Header Ads

  • Breaking News

    Hoàng Khởi Phong - Ngày N +....Phần 8

    Phần 8

    Ngày N + 18, 12 giờ trưa.

    Tôi vừa đẩy cửa bước vào văn phòng, Thiếu tá Mạc nói ngay:

    "Tôi bảo nó dọn sẵn cơm cho ông rồi. Xin lỗi tôi phải ăn với gia đình. Ông cứ tự nhiên."

    "Có cơm ăn là quí rồi. Tôi vừa nóng ruột, vừa sót bụng."

    "Chiều nay đi coi xử tử không?"

    "Bộ có đặc công Việt cộng trà trộn vào bị bắt hay sao Thiếu tá?"

    "Không phải, một thiếu úy và một binh sĩ Thủy quân Lục Chiến."

    "Tại sao?"

    "Trên mấy chiếc tầu chở nạn nhân chiến cuộc từ vùng I vô, có nhiều vụ cướp của, giết người và hiếp dâm. Có vụ xẩy ra ngay giữa ban ngày. Giết người vứt xác xuống biển. Trước khi tầu cập bến, Hải quân Mỹ đã liên lạc về đây nên khi xuống tầu, mọi người đều bị khám xét, có một số nạn nhân chịu nhận diện thủ phạm. Hai người bị tố cáo không biết có giết người không? Có hiếp dâm không? Nhưng trong ba lô họ có cả mấy trăm lượng vàng."

    "Thế thì xử tử là phải. Nhưng quá trễ. Nước mình trong thời chiến hai mươi năm, tôi thấy tòa án quân sự 95% chỉ xử tội đào ngũ, biển thủ v.v... Dường như tòa quân sự mặt trận mới mở có vài lần. Một lần xử tử mấy anh Thượng Fulro, một lần xử tướng Vũ văn Giai cái hồi 72, xử huề. Đáng lẽ mình phải xử tử vài anh tướng, cho về hưu độ hai mươi, ba mươi anh tướng khác, cách chức một số đại tá. Nếu năm năm trước mình đã làm như vậy thì hôm nay chưa chắc đã như thế này."

    "Ông có muốn đi coi không?"

    "Không, tôi nản cái vụ đó lắm. Ngày mai có máy bay không Thiếu tá?"

    "Không. Chiều nay có một chuyến nhưng chắc là không kịp. Ba ngày nữa mới có chuyến khác."

    *

    Ngày N + 18, 3 giờ chiều.

    Thượng sĩ Nhu, nhân viên cũ của tôi tám năm về trước lại thăm. Ông ta xin tình nguyện phục vụ ở đảo luôn ba năm tới ngày giải ngũ. Ông có hai con đã lớn, gái thì có chồng, trai thì đã đăng lính. Trước kia nhiều lần tôi bị mang tiếng oan là đánh tù cũng bởi ông này. Ông hỏi tôi về tình hình chiến sự cũng như những bạn đồng ngũ cũ. Tôi nhờ ông liên lạc cho tôi biết ngày giờ của ghe chạy đường Phú Quốc Rạch Giá, đề phòng trong trường hợp vì lý do nào đó không thể có chỗ máy bay. 

    *

    Ngày N + 18, 5 giờ chiều.

    Tôi ngồi bó gối trên nền nhà cũ. Căn nhà tranh đã mất dấu, nhưng thềm xi măng còn nguyên. Chính nơi đây, trên cái thềm nhà này bẩy tám năm trước, chúng tôi, một số những sĩ quan trẻ của miền Nam, có thể gọi là ưu tú bởi vì trong số đó: cử nhân triết Trần Lam Giang, cao học khoa học Trương Hồng Sơn, cao học luật Nguyễn Quốc Súy. Tốt nghiệp đại học sư phạm Hoàng Phùng Quyền, Cao Huy Tào, Lê Thừa Nghiệp... Chúng tôi mở một trận chiến khác với tù binh Việt cộng. Thành thực mà nói, trận chiến này không sòng phẳng với cả hai phía. Tôi thích trận chiến ngoài mặt trận hơn. Thắng là thắng, thua là thua. Dĩ nhiên thắng và thua được cộng trừ bởi những thây người. Thắng bởi ưu thế về hỏa lực, về nhân số, về địa hình, về phẩm chất binh sĩ và sau cùng là khả năng của cấp chỉ huy cộng với một chút may rủi của Trời. Trận chiến nơi chót cùng hải đảo này khác hẳn. Nó không sòng phẳng, bởi lẽ, cho dù chúng tôi là những binh sĩ, những sĩ quan coi tù, chúng tôi cũng chỉ là những tù binh không hơn kém. Chúng tôi có một chút thoải mái ở ngoài hàng rào. Nhưng chúng tôi là một tập hợp những con người buồn bã, bởi trong tâm khảm mọi cá nhân nơi đây, ngoại trừ một số người hiếm muộn được chọn lựa để có những ngoại bổng, để có những chức vụ làm bàn đạp cho địa vị tương lai. Hễ thấp cổ bé miệng, hễ bị phạt là trực chỉ Phú Quốc. Bởi vậy, mọi quân nhân mong trả nợ hết một năm về lại đất liền. Không một người nào ý thức được vị trí mình. Phía tù binh thì khác hẳn. Chúng xa hẳn được cái không khí chết chóc, thiếu ăn mất ngủ trong rừng. Không sợ pháo, không sợ B52, không sợ tải đạn, vận lương, giao tranh. Chúng ung dung ăn cho mập, bồi bổ lại sức khỏe của những năm chật vật, mò mẫm trong rừng. Chúng được bảo vệ bởi những cố vấn Mỹ, bảo vệ chúng như một bảo đảm cho những phi công Hoa Kỳ bị rơi ngoài Bắc. Chúng đông hơn mười lần chúng tôi, chúng ở trong hàng rào, ngày ngày làm tạp dịch vài tiếng đồng hồ vớ vẩn, cơm no, tối về học tập. Chúng giữ vững hàng ngũ, tổ chức bằng cách lâu lâu lại biểu tình bãi thực một lần, lâu lâu trừng trị một vài tù binh để củng cố lại hệ thống đảng, đoàn ngũ. Còn chúng tôi cố gắng chu toàn bổn phận chúng tôi, giảm thiểu tới mức tối đa những hành động vi phạm kỷ luật, những vụ đào thoát, trốn trại, thanh trừng.

    Ở nơi đây bẩy năm trước, tôi xót xa nhận thấy phẩm chất binh sĩ của chúng tôi nó rời rạc vô hồn. Và ngược lại trong hàng rào, chúng là những thí dụ tuyệt hảo về những phản ứng có điều kiện của Pavlov: chuông rung, đèn sáng lên, hạch nước miếng hoạt động. Chúng tôi, một số rất ít những người trẻ tuổi có thao thức tới vị trí của mình, có suy nghĩ đôi chút đến tương lai miền Nam như Trương Hồng Sơn, Trần Lam Giang, đã lúng túng giữa hai thái cực.

    Chính tại thềm nhà cũ này, chúng tôi bàn cãi tranh luận, họp hành đủ mọi thứ chuyện. Từ công vụ cho đến đời sống riêng tư. Bây giờ nhà cũ đã phá, nền cũ còn đây. Những hàng rào kẽm gai nghiêng ngả, tù binh đã trao đổi hết từ đầu năm 73, bây giờ những người tù binh cũ đó cùng với đồng bạn của chúng, đang dồn ép miền Nam trong trận chiến cuối. 

    *

    Ngày N + 18, 6 giờ chiều.

    Tôi ghé thăm trường tiểu học "Vườn Hồng", di sản thứ hai của tôi sau cái nhà nhỏ trên đỉnh đồi. Không giống như cái nhà chỉ còn nền, trường học được mở ra khi quân số Quân cảnh ở đây lên tới hai tiểu đoàn, một số binh sĩ mang vợ con ra ngoài này ở. Cả xã An Thới có một ngôi trường của ông cha đạo chỉ vỏn vẹn hai lớp vỡ lòng. Tôi đã sử dụng quyền hành lấy một số tù binh vào rừng đốn cây, cắt tranh và làm một ngôi trường có bốn lớp học.

    Tôi đề nghị với xếp, cắt cử bốn quân nhân Quân cảnh mặt mũi sáng sủa, có bằng Trung học, khỏi canh gác, khỏi dính líu với trại giam. Làm thầy giáo bất đắc dĩ. Dần dần tới bốn Tiểu đoàn Quân cảnh, học trò nhiều thêm. Bộ Quốc gia Giáo dục sát nhập trường này vào hệ thống giáo dục của ty Tiểu học Kiên Giang. Trường vẫn giữ tên cũ do tôi đặt "Vườn Hồng" và dưới cái bảng gỗ tên trường, tôi đã viết hai câu thơ: 

    "Khi sương mai long lanh trên đọt cỏ
    Là lúc vườn hồng hé nở nụ tươi."


    Tấm bảng tên trường, hai câu thơ cũ vẫn còn đó. Cổng mở, các cửa lớp đóng kín. Tôi lững thững bước vào sân, vẫn còn những cầu tuột, xích đu, tất cả đều là những sản phẩm do tôi cung cấp. Không biết những học trò nhỏ đầu tiên bây giờ ở đâu? Các em hẳn đã theo bố mẹ về đất liền, bố mẹ các em, chắc có người tùng sự tại vùng I, vùng II. Cầu mong cho tất cả các em đừng có ai nằm xuống ở dọc đường. 

    *

    Ngày N + 19, 10 giờ sáng.

