Header Ads

  • Breaking News

    Milton Bearden - Ukraine chính là Afghanistan của Putin

    Nguồn: Milton Bearden, “Putin’s Afghanistan”, Foreign Affairs, 24/03/2022

    Milton Bearden từng là Giám đốc CIA tại Pakistan từ năm 1986 đến năm 1989, phụ trách các hoạt động ngầm của cơ quan này nhằm hỗ trợ cuộc kháng chiến của người Afghanistan chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô.

    Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

    08/4/2022

    https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/03/Putins-Afghanistan.jpg

    Với những diễn biến hiện tại trong cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin, rõ ràng là gần như không có gì diễn ra theo đúng kế hoạch. Không được chào đón như những người giải phóng, lực lượng Nga đã bị đối xử như những kẻ thù đáng ghét. Thay vì nhanh chóng đầu hàng, người Ukraine đã thể hiện quyết tâm ngăn chặn bước tiến của Nga và chiến đấu bằng mọi giá. Ở thời điểm này, một tháng kể từ khi bắt đầu cuộc giao tranh vốn kéo dài hơn nhiều so với ước tính của Putin, nhiều báo cáo cho rằng chiến dịch của Nga đang phải chống chọi với rất nhiều vấn đề về hậu cần và sa sút tinh thần. Hiện tại, cuộc chiến đang có dấu hiệu trở thành điều mà Viện Nghiên cứu Chiến tranh mô tả là tình trạng “bế tắc”. Đáng chú ý nhất, các quan chức tình báo Mỹ ước tính rằng quân đội Nga đã mất hơn 7.000 binh sĩ chỉ trong 20 ngày đầu của cuộc chiến, và mất tổng cộng 5 vị tướng chỉ trong tháng qua. Dựa trên tất cả các chỉ số, Nga sẽ không có con đường nào dẫn đến chiến thắng mà không có leo thang lớn, và cuộc chiến này thực sự đã khiến Điện Kremlin – và đặc biệt là chính Putin – phải trả một cái giá đắt.

    Đối với những ai còn nhớ lịch sử Liên Xô, có một sự kiện tương đồng với những sự kiện hiện tại: cuộc xâm lược của Liên Xô vào Afghanistan năm 1979. Cũng như cuộc chiến ở Ukraine, cuộc xâm lược Afghanistan được thúc đẩy bởi nỗi sợ rằng Moscow đang mất đi một phần quan trọng trong vùng ảnh hưởng của mình. Trong trường hợp Afghanistan, giới lãnh đạo Liên Xô tin tưởng, như những gì Putin rõ ràng đã tin về Ukraine, rằng cuộc chiến sẽ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng, rằng quân đội của họ sẽ không gặp vấn đề gì khi giải quyết bất kỳ sự kháng cự nào có thể gặp phải, và rằng Mỹ và các đồng minh, bị phân tâm bởi những sự kiện khác, sẽ không có một phản ứng hiệu quả. Và cũng giống như Putin, Liên Xô cho rằng có thể dễ dàng thành lập một chính phủ bù nhìn trên lãnh thổ mới chiếm được.

    Không điều nào trong số các giả định này trở thành sự thật. Thay vào đó, Afghanistan nhanh chóng trở thành sự can dự quân sự ở nước ngoài thảm khốc nhất của Liên Xô trong thời hậu Thế chiến II. Quân nổi dậy Afghanistan nhanh chóng tổ chức thành các lực lượng du kích hoạt động hiệu quả, xây dựng nhiều điểm trú ẩn an toàn ở Pakistan, nơi họ được các sĩ quan tình báo Pakistan trang bị và huấn luyện. Chỉ trong vòng vài tuần sau cuộc xâm lược của Liên Xô, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã thành lập một liên minh với Pakistan – một nỗ lực đã sớm được Trung Quốc, Ai Cập, Vương quốc Anh, và Ả Rập Saudi ủng hộ – nhằm hỗ trợ cuộc kháng chiến của Afghanistan. Không chuẩn bị kỹ càng cho những gì xảy đến với mình, lực lượng Liên Xô dần chìm sâu vào cuộc chiến kéo dài cả thập niên, khiến tinh thần tại quê nhà ngày một suy yếu, ngân khố quốc gia ngày một cạn kiệt, và cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô.

