Header Ads

  • Breaking News

    John Mills - Đài Loan có thể học hỏi gì từ Ukraine?

    https://etviet.com/wp-content/uploads/2022/04/taiwan_rocket-700x420-1.jpg

    Một binh sĩ phóng hỏa tiễn Javelin trong cuộc tập trận quân sự “Hán Quang” (Han Glory) lần thứ 35 ở huyện Bình Đông, miền nam Đài Loan vào ngày 30/05/2019. (Ảnh: Sam Yeh/Getty Images) 

    Hiện tại chúng ta sắp bước sang tuần thứ năm của chiến sự Nga-Ukraine, vậy nên chúng ta cũng đúc rút được một số bài học kinh nghiệm căn bản có thể được áp dụng vào cuộc xâm lược có khả năng xảy ra đối với Đài Loan. 

    Vài tháng trước, tôi đã viết về việc đừng để cuộc xung đột tiềm tàng ở Ukraine gây phân tâm; trò chơi chính là Trung Quốc tấn công. Với liên kết đối tác “không có giới hạn” hiện đang có hiệu lực giữa Trung Quốc và Nga, chúng ta cần phải coi thỏa thuận này là một chuyện phi thường nghiêm túc. Trung Quốc, với vai trò là đối tác chính yếu, và Nga, là đối tác thứ yếu, đã thông báo rằng tất cả mọi thứ đều sẽ được bàn tính để liên kết đối tác này có thể hạ bệ và thế chỗ Hoa Kỳ. Điều này bao gồm chiến tranh hạt nhân, hóa học và sinh học. Hiện nay, mối giao kết này là chuyện sống còn đối với toàn thế giới. 

    Bước thứ nhất trong việc thực hiện thỏa thuận giữa Nga và Trung Quốc này dường như là cam kết của ông Putin với Trung Quốc về việc chiếm giữ Ukraine trong một vài ngày ngắn ngủi. Tôi có thể tưởng tượng ban tham mưu và tướng lĩnh cao cấp tự tin thái quá của quân đội Nga cam đoan với ông Putin và những người đồng cấp Trung Quốc của họ về một “Trận Bão táp Sa mạc” ở Ukraine. Một điều mà người Nga không giỏi đó là thể hiện sự linh hoạt và tính chủ động khi mọi thứ trong trận chiến không xảy ra như họ mong muốn, vốn là những gì thường hay xảy ra trong xung đột.  

    Sự thất bại của đội quân phía bắc hướng về phía Kyiv, Ukraine, vốn đang nằm yên trong nhiều tuần, sự bất lực của người Nga trong việc lập kế hoạch hậu cần và bảo trì (bao gồm cả lốp xe Trung Quốc kém chất lượng trên phương tiện của họ), sự vắng bóng của Lực lượng Không quân Nga, cuộc rút lui và di chuyển của quân đội Nga để cứu vãn quyền thế của họ ở Donbas, và những gì có thể là một cuộc tấn công thành công vào soái hạm ở Hắc Hải của Nga, mọi thứ đều cho thấy quân đội Nga đang oằn mình chống đỡ. 

    Tôi dám chắc rằng ban tham mưu quân sự Trung Quốc không khỏi sửng sốt trước sự thất bại này của Nga giống như cách mà ban tham mưu quân sự Trung Quốc đã từng bàng hoàng trước thành công đáng kinh ngạc của chiến dịch Bão táp Sa mạc do Hoa Kỳ dẫn đầu. 

    Sự thất bại trong việc mau chóng đem về chiến tích ở Ukraine có thể sẽ ảnh hưởng đến tính toán của bất kỳ hành động quân sự trực tiếp nào của Trung Quốc đối với Đài Loan. Tôi đã nhận được bản toát yếu từ Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ về kết quả nhanh chóng và không bị nghi ngờ về mọi hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan trước chuyến thăm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ với quân đội Đài Loan. Những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay sẽ truyền cảm hứng cho người Đài Loan, thiết lập lại tư duy của chính phủ Hoa Kỳ, và khiến Trung Quốc phải phanh gấp mọi kế hoạch xâm chiếm Đài Loan. 

    Cảm giác là một ‘dân tộc’ có ảnh hưởng mang tính quyết định

    Một yếu tố vô hình, khó tính toán khác ảnh hưởng đến một trận chiến hay cuộc chiến là tâm trạng và tinh thần của các bên tham chiến. Mặc dù tình báo Hoa Kỳ có thể đã dự đoán chính xác một cuộc tấn công của Nga, nhưng họ cũng cho là Nga sẽ nhanh chóng chiến thắng. Một phần lý giải cho sự thành công của người Ukraine trong việc đứng lên chống lại người Nga là họ đều có chung một cảm xúc về việc trở thành một “dân tộc”.  

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tiếp lửa cho cảm xúc và thái độ này từ rất sớm khi ông từ chối lời đề nghị di tản theo chủ nghĩa thất bại của Hoa Kỳ. Bản năng phản ứng theo cách này của ông Zelensky quả thật đã khiến ông trở thành huyền thoại và được ghi vào lịch sử (tuy nhiên, chúng ta vẫn cần chân lý tuyệt đối về sự tham nhũng được cho là có liên quan đến ông Hunter Biden và ông Joe Biden ở Ukraine cũng như bản chất thực sự của các nỗ lực liên quan đến phòng thí nghiệm sinh học của chính phủ Hoa Kỳ ở Ukraine). 

    Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), Đài Loan đã hình thành nên một cảm giác tinh thần dân tộc tương tự. Cách đây lâu rồi, có người nói với tôi rằng Trung Quốc sợ một ngày, đó là ngày mà người Đài Loan cảm thấy [họ] là người Đài Loan chứ không phải là người Hán. Điểm bùng phát đó nằm ngấp nghé ở sau lưng rồi! Bà Thái đã thể hiện khả năng lãnh đạo huyền thoại tương tự khi đối mặt với một kẻ xâm lược lớn mạnh hơn nhiều. Cảm xúc của việc trở thành một “dân tộc” có thể mang tính quyết định, như chúng ta đang chứng kiến tại Ukraine. Lực lượng lính nghĩa vụ và lực lượng được dẫn dắt kém cỏi của Nga đã không hoạt động tốt tại Ukraine; những yếu tố này cũng sẽ ủng hộ Đài Loan một cách mạnh mẽ và gây ra tranh luận sôi nổi trong ban tham mưu quân đội Trung Quốc. 

    Khả năng tạo lập kế hoạch cho quân đội, hậu cần, và bảo trì

    Có rất nhiều ví dụ về sự thất bại của người Nga trong việc chinh phục được trận “Bão táp Sa mạc” của riêng mình, nhưng không có chứng minh nào rõ ràng hơn nỗ lực chiếm giữ Phi trường Hostomel (Antonov) nằm ở phía tây/tây bắc của Kyiv. Trong những ngày qua, đã xuất hiện nhiều tin tức với những chi tiết cụ thể về trận chiến đậm chất sử thi này. 

    Trong những ngày đầu của cuộc xung đột, Nga đã đổ bộ lực lượng dù tinh nhuệ tại Hostomel, nhưng rồi lại thất bại trong việc nhanh chóng liên kết cuộc tấn công ban đầu này với các đơn vị tăng cường hạng nặng hơn trên mặt đất — một sai sót nghiêm trọng trong bất kỳ cuộc đổ bộ nào của lính dù ở đằng sau chiến tuyến của đối phương. Thất bại tại Hostomel cùng với nhiều chỉ số khác về việc quân Nga hết đạn dược, nhiên liệu, thực phẩm và nước uống trên các tuyến đường xâm lược khác nhau, phản ánh sự yếu kém của người Nga. Trong sáu tuần, người Nga đã không chiếm được Kyiv, vốn chỉ cách 50 dặm đường bộ, trước một lực lượng dân sự và quân sự Ukraine chưa chuẩn bị sẵn sàng và được trang bị kém. 

    Việc Trung Quốc di chuyển 100 dặm xuyên đại dương thành công, mà không có chút kinh nghiệm đổ bộ nào chống lại lực lượng quân dân Đài Loan được trang bị, huấn luyện, và tích cực hơn nhiều, với quân đội hùng mạnh của Nhật Bản và Hoa Kỳ ở ngay kế bên, giờ đây dường như trở nên phi lý và nước này dễ rơi vào một thất bại thảm hại tương tự sau kinh nghiệm trong cuộc chiến ở Ukraine cho đến nay. 

    Cân bằng khả năng răn đe với khả năng phi đối xứng

    Trước cuộc gặp gỡ của tôi với phía quân đội Đài Loan, một lĩnh vực mà tôi đã nhận được nhiều bài thuyết trình từ các thành phần tình báo và quân đội Hoa Kỳ đó là Đài Loan cần phải bỏ đi mong muốn có được các hệ thống “ưu thế”, chẳng hạn như xe tăng và tàu ngầm, thay vào đó chú tâm đến nhiều loại hỏa tiễn và các năng lực phi đối xứng khác như thủy lôi, phương tiện tự hành, và không gian mạng. 

    Lúc đó, tôi không đồng ý nhưng vẫn đi theo quan điểm tiêu chuẩn này của người Mỹ ở một mức độ nào đó. Năng lực hỏa tiễn và các năng lực khác thực sự đã chứng minh được là khá hiệu quả ở Ukraine, vì vậy Đài Loan rất cần những hỏa tiễn này trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công từ Trung Quốc. Nhưng xe tăng và tàu ngầm cũng có tác dụng răn đe rất rõ ràng và quan trọng, có thể giúp ngăn chặn một cuộc tấn công xảy ra ngay trong bước đầu tiên. Nếu Ukraine được trang bị tốt hơn bằng một số loại vũ khí “ưu thế”, có lẽ hành động sai lầm ngớ ngẩn của Nga sẽ không bao giờ xảy ra. 

    Sau khi xem xét mọi thứ, kinh nghiệm ở Ukraine cho đến nay đều cho thấy rằng: thảm họa quân sự nghiêng về Đảng Cộng sản Trung Quốc và điềm lành nghiêng về quốc đảo và người dân Đài Loan. 

    Cựu Đại tá John Mills là một chuyên gia an ninh quốc gia phục vụ trong năm thời kỳ: Chiến tranh Lạnh, Chia rẽ Hòa bình, Chiến tranh chống Khủng bố, Thế giới Hỗn loạn, và hiện tại là Cạnh tranh Quyền lực Lớn. Ông là cựu giám đốc chính sách an ninh mạng, chiến lược, và các vấn đề quốc tế tại Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

    Khánh Ngọc biên dịch

    https://etviet.com


    Không có nhận xét nào