    Hôm nay ngày 6-4-75. Tôi nóng ruột một cách kỳ lạ, tôi đi lững thững trên con đường mòn dẫn ra bãi Kem, một bãi biển tuyệt đẹp, nằm cách trại giam chừng hai cây số. Tôi bắt gặp rất nhiều dân tị nạn đặc biệt cũng đang phơi mình tắm nắng ở đây. Họ là nhân viên của các cơ sở Mỹ, có danh sách ưu tiên di tản vì sợ nguy hiểm đến tính mạng một khi Việt cộng chiếm được miền Nam. Những người này sướng thật. Phục vụ chính nghĩa của miền Nam, nhưng lãnh tiền của ngoại quốc vừa nhiều, vừa an toàn. Chẳng phải trận mạc, bom đạn gì cả, lãnh lương gấp năm, gấp mười những người đang đổ máu ở ngoài mặt trận. Mới hơi nguy hiểm đã được bốc ra chỗ an toàn. Trong đất liền bây giờ, động dạng một chút là họ đã vù ra tầu Mỹ. Bây giờ họ đang cười đùa ầm ý, họ đang giỡn sóng, trong lúc cả nước đang ngập mặt vì lửa cháy, đạn bay, và những thây người ngã gục.

    Trong đám người này cũng có những người buồn thật vì phải bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ địa vị ăn trên ngồi trốc, lên xe xuống ngựa. Nhưng cũng có những người ra dáng là mình khôn ngoan, chọn được một vị trí đúng trong khi chống cộng. Bởi vì bước sắp tới của họ, là vĩnh viễn bỏ lại quê nhà, cái nơi chỉ có máu và nước mắt. Những người đó chắc trong vài năm nữa sẽ ghê tởm nước mắm, sẽ bịt mũi trước mắm nêm. Bây giờ họ đã ra dáng là người Mỹ lắm rồi. Cứ trông những cái nhún vai, cứ trông những cái máy ảnh họ đeo lủng lẳng ở cổ, cứ trông những quần áo được mua từ các P.X. Mỹ là đủ biết.

    Họ đâu cần biết chỉ cách họ một bãi đất trống, một hàng rào kẽm gai, trong những khu giam giữ tù binh cũ, có mấy chục ngàn đồng bào của họ đã tan cửa, nát nhà, đã trải qua cùng cực của khổ đau trước khi đến được chỗ này, đang chờ đợi một chút tin lành cho đất nước. Nếu có được chút tin lành này, họ sẽ xin được trở về chốn cũ đã phải bỏ đi, để xây dựng lại từ đầu, khởi đi lại từ đổ vỡ cũ. Tình hình này chắc chắn chỉ có tin dữ. Tôi bước dọc bãi biển. Những hàng dương rạp theo gió.

    Leo lên một ghềnh đá cao, tôi nhìn về phía nam đảo, bắt gặp một phiền muộn khác. Một căn nhà bề thế trên một đảo nhỏ đối diện với mũi ông Đội. Hòn đảo này bề dài chừng hơn một cây số, và căn nhà ngời sáng dưới ánh mặt trời. Đó là căn nhà mát của Đại tá Nguyễn Ngọc Thiệt, cựu Chỉ huy trưởng Quân cảnh hay đúng hơn cựu xếp xòng binh chủng. Chắc hẳn những vật dụng để xây cất căn nhà mát này không thể mua và mang ra từ trong đất liền. Nó phải là vật liệu tại chỗ. Những tôn, xi măng, gạch, ngói đó phải là một phần nào vật liệu để xây cất trại giam, để xây cất khu gia binh, để xây cất nhà thương, trường học v.v... Tôi nghe nói Đại tá Thiệt còn có một quán ăn đẹp kinh khủng ở mũi Né Phan thiết, xây cất như một lữ quán trên xa lộ Mỹ. Và thỉnh thoảng có dịp đến cư xá Lữ gia để thăm bạn, tôi đi qua nhà riêng của Đại tá Thiệt. Nó giống như một ốc đảo đặc biệt nổi lên giữa những vi la khác, nó có đủ cái hợm hĩnh của non bộ vĩ đại với vòi nước phun, với tượng và đủ những cái "kỳ dị" khác. Đây mới chỉ là tài sản của một Đại tá lo về quân phong, quân kỷ và ngành tư pháp của quân đội. Hèn nào ông Kỳ có một cái trại hàng trăm mẫu ở Khánh dương. Ông Khiêm có một lâu đài ở Đà Lạt. Ông Thiệu cũng đang sửa soạn một miếng đất ngon nhất, đẹp nhất và dĩ nhiên lâu đài cũng phải bự hơn của ông Khiêm ở Đà Lạt. Ông Viên có nhà mát ở Vũng Tầu. Các tướng hét ra lửa, mửa ra khói ở miền Nam, mỗi ông đều có một cái gì đó ở Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tầu, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Cần thơ.

    Cái thời của vua, chúa đã qua, bây giờ là thời của các ông tướng. Mỗi ông do những thỏa hiệp ngầm với nhau, do sự đồng ý với người Mỹ. Nói cho đúng hơn do sự đẹp lòng với người Mỹ, vừa được ăn trên ngồi trốc, nắm quyền sinh sát một vùng. Hồi tưởng lại cái thời cũ, cái thời quân đội Pháp, có ông còn là đội, là cai, có ông là trung úy, đại úy trông thấy Tây là sợ, trống ngực đánh như trống làng. Hai mươi năm qua đi, thời cuộc đẩy các ông lên nắm quyền uy tột đỉnh. Phu nhân của các ông, có bà trước kia bán cháo, bán chè ở ngoài hàng rào trại binh, bây giờ đã đọc diễn văn, đã họp báo với một mớ kiến thức hổ lốn của nồi chè hai mươi năm trước.

    Miền Nam quả là đã đến hồi mạt vận. 

    *

    Ngày N + 19, 2 giờ chiều.

    Ghé văn phòng ông Mạc để hỏi vụ phi cơ, và được trả lời từ bây giờ chỉ biết trước khi nào phi cơ sắp tới. Điệu này chắc tôi sẽ đi ghe về Rạch Giá rồi đáp xe đò về Sài Gòn. Thượng sĩ Nhu, nhân viên cũ cho tôi biết ghe đi Rạch Giá có hàng ngày. Khởi hành ở An Thới vào hồi sáu giờ chiều, sáng hôm sau đã tới Rạch Giá. Tôi quyết định ngay chiều nay sẽ vĩnh viễn giã từ Phú Quốc.

    Ghé văn phòng Thiếu tá Mạc để từ giã. Nhưng không gặp, nhờ một hạ sĩ quan Quân cảnh lái xe đưa ra chợ An Thới, hắn tưởng tôi đi thăm người quen, đến khi biết tôi muốn đi ghe về Rạch Giá, hắn có vẻ ngậm ngùi. Ngang qua chợ An Thới, những căn nhà lụp xụp của tám năm trước đã thay đổi gần hết, tôi thấy một số người quen cũ. Cứ trông dáng điệu là đủ biết họ không còn là ngư dân thuần túy nữa.

    Thôi giã từ tất cả, vĩnh biệt nền nhà cũ, mái trường xưa. Không biết rồi đây khi sương mai long lanh trên đọt cỏ, có còn nụ hồng nào để hé nở nữa không? Giã từ bãi Kem, mũi ông Đội, những di tích của Gia Long trong thời tẩu quốc. Giã từ chợ An Thới, cùng với những ngư dân mỗi ngày mỗi xa biển hơn, giã từ luôn cả những vựa nước mắm, kể cả cô Lài, cô Lý, cô Huệ, cô Bông của một ngày nào tám năm trước. Và sau cùng vĩnh biệt một phần đời sôi nổi nhất, hào hứng nhất, thi vị nhất, phũ phàng nhất, lý tưởng nhất, và chó đẻ nhất của tôi ở phần đất này. 

    *

    Sài Gòn - Subic Bay

    Ngày N + 20, 5 giờ 30 sáng.

    Ghe lớn cập tại Hòn Tre, còn cách bờ, cách Kiên Giang một khoảng nước nữa. Chỗ này nước thấp, đáy biển có những luồng cát bất ngờ, ghe lớn hay mắc cạn, tôi chuyển xuống một ghe nhỏ, nhỏ như chiếc ghe tôi đã cưỡng bách ra biển ở Tuy Hoà. Trời vẫn còn tối, chỉ có tiếng máy nổ của cái máy đuôi tôm, và tiếng đập của quả tim. Rồi một thoáng bâng khuâng tới Nha Trang, Cam Ranh, không biết giờ này vợ con tôi đang làm gì? Những gì đã xẩy ra ở nơi có những người thân yêu nhất? Ba ngày nay, tôi như bị bỏ quên, bị gạt hẳn ra khỏi cái thế giới kinh hoàng của cuối mùa trận chiến. Tôi tránh hẳn cả việc nghe tin thời sự của đài BBC, VOA. Tôi như một người khác, ngu ngơ, đần độn, ngớ ngẩn. Tôi oán trời, trách đất, nguyền rủa con người. Tôi cáu giận chính tôi, khinh miệt chính tôi, và cũng chẳng tin một mảy may vào Phật, Chúa. Đã đến lúc bách điểu chia ly, trăm hoa tàn tạ, vũ trụ chìm trong cảnh tĩnh mịch. Những tia sáng đầu tiên lan nhanh trên mặt biển. Cảnh bình minh trên mặt biển bao la, bát ngát. Tôi đã nhiều lần nhìn mặt trời lên, mặt trời lặn ngoài biển, đã từng chờ trăng nhô cao khỏi mặt nước. Mỗi lần mỗi khác, tùy thuộc chỗ mình ngắm là núi, đồi, biển khơi hay rừng rậm, nhưng nó cũng tùy thuộc nơi lòng mình vui buồn. Có một điều chắc chắn những lúc bắt đầu và chấm dứt của một ngày, những lúc khởi đầu của bóng trăng bao giờ cũng đẹp. Cái đẹp của thiên nhiên thay đổi với cảm nghĩ con người, có lúc nó hùng vĩ, có lúc nó lãng mạn, và đôi lúc thê lương, ảm đạm.

