Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 28 tháng 02 năm 2022

    Nga cho biết các cuộc đàm phán với Ukraine đã bắt đầu


    Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei đưa ra tuyên bố khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov và các đại biểu chuẩn bị cho cuộc hội đàm với ông Vladimir Medinsky, phụ tá và trưởng phái đoàn của Tổng thống Nga, tại khu vực Gomel, Belarus. Ngày 28/2/2022.

    Bộ Ngoại giao Nga hôm 28/2 cho biết các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga đã bắt đầu, ngay sau khi phía Ukraine cũng nói như vậy và công bố các bức ảnh chụp các phái đoàn ngồi đối diện nhau trên một chiếc bàn dài.

    Ukraine cho biết mục tiêu của các cuộc đàm phán là ngừng bắn ngay lập tức và rút các lực lượng Nga khỏi Ukraine. Nga tỏ ra khiêm tốn hơn khi Điện Kremlin từ chối bình luận về mục tiêu của Moscow trong các cuộc đàm phán này.

    (theo Reuters)

    Chiến tranh Ukraina bước qua ngày thứ 5, Kiev và Kharkov vẫn kiên trì kháng cự quân Nga


    Kho xăng gần căn cứ không quân Vasylkiv, vùng Kiev, Ukraina bị oanh kích, ngày 27/02/2022. REUTERS - MAKSIM LEVIN

    Chiến sự tại Ukraina hôm nay, 28/02/2022 bước vào ngày thứ 5. Dù bị lực lượng Nga liên tục tấn công từ nhiều ngày qua, thủ đô Kiev và thành phố lớn thứ hai tại Ukraina là Kharkov vào trưa hôm nay vẫn đứng vững.

    Theo Quân Đội Ukraina, trong đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay, lực lượng Nga đã “nhiều lần” tấn công nhằm chiếm lĩnh một số vị trí ở vùng ngoại vi Kiev, nhưng đều đã bị đẩy lùi, và tình hình thủ đô Ukraina vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền.

    Theo một cố vấn của tổng thống Ukraina, vào tối hôm qua, Nga đã bắn ba tên lửa vào Kiev, trong đó có một chiếc đã bị phòng không Ukraina phá hủy.

    Còn tại thành phố Kharkov, ở miền đông-bắc Ukraina, truyền thông nước này cho biết là nhiều tiếng nổ lớn đã được nghe thấy vào tối hôm qua, nhưng Quân Đội Ukraina cho biết đã giành lại quyền kiểm soát thành phố sau khi nơi này bị lực lượng thiết giáp Nga đánh chiếm tối Thứ Bảy.

    Trong bối cảnh Kiev đang bị lực lượng Nga công hãm, hàng nghìn cư dân thủ đô đang cố tản cư đi nơi khác để lánh nạn, bằng ô tô hoặc tàu hỏa. Bên cạnh đó cũng có hàng trăm người từ các thành phố khác đổ về thủ đô để đầu quân chống lại kẻ thù.

    Thông tín viên RFI Stephane Siohan tại Kiev đã có mặt tại nhà ga trung tâm để tìm hiểu thêm.

    Mỗi buổi tối, nhà ga trung tâm của Kiev đều đầy ắp người, bởi vì việc đi lại trên đường phố sau giờ giới nghiêm đã bị nghiêm cấm, và người vi phạm có nguy cơ bị bắn bỏ. Do đó, vào buổi tối những ai nôn nóng chờ đợi chuyến tàu đưa họ về phía tây, hoặc những người đã quyết định lên thủ đô để nhập ngũ, đều chen chúc nhau để qua đêm trong nhà ga.

    Ví dụ như Denis, 32 tuổi, quê tại Kherson, đã lên thủ đô với một ý tưởng trong đầu. Anh nói: “Tôi đã đến gặp cảnh sát và họ nói với tôi rằng cho đến thứ Hai vẫn còn giới nghiêm, nhưng sau đó tôi có thể đến trung tâm tuyển quân. Sau khi đăng ký, tôi muốn tham gia Lực Lượng Phòng Thủ Lãnh Thổ. Tôi muốn cầm súng để bảo vệ đất nước”.

    Trong hai ngày, bộ Quốc Phòng Ukraina đã tuyển mộ được gần 100.000 tân binh tình nguyện, gia nhập Quân Đội hay Lực lượng Phòng Thủ Lãnh Thổ.

