Header Ads

  • Breaking News

    Đã đến lúc Việt Nam tìm mua vũ khí của Mỹ thay cho Nga



    Hình chụp hôm 3/1/2014: tàu ngầm Kilo 636 mang tên Hà Nội được Việt Nam mua của Nga tại cảng Cam Ranh /AFP

    Việt Nam - Khách hàng quan trọng mua vũ khí từ Nga

    Cuộc chiến Ukraine đã khiến thế giới có nhiều sự thay đổi. Với sự bao vây, trừng phạt và cô lập Nga với mức độ chưa từng có của Mỹ và Phương Tây khiến nhiều quốc gia cũng bị ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam.

    Một trong những lĩnh vực mà Việt Nam chịu ảnh hưởng từ việc cấm vận và trừng phạt của Phương Tây đối với Nga, đó là vấn đề vũ khí.

    Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ, chiếm khoảng 20% doanh số bán vũ khí toàn cầu. Từ năm 2016 đến năm 2020, Moscow đã bán 28 tỷ USD vũ khí cho 45 quốc gia (1).

    Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á mua nhiều nhất vũ khí từ Nga. Từ năm 1995 đến 2019, Việt Nam đã nhập khẩu vũ khí Nga trị giá 7,38 tỷ USD — chiếm 84% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của nước này (xấp xỉ 5% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc phòng toàn cầu của Nga). Trong 20 năm qua, 61% xuất khẩu quốc phòng của Nga sang Đông Nam Á là bán cho Việt Nam (2).

    Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam và Đông Nam Á. Năm 2018, Việt Nam đã đặt hàng một hạm đội máy bay chiến đấu, tàu nổi và tàu ngầm do Nga sản xuất trị giá hơn 1 tỷ USD, theo hãng thông tấn nhà nước TASS.

    Trước đó, Việt Nam đã mua sáu tàu ngầm lớp Kilo trị giá hơn hai tỷ USD.

    Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu vũ khí tích cực nhất trên thế giới trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc luôn đe doạ Việt Nam trên khu vực Biển Đông.

    Việt Nam xếp thứ 23 trong số 137 quốc gia và đứng thứ hai ở Đông Nam Á sau Indonesia trong bảng xếp hạng sức mạnh quân sự 2019 của Global Firepower có trụ sở tại Mỹ.

    Đánh giá dựa trên 55 thông số, bao gồm tài nguyên quân sự, sự đa dạng của hệ thống vũ khí, tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm địa lý, tài chính và nhân lực sẵn có (3) .

    Mới đây, Việt Nam và Nga đã ký một thỏa thuận mở rộng hợp tác về thương mại và công nghệ quân sự. Thỏa thuận liên chính phủ Việt-Nga về hợp tác quân sự-kỹ thuật đã được ký kết vào ngày 1 tháng 12 tại Moscow trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Phan Văn Giang. Mối quan hệ thương mại quân sự và công nghệ giữa Việt Nam và Nga đã bền chặt từ những năm 1990.

    Bộ Quốc phòng Nga cho biết thỏa thuận này được hỗ trợ bởi một kế hoạch mới về “công việc chung trong tương lai” sẽ mở rộng “hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự” giữa hai nước.

    Trong thời gian qua, Nga đã cung cấp cho quốc gia Đông Nam Á này các vũ khí bao gồm tàu ​​ngầm lớp Kilo, khinh hạm lớp Gerard, tàu hộ tống lớp Tarantul, tàu tuần tra lớp Svetlyak, máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MK2 và xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S / SK.

    Hợp đồng lớn gần đây nhất của Moscow có thỏa thuận cung cấp cho Việt Nam 12 máy bay huấn luyện phản lực/chiến đấu hạng nhẹ Yakovlev Yak-130 vào năm 2019 với giá 350 triệu USD (4).


    Máy bay chiến đấu Sukhoi Su - 30 MK2 do Nga sản xuất thuộc Không quân Việt Nam trong một đợt diễn tập hôm 21/10/2015 ở sân bay quân sự Biên Hoà, Đồng Nai. AFP

    Việt Nam làm gì để thoát thế khó?

    Sau khi xung đột Ukraine bùng phát, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Nga nhằm làm tê liệt khả năng tham gia nền kinh tế toàn cầu của nước này. Trong những biện pháp đó, có cả việc cô lập Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế, bao gồm SWIFT – cơ chế thuận lợi cho việc chuyển tiền giữa các quốc gia.

    Các biện pháp trừng phạt trên phạm vi rộng có thể tác động nghiêm trọng đối với Việt Nam, đặc biệt là ở khía cạnh có thể ảnh hưởng đến khả năng mua sắm và duy trì khí tài quân sự từ Nga của quốc gia này, trong đó có các loại vũ khí chính là xe tăng, tàu chiến, máy bay tiêm kích và trực thăng chiến đấu cùng các loại vũ khí hạng nhẹ như súng lục và súng trường tấn công (như dòng Kalashnikov AK-200 mới).