    Buổi sáng nay, mặt trời đỏ rực rỡ vừa nhô lên khỏi mặt nước, ánh sáng nhờ nhờ biến đi, lập tức mầu chu sa choán đầy mặt biển, nước đổi mầu trong một sát na, biển trở thành một biển máu. Đẹp như cảnh tượng phim kinh di, đẹp lạ thường, hôm nay tôi nhìn mặt trời mọc không phải với tâm trạng của thi sĩ, cũng không phải tâm trạng của tráng sĩ, hôm nay tôi ngắm nó với tấm lòng của kẻ bại trận, thê lương, ảm đạm biết chừng nào.

    Xuống bến như một kẻ mộng du, tôi đi giữa những phố trệt còn ngái ngủ. Cái nhộn nhịp trên bến dưới thuyền của bẩy năm trước còn đâu? Tôi nhớ những lần tôi tới rong chơi đây một ngày, cũng không hẳn rong chơi, đến để xả những dồn nén sinh lý trong một căn nhà nào đó, trên một thân thể nào đó. Đến bằng những chiếc P.C.F. (khinh tốc đỉnh) đầu tiên của vùng IV duyên hải, những chiếc tầu chạy như ngựa tế một mạch Phú Quốc - Rạch Giá chỉ trong hai giờ đồng hồ, cả bọn xuống phố chợ kiếm vài chai bia, vài cút rượu, tọng vô họng, rồi chui tọt vào một xó nào đó, kiếm một căn nhà nào đó, một cô gái làng chơi nào đó rồi để cho cái thú tính, không phải... để cái phần người nhất làm việc. Tất cả gồm trong bốn, năm giờ đồng hồ, rồi lững thững xuống tầu, tế một mạch về đảo, về với những hàng kẽm gai nghiêng ngả, với những bộ áo nâu của tù, xanh của lính. Về với nỗi phiền muộn đã được gói ghém trong câu thơ sau này nhiều binh sĩ Quân cảnh thỉnh thoảng còn đọc cho nhau nghe với nụ cười hồn hậu. Hồn hậu bởi họ không cảm nhận nổi nỗi buồn của tôi: 

    Ngàn năm Phú Quốc nhớ hoài.
    Tù trong là giặc, tù ngoài là ta...

    Hôm nay tôi xuống bến Rạch Giá với cõi lòng bùi ngùi của kẻ tử tù, mà cái gông thì chập chờn trước mắt. 

    *

    Ngày N + 20, 3 giờ chiều

    Xe đậu ở đầu cầu Bến Lức, chốn này đây tôi đã qua chơi mười bẩy năm trước, khi vừa đậu Trung học, được ông anh Cả dắt theo công tác giáo dục cộng đồng. Trong quán ăn, tôi đã được thưởng thức lần đầu canh cải bẹ xanh mà người ta đập vào hai trái trứng, đó là một trong những món canh ngon nhất với khẩu vị tôi. Chẳng những ngon mà còn là một hòa hợp mầu sắc tuyệt hảo. Giữa mầu xanh của cải bẹ, hồng của thịt nạc, trắng của lòng trắng và mầu vàng của lòng đỏ. Dường như tôi đã yêu Bến Lức, Long An qua tô canh này. Mười bẩy năm đã qua, tôi không được làm việc ngày nào ở đây, nhưng mỗi lần đi qua là một lần nao nao trong dạ.

    Hôm nay, nhường chỗ cho sự nôn nao thương nhớ, là những xót xa, trắc ẩn. Xót xa chở đầy trên những ghe, thuyền đậu chi chít trong lòng sông. Cả đến những cái ghe này hôm nay cũng khẽ dập dìu trên nước, cũng neo chặt một chỗ, cũng ngơ ngác vô hồn. Những trẻ em bán mía ghim, những cô gái bán khóm, trái cây, bán chim đều biến mất. Thay vào đó là những chướng ngại vật trên đường, những phuy săng sơn trắng, sơn đỏ, đổ đầy đất nằm giữa quốc lộ, tạo thành những lối đi zic zac, cùng với những con ngựa gai chằng chịt, những ụ súng đầy bao cát, và những người lính có vẻ lo âu của những con chim bị cháy rừng, bị động ổ.

    Suốt từ sáng tới giờ hầu như đối với tôi, sông rạch của vùng IV, ruộng đồng của vùng III, tất cả như đang chờ một điều gì đó sắp bùng ra. Tất cả như co mình cho nhỏ lại, chờ đợi một tai họa sắp sửa chụp xuống. Dường như tất cả mọi người đều biết tai họa đó là gì, điều mà họ bồn chồn lo lắng chính là tai họa đó sẽ lớn cỡ nào? 

    *
    Ngày N + 20, 5 giờ chiều

    Con đường của hai mươi năm trước, mười hai năm trước, năm năm trước xuất hiện trước mặt. Hai cây trứng cá cha tôi trồng mười lăm năm trước đang đầy hoa và trái. Lớp trẻ con cũ trong xóm đã lớn, đã đội nón đỏ, nón xanh và đang ngu ngơ đâu đó trong cơn bão lửa. Lớp trẻ hôm nay là những đứa đã chào đời khi tôi vừa nhập ngũ, tuy nhiên người thì có khác hơn câu: "Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi". Tôi có xa nhà nhưng không phải ly hương, biệt vô âm tín như tâm sự của thi sĩ. Và hôm nay trở về cũng chưa là lão đại về tuổi tác, nhưng tâm hồn tôi "lão đại" hơn cả "lão đại" thi sĩ. Bởi khi ông về thì chiến tranh đã dứt, có cái bâng khuâng, bùi ngùi của cuộc chiến tàn. Nhưng vẫn có một chút hy vọng qua cái cười của lũ nhỏ hỏi ông ở đâu tới. Cái không khí của thơ Đường trong bài thơ đó kết thúc bằng hy vọng sẽ không còn chết chóc, không còn ly hương, chiến tranh thật sự sẽ không còn ngự trị nữa. Nhà sẽ không còn cháy, người sẽ không còn ngã. Chiến tranh thời xưa khác. Dứt là dứt hẳn, không còn tù đày, không còn chết chóc. Nhưng chiến tranh hiện tại khác hẳn. Dứt là có một bên bại. Kẻ thắng cười ngạo nghễ, định đoạt số phần của kẻ bại. Phe thắng trận sẽ nhân danh hàng trăm thứ để cưỡng đoạt tài sản, bắt bớ, tù đày, hành hạ, loại trừ phe thua. Chỉ một vài câu hỏi của những đứa trẻ đã làm "Hạ Tri Chương" xúc động, xuất thần trong một phút, và hậu thế chúng ta có được một bài thơ tứ tuyệt "Hồi Hương Ngẫu Thư" tuyệt vời.

    Lũ trẻ trong xóm hôm nay, không có đứa nào hỏi tôi từ đâu tới, chúng vẫn chơi đùa hồn nhiên. Nhưng cái xóm cũ, nơi mà tôi đã dàn trải suốt cuộc đời niên thiếu, nơi tôi đã nghịch ngợm, leo trèo, chạy nhảy, đá bóng. Nơi mà tôi nhớ từng viên gạch, từng cái cống, từng căn nhà, từng đống rác đó đang run lên. Cả cái cư xá đó như muốn thay mặt cho đám trẻ con hỏi han tôi, an ủi tôi nên vì đó mà hai cây trứng cá cha tôi trồng ngày cũ, đã nương một cơn gió nhẹ, thả những cánh hoa nhỏ mầu trắng, thả những chiếc lá khô, trước khi nghiêng cả cái thân hình xum xuê hoa lá đó đón chào chủ cũ mệt mỏi trở về.

    Không có gì thay đổi dưới mái nhà tôi càng ngày càng quạnh quẽ. Cha tôi vẫn nằm trong cái võng kết bằng dây dù tôi mang từ đảo Phú Quốc về. Giờ này là giờ ngủ buổi chiều trước khi ông dậy đi làm tối, cái kính lão xệ xuống sống mũi, tờ báo úp trên ngực, dưới sàn nhà một quyển Tiếu Ngạo Giang Hồ nằm tênh hênh trên nền gạch bông. Có một linh cảm nào đó giữa cha và con, nên ngay khi tôi sắp bước chân qua ngưỡng cửa, ông đã choàng dậy. Ông bỏ hẳn kính xuống, nhìn tôi một cái nhìn sâu thẳm, trước khi hỏi dịu dàng từ tốn:

    "Anh mới về hả? Chị với các cháu đâu?"

    "Nhà con và các cháu kẹt ở Cam Ranh rồi."

    "Anh tắm rửa, thay quần áo rồi ra đây cho cậu hỏi. Tội nghiệp các cháu tôi, chúng còn bé bỏng quá."

    Mẹ tôi từ hàng xóm về, mới thấy bóng tôi trong nhà đã khóc nức nở. Cha tôi gắt một cách bực tức.

    "Bà làm cái gì vậy? Con nó đã chết đâu? Chỉ sợ ít hôm nữa rồi không còn nước mắt mà khóc thôi."

    Đây là một trong thật ít lần hiếm có cha tôi nói những điều từ ái với tôi. Thuở nhỏ tôi nghịch ngợm lêu lổng, bỏ học ngang chừng. Tôi đã làm bao nhiêu hy vọng của cha tôi tiêu tan, nên ông nghiêm khắc với tôi hơn với các anh tôi. Tôi biết cha tôi gắt mẹ tôi vì chính ông, ông cũng linh cảm sẽ còn rất ít thì giờ để nói với tôi những lời từ ái. 

    *
    Ngày N + 20, 7 giờ 30 tối.