    Tất nhiên, nước Nga năm 2022 không phải là Liên Xô năm 1979. Nhưng với những điểm tương đồng nổi bật giữa cuộc phiêu lưu ở Ukraine của Putin và cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan, chúng ta vẫn nên xem xét các đặc điểm quan trọng của cuộc xung đột Afghanistan và các hậu quả có tầm ảnh hưởng sâu rộng của nó. Nếu cuộc xâm lược Ukraine tiếp tục diễn ra như chúng ta thấy cho đến nay, và trở thành vết thương rỉ máu của người Nga trong thế kỷ 21, thì như cuộc chiến Afghanistan đối với Liên Xô, cuộc chiến Ukraine có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ Putin – và của chính Putin.

    Học sai bài học

    Không giống như sự chuẩn bị vụng về của Putin cho cuộc xâm lược Ukraine – một phần là do các tiết lộ của tình báo Mỹ về ý định tấn công của Moscow – kế hoạch của Liên Xô đối với Afghanistan đã diễn ra trong âm thầm. Cuối năm 1979, các phân tích tình báo của KGB đã kết luận sai lầm, rằng Afghanistan đang đi vào quỹ đạo của phương Tây, và rằng một căn cứ quân sự của Mỹ ở nước này sẽ cho phép Mỹ bao vây hoàn toàn Liên Xô bằng tên lửa hạt nhân. Các nhà lãnh đạo Liên Xô cũng lo sợ rằng việc Afghanistan bị kéo vào vùng ảnh hưởng của Washington có thể gây ra hiệu ứng domino giữa các quốc gia trong khối Hiệp ước Warsaw. Theo Học thuyết Brezhnev, vốn khẳng định rằng mối đe dọa đối với chế độ xã hội chủ nghĩa ở bất kỳ quốc gia nào trong khối Xô-viết cũng được coi là mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia xã hội chủ nghĩa, những lo ngại này đã biện minh cho sự can thiệp quân sự. Vì vậy, vào ngày 12/12/1979, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitri Ustinov, Giám đốc KGB Yuri Andropov, và Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Andrei Gromyko đã soạn thảo đề xuất cử một “lực lượng hạn chế” của quân đội Liên Xô tới Afghanistan, thực hiện một cuộc can thiệp ngắn và có chủ đích. Hơn mười ngày sau, cuộc xâm lược chính thức bắt đầu.

    Trong giai đoạn đầu, cuộc xâm lược của Liên Xô ở Afghanistan thành công hơn nhiều so với cuộc xâm lược của Putin ở Ukraine. Trong đêm Giáng sinh đầy tuyết, lính dù Liên Xô – cùng với các đơn vị đặc nhiệm của OMON, nhánh dân quân của Bộ Nội vụ Liên Xô – nhanh chóng chiếm giữ các mục tiêu chiến lược ở Kabul, ám sát nhà lãnh đạo Afghanistan Hafizullah Amin và các thành viên chủ chốt trong chính phủ cầm quyền, và thay thế ông bằng nhân vật mà họ đã chọn lựa, Babrak Karmal thân Liên Xô, người tiến vào Kabul trên những chiếc xe tăng của quân xâm lược. Họ chuyển lực lượng chiếm đóng vào các thành phố lớn của Afghanistan: Jalalabad ở phía đông, Kandahar ở phía nam, Herat ở phía tây, và Mazar-e Sharif ở phía bắc. Căn cứ Không quân Bagram, phía bắc Kabul, nhanh chóng biến thành căn cứ của Không quân Liên Xô. Trong vòng vài tuần, Liên Xô đã đưa Afghanistan vào tầm kiểm soát của mình.

    Tuy nhiên, giống như Putin và Ukraine, Liên Xô đã đánh giá thấp phản ứng của phương Tây. Vào thời điểm mà quyết định tấn công Afghanistan được đưa ra, các đánh giá của KGB chỉ ra rằng Mỹ khó có khả năng đặt ra thách thức nghiêm trọng cho cuộc xâm lược. Người Mỹ đã rút khỏi Việt Nam chỉ mới vài năm trước đó, và đương kim Tổng thống Mỹ, Jimmy Carter, người được cho là khá mềm yếu, còn đang phải bận tâm vì cuộc khủng hoảng con tin Mỹ ở Iran. Nhưng phương Tây đã cảnh giác cao hơn nhiều so với dự đoán của người Nga. Lo sợ nếu không phản ứng có thể khuyến khích các tham vọng quốc tế của Liên Xô, Tổng thống Carter đã nhanh chóng hủy bỏ các thỏa thuận lãnh sự mới, cũng như hợp đồng mua bán lúa mì lớn với Liên Xô, và ra lệnh tẩy chay Thế vận hội Moscow 1980 sắp sửa diễn ra. Đằng sau hậu trường, ông cũng ra lệnh cho CIA bí mật bắt đầu cung cấp thiết bị cho phong trào kháng chiến Afghanistan, bao gồm cả các vũ khí sát thương. Trong vòng vài tuần, CIA đã chuyển hàng nghìn khẩu súng trường Enfield .303 đến Pakistan, để phân phối cho các phiến quân Hồi giáo, và họ cũng sẽ sớm gửi thêm cả tên lửa, súng cối, và súng trường. Tổng tài trợ của Mỹ cho cuộc kháng chiến ở Afghanistan đã tăng từ khoảng 100 triệu đô la trong năm đầu tiên lên 500 triệu đô la trong năm thứ tư, và trong hai năm cuối của cuộc chiến, con số lên tới 1 tỷ đô la.

