MQ-1B Predator (ảnh: John Moore/Getty Images)
Bài 1: Cuộc chạy đua khốc liệt
Có thể xem như là những loại vũ khí định dạng lại hình thái chiến tranh tương lai, các loại vũ khí robot, từ máy bay không người lái đến trực thăng bắn tỉa hoàn toàn tự động, đang được nghiên cứu chế tạo liên tục. Không chỉ Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp, Israel…, cũng bắt đầu tăng tốc về nghiên cứu-phát triển vũ khí robot – át chủ bài chính trong bất kỳ cuộc chiến nào… Cục diện chiến trường Ukraine năm tuần qua với những xác xe tăng Nga chỏng gọng vì bị UAV của quân đội Ukraine tiêu diệt đã cho thấy điều đó…
Bùng nổ UAV
Một buổi chiều tại căn cứ Fort Benning (tiểu bang Georgia, Mỹ), hai mô hình máy bay bắt đầu cất cánh và vọt lên độ cao 250-300m rồi lượn vòng căn cứ để tìm mục tiêu giả định. Hai máy bay trên hoàn toàn tự động, không cần điều khiển từ xa, và tất nhiên không người lái. Sau 20 phút, một trong hai máy bay trên – mang theo máy tính có thể xử lý hình ảnh ghi lại từ camera – bắt đầu tìm được mục tiêu. Nó liên lạc tức thì với chiếc thứ hai. Tiếp đó, một trong hai máy bay truyền tín hiệu cho một chiếc xe không người lái ở mặt đất để quan sát kỹ mục tiêu hơn. Cuối cùng, mục tiêu được xác định và được đưa vào ống ngắm…
Cuộc thử nghiệm thành công này cho thấy thời của những cỗ máy chiến tranh hoàn toàn tự động và thậm chí có thể tự quyết định xử lý nhiệm vụ tác chiến, không cần sự trợ giúp của con người, đã bắt đầu định hình. Trong thực tế, không chỉ những “con” Predator được tung vào Pakistan hoặc Afghanistan, những loại vũ khí tự động gần tương tự hai mô hình vừa kể đã được Mỹ đưa vào khu phi quân sự giữa Bắc và Nam Triều Tiên. Vấn đề đáng chú ý nhất trong xu hướng này là các loại vũ khí robot chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều thay đổi căn bản về tư duy chiến lược lẫn mô thức chiến tranh.
MQ-1B Predator (ảnh: John Moore/Getty Images)
Được đầu tư mạnh nhất trong các loại vũ khí robot là máy bay không người lái điều khiển từ xa (UAV). Trung Quốc, Israel, Nga, Iran, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan… cũng đang đầu tư cực mạnh vào UAV nói riêng và vũ khí robot nói chung. Đến nay, Mỹ vẫn dẫn đầu về số lượng cũng như chất lượng, với 11,000 sát thủ UAV! Vài năm gần đây, không quân Mỹ đã đào tạo chuyên viên điều khiển UAV nhiều hơn cả phi công truyền thống. Các hãng vũ khí sừng sỏ của Mỹ, từ Northrop Grumman, General Atomics, đến Boeing… đều liên tục trình làng đủ loại UAV. Theo một báo cáo LHQ (dẫn lại từ Der Spiegel), hiện có khoảng 50 nước đã trang bị UAV, bằng cách mua hoặc tự chế tạo.
