Phần 7
Ngày N + 15, 6 giờ 30 phút
Điệp đánh thức tôi dậy. Tôi không ngờ đã ngủ một giấc dài như vậy.
"Anh Ba, sắp tới Nha Trang rồi."
Dưới ánh nắng chiều thoi thóp, làm như tôi nhìn thấy một thành phố không sức sống. Dường như đây chỉ là điều tôi cảm thấy. Ghe còn cách bến ba, bốn cây số. Dù cho không thể thấy rõ những sinh hoạt của con người, nhưng cũng phải thấy hoạt động máy móc, xe cộ, tầu bè. Ghe chạy ngang qua một hòn đảo nhỏ cách bờ chừng hai cây số, lướt qua vài chiếc ghe neo ngay một chỗ khuất của đảo, người ta đang ào xuống ghe. Đây chắc hẳn là dân Nha Trang chạy loạn. Không biết những bằng hữu của tôi ở Nha Trang giờ này đang làm gì. Vợ con tôi đang làm gì. Hai ngày trôi qua, chiến tuyến đã lui được một khoảng cách từ Qui Nhơn tới Nha Trang. Tôi nói Điệp mời anh Quới xuống đây nói chuyện với anh. Quới nhường tay lái cho một người khác tiến đến chỗ tôi ngồi.
"Anh cho tới Cầu Đá. Trước khi xuống ghe tôi sẽ đưa tiền cho anh."
"Thầy Hai có bao nhiêu tiền mặt?"
"Tôi có khoảng năm chục ngàn. Nhưng không thể đưa hết cho anh được. Phải giữ lại cho mấy người này mỗi người vài ba ngàn."
"Tôi cũng biết vậy, cái đồng hồ của thầy Hai trị giá bao nhiêu?"
"Hồi nãy tôi nói với anh hơn một trăm ngàn, nhưng thật ra có tám chục ngàn thôi. Tôi không muốn nói dối anh nữa, anh đã giúp tôi thoát chết, ít nhất là thoát bị bắt. Tôi cảm ơn anh vô cùng".
"Nhà thầy Hai có ở đây không?"
"Nhà tôi ở Sài Gòn, vợ tôi vô Nha Trang trước tôi vài ngày, không biết đã đi Sài Gòn chưa. Anh theo tôi về, nếu gặp vợ tôi, tôi sẽ giao đủ số tiền cho anh."
"Thầy Hai để tôi nói chuyện với mấy anh em tôi đã."
Trong lúc Quới nói chuyện với mấy người khác trên ghe, tôi bảo Điệp:
"Chú chia cho mỗi người hai, ba ngàn. Phần của anh, chú giữ luôn, còn lại giao cả cho anh Quới. Cái đồng hồ của anh đây, chú đưa luôn cho anh ấy."
"Đù mẹ nó cắt cổ mình đó anh Ba. Giá xe đò chừng bốn trăm lấy gấp mười cũng là quá rồi."
"Kệ nó, nếu không có ghe chắc giờ này mình như ông Kiệm rồi em. Hoặc có thể mình cũng như Phúc rồi. Giữ được mạng về tới đây là khá lắm rồi."
Chập sau Quới trở lại:
"Hồi tôi ra giá sao thầy Hai không trả giá?"
"Anh chịu đi là quá tốt rồi còn trả giá gì nữa."
"Bây giờ thầy Hai đưa tôi nửa tiền, nghĩa là hai mươi lăm ngàn thôi, và chiếc đồng hồ. Lấy hết tiền mặt, mà cô đi Sài Gòn rồi thì thầy Hai và mấy ông đây không xoay trở được. Chỉ lấy cái đồng hồ thôi thì tôi không có tiền mua dầu gasoil."
Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao Y Uyên yêu Tuy Hoà đến thế. Và tại sao Tuy Hoà có tên đường Tản Đà và pho tượng nhỏ của Y Uyên. Tôi quay lại nói với Điệp:
"Chú còn đợi gì mà không trả tiền cho anh Quới. Thôi tụi tôi cám ơn anh Quới với các anh em trên ghe."
"Thầy Hai với mấy ông đi may mắn nghe."
*
Ngày N + 15, 6 giờ 45 phút
Cầu Đá thật giống như một bến đò bỏ hoang, trông tiều tụy đến độ như ở đây chưa có tiếng súng mà trận đánh đã tàn. Không một nhà mở cửa, không một quán bán buôn. Tôi hỏi Điệp và mấy người lính trong đơn vị.
"Bây giờ các chú muốn đi đâu?"
"Tụi em có người quen ở đây, thôi tụi em tự lo liệu lấy."
"Em phải vào trại tị nạn Cộng sản tìm gia đình ở đó rồi dẫn vào Sài Gòn."
"Hẹn gặp các chú ở Sài Gòn."
Tôi đón được chiếc Honda ôm, về tới nhà ông bác của vợ tôi đã tám giờ tối. Cả nhà còn đủ cả. Vợ tôi đã vào phi trường hai hôm trước, một người bạn bên Không quân giúp đỡ có danh sách trên chuyến bay quân sự, nhưng đúng lúc đó một số lính của sư đoàn 23 sau khi thất trận ở Ban Mê Thuột tràn về, phi trường tạm đóng cửa một ngày, sau đó chuyến bay bị hủy bỏ.
Gia đình ông bác đã vào Sài Gòn cả tháng trước, căn nhà rộng thênh thang, đầy đủ tiện nghi. Ngoài lý do chuyến bay bị bỏ, vợ tôi cũng muốn nấn ná thêm vài ngày chờ tin tức của tôi. Chỗ tôi tạm trú gần phi trường, suốt đêm tiếng máy bay lên xuống vần vũ. Tôi ngồi dậy, lên lầu mở cửa sổ nhìn về phi trường. Vợ tôi lên theo, chúng tôi ngồi bên nhau nói với nhau những câu ngắn, bâng quơ. Giọng vợ tôi đầy lo sợ:
"Anh à, trưa nay em vào Đồn Quân cảnh Nha Trang, em thấy trống trơn."
"Em có gặp ông Trung tá Kha hay Đại úy Vũ không?"
"Không. Cửa đồn mở toang hoang, còn vài người lính, có một chú hồi đó làm việc với anh ở Pleiku, chú đó có biết em, em quên tên chú đó rồi. Chú nói Tiểu đoàn 2 Quân cảnh cũng đã di tản sáng nay."
"Sao em không đi xe đò hay máy bay dân sự vào Sài Gòn trước. Bây giờ tình hình quá khó."
"Má muốn mua vé chợ đen, bao nhiêu má cũng mua nhưng không kiếm được chỗ bán. Còn xe đò thì chật như nêm. Nói thật em cũng muốn nấn ná chờ anh."
Trong bóng tối, tôi xiết chặt tay vợ tôi. Tôi hiểu vợ tôi yêu tôi và chỉ lo cho tôi, do đó chẳng biết gì về những khó khăn cấp kỳ đang chụp xuống đầu mọi người. Tôi lờ mờ thấy cái định mệnh khắc nghiệt sắp chụp xuống đầu chúng tôi.
"Mấy ngày nay em có tới thăm anh Trương Hồng Sơn bạn anh không?"
"Em đâu có biết nhà anh Sơn. Có lẽ giờ này anh chị ấy cũng đã đi Sài Gòn rồi."
"Em có đến thăm vợ chồng anh Há không?"
"Há nào? Anh nhiều bạn quá, có người em còn không biết tên nữa làm sao biết nhà?"