    Việc Liên Xô không lường trước được sức mạnh của cuộc kháng chiến và mức độ hỗ trợ của phương Tây đã gây ra những hậu quả tàn khốc. Điều mà các nhà lãnh đạo Liên Xô từng tin sẽ là một cuộc can thiệp quân sự nhanh chóng và dễ dàng hóa ra lại là một cuộc giao tranh đẫm máu kéo dài cả thập niên. Thiệt hại về nhân mạng do xung đột đã lan rộng khắp khu vực: khoảng một triệu người Afghanistan thiệt mạng, 1,5 triệu người khác bị thương, 3 triệu người phải xin tị nạn ở Iran và Pakistan, cùng một con số không xác định những người đã phải di cư trong nước – trong khi tổng dân số Afghanistan khi ấy chưa đầy 20 triệu người. Chính Liên Xô cuối cùng cũng thừa nhận thiệt hại hơn 15.000 binh sĩ trong cuộc xung đột, mặc dù người ta tin rằng con số thực có lẽ phải gần 25.000. Tính đến thời điểm Mikhail Gorbachev lên nắm quyền vào năm 1985, các nhà lãnh đạo Liên Xô từng ra lệnh điều động Hồng Quân vào Afghanistan đều đã rời khỏi chính trường, nhưng Liên Xô vẫn phải trả giá bằng máu, của cải, và uy tín quốc tế của mình. Cuối cùng, trước sự kháng cự ngày càng gia tăng của quân Afghanistan được Mỹ vũ trang, Gorbachev đã cho các chỉ huy của mình một năm để xoay chuyển tình thế, nhưng họ không thể. Ngày 15/02/1989, Liên Xô cuối cùng đã rút quân.

    Là dấu hiệu cho sự thất bại của Liên Xô, hành động rút quân khỏi Afghanistan đã mở đường cho một loạt các sự kiện sẽ thay đổi thế giới. Các nước trong khối Xô-viết và Hiệp ước Warsaw chứng kiến một Liên Xô kiệt quệ rời khỏi Afghanistan, và đi đến kết luận đúng đắn rằng lãnh đạo mới của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, sẽ không có chút hứng thú nào với những cuộc phiêu lưu quân sự mới. Vì vậy, vào tháng 05/1989, chính phủ Hungary, có lẽ là đối tác lý trí nhất của Liên Xô, đã cắt đứt hàng rào thép gai tại biên giới với Áo, cho phép hàng trăm người Đông Đức trốn sang Tây Đức. Một tháng sau, trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong hơn 60 năm, người dân Ba Lan đã bỏ phiếu cho nhà bất đồng chính kiến kiêm người đoạt giải Nobel Hòa bình Lech Walesa, chính thức chấm dứt hơn bốn thập niên cầm quyền của chủ nghĩa cộng sản. Mùa hè năm đó, các cuộc biểu tình chống chính phủ mỗi Thứ Hai của Đông Đức đã dần dần tăng lên cả về số lượng và chất lượng, đạt tới đỉnh cao vào đêm ngày 09/11/1989, khi đám đông người biểu tình Đông Đức đánh sập Bức tường Berlin. Chưa đầy một năm sau, Tiệp Khắc và Romania đã cắt đứt quan hệ với Moscow, Đông và Tây Đức được thống nhất – với tư cách là một thành viên NATO – và vào năm 1991, Ukraine tuyên bố độc lập. Vào Ngày Lễ mở quà 26/12/1991, một nhóm nhỏ binh sĩ Nga đã diễu hành đến bức tường Điện Kremlin, hạ cờ búa-liềm màu đỏ và vàng xuống, đồng thời giương lá cờ ba màu trắng, xanh, và đỏ của Nga lên.