    Các biện pháp trừng phạt có một số tác động đáng chú ý đến ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam.

    Thứ nhất là Nga khó có thể đáp ứng được các đơn đặt hàng khí tài quân sự hiện tại.

    Thứ hai là việc sửa chữa, bảo trì hoặc đại tu phần cứng hiện có do Nga sản xuất gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Điều này xuất phát từ những khó khăn trong việc cung cấp phụ tùng, công cụ và chứng nhận thiết yếu. Các chuyên gia từ nhà sản xuất, bộ phận thiết kế, phát triển và sản xuất thiết bị quân sự có liên quan sẽ không thể từ Nga tới Việt Nam để hỗ trợ khi cần thiết.

    Thứ ba, các nghĩa vụ theo hợp đồng, bao gồm nghĩa vụ tài chính và nghĩa vụ thực hiện, có thể khó được đảm bảo. Điều này có nghĩa là cả Nga và Việt Nam đều không thể chịu trách nhiệm về việc vi phạm hợp đồng, vì điều đó là bất khả kháng, ngay cả khi họ mong muốn.

    Trước sự đe doạ ngày càng lớn từ Trung Quốc đối với các vùng biển và các thực thể mà Việt Nam đang nắm giữ, Việt Nam cần bảo đảm sức mạnh quốc phòng của mình. Thế nhưng, phần lớn vũ khí của Việt Nam đều mua từ Nga, mà Nga nay bị cấm vận và trừng phạt nên sẽ dẫn tới những khoảng trống tạo ra bởi việc Nga bị ngăn chặn khỏi thương mại toàn cầu cần phải được lấp đầy bởi các nhà cung cấp thay thế. Việt Nam sẽ phải tìm kiếm những công ty có năng lực trong ngành công nghiệp quốc phòng có thể tiến hành các hoạt động bảo trì, sửa chữa và đại tu phần cứng các loại vũ khí này. Theo đó, Việt Nam cần tìm các nguồn cung cấp và bảo trì vũ khí thay thế Nga, mà Ấn Độ là một quốc gia có thể thực hiện được các hoạt động này.

    Tuy nhiên, Ấn Độ tuy là một cường quốc ở châu Á, nhưng công nghệ sản xuất vũ khí của họ cũng bị lệ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật và công nghệ của Nga. Trong bối cảnh Nga bị cô lập trên thế giới, thì chắc chắn Ấn Độ cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều trong hoạt động sản xuất vũ khí này.

    Indonesia mới đây đã phải từ bỏ việc mua vũ khí từ Nga, để tiếp cận các vũ khí từ Phương Tây, cũng vì e ngại việc cấm vận và trừng phạt Nga sẽ dẫn đến sự gián đoạn cho nguồn cung cấp vũ khí cho Indonesia.

    Phía Mỹ đã nhiều lần chào hàng các vũ khí của họ tới Việt Nam, nhưng vì Việt Nam e ngại Trung Quốc cho nên vẫn chưa xúc tiến với Mỹ vấn đề này.

    Theo ý kiến của một số chuyên gia quân sự, bởi vì mối đe doạ từ Trung Quốc chủ yếu là trên Biển Đông, cho nên, Việt Nam cần trang bị các loại vũ khí, khí tài để nâng cao năng lực phòng thủ trên mặt biển và khả năng phòng thủ dưới mặt nước. Đặc biệt các phương tiện trinh sát hoặc cảnh báo sớm, vốn là ưu thế trong vũ khí của Mỹ, nếu Hải quân Việt Nam có được thì sẽ được tăng cường sức mạnh phòng thủ hơn rất nhiều. Thêm nữa, nếu có thể sử dụng các thiết bị Sonar (thăm dò dưới đáy biển) mà phía Mỹ đang có ưu thế tuyệt đối, thì phía Hải quân Việt Nam có thể nắm bắt chắc chắn về địa hình dưới đáy biển, từ đó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc triển khai các hoạt động phòng thủ dưới đáy biển. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được, nếu cả hai bên Việt - Mỹ cùng đồng ý hợp tác với nhau trong lĩnh vực này.

    Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều rào cản cho việc Việt Nam có thể mua sắm các vũ khí, khí tài và các phương tiện quân sự của Mỹ. Những rào cản đó là tâm lý và truyền thống của người Việt Nam trong việc sử dụng vũ khí từ Nga; giá cả của vũ khí Mỹ đắt hơn nhiều so với vũ khí Nga; sự thiếu tin tưởng từ phía Việt Nam đối với Chính phủ Mỹ nói chung dẫn đến tâm lý e ngại khi mua vũ khí từ Mỹ, vì Chính phủ Việt Nam có thể e ngại việc mua vũ khí từ Mỹ sẽ khiến quốc gia này lệ thuộc vào Mỹ. Thêm nữa, sự ngại ngùng trước áp lực từ Trung Quốc cũng là một lý do để Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng mua sắm vũ khí từ Mỹ.


    Phân tích của Trần Đại Thanh

    Không có nhận xét nào