    Tuy nhiên cũng có người như Ivan, 45 tuổi, một công nhân ở Shchastya thuộc vùng Donbass, vừa đến được Kiev sau khi thành phố của anh gần như nằm trong tay lính Nga. Anh giải thích: “Khi súng vừa nổ, chúng tôi đã chạy ngay đến nơi trú ẩn để tránh không kích. Sau đó đã có lệnh sơ tán và chúng tôi đã đến nhà ga để đón tàu hỏa lên Kiev. 80% thành phố nơi tôi ở đã bị phá hủy, không còn đèn đuốc hay điện, ga, không còn gì để sống. Nhà máy điện nơi tôi làm việc cũng bị phá hủy hoàn toàn. Tại Kiev này, tôi sẽ tạm ở với đứa con trai lớn, sau đó chúng tôi sẽ phải thay đổi cuộc sống, tìm kiếm việc làm… Chúng tôi đến đây, như đến một thế giới mới”.

    Thế nhưng, kể từ cuối tuần, cả Ukraina đã bước vào một thực tế mới, với một thành phố 4 triệu dân, nơi mọi người đều phải qua đêm trong boongke, hoặc trong tầng hầm của các hộ dân cư.

    Theo Ủy Ban Châu Âu, sau bốn ngày chiến tranh, bảy triệu người Ukraina đã phải di tản cư.

    Kinh tế Nga 'ngấm đòn' rất nặng sau lệnh trừng phạt vì xâm lăng Ukraine

    Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga đã tăng lãi suất lên 20% từ 9,5% để giảm bớt tác động của việc đồng rúp mất giá.


    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Chụp lại hình ảnh,

    Người dân ở St Petersburg xếp hàng rút tiền hôm Chủ Nhật

    Có thời điểm, đồng rúp đã giám gần 30% so với USD, xuống mức thấp nhất là 119 rouble /USD trong giao dịch đầu giờ ở châu Á.

    Sở Giao dịch Chứng khoán Moscow cho biết hôm 28/02 rằng giao dịch ngoại hối và thị trường tiền tệ sẽ mở cửa lúc 10 giờ sáng giờ địa phương, muộn hơn 3 giờ so với thường lệ.

    Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết vẫn chưa có quyết định chính thức về việc mở cửa các thị trường khác.

    "Các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga đã thay đổi mạnh mẽ", Ngân hàng Trung ương Nga cho biết trong một tuyên bố.

    Việc Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất khẩn cấp là một nỗ lực để ngăn chặn sự mất giá nhanh chóng của đồng rouble so với USD, đe doạ xoá sổ sức mua của đồng tiền và phá huỷ khoản tiền tiết kiệm của người dân Nga.

    Cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga đã kêu gọi người dân bình tĩnh trong bối cảnh lo ngại các lệnh trừng phạt có thể châm ngòi cho cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng. Tuy khẳng định có đủ nguồn lực và công cụ cần thiết để duy trì sự ổn định tài chính, có lo ngại rằng các ngân hàng Nga có thể chứng kiến dòng người cố gắng rút tiền.

    Một số video trên mạng xã hội cho thấy hàng dài xếp hàng trước các máy rút tiền và đổi tiển ở thủ đô Moscow, lo ngại rằng thẻ ngân hàng của họ có thể ngừng hoạt động hoặc bị giới hạn số tiền có thể rút.



    Tiền Nga mất giá nghiêm trọng trong vài ngày

    Tuần trước, ngân hàng Trung ương Nga đã buộc phải tăng lượng tiền cung ứng cho các máy rút tiền ATM sau khi nhu cầu tiền mặt đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

    Nga có khoảng 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối - một kho dự trữ tiết kiệm lớn được tích lũy từ giá dầu và khí đốt tăng cao.

    Nhưng vì rất nhiều tiền này được lưu trữ bằng ngoại tệ như đồng USD, euro và đồng bảng Anh cũng như vàng, lệnh cấm của phương Tây đối với giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga đã hạn chế Moscow tiếp cận tiền mặt.

    Sau khi các lệnh trừng phạt được công bố vào hôm thứ Hai, giá trị đồng tiền của Nga, đồng rouble, đã giảm tới 40% so với đồng đô la Mỹ.

