Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Phạm Đình Bá - Bác Hồ ơi, làm sao lật đổ Putin?



    ‘I spread Kremlin propaganda’: Russian TV news protester's pre-recorded statement – video

    Những bàn luận về một cuộc cách mạng để lật đổ Putin đã trở nên sôi nổi hơn kể từ khi chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu ngày 24/02/2022. Trong thế kỷ 21, chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc cách mạng màu ở các nước hậu Xô Viết - như Georgia, Belarus và Ukraine. Mặc dù vậy, bằng chứng tốt nhất cho thấy tỷ lệ một vụ cách mạng màu ở Nga vẫn khá thấp. [1]

    Rất ít học giả có ảnh hưởng trong lĩnh vực này hơn Erica Chenoweth của đại học Harvard. [1] Kết quả của các nghiên cứu chỉ ra rằng một cuộc cách mạng màu có nhiều khả năng lật đổ các chế độ độc tài toàn trị là một trong những kết quả chính trị hiếm hoi được coi là có nhiều đồng thuận trong giới nghiên cứu.

    Khi những nhà nghiên cứu như Chenoweth xem xét tình hình ở Nga hiện nay, họ lưu ý rằng vẻ ngoài ổn định lâu đời ở nước Nga của Putin có thể là một sự kiên cố có tính lừa dối.

    Nhà nghiên cứu Chenoweth nói: “Nga có một di sản lâu dài và lâu đời của các phong trào nỗi loạn dân sự. Sự thất bại của các cuộc chiến tranh thiếu sự hậu thuẫ trong dân đã dẫn đến hai cuộc nỗi loạn đáng nhớ."

    Ở đây, Chenoweth đề cập đến hai cuộc nổi dậy đầu thế kỷ 20: cuộc nổi dậy năm 1905 dẫn đến việc thành lập cơ quan lập pháp của Nga sau khi Nga thất bại trong chiến tranh Nga Nhật; và cuộc cách mạng năm 1917 nổi tiếng hơn đã mang lại Liên bang Xô viết sau khi Nga thất bại thê thảm trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

    Trên thực tế hôm nay, chúng ta đã chứng kiến những bất đồng chính kiến đáng chú ý trong cuộc xâm lăng Ukraine của Putin, bao gồm các cuộc biểu tình ở gần 70 thành phố của Nga chỉ riêng vào ngày 6 tháng 3.

    Có thể hình dung rằng những cuộc biểu tình này sẽ phát triển nếu cuộc chiến tiếp tục diễn ra và quân Nga bị dậm chân tại chỗ, đặc biệt nếu lính Nga bị thương vong đáng kể. Những cuộc biểu tình như vây cũng có thể gia tăng nếu Putin buộc lính Nga phải trở nên tàn bạo hàng loạt đối với dân thường ở Ukraine. Phản ứng mạnh cũng có thể xảy ra nếu dân Nga phải gánh chịu nỗi đau kinh tế sâu sắc từ các lệnh trừng phạt từ các nước do hành động xâm lược của Putin. Tuy vậy hiện nay, chúng ta vẫn còn rất xa so với một cuộc nổi dậy sâu rộng trong quần chúng.

    Nghiên cứu của Chenoweth cho thấy bạn cần thu hút khoảng 3,5% dân số tham gia vào các cuộc biểu tình để đảm bảo một số hình thức nhượng bộ của chính phủ. Ở Nga, con số đó tương ứng với khoảng 5 triệu người. Các cuộc biểu tình phản chiến hiện nay vẫn còn rất xa về mức tham gia với quy mô đó. Ngay cả nhà nghiên cứu Chenoweth cũng không chắc dưới các tiến triển xấu nhất của hệ lụy từ cuộc chiến xâm lược ở Ukraine các cuộc biểu tình hiện nay có thể tăng dần về số người xuống đường để tiếp cận đến mức sâu rộng để buộc Putin phải thối lui. [1]

    Nhà nghiên cứu Chenoweth lưu ý: “Thật khó để tổ chức các cuộc biểu tình sâu rộng và lâu dài ở Nga. Chính phủ của Putin đã hình sự hóa nhiều hình thức biểu tình, đồng thời đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động của các nhóm, phong trào và các phương tiện truyền thông được cho là đối lập với chế độ hiện nay”.