    Tất cả các anh chị tôi đều có mặt, cả vợ chồng cô em gái tôi, người em rể vốn là bạn cùng lớp với tôi từ mười lăm năm trước. Đã ba năm nay, ngay cả ngày giỗ tết, gia đình tôi cũng không thể nào họp mặt đầy đủ, những người vắng mặt hôm nay là vợ con tôi. Chiều nay, tình cờ cháu con anh Hai tôi ghé thăm ông nội, thấy tôi về, nó tự động đi loan báo cho tất cả các anh chị tôi. Các anh mừng tôi với vẻ mặt rầu rĩ, các chị có người đã muốn khóc khi không thấy các con tôi. Phải mất hơn ba tiếng đồng hồ để kể tóm tắt những cuộc hành trình của tôi Pleiku Tuy Hoà, Qui Nhơn, Phú Quốc. Tôi nghe giọng tôi cũng giống hệt giọng của gã xướng ngôn viên đài BBC, đài Đông kinh. Nó giống như giọng người ta kể chuyện về đia ngục. Điều mà tôi buồn bã nhất, bực dọc nhất với chính tôi, là cả gia đình không ai trách tôi một câu về việc vợ con kẹt lại Cam Ranh. Mẹ tôi, các anh chị tôi khen tôi tháo vát, nhanh nhẹn, quyết định sáng suốt. Những câu khen ngợi này cay đắng biết chừng nào. Sau cùng cha tôi nói với các anh em tôi với một giọng nghiêm nghị:

    "Cậu già rồi, trên lục tuần gần bẩy mươi so với các cụ, các bác trong họ kể là đã thọ. Gia đình mình cũng không còn lạ gì với cách hành xử của Cộng sản. Bọn chúng vào đây, sống được thì cậu sống thêm vài năm nữa, nếu không thì chỉ một cái tặc lưỡi là xong. Anh Cả ở trong ngành sư phạm chắc cũng không đến nỗi gì. Anh Ba là hạ sĩ quan quân y có tù đày cũng không lâu, chỗ đâu mà nhốt cả triệu người. Anh Hai, anh Tư và anh Năm rán mà tìm cách ra ngoại quốc. Riêng anh Năm thì giữ lấy một khẩu súng lục phòng thân, chúng vô đây, đi không được thì nên tự xử lấy. Cái tính của anh không thể ở tù Cộng sản được một tháng đâu. Đằng nào chị ấy với các cháu cũng kẹt ở Cam Ranh rồi, có một thân thì dễ xoay trở. Cậu mong các anh chị thoát thân được cả, nhưng tình hình này so với năm 54 khó gấp mười, gấp trăm. Ngày đó cậu cho anh Cả về quê thử sống với chúng vài tháng, thế mà ngay trong 300 ngày đình chiến đó, chúng chưa thò cái móng vuốt ra mà mình còn chịu không nổi, còn bỏ sản nghiệp, mồ mả tổ tiên vô Nam này. Bây giờ đâu có ngày nào đình chiến. Thua là kể như xong. 

    *
    Ngày N + 21, 8 giờ 30 sáng.

    Buổi sáng tôi đi trình diện Bộ chỉ huy. Tôi phải làm một phúc trình tổng quát cho đơn vị sau khi di chuyển. Sau đó phải tới Tiểu đoàn 5 Quân cảnh, ngay trước cửa phở Tầu bay, đó là nơi tập trung tất cả các quân nhân Quân cảnh thuộc quân khu I và II về được tới Sài Gòn, chúng tôi sẽ được phân phối tới các đơn vị khác. Cả Tiểu đoàn 2 Quân cảnh tập họp được hơn năm mươi người, con số về được Sài Gòn có thể nhiều hơn, nhưng có lẽ nhiều người không trình diện. Tiểu đoàn 1 Quân cảnh còn thê lương hơn nữa, hiện diện vỏn vẹn ông Trung tá Tiểu đoàn trưởng, và lèo tèo một dúm người không đầy một trung đội. Trại giam Đà Nẵng được bốn, năm người. Trại giam Pleiku một mình Đại úy Nguyễn Cao Thịnh và bẩy, tám binh sĩ. Và sau cùng đơn vị của tôi, trại giam Qui Nhơn hiện diện được đúng một tiểu đội không hơn kém.

    Thân nhân các binh sĩ ùa tới các đơn vị trưởng hỏi thăm tin tức người nhà. Tôi muốn biến đi, chạy trốn trước hàng trăm câu hỏi. Tôi đáo nhậm đơn vị có ba ngày, ngay cả các sĩ quan còn chưa nhớ hết tên, chưa quen hết mặt, làm sao có thể trả lời những câu hỏi kèm theo những tiếng nấc não lòng. Một bà cụ trông phúc hậu, hiền lành đi cùng một cô gái đến hỏi thăm tin tức của Phúc. Tôi làm sao dám trả lời sự thật. Bà cụ dường như có được một người nào cho biết những ngày cuối cùng Phúc lái xe cho tôi, nên cứ đeo riết lấy tôi hỏi tới tấp. Sau cùng tôi phải nói dối là tôi thấy Phúc bơi qua sông chạy trước tôi, rồi từ đó tôi không gặp. Tôi muốn độn thổ bởi cái nhìn của cô gái không biết liên hệ thế nào với Phúc, cái nhìn dò xét, đo lường câu trả lời của tôi.

    "Đại úy cứ nói thật đi, phải anh Phúc chết đuối rồi không?"

    "Ai cho cô biết vậy?"

    "Thì mấy người ở Qui Nhơn vào đó."

    "Thế thì cô cứ tin mấy người đó đi. Hỏi tôi làm chi?"

    "Đại úy là người lớn nhất. Tôi muốn Đại úy trả lời cho rõ."

    "Tôi trả lời rồi. Tôi thấy Phúc bơi qua sông, rồi từ đó tôi với Phúc thất lạc."

    "Mình về đi má, mấy người càng lớn càng lo cái mạng, ổng nói vậy thì biết vậy."

    "Tội nghiệp nó hiền lành phúc hậu, ông trời sao mà ác quá, bắt nó chết không còn thây.
    Trời ơi là trời, nhà tôi hồi nào tới giờ tu nhân tích đức. Sao mà chung cuộc thảm quá vậy?"

    "Đại úy cho má tôi biết ngày nào anh Phúc rời Tuy Hoà."

    "Tụi tôi rời Tuy Hoà ngày 2-4 hồi 11 giờ 30 sáng."

    "Thôi mình về đi má, nếu ảnh không về thì mình cũng có ngày cúng kiếng ảnh rồi."

    Tôi nhìn theo bóng hai người, bà cụ mặc áo dài mầu đen, áo cô gái mầu trắng. Hai cái mầu tang tóc đó nổi bật giữa sân cờ của Tiểu đoàn 5 Quân cảnh. 

    *
    Ngày N + 21, 4 giờ 30 chiều.

    Ra khỏi doanh trại Tiểu đoàn 5 Quân cảnh, tôi như trở thành một người khác, hết còn bận bịu với công vụ, phần của tôi đã xong, đơn vị tôi cũng như hàng vài chục đơn vị khác nhỏ hơn đã đóng quyển "Nhật ký đơn vị" lại. Tất cả quân nhân binh chủng tôi ở vùng I và vùng II bây giờ nhập lại thành một tiểu đoàn duy nhất, quân số cũng không đủ một tiểu đoàn, chờ trang bị lại. Phần tôi có một chức vụ "buồn cười" là sĩ quan đại diện Bộ chỉ huy Quân cảnh tại Quân vụ Thị trấn Sài Gòn. Dĩ nhiên là chẳng có việc gì để làm, vì ở Biệt khu thủ đô, có tới nguyên một tiểu đoàn Quân cảnh hoạt động. Càng tốt, đỡ phải vào Bộ chỉ huy hàng ngày là đủ vui rồi.

    Cưỡi một chiếc Honda đi mượn, tôi chạy khắp Sài Gòn, và nghiệm thấy một điều cho tới bây giờ, ngày 8 tháng 4 năm 75, dường như Sài Gòn vẫn chưa có gì thay đổi, dân chúng có vẻ lo lắng nhưng không thái quá. Những chỗ ăn chơi vẫn đông như hội, kẻ có tiền vẫn vung qua cửa sổ mua lấy một nụ cười. Dường như họ cố tin rằng có một giải pháp trái độn, Mặt trận Giải phóng miền Nam sẽ có một khoảnh đất từ vĩ tuyến 14 trở ra, và tại vùng trái độn này sẽ theo đường lối trung lập. Có những người tỏ ra am tường hơn, và lập luận rằng Mỹ không thể nào bỏ được Việt Nam, nếu có bỏ cũng còn vài năm nữa, bằng một phương thức ôn hòa, nghĩa là sau cùng cả miền Nam sẽ trung lập trước khi bị xích hóa hoàn toàn. Có hàng trăm kiểu tin đồn, những tin đồn này làm điên đầu những kẻ muốn suy nghĩ, vì tin đồn nào cũng có một vài bằng cớ, một vài dấu hiệu đủ để bảo đảm cho những ai đa nghi nhất. Tôi được nghe hàng chục giải pháp, nào là Bảo Đại sẽ về nước, nào là đảo chánh để đưa thành phần thứ ba ra cầm quyền, rồi thì hàng chục nhân vật lăm le thành lập chính phủ.

    Các tay tổ hoạt động chính trị sa lông xoay như chong chóng, các chính khách tên tuổi ngược xuôi như đèn kéo quân. Về phía quân đội, một số tỉnh trưởng nổi danh tham nhũng, bất tài bị thuyên chuyển, các sĩ quan tương đối có khả năng chỉ huy được bổ nhiệm thay thế. Không phải vì tình thế đã làm sáng mắt các ông Tướng của miền Nam, nhưng thật ra những kẻ có tiền đã chạy được khỏi chỗ chết, tránh xa được những vùng lửa cháy, đạn bay. Đến bây giờ tôi mới thấy thấm thía cái hoạt cảnh của thời Chiến quốc: Quan liêm nên làm mà không nên làm, quan tham không nên làm mà nên làm của Ưu Mạnh, khi diễn tả cảnh con cái của ông quan liêm Tôn Thúc Ngao.

