Header Ads

  • Breaking News

    Trịnh Hữu Long - Hai nửa lá phiếu của Việt Nam

    Nửa thuận, nửa chống, và thái độ ỡm ờ trước cái ác.

     


    Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 1/3/2022. Ảnh: TTXVN.

    Nên hiểu như thế nào về bài phát biểu của Đại sứ Đặng Hoàng Giang và lá phiếu của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc về Nghị quyết Ukraine?

    Nhiều người nói bài phát biểu của vị đại sứ như vậy là đúng mực, đủ ý, vừa thể hiện chính nghĩa vừa phản ánh lợi ích quốc gia của Việt Nam. Lá phiếu trắng của Việt Nam cũng không có gì lạ.

    Nhiều người khác thì bảo tuy không hài lòng với lá phiếu trắng của Việt Nam nhưng thôi thì như vậy cũng đã là tiến bộ lắm rồi.

    Số khác lại bức xúc vì bỏ phiếu trắng đồng nghĩa với việc trung lập trước cái ác, và do đó không khác gì đồng lõa với cái ác.

    Tôi nghĩ tất cả các ý kiến trên đều đúng và cùng đúng.

    Thứ nhất, cần thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã có tiến bộ trong cách phản ứng với một vấn đề quốc tế. Bài phát biểu của Đại sứ Đặng Hoàng Giang dựa trên luật quốc tế để lên án các hành vi sử dụng bạo lực trong quan hệ quốc tế và kêu gọi các bên vãn hồi hòa bình, giải quyết các tranh chấp bằng các công cụ ngoại giao. [1]

    Không chỉ có trích luật suông và nói đãi bôi, bài phát biểu còn đi xa hơn thế khi đề cao những giá trị chính nghĩa bằng kinh nghiệm chống cường quyền và ngoại xâm của riêng Việt Nam.

    Mặc dù không nêu đích danh Liên bang Nga và không gọi hành vi của Nga là xâm lược, không thể hiểu bài phát biểu của Đại sứ Giang theo cách nào khác. Nếu có cái gọi là khôn khéo trong ngoại giao thì bài phát biểu này có thể được coi là một ví dụ.

    Mặc dù vậy, ta rất nên hiểu sự tiến bộ của Việt Nam ở đây là so với phát ngôn né tránh ban đầu của Bộ Ngoại giao và so với hiện tượng kiểm duyệt báo chí theo hướng có lợi cho Nga diễn ra trong suốt thời gian qua. Gọi là tiến bộ thì không sai, nhưng cần biết rằng xuất phát điểm như vậy là quá thấp.

    Thứ hai, bất chấp những lời phát biểu hùng hồn và có phần sâu sắc của Đại sứ Giang, lá phiếu trắng đồng nghĩa với việc Việt Nam làm ngơ trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

    Phiếu trắng ở cuộc họp này của Liên Hợp Quốc có nghĩa là thế nào? Theo điều lệ, cần phải có 2/3 số quốc gia thành viên bỏ phiếu thì một nghị quyết mới được thông qua. Con số 2/3 này chỉ được tính dựa trên số phiếu thuận và chống. Thuật ngữ chính thức của phiếu trắng là “abstention”, và lá phiếu trắng này không được tính. [2]

    Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nêu rõ hành vi của Nga là “xâm lược” (aggression), “bất hợp pháp” (unlawful) và “vi phạm” (violation) Hiến chương Liên Hợp Quốc lẫn luật pháp quốc tế. Nghị quyết cũng “lên án” (condemns), và lời lên án nhắm tới một địa chỉ cụ thể: Liên bang Nga. [3]

    Những lời lẽ này trong Nghị quyết hoàn toàn phù hợp với tinh thần của bài phát biểu của Đại sứ Giang, chỉ khác ở chỗ nó nêu đích danh Nga và gọi thẳng là “xâm lược”. Vậy là, thay vì nói được làm được, thay vì nói sao làm vậy, chính phủ Việt Nam đã bỏ phiếu trắng, coi như không bỏ phiếu.

    Để đơn giản hóa phản ứng của Việt Nam, ta có thể “dịch” lại như sau: Việt Nam chúng tôi lên án, phản đối các hành vi xâm lược nói chung nhưng nếu ai xâm lược thì chúng tôi không có ý kiến.

    Bằng cách đó, không phải Việt Nam bỏ phiếu trắng, mà thực ra là bỏ hai nửa phiếu. Một nửa phiếu thuận, một nửa phiếu chống.

    Đó là thái độ ngoại giao ỡm ờ của một quốc gia không biết mình muốn gì và không biết giá trị của mình là gì. Ỡm ờ trong những vấn đề vô thưởng vô phạt hay ít rõ ràng trắng đen hơn thì thôi còn châm chước được, nhưng ỡm ờ trong cả những vấn đề đúng sai rõ ràng và căn cốt về nhân tính như thế này thì không thể trách ai lên án nhân cách của mình.

    Chẳng người nước ngoài nào bỏ công đọc hay xem bài phát biểu của Đại sứ Giang. Họ chỉ biết lá phiếu trắng mang màu tang tóc của Việt Nam. Lịch sử thế giới đã chính thức ghi nhận Việt Nam đứng về phía cái ác vào một thời điểm mang tính bước ngoặt.

    Thái độ ỡm ờ về nhân tính căn bản không bao giờ nên được châm chước, dù cho có tiến bộ bao nhiêu. Người Việt Nam có quyền kỳ vọng và mưu cầu những giá trị tốt đẹp hơn cho đất nước mình. Không ai nói ngoại giao là đơn giản, không ai nói lãnh đạo một quốc gia là dễ dàng, nhưng trong những vấn đề căn cốt, ta không thể bỏ một nửa lá phiếu cho nhân tính của mình.

    Tạp chí Luật Khoa

    Không có nhận xét nào