    Will Walker-Arnott, giám đốc đầu tư cấp cao tại Charles Stanley, nói với BBC rằng "có vẻ như Nga đang ngày càng trở thành một quốc gia kinh tế kém cỏi, ngày càng bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu".

    Mất tiền và danh tiếng

    Việc cắt một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT là biện pháp khắc nghiệt nhất được áp dụng đối với Moscow sau cuộc xung đột ở Ukraine.

    Nga phụ thuộc rất nhiều vào SWIFT để xuất khẩu dầu vào khí đốt, xương sống kinh tế quan trọng của nước này. Nhiều tập đoàn lớn do chính phủ Nga sở hữu cổ phần đa số hoặc một số lớn cũng sẽ đánh mất danh tiếng vì cuộc chiến ở Ukraine.

    Ở chiều ngược lại, thị trường châu Âu cũng giảm đáng kể trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về sự ổn định tài chính sau khi Nga đưa quân và Ukraine và các nước phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt với Nga.

    Giá dầu thô đã tăng 4,5%, trong khi đó, USD và giá vàng cũng tăng khi các nhà đầu tư tìm kiếm những nơi an toàn hơn cho dòng tiền của họ.

    Lệnh trừng phạt của Anh nhằm gây hậu quả nghiêm trọng cho Putin

    Chính phủ Anh tuyên bố gói trừng phạt là những biện pháp kinh tế mạnh nhất mà Anh từng ban hành để chống lại Nga. Anh Quốc nói rõ gói trừng phạt này sẽ gây ra những "hậu quả tàn khốc" đối với nước Nga và Tổng thống Putin.

    Hơn 100 công ty và giới tài phiệt thân tín của Putin đã phải hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt trị giá hàng trăm tỷ bảng Anh. Lệnh trừng phạt cũng bao gồm cả việc đóng băng tài khoản và cấm đi lại.

    Đặc biệt, lệnh trừng phạt này là cú đánh mạnh vào lĩnh vực ngân hàng và quốc phòng của Nga.

    Anh Quốc đã ra lệnh phong tỏa tài sản của các ngân hàng, doanh nghiệp Nga như ngân hàng VTB, trị giá 154 tỷ bảng, của tập đoàn vũ khí Rostec (doanh thu xuất khẩu một năm 13 tỷ USD.

    Các biện pháp trừng phạt cũng sớm được áp dụng đới với 571 thành viên của Duma quốc gia Nga và Hội đồng Liên bang.

    Anh cũng cấm hãng hàng không Aeroflot và tất cả các máy bay thương mại và tư nhân khác của Nga bay vào không phận Vương quốc Anh.

    Anh đồng thời cũng sử dụng lợi thế của trung tâm tài chính quan trọng nhất châu Âu để đóng băng tài sản của các ngân hàng Nga, cấm các ngành kinh tế quan trọng và các công ty huy động tài chính của Nga hoạt động tại thị trường tiền tệ của Anh.

    Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak khẳng định các biện pháp này thể hiện "quyết tâm của Anh trong việc áp dùng các trừng phạt kinh tế nghiêm khắc để đáp trả cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine".

    Với gói trừng phạt chưa từng có này, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ làm tê liệt sự phát triển kinh tế của Nga trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

    Các đồng minh thân cận của Nga như Belarus cũng có thể phải hứng chịu các trừng phạt tương tự.

    EU và Hoa Kỳ đã đưa ra các lệnh trừng phạt với chính phủ và các cá nhân ở Nga.

    Ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và mới đây nhất là Singapore cũng tung ra các lệnh trừng phạt với Nga.

    Giới chức Mỹ: Belarus có thể cùng đưa quân xâm lược Ukraine



    Cuộc tập trận chung của các lực lượng vũ trang Nga và Belarus ở Vùng Brest

    Một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cho biết Belarus có thể sẽ đưa quân vào Ukraine ngay vào thứ Hai 28/2 để cùng với các lực lượng Nga xâm lược Ukraine.

    Belarus đã và đang hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của Nga, nhưng cho đến nay vẫn chưa tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.

    Quan chức Mỹ am hiểu trực tiếp các đánh giá tình báo hiện tại của Mỹ và cho biết quyết định của nhà lãnh đạo Belarus về việc có đưa Belarus lấn sâu vào cuộc chiến hay không phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine diễn ra trong những ngày tới. Quan chức giấu tên để thảo luận về thông tin nhạy cảm.