    Putin đã chứng kiến những sự kiện đau buồn này – mà nguyên nhân một phần do thảm họa Afghanistan gây ra – khi còn là một sĩ quan KGB trẻ tuổi đóng quân ở Đông Đức. Ký ức về sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến ông tuyên bố đây là “thảm kịch lớn nhất của thế kỷ 20”, nhưng có lẽ ông đã rút ra sai bài học từ những sự kiện đó. Nghịch lý thay, trong nỗ lực phục hưng Đế chế Nga đã mất, và giành lại Ukraine từ nơi ông coi là vùng ảnh hưởng của Washington, Putin đã tiến hành cuộc xâm lược Afghanistan của riêng mình. Mục tiêu ban đầu của ông là đảo ngược lịch sử, nhưng thay vào đó, ông có thể sẽ lặp lại nó.

    Lặp lại thảm họa

    Cuộc xâm lược Ukraine của Putin thậm chí còn không được chuẩn bị kỹ lưỡng bằng cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô. Các cuộc họp trên truyền hình của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga cho thấy, các cố vấn thân cận nhất của Putin, khác với các Ủy viên Bộ Chính trị của Brezhnev, không hẳn đã được thông báo về các kế hoạch xâm lược, và có thể họ cũng có những nghi ngờ riêng của mình. Trái ngược với thành công bước đầu của Liên Xô, cuộc xâm lược của Putin ngay từ đầu đã rất kém cỏi, gặp nhiều thất bại trong việc chiếm giữ hoặc kiểm soát các thành phố lớn, và con số thương vong của lính Nga trong vài tuần đầu đã tương đương với thương vong của Liên Xô ở Afghanistan trong nhiều năm.

    Hơn nữa, Putin đang đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ hơn ở Ukraine, so với những gì lực lượng Liên Xô gặp phải ở Afghanistan, điều này có thể khiến ông phải dùng đến các chiến thuật bạo lực hơn. Hiện tại, các cuộc tấn công của Nga vào bệnh viện, tòa nhà dân cư, và một nhà hát đông đúc đã khiến Tổng thống Biden gọi Putin là “tội phạm chiến tranh”, và Tổng thống Nga đã đáp trả bằng tuyên bố đanh thép rằng ông có thể cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Mỹ. Nếu Putin đi theo mô típ mà ông đã thể hiện trong các cuộc chiến trước đây ở Grozny và Syria, nhiều khả năng ông sẽ sử dụng các chiến thuật mà Liên Xô đã sử dụng trong thất bại ở Afghanistan, vốn đã khiến cho khoảng một phần ba dân số Afghanistan thiệt mạng, bị thương, hoặc phải di tản trong nước hay sang Iran và Pakistan.

    Ở giai đoạn này, trừ khi đạt được một thỏa thuận đàm phán – một trường hợp khó xảy ra – có vẻ như Putin sẽ tìm cách chiếm Kyiv, sau một trận đánh gay gắt và bạo lực chống lại các cư dân được vũ trang hạng nặng của thành phố. Chỉ riêng nhiệm vụ này đã là cực kỳ khó khăn, và có thể cần hàng tuần hoặc hàng tháng chiến đấu tốn kém. Tuy nhiên, ngay cả khi ông ta thành công trong việc nắm quyền tại Kyiv – loại bỏ chính phủ Zelensky và thay thế họ bằng những tay sai thân Nga được lựa chọn cẩn thận – thì rắc rối của Moscow cũng chỉ mới bắt đầu. Giống như ở Afghanistan 40 năm về trước, Putin có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy không ngừng, được vũ trang kỹ càng, được hậu thuẫn bí mật bởi một liên minh phương Tây tương tự như lực lượng đã đẩy Liên Xô ra khỏi Afghanistan.

    Chỉ riêng kích thước lãnh thổ của Ukraine cũng đủ gây ra những vấn đề lớn cho bất kỳ hoạt động chiếm đóng nào của Nga. Rộng tương đương Texas, Ukraine có dân số hơn 40 triệu người – gấp đôi Afghanistan ở thời điểm năm 1979 – và cũng không bị cô lập, không ở sâu trong đất liền, không có nhiều địa hình đồi núi khó khăn như Afghanistan, nơi phải cần đến những con la và xe địa hình mới có thể chuyển giao vũ khí cho quân kháng chiến. Ukraine cũng là một quốc gia hiện đại, với hệ thống đường sá và mạng lưới giao thông hoạt động khá tốt. Nước này có 850 dặm đường biên giới trên bộ và trên biển với Ba Lan, Hungary, Slovakia, và Romania: tất cả đều là thành viên NATO. Dù không có địa hình đồi núi hiểm trở – thứ đã đã giúp quân nổi dậy Afghanistan thành công trong việc chống lại Quân đội Liên Xô được vũ trang tốt, nhưng lãnh thổ địa lý rộng lớn, mạng lưới thông tin liên lạc mạnh mẽ, và sự gần gũi với các cường quốc phương Tây của Ukraine đã mang lại cho quân nổi dậy một lợi thế lớn.