    Báo chí loan tin một Đại tá pháo binh trên đường rút lui về phía nam, thấy Nha Trang bỏ ngỏ hai ngày, mà chưa thấy một đơn vị Cộng Sản nào xuất hiện ngoài ngưỡng cửa thị xã. Quốc lộ 1 bi kẹt, ông Đại tá pháo binh này kéo quân vào Nha Trang, vãn hồi trật tự trong thành phố và tổ chức phòng thủ. Bây giờ tuyến đầu là Phan Rang, đây chính là nơi ông Thiệu ra đời, đây chính là nơi mà mọi tin đồn quy tụ vào chỗ giải pháp trái độn từ Phan Rang trở ra, lại cộng thêm với việc Nha Trang bỏ ngỏ hai ngày mà không có Cộng sản xuất hiện, cùng với việc ông Thiệu chỉ định Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn III (quân đoàn I, II đã giải tán, những phần đất còn lại của quân đoàn II sát nhập vào quân đoàn III) Cùng đi với tướng Nghi còn tướng Nguyễn văn Sang thuộc Không quân, Bộ Tư lệnh Tiền phương được đặt ở Phan Rang, quê hương bản quán của ông Thiệu. Những sự kiện này làm cho luận cứ của giải pháp trái độn chắc chắn hơn, nhiều người thở ra nhẹ nhõm. 

    *
    Ngày N + 22, 10 giờ sáng.

    Hôm nay mồng 9-4-75, báo chí đăng tin tình hình chiến sự đột nhiên sôi động ở vùng IV. Suốt một tháng nay, cơn bão lửa thổi theo chiều bắc nam, nó ngừng lại ở Phan Rang, dễ chừng cũng đã bốn ngày. Dường như gió đã xoay chiều, nên vì đó chiến sự ở đồng bằng sông Cửu có những biến chuyển mới. Ở vùng đất này, Cộng sản không tấn công đại đơn vị, cũng chưa chiếm hẳn một vùng đất nào, nhưng chúng xuất hiện quấy rối ở khắp nơi, những địa điểm giao tranh, chạm địch cỡ đại đội, tiểu đoàn trải rộng ra trên khắp vùng lục tỉnh. Trên trang nhất của các nhật báo, những thay đổi về chính trị của miền Nam chiếm nhiều cột lớn: ông Đại tướng Thủ tướng của miền Nam Trần Thiện Khiêm và nội các của ông giải tán, dân biểu Nguyễn Bá Cẩn, Chủ tịch Quốc hội thành lập nội các mới. Nếu sự thay đổi nhân sự này xẩy ra vài năm trước, đó là dấu hiệu tiến bộ của dân chủ. Thế nhưng nó xẩy ra giờ này, lúc nguy kịch nhất của miền Nam, lúc giao tranh thập tử nhất sinh, những nhân vật lãnh đạo cần sự am tường, hiểu biết về quân sự hơn lúc nào hết.

    Tôi nhớ tới một bài phiếm luận của Sức Mấy viết vài năm trước, khi dân biểu Nguyễn Bá Cẩn thay thế dân biểu Nguyễn Bá Lương làm Chủ tịch Quốc hội. Nguyên văn đoạn chót ông Sức Mấy viết tắt trong cái phim của ông: "B.C. mà thay B.L. thì cũng thế". Chỉ vài chữ ngắn ngủi đó ông Sức Mấy đã cho người đọc thấy cái nhân cách, cái khả năng của hai ông cựu và tân Chủ tịch Quốc hội, nói chi tới các dân biểu. Tôi nhớ tới những danh từ "dân biểu gia nô", "báo gia nô". Phải chăng những thứ "gia nô" này góp phần không nhỏ vào hoàn cảnh đất nước hiện tại. Các dân biểu trong quốc hội ngoài thành tích "buôn lịch cởi truồng", ngoài thành tích "không có đàn bà ai đẻ ra đàn ông", ngoài thành tích "tiếng chuông Thiên mụ, canh gà Thọ xương", và ngay cả những ông được gọi là dân biểu đối lập, đã có biết bao người "đối lập nằm vùng", "đối lập cuội". Họ đã giúp ông Thiệu trong mùa "ứng cử độc diễn" năm 71. Cách đây vài tháng, họ giúp ông Thiệu thông qua một tu chính hiến pháp cho ông Thiệu được ứng cử kỳ ba và nhiệm kỳ là năm năm. Bây giờ với "nhân cách" đó, với 'khả năng" đó, ông Nguyễn Bá Cẩn nhẩy vào tham chính, giữ vai trò nhân vật thực sự số hai của miền Nam.

    Ông vốn xuất thân là một công chức cao cấp, do sự gật đầu không thắc mắc với tất cả những gì các ông tướng, các ông tỉnh muốn, ông nhẩy vào quốc hội. Ở nhà hát lớn trong vài năm, gật lấy gật để, gật không thương tiếc, ông nhẩy vào vị trí "gia nô" hàng đầu. Bây giờ ông nhẩy ra đóng chơi vở kịch liều mình cứu chúa, để ông Đại tướng Thủ tướng yên tâm rũ áo từ quan, về nhà phụ vợ sửa soạn va li. Hạm đội Mỹ hiện đang lởn vởn ngoài khơi, ở trong nước, chợ đã về chiều, còn gì mà không thu thập của cải đi lập nghiệp phương xa cho chắc dạ.

    Bà Khiêm nổi tiếng là người buôn tần, bán tảo. Những món hàng bà bán đều không sờ được, chỉ gọi được có cái tên thôi, bà buôn bán lăng nhăng, dăm cái chức vụ tỉnh trưởng, quận trưởng, trưởng ty cảnh sát. Hàng của bà đâu có nhiều nhặn gì, bà đâu có đủ mặt hàng. Đã thế bà lại hay thăm viếng các quân nhân bị thương trong các quân y viện, những lúc thăm viếng như thế, bà sợ uy tín của chồng bị sứt mẻ, nếu ăn mặc luộm thuộm, nên bà có các chuyên viên làm tóc cẩn thận, phục sức kỹ lưỡng như các tài tử điện ảnh quốc tế, đeo nữ trang như các bà hoàng thuở xưa vì chồng bà làm... thủ tướng kia mà. Đâu có giản dị được. Có dạo bà phải bán đồng nát, đến độ bà mua được hết những cái vỏ đạn đại bác bằng đồng của cả quân đội, mua hết những dư liệu chiến tranh. Cái hồi bà buôn bán ở Long An, mấy thằng đàn em ông thủ tướng lăng xăng quá, dùng cả còi hụ của xe Quân cảnh mở đường, làm cho đàn em ông số một cáu quá, bắt lãng xẹt. Rồi để củng cố lại cái tinh thần thượng tôn luật pháp, một anh đại úy Quân cảnh và mấy thượng sĩ, trung sĩ cắc ké bị ra tòa, đi Côn đảo bóc mươi quyển lịch suy nghĩ chuyện đời. Bây giờ hàng họ của bà đã hết, đồng nát không còn, tình hình này miền Nam chắc chắn mất, đâu còn đánh nhau, đâu còn dư liệu chiến tranh để bà xuất cảng sang Nhật. Ông Thủ tướng từ quan là phải, ông đâu có tham quyền cố vị, ông muốn về nhà ở đâu đó bên Mỹ, bên Pháp gì đó, ở Thụy sĩ Thụy xiếc gì đó. Nước sắp hòa bình rồi, để cho ông Nguyễn Bá Cẩn lập nội các dân sự là phải rồi. Ông Thủ tướng Khiêm vốn là người thầm lặng, ông ở quân đội leo lên tới chức Đại tướng chẳng có tai tiếng gì, ông cũng không thích tuyên bố, cứ ngậm miệng làm việc, bây giờ đã đến lúc từ quan vui thú điền viên. Ông thật là người hiền, khi đất nước cần ông nhẩy ra gánh vác, khi đất nước yên, ông cáo lão trở về thơ thới, hân hoan. Miền Nam bất hạnh quá, có ít người tri túc như ông.

    Bỏ tờ báo xuống, tôi đứng dậy ra ngoài. Giữa trưa hè của miền Nam, tôi tưởng chừng đang lần mò trong đêm tối. 

    *
    Ngày N + 22, 5 giờ chiều

    Ghé thăm vợ chồng chú em bên cư xá ngân hàng thuộc xã Tân quy đông, Khánh hội. Đan, tên chú em tôi vốn là con ông chú áp út, chú tôi vào Nam từ những năm đầu 40, khi cha tôi di cư vào Nam chú thím tôi mất sớm. Cha tôi mang cả anh em Đan, Hòa về. Đằng nào thì nhà cũng đã nghèo từ lúc di cư vào Nam, thành thử tuy là em, nhưng lớn hơn tôi vài tuổi, lại ở trong nhà từ ngày còn niên thiếu nên tôi quen gọi bằng anh, hệt như các anh ruột tôi trong nhà.

    Đan kể cho tôi nghe về huyền thoại của một nữ bộ đội cấp Tiểu đoàn trưởng của Việt cộng miền Nam, chỉ còn có một vú vì hồi đánh Tây bị Pháp bắt, tra tấn đến nỗi mất một bên ngực. Dân chúng đồn đãi người đàn bà này đã chỉ huy một cánh quân chiếm đánh Lâm đồng. Cái mụ già một vú này đang đuổi đánh miền Nam cật lực. Tôi không lạ với những tin tức loại này, tôi càng không lạ với những huyền thoại mà cả hệ thống tuyên truyền Cộng sản đã thổi vào thôn quê, thành thị. Họ rỉ tai cho những người dân chất phác hiền lành, rồi một đồn mười, mười đồn trăm, có những tin đồn hệt như truyện thần thoại. Những Kim Đồng, Sáu Đậu trong chiến tranh Pháp Việt, những Nguyễn văn Trỗi của chiến tranh hiện tại, đều láo toét hết. Có thể có Kim Đồng, Sáu Đậu, Nguyễn văn Trỗi, nhưng truyện thực không xẩy ra như thế, tất cả đã được bóp méo, đôi khi dựng đứng hẳn thành một nhân vật đầy hào quang, đầy chính khí. Nghĩ xa hơn một chút, cái giặc Cộng sản đã nguy rồi, nhưng cái giặc dốt nát cũng nguy hiểm không kém. Cứ ôn cố tri tân thì thấy, nếu dân trí thời Hồ Quý Ly sáng suốt hơn, chắc giai đoạn lịch sử đó phải viết lại. Nếu đám sĩ phu Bắc hà dưới thời Quang Trung mà hết lòng với Tây Sơn, chưa chắc gì Gia Long đã quang phục nổi. Không nói đâu xa, bài học Tết Mậu thân năm 68, rồi mùa hè năm 72, Việt cộng pháo không thương tiếc vào dân chạy loạn ở Đại lộ kinh hoàng, những bài học đó đâu có xa xôi lâu lắc cho cam, nó nóng hôi hổi, có nhà còn chưa hết đại tang, thế mà những huyền thoại kiểu bà già một vú này vẫn được loan truyền, thì đủ hiểu giặc dốt đôi khi tệ hại hơn cả Cộng sản.