Drone Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho quân đội Ukraine (ảnh: Press Office of the President of Ukraine / Mykola Lararenko / Handout/Anadolu Agency/Getty Images)
Ngoài Mỹ, Israel là quốc gia thứ hai bán được UAV nhiều nhất thế giới, hầu hết đều xuất xưởng từ tập đoàn Công nghiệp hàng không Israel (IAI). Tại tổng hành dinh IAI (17,000 nhân viên) nằm ở rìa phi trường Tel Aviv, người ta có thể thấy vô số “hàng mẫu” bắt mắt, từ những UAV siêu nhỏ được đặt tên “Con muỗi” nặng chỉ 250 gr, loại “Mắt chim” (“Bird-Eye”, cất cánh bằng lực phóng cánh tay) cho đến loại “Báo đen” (“Panther”) to đến mức phải được chở bằng xe tăng, có thể bay sâu 60 km vào chiến tuyến kẻ thù và truyền dữ liệu trực tiếp về bộ chỉ huy…
Thế hệ UAV được đánh giá “xịn” nhất khai sinh từ IAI là “Heron”, mà phiên bản mới nhất của nó là “Heron-TP” nặng 4.5 tấn, có thể vừa do thám vừa tấn công. Nhiều chuyên gia quân sự tin rằng, Israel có thể dùng “Heron-TP” để đánh phá các nhà máy hạt nhân Iran nếu chiến sự hai nước xảy ra. “Heron” từng được dùng nhiều ở Afghanistan. Trong cuộc chiến Libya giữa năm 2011, “Heron” cũng được sử dụng với sứ mạng do thám trợ giúp quân đội NATO. Hiện có chừng 30 khách hàng đang xài “Heron” trong đó có Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Hàn Quốc, Brazil, Ecuador…
Heron (IAI)
Tại châu Âu, một trong những UAV đáng chú ý nhất là “Euro Hawk” siêu khủng, có thể bay liên tục 30 tiếng trên tầng bình lưu (hơn 18,288 m), với hệ thống camera giúp “nhìn xuyên” mây và bão cát. Đây là kết quả của công trình nghiên cứu 10 năm. Có thể nghe gần như rõ mồn một các cuộc điện thoại, xem trộm tin nhắn điện thoại di động; bắt được tín hiệu radio và tivi…, “Euro Hawk” được mệnh danh là “máy hút chân không” khổng lồ chuyên “hút” dữ liệu thông tin. Vài chi tiết kỹ thuật đã giúp cho thấy “Euro Hawk” thật sự là thế hệ UAV do thám nhất nhì thế giới hiện nay. Nặng 15 tấn, làm bằng sợi carbon, UAV này dài 14.5m với sải cánh khoảng 40m; có thể bay liên tục 25,000 km (bằng đoạn đường từ Berlin đến Tokyo rồi ngược về mà không cần hạ cánh). Được bay thử lần đầu ngày 29 Tháng Sáu 2010, Euro Hawk thật ra là sản phẩm của hãng Mỹ Northrop Grumman nhưng sau đó Northrop liên doanh với Tập đoàn Hàng không-quốc phòng châu Âu (EADS) để cho ra đời phiên bản châu Âu.
Với Trung Quốc, niềm kiêu hãnh của họ là chiếc “WJ-600”, mang theo tên lửa tấn công và hệ thống cánh có thể điều chỉnh để tương ứng với điều kiện bay. Giang Kiều Lương thuộc Viện nghiên cứu-thiết kế máy bay Thành Đô thậm chí nói rằng, công nghệ UAV quân sự Trung Quốc hiện “chẳng hề thua Mỹ” và hoàn toàn có thể “cạnh tranh ngang ngửa Mỹ về thị phần”. Nhà máy sản xuất UAV quân sự lớn nhất Trung Quốc là ASN Technology Group (Tây An ái sinh kỹ thuật tập đoàn công ty), nơi cho ra đời UAV “ASN-229A”, có thể bắn tên lửa “xa đến 2,000 km”.
Tuy nhiên, như Der Spiegel tiết lộ, nhiều loại UAV Trung Quốc hiện vẫn phải cần động cơ nhập từ Đức. Cho đến nay, về mặt thực tế mà nói, thế giới vẫn chưa thấy UAV quân sự Trung Quốc hoạt động hiệu quả như thế nào. Thật khó có thể hình dung một nền công nghiệp quốc phòng như “cường quốc quân sự Trung Quốc” hiện vẫn chưa chế được “cọng dây thắng” (cáp phanh giúp chiến đấu cơ hãm tốc khi hạ cánh trên tàu sân bay, mà Nga vừa từ chối bán) lại có thể “bắt kịp khoảng cách công nghệ UAV với Mỹ”, như nhận xét của một số nhà phân tích Mỹ.
Từ những UAV nhỏ như côn trùng đến UAV chiến đấu cơ
Công nghệ UAV quân sự đã phát triển đến mức nào? Một phần câu trả lời có thể tìm thấy tại Căn cứ không quân Wright-Patterson (Ohio, Mỹ), mà phòng lab nơi này đã và đang tiếp tục cho ra đời những loại UAV quân sự siêu nhỏ, được thiết kế mô phỏng theo các loại động vật trong thế giới tự nhiên, từ sâu bướm, diều hâu đến chim sẻ. Greg Parker, kỹ sư Phòng lab Wright-Patterson, cho biết, các loại UAV siêu nhỏ không chỉ phục vụ công tác do thám mà còn có thể giết người.