    Các lực lượng Nga đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ những người Ukraine kiên quyết bảo vệ đất nước, và các quan chức Mỹ cho biết họ tin rằng cuộc xâm lược diễn ra khó khăn hơn và chậm hơn so với kế hoạch của Điện Kremlin, mặc dù điều đó có thể thay đổi khi Moscow tìm cách thích ứng.

    Chiến tranh Ukraine ngày 5: Kyiv đã hoàn toàn bị quân đội Nga bao vây

    Nguyên Hương


    Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố các quan chức Ukraine và Nga sẽ gặp nhau để đàm phán hòa bình “mà không cần điều kiện tiên quyết”. Tổng thống Ukraine Ảnh: Anadolu via Getty Images

    Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko nói chuyện với hãng thông tấn AP. Ông cho biết, Thủ đô đã bị bao vây hoàn toàn, các lối thoát hiểm đều bị chặn bởi các lực lượng Nga.

    Đã có nhiều cuộc không kích vào Ukraine. Các quan chức cho biết tên lửa đạn đạo của Nga đã được phóng từ các địa điểm ở nước láng giềng Belarus.

    Lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược, cảnh báo không kích được nghe thấy ở phía Đông thành phố Dnipro.

    Còi báo động vang lên inh ỏi ở thủ đô Kyiv.

    Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko nói chuyện với hãng thông tấn AP. Ông cho biết, Thủ đô đã bị bao vây hoàn toàn, các lối thoát hiểm đều bị chặn bởi các lực lượng Nga.

    Trước câu hỏi về kế hoạch sơ tán dân thường nếu quân đội Nga chiếm thủ đô, ông cho biết: “Chúng tôi không thể làm điều đó, bởi vì tất cả các cách đều bị chặn. Ngay bây giờ chúng tôi đang bị bao vây”.

    Các cuộc không kích đã vang lên trong thành phố khi người dân phải đối mặt với một đêm khác trước mối đe dọa của các cuộc không kích.

    Sau 4 ngày tiến hành cuộc xâm lược, Nga hiện đã thừa nhận các binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh, nhưng họ từ chối đưa ra bất kỳ con số nào.

    Một quan chức nói rằng, con số này thấp hơn con số thực tế đã tiêu diệt những người theo chủ nghĩa dân tộc.

    Tổng thống Ukraine Zelensky nói 24 giờ tới sẽ là “quan trọng” trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson.

    Bộ tổng tham mưu cho biết: Chủ nhật là một “thời điểm khó khăn” đối với các lực lượng của Ukraine khi quân đội Nga “tiếp tục pháo kích ở hầu hết các hướng”.

    Đồng rúp của Nga giảm xuống mức thấp mới so với đồng đô la sau các lệnh trừng phạt nghiêm khắc.

    LHQ sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt khẩn cấp vào thứ Hai với sự tham gia của tất cả 193 thành viên.

    Một cuộc bỏ phiếu ở Belarus mở đường cho nước đồng minh của Nga sở hữu vũ khí hạt nhân.

    EU đang thực hiện bước chưa từng có trong việc gửi vũ khí cho Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga. Khối cộng đồng chung châu Âu cũng đang đóng cửa không phận của mình đối với máy bay Nga và cấm các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga.

    Các quốc gia thành viên cũng sẽ tiếp nhận người tị nạn Ukraine và bỏ qua quy trình xin tị nạn thông thường.

    Ukraine tuyên bố 4.500 người Nga đã chết trong toàn bộ cuộc xâm lược – điều này chưa được xác minh.

    Đồng thời, Hoa Kỳ lên án cảnh báo hạt nhân của Putin.

    Tuyên bố của Tổng thống Putin rằng ông đang đặt các lực lượng hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao đã bị Mỹ lên án một cách mạnh mẽ nhất.

    Các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng đây là một bước đi không cần thiết và là một bước leo thang nguy hiểm với những tính toán sai lầm.

    Họ vẫn đang đánh giá xem mệnh lệnh của Tổng thống Putin sẽ được thực hiện như thế nào và từ chối cho biết liệu lập trường về kho vũ khí hạt nhân của Mỹ có được thay đổi để đáp lại hay không.

    Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết động thái này tuân theo mô hình của Tổng thống Putin là “tạo ra các mối đe dọa không tồn tại để biện minh cho hành động gây hấn hơn nữa”.

    Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, Linda Thomas Greenfield, cho biết các nỗ lực tại Liên Hợp Quốc sẽ được tăng cường để buộc Tổng thống Putin phải chịu trách nhiệm về việc tiếp tục leo thang chiến tranh theo cách hoàn toàn không thể chấp nhận được.

    Bà Greenfield sẽ tham dự một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào cuối ngày thứ Hai (28/2).

    Nguyên Hương

    Theo BBC

    Thế khó của Trung Quốc khi Nga xâm lược Ukraine

    Trong khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga cho thấy rõ quy mô và mức độ bạo lực của nó, Trung Quốc vẫn tránh không chỉ trích. Hôm thứ Sáu, họ đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết lên án Nga của Liên Hợp Quốc (Nga phủ quyết). Nhưng lập trường này sẽ càng khó duy trì hơn khi thương vong tăng và phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Bloomberg đưa tin ít nhất hai trong số các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đang hạn chế việc cung cấp tài chính để mua hàng hóa cơ bản từ Nga. Điều này cho thấy Trung Quốc sợ bị ảnh hưởng hoạt động kinh doanh nếu bị coi là không tuân thủ các biện pháp trừng phạt.

    Không rõ Trung Quốc đã biết trước bao nhiêu về kế hoạch của Nga và đã chuẩn bị đến đâu cho các diễn biến ngoại giao. Tờ New York Times đưa tin Mỹ có thông báo cho các quan chức Trung Quốc về tin tình báo cho thấy động thái triển khai quân của Nga ngay trước cuộc xâm lược, nhưng bị Trung Quốc phủ nhận. Song cho dù thế nào Trung Quốc cũng không thể công khai phản đối tổng thống Nga Vladimir Putin.

    Ngân hàng trung ương Nga bị nhắm mục tiêu trừng phạt

    Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga thường chỉ nghe hoành tráng chứ không có nhiều tác động thực tế. Song các biện pháp lần này nhắm vào hệ thống tài chính của Nga, đặc biệt vào ngân hàng trung ương, là rất quyết liệt. Tổ chức này nắm giữ 630 tỷ đô la dự trữ ngoại hối, tương đương 38% GDP của Nga trong năm 2021. Và mặc dù Nga đã giảm tỉ lệ đô la Mỹ trong kho dự trữ, nhưng khả năng cao là phần lớn các khoản dự trữ của Nga đang nằm tại các tổ chức tài chính hoặc các quốc gia nơi chấp nhận thực thi các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Điều đó có nghĩa là một phần ngân khố chiến tranh của Nga có thể bị đóng băng.

    Nếu không thể tức thời tiếp cận số tiền dự trữ, ngân hàng trung ương sẽ khó có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ hoặc cung cấp thanh khoản ngoại tệ cho các ngân hàng. Tất cả cho thấy hệ thống tài chính của Nga sẽ gặp nhiều rối loạn. Chẳng hạn, trong trường hợp nguồn vốn tháo chạy ra nước ngoài, vì không có dự trữ khẩn cấp, ngân hàng sẽ phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ nhằm ngăn đồng nội tệ sụp đổ.

    Nga khiến Đức tăng chi tiêu quốc phòng

    Trong nhiều thập niên qua, dưới sự bảo vệ của Mỹ, Đức đã hạn chế hoạt động quân sự và không quá chú trọng đến các lực lượng vũ trang. Thậm chí đến Donald Trump cũng chỉ có thể thuyết phục được Angela Merkel miễn cưỡng chi 2% GDP cho quốc phòng cho tới năm 2031, theo như quy định của các thành viên NATO. Nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin lại thành công trong việc thuyết phục Đức thay đổi.

    Vào Chủ nhật, thủ tướng mới Olaf Scholz đã tuyên bố trước Hạ viện Đức là sẽ tăng chi tiêu quân sự lên trên ngưỡng 2% GDP “kể từ bây giờ” và thậm chí đề xuất đưa con số này vào hiến pháp. Ông sẽ rót 100 tỷ euro (113 tỷ USD) trong năm nay vào một quỹ đặc biệt để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Và ông sẽ viện trợ vũ khí phòng thủ cho Ukraine. Ông cũng thề tăng cường hiện diện của Đức tại các nước NATO ở Đông Âu.

