Trung Hiếu tổng hợp từ nhiều nguồn tin riêng
27.4: Eo biển Đài Loan, quần đảo Trường Sa
Kênh quân sự của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 26.4 công bố đoạn clip hiếm hoi về cuộc đối đầu căng thẳng giữa chiến đấu cơ nước này và tàu chiến Mỹ ở Biển Đông.
1. Chuyển động quân sự
Eo biển Đài Loan
Hạm đội 7 thông báo khu trục hạm USS Sampson (DDG 102) đã băng qua eo biển Đài Loan trong ngày 26.4, theo giờ địa phương.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết tàu chiến Mỹ di chuyển từ Biển Đông lên Biển Hoa Đông.
Như thường lệ, phát ngôn viên Chiến khu Đông bộ của Trung Quốc ra tuyên bố lên án hoạt động của tàu chiến Mỹ.
Thông báo ngắn gọn của Hạm đội 7 lần này không bao gồm câu: “Chiếc tàu đã di chuyển qua một hành lang ở eo biển nằm ngoài lãnh hải của bất kỳ quốc gia ven biển nào”.
Điều càng củng cố suy đoán của tôi trước kia về việc tàu USS Ralph Johnson đã vượt qua phía tây đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan trong hành trình ngày 26.2.
Theo cách lý giải trên thì tàu USS Sampson nhiều khả năng không vượt qua đường trung tuyến trong lần này vì thế không cần thiết phải có câu trên.
(Tàu USS Ralph Johnson cũng tiến hành băng qua eo biển Đài Loan thêm một lần vào trung tuần tháng 3, nhưng khi đó nó bám theo tàu Sơn Đông của Trung Quốc và Hạm đội 7 không đưa ra thông báo về hoạt động này.)
Tàu USS Sampson nằm trong nhóm tác chiến HKMH/ USS Abraham Lincoln. Hiện tại tàu này vẫn đang ở Biển Philippines. Dự kiến nó sẽ sớm di chuyển vào Biển Đông để thực hiện chuyến thăm Đà Nẵng vào tháng 5.
Tàu USNS Bowditch
Tàu nghiên cứu của hải quân Mỹ USNS Bowditch đã quay trở lại hoạt động ở khu vực đông bắc Đà Nẵng trong ngày 26.4.
Đây là lần thứ hai trong vài tuần qua tàu Bowditch xuất hiện ở khu vực này. Đây là khu vực nằm ở phía nam nơi Trung Quốc tiến hành tập trận trong tháng 3 và tháng 4 để tìm kiếm máy bay Y-8 bị rơi.
Theo tôi được biết, cũng như lần trước, Trung Quốc tiếp tục triển khai một tàu hộ vệ để theo dõi tàu nghiên cứu Mỹ.
Một tàu nghiên cứu khác của Hải quân Mỹ là tàu USNS Impeccable cũng tiến vào Biển Đông thông qua eo Ba Sỹ.
Quần đảo Trường Sa
Philippines có vẻ như vừa tăng cường hoạt động tuần tra ở khu vực đảo Thị Tứ với sự xuất hiện của tàu hộ vệ BRP Jose Rizal (FF-150). Ít nhất một tàu tuần duyên cũng được triển khai đến khu vực trong vài ngày qua.
2. Trung Quốc công bố clip đối đầu ở Trường Sa
Kênh quân sự của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 26.4 công bố đoạn clip hiếm hoi về cuộc đối đầu giữa chiến đấu cơ nước này và tàu chiến nước ngoài ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Đoạn clip không nói rõ ngày giờ cụ thể nhưng cho biết tiêm kích bom JH-7 được triển khai khẩn cấp đến quần đảo Trường Sa sau khi phát hiện một tàu chiến nước ngoài tiếp cận “lãnh hải”.
Một viên phi công kể lại rằng anh ta sẵn sàng nhấn nút khai hỏa và hy sinh trong cuộc đối đầu để trục xuất tàu chiến nước ngoài ra khỏi “lãnh hải”.
Tuy không nói rõ nhưng nhiều khả năng tàu chiến nước ngoài ở đây là một tàu chiến Mỹ đang tiến hành hoạt động tự do hàng hải.
Hình ảnh cũng cho thấy dường như tiêm kích bom JH-7 bay gần một thực thể giống Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.
Nội dung của đoạn clip có lẽ được phóng đại theo kiểu tuyên truyền thường thấy của Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy mức độ căng thẳng trong những lần đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.
3. Mỹ - Trung
Phát biểu tại một phiên điều trần ở Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 26.4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông sẽ nêu chi tiết chiến lược an ninh quốc gia nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vài tuần tới.
Tuy nhiên, phần đông giới quan sát tỏ ra bi quan rằng sẽ không có gì mới mẻ và cụ thể trong những phát biểu được hứa hẹn của ông Blinken.
Trong khi đó, tờ Financial Times ngày 26.4 có bài viết về chiến lược đối phó Trung Quốc của chính quyền Biden, cung cấp thêm chi tiết về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).
Một người am tường các cuộc thảo luận của IPEF cho biết Mỹ đang tập trung nỗ lực đàm phán vào 8 quốc gia: Nhật Bản, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Singapore, Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Các quốc gia sẽ có thể tham gia một số trụ cột của IPEF mà không cần cam kết với cả bốn. Bà nhấn mạnh rằng việc có tám quốc gia tham gia vào các cuộc thảo luận nghiêm túc không có nghĩa là tất cả các quốc gia đó sẽ tham gia khuôn khổ ngay từ đầu.
Liên quan đến quan hệ Mỹ - ASEAN, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông từ chối tham dự hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN diễn ra ở Washington trong 2 ngày 12 và 13.5 vì nó diễn ra ngay sau bầu cử Philippines vào ngày 9.5.
TH/ 27/4/2022
Không có nhận xét nào