Minister Vivian Balakrishnan’s Ministerial Statement on Ukraine and its Implications
Ngày 28/2/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, TS. Vivian Balakrishnan đã có bài phát biểu trước Quốc hội Singapore về tình hình ở Ukraine và những tác động của nó. Dưới đây là phần nội dung bài phát biểu về lập trường của Singapore đối với hành động vũ lực của Nga đối với Ukraine.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Chúng ta đang chứng kiến một cuộc xâm lược quân sự vô cớ vào một Quốc gia có chủ quyền. Ukraine là một quốc gia rộng lớn đa ngôn ngữ và đa tôn giáo với dân số khoảng 44 triệu người. Nó có một lịch sử lâu đời, với mối quan hệ phức tạp với Nga và các quốc gia khác trong khu vực. Ukraine trở thành quốc gia độc lập vào năm 1991, với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Ngay sau đó vào năm 1994, Ukraine đã được thuyết phục từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình, lớn thứ ba trên thế giới vào thời điểm đó, thông qua ký kết Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân. Đổi lại, Nga, Hoa Kỳ (Mỹ) và Vương quốc Anh (Anh), thông qua Bản ghi nhớ Budapest về Đảm bảo An ninh, “tái khẳng định nghĩa vụ không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine, và không một loại vũ khí nào của họ sẽ được sử dụng để chống lại Ukraine ngoại trừ để tự vệ hoặc theo quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc.” Những từ mà có lẽ giờ đây vang lên khá trống rỗng.
Kể từ đó, Ukraine đã phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn chính trị trong nước, trầm trọng hơn bởi các phong trào ly khai và căng thẳng với Nga. Hai mươi năm sau Bản ghi nhớ Budapest, Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 trong khi cả thế giới đứng nhìn. Xung đột trên thực địa ở Donbas đã tiếp tục trong tám năm qua, với các đợt ngừng bắn có giới hạn. Và bắt đầu từ mùa xuân năm 2021, Nga đã tập trung hơn 100.000 quân tại biên giới với Ukraine. Vào tháng 1 năm 2022, các cuộc tấn công mạng đã được thực hiện nhằm vào các trang web của chính phủ Ukraine. Vào ngày 21 tháng 2 năm 2022, Nga đã công nhận hai khu vực ly khai của Ukraine và thông báo rằng quân đội Nga sẽ bắt đầu thực hiện cái mà họ gọi là “hoạt động gìn giữ hòa bình”. Vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Nga tuyên bố bắt đầu “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Ngay sau đó là các cuộc tấn công trên không, trên bộ và trên biển vào nhiều mục tiêu trên toàn lãnh thổ Ukraine. Lực lượng mặt đất của Nga bao gồm các đội hình thiết giáp nhanh chóng tiến vào Ukraine từ phía bắc, phía nam và phía đông, và đã tiến đến thủ đô Kyiv.
Advertisements
Report this ad
Trong khi Ukraine ở xa chúng ta, chúng ta đang theo dõi cuộc khủng hoảng với sự lo lắng sâu sắc. Hiệu ứng kinh tế đã có thể cảm nhận được ở đây, ví dụ như giá điện và xăng dầu tăng. Bộ trưởng Gan Kim Yong sẽ nói về các vấn đề kinh tế vào cuối ngày hôm nay. Nhưng đây không phải là lý do chính mà tình hình ở Ukraine quan trọng đối với chúng ta.
Các sự kiện ở Ukraine là trọng tâm của các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, cấm sử dụng vũ lực và các hành động gây hấn chống lại một Quốc gia có chủ quyền khác. Việc Nga xâm lược Ukraine là một hành vi vi phạm rõ ràng và thô bạo các chuẩn mực quốc tế và là một tiền lệ hoàn toàn không thể chấp nhận được. Đây là vấn đề có tính sống còn cho chúng ta. Ukraine nhỏ hơn nhiều so với Nga, nhưng lại lớn hơn nhiều so với Singapore. Một trật tự thế giới dựa trên “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, hoặc nơi “kẻ mạnh làm những gì họ có thể làm và kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu”, một trật tự thế giới như vậy sẽ vô cùng có hại cho an ninh và sự tồn tại của các quốc gia nhỏ. Chúng ta không thể chấp nhận một quốc gia tấn công nước khác mà không có lý do chính đáng, cho rằng nền độc lập của họ là kết quả của “những sai lầm lịch sử và những quyết định điên rồ”. Cơ sở lý luận như vậy sẽ đi ngược lại tính hợp pháp được quốc tế công nhận và tính toàn vẹn lãnh thổ của nhiều quốc gia, bao gồm cả Singapore.
Đó là lý do tại sao chúng ta là quốc gia ủng hộ trung thành luật pháp quốc tế và các nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia lớn nhỏ phải được tôn trọng. Singapore phải lưu tâm nghiêm túc bất kỳ hành vi vi phạm nào đối với các nguyên tắc cốt lõi này, bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào chúng xảy ra. Đây là lý do tại sao Singapore lên án mạnh mẽ cuộc tấn công vô cớ của Nga vào Ukraine.