Nói về UAV, Mỹ là số một thế giới, với sự đa dạng chủng loại vẫn yếu tố hiệu quả. Từ cách đây 10 năm, nhóm nghiên cứu thuộc hãng AeroVironment đã cho bay thử nghiệm UAV “Nano Hummingbird” nhỏ bằng chim ruồi, được trang bị camera do thám. Bay với vận tốc hơn 17km/g, “Nano Hummingbird” có thể dễ dàng đậu trên bậu cửa sổ hay cành cây để ghi âm hoặc quay phim trộm. Cần nói thêm, AeroVironment hiện là một trong những chuyên gia về UAV siêu nhỏ. “Con” Raven của họ có sải cánh 1.4m và nặng 1.9kg; trang bị camera hồng ngoại, từng được dùng rộng rãi tại Afghanistan cho mục đích do thám. Ngoài ra, AeroVironment còn có UAV “Wasp” hay “Puma” (đều được phóng bằng lực cánh tay). Với tính hiệu quả vượt trội, AeroVironment đã được Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng cấp tiến (DARPA) thuộc Ngũ Giác Đài cấp vốn mạnh vài năm gần đây…
“Chim ruồi” Nano Hummingbird (ảnh: Andrew H. Walker/Getty Images)
Được phóng bằng lực tay còn phải kể đến “Desert Hawk” của Lokheed Martin. Với giá chỉ $300, “Desert Hawk” (sải cánh hơn 1.3 m; dài hơn 91 cm; nặng hơn 3.1 kg) có thể bay (bằng nguồn pin) khoảng 60 phút, thực hiện nhiệm vụ thám báo bằng camera hồng ngoại và hệ thống định vị toàn cầu. Khi được trang bị kính đêm, “Desert Hawk” có thể quan sát rõ vật thể trong bóng tối. Tại Afghanistan, “Desert Hawk” được dùng để canh gác quanh các căn cứ quân sự Mỹ… Có chức năng tương tự “Desert Hawk”, UAV “ScanEagle” của Insitu (chi nhánh Boeing) có thể bay (139 km/g) hơn 20 tiếng với tầm liên lạc hơn 100 km. Điểm khác biệt giữa “ScanEagle” và “Desert Hawk” là “ScanEagle” được phóng bằng “giàn ná” (hệ thống phóng bằng khí nén). Hải quân Mỹ được cung cấp “ScanEagle” từ năm 2005. Một loại UAV cất cánh bằng “giàn ná” nữa là “KillerBee” của hãng Raytheon, cũng có nhiệm vụ chủ yếu là do thám…
Điều đáng chú ý nhất khi theo dõi tiến trình phát triển UAV quân sự là sự hình thành thế hệ UAV chiến đấu cơ hoàn toàn tự động – một bước tiến ngoạn mục sau thế hệ của những Predator, Reaper hay RQ-170 Sentinel (mệnh danh “Quái vật Kandahar”, đặt như vậy khi nó lần đầu tiên được phát hiện trên một đường băng ở Kandahar, Afghanistan). Điển hình nhất của dòng chiến đấu cơ không người lái tự động là “X-47B” của Northrop Grumman. Bay thử lần đầu tiên ngày 4 Tháng Hai 2011, “X-47B” đáng chú ý ở chỗ nó là chiến đấu cơ không người lái hoàn toàn tự động (tự tìm mục tiêu và tự tấn công sau khi được nhận lệnh từ bộ chỉ huy), tức không cần điều khiển từ xa như đàn anh Predator.
X-47B của Northrop Grumman – chiếc drone đầu tiên trong lịch sử quân sự thế giới có thể cất và hạ cánh trên hàng không mẫu hạm (ảnh: Alan Radecki/U.S. Navy/Northrop Grumman via Getty Images)
Có thể bay ở độ cao 12,190 m với vận tốc siêu thanh, mang theo hai tấn vũ khí, tầm hoạt động hơn 3,800 km, “X-47B”, được thiết kế để có thể “tàng hình”, thật sự là một UAV mang lại diện mạo mới đối với quân đội Mỹ. Tuy nhiên, năm 2017, dự án “X-47B” bị xóa sổ khi Northrop Grumman cho biết họ không thể tiếp tục thực hiện trước những yêu cầu điều chỉnh gay gắt của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Cạnh tranh về tính năng với “X-47B” là “Phantom Ray” của Boeing (bay thử lần đầu tiên ngày 27 Tháng Tư 2011), cũng được thiết kế làm chiến đấu cơ không người lái hoàn toàn tự động… Với hai “hàng mẫu” “X-47B” và “Phantom Ray”, có thể thấy công nghệ UAV quân sự của Mỹ khủng khiếp như thế nào. Không có bất kỳ quốc gia nào có thể đạt được đỉnh cao mà Mỹ đang có về kỹ thuật thiết kế UAV quân sự. Từ năm 1998, Mỹ đã cho ra mắt Global Hawk (hãng Northrop Grumman) mà đến nay vẫn là UAV do thám thuộc loại hàng đầu thế giới.