    Cũng giống như cuộc kháng chiến của người Afghanistan trong những năm 1980, với những nơi trú ẩn an toàn ở Pakistan, lực lượng nổi dậy của Ukraine cũng có thể hưởng lợi từ những vùng đất thuộc các nước láng giềng. Hàng triệu người tị nạn Ukraine sang các quốc gia NATO giáp biên giới đã nhận được sự đồng cảm và ủng hộ. Trong những ngày tới, khi chiến tranh nhấn chìm toàn bộ đất nước, những người tị nạn này có thể sẽ được gia nhập bởi một số lượng ngày càng tăng những người Ukraine trong độ tuổi chiến đấu. Những chiến binh đó sẽ không tìm kiếm nơi tị nạn, mà là nơi trú ẩn an toàn, nơi họ sẽ bắt đầu tổ chức, huấn luyện, và vũ trang để trở thành một lực lượng kháng chiến gần như thống nhất chống lại sự chiếm đóng của Nga trên đất nước mình. Vì Mỹ và các đồng minh NATO đã sớm tài trợ và trang bị cho cuộc nổi dậy chống Nga, nên không lâu nữa, Putin sẽ thấy mình phải đọ sức với một phong trào kháng chiến được vũ trang tốt, có khả năng khiến việc chiếm đóng trở nên quá tốn kém về mặt chính trị, xã hội, và kinh tế. Như ở Afghanistan, các vấn đề về tiếp tế và về tinh thần của lực lượng chiếm đóng có thể lên cao đến mức không thể chấp nhận được.

    Hồ sơ các cuộc nổi dậy gần đây cho thấy Putin đang gặp bất lợi, dù là trong bất kỳ kịch bản chiếm đóng kéo dài nào. Trong những thập niên kể từ khi Thế chiến II kết thúc, các cuộc nổi dậy dân tộc chủ nghĩa chống lại các lực lượng xâm lược nước ngoài hầu như luôn giành được ưu thế, giống như quân kháng chiến Afghanistan đã làm với Liên Xô. Điều này đặt Putin vào một vị trí dễ bị tổn thương: hoặc ông ta phải thắng và nhanh chóng bình định Ukraine – kết quả khó xảy ra nhất – hoặc ông ta ra lệnh rút quân khỏi Ukraine sau khi tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình đã hoàn thành thành công. Putin có thể sẽ không chịu nổi sự sỉ nhục cá nhân từ một động thái như vậy. Ông sắp bước sang năm thứ 23 với tư cách là nhà lãnh đạo nước Nga, vẫn còn 7 năm nữa so với mục tiêu cá nhân của ông, là vượt qua 30 năm cầm quyền của Joseph Stalin. Các lựa chọn của Putin đang ngày càng thu hẹp, và bất kỳ đánh giá nào về hành động có thể của ông cũng đang bị phức tạp hóa bởi nhiều ý kiến cho rằng ông không đủ minh mẫn, và có khả năng sẽ thực hiện một bước đi không tưởng là sử dụng vũ khí hạt nhân, như ông đã nhiều lần đe dọa. Những nghi ngờ dai dẳng liên quan đến trạng thái tinh thần của Putin sẽ khiến Mỹ và các đồng minh NATO phải luôn cảnh giác cao độ, gồm cả trong vấn đề lựa chọn hạt nhân.

    Nếu Putin phải bị loại khỏi cuộc chơi trước khi ông ta leo thang đến mức không thể tưởng tượng được, thì chắc chắn người ra tay hành động phải là quân đội hoặc nhân viên tình báo của chính ông ta. Khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài thêm, với phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin về những hành động tàn bạo của Nga và thương vong của dân thường, thế giới sẽ tiếp tục lên án Moscow. Dù Putin có thể đã bắt đầu cuộc chiến này để khắc phục điều mà ông coi là thảm kịch từ sự tan rã của Liên Xô, nhưng ông có lẽ đang lặp lại cuộc chiến thảm khốc đã dẫn đến sự tan rã đó – và gây nguy hiểm cho tương lai của chính mình trong quá trình này.

    https://nghiencuuquocte.org/2022/04/08


    Không có nhận xét nào