    Một cuộc cách mạng màu là điều mà Putin đã chuẩn bị đối đầu trong nhiều năm. Theo một số tài liệu, đó là nỗi sợ hãi số một của Putin kể từ Mùa xuân Ả Rập và đặc biệt là cuộc nổi dậy Euromaidan năm 2013 ở Ukraine. Những rào cản đàn áp của Putin là rất quan trọng, khiến các cuộc biểu tình phản chiến không thể phát triển thành một phong trào lớn mạnh, ngay cả trong thời điểm tình hình ở Ukrain có thể xấu đi hơn nữa trong tương lai gần.

    Trong một xã hội độc tài như ở Nga, việc chính phủ Putin sẵn sàng bắt giữ, tra tấn và giết những người bất đồng chính kiến khiến cho vấn đề phối hợp và tổ chức biểu tình trở nên rất khó khăn. Khả năng của các nhà lãnh đạo dân sự để thuyết phục hàng nghìn công dân xuống đường đồng loạt là có rất nhiều thử thách, nếu không nói là không thể đạt được.

    Trong các cuộc cách mạng màu trước đây, các phương tiện truyền thông do phe đối lập kiểm soát và các nền tảng mạng xã hội đã giúp giải quyết khó khăn này. Nhưng gần đây, Putin đã gia tăng kiểm duyệt và đóng cửa các cơ sở truyền thông độc lập đáng chú ý, đàn áp các phương tiện truyền thông xã hội, hạn chế quyền truy cập Facebook, Twitter và Instagram. Hắn cũng đã đưa ra các biện pháp khẩn cấp trừng phạt việc phát tán thông tin về chiến tranh với mức án lên đến 15 năm tù. Những người biểu tình chống chiến tranh đã bị bắt hàng loạt.

    Hầu hết người Nga lấy tin tức của họ từ các phương tiện truyền thông do chính phủ điều hành. Các nguồn nầy đã đưa hàng loạt các tin tức “chiến thắng” và tin tức giả về thực chất của cuộc chiến xâm lược. Nhiều người dân có vẻ thực sự tin vào cách đưa tin nầy: Một cuộc thăm dò ý kiến độc lập cho thấy 58% người Nga ủng hộ chiến tranh ở một mức độ nào đó. [1]

    Nhà báo Nga Alexey Kovalyov nói với đồng nghiệp Sean Illing: “Những gì những cuộc thăm dò này phản ánh chỉ là có bao nhiêu người thực sự theo dõi truyền thông nhà nước, nguồn thông tin này cho họ biết họ phải nghĩ gì và nói gì”.

    Nói như vậy không có nghĩa là tất cả dân Nga đều ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine. Một nhân viên trên kênh truyền hình nhà nước của Nga đã làm gián đoạn chương trình tin tức chính của kênh với một cuộc phản đối bất thường chống lại cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin. [2]

    Marina Ovsyannikova, một biên tập viên của kênh truyền hình nhà nước, đã xuất hiện bất chợt trong chương trình phát sóng trực tiếp bản tin hàng đêm vào tối 14/03/2022, hét lên: “Hãy ngừng chiến tranh. Không để xảy ra chiến tranh ”. Cô ấy cũng cầm một tấm biển ghi: “Đừng tin vào những lời tuyên truyền. Họ đang nói dối bạn ở đây."