Phiên bản đơn giản hơn của máy bay chiến đấu không người lái là trực thăng robot ARSS (Autonomous Rotorcraft Sniper System) – một kết hợp giữa trực thăng, UAV và bắn tỉa. Trang bị khẩu Lapua Magnum 338 ly, ARSS – với hình dạng một trực thăng bay tự động – là tay sát thủ bắn tỉa đáng gờm. Tính hiệu quả của ARSS đã được chứng minh tại các cuộc đụng độ giữa hải quân Mỹ và cướp biển Somalia ở Ấn Độ Dương từ năm 2009 đến nay.
Bài 2 : Tự động hóa cỗ máy chiến tranh
Trong một cuộc biểu tình phản chiến tại quảng trường Lafayette (New York City) vào Tháng Chín 2007, một số người đã tình cờ phát hiện và bắt được một robot bay hình dáng như chuồn chuồn. Chẳng cơ quan nào của Mỹ chính thức thừa nhận họ đã thả con robot chuồn chuồn này ngay tại nước Mỹ (hẳn là nhằm theo dõi những người biểu tình) nhưng người ta tin rằng nó có thể xuất phát từ Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ. Câu chuyện nhỏ trên cho thấy tình báo và quân đội Mỹ từng phát triển robot bay siêu nhỏ từ rất lâu và đến nay đã đạt được những bước tiến ít ngờ…
Không phải chuyện giả tưởng!
Chương trình nghiên cứu qui mô về máy bay siêu nhỏ (micro air vehicles – MAV) đã được tiến hành nhiều thập niên qua tại các căn cứ quân sự Mỹ. Theo Janes Defense Weekly, từ năm 1997, Cơ quan các đề án nghiên cứu quốc phòng cấp tiến (DARPA, thuộc Ngũ Giác Đài) đã tung ra kế hoạch bốn năm chế tạo MAV tốn khoảng $35 triệu. DARPA qui định 15 cm là kích cỡ tối đa cho một MAV, chi phí sản xuất thấp (chừng $1,000) và dễ sửa chữa. Ngoài ra, MAV phải đáp ứng những tiêu chuẩn cho hoạt động do thám (tiếng động cơ nhỏ và có hệ thống radar cũng như thiết bị quan sát-chụp ảnh hiện đại). Hơn nữa, MAV được thiết kế sao cho không chỉ dùng trên chiến trường mà còn có thể sử dụng cho các chiến dịch do thám trong không gian đô thị. Nó có thể đậu trên dây điện để quan sát bên dưới hoặc hạ cánh nhẹ nhàng xuống mép cửa sổ để rình rập và nghe trộm những gì diễn ra trong phòng. MAV cũng có thể được tung ra ngay trong một tòa nhà…
Bayraktar TB2 (sản phẩm Thổ Nhĩ Kỳ) của quân đội Ukraine – drone sát thủ đã diệt không biết bao nhiêu xe tăng Nga kể từ ngày xảy ra cuộc chiến Ukraine đến nay (Yulii Zozulia/ Ukrinform/Future Publishing via Getty Images)
Một MAV lý tưởng chỉ nặng 50gr, với thời gian hoạt động mỗi phi vụ từ 30-60 phút, bay ở vận tốc 10-20m/giây và phạm vi hoạt động từ 3-10 km. Ngoài ra, MAV còn có thể được dùng trong công tác dò tìm và nhận biết các chất độc hóa học, bắt tín hiệu liên lạc hay ôm theo vài quả bom nhỏ. Vài mô hình MAV vừa kể đã ra đời. Một trong những mô hình MAV đầu tiên được DARPA chi khá đậm tiền tài trợ là AeroVironment Black Widow, có phạm vi hoạt động 1 km, mang theo thiết bị ghi hình làm việc ngày lẫn đêm (một “góa phụ áo đen-Black Widow” như vậy đã biểu diễn