"Sáng mai anh đến kiếm anh Sơn, nếu Sơn không còn ở đây anh sẽ đi thuê thuyền. Thôi đi ngủ."
*
Ngày N + 16, 7 giờ sáng
Tỉnh dậy, bước ra cửa sổ nhìn xuống đường, tôi biết lại có thêm một thành phố nữa đang dẫy chết. Điều kỳ lạ là mỗi thành phố chết một cách khác nhau. Pleiku như một mãnh hổ bị lao, Phú bổn như một con nai trúng đạn, Qui Nhơn là một con gấu bị dồn tới đường cùng, gầm gừ một hồi rồi cũng sập bẫy, Tuy Hoà giống như một con cá lớn đã lọt vó, bốn góc nước cứ cạn dần rồi trơ trên nền vải thưa. Bây giờ là Nha Trang. Nha Trang như là một thành phố chết bởi bệnh dịch. Sáng nay những người Nha Trang lũ lượt, buồn thảm, bồng bế, gồng gánh xuôi Nam. Họ khóc tức tưởi, không kêu gào, không than vãn. Những dòng nước mắt chảy lặng lẽ trên những gò má hốc hác vì lo lắng, không ăn, thiếu ngủ. Họ là những người chạy bệnh dịch, bệnh thời khí của vài chục năm, trăm năm trước, khi mà nền y khoa thô sơ chưa hiểu rõ cách ngăn ngừa sự truyền nhiễm. Thật là cảnh tượng thê thảm não lòng. Tôi đóng cửa sổ bỏ vào trong đánh răng rửa mặt. Bước xuống nhà dưới, tôi dặn má và vợ tôi:
"Má với em sửa soạn, con đến nhà người bạn xem anh ta có giúp gì được không. Nếu không thì dù có phải lội bộ như mọi người chắc cũng phải đi."
*
Ngày N + 16, 7 giờ 30 sáng
Trương Hồng Sơn đón tôi ngay ngưỡng cửa. Chúng tôi đều ngạc nhiên lẫn cho nhau tại sao còn ở chốn này. Sơn kéo tôi vào nhà, ngồi chưa yên Sơn đã hỏi tôi dồn dập:
"Ông ở đâu mà mò tới đây lúc này?"
"Tôi ở Qui Nhơn vào."
"Sao lại Qui Nhơn? Tôi nghe ông ở Đà Lạt mà?"
"Tôi dời Đà Lạt, đổi về Pleiku lần thứ ba, ngồi chơi sơi nước được hai tháng, kế đó là chạy Liên tỉnh lộ 7. Sau đó nhận công điện ra chỉ huy ở Trại giam Qui Nhơn."
"Giờ này mà còn ham làm Chỉ huy trưởng Trại tù. Bố khỉ. Bỏ quách hết chứ. Phải lo cái mạng, nhất là cái mạng của ông. Tôi không ngờ tới giờ này mà ông tối dạ đến thế."
"Tôi sáng hơn bất cứ lúc nào, tôi nhận ra Qui Nhơn để đưa vợ con tôi chạy. Ngay cả không có vợ con tôi ở đó tôi cũng ra, ông Thanh bị Việt cộng bắt khi đi phép ở Ban Mê Thuột, bỏ đơn vị hơn một tháng nay rồi không có ai coi. Tôi đã làm hết sức tôi có thể làm."
"Còn bà ấy với hai đứa nhỏ đâu?"
"Ở Nha Trang được bốn ngày nay, tôi ra tới Qui Nhơn, việc đầu tiên là đưa vợ con lính, vợ con tôi vào Nha Trang. Mãi hôm qua đơn vị tôi mới chạy, bị đánh tan ở Tuy Hoà. Cả ba đơn vị về còn được tám mống. Tám mống kể cả tôi."
"Như vậy là ông bị đụng nặng rồi. Anh em chết nhiều không? Còn có tám mống thì chắc là bi đát lắm."
"Chết vài ba người, nhưng có lẽ bị bắt sống trọn gói."
Tôi kể vắn tắt cho Sơn biết qua cảnh chạy Liên tỉnh lộ 7, cảnh chạy ở Tuy Hoà. Tôi cho Sơn biết không thể ớ lại được. Sơn nói với vợ:
"Anh đi với anh Hiển uống cà phê coi tình hình chút."
Chúng tôi không cần đi đâu xa, Sơn lái chiếc Jeep dân sự ra tới phố chính thì ngừng lại. Tôi nói với Sơn:
"Ông mới là tối dạ, đã làm sĩ quan Quân cảnh coi tù binh ở Phú Quốc, dầu cho có biệt phái về dạy học chăng nữa cũng phải chạy. Ông hãy nhìn những người dân kia, không có đi coi tù ở Phú Quốc, cũng chẳng dậy đại học như ông, thế mà họ còn đi lũ lượt như thế. Ông chưa thấy tận mắt Đại lộ kinh hoàng năm 72 phải không? Mấy tháng sau tôi đi trao đổi tù binh, có những đoạn xe công binh phải ủi xác người ở dọc đường, mới có lối cho đoàn xe của tôi chạy tới địa điểm trao đổi tù binh. Ông mới là tối dạ, đã làm tới sĩ quan Giám thị Trưởng khu, mà lại là Trưởng khu Tù binh xâm nhập, giờ này còn ở đây thì tôi không hiểu nổi."
"Tôi có cái kẹt khó giải quyết."
"Bây giờ ông coi có quen ai có thuyền không?"
"Ông đi với tôi vô Đại học Cộng đồng Duyên hải. Kiếm cái bus của trường rồi tôi chạy với ông."
Sơn chở tôi vô trường Đại học Nha Trang. Dọc đường người tản cư đông như kiến, càng lúc càng nhiều. Càng lúc càng cảm thấy có một cái gì bất ổn. Chiếc xe bus của trường còn đó, không chạy được, người ta đã lấy mất cái bình điện.
Trên đường về chúng tôi im lặng. Sơn rủ tôi ghé vào một quán quen còn hé cửa. Rồi anh nói như mơ:
"Tôi cũng biết tôi phải chạy, nhất là đã làm việc với ông ở Phú Quốc ít nhiều cũng ảnh hưởng. Hôm qua giá gặp ông thì có lẽ tôi có cách sử dụng chiếc bus này hợp pháp. Bây giờ dù có muốn sử dụng bất hợp pháp cũng không được."
"Ông có chiếc Jeep đó sao không chở tụi nhỏ chạy?"
"Vấn đề chính là ở chỗ đó."
"Tôi không hiểu."
"Hai vợ chồng tôi và năm đứa nhỏ Na, Nô, Ni, Nu và Ti nữa là vừa vặn, cố lắm thì mang được thêm bà cụ. Bà cụ tôi thì không muốn bỏ gia đình thằng em tôi. Nó là con út. Giàu con út, khó con út đó mà."
Rồi đột nhiên Sơn đứng dậy quả quyết đưa chìa khóa chiếc Jeep cho tôi.
"Ông chạy đi, ông không thể ở lại, ông cần chiếc Jeep hơn tôi. Tụi nó vô đây cái xe của tôi chỉ có giá trị bốn cái bánh để làm dép Bình Trị Thiên. Nó không có giá trị gì trong những ngày sắp tới, ông lấy chạy đi."