    Tôi không có hứng thú về những mẩu chuyện khởi đi không có thật, lại được loan truyền nhanh chóng bởi sự ngu muội nên sang nhà cô em út tôi cũng ở trong cư xá này. Nó chưa về, tôi không muốn về nhà. Tôi ghé một quán nhậu ở Cầu hàng, một cái quán nằm cạnh bờ sông. Kiếm một cái bàn sát ngay mé nước, gọi một chai bia cao, một đĩa đồ nhậu, tôi độc ẩm trong ánh nắng mỗi lúc mỗi tàn. Còn gì mà không độc ẩm, dăm thằng bạn thân, đang ngập mặt với thần chết, đang đánh chí tử ở tuyến đầu Phan Rang, Long Khánh, Bình Tuy, đang bị bỏ rơi dần dần trong những vùng đất chết.

    Đại úy Đàm Quang Thức Nhẩy dù, em cô cậu với tôi bỏ xác ở Khánh dương (Cả chục năm sau này, khi đã sang Mỹ tôi nhận được tin ở nhà cho biết Thức còn sống, phải đi tù), Đại đội Trinh sát của Thức đoạn hậu cho Lữ đoàn, dường như không một ai dưới sự chỉ huy của Thức về được Sài Gòn. Cô tôi khóc sưng cả mắt. Cháu ruột tôi y sĩ Đại úy Nguyễn Đức Mạnh cũng Nhẩy dù kẹt lại đâu đó ở Phan Rang. Y sĩ Trung úy Nguyễn Hồng Đức Biệt động quân, y sĩ Trung úy Vũ Dương Hoa Biệt động quân, y sĩ Trung Úy Nguyễn Mạnh Tiến Biệt động quân, cả ba bác sĩ này áng chừng mang nặng lời thề Hypocrate vừa tròn một năm, nên cũng như y sĩ Trung úy Huấn trong đơn vị tôi, và đã không một ai có mặt cạnh tôi giờ này. Nguyễn Hồng Đức, tên em nhỏ ngày nào trong cư xá, hăm hở từ biệt vợ có chửa, bụng vượt mặt lên đường ra Phan Rang. Tôi làm sao có thể bảo Đức nên ở nhà.

    Một người em khác, Cao Xuân Huy Trung úy Thủy quân Lục chiến, chưa hết thương tích đã chống gậy ra Quảng Trị cách đây hơn một tháng. Lữ đoàn của Huy tan tác ở vùng hỏa tuyến. Những bạn văn của tôi, ở rải rác đủ bốn vùng chiến thuật và những binh sĩ cũ của tôi ở các quân khu, những người bạn thiếu thời, những cô bạn gái cũ: Thu, Thanh, Sơn ở Sài Gòn đều đã yên bề gia thất trước tôi, Thanh Tài và Hường ở Ban Mê Thuột, rồi những hình bóng cũ ở khắp nơi tôi đã đi qua, cùng những người tôi yêu mến. Tôi cầu nguyện cho họ và những người thân yêu của họ qua được cơn địa chấn này. Tia nắng cuối cùng lấp lánh trên con nước, sông Sài Gòn đục ngầu và đầy phù sa, con nước buổi chiều được nắng nạm lên một mầu vàng bệnh hoạn. Dòng nước lấp lánh như hàng triệu những tấm gương nhỏ, phản chiếu lên trời những ký hiệu S.O.S. Những ký hiệu mà các tầu biển chỉ gửi đi vào giây phút cuối trước khi chìm dần.

    Tôi gọi nhà hàng một cút rượu đế, tôi rót rượu xuống lòng sông, gởi những men cay đắng này cho những người vừa nằm xuống ở khắp nơi trên giải đất khốn cùng này. Dẫu cho ngã xuống ở Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Pleiku, Ban Mê Thuột, Khánh dương. Dẫu có chìm trong lòng biển ở Tiên Sa, Tuy Hoà, Bình Tuy, Phan thiết. Dẫu nằm xuống trên bộ hay lịm dần trên tầu, ghe, xà lan, phải chăng tất cả đều nằm xuống cho miền đất này được kéo dài hơi thở. Họ nằm xuống những mong cơn địa chấn ngừng lại. Nhưng tôi biết chắc sẽ vô ích, cũng vô ích như cút rượu tôi đã rót xuống dòng nước này, sẽ mất tăm.

    Bên kia sông lác đác đã lên đèn, bóng tối phủ dần những con tầu chiến nằm im lìm trong bến. Những con tầu hàng đen đủi yếu ớt phun một lớp khói lướt đi trên mặt sông, khói tầu bị gió thổi ngã rạp trên boong. Vài chiếc đò ngang đang đi những chuyến chót. Trời tối hơn nữa, làm nhà hàng Majestic nổi bật lên. Chính cái bến đó: hai mươi năm trước, tôi một học sinh năm đầu trung học, từ thành phố nhỏ Hải dương ngoài Bắc đặt chân xuống bến tầu, đặt chân xuống miền Nam, vào một buổi trưa giữa tháng 3-1955, đã ăn bữa cơm đầu ở miền Nam, ăn một món ăn xa lạ với người Bắc là thịt kho với trứng. Đã hai mươi năm qua, tôi đã hàng ngàn lần ăn lại món ăn này. Cậu bé ngơ ngác ngày xưa, kinh ngạc khi thấy người ta xé đôi tờ giấy một đồng thành hai cái năm cắc. Đã phì cười khi thấy người ta gọi xe ngựa là xe thổ mộ, gọi bao diêm là cái hộp quẹt, gọi cái tẩy là cục gôm, gọi cái thìa là cái muỗng v.v... Ôi chao bao nhiêu là thích thú, ngạc nhiên, buồn cười. Hai mươi năm qua đi, cái hộp quẹt dần dần trở thành diêm quẹt, thìa, muỗng, chén, bát, tô gọi làm sao cũng không còn buồn cười nữa. Chơi bi cũng thế, bắn đạn cũng vậy, cậu bé ngày xưa không bao giờ nghĩ đến việc kẻ Bắc, người Nam.

    Tất nhiên sự phân biệt này vẫn có trong đầu óc của các người lớn tuổi. Dường như tôi đã thoải mái hơn khi làm quen với phụ nữ miền Nam. Các phụ nữ Bắc, phụ nữ Trung có những nét đáng yêu riêng của họ, song tôi yêu vô vàn cái hồn hậu, tự nhiên của phụ nữ miền Nam. Họ ít có mặc cảm giầu, nghèo, thành kiến Nam Bắc, cho dù họ là cô Lài, cô Lý, cô Năm, cô Ba ở các vườn tược trù phú của miền Nam, trên các ghe thuyền chi chít của Lục lỉnh, hay họ là Jacqueline Phấn, Cécile Trang, Marie Hoài của Sài Gòn, Cần Thơ, Sa đéc, họ vẫn có chung một đặc tính là cởi mở, ân cần với người phương xa. Xin đừng một ai hiểu lầm sự ân cần, cởi mở này là dấu hiệu của buông thả, dễ dãi.

    Chính nơi đây, băng qua con nước này, dưới chân nhà hàng Majestic, tôi bước những bước đầu tiên trên miền Nam, tôi đã dàn trải cả quãng đời thiếu niên, cái thời học sinh trung học ở thành phố Hòn ngọc Viễn đông này. Tôi đã lớn lên, đã chống đỡ cho sự thay đổi của bộ mặt thủ đô, cả cái xấu lẫn cái tốt trong mười hai năm đằng đẵng. Tất cả rồi sẽ qua đi, tất cả rồi sẽ ngừng lại, tất cả rồi sẽ đổ vỡ.

    Hỡi những ai vừa nằm xuống, xin nhận những giọt rượu tôi rót xuống bến sông này cùng với trái tim tôi, mà nhịp đập không còn theo cung bậc cũ.

    Ngang qua một ngõ nhỏ, một em bé mặt mũi lem luốc mời gọi khách qua đường. Tôi còn biết làm gì hơn là tặc lưỡi lần theo ngõ tối.
    *
    Ngày N + 25, 1 giờ trưa

    Mặt trận Xuân Lộc, Long Khánh đã khai diễn được bốn ngày, trên ba trận tuyến bao vây ba mặt tỉnh lỵ Long Khánh. Cộng quân nhẩy vọt qua tuyến đầu Phan Rang, nơi tướng Nghi, tướng Sang lập phòng tuyến mới của miền Nam. Những người tin vào giải pháp trái độn cuống cuồng lo sợ, những người có địa vị một chút, những người có máu mặt một chút, những người giầu sổi nhờ chiến tranh, những người sống bám vào những dịch vụ liên hệ tới quân đội đồng minh giống như những loài ký sinh trùng trong cơ thể con người, cũng như cả Sài Gòn chìm trong những ý nghĩ bỏ chạy, chủ bại. Tiền sụt giá kinh hoàng, vàng và đô la Mỹ leo thang như hỏa tiễn. 