tại căn cứ quân sự Fort Benning ở bang Georgia vào cuối Tháng Sáu 2001). Black Widow có cánh quạt ở mũi, hoạt động nhờ một môtơ điện chạy bằng cặp pin lithium. Hệ thống đẩy có trọng lượng vỏn vẹn 110mg, tạo vận tốc tối đa 20m/giây; hệ thống điều khiển (một máy tính, thiết bị bắt sóng vô tuyến và ba động cơ siêu nhỏ) nặng chỉ 2gr. Người điều khiển mang cặp kính-màn hình để quan sát những hình ảnh truyền từ máy camera nặng 2gr của Black Widow…
Sau Black Widow là dự án Lutronix Kolibri-cánh quạt và Sanders MicroSTAR-cánh ngang cố định. Trong ba mô hình vừa kể, con MicroSTAR của hãng Sanders (làm từ hợp đồng 42 tháng trị giá $10 triệu ký với DARPA) là dữ dằn hơn cả. Chính Skunk Works (từng chế tạo máy bay Black Bird nổi tiếng) của Lockheed Martin là nơi chịu trách nhiệm làm khung sườn cho MicroSTAR và General Electrics thì cung cấp các thiết bị điện tử. Quá trình nghiên cứu MicroSTAR được tiến hành qua một loạt hạn mức tiêu chuẩn (mỗi hạn mức kéo dài 18 tháng). MicroSTAR nặng 100gr, có thể thực hiện một sứ mạng kéo dài từ 20-60 phút trong phạm vi 5km. Bộ cảm ứng Vision VV5404 của nó tinh như mắt cú, có thể nhìn đêm rõ như ngày, truyền phát tín hiệu qua thiết bị Harris PRISM…
MQ-9 Reaper (Isaac Brekken/Getty Images)
Từ buồng điều khiển cách xa hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn kilomet, “phi công” MQ-9 Reaper có thể quan sát thực địa với ảnh vệ tinh cực nét (ảnh: Nigel Roddis/Getty Images)
Hai kế hoạch MAV được DARPA tài trợ gây chú ý nữa là nghiên cứu của Michael Dickinson thuộc Đại học Berkeley và Robert Michelson thuộc Viện kỹ thuật Georgia. Tháng Bảy 2000, Văn phòng bản quyền Hoa Kỳ đã cấp bản quyền (số 6.082.671) cho Công ty nghiên cứu kỹ thuật Georgia (thuộc Đại học Georgia) với sáng chế robot bay Entomopter của Robert Michelson. Được thiết kế để hoạt động trong không gian nội thất, Entomopter không chỉ có thể vẫy cánh bay lên như côn trùng mà còn biết bò qua khe cửa.
Như máy bay, Entomopter có chiếc bụng chứa máy móc và nhiên liệu. Tất cả bộ phận khác đều gắn với chiếc bụng này. Nó có hai cánh, làm bằng film mỏng. Các mạch (vein) gắn với cánh từ bụng giúp cánh có thể uốn cong mà Entomopter cần, khi nó cất mình lên khỏi mặt đất. Hệ thống động cơ RCM (Reciprocating Chemical Muscle – cơ hóa chuyển động) gắn với cánh giúp tạo ra chuyển động vỗ. Các bộ cảm ứng có thể hướng về phía trước, sau hay bên cạnh… Entomopter vận hành bằng một phản ứng hóa học: Một chất xúc tác sẽ gây ra phản ứng hóa học và tạo ra một loại khí. Áp suất khí khiến đẩy một piston trong bụng Entomopter. Piston nối với cặp cánh, làm cho chúng vỗ liên tục. Khí còn thoát vào các mạch (vein) giúp cánh chuyển hướng… Cách đây hơn 20 năm, công nghệ UAV, hay nói theo từ phổ biến hơn hiện nay là “drone”, đã đạt đến trình độ như thế rồi!