Tôi nhìn thật sâu vào mắt Sơn, chúng tôi từng làm việc với nhau trước khi là bạn, đã từng sát cánh với nhau trong những ngày ghê tởm ở Phú Quốc. Ngày đó tôi hai mươi bốn, hai mươi nhăm tuổi Sơn có lẽ hơn tôi một, hai tuổi. Sau những ngày ê chề lê lết ở các đơn vị lớn của binh chủng, tôi đứng đầu danh sách những sĩ quan thuyên chuyển ra Phú Quốc. Nói rõ ra là bị phạt quá nhiều thì đi trước, còn Sơn và một số các tân sĩ quan khác mới ra lò, không có cổ không có cánh, thì Phú Quốc làm chuẩn. Lúc đầu tôi không muốn làm việc, định ba gai để bị phạt ra khỏi binh chủng thì sẽ về lại đất liền. Nhưng rồi một loạt những sự việc xẩy ra chẳng những đã bắt tôi làm việc, tôi còn tình nguyện nhận những chức vụ khó khăn nhất, đảm nhiệm một lúc ba chức vụ. Tôi kiêm nhiệm Trưởng khối Điều hành, Trưởng ban Giám thị kiêm luôn Sĩ quan An ninh và Sĩ quan Tâm lý chiến. Có một thời gian sĩ quan làm việc dưới quyền tôi nhiều bằng sĩ quan của một tiểu đoàn canh gác tù binh ngoài đảo. Dưới tay tôi qui tụ những thành phần bất hảo nhất của binh chủng, đồng thời cũng có những khuôn mặt sư phạm thật sự như Trương Hồng Sơn, Hoàng Phùng Quyền. Tôi chọn Sơn làm Giám thị trưởng khu Tù binh Sĩ quan Bắc Việt, bởi lẽ tôi muốn cho tù binh thấy rõ phẩm chất những sĩ quan trẻ tuổi miền Nam.
Những sĩ quan trẻ cỡ tôi và Trương Hồng Sơn không thối thân từ quân đội Liên hiệp Pháp, đã mang một tinh thần khác với các sĩ quan lớn tuổi, được đào tạo từ thời Tây. Cố vấn Mỹ của đơn vị tôi nhiều như ruồi, để ý chúng tôi từ chút. Họ bảo vệ tù binh như một cách gián tiếp bảo vệ những người phi công Mỹ đang bị giam tại Hotel Hilton Hà Nội. Chúng tôi, những sĩ quan trẻ tuổi của miền Nam, cứ việc mình mình làm, đường mình mình đi.
Sơn và tôi làm bạn với nhau một năm trời ngoài đảo. Chúng tôi làm bạn với nhau bốn tháng ở Vũng Tầu, khi Sơn về thụ huấn và tôi sau khi mãn hạn Phú Quốc, để đổi về đất liền với một điều kiện là trở thành sĩ quan huấn luyện viên bất đắc dĩ, dậy môn Tù binh Chiến Tranh. Rồi chúng lôi làm bạn với nhau ở Pleiku, khi Sơn mãn khóa huấn luyện thuyên chuyển về đó, còn tôi mười lần thuyên chuyển thì chín lần hoặc là bị phạt hoặc là không được lòng cấp trên. Cứ thế tình bạn chúng tôi âm thầm, lặng lẽ. Bây giờ gặp nhau trong cuối mùa thảm kịch này, chúng tôi mắng lẫn nhau là tối dạ, nhưng thật ra đang lo cho nhau từng hơi thở nhọc nhằn. Tôi hỏi:
"Ông có gặp ông Vân không? Võ Phong Vân đó, hắn cũng biệt phái về đây dậy học ở vùng này phải không?"
"Hắn dậy ở Cam Ranh. Tôi có gặp hắn đôi lần, nhưng lâu lắm rồi, hai năm nay không gặp."
"Còn Trần Thái Long sao?"
"Tên này phát quân đội hơn ông. Hắn không xin biệt phái, bây giờ hắn cũng đại úy rồi đó ông biết không?"
"Ông có nhớ Yên Bằng không? Yên Bằng hồi xưa ở Phú Quốc ấy."
"Tôi không có máu văn nghệ, giờ này chết đến đít rồi mà còn yên với bằng. Bọn nó mà vồ được ông là tha hồ mà bằng yên. Chìa khóa đây ông dông đi."
"Tôi nản chạy đường bộ lắm rồi. Có cả triệu cái bất trắc, vả lại tôi nghĩ còn nước còn tát. Ông sinh trưởng ở đây, dậy học ở đây, lại được tiếng là giáo sư trẻ có lương tâm nghề nghiệp, làm gì mà chẳng có vài sinh viên nhà có ghe. Ông đưa tôi đi tìm ghe, chừng không có sẽ tính sau."
*
Ngày N + 16, 10 giờ sáng
Từ Cầu Đá trở về, tôi và Sơn ghé lại quán cà phê cũ. Chúng tôi chạy đôn chạy đáo tới những xóm chài, tới vài nơi mà Sơn đoán là có thuyền, nhưng không có kết quả. Chúng tôi ngồi thừ người trong quán. Nha Trang bây giờ là con bệnh đang trong giờ hấp hối. Còn Sơn và tôi cũng chẳng khác gì, Sơn đưa chìa khóa cho tôi một lần nữa.
"Thôi ông dọt đi, sáng tới giờ tôi đưa đi kiếm ghe là để chiều lòng ông thôi. Không có ghe nào giờ này đâu. Dẫu có bọn nó cũng dấu bên mấy cái đảo nhỏ. Tôi đã nhất quyết không đi từ bốn ngày trước rồi, cứ xem ông đủ biết chạy tới đâu mất tới đó, có chạy tới Sài Gòn cũng thế thôi. Mà đến khi trở về có khi nhà cửa mình lại tan hoang. Tôi dậy học ở đây mấy năm, có dành dụm mua được cái rẫy. Bọn nó vô đây thì tôi làm rẫy sống cũng chả sao. Tôi không cần cái xe jeep này nữa. Ông dông đi."
"Trong tình bạn giữa tôi với ông, tôi không khách sáo. Nhưng bà ấy thì sao?"
"Vợ tôi cũng đồng ý với tôi là chạy đi đâu rồi cũng thế mà thôi. Chỉ có ba tuần lễ mà mất đất từ vĩ tuyến 17 tới tận Nha Trang này rồi. Tôi quyết định ở lại sống với nền nhà cũ và mảnh vườn mới vừa có được."
"Không, tôi hỏi ông vụ cái xe cơ."
"Nói thật với ông, tôi muốn giao xe cho ông sáng nay ngay tại nhà, để ông chạy sớm được giờ nào hay giờ ấy, nhưng tôi không muốn đưa xe trước mặt vợ tôi. Tụi tôi chưa bao giờ nghĩ là ông có mặt ở đây vào giờ này. Tôi đã chọn ở lại, còn ông cần xe hơn bất kỳ ai. Ông biết đàn bà họ có những suy nghĩ đàn bà. Tôi sẽ giải thích với vợ tôi sau. Ông đi đi đừng để bị bắt."
"Tôi đưa ông về nhà."
"Tôi lội bộ về được rồi, có vài trăm thước thôi. Đi đi, tôi không muốn giao xe cho ông trước mặt vợ tôi mà."
Chúng tôi xiết tay nhau thật chặt như muốn truyền cho nhau một chút sinh khí.
"Xe đầy xăng, bánh hơi mềm một chút, có bánh sơ cua ở băng sau. Thượng lộ bình an nghe ông."
"Cho tôi gửi lời chào bác và cám ơn chị. Hôn mấy đứa lỏi Na Nô Ni Nu Ti hộ tôi."