Thật đau lòng khi chứng kiến những thương vong nặng nề và mất mát của nhiều sinh mạng vô tội do cuộc tấn công và hành động chiến tranh phi lý này gây ra. Chúng tôi đặc biệt kêu gọi Nga chấm dứt ngay hành động quân sự tấn công này và nỗ lực giải quyết hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Chúng tôi cũng kêu gọi được tiếp cận an toàn và không bị cản trở để hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine và tất cả những ai đang cần.
Singapore đang làm phần việc của chúng ta. Hội Chữ thập đỏ Singapore đã cam kết đóng góp 100.000 USD hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hiện nay, với sự hợp tác của Hiệp hội Chữ thập đỏ Ukraine và Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Sự đóng góp này sẽ cung cấp các vật dụng cứu trợ thiết yếu như bộ dụng cụ vệ sinh, bộ dụng cụ gia đình cho những người dễ bị tổn thương đã phải di tản do xung đột. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ Singapore đã phát động một cuộc kêu gọi gây quỹ công khai để hỗ trợ các hoạt động nhân đạo quy mô sắp diễn ra. Chính phủ Singapore cũng sẽ đóng góp 100.000 USD cho hoạt động nhân đạo này thông qua Hội Chữ thập đỏ Singapore.
Thưa ngài Chủ tịch, có những bài học quan trọng để chúng ta rút ra từ cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay:
Thứ nhất, mặc dù luật pháp quốc tế và các nguyên tắc ngoại giao là cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ. Bản ghi nhớ Budapest được cho là nhằm đảm bảo an ninh của Ukraine bởi ba cường quốc hạt nhân – Nga, Mỹ và Anh. Nhưng các thỏa thuận chỉ có ý nghĩa nếu các bên tôn trọng và nếu chúng có thể được thực thi. Cuộc xâm lược Ukraine chứng tỏ một quốc gia dễ bị tổn thương có thể bị đánh bại nhanh chóng như thế nào, đặc biệt là khi đối đầu với một đối thủ lớn hơn và mạnh hơn. Đây là thực tế gay gắt đối với tất cả các nước nhỏ, và Singapore không phải là ngoại lệ. Việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và cuộc xâm lược Kuwait của Iraq vào năm 1990 là những lời nhắc nhở rõ ràng về điều này. Bạn không thể phụ thuộc vào người khác để bảo vệ đất nước của bạn. Vì vậy, chúng ta không bao giờ được đánh mất khả năng tự vệ và chăm lo bản thân. Đây là lý do tại sao Singapore đã đầu tư nhất quán xây dựng một Lực lượng Vũ trang Singapore (Singapore Armed Forces – SAF) đáng tin cậy và mạnh mẽ, đồng thời duy trì Dịch vụ Quốc gia như một yếu tố cơ bản của quốc gia chúng ta.
Năng lực của SAF phải dựa trên quyết tâm của người dân Singapore – quyết tâm sắt đá của nhân dân chúng ta là chiến đấu và hy sinh, nếu cần, để bảo vệ những gì là của chúng ta và cách sống của chúng ta. Nếu không có khả năng và quyết tâm như vậy, không có biện pháp ngoại giao nào có thể cứu được một quốc gia.
Thứ hai, tất cả đều quá dễ dàng cho một quốc gia nhỏ bị cuốn vào các trò chơi địa chính trị của các cường quốc. Các nước nhỏ phải tránh trở thành những con tốt hiến tế, các nước chư hầu hay công cụ “cat’s paw” được bên này sử dụng để chống lại bên kia. Trong một bài phát biểu vào năm 1973, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã chia sẻ đồng tình với Julius Nyerere, Tổng thống Tanzania lúc bấy giờ, người đã nói: “Khi voi chiến, cỏ phải chịu trận”. Đây là lý do tại sao chúng ta làm việc chăm chỉ để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước láng giềng và với các cường quốc. Khi các tình huống phát sinh, các đánh giá và hành động của chúng ta dựa trên các nguyên tắc được công bố rõ ràng và được duy trì nhất quán, vì lợi ích quốc gia lâu dài của chúng ta. Thay vì lựa chọn bên, chúng ta đề cao các nguyên tắc. Điều này đáng được nhắc lại – thay vì chọn bên, chúng ta đề cao các nguyên tắc. Do đó, khi chúng ta thực hiện chính sách đối ngoại một cách chặt chẽ và nhất quán, chúng ta cũng sẽ trở thành những đối tác đáng tin cậy cho những ai hoạt động theo cùng nguyên tắc. Tuy nhiên, trên cơ sở nguyên tắc, sẽ có lúc chúng ta phải chọn vị trí trên ngay cả khi nó đối lập với một hoặc nhiều cường quốc – như chúng ta đang làm hiện nay.
