Header Ads

  • Breaking News

    Trịnh Hữu Long - 7 điều cơ bản về an ninh và quan hệ quốc tế của Đài Loan

    Tìm hiểu về một trong những điểm nóng xung đột quan trọng nhất thế giới hiện nay.



    Bà Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức tổng thống Đài Loan trước chân dung Tôn Trung Sơn, tháng 5/2020. Ảnh: Taiwan Presidential Office Handout via EPA.

    Nguy cơ chiến tranh giữa Đài Loan và Trung Quốc luôn là một trong những mối lo ngại lớn của thế giới. Để hiểu về các vấn đề an ninh lẫn quan hệ quốc tế của Đài Loan, mời bạn tìm hiểu bảy điều cơ bản dưới đây.

    1. Đài Loan hay Đài Loan (Trung Quốc)?

    Đài Loan có tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China), một nhà nước cộng hòa được lập ra năm 1912 sau Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc. [1] Đây là nhà nước cộng hòa đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, chấm dứt hàng ngàn năm quân chủ của đất nước rộng lớn này và được coi là thực thể kế thừa Trung Quốc từ triều đình nhà Thanh.

    Năm 1949, đảng cầm quyền của Trung Hoa Dân Quốc là Quốc Dân Đảng bại trận ở đại lục trong cuộc nội chiến với Cộng Sản Đảng, buộc phải rút lui ra đảo Đài Loan và xây dựng Đài Loan thành một quốc gia như ngày nay.

    2. Quốc gia bị cô lập về ngoại giao

    Đài Loan hiện chỉ được 14 quốc gia trên thế giới công nhận và con số này đang có xu hướng ngày càng giảm. [2] Đây đều là các nước hoặc là nhỏ, hoặc là yếu trên thế giới, không chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc. Các nước này gồm có: Marshall Islands, Nauru, Palau, Tuvalu, Eswatini, Holy See (tức Vatican), Belize, Guatemala, Haiti, Honduras, Paraguay, Liên bang Saint Christopher và Nevis, St. Lucia, cùng Saint Vincent và Grenadines.

    Hầu hết các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan trước đây đã cắt quan hệ với nước này trong thập niên 1970, cùng với việc Đài Loan mất tư cách thành viên Liên Hợp Quốc năm 1971. [3] Mỹ chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan năm 1979 và thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trung Quốc luôn luôn gây sức ép để các nước không công nhận Đài Loan. Tư cách quốc gia của Đài Loan cho tới nay vẫn là một đề tài tranh luận trong ngành công pháp quốc tế. [4]


    Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm năm 2015 tại Singapore. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai bên gặp nhau kể từ năm 1949. Ảnh: AP.

    3. Một Trung Quốc

    Hiến pháp Đài Loan hiện nay vẫn là bản Hiến pháp năm 1947, khi Quốc Dân Đảng còn giữ được Trung Quốc đại lục. [5] Do đó, nó vẫn coi lãnh thổ Trung Hoa Dân Quốc bao gồm cả Đài Loan lẫn Trung Quốc đại lục. Trong Các Điều khoản Bổ sung của Hiến pháp, được thông qua năm 2005, xuất hiện thuật ngữ “vùng tự do” (free area) của Trung Hoa Dân Quốc, tức chỉ Đài Loan. [6]

    Như vậy, về nguyên tắc, cả Đài Loan lẫn Trung Quốc đều theo đuổi chính sách “một Trung Quốc”, nhưng Dân Tiến Đảng và nhiều phong trào xã hội ở Đài Loan không đồng ý với nguyên tắc này. Phong trào vận động sửa Hiến pháp đã diễn ra hàng chục năm nay ở Đài Loan để giải quyết vấn đề “một Trung Quốc” này. [7]

    4. Độc lập hay không độc lập?

    Chính trị Đài Loan không chia ra làm cánh tả – cánh hữu như các nền dân chủ phương Tây, mà chia ra làm hai phe: phe ủng hộ Đài Loan độc lập (pro-independence, Pan-Green) và phe ủng hộ thống nhất với Trung Quốc (pro-unification, Pan-Blue). Dân Tiến Đảng cầm quyền của Tổng thống Thái Anh Văn đại diện cho Pan-Green do có gốc là đảng của người Đài Loan bản địa, Quốc Dân Đảng đại diện cho Pan-Blue do có gốc là một đảng từ Trung Quốc đại lục chạy sang.

    Mặc dù vậy, để tránh gây căng thẳng trong quan hệ quốc tế, các chính quyền của Đài Loan từ xưa tới nay, kể cả khi do Dân Tiến Đảng nắm quyền, đều chưa từng chính thức tuyên bố Đài Loan độc lập. Động thái đi xa nhất trong vấn đề này là phát biểu của Tổng thống Thái Anh Văn khi trả lời BBC năm 2020: “Chúng tôi không có nhu cầu tuyên bố chúng tôi là một quốc gia độc lập. Chúng tôi đã là một nước độc lập rồi và chúng tôi gọi chúng tôi là Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan)”. [8]


    Các cuộc tuần hành kêu gọi độc lập cho Đài Loan diễn ra thường xuyên. Ảnh: Medium.

    5. Quan hệ đặc biệt với Mỹ

    Quan hệ Đài Loan và Hoa Kỳ có nền tảng pháp lý lớn nhất là Đạo luật Quan hệ với Đài Loan năm 1979, cùng thời điểm Mỹ chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. [9] Đạo luật này có mấy điểm chính về an ninh:

    Hòa bình và ổn định ở khu vực Đài Loan là lợi ích chính trị, an ninh và kinh tế của Mỹ.

    Tương lai của Đài Loan phải được quyết định dựa trên các phương thức hòa bình.

    Cung cấp khí tài quân sự có chức năng phòng thủ cho Đài Loan.

    Duy trì năng lực của Hoa Kỳ trong việc chống lại vũ lực và các hình thức cưỡng bức khác đối với Đài Loan.

    Cần lưu ý: Đây là luật riêng của Mỹ, không phải hiệp ước phòng thủ giữa Mỹ và Đài Loan. Mỹ không hề có luật, cũng chưa từng tuyên bố sẽ đưa quân đội chiến đấu bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị các nước khác (bao gồm cả Trung Quốc) tấn công. Nói cách khác, chính phủ Mỹ không có nghĩa vụ bảo vệ Đài Loan. Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ từng điều động tàu chiến tới vùng eo biển Đài Loan vào năm 1995 và 1996 sau khi Trung Quốc liên tục thử tên lửa ở gần Đài Loan trong một sự kiện gọi là Khủng hoảng Eo biển Đài Loan 1995-1996. [10] Kết quả là Trung Quốc phải chấm dứt các động thái hiếu chiến.

    Ngoài đạo luật trên, hai công điện nội bộ của chính quyền Mỹ cũng đóng vai trò nền tảng trong việc bang giao giữa Mỹ và Đài Loan. [11]

    Công điện thứ nhất đề ngày 10/7/1982, khẳng định Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan và số khí tài quân sự Mỹ bán cho Đài Loan tăng hay giảm phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của Trung Quốc đối với Đài Loan.

    Công điện thứ hai đề ngày 17/8/1982, thường được gọi là Sáu Bảo đảm (Six Assurances) của Mỹ với Đài Loan:

    Mỹ chưa đồng ý định ngày chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan.

    Mỹ chưa đồng ý tham vấn Trung Quốc trong việc bán vũ khí cho Đài Loan.

    Mỹ sẽ không đóng vai trò trung gian giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.

    Mỹ chưa đồng ý sửa đổi Đạo luật Quan hệ với Đài Loan.

    Mỹ chưa thay đổi lập trường đối với chủ quyền của Đài Loan.

    Mỹ sẽ không gây áp lực cho Đài Loan phải đàm phán với Trung Quốc.

    Hai bức công điện nội bộ trên là nhằm hướng dẫn cho các cơ quan ngoại giao và an ninh Mỹ về quan hệ với Đài Loan, liên quan tới một bộ văn bản mà Mỹ ký với Trung Quốc vào các năm 1972, 1979 và 1982, thường được gọi là Ba Thông cáo chung (Three Communiqués). Bộ văn bản này cũng được coi là nền tảng của quan hệ Mỹ – Trung. [12]


    Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (phải) tiếp cựu ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo ngày 3/3/2022 tại Phủ Tổng thống Đài Loan. Ảnh: PO.

    6. Đồng thuận 1992

    Trong quan hệ Đài Loan – Trung Quốc, một khái niệm cần được chú ý nữa là “Đồng thuận 1992” (1992 Consensus).

    Đồng thuận 1992 xuất phát từ một cuộc gặp bí mật năm 1992 giữa đại diện chính quyền Trung Quốc và Đài Loan ở Hong Kong. [13] Khi đó, chính quyền Đài Loan vẫn do Quốc Dân Đảng nắm. Mãi đến năm 2000 nó mới được ông Su Chi tiết lộ – ông sau này sẽ trở thành người đứng đầu của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Mã Anh Cửu (2008-2016). Đây cũng là một trong những nền tảng chính của chính sách ngoại giao của Đài Loan dưới thời Mã Anh Cửu và của Quốc Dân Đảng ngày nay.

    Nội dung của Đồng thuận 1992, tuy vậy, lại không được Trung Quốc và Quốc Dân Đảng Đài Loan diễn giải giống nhau. Trung Quốc nói rằng cả hai bên đều khẳng định chỉ có “một Trung Quốc”, Đài Loan thuộc về Trung Quốc, và hai bên hướng tới mục tiêu sau cùng là thống nhất theo công thức “một quốc gia, hai chế độ”. Quốc Dân Đảng Đài Loan lại nói Đồng thuận 1992 chỉ nói rằng đại lục và Đài Loan đều thuộc về một Trung Quốc.

    Khái niệm “Trung Quốc” cũng được hai bên diễn giải khác nhau. Trung Quốc diễn giải rằng cái “một Trung Quốc” đó là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, còn Quốc Dân Đảng Đài Loan lại nói đó phải là “Trung Hoa Dân Quốc”.

    Dân Tiến Đảng cầm quyền hiện nay bác bỏ Đồng thuận 1992, mặc dù thừa nhận cuộc gặp năm 1992 là một thực tế lịch sử. [14] Họ cho rằng Đồng thuận 1992 là cách buộc Đài Loan phải thống nhất với Trung Quốc và áp đặt công thức “một quốc gia, hai chế độ” lên Đài Loan.

    7. Duy trì hiện trạng

    Thế tiến thoái lưỡng nan của quan hệ Đài Loan – Trung Quốc là cả hai giải pháp thống nhất và độc lập đều không khả thi về mặt chính trị. Người Đài Loan không ủng hộ thống nhất, cũng không ủng hộ tuyên bố độc lập. Trung Quốc một mặt khó có thể dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan ngay, mặt khác cũng không thể để Đài Loan tuyên bố độc lập hay độc lập trên thực tế mãi.

    Do đó, dư luận Đài Loan và các nước trên thế giới có xu hướng ủng hộ một giải pháp thỏa hiệp: duy trì hiện trạng (maintaining the status quo). Hiện trạng nghĩa là ai ở đâu ở yên đấy, Trung Quốc không sáp nhập Đài Loan, Đài Loan cũng không tuyên bố độc lập.

    Để hiểu dư luận Đài Loan, bộ dữ liệu quan trọng nhất cần quan tâm là kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử của Đại học Chính trị Quốc lập Đài Loan (NCCU). [15] Dữ liệu năm 2021 cho thấy xấp xỉ 85% người Đài Loan ủng hộ duy trì hiện trạng.

    Hoa Kỳ, đồng minh quan trọng nhất của Đài Loan, xưa nay đều theo đuổi chính sách duy trì hiện trạng này. [16] Tuy vậy, gần đây, Mỹ đã dần nâng cấp mối quan hệ bằng cách xóa bỏ một số hạn chế ngoại giao. [17]

    Không có nhận xét nào