Và tôi nhủ thầm:
"Vĩnh biệt ông. Vĩnh biệt Nha Trang."
*
Ngày N + 16, 12 giờ trưa
Nha Trang đằng sau 10 cây số. Nằm rải rác trên đường thiên lý, vài cỗ trọng pháo 155 ly. Họng súng sáng như bạc dưới ánh mặt trời buổi trưa. Một vài chiếc thiết vận xa M113 nằm chúi đầu xuống ruộng. Không có dấu tích của giao tranh. Chắc bị bỏ lại vì hư hỏng. Không ai cảm thấy cái nóng của buổi trưa. Đã cả tháng nay dường như con người dị ứng với khí hậu và thời tiết. Hai đứa con tôi ngồi yên trên xe, không vòi vĩnh. Người cũng như thú lúc nào cũng có thể cảm nhận những bất trắc sắp xẩy đến.
Kể từ lúc chia tay với Sơn, tôi đâm ra đăm chiêu lo nghĩ. Dẫu biết tất cả những lý lẽ Sơn nói đều là "logic": Chạy tới đâu rồi cũng thế thôi. Miền Nam đã đến lúc tàn tạ, lịch sử sắp chuyển sang một trang mới. Không hiểu chiếc xe của Sơn tặng sẽ giúp tôi chạy được tới đâu? Càng lúc tôi càng cảm nhận được điều Sơn nói. Kể từ lúc bước chân lên chiếc GMC của Tiểu đoàn 2 Quân cảnh trên Pleiku, mới hơn nửa tháng trời, miền Nam Việt Nam, cái nửa phần đất mà hàng triệu học sinh trung tiểu học mỗi lần phải học địa lý được tô bằng mầu vàng. Nửa phần còn lại được tô bằng mầu đỏ. Mầu vàng càng lúc càng nhỏ lại, mầu đỏ càng lúc càng loang xuống, đã xóa nhòa một nửa mầu vàng. Tôi kiểm điểm lại những thành phố đã đổi mầu trong một ngày, trong một đêm, trong một giờ ngắn ngủi của nửa tháng qua. Cứ mỗi thành phố mất đi, một phần đời tôi bị thiêu hủy, bị xóa bỏ. Bởi một lẽ rất giản dị, sẽ không bao giờ được trở lại những nơi tôi đã làm việc, những nơi tôi từng rong chơi.
Vĩnh biệt Huế, Đà Nẵng, vĩnh biệt Pleiku, Kontum, vĩnh biệt Qui Nhơn, Nha Trang, và vĩnh biệt chính tôi, vĩnh biệt cái phần đời trẻ trung, sôi nổi, điên cuồng, mơ mộng và đôi khi lý tưởng. Vĩnh biệt phần đời đã trải ra từ một xó núi tỉnh Quảng Ngãi, đến một hàng dương của quận Bồng Sơn, từ một buôn Thượng nằm heo hút trong rặng Trường Sơn đến thị trấn Đà Lạt kiêu sa, đài các. Còn phần đời tôi chưa sống không biết sẽ trôi về đâu. Đột nhiên nhớ tới mấy câu thơ đã làm gần mười năm trước:
...Tiếng lách cách đạn lên nòng súng
Hơi thở dồn và lồng ngực vỡ tung
Đốm lửa thuốc lá lóe lên rồi vụt tắt
Đó là chiến tranh
Việt Nam 1967. . .
và một đoạn trong bài thơ khác:
...Cuộc chiến này tôi đã đợi từ lâu
Nó đã đến với nguyên hình bản thể
Rất êm như loài rắn.
Rất êm như con nước lớn từ từ
Tôi đã thét thật to
Xin giã từ tất cả: "Kể cả tôi"
Xin giã từ tất cả: "Kể cả tôi"
*
Ngày N + 16, 1 giờ 30 phút
Vừa ra khỏi một khúc quanh, phía trước mặt chừng một cây số, tôi thấy người ta thật đông. Có lẽ đường bị kẹt, sau đám đông kia 10 cây số nữa là Cam Ranh, chẳng lẽ địch đã chiếm Cam Ranh. Vô lý, nếu địch đã chiếm tỉnh lỵ này, thì đám đông kia không thể có. Có lẽ một chiến cụ quá to bị bỏ lại dọc đường đã tạo nên trở ngại khiến đoàn xe bi kẹt. Xe tôi nhập vào đoàn, tôi hỏi vài xe trước, họ cũng không biết cái gì đằng trước. Họ đến đây đã một tiếng đồng hồ, lâu lâu lại nhích được năm, mười thước. Kẹt xe một đoạn đường dài cả năm cây số. Ruột tôi nóng như thiêu, tự nhiên tôi bồn chồn, không phải vì sợ Việt cộng tấn công. Đoàn xe này dường như toàn dân xa, toàn là người chạy loạn. Không phải là Việt cộng không tấn công dân xa, có lẽ họ chưa có mặt, để có thể thị oai. Chỉ cần vài tràng AK bắn lên trời bây giờ đủ để cho mọi người bỏ chạy. Tôi không thể bỏ xe để lên phía trước tìm hiểu việc gì, xe sau mỗi lúc mỗi tới nhiều thêm. Chỉ còn chừng hơn một cây số nữa là tới một ngã rẽ vào rẫy của ông bác tôi. Xe trôi đi từng thước, từng thước một. Nhiều lúc cả đoàn xe ngừng lại không nhúc nhích cả nửa giờ đồng hồ.
Suốt cả buổi sáng nay, từ lúc gặp Trương Hồng Sơn, tôi như một kẻ xa lạ. Sự chọn lựa ở lại của Sơn làm tôi liên tưởng đến chung cuộc của trận chiến này. Chạy tới đâu rồi cũng thế thôi. Trong óc tôi bây giờ là những đoạn phim thời sự đã coi: Những hố chôn người tập thể ở Huế dịp Mậu thân, những cuộc tàn sát tập thể ở Trung Hoa Lục địa. Đó là những hình ảnh không một ai có thể phủ nhận giá trị thật, không một ai có thể ngụy tạo được những hình ảnh này để tuyên truyền, lừa gạt, bịp bợm. Rồi những tác phẩm như Chú Mạ Què của Lý Cẩm Dương, những nhân vật như Boris Bodnariuk trong La second chance của Georghiu. Tôi nhớ đến những bản thống kê kèm theo tài liệu hình ảnh, Staline đã tàn sát hàng chục triệu người Nga, Mao Trạch Đông còn trên chân Staline trong việc tạo ra những con suối máu người.
Ở đâu cũng giống nhau, chỗ nào Cộng sản chiếm được thì lập tức sẽ có hàng loạt người phải chết. Con người sẽ được phân ra thành một loại nào đó, phải được tái giáo dục theo đường lối mới, theo nếp sống mới, suy nghĩ mới hay sẽ bị loại bỏ không thương tiếc. Có một số giai cấp được lưu dụng, nhưng phải thay đổi tập quán suy nghĩ cũng như phương pháp làm việc, một số giai cấp phải bị triệt tiêu. Phải chăng đó là đấu tranh giai cấp? Trong những bưu thiếp gia đình tôi đã nhận được từ miền Bắc vào những năm 56, 57, và nếu chỉ đọc những dòng chữ một cách bình thường, thì không một ai biết đích thực những gì đã xẩy ra ở miền Bắc. Phải là những người trong cuộc mới có thể hiểu được. Trong bưu thiếp viết: "Tuấn đã vào vườn trẻ với Dũng", thì chỉ có người trong gia đình mới hiểu được Tuấn đã chết bởi lẽ Dũng đã chết từ năm, bẩy năm trước. "Chú Mậu hiện làm than với anh Kỳ" thì chỉ người nhà mới biết chú Mậu hiện ở tù, vì anh Kỳ cũng đang ở tù.