    *
    Ngày N + 26, 9 giờ sáng

    Tướng Kỳ viếng thăm Tư lệnh quân đoàn III của tướng Toàn, ông Kỳ tuyên bố nhiều câu nẩy lửa với các phóng viên báo chí tháp tùng chuyến thăm viếng này. Ông tuyên bố sẽ biến Sài Gòn thành một Stalingrad, và sẽ dùng vùng IV như một cứ điểm chống cự cuối cùng của miền Nam, và sẽ chiến đấu đến người chót. Đây là ông tướng đa diện nhất của miền Nam, xung quanh ông có đủ các loại người. Từ những chuyên gia chính trị, đến những ông thầy bói, thầy tướng, có cả những thủ lãnh sinh viên xuống đường.

    Xuất thân là một phi công vận tải, những tình cờ của lịch sử đẩy ông Kỳ vào những vị trí then chốt của miền Nam. Năm 1963, khi ông Diệm bị lật đổ, ông còn là Trung tá, năm 1966 ông thăng Thiếu tướng, đùng một cái ông là Thủ tướng. Nội các của ông được mệnh danh là nội các của dân nghèo. Ông lập pháp trường cát, bắn chơi một anh lái gạo. Ông sang thăm Đài loan, nằng nặc đòi bay biểu diễn phi cơ phản lực, làm nước bạn sợ toát mồ hôi, ông sang thăm Thái lan, được các sinh viên của nước bạn làm hàng rào danh dự thẩy confetti hoan hô, ông liệng confetti trở lại các nữ sinh viên. Ông nhường ông Thiệu ứng cử Tổng thống, ông làm phó. Rồi ông phát phẫn khi bị ngồi chơi xơi nước.

    Năm 1971, ông Kỳ định ứng cử tổng thống, hôm đi nạp đơn ứng cử tại quốc hội, ông kéo một phái đoàn nghênh ngang xuống đường y như đi tiến chiếm quốc hội. Dịp này ông đi một vòng bốn vùng chiến thuật vận động ứng cử. Tại Pleiku, trong một buổi nói chuyện với tất cả các đơn vị trưởng, ông nói với những người hiện diện: "Tôi đã trình bầy với ông Thiệu là nước mình đang ở trong tình trạng chiến tranh, cần phải tiết kiệm, Tổng thống Thiệu và tôi sẽ làm gương trước cho mọi người, ăn một ngày hai bữa cơm rau. Chỉ mười phút sau, một Đại tá thuộc Sư đoàn 6 Không quân mời ông vào phi trường Cù Hanh dự tiệc. Ở đó người ta mở sâm banh, mạc ten hàng chục két, người ta vật dê, mổ bò, bữa ăn trân quý đầy sơn hào hải vị. Ông Kỳ nổi tiếng về lời tuyên bố. "Trên ba mươi lăm tuổi là vất đi", không biết năm nay ông Kỳ bao nhiêu tuổi? Và tôi ngờ cho cái sự hiểu biết của bất cứ ai gần gũi ông Kỳ, nhất là những người định làm chuyện lớn với ông Kỳ, định đảo chánh, định cách mạng, định tử chiến. 

    *
    Ngày N + 26, 3 giờ chiều

    Chính phủ Lon Nol của nước bạn Kampuchia chỉ còn kiểm soát được vùng đất duy nhất là thủ đô Nam Vang. Khmer đỏ hiện đang vây cứ điểm cuối cùng này. Kiều dân Mỹ ở đây đã di tản hết, thay vào đó là một đơn vị Thủy quân Lục chiến, tăng cường an ninh cho toà đại sứ Mỹ ở Nam Vang. 

    *


    Ngày N + 28, 10 giờ sáng

    Áp lực của Cộng sản tại mặt trận Xuân lộc, Long Khánh ngày càng mạnh, Sư đoàn 18 Bộ binh, trực diện với ba sư đoàn địch, và đã chận được cái đà vũ bão của Bắc quân. Hiện tượng hệt như một ngọn đèn cạn dầu bừng lên phút chót trước khi tắt. Sư đoàn 18 chẳng những là một sư đoàn thành lập chưa lâu, lại do tướng Lê Minh Đảo chỉ huy, một tướng rất trẻ của miền Nam, chuyên giữ những chức vụ tham mưu và hành chánh, trước khi được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn, Sư đoàn 18 đã rửa mặt cho quân lực miền Nam. Cộng sản với ba sư đoàn chính quy, không kể bọn địa phương, được tăng cường thiết giáp và đại pháo tới mức tối đa, đã tưởng sẽ quét Long Khánh trong một ngày, một giờ, nhưng đã khựng lại ở đó suốt một tuần lễ. Các đơn vị tác chiến của Sư đoàn 18, một chống ba, bốn, năm, có chỗ một chống mười. Trận chiến càng kéo dài, sức chống trả càng mãnh liệt. Sư đoàn 18 làm cho bọn phóng viên ngoại quốc vốn thiên vị phải sững sờ kinh ngạc. Những người lính Bộ binh của miền Nam không còn đất để lùi. Họ đứng lại, tựa lưng vào nhau, tựa lưng vào các thân cây trong rừng cao su, giữ từng tấc đất, giữ từng ngôi nhà, từng nấm mộ còn sót lại của miền Nam. Sư đoàn 18 không biết còn chống trả được bao lâu khi vũ khí, đạn dược và binh sĩ đều không còn để bổ sung và thay thế. 

    *
    Ngày N + 29

    Khmer đỏ pháo không thương tiếc vào Nam Vang. Nhân viên Tòa đại sứ Mỹ ở đây đã di tản từ ba ngày trước. Diễn biến này cho người ta thấy rõ hơn bộ mặt thật của các đại cường, và bẽ bàng cho những quốc gia nhược tiểu. Lon Nol, Tổng thống được đặt lên bởi người Mỹ, được sự hỗ trợ của Nam Việt Nam đã được Mỹ bốc đi, với một số những nhân vật hàng đầu của Nam Vang. Nhân vật số hai của Nam Vang, Thủ tướng Sirik Matak, khi được Tòa đại sứ Mỹ mời lên trực thăng di tản đã từ chối, dẫu biết rằng hành động đó giúp ông có một sợi dây treo trên cổ. Ông làm cho cả thế giới bàng hoàng, ông gửi lởi cảm ơn nước Mỹ, cảm ơn Đại sứ Mỹ bằng những lời chua chát, đắng cay. Những lời nói này biểu hiện đúng mức nhất vị trí của những người yêu nước thật sự, trong những quốc gia đang bị giằng co bởi những ảnh hưởng quốc tế. Ông trả lời cho Gunther Dan, Đại sứ Mỹ ở Nam Vang bằng một lá thư, cũng nên nhắc lại nguyên văn phần chính lá thư này:

    "...Tôi chân thành cảm tạ ông Đại sứ đã ngỏ ý giúp tôi đi tìm tự do. Tiếc rằng tôi không thể ra đi một cách hèn nhát như vậy. Đối với ngài, và đối với quốc gia vĩ đại mà ngài đại diện, tôi chưa hề nghĩ quí vị có ý tưởng bỏ rơi một dân tộc biết lựa chọn tự do. Quý vị khước từ bảo vệ chúng tôi, chúng tôi không thể làm gì khác hơn trước điều ấy. Ngài ra đi, chúng tôi chúc ngài và quý quốc mọi điều hạnh phúc dưới vòm trời.

    Hãy nhớ rõ nếu tôi chết tại đây, tại xứ sở yêu dấu của tôi thì đó là một điều tồi tệ. Tôi đã mắc phải lỗi lầm, chỉ vì tôi đã tin ở người Mỹ. Xin ngài nhận nơi đây cảm nghĩ thân hữu và rất chân thành của tôi..." 

    *

    Ngày N + 31, 3 giờ chiều

    Mặt trận Phan Rang vỡ từ đêm hôm trước. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi Tư lệnh mặt trận, Tướng Nguyễn văn Sang Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân và một Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Nhẩy Dù bị bắt sống. Cộng quân tràn qua phòng tuyến này ào đến tăng cường cho mặt trận Bình Tuy - Long Khánh, nơi những người lính của Sư đoàn 18 Bộ binh đang tả xung hữu đột với quân số đông gấp bốn lần của Cộng quân. Khắp miền Nam rúng động.

    Cả Sài Gòn hốt hoảng, điên cuồng. Lác đác những biểu ngữ hoan hô chiến thắng của Sư đoàn 18 Bộ binh đã bị tháo xuống, vài nơi người ta treo lên những khẩu hiệu mới lửng lơ dễ giải thích như:

    "Chỉ có hòa hợp, hòa giải dân tộc mới giải quyết được chiến tranh." 

    *
    Ngày N + 31, 5 giờ chiều

    Sau cùng Nam Vang cũng đổ xuống, Khmer đỏ hoàn toàn làm chủ Kampuchia, Thủ tướng Sirik Matak bình tĩnh nạp mạng, thản nhiên đi thụ nhận sợi dây thừng Cộng sản dành cho ông. 

    *

    Ngày N + 31, 6 giờ chiều

    Tướng Kỳ lại nói chuyện ở nhà thờ Tân Sa Châu, trước một cử tọa đông đảo, phần lớn là những giáo dân ngoài Bắc di cư vào Nam năm 54. Ông Kỳ trấn an mọi người bằng luận cứ: "Chạy đi Mỹ làm gì, ở đó đâu có cà pháo, mắm tôm. Uống sữa tươi không tốt, bị té re hoài." Ông quả quyết sẽ ở lại chiến đấu, cùng lắm là chết dưới tay người anh em bên kia. Ông cũng nói là ông đã đi quan sát vùng IV, đã nói chuyện với tướng Nguyễn Khoa Nam Tư lệnh vùng này. Ông nói mập mờ là sẽ nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử, dường như ông muốn thay ông Thiệu lãnh đạo trận chiến cuối cùng này. 

    *
    Ngày N + 32, 9 giờ 00 sáng

    Một phản lực cơ của Không quân Việt Nam oanh tạc Dinh độc lập. Đài phát thanh của Mặt trận Giải phóng miền Nam rêu rao là binh sĩ miền Nam đã vùng lên chống Thiệu và bè lũ tay sai.