    Những người biểu tình dũng cảm ở các thành phố của Nga chứng minh rằng chính phủ kiểm soát môi trường thông tin không hoàn toàn kín kẽ. Nhưng để những cuộc xuống đường này trở thành to lớn hơn, các nhà hoạt động dân chủ ở Nga sẽ cần phải tìm ra một cách sâu rộng hơn để vượt qua kiểm duyệt và đàn áp. Điều đó không dễ thực hiện và đòi hỏi các nhà hoạt động phải có kỹ năng rất cao. [1]

    Những nghiên cứu như của Chenoweth phát hiện ra rằng các lựa chọn chiến thuật của các nhà hoạt động đối lập có tác động to lớn đến việc liệu những người biểu tình cuối cùng có thành công trong mục tiêu của họ hay không.

    Các nhà tổ chức dân sự cần “cung cấp cho mọi người một loạt các chiến thuật mà họ có thể tham gia”, bởi vì không phải ai cũng muốn xuống đường trong hoàn cảnh nguy hiểm cho họ như hiện nay. Nhưng mọi người có thể sẵn sàng tẩy chay hoặc làm những việc khác có vẻ ít rủi ro hơn nhưng vẫn có tác động đáng kể, theo nhà nghiên cứu Hardy Merriman, cố vấn cấp cao của Trung tâm Quốc tế về Xung đột Bất bạo động. [1]

    Gần đây, chúng ta đã có thể thấy một số sáng tạo chiến thuật trong việc tổ chức phản chiến. Alexis Lerner, một học giả về bất đồng chính kiến ở Nga, nói rằng người Nga đang sử dụng các phương pháp độc đáo như graffiti và video TikTok để vượt qua bộ máy kiểm duyệt và cưỡng chế của nhà nước. Cô cũng lưu ý rằng một lượng lớn những lời chỉ trích bất thường đối với chính phủ đến từ những người Nga nổi tiếng, từ các nhà tài phiệt cho đến các ngôi sao trên mạng xã hội. [1]

    Nhưng đồng thời, chúng ta cũng có thể thấy tác dụng của sự đàn áp hàng chục năm qua ở Nga trong các hoạt động xã hội dân sự. Trong thời gian nắm quyền, Putin đã làm việc một cách có hệ thống để loại bỏ và trấn áp bất cứ ai mà hắn xác định là mối đe dọa tiềm tàng. Ở cấp độ cao nhất, điều này có nghĩa là tấn công và bỏ tù những người bất đồng chính kiến nổi tiếng như Mikhail Khodorkovsky và Alexei Navalny.

    Sự đàn áp cũng kéo dài xuống lớp hạ tầng, từ các nhà báo đến các nhà hoạt động dân sự cho đến những người Nga bình thường, những người có thể đã nhúng tay quá nhiều vào chính trị. Kết quả là các lực lượng chống Putin đang cực kỳ cạn kiệt, với nhiều đối thủ của Putin phải lưu vong ngay cả trước khi cuộc xung đột Ukraine bắt đầu.

    Hơn nữa, các cuộc cách mạng màu thường không thành công nếu không có một phần ủng hộ từ những thành phần ưu tú trong xã hội. Cách mạng màu đương dại không giống như cuộc cách mạng Pháp khi dân biểu tình ở Paris xông vào phá ngục Bastille năm 1789. Trong cuộc cách mạng màu dẫn đến sự sụp đổ của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak vào năm 2011, lực lượng an ninh của Mubarak đã từ chối đàn áp những người biểu tình và gây áp lực buộc ông phải từ chức.

    Nhà nghiên cứu Chenoweth giải thích: “Sự phản đối mang tính biểu tượng thường không đủ để mang lại thay đổi. Điều khiến các phong trào như vậy thành công là khả năng tạo điều kiện hoặc thúc đẩy sự thay đổi về lòng trung thành của các trụ cột ủng hộ chế độ, bao gồm giới tinh hoa quân sự và an ninh, truyền thông nhà nước, giới tài phiệt và các cộng sự chính trị bên trong của Putin”.

    Với mức độ kiểm soát của Putin đối với các cơ sở an ninh ở Nga, sẽ phải có một phong trào phản đối thực sự rộng lớn để tách những thành phần xã hội được Putin dung túng ra khỏi chu vi quyền lực của hắn.