Tôi nghĩ đến những năm làm việc ở Phú Quốc, Biên Hoà và Qui Nhơn. Tôi nghĩ tới những tù binh ở đảo nhìn tôi với đôi mắt rực lửa căm thù. Tôi biết chắc những gì sẽ đến với cá nhân tôi trong hồi kết cuộc. Chạy tới đâu cũng thế thôi. Cần một chỗ trú ẩn an toàn cho vợ con tôi. Sự an toàn hiểu theo nghĩa giản dị nhất, không một ai biết gốc tích vợ con tôi. Cần nhất là lúc chộn rộn ban đầu của cuộc đổi đời này, người ta có thể chết chỉ vì một lời tố cáo vu vơ, chỉ vì một oán hờn nhỏ trong quá khứ. Đôi khi chỉ vì vài đồng bạc, một cái lườm nguýt, một câu nói hớ hênh cũng đủ rũ tù. Phải có một chỗ trú cho vợ con tôi, mà những hàng xóm láng giềng không một ai biết gốc tích tôi.
Xe vẫn trôi đi trong cái nắng bốc lửa của buổi xế chiều. Chừng năm trăm thước nữa sẽ tới ngã rẽ vào rẫy nhà bác tôi. Tôi nhìn người bạn đời, đầu gối tay ấp của tôi, tôi nhìn các con tôi. Một ý nghĩ điên dại thoáng qua. Tôi mong một trái B40, một trái mìn, một trái lựu đạn nổ ngay vào xe tôi. Chỉ một tiếng nổ thôi, sau đó không còn gì, không còn tôi, không còn vợ, không còn con, không còn điều gì phải bận tâm, suy nghĩ, lo lắng, sợ hãi. Tôi quay xuống nói với bà nhạc:
"Con đưa má với em con vô rẫy bác Năm. Đường như thế này không thể chạy được. Bây giờ phải tìm chỗ trú, rồi sẽ tính sau."
"Má cũng nghĩ vậy nhưng không dám nói với con, vì má là đàn bà, đâu có biết việc giặc giã ra làm sao?"
"Anh định ở nhà Bác luôn à?"
"Không anh đưa má, em và các con vô đó, anh quay trở ra ngoài này nghe ngóng, tìm kiếm phương tiện."
"Đừng bỏ con với em ở lại đây nghe."
Đã đến lúc tôi phải nói thật. Tôi nói cho vợ tôi nghe những suy nghĩ trong một tiếng đồng hồ bị kẹt xe.
"Mình thua rồi, anh Sơn tặng cho mình chiếc xe mà không chịu chạy trong lúc anh ấy có đủ thì giờ và phương tiện là em hiểu rõ hoàn cảnh bi đát cỡ nào. Chạy tới đâu mất tới đó. Anh từ Tuy Hoà trở ra phần để lo cho đơn vị, phần để lo cho em và các con. Rồi hôm qua anh trở về cũng chính là để dẫn em và các con chạy giặc. Bây giờ thì anh biết chắc là tuyệt vọng rồi. Anh không bao giờ muốn bỏ em và các con để chạy một mình. Điều quan trọng nhất là em và các con có một chỗ trú an toàn. Em không thể về Đà Lạt, Pleiku được, em cũng không thể về Qui Nhơn được. Em chỉ có thể về Sài Gòn, ở một nơi thật ít người biết em là vợ anh. Anh cũng không thể để bị bắt được. Lại càng không thể để bị bắt cùng với em và các con, vì như vậy em và các con sẽ không bao giờ được sống bình thường. Má, em ở tạm đây trong những ngày đầu, khi mọi chuyện tương đối êm, má về lại Qui Nhơn, còn em vô Sài Gòn."
Vợ tôi khóc lặng lẽ. Tim tôi thắt lại.
"Anh đi ngay bây giờ à?"
"Vào nhà bác Năm xong anh sẽ đi liền. Em hủy giấy hôn thú, giặc giã thế này, giấy hộ tịch cháy, mất là chuyện thường. Làm lại khai sinh cho các con. Đưa các con vào Sài Gòn ở với ông nội. Nhớ những điều anh dặn."
Má tôi lục trong túi xách, đưa cho tôi một gói giấy dầu:
"Con cầm lấy chút tiền để tiêu dọc đường."
Bà đưa thêm cho tôi một cái lắc vàng. Tôi chỉ lấy gói tiền. Đó là lần đầu tiên và là lần cuối cùng tôi cầm tiền của bà nhạc.
"Con xin má chút tiền này đủ rồi. Còn cái lắc để má giữ, con cũng không còn sống lâu để mà tiêu tới cái lắc này."
"Con đừng nói dại. Cứ yên tâm đi. Má bảo bọc em con cho tới khi nào nó vô được Sài Gòn."
"Anh đi nghe. Em và các con bình yên."
*
Ngày N + 16, 5 giờ chiều.
Người đông như kiến trong vũng biển hẹp. Đây là eo biển trước khi tới vịnh Cam Ranh. Từ trên quốc lộ 1, tôi thấy trong cái vũng biển nhỏ này hai cái xà lan nằm im lìm. Tôi nói người lính chạy Honda ôm cho tôi xuống đó. Chắc chắn tầu lớn sẽ vào kéo mấy xà lan này đi. Người lính nói:
"Xà lan chở người từ vùng I về đó, nó nằm đó hai ba ngày nay rồi. Xuống đó làm gì?"
"Kệ nó, anh cho tôi xuống đó, tôi trả tiền anh đủ mà."
"Tôi nói cho ông biết: Hôm mấy chiếc xà lan này kéo về tới đây, mấy cái tầu kéo chặt dây rồi chạy đi luôn, người chết quá trời, con nít chết vì thiếu sữa, người lớn chết vì khát và vì súng đạn. Xác người khênh lên bờ chật cả bãi biển. Cả trăm mạng."
"Cứ cho tôi xuống đó. Ngồi trên xà lan vẫn còn có hy vọng hơn chạy ngược chạy xuôi. Sao người ta lên đó đông quá vậy?"
"Tại vì họ cũng như ông ở nơi khác chạy về nên không biết. Cho tiền leo lên đó tôi cũng không lên. Mà chạy đi đâu cũng vậy thôi."
"Cho tôi xuống đó."
*
Ngày N + 16, 7 giờ chiều.
Trời đã bắt đầu tối, xà lan người chật như nêm cối, có lúc tôi muốn lên bờ, trở lại đón vợ con tôi, nhưng lời của anh lính lái Honda làm cho tôi ngừng lại. Ban đầu tôi còn duỗi được cái chân, bây giờ ngồi gục đầu gối xuống gối, không có một chỗ để chen chân. Người lính nói đúng. Cứ như thế này người ta chết ngộp ngay giữa biển khơi, chết vì không cựa quậy được, chết vì hoảng sợ, chết vì những hành động trong lúc tuyệt vọng của người bên cạnh. Cho dù tầu lớn có tới kéo đi, hành trình kéo dài trên biển chỉ hai ngày có lẽ quá nửa số người trên xà lan sẽ chết. Tôi gục đầu trong gối, không nghe được bất cứ một âm thanh, nào ngoài tiếng tiêu của người lính Biệt động quân. Có hai điều thật kỳ lạ ám ảnh từ một tháng nay: Hễ cứ cầm đến sách là y như rằng tôi vớ được quyển truyện của Remarque, quyển sách đó bây giờ đã nằm đâu đó ở Tuy Hoà. Và tiếng tiêu của người lính Biệt động quân trên đập Đồng cam thì dường như lúc nào cũng lẩn quất chung quanh.