    Buổi tối đài phát thanh Sài Gòn cho biết tin đích xác, đó là Đại úy Nguyễn Thành Trung, người được Việt cộng móc nối đã tiếp tay với Cộng sản, dùng một chiếc A37 của Không quân Việt Nam bỏ sót lại tại phi trường Phan Rang, bay về oanh kích dinh Tổng thống. Cánh trái của dinh bị một trái bom hư hại nhẹ, nhưng gia đình ông Thiệu không một ai hề hấn gì. Bà Thiệu đang ở Luân Đôn mua bán đồ cổ, các con ông Thiệu hiện đang ở Âu châu, chỉ còn mình ông Thiệu hiện diện trong cái dinh cơ lớn nhất của miền Nam. Giờ đó muốn diệt ông Thiệu thì phải cần hai chục trái bom, phải cần mười chiếc bay hàng ngang thả cùng một lúc mười, hai mươi trái bom đánh sập cả cái dinh cơ đồ sộ. Một chiếc A37 thả hai trái bom nhỏ xíu đó thì nhằm nhò gì. 

    *

    Ngày N + 32, 10 giờ sáng

    Sài Gòn mỗi lúc một giống Nam Vang. Các trục lộ chính dẫn đi các tỉnh đều bị địch quân quấy phá. Giao tranh lẻ tẻ xảy ra ở Biên Hoà, Long thành, Long An, Củ chi, vòng vây mỗi lúc mỗi chật lại. Tin tức ở Nam Vang qua đài phát thanh BBC kinh hoàng hơn những truyện thần thoại của Dante viết về địa ngục. Tối nay tôi ngủ ở nhà một người bạn ở đầu đường Phan Thanh Giản, gần cầu xa lộ Biên Hoà. Ngôi nhà ba tầng này có một thời đã là nơi tụ họp cuối tuần của vài chục người, tuổi từ hai mươi tới ba mươi. Chúng tôi học tập ở đây, hội thảo ở đây, vẽ những ước mơ tương lai khi hòa bình trở lại. Chúng tôi chống giữ miền Nam tận tình.

    Những anh em tôi đã chết rải rác từ Cổ thành Quảng Trị tới một cánh đồng heo hút ở Cao miên, từ cao nguyên Trung phần, tới miền đồng bằng duyên hải. Máu của anh em tôi đã đổ xuống phần đất này, đã thấm vào những mạch đất ở đây, dẫu biết rằng chết cho một chính nghĩa không trọn vẹn, bởi miền Nam mỗi lúc mỗi ung thối, mỗi lúc sa chân sâu hơn trong vũng lầy tồi tệ. Làm sao tôi quên được Hùng đã chết ở Quảng Trị, chết cùng một lúc với dân chúng ở thị xã này, vì bị bao vây lâu ngày thiếu lương thực và món ăn hàng đêm là đại pháo của Bắc quân. Chết vào lúc trên trang nhất của các báo đăng hình ảnh đám cưới con gái ông Thiệu, cô dâu phải bắc một cái ghế leo lên để cắt cái bánh cưới cao hai thước rưỡi. Cảnh đã chết ở Cao miên, chết tức tưởi trên một cánh đồng hiu quạnh, trong khi ở Sài Gòn, ông Thiệu độc cử, ông Kỳ dọa đảo chánh, ông Minh đang chơi lan, và chung quanh đó những kẻ đón gió trở cờ xun xoe vâng dạ. Còn nhiều cảnh đời cay đắng thê lương hơn, nhưng chúng tôi vẫn tin vào tuổi trẻ của chúng tôi, vẫn tựa lưng vào nhau chiến đấu cho miền Nam, bởi tương lai không phải cứ chờ thời gian là có. Phải chiến đấu, phải lo kiến thiết cũng như muốn hòa bình phải sửa soạn chiến tranh.

    Chính tại căn nhà này, anh em chúng tôi tụ họp quây quần, ra đi khắp bốn phương rồi lại trở về từ bốn phương. Mỗi tháng một đôi lần, anh em chúng tôi ngồi lại, có những người trận mạc ở xa như Cao Xuân Huy một năm có mặt đôi lần. Từ khi phải đổi lên vùng II, tôi cũng chỉ có mặt bất thường mỗi khi được về phép. Chính nơi đây chúng tôi bàn bạc, hoạch định, vẽ những mơ ước chờ bầu trời xanh trở lại. Những năm sau cùng, các buổi họp mỗi ngày mỗi vắng vẻ quạnh quẽ đi, trận chiến mỗi lúc mỗi khốc liệt, chúng tôi chiến đấu cho tương lai của miền Nam, và cay đắng chấp nhận hiện tại của miền Nam. Chính nơi đây khi Cảnh chết, trong không khí tưởng niệm trăm ngày, Văn hát cho anh em nghe một bài thơ phổ nhạc, kết bằng bốn câu: 

    Anh em chiêu hồn người vì nước
    Ra đi không về muôn đời sau
    Ngàn năm bóng xế với tiếng ca kinh cầu
    Cùng thương xót bóng anh về trời
    (Thơ và nhạc Chu Đắc Văn)

    Và cũng chính Chu Đắc Văn hát cho anh em nghe một bản khác, có một đoạn: 

    ...Ngày anh đi ánh trăng rời suốt đời hiu hắt
    Từ hôm nay những cánh tay bỗng xuôi ngàn năm
    Lời ca tôi xin là nơi tiếc thương mà thôi
    Biết bao giờ thôi, biết bao giờ nguôi u hoài
    Từ khi anh chết chim đã bay về trời
    Vừng mây kéo lê nỗi buồn kiếp nào thôi
    Thời gian ngóng trông xa hoài như ngày mai
    Tiếng người khóc
    Chìm theo bao ước mơ tuổi thơ đằm thắm
    Còn đâu ánh hương nồng bây giờ đã tan
    Như lòng thương nhớ cũng xa vô ngần
    Ngày anh đi đến phương trời, nơi chiều biên giới
    Ngày anh đi đến phương trời máu khô quê người ...


    Cũng chính nơi đây, trong một dịp khác, khóc một người anh em trẻ tuổi vừa tròn mười tám, chết đâu đó mất xác trong rặng Trường Sơn, Văn đã làm một bài nhạc khác: "Một bài ca cho người lính nhỏ". Tôi không thích bài hát này lắm, bởi cái không khí hơi phản chiến của nó. Nhưng làm sao có thể tránh những rung cảm nghệ sĩ, khi hiện tại đen tối như thế, khi người chết chẳng những là một chiến hữu, còn là người thân, còn có chung một chút huyết thống, dẫu không phải là anh em ruột, nhưng chia xẻ với nhau cay đắng ngọt bùi, thở với nhau một bầu khí oi nồng, sặc mùi tử khí. Vả lại, những điều Văn viết ra tuy có hơi phản chiến, nhưng cũng khó có thể trách anh, vì thật sự chúng ta có những người lính quá trẻ, chết khi mà bản thân chưa hề biết đến thân thể đàn bà, còn nói chi tới quốc gia, dân tộc, tự do, no ấm... Tuy không thích nhưng tôi vẫn nhớ lời ca này, nó gợi lên những tình cảm riêng tư của chúng tôi với một người anh em chưa kịp biết yêu người khác phái: 

    Con tôi người lính nhỏ
    Môi khô và mắt đỏ
    Tình yêu tổ quốc ngây thơ
    Em tôi người lính nhỏ
    Vác súng còn hững hờ
    Nửa đêm buồn bắn vu vơ
    Con thương mẹ muốn về
    Em thương chị muốn về
    Kẻo không người khóc dầm dề
    Không không mẹ khóc rồi
    Không không chị khóc rồi
    Mẹ khóc chị khóc sớm tối
    Mái tóc bạc không ngờ
    Đôi mắt mẹ phai mờ
    Chờ con dù chết xuống mồ
    Thương con còn thương hoài
    Nhớ mãi và nhớ hoài
    Tình yêu mẹ lúc chào đời
    (Nhạc và thơ Chu Đắc Văn)

    Hôm nay, ngày 19-4-75, trên cái sân thượng căn nhà cũ, căn nhà chúng tôi đã vẽ biết bao nhiêu mơ ước cho cuộc đời mở cửa ở tương lai. Chúng tôi đề nghị ưu tiên cho ngành sư phạm, các em chúng tôi hễ xong tú tài ưu tiên thi ngành sư phạm, dẫu nghề giáo mỗi ngày mỗi mạt, nhưng chúng tôi cần những ông thầy. Chẳng những chỉ dậy chữ nghĩa, tính, toán, văn chương, khoa học, còn phải dậy cho học trò mình cái lòng yêu quê hương, do tổ tiên truyền lại. Chẳng phải chúng tôi đã đồng ý chấp nhận cái cay đắng, nghiệt ngã của hiện tại để mơ ước tới một tương lai hay sao? Các lớp người lãnh đạo ù lì, tay sai tôi tớ ngoại nhân nay đâu có sống lâu như ông Bành tổ được. Sẽ có lúc xuất hiện một lớp người mới, xây dựng lại những đổ vỡ này khi chiến cuộc tàn.

    Đêm nay, cái sân thượng đột nhiên rộng mênh mông, tôi và anh bạn đứng nhìn bầu trời lấp lánh những vì sao, trăng của tháng tư sáng một mầu sữa, huyền hoặc. Dưới bóng trăng, nương theo cơn gió nhẹ, tôi gửi lời cầu nguyện cho những Nguyễn Thế Tuấn, Chu Đắc Văn, Nguyễn Hồng Đức, Vũ Dương Hoa, Cao xuân Huy, Nguyễn Tự Lập, Trần Ngọc Nguyên, Nguyễn văn Tầm, Nguyễn Mạnh Tiến... Tôi cầu nguyện cho những người anh em ở Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Cần thơ và ngay cả Sài Gòn này giữ được hơi thở trong trang lịch sử đen tối nhất của dân Việt. 

    Nhà xuất bản Văn Nghệ, California, 1988, bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả

    http://www.talawas.org


    Không có nhận xét nào