Ngoài ra, còn có chương trình MFI (Micromechanical Flying Insect). Chính phủ Mỹ đã đầu tư $2.5 triệu vào dự án này của Đại học Berkeley do Michael Dickinson thực hiện. Tham vọng của chương trình là chế tạo một côn trùng máy siêu nhỏ chỉ nhỉnh hơn kích thước con ruồi! Một trong những thí nghiệm cách đây không lâu là chế ra bộ cánh 25cm, làm bằng Plexiglass, và hoạt động bắt chước theo cách vỗ của ruồi thật. Có 6 môtơ – ba cho mỗi cánh – làm cho cánh đập tới lui, lên xuống hay xoay tròn! MFI vận hành bằng năng lượng mặt trời.
Với kỹ thuật siêu nhỏ (nanotech) ngày càng phát triển, ruồi máy nhỏ bằng ruồi thật là chuyện có thể xảy ra trong thời gian không xa. Tháng Mười 2011, nhóm nghiên cứu đã tạo ra được robot côn trùng “DASH+Wings” (DASH viết tắt từ “Dynamic Autonomous Sprawled Hexapod”) có thể bay tự do (ngang, thẳng đứng, lướt…) một cách hoàn hảo gần như côn trùng thật trong thế giới tự nhiên!
Tính đến nay, dự án MFI đã tiến một chặng rất dài so với giai đoạn ban đầu. DARPA chưa dừng lại. Một trong những dự án cực kỳ tham vọng đang được dốc tiền nghiên cứu là cấy chip vào nhộng, thuộc khuôn khổ chương trình “Hybrid Insect Micro-Electro-Mechanical Systems” nhằm tạo ra con vật lai “nửa vật nửa máy”. Khi nhộng lớn lên và phát triển thành bướm, thần kinh hệ chúng bắt đầu “quấn” và kết nối một cách tự nhiên vào chip, giúp con người có thể chi phối được hành vi của chúng, hoàn toàn theo ý muốn (bằng cách điều khiển chương trình cài sẵn trong chip)…
Bird Eye 650 (IAI)
“Hai vạn dặm dưới đáy biển”
Giảm tối đa thiệt hại nhân mạng đồng thời nâng tính hiệu quả tác chiến là mục tiêu lớn nhất của giới quân sự Mỹ. Các cuộc đầu tư cực mạnh vào những chương trình máy bay không người lái (UAV), tàu ngầm không người lái (UUV) và robot chiến binh (UGV)… đều thể hiện xu hướng trên. Cần nhắc lại, Tháng Năm 2007, lần đầu tiên quân đội Mỹ đã đưa ra chiến trường ba chiến binh robot SWORDS (viết tắt từ “Special Weapons Observation Reconnaissance Detection System” (triển khai tại Iraq).
Do hãng Mỹ Foster-Miller sản xuất, SWORDS (giá $230,000) có thể sử dụng nhiều loại vũ khí (tùy hoàn cảnh cụ thể), từ súng trường M16; súng máy hạng nhẹ SAW M249 5,56 ly; súng máy M240 7,62 ly; súng trường M82 Barrett; súng phóng lựu đến thậm chí hỏa tiễn vác vai M202A1 FLASH. Chưa đạt “trình độ” tự động hoàn toàn, SWORDS được điều khiển bởi máy tính từ xa (khoảng cách tối đa 800 m) nhưng con robot này đã chứng tỏ nó là thế hệ robot chiến binh đáng “đồng tiền bát gạo” (tuần báo Time từng đưa SWORDS vào danh sách những phát kiến hay nhất năm 2004). Một anh em của SWORDS được sử dụng rộng rãi nữa là TALON (cũng do Foster-Miller chế tạo). Foster-Miller cho biết, TALON là một trong những robot được sản xuất hàng loạt nhanh nhất trước nay trong lịch sử hãng (nơi được thành lập năm 1956, chuyên về robot quân sự). Có thể băng qua cát lún, tuyết dày hoặc thậm chí leo cầu thang, TALON được dùng để tháo bom hoặc do thám.