Tôi chập chờn nửa thức nửa ngủ, nửa người phía dưới đau như dần, tê dại đi, nửa phía trên lơ mơ lúc như ngủ, lúc thấy như của một người khác cho mượn. Tôi thấy tất cả mà dường như không thấy gì. Tiếng tiêu của người lính bặt đi, lập tức những âm thanh xa lạ, như oán, như than, tiếng kêu như từ chín từng địa ngục vọng về. Dường như vùng biển này trước đây là của dân Chàm, thế thì chúng tôi, trên con tầu ma này đúng là những oan hồn uổng tử của vài thế kỷ trước, đã mất nước trong tay nòi Việt. Trong bóng tối dầy đặc của đại dương, lẫn trong gió hú như vọng lại tiếng oán than của người dân Hời mất nước.
Có ánh đèn từ ngoài khơi tiến vào, cùng với tiếng động cơ của tầu lớn. Tôi nhỏm dậy, nhìn ra khơi, không thấy hình dạng con tầu, nhưng chắc chắn nó đang trực chỉ hướng chúng tôi, ánh sáng soi tỏ hình ảnh hỗn độn dị thường. Tầu lại gần, gần hơn nữa, đó là một chiếc tầu đổ bộ, dân chúng quen gọi là tầu há mồm. Tôi ngồi ở cuối xà lan, có đứng dậy cũng không thể thấy cái gì đang chờ ở phía trước, xung quanh tiếng cầu nguyện vang lên. Những câu "Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế âm Bồ Tát" xen lẫn với tiếng "Lạy Cha chúng con ở trên trời cầu cho chúng con là kẻ có tội".
Xà lan từ từ tách bến. Nửa tiếng sau, trên mặt biển đen ngòm, một con tầu của Hải quân Mỹ đang neo, to dềnh dàng như một tòa building. Đèn pha sáng rực một vùng. Hai cái thang dây được bỏ xuống, người ta giành giật nhau leo lên, tôi bỗng thấy hổ thẹn, phải chi hồi nẫy cứ về đón vợ con, thì giờ này có lẽ cũng chưa đến độ chia ly. Không biết giờ này vợ tôi đang làm gì trong cái mái tranh hẻo lánh đó. Không biết giờ này con tôi có còn thức để thấy mẹ chúng khóc đau đớn, nghẹn ngào.
Tôi nhập với dòng người như có một sức mạnh nào đó đẩy tôi lên tầu. Cơ thể tôi như rũ ra. Lên được sàn tầu, tôi thấy chỗ của vợ tôi hiện đang trú ẩn là đúng. Dưới sàn đầy những đống nôn, mửa, có cả phân và nước tiểu. Người nằm ngồi giống như một hộp cá mòi. Tôi chọn được một cái hốc thật nhỏ bên hông ụ đại bác. Tôi ngồi xuống, thiếp đi, và rất mong được chết yên bình như lúc này đây, người ta sẽ quăng tôi xuống biển, sẽ không một ai hay, không một ai biết. Vợ tôi chắc chắn sẽ buồn, nhưng còn hơn là nghe tôi bị xử bắn, bị lăng nhục trước khi được chết, còn đỡ hơn nghe tin tôi tự bắn vào đầu. Cứ thế tôi tỉnh dậy, rồi thiếp đi, tầu chạy dập dờn trên sóng.
Khi tôi tỉnh hoàn toàn, mặt trời đã lên ngang tầm mắt, mọi vật sáng tỏ hơn. Tôi không còn tin ở thị giác, muốn đứng dậy làm một vài cử động cho giãn gân cốt, cũng không thể được, ngay trên đầu tôi, những phụ tùng lỉnh kỉnh của ổ súng phòng không trên tầu. Tôi chỉ có thể khom người, cử động hai cánh tay tê dại vài lần cho máu lưu thông đều, rồi ngồi xuống tựa lưng vào giá che của khẩu đại bác, đạp hai cái chân lên cao, giống như người tập thể dục mỗi buổi sáng. Sàn tầu nhầy nhụa những đồ ăn bị nôn mửa, lẫn những thứ được bài tiết ra. Tôi khát nước, nhưng đào đâu ra nước lúc này. Một vài cánh chim biển lặng lờ chao trong gió, dang đôi cánh trắng rực rỡ trong nắng mai, dưới bầu trời xanh ngọc thạch. Tôi nhủ thầm tốt hơn hết là ngủ lại. Cần nhất là đừng suy nghĩ gì cả, những suy nghĩ trong hoàn cảnh tuyệt vọng này sẽ không giúp gì được cho tôi, mà có khi còn đưa tôi đến chỗ tìm về cái chết.
*
Ngày N + 17, 12 giờ trưa.
Cái mặt trời quái ác sao nghiêng đi quá chậm, tôi mong nó khuất lẹ, để khỏi phải nhìn, để khỏi phải nghe, để cho một ngày chóng qua. Cứ tốc độ này, nếu tầu chỉ đi Sài Gòn có lẽ tối nay sẽ tới, nếu đi Vũng Tầu, chiều nay sẽ lên bờ. Tôi hết chịu đựng nổi rồi, tôi muốn chấm dứt cái cảnh địa ngục này.
*
Ngày N + 17, 5 giờ chiều.
Tôi xin được một hớp nước của một người đàn ông nằm nửa người dưới sàn tầu, hai chân gác lên ụ súng. Ông ta nằm bệt ở đó từ lúc lên tầu tới giờ. Chúng tôi trao đổi vài câu chuyện vu vơ, ông đề nghị tôi giữ chỗ hộ, cho ông ta ra ngoài một chút rồi sẽ vào giữ chỗ cho tôi.
Khi tôi thoát ra khỏi cái thế ngồi bó gối đó, tôi tưởng chừng như muốn té mấy lần, có té cũng không đau, bởi chắc chắn tôi sẽ té trên một thân người nào đó. Tôi lết được ra mũi tầu, một người đàn ông ngồi chễm chệ trên cái trụ sắt tròn đường kính nửa thước, nhô hẳn lên sàn tầu chừng một thước. Cái trụ này để cột dây neo tầu. Không hiểu bằng cách nào ông ta có thể ngồi trọn vẹn một đêm và một ngày. Tôi đứng sát mạn tầu, nhô người ra ngoài hít thở không khí trong lành của đại dương. Tầu vẽ trên mặt biển một đường dài trắng toát. Không thấy bến bờ, mũi tầu cứ hướng nam trực chỉ, không hiểu chúng tôi sẽ xuống bến nào. Mặt trời chỉ còn một nửa nhô trên mặt nước. Tôi muốn đứng ngắm thêm một chút nữa cho tới khi nó mất hẳn dưới chân trời, nhưng tôi phải đi vào, nếu không muốn đạp lên người ta khi di chuyển trong bóng tối. Tôi trở về chỗ cũ, người đàn ông cho nước lại đưa cho mấy miếng bánh lạt. Tôi cầm lấy nhưng không ăn, dù cả đêm qua và ngày nay không có chút gì trong bụng. Đêm lại ập xuống như một cái bẫy.
