift/2528649

    (2) https://www.cnbc.com/2020/02/29/us-postpones-summit-with-asean-leaders-amid-coronavirus-fears-sources.html

    (3) https://www.phnompenhpost.com/national-politics/hun-sen-asks-asean-us-meet-be-pushed-back-amid-date-debate

    https://vietquoc.org

    Không có nhận xét nào