Thứ ba, là một quốc gia trẻ, điều quan trọng là chúng ta phải duy trì sự đoàn kết và gắn kết trong nước, lưu ý rằng đối thủ có thể dễ dàng lợi dụng sự chia rẽ nội bộ, đặc biệt là trong thời đại internet này và sự xuất hiện của chiến tranh hỗn hợp. Chia rẽ và làm suy yếu đối thủ trong nội bộ, công khai và bí mật, đã trở thành tiêu chuẩn bổ sung cho chiến tranh thông thường. Vì vậy, chính trị nội bộ của chúng ta phải không được vượt ra khỏi phạm vi đất nước chúng ta. Tôi cảm ơn tất cả các thành viên của Quốc hội đã tôn trọng quy định nguyên tắc này và tôi muốn chia sẻ rằng tôi cũng đã chia sẻ quan điểm này với Lãnh đạo phe đối lập, ông Pritam Singh.
Thứ tư, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia thường đòi hỏi hy sinh và đau đớn. Người Ukraine đang phải trả giá đến tận cùng cho tự do bằng cuộc sống và sinh kế của họ. Phần còn lại của cộng đồng quốc tế đang đứng lên chống lại sự xâm lược thông qua các lệnh trừng phạt cũng sẽ phải gánh chịu một số nỗi đau và phải trả giá. Người Singapore cũng phải hiểu rằng đứng lên vì lợi ích quốc gia của chúng ta có thể phải trả một số giá. Chúng ta phải chuẩn bị để đối phó với hậu quả, gánh chịu nỗi đau, giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau đứng lên.
Chúng ta tiếp tục coi trọng mối quan hệ tốt đẹp với Nga và nhân dân Nga. Tuy nhiên, chúng ta không thể chấp nhận những hành vi vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền khác như vậy. Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác ASEAN và quốc tế để có lập trường mạnh mẽ hơn nữa chống lại sự xâm lược Ukraine, chấm dứt bạo lực và đổ máu cũng như giảm leo thang căng thẳng.
Chúng ta cũng tham gia tích cực tại Liên Hợp Quốc. Ba ngày trước, một dự thảo nghị quyết đã được trình bày tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) để lên án hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine. Singapore là một trong 82 nước đồng bảo trợ cho nghị quyết này của Hội đồng Bảo an. Đúng như dự đoán, Nga, với tư cách là Thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an, đã phủ quyết nghị quyết đó. Vì vậy nghị quyết đã không được thông qua dù 11 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu ủng hộ và 3 thành viên còn lại là Trung Quốc, Ấn Độ và UAE bỏ phiếu trắng. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) sẽ thảo luận về một nghị quyết tương tự vào cuối ngày hôm nay. Các nghị quyết của Đại hội đồng không có quyền phủ quyết, nhưng cũng không có giá trị ràng buộc. Tuy nhiên, với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Singapore sẽ thực hiện theo đúng tinh thần và câu chữ của quyết định của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Singapore luôn tuân thủ đầy đủ các biện pháp trừng phạt và quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng chúng ta hiếm khi có hành động đặt ra các biện pháp trừng phạt đối với các nước khác khi không có các quyết định hoặc chỉ đạo ràng buộc của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, với mức độ nghiêm trọng chưa từng có của cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và sự phủ quyết đáng ngạc nhiên của Nga đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Singapore dự định sẽ hành động cùng với nhiều quốc gia cùng chí hướng khác để áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế thích hợp chống lại Nga. Đặc biệt, chúng ta sẽ có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng có thể được sử dụng trực tiếp làm vũ khí ở Ukraine để gây tổn hại hoặc để khuất phục người Ukraine. Chúng ta cũng sẽ chặn một số ngân hàng Nga và các giao dịch tài chính được kết nối với Nga. Các biện pháp cụ thể đang được thực hiện và sẽ được công bố trong thời gian ngắn.
Chúng ta phải chuẩn bị rằng các biện pháp của chúng ta sẽ phải trả một số giá và tác động đến các doanh nghiệp, công dân của chúng ta, và thực sự, tác động đến Singapore. Tuy nhiên, trừ khi chúng ta [hành động] với tư cách là một quốc gia ủng hộ các nguyên tắc tạo nền tảng cho độc lập và chủ quyền của các quốc gia nhỏ hơn, nếu không quyền tồn tại và thịnh vượng của chính chúng ta với tư cách là một quốc gia cũng có thể bị thách thức tương tự một ngày nào đó.
Thưa ngài Chủ tịch Quốc hội, đây là thời điểm để chúng ta xích lại gần nhau và đứng lên vì các nguyên tắc, giữ vững các nguyên tắc cốt lõi cho sự sống sót của chúng ta, sự tồn tại của chúng ta với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Cảm ơn ông, Ngài Chủ tịch.
Nguồn bài phát biểu: https://www.mfa.gov.sg/Newsroom/Press-Statements-Transcripts-and-Photos/2022/02/20220228-Ministerial-Statement
Trần Phạm Bình Minh và TS. Phạm Huệ Việt lần lượt là cộng tác viên và thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Không có nhận xét nào