*
Ngày N + 17, 11 giờ đêm.
Ban ngày tôi mong đêm xuống, nhưng trong bóng tối đêm nay, đêm thứ hai trên tầu, lại mong mặt trời lên. Tôi muốn thời gian đi thật nhanh. Tôi trằn trọc, chập chờn, nửa tỉnh, nửa mê. Từ hôm bị chặn đánh tan đơn vị, tôi hết còn ngủ mơ thấy mình là lính của vua Quang Trung nữa. Hai ngày nay, từ lúc chia tay vĩnh viễn với vợ con, trong những lúc chập chờn thức ngủ, cái ý nghĩ chết chóc cứ lảng vảng trong đầu. Có một khẩu Colt 9 phòng thân khi lên tầu bị Mỹ tịch thu, bây giờ muốn chết thì chỉ có nước cắn vào lưỡi, đập đầu vào ụ súng, hay nhảy xuống biển. Không phải bất cứ ai cũng có thể thực hiện được ý định này, từ suy nghĩ đến hành động có một khoảng cách xa. Tôi vẫn cố sống, vẫn tìm mọi cách để thoát hiểm, nhưng vẫn không thể không ân hận, dẫu cho có lý luận cách nào chăng nữa, dẫu cho viễn ảnh của trận chiến thế nào chăng nữa, tôi vẫn ân hận rằng mình đã để vợ con lại tháo chạy một mình. Dẫu cho tôi có suy nghĩ đúng, hành động đúng, tôi vẫn vô vàn ân hận. Khúc tiêu bách điểu chia ly, trăm hoa tàn tạ của ngày nào trên đập Đồng cam lại vang lên.
*
Ngày N + 18, 5 giờ 30 sáng.
Tôi thức dậy giữa tiếng lao xao của đám đông, boong tầu có vẻ trống trải hơn, thì ra tầu sắp cập bến. Tôi hỏi người đàn ông đã cho nước, bánh, và được biết tầu sẽ cập bến Phú Quốc. Trời vẫn còn tối mù, nếu không chắc chắn sẽ nhận ra được từng bãi biển tôi rong chơi tám năm trước. Ít ra cũng còn có người tỉnh táo để không cho tầu cập bến Sài Gòn. Dẫu nhà tôi ở Sài Gòn, tôi cũng vẫn thấy quyết định thành lập một trung tâm nạn nhân chiến cuộc ở Phú Quốc là hợp lý. Từ khi trao đổi tù binh trại trống trơn có khả năng tiếp nhận năm chục ngàn người. Dẫu sao Phú Quốc chẳng phải nhà cũ của tôi là gì?
*
Ngày N + 1 8, 7 giờ 45 phút.
Khi đặt chân xuống cầu tầu, cũng như mọi người, tôi bị một binh sĩ Quân cảnh khám. Anh ta chắc là quá bận, nên cứ thấy người là khám. Rồi bỗng nhiên nhận ra tôi, anh ta la thất thanh gần như khóc.
"Sao mà ra nông nỗi này ông thầy ơi?"
Tôi không biết anh ta, nên còn chưa biết phải làm gì. Còn anh ta cuống quít thiếu điều quên phận sự. Nhìn dáo dác kiếm người trưởng toán, không thấy. Anh ta gọi báo cho mấy người Quân cảnh khác đương làm việc gần đó.
"Anh Ba Râu về được đây rồi Thượng sĩ ơi !"
Một vài người Quân cảnh chạy đến chào, tôi nhìn thấy thật rõ niềm thương cảm trong đáy mắt họ. Đó mới thật là những huy chương của tôi, mới thật là một chút hào quang cay đắng cuối mùa trận chiến. Người thượng sĩ nói với một binh sĩ:
"Mày đi kiếm cho Đại úy một lon nước Coca hay Pepsi gì cũng được. Để tao gọi máy báo cho Thiếu tá Mạc. Rồi quay lại tôi ân cần:
"Để tôi đưa Đại úy vào chợ An Thới kiếm bậy bạ tô mì chờ Thiếu tá Mạc ra."
"Thôi anh cho tôi ra nghỉ ở xe được rồi."
"Đại úy ở vùng I về phải không?"
"Không tôi ở Trại giam Qui Nhơn."
"Có ai đi theo Đại úy không?"
"Không."
Tôi thấy người hạ sĩ quan khựng lại nhìn tôi. Tôi hiểu rõ ý tứ của những cái nhìn đó nên nói với ông ta:
"Đơn vị tôi bị chặn đánh tan ở Tuy Hoà. Chạy vào Nha Trang còn được tám người rồi từ đó mạnh ai nấy đi."
"Anh em mình chết nhiều không Đại úy?"
"Chính mắt tôi thấy chết có hai người, nhưng bị bắt sống trọn gói ở ngay Tiểu khu Tuy Hoà, tôi cưỡng bách được chiếc ghe chạy thoát vào Nha Trang."
"Mình vô chợ đi Đại úy."
"Để tôi ngồi đây được rồi."
*
Ngày N + 18, 8 giờ sáng.
Giọng Thiếu tá Nguyễn Trọng Mạc Chỉ huy trưởng Trại Cai Ma túy vang lên trong máy truyền tin. Ông ra lệnh cho Thượng sĩ trưởng toán lái xe đưa tôi về thẳng văn phòng. Trước kia có một dạo, tôi và Thiếu tá Mạc cùng tiểu đoàn, ông ta coi đồn Đà Lạt, còn tôi coi đồn Pleiku. Thỉnh thoảng có gặp nhau ở Tiểu đoàn bộ, Thiếu tá Mạc không phải là một cấp chỉ huy đủ để cho tôi phục, nhưng tôi cũng không thể xem thường cung cách của ông. Có lần ngại cho tôi bị đì nhiều quá, trước khi thuyên chuyển ra vùng I, ông rủ tôi đi ăn, và rượu vào lời ra, ông nói:
"Đối với thượng cấp moa kính trọng, nhưng không nịnh bợ, luồn cúi. Xa được chừng nào tốt chừng nấy. Đối với thuộc cấp moa nghiêm, không gần gũi quá cũng không xa cách quá, còn với phụ nữ, lúc nào moa cũng có một nhánh hoa trên tay, thế là thành công ở đời."
"Đối với phụ nữ cầm nhánh hoa không chưa đủ."
"Thì cứ khen tưới hột sen lên, nếu cần quì gối thì dòm trước dòm sau, không có ai thấy thì quì lâu một chút cũng chả sao. Vả lại trước sau gì mình cũng quì gối mà."
Ông Mạc cười hóm hỉnh trong cái vụ quì này. Rồi thân mật hơn, gần gũi hơn, ông mắng đùa tôi:
"Mẹ kiếp cả cái binh chủng này có được một ông làm thơ, viết văn, tôi tưởng ông văn nhân, nho nhã lắm, nào ngờ gặp mặt thì mới biết ông là con trâu điên, lúc nào cũng chỉ chực húc. Nhưng mà nói thật, có nhiều thằng cũng nên húc cho nó bỏ mẹ. Tôi chỉ cầu mong một cách thành thật, đừng có bao giờ ông vác mặt về làm việc với tôi. Nhớ là tôi không sợ, nhưng mà có cái mặt ông chán lắm."