    Chỉ mới vài ngày trước, Đức còn quả quyết không ngừng dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 từ Nga. Song họ đổi ý khi Nga xâm lược Ukraine. Giải thích về động thái này, ông Scholz nói cuộc chiến của Putin “làm thay đổi căn bản tình hình.”

    Sắp công bố báo cáo toàn diện của IPCC về biến đổi khí hậu

    Hôm thứ Hai, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu IPCC, một cơ quan được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn có nhiệm vụ đối chiếu các quan điểm khoa học về biến đổi khí hậu, sẽ đưa ra đánh giá toàn diện nhất từ trước đến nay về hậu quả của nóng lên toàn cầu.

    Phiên bản báo cáo trước đây của IPCC được công bố vào năm 2014. Trong những năm qua đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong ngành nghiên cứu về tác động của con người lên khí hậu. Hơn nữa thế giới lại ngày càng chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Sự kết hợp giữa tiến bộ khoa học và kinh nghiệm thực tế giúp nhân loại hiểu hơn về hiểm họa phía trước và cho thấy các nỗ lực thích ứng hiện tại đang thất bại ra sao.

    Do đó có thể đoán được là báo cáo sẽ không hề tích cực gì. Tại COP26, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc hồi tháng 11, các nhà lãnh đạo đã nói rõ là rất nhiều nước đang hứng chịu tác động của nóng lên toàn cầu. Song thế giới lại không hành động đủ quyết liệt.

    Kinh tế Ấn Độ chậm lại vì các tác nhân vĩ mô

    Váo năm ngoái chính phủ Ấn Độ cho biết đang trên đà trở thành “nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.” Có lẽ không nên lạc quan quá sớm như vậy. Tỷ lệ tăng trưởng 20,1% và 8,4% trong hai quý đầu tiên của năm tài chính 2021-22 có được chẳng qua do đại dịch làm cho nền so sánh xuống rất thấp. Dữ liệu GDP quý 4/2021 có thể sẽ cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm lại ở mức khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước, khi covid-19 ít tràn lan hơn.

    Tăng trưởng có thể còn chậm hơn nữa trong quý hiện tại. Các hạn chế liên quan đến Omicron được đặt ra từ tháng 1 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine là một tác nhân còn lớn hơn. Vì là nước nhập khẩu dầu lớn, Ấn Độ rất nhạy cảm với giá dầu lên cao. Ước tính đã cho thấy giá dầu thô tăng 10 điểm phần trăm có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ giảm 0,2 điểm phần trăm. Nó thậm chí có thể đẩy lạm phát lên cao.

    Phi cơ vận tải lớn nhất thế giới bị phá hủy tại phi trường giao tranh gần Kyiv

    Bill Pan


    Một chiếc Antonov AN-225 được chụp hình khi đang hạ cánh xuống Phi trường Oslo, vào ngày 19/06/2014, khi phi cơ này chở nguyên vật liệu của quân đội Na Uy về từ Afghanistan. (Ảnh: Heiko Junge/AFP/Getty Images)

    Hôm Chủ Nhật (27/02), chính phủ Ukraine cho biết “phi cơ lớn nhất thế giới” đã bị phá hủy tại một phi trường quan trọng về mặt chiến lược bên ngoài Kyiv trong một cuộc tấn công của Nga.

    “Đây là chiếc phi cơ lớn nhất thế giới, ‘Mriya’ AN-225 (nghĩa là ‘Giấc mơ’ trong tiếng Ukraine)”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter cùng với một bức ảnh của chiếc phi cơ. “Nga có thể đã phá hủy ‘Mriya’, nhưng họ sẽ không bao giờ có thể phá hủy giấc mơ của chúng ta về một quốc gia Âu Châu mạnh mẽ, tự do, và dân chủ. Chúng ta sẽ đánh bại [họ]!”

    Được ca tụng là một kỳ quan kỹ thuật, phi cơ Antonov An-225 là chiếc duy nhất thuộc loại này. Chiếc phi cơ khổng lồ này được trang bị ba động cơ phản lực trên mỗi cánh, hỗ trợ trọng lượng cất cánh tối đa là 600 tấn, hay 1.3 triệu pound. Để so sánh, thì Super Galaxy C-5M của Lockheed Martin, phi cơ vận tải lớn nhất phục vụ cho Không quân Hoa Kỳ, