Võ Thái Hà tổng hợp
Thượng đỉnh QUAD: Cơ hội để gây sức ép với Ấn Độ về Ukraina
03/3/2022
Ảnh tư liệu chụp ngày 24/09/2021: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc gặp với tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ. REUTERS - EVELYN HOCKSTEIN
Thượng đỉnh trực tuyến giữa tổng thống Mỹ Joe Biden với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Nhật Bản và Úc trong khuôn khổ QUAD dự kiến diễn ra hôm nay, 03/03/2022, theo thông báo của New Delhi. Ấn Độ và nhiều nước trong khu vực hiện lo ngại chiến tranh Ukraina sẽ khiến Washington không còn quan tâm đến châu Á - Thái Bình Dương.
Thông cáo của bộ Ngoại Giao Ấn Độ, được công bố đi một hôm sau cuộc điện đàm lần thứ hai giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kể từ khi quân đội Nga tấn công nước láng giềng Ukraina hôm 24/02. Thông cáo không cho biết cụ thể mục tiêu thượng đỉnh bộ tứ QUAD lần này gì, nhưng theo New Delhi, tổng thống Joe Biden và các thủ tướng Fumio Kishida, Scott Morrison và Narendra Modi sẽ « trao đổi quan điểm » về « những diễn tiến quan trọng trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương ».
Washington từng kêu gọi New Delhi « tác động » lên Matxcơva và thượng đỉnh lần này có thể là dịp 3 nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật - Úc gây sức ép để thủ tướng Ấn Độ Modi thể hiện quan điểm rõ ràng về vụ Nga xâm lược Ukraina.
AFP nhắc lại Nga và Ấn Độ đã là hai nước thân cận suốt thời chiến tranh lạnh và đến nay vẫn duy trì được quan hệ gần gũi. Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ.
Từ khi Nga xâm lăng Ukraina, New Delhi mới chỉ kêu gọi đôi bên ngưng đối đầu, nhưng chưa hề lên án Matxcơva. Hôm qua 02/03, một lần nữa Ấn Độ không bỏ phiếu khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Nga ngưng ngay lập tức việc sử dụng vũ lực ở Ukraina.
Nga lần đầu tiên nhìn nhận số thương vong của quân đội tại Ukraina
03/03/2022
Quân xa Nga bị phá hủy trên một con đường trong thành phố Bucha, Ukraina, ngày 01/03/2022. REUTERS - SERHII NUZHNENKO
Hôm qua, 02/03/2022, lần đầu tiên bộ Quốc Phòng Nga nhìn nhận con số thương vong của quân đội trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina. Về phía Ukraina, bộ Quốc Phòng nước này hôm qua, 02/03/2022, loan báo quyết định trao trả các tù binh Nga cho các bà mẹ của họ, nếu đến Kiev nhận con.
Từ Matxcơva, đặc phái viên Anissa El Jabri cho biết thêm chi tiết :
Có 498 quân nhân tử trận và 1.587 bị thương trong « chiến dịch quân sự đặc biệt », theo cách nói của bộ Quốc Phòng Nga. Sau đó, bộ này đưa ra con số thiệt hại bên phía Ukraina, mà theo Matxcơva cao hơn nhiều. Ngược lại không có một lời nào về các tù binh, tuy hình ảnh những người lính trẻ được Ukraina cho phép gọi điện về cho gia đình ở Nga vẫn còn trên internet.
Tự do ngôn luận ở Nga ngày càng bị siết chặt : có những trẻ em từ 7 đến 10 tuổi đi biểu tình với cha mẹ ở Xibêri cũng bị bắt giữ trong các cuộc xuống đường hiếm hoi. Nhà đối lập Navalny đã kêu gọi biểu tình hàng ngày từ 19 giờ, nhưng tại Matxcơva các nhà tù nay đã chật cứng.
Tối nay, vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraina bắt đầu, với một đề nghị mới của Nga là ngưng bắn. Tuy nhiên tại Matxcơva, lo ngại đang tăng lên, một cuộc họp của Hội đồng Liên bang ngoài dự kiến sẽ diễn ra ngày mai, thứ Sáu.
Những lời đồn đãi lan rộng : do chiến tranh, chính quyền sẽ tuyên bố thiết quân luật, với việc kiểm duyệt tin tức quân sự, cấm mọi cuộc tụ họp, biểu tình, và cấm tất cả các tổ chức bị cho là làm hại đến an ninh quốc gia.
Tuyệt vọng ở Mariupol: Cắt điện, nước, thức ăn đang cạn dần
03/3/2022
Chụp lại hình ảnh,
Mariupol
Cư dân thành phố cảng Mariupol của Ukraine nói với BBC rằng họ đang cố gắng sống sót sau khi đợt pháo kích không ngừng của Nga đã phá hủy các khu dân cư và cắt nguồn cung cấp nước và điện.
Maxim, 27 tuổi, đang trốn trong căn hộ của ông bà cho biết vào sáng thứ Năm: "Đã không có ánh sáng, không có nhiệt và không có nước trong suốt hai ngày và chúng tôi hầu như không còn thức ăn".
Anh nói: "Thực phẩm và thuốc men không được chuyển đi ở Mariupol. Chính quyền địa phương đã cố gắng cung cấp bánh mì và nước nhưng nó đã hết sạch".
Chụp lại hình ảnh,
Mariupol
"Tôi đổ đầy nước vào bồn tắm trước khi hết nước. Chúng tôi còn khoảng năm lít."
Maxim rời căn hộ của mình sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tuần trước để ở với ông bà ngoại của mình, những người đã ngoài tám mươi và không thể rời căn hộ ở tầng sáu, trung tâm thành phố của họ.
Ba người trong số họ đang trú ẩn, với hai con mèo của Maxim và con vẹt của anh ta.
Chụp lại hình ảnh,
Khói bốc lên ở một khu dân cư của Mariupol
"Các cuộc pháo kích lại bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng nay," anh nói. "Thành phố hoàn toàn đen kịt qua đêm, không có nguồn sáng nào ngoài những vụ nổ. Nó yên lặng trong vài giờ nhưng sau đó vào lúc bình minh, bắt đầu trở lại. Giờ chúng tôi có thể nghe thấy nó từ mọi hướng. Chúng tôi vô cùng sợ hãi."
Mariupol, thành phố 400.000 người, là mục tiêu chiến lược quan trọng của Nga, vì việc chiếm giữ sẽ cho phép lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine hợp lực với quân đội ở Crimea, bán đảo phía nam bị Nga sáp nhập vào năm 2014.
Chụp lại hình ảnh,
Mariupol
Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Năm kêu gọi dân thường sơ tán khỏi thành phố bằng một hành lang nhân đạo, nhưng người dân cho biết không có sự gián đoạn nào trong cuộc pháo kích để cho phép người dân di chuyển.
Maxim đã không thể liên lạc với bất kỳ bạn bè hoặc gia đình nào trong thành phố trong hai ngày.
Nhiều cuộc gọi từ BBC tới người dân hoặc bị ngắt kết nối liên tục, hoặc không thể kết nối ngay từ đầu.
Phát biểu với BBC vào sáng thứ Năm, Phó thị trưởng thành phố Sergiy Orlov cho biết cả thành phố hiện không có điện, nước hoặc hệ thống vệ sinh.
Ông nói: "Chúng tôi có 15 đường dây điện chính và tất cả đều đã ngừng hoạt động. Chúng tôi đang bị cắt điện hoàn toàn - bị phá hủy bởi pháo binh. Chỉ còn lại nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên."
Dmytro, một nhà hoạt động trong thành phố, nói với BBC rằng anh có thể nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ liên tục từ nơi anh đang trú ẩn. Sau chưa đầy một phút, kết nối điện thoại đột ngột bị ngắt và không thể liên lạc lại được với anh.
Alexander, một kỹ sư 44 tuổi ở thành phố, cho biết đang trú ẩn cùng vợ, hai con trai và mẹ trong một tòa nhà 5 tầng.
"Chúng tôi đã bị ném bom và pháo kích trong năm ngày nay, ngay bây giờ tôi có thể nghe thấy tiếng súng và tiếng bom không ngừng," ông nói.
"Vẫn còn một ít bánh mì ở cửa hàng gần chúng tôi, nhưng chúng tôi không biết khi nào nguồn cung cấp thực phẩm sẽ hết. Điều gì sẽ xảy ra khi chúng tôi hết nước? Điều gì sẽ xảy ra khi pin điện thoại của tôi hết? Chúng tôi sẽ không có kết nối ra bên ngoài."
Ukraina : Nga chiếm được thành phố lớn đầu tiên, tiếp tục đẩy mạnh tấn công
03/3/2022
Xe quân sự và xe tăng của Nga trên đường phố Kherson, Ukraina, ngày 01/03/2022. via REUTERS - VIDEO OBTAINED BY REUTERS
Một tuần sau cuộc tấn công xâm lược toàn diện Ukraina, đến hôm nay, 03/03/2022, quân Nga đã chiếm được thành phố lớn đầu tiên, đó là thành phố Kherson ở miền nam Ukraina, đồng thời tiếp tục
Các quan chức của Ukraina xác nhận trong đêm qua và sáng hôm nay, quân đội Nga đã tràn vào khắp nơi trong Kherson, thành phố có 290 nghìn dân nằm sát cạnh bán đảo Crimée. Matxcơva cũng đã thông báo đã kiểm soát được hoàn toàn thành phố sau các trận pháo kích dữ dội.
Theo AFP, thị trưởng thành phố, Igor Kolykhaiev cho biết ông đã thảo luận tại một trụ sở cơ quan thành phố với những « vị khách có vũ trang », có thể hiểu là quân đội Nga. Ông cũng cho biết không hứa hẹn gì với người Nga và « chỉ yêu cầu họ không bắn vào người dân ». Thị trưởng thành phố cũng thông báo lệnh giới nghiêm ban đêm và hạn chế di chuyển bằng xe cộ trong thành phố.
Ở cách xa về phía đông, thành phố Marioupol, tình hình ngày càng tồi tệ hơn, theo lời một người dân địa phương. Theo quân đội Ukraina, thành phố chiến lược nằm giữa miền đông bắc và đông nam Ukraina vẫn tiếp tục « kháng cự ».
Ở phía bắc, Kharkov, thành phố lớn thứ 2 của Ukraina nằm gần biên giới Nga, tiếp tục bị pháo kích dữ dội trong suốt đêm hôm qua. Quân Nga cũng mở các đợt oanh kích vào Izoum, một địa điểm cách Kharkov 12 km về hướng đông nam, làm 8 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em, theo chính quyền địa phương. Quân Nga tiếp tục siết chặt vòng vây xung quanh thủ đô Kiev và tăng cường các đợt tấn công bằng tên lửa vào các vị trí lân cận thành phố.
Thông tín viên Sthéphane Siohan từ Kiev tóm lược tình hình chiến sự xung quanh thủ đô Kiev :
Sáng thứ Tư, đã có một trận pháo kích vào Jitomyr, thành phố có 260 nghìn dân, cách Kiev 150 km về phía tây. Một quả tên lửa đã bắn xuống sát cạnh một nhà trẻ, làm ít nhất ba người thiệt mạng và hơn chục người bị thương.
Ngoài thảm họa, giai đoạn mới của cuộc chiến tranh cho thấy hai chuyện : Một mặt, quân Nga, thất vọng với đà tiến quân bị chậm lại, đã bắt đầu đánh nhiều hơn vào các cơ sở hạ tầng dân sự. Mặt khác, qua hướng bắc Ukraina, quân Nga tăng sức ép lên tuyến đường E40 nối Kiev với thành phố Lviv ở phía tây.
Xa lộ lớn này là con đường sống của Ukraina kết nối nước này với Ba Lan và Liên Hiệp Châu Âu. Các xe tải vẫn vẫn qua tuyến đường này để chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm về thủ đô.
Nhưng cũng qua con đường đó, trong những tuần qua, vũ khí từ Ba Lan và các nước đồng minh được chuyển đến Ukraina.
Nếu Kiev bị cắt đứt hậu cứ ở phía tây và chỉ còn các tuyến đường về hướng nam không an toàn, thì thành phố sẽ bị bao vây khốc liệt. Trong khi đó việc cung cấp lượng thực thực phẩm cơ bản đang ngày càng khó khăn.
Quân Nga gia tăng cường độ tấn công trong khi các cuộc thương lượng Ukraina – Nga thứ 2 dự kiến diễn ra hôm nay tại một địa điểm chưa được xác nhận tại Belarus, gần biên giới với Ba Lan. Cuộc thương lượng lần thứ nhất không mang lại kết quả nào, vì Kiev đòi chấm dứt ngay lập tức cuộc xâm lược, còn Matxcova dường như chờ đợi quân đội Ukraina đầu hàng.
Liên Hiệp Quốc: Hơn 1 triệu người tị nạn
Ngày 02/03/2022, Cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông báo, số thường dân thiệt mạng trong chiến tranh Ukraina tính đến tối thứ Ba 01/03 đã lên đến 227 người. Ngoài ra còn có 525 người bị thương.
Trong khi đó, Phủ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (HCR) tối thứ Tư 02/03/2022 thông báo trong vòng 1 tuần, kể từ khi quân đội Nga tấn công Ukraina, đã có hơn 1 triệu người chạy sang các nước láng giềng lánh nạn. Trả lời RFI sáng hôm nay 03/03, phát ngôn viên HCR tại Pháp cho biết một nửa số người nói trên đã đến Ba Lan, số còn lại đến Hungary, Rumani, Moldavia và Slovakia. Biên phòng Rumani ghi nhận hơn 139.000 người đến từ Ukraina tính từ ngày 24/02/2022.
Ngoại trưởng Nga: Tiếp tục chiến tranh tới cùng; Thị trưởng Kyiv: Tình hình ‘khó khăn nhưng trong vòng kiểm soát’
03/3/2022
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm 3/3 nói ông tin rằng một số nhà lãnh đạo nước ngoài đang chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại Nga, và rằng Moscow sẽ thúc đẩy hoạt động quân sự của họ ở Ukraine cho tới cùng.
Ngoại trưởng Lavrov cũng khẳng định Nga không hề có ý nghĩ nào về chiến tranh hạt nhân.
Mặc dù không đưa ra bằng chứng nào chứng minh cho lời lẽ của mình trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước, được thực hiện một tuần sau khi Nga xâm lược Ukraine, ông Lavrov cũng cáo buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, một người gốc Do Thái, đang chủ trương “một xã hội mà chủ nghĩa Quốc xã phát triển mạnh mẽ”.
Ông nói ông không nghi ngờ gì rằng sẽ có một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine và một vòng đàm phán mới sắp bắt đầu giữa các quan chức Ukraine và Nga.
Tuy nhiên, ông Lavrov cho rằng cuộc đối thoại của Nga với phương Tây phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Ngoại trưởng Nga cáo buộc NATO đang tìm cách duy trì thế thượng phong. Ông nói Nga có nhiều thiện chí nhưng không thể để bất kỳ ai phá hoại lợi ích của mình.
Moscow sẽ không để cho Ukraine giữ những cơ sở hạ tầng có thể đe dọa Nga, ông nói.
Moscow cũng không thể dung thứ cho điều mà ông nói là mối đe dọa quân sự từ Ukraine, ông Lavrov phát biểu, và nói thêm là ông tin rằng Nga đã đúng trong vấn đề về Ukraine.
“Ý nghĩ về hạt nhân không ngừng diễn ra trong đầu các chính trị gia phương Tây nhưng không phải trong đầu người Nga”, ông Lavrov nói. “Tôi đảm bảo với bạn rằng chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ loại khiêu khích nào gây bất ổn cho chúng tôi”.
Ông nói Nga không cảm thấy bị cô lập về mặt chính trị, và vấn đề cuộc sống của Ukraine sẽ như thế nào nên được người dân nước này xác định.
Các quan chức Ukraine cáo buộc lực lượng Nga đã đánh vào các khu vực dân sự nhưng ông Lavrov nói quân đội Nga được lệnh nghiêm ngặt trong việc sử dụng vũ khí chính xác cao để phá hủy các cơ sở hạ tầng quân sự.
Dù không đưa ra bằng chứng nào, nhưng Ngoại trưởng Lavrov nói Nga có thông tin rằng Hoa Kỳ lo lắng về viễn cảnh mất quyền kiểm soát đối với điều mà ông mô tả là những phòng thí nghiệm hóa học và sinh học ở Ukraine và cáo buộc Anh xây dựng các căn cứ quân sự ở đó.
Trong khi đó, tại thủ đô Kyiv của Ukraine, thị trưởng Vitali Klitschko hôm 3/3 cho biết tình hình tại đây “khó khăn nhưng trong tầm kiểm soát”.
Ông Klitschko cho biết không có thương vong trong đêm qua và các tiếng nổ vào ban đêm là do hệ thống phòng không của Ukraine bắn vào các tên lửa Nga đang bay tới. Ông cho biết một cơ sở của hệ thống sưởi bị hư hại do trận pháo kích của Nga hôm 2/3 sẽ được khắc phục trong ngày.
Không thể đặt vùng cấm bay ở Ukraine
Đã hơn một lần tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu phương Tây áp đặt vùng cấm bay trên đất nước ông. Nhiều người xem đây là một cách hiển nhiên để làm chậm quân Nga.
Vùng cấm bay ngăn cản việc sử dụng máy bay chiến đấu để tấn công mục tiêu quân sự hoặc dân sự trên mặt đất. Nhưng chỉ tuyên bố thôi là không đủ: bên tuyên bố phải tuần tra khu vực và sẵn sàng bắn vào các máy bay vi phạm. Do đó, áp đặt vùng cấm bay chẳng khác nào tuyên bố chiến tranh.
Trước đây đã từng có vùng cấm bay ở Iraq và Libya. Nhưng không bên nào lại muốn chiến tranh với Nga, đặc biệt khi nước này có vũ khí hạt nhân. Dù sao thì một vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine cũng không thể ngăn được Nga sử dụng kho vũ khí khổng lồ của mình. Các nước NATO đã cung cấp tên lửa đất đối không Stinger, nhưng chúng chỉ có thể tấn công các mục tiêu ở độ cao 12.000 feet (khoảng 3.600 mét). Nhưng cho đến nay họ tỏ ra sẽ không đặt vùng cấm bay. Nga muốn bầu trời Ukraine rộng mở – và phương Tây không có khả năng ngăn chặn điều đó.
Tội ác chiến tranh ở Ukraine
Các cáo buộc tội ác chiến tranh ngày càng xuất hiện nhiều khi quân Nga tấn công các thành phố Ukraine. Tổng thống Ukraine đã cho biết cuộc tấn công của Nga vào Kharkiv hôm thứ Ba chính là tội ác chiến tranh. Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tuyên bố ông đang mở một cuộc điều tra về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Ukraine, tùy thuộc vào ủy quyền của tòa án hoặc một chính phủ có ký quy chế thành lập ICC.
ICC có hiệu lực từ năm 2002. Quy chế của nó xác định xâm lược, chiếm đóng quân sự và không kích là tội ác xâm lược và quy định “một cuộc tấn công trên diện rộng hoặc mang tính hệ thống nhắm vào dân thường” là tội ác chống lại loài người.
Một số vụ việc tại Ukraine có thể đáp ứng các tiêu chí này, đặc biệt khi chúng còn được ghi lại bởi điện thoại cầm tay. Các nhà phân tích đang nắm giữ các video về bom chùm ở trung tâm thành phố Kharkiv cũng như vụ bắn phá khủng khiếp vào một trường mẫu giáo ở Okhtyrka. Nga bác bỏ thẩm quyền của ICC. Nhưng rõ ràng Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Ba Lan mở rộng vòng tay với người Ukraine
Gần 875.000 người tị nạn đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi Nga xâm lược vào thứ Năm tuần trước, theo Cao ủy LHQ về người tị nạn. Nhiều người hiện đang ở Ba Lan, quốc gia láng giềng lớn nhất của Ukraine ở EU.
Vốn hạn chế nhận người đến từ Trung Đông và châu Phi, đảng Công lý và Pháp luật cầm quyền của Ba Lan giờ đây lại chào đón người tị nạn Ukraine, cho phép họ nhập cảnh mà không cần thủ tục giấy tờ. Khoảng 2 triệu người Ukraine vốn ở Ba Lan từ trước cũng được cho phép ở lại. Ba Lan cho mở các điểm tiếp nhận người ở biên giới trong khi các cộng đồng trên khắp đất nước tích cực thu nhận người tị nạn. Nhiều người Ba Lan đã cho họ đi xe miễn phí từ biên giới đến Warsaw cũng như các thành phố khác, hoặc cung cấp chỗ ở và giúp tìm việc làm.
Hôm Chủ nhật, EU phê duyệt ngân sách 450 triệu euro (498 triệu USD) vũ khí và thiết bị cho Ukraine: Ba Lan sẽ đóng vai trò trung tâm hậu cần cho các nỗ lực này. Khi chiến sự tiếp tục, vị trí địa lý ngay giữa đông và tây của Ba Lan khiến nước này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nhiều cựu quan chức cấp cao của Mỹ đến thăm Đài Loan
Mỹ đang ngày càng táo bạo hơn trong vấn đề Đài Loan. Để tránh mắc vào tranh cãi với Trung Quốc, Mỹ tiếp tục tránh gặp gỡ các lãnh đạo Đài Loan ở cấp cao nhất. Vì vậy họ cử các cựu quan chức đến thăm hòn đảo này.
Vào ngày 1 tháng 3 đã có một phái đoàn cấp cao do Tổng thống Joe Biden cử đến Đài Loan, bao gồm Đô đốc Mike Mullen, cựu chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ. Các vị khách đã gặp tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, người cho biết chuyến đi của họ phản ánh “mối quan hệ vững chắc” của Đài Loan với Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc gọi việc cử bất kỳ ai đến Đài Loan là “vô ích”, trong việc thể hiện “cái gọi là sự ủng hộ” [đối với Đài Loan]. Mike Pompeo, ngoại trưởng dưới thời Donald Trump, và là mục tiêu của các lệnh trừng phạt do Trung Quốc đặt ra, cũng tiến hành chuyến thăm của riêng ông vào ngày 2/3 để gặp bà Thái.
Trung Quốc bác bỏ mọi so sánh giữa quan điểm của Nga về Ukraine và quan điểm của họ về Đài Loan – vì hòn đảo này luôn là lãnh thổ Trung Quốc, theo Bắc Kinh. Song giữa bối cảnh các máy bay chiến đấu Trung Quốc liên tục xuất hiện gần hòn đảo, không ai có thể yên tâm.
Hoa Kỳ : Năm vấn đề quan trọng trong Thông Điệp Liên Bang
Tâm Như
2 tháng 3, 2022
Tổng thống Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang; Washington DC, ngày 1 Tháng Ba 2022 (ảnh: Saul Loeb – Pool/Getty Images)
Thông Điệp Liên Bang đầu tiên của Tổng thống Joe Biden đọc tại Quốc hội Hoa Kỳ vào tối 01 Tháng Ba rất khác so với những diễn văn ông đọc cách đây vài tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine. Thông điệp được gửi đến nước Mỹ trong thời điểm lạm phát tiếp tục gia tăng, cũng như có nhiều thay đổi đáng kể về cách hướng dẫn liên quan coronavirus.
1/ Gọi đích danh Tổng thống Putin
Tổng thống Biden mở đầu Thông Điệp Liên Bang bằng sự ủng hộ và lời ca ngợi tinh thần can đảm của dân chúng và Tổng thống Ukraine. Ông nói: “Từ Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đến toàn bộ dân chúng Ukraine đều thể hiện sự kiên cường, trước cuộc xâm lược của Moscow. Tinh thần can đảm và sự quyết tâm của họ truyền cảm hứng cho thế giới, theo đúng nghĩa đen.”
Gọi đích danh ông Putin là người xâm lược Ukraine, Tổng thống Biden ca ngợi chiến lược của ông khi theo sát châu Âu và các quốc gia đồng minh NATO, ủng hộ những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Ông khẳng định liên minh NATO cùng hiệp nhất; và hơn bao giờ hết đây là thời điểm ông Putin “bị cô lập với thế giới.” Tổng thống Biden tuyên bố: Tòa Bạch Ốc cấm các hãng hàng không Nga đến không phận của Hoa Kỳ, sau khi châu Âu và Canada thực hiện những lệnh cấm tương tự trong ngày 27 Tháng Hai.
2/ Tập trung vào việc chống lạm phát
Trước bảng xếp hạng thấp đối với cách giải quyết nền kinh tế; khi lạm phát trở thành tiêu chí quan tâm hàng đầu của dân chúng Hoa Kỳ, Tổng thống Biden tuyên bố “ông hiểu rõ điều này” và “ưu tiên hàng đầu của chính phủ là kiểm soát giá cả.” Nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy sản xuất trong nước, Tổng thống Biden kêu gọi thực hiện một số điều cụ thể, nằm trong kế hoạch “Tái thiết tốt hơn”, chẳng hạn cắt giảm chi phí thuốc ghi theo toa của bác sĩ; chống biến đổi khí hậu để giảm hóa đơn năng lượng; hạ giá chi phí việc chăm sóc trẻ em; thiết lập pre-K phổ cập, miễn phí, và nhiều sáng kiến khác.
3/ Để “Made in USA” trở lại
Tổng thống Biden cho biết đã đến hướng tới tương lai của ngành sản xuất Hoa Kỳ, rằng Hoa Kỳ nên ít lệ thuộc vào các chuỗi cung ứng nước ngoài, nếu muốn cạnh tranh với Trung Quốc. Ông cũng cho biết “cần sản xuất nhiều xe hơi và chất bán dẫn hơn tại Hoa Kỳ. Xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng và đổi mới; hàng hóa được vận chuyển nhanh hơn và rẻ hơn; có nhiều việc làm hơn”. Ông không quên nhắc những khoản đầu tư hàng tỷ đôla gần đây của Intel, Ford và General Motors, cộng với niềm tự hào đi kèm với nhãn hiệu “Sản xuất tại Hoa Kỳ.”
4/ Giai đoạn mới trong đại dịch
Tổng thống Biden thừa nhận người Mỹ “mệt mỏi, thất vọng và kiệt sức” vì đại dịch coronavirus, nhưng ông cũng nhắc rằng Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống Covid-19. Các ca nhiễm nghiêm trọng đã giảm xuống mức chưa từng thấy, kể từ Tháng Bảy năm ngoái. Chính phủ đang khởi động chương trình “xét nghiệm để điều trị” tại các nhà thuốc tây, nơi những người Mỹ có kết quả dương tính sẽ được nhận thuốc đề kháng virus miễn phí. Người dân có thể yêu cầu được cấp bộ xét nghiệm nhanh và miễn phí tại trang COVIDTests.gov bắt đầu từ tuần tới.
Ông khuyến cáo dân chúng phải “chuẩn bị trước nhiều biến thể mới,” và cho biết các nhà khoa học có thể “bào chế vaccine mới trong vòng 100 ngày” nếu cần thiết.
5/ Chương trình đoàn kết quốc gia
Tổng thống Biden xem vấn đề tìm kiếm sự hiệp nhất trong lưỡng đảng là dấu hiệu nổi bật trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông đề nghị “chương trình nghị sự đoàn kết quốc gia” trong Thông Điệp Liên Bang, thể hiện ở việc khai thông dự luật quan trọng “Tái thiết tốt hơn”. Dự luật này được Hạ viện phê duyệt nhưng bị đình hoãn tại Thượng viện vì sự phản đối của các thành viên Cộng Hòa và Nghị sĩ Dân Chủ Joe Manchin. Tổng thống Biden cũng kêu gọi tăng cường nghiên cứu ung thư, hỗ trợ cựu chiến binh, chống bạo lực gia đình và nhiều điều khác.
Chính phủ TT Biden cho biết họ đang điều chỉnh lại chính sách thương mại Trung Quốc
Michael Washburn
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai làm chứng trước Ủy ban Tài chính Thượng viện trên Đồi Capitol ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 12/05/2021. (Ảnh: Pete Marovich/Pool/Reuters)
Hôm 01/03, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết Hoa Thịnh Đốn đang điều chỉnh lại cách tiếp cận thương mại đối với Trung Quốc, đồng thời cho biết họ đang xem xét tất cả các công cụ hiện có và những công cụ tiềm năng mới, để chống lại các hành vi thương mại có hại của Bắc Kinh. Nhưng họ đưa ra ít thông tin mới về cách làm sao có thể đạt được điều này.
Trong Nghị trình Chính sách Thương mại mới năm 2022 và Báo cáo Thường niên năm 2021, USTR cho biết chính phủ Hoa Kỳ đang áp dụng một “cách tiếp cận mới, toàn diện, và thực tiễn đối với mối bang giao của chúng ta [với Trung Quốc] dựa trên các nguyên tắc của chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm.”
Báo cáo cho biết thêm: “Chúng ta biết rõ về việc Trung Quốc đang tăng gấp đôi các hành vi lạm dụng kinh tế và thương mại có hại của họ.”
Tuy nhiên, bên cạnh việc nêu rõ chiến lược liên quan đến việc Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các đối tác và đồng minh, thì USTR lại cung cấp rất ít thông tin chi tiết về những hành động cụ thể trong cách tiếp cận của chính phủ.
Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh các nhà lập pháp và các nhóm ngành công nghiệp ngày càng gia tăng áp lực đề nghị chính phủ làm rõ chính sách thương mại của mình đối với chính quyền Trung Quốc.
Điều đó cũng diễn ra sau khi thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” Mỹ-Trung được ký kết vào tháng 01/2020, mà kết quả là Bắc Kinh không thể đáp ứng các cam kết mua hàng của mình.
Chính phủ cựu Tổng thống Trump đã khởi xướng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vào năm 2018 để đối phó với nhiều hành vi kinh tế và thương mại không công bằng mà Bắc Kinh tham gia, bao gồm hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, và trợ cấp trong nước [để] hỗ trợ các ngành sản xuất bản địa. Kết quả là hàng trăm tỷ USD thuế quan đã được đánh vào cả hai bên; Hoa Kỳ vẫn còn khoảng 370 tỷ USD thuế quan đối với hàng nhập cảng của Trung Quốc.
USTR đã kêu gọi sự chú ý đến việc Bắc Kinh không đáp ứng được nội dung và tinh thần trong quy tắc và nghĩa vụ của Tổ chức Thương mại Thế giới. Hôm 16/02, USTR đã đưa ra một báo cáo nêu chi tiết việc Trung Quốc không đáp ứng các cam kết chính trong thỏa thuận giai đoạn một, chẳng hạn như [cam kết về việc] nhập cảng các sản phẩm và dịch vụ của Hoa Kỳ trong giai đoạn 2020-2021 đạt trị giá ít nhất 200 tỷ USD so với sức mua của Trung Quốc trong năm 2017.
Báo cáo nhấn mạnh rằng chính quyền của ông Tập Cận Bình tiếp tục rời xa các cải cách dự kiến ủng hộ thị trường do một số người tiền nhiệm của ông thực hiện và tiếp tục đẩy mạnh sự can thiệp lớn của chính phủ vào nền kinh tế Trung Quốc. Điều đó càng làm nổi bật việc Bắc Kinh thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước và “những nhà vô địch quốc gia” với cái giá phải trả là các nhà cung cấp và nhà sản xuất ngoại quốc, vốn bị từ chối tiếp cận vào các lĩnh vực và thị trường quan trọng, đồng thời nhà cầm quyền nước này cũng cấm hoàn toàn các sản phẩm từ các nước như Úc, vốn phải chịu đựng một loạt các hạn chế thương mại sau khi kêu gọi một cuộc điều tra về trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc làm lây lan bệnh COVID-19.
Thứ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Sarah Bianchi cho biết hồi tháng trước rằng các cuộc đối thoại cấp lãnh đạo giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh về việc chính quyền Trung Quốc không đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận giai đoạn một là “rất khó khăn”.
Bà Bianchi cho biết hôm 01/02 mà không cung cấp chi tiết: “Mục tiêu của chúng tôi ở đây không phải làm leo thang. Nhưng chắc chắn chúng tôi đang xem xét tất cả các công cụ mà chúng tôi có trong bộ công cụ của mình để bảo đảm rằng họ phải chịu trách nhiệm.”
Ông Michael Washburn là một phóng viên ở New York chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp lý và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông ấy còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Sách của ông ấy bao gồm “Những câu chuyện đã mất gốc và những câu chuyện khác,” “Khi chúng ta trưởng thành” và “Người lạ, người lạ”.
Vân Du biên dịch
Không có nhận xét nào