Sáng nay Thiếu tá Mạc đón tôi với vẻ mặt lầm lì, nhưng ông ta mừng rỡ thật tình khi bắt tay:
"Có một thằng lính của ông đi tầu đến đây trước ông một, hai ngày gì đó, nó nói hết tôi nghe vụ ở Qui Nhơn rồi. Bây giờ vợ con ông ra sao?"
"Nhà tôi và hai cháu hiện kẹt ở Cam Ranh."
"Ông chạy hai phùa như vậy, lại nằm trên tầu Mỹ về đây thì chắc là nhược lắm rồi. Bây giờ tôi lo cho ông vài bộ quân phục, tẩm bổ lại cho ông vài ngày. Tôi sẽ đánh công điện về Bộ chỉ huy, ông ở đây cứ tùy nghi."
"Thiếu tá lo cho tôi một chỗ trong chuyến bay tiếp tế về Sài Gòn."
"Về làm gì? Đợi dăm bữa nửa tháng cho ra môn ra khoai rồi hãy về đâu có muộn."
"Tôi nóng ruột lắm, ông cho tôi về biết đâu trời dun rủi cho có cách tìm lại vợ con."
"Nói thật ông biết là mình thua rồi. Bây giờ mình chỉ mất dần đi chứ không có lấy lại được mảnh đất nào. Ông có biết ông là ai không? Ông có biết ông đang ngồi ở Phú Quốc, chỗ mà bẩy, tám năm trước ông thành danh là Hai Râu không? Việt cộng nó vồ được ông nó thích lắm đó."
"Ông cứ giúp tôi một chỗ bay về để nghe ngóng tình hình vợ con tôi."
"Chính bởi vợ con ông kẹt ở Cam Ranh, tôi mới nói ông ở đây, phút chót mình còn leo lên tầu Mỹ, tầu của Hải quân mình, cùng lắm là ở đây thiếu gì thuyền để mình dọt. Mẹ kiếp tướng tá của mình nằm ở Guam cả trăm, còn vợ con các xếp nằm ở đó cả ngàn rồi, ông có biết không?"
"Không còn vợ con thì còn bố mẹ, ông cứ lo cho tôi máy bay đi."
"Tôi nói thật với ông, doanh trại Tiểu đoàn 14 Quân cảnh trước, bây giờ là chỗ tiếp nhận mấy anh làm cho Mỹ như đám D.A.O., mấy anh làm Đài phát thanh "Gươm thiêng cứu quốc", "Mẹ Việt Nam"v.v... Mỹ sẽ bỏ của chạy lấy người. Mà mình thì lấy gì mà đánh đấm. Tôi đã đưa toàn gia ra ngoài này. Tôi lấy cái tình cũ ở Tiểu đoàn 2 Quân cảnh nói với ông, ở đây đi Mỹ với tôi. Ông còn trẻ, còn có thể làm lại cuộc đời bên đó."
"Tôi biết là Thiếu tá quý tôi lắm mới giãi bầy gan ruột, nhưng ông cho tôi về Sài Gòn, ông không lo hộ thì tôi đi ghe về Rạch Giá, rồi đi xe đò về Sài Gòn. Tôi không thể ngồi ở đây được đâu."
Mặt ông Mạc lạnh tanh lại, ông nói:
"Được rồi, ông về Sài Gòn. Ở đây với tôi một tuần, mỗi ngày ăn một con gà cho người mập lại một chút. Về Sài Gòn với thân hình này để mà nhát thiên hạ à?"
Chúng tôi cùng im lặng, chừng như thấy mình hơi quá lố, ông Mạc hỏi tôi.
"Ông có chơi với Nguyễn Đình Thiều không?"
"Thiều Quân cảnh hả?"
"Không, Thiều nhà văn Không quân ấy."
"Không, tôi chỉ biết, quen sơ sơ thôi chứ không thân. Nhưng có gì không."
"Hắn chết rồi, tôi tưởng các ông nhà văn, nhà thơ dễ biết nhau. Hắn bị Không quân đưa ra đây để cai ma túy. Hắn chết vì bệnh, vì đủ mọi thứ phá nát cả người. Hắn mới chết chừng hơn vài tuần. Mộ của hắn cũng gần nghĩa địa tù. Nếu ông thân với hắn, tôi bảo thằng cốt đột của tôi lái xe đưa ông đi thăm, không thân thì thôi."
Tôi nghĩ đến danh từ "Nhà văn Không quân" mà ông dùng. Ông Mạc chắc cũng gọi như người ta đã từng quen miệng khi nói tới các nhà văn, nhà thơ gốc quân đội. Cái chữ "Nhà văn Quân đội", "Nhà thơ Không quân", "Nhà văn Mũ đỏ", "Nhà thơ Hải quân" này nghe giễu không thể tưởng được. Cũng may tôi chưa bị ai gọi là "Nhà thơ Quân cảnh". Cứ nghe như thế là người ta hình dung ra được một cậu, phùng má trợn mắt thổi cái tu huýt, thơ phú thì sặc mùi bắt bớ với quân phong quân kỷ. Cũng may thơ phú tôi dài thậm thượt, lại chuyên trị về tự do, đả phá những thành đồng vách sắt đại loại được gọi là thơ tranh đấu. Nói dại nếu mà được phe nhóm thổi lên thành một "nhà thơ Quân cảnh" thì chắc tôi cũng xấu hổ mà chết. Cũng vì những sản phẩm "Quân đội" này mà chúng ta có một chính sách chiến tranh tâm lý rất ư lạ lùng. Nó mị quân một cách trơ trẽn. Những anh thợ hát phùng mỏ gân cổ lên hát những bản nhạc thối hoăng cả lên, làm cho người ta ngộ nhận về quân đội không ít. Kịp đến khi hiểu "hoa cài thép súng", hay "trăng treo đầu súng" gì đó nó không thật, nhiều cậu bé thơ ngây bỏ cả hoa, bỏ cả súng, bỏ cả trăng và dĩ nhiên bỏ cả quân phục. Ông Mạc cắt ngang sự suy nghĩ của tôi:
"Ông còn muốn về Sài Gòn nữa không?"
"Chắc chắn tôi phải về, Thiếu tá."
"Nghỉ khỏe vài ngày đi, tôi lúc này bận mờ người, phần phải lo cho cái trại cai ma túy, phần phải đối phó với hoàn cảnh thực tại. Tôi đã dặn người lo cho ông đủ mọi thứ, ăn ở. Ông ở tạm đây vài ngày. Bây giờ tôi phải đi lo công việc. Có mấy chiếc Jeep thì hư hỏng không có cơ phận thay thế, còn có một chiếc tôi dùng, một chiếc để điều hành đơn vị. Ông cần đi đâu cứ bảo tụi nó lái cho ông đi rồi đón về."
"Tôi chắc chẳng đi đâu đâu, Thiếu tá."
"Nghe nói hồi xưa ở đây ông quen tới mấy cô y tá, quen cả con ông chủ vựa cá, vựa nước mắm mà."
"Mấy cô y tá quen cả nước Quân cảnh Phú Quốc chứ riêng gì mình tôi. Còn thú thật, tôi mà chịu nổi mùi vựa nước mắm thì tôi đã tình nguyện ở đây luôn rồi."
"Phụ nữ thì mười vị đã có tới sáu vị là hũ mắm rồi, có bê một hũ cũng đâu có sao?"
"Xin lỗi Thiếu tá, giá nó là một hũ mình chịu được, nhưng nó là một vựa cơ mà."
"Ông có lý. Thôi tôi dọt."
Nhà xuất bản Văn Nghệ, California, 1988, bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả
Không có nhận xét nào