    Tỷ lệ thay đổi chế độ ở Nga là bao nhiêu?

    Có thể khó đoán về những sự kiện hiếm xảy ra như sự sụp đổ của chế độ Putin. Đề xuất rằng điều đó có thể xảy ra cũng giống như gợi ý rằng điều đó có thể xảy ra; đề xuất rằng điều đó khó có thể xảy ra cũng như gợi ý rằng điều đó là không thể xảy ra.

    Vấn đề dĩ nhiên là không phải rõ ràng đen trắng dễ đoán. Nhưng điều quan trọng là phải nhìn thấy một vùng xám ở đây: chấp nhận rằng sự kết thúc của Putin có nhiều khả năng xảy ra bây giờ hơn là vào ngày 23 tháng 2, một ngày trước khi Putin phát động cuộc tấn công vào Ukraine, nhưng vẫn rất ít khả năng hơn so với việc chính phủ của hắn tiếp tục tồn tại. Chiến tranh đã tạo ra áp lực mới lên chế độ, ở cả tầng lớp tinh hoa và đại chúng, nhưng thực tế vẫn là nước Nga của Putin là một chế độ chuyên quyền cực kỳ hiệu quả với những hàng rào bảo vệ vững chắc chống lại một cuộc cách mạng màu.

    Vậy chúng ta nên nghĩ về tỷ lệ thay đổi chế độ ở Nga như thế nào? Nếu phải đánh giá, nó có gần hơn 20 phần trăm - hay 1 phần trăm?

    Câu hỏi này không thể trả lời chính xác. Môi trường thông tin quá âm u, do cả sự kiểm duyệt ở Nga và sự hỗn loạn tin tức trong chiến tranh, nên rất khó để phân biệt các sự kiện cơ bản. Ví dụ như chúng ta không biết số lính Nga thiệt mạng trong chiến tranh thực tế là bao nhiêu. Chúng ta không thực sự hiểu rõ các thành viên chủ chốt của cơ quan an ninh Nga cảm thấy thế nào về cuộc chiến. Chúng ta không rõ liệu những người đang cố gắng tổ chức các cuộc biểu tình quần chúng có đủ tài năng để vượt qua sự đàn áp hung hãn của Putin hay không.

    Và những tác động trong tương lai gần của các chính sách quan trọng cũng không rõ ràng. Các biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ tiến triển và duy trì ra sao. Chúng ta biết rằng những biện pháp này đã có tác động tàn phá nền kinh tế Nga. Điều mà chúng ta không biết là công chúng Nga sẽ đổ lỗi cho ai về hệ lụy mà họ phải gánh chịu: Putin vì hắn phát động chiến tranh xâm lược - hay Phương Tây vì các nước đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế? Liệu sự thực có thể xuyên thủng sự kiểm soát của Putin đối với môi trường thông tin không? Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn trong việc dự đoán về tỷ lệ thay đổi thể chế ở Nga.

    Putin đã xây dựng tính hợp pháp của mình xung quanh những ý tưởng như khôi phục sự ổn định, thịnh vượng và vị thế toàn cầu của Nga. Bằng cách đe dọa cả ba điều nầy, cuộc chiến ở Ukraine đang trở thành thử thách lớn nhất đối với chế độ của hắn hơn bao giời hết.

    Nguồn:

    1. Zack Beauchamp. Could Putin actually fall? 13/03/2022 [cited Vox - March 17, 2022 Available from: https://www.vox.com/22961563/putin-russia-ukraine-coup-revolution-invasion.

    2. The Guardian. ‘They’re lying to you’: Russian TV employee interrupts news broadcast. 14/03/2022; Available from: https://www.theguardian.com/world/2022/mar/14/russian-tv-employee-interrupts-news-broadcast-marina-ovsyannikova.

    Không có nhận xét nào