Bên cạnh chiến dịch đầu tư UAV, Mỹ và một số nước cũng nghiên cứu mạnh chương trình tàu ngầm không người lái (UUV). Tháng Ba 2003, trong chiến dịch tấn công Iraq, hải quân Mỹ đã đưa UUV đến vùng biển nước này để rà mìn. Với UUV tấn công, thế hệ tàu ngầm không người lái đang được đánh giá cao là “Proteus”. Mệnh danh “Predator” trong lòng biển, “Proteus” được thiết kế để mang theo hai quả bom (gần 100 kg/quả). Nặng 2.8 tấn, UUV “Proteus” có thể mang theo 181 kg thiết bị (camera, cảm ứng…) hoặc thậm chí có thể chở tối đa 7 lính biệt kích. Thời điểm hiện tại, “Proteus” – vẫn ở giai đoạn phát triển và hoàn thiện – hoạt động ở tầm 600 km với mỗi sứ mạng kéo dài hơn 90 tiếng…
Tàu ngầm không người lái (UUV) Proteus của hãng Huntington (Huntington Ingalls)
Giữa năm 2021, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã mua hai UUV “REMUS” của Huntington Ingalls (nơi chế tạo “Proteus”), trong kế hoạch chi $3 tỉ mua 10 tàu nổi không người lái loại to (large unmanned surface vessels – LUSV) và hai tàu nổi không người lái loại vừa (unmanned surface vessels – MUSV) chuyên dùng diệt tàu ngầm. Trong khi một MUSV dài khoảng 40m (chẳng hạn con “Sea Hunter” của hãng Leidos, có giá $23 triệu) thì LUSV dài từ 60-90m (có giá $35 triệu)
Tháng Chín 2011, hãng iRobot (Mỹ) đã giới thiệu tàu ngầm không người lái “Seaglider” chuyên cho công tác do thám. Hoạt động ở độ sâu từ 20 m đến 1,000 m, “Seaglider” là loại UUV đầu tiên có thể thực hiện một sứ mạng kéo dài hơn chín tháng mà không cần “vớt” lên thay pin; và cũng là UUV đầu tiên có thể thực hiện một sứ mạng trong phạm vi hơn 3.800 km…
Và trong khi những kỹ sư UAV cố mô phỏng thế giới tự nhiên với những con ruồi máy hoặc châu chấu máy, những người nghiên cứu UUV cũng bắt chước thành công thế giới tự nhiên với mô phỏng các loài động vật biển. Đã có những loại UUV do thám trông hệt như con sứa hoặc cá đuối. Một trong những thành công xét trong lĩnh vực này có thể được xem là điển hình phải kể đến robot tôm hùm, ra đời từ Phòng nghiên cứu hải quân Hoa Kỳ (ONR). Không chỉ mô phỏng hình dạng, nhóm nghiên cứu còn tạo ra được con robot tôm hùm có khả năng đánh hơi được khí và mùi trong môi trường biển – một cơ chế đặc biệt của tôm hùm, loài động vật có thể được xếp đầu bảng với tư cách là “chuyên gia” phát hiện “mùi lạ”, chẳng hạn hơi thuốc nổ phát ra từ mìn.
Tàu ngầm không người lái Talisman (BAE Systems)
Tương tự UAV, một cuộc chạy đua ráo riết cũng đang xảy ra trong các dự án UUV. Nhiều loại UUV đã ra đời, với những hình dạng khác nhau và tính năng khác nhau, từ do thám, đo đạc và vẽ bản đồ lòng biển, gỡ mìn, tháo ngư lôi cho đến tấn công. Cần biết, việc vận hành tàu ngầm không người lái phức tạp hơn nhiều so với máy bay không người lái, do yếu tố đặc thù của môi trường biển. Do đó, việc thiết kế UUV gặp nhiều khó khăn và rào cản về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, không vì vậy mà người ta chùn bước.
Sau khi tung ra UUV “AN/BLQ-11” chuyên rà mìn (hiện được biên chế trên các tàu ngầm lớp “Los Angeles” của Hải quân Mỹ), Boeing đã bắt đầu thử nghiệm UUV “Echo Ranger”. Với hãng BAE Systems (Anh), họ có “Archerfish” – một UUV chuyên triệt phá mìn. “Archerfish” có thể thả từ tàu chiến hoặc trực thăng. Một trong những UUV nổi tiếng khác của BAE Systems là “Talisman”. Vận hành hoàn toàn tự động, “Talisman” có thể được tái lập chương trình hoạt động cho một sứ mạng cụ thể bằng vệ tinh! Tung ra từ năm 2004, “Talisman” đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm tại biển Ireland với tỉ lệ thành công là 100%. Trong cuộc thử nghiệm cuối năm 2006, “Talisman” là UUV đầu tiên bắn hạ chính xác mục tiêu trong lòng biển. Ngoài “Talisman”, Hải quân Anh còn có UUV “Recce”, do hãng Mỹ Hydroid sản xuất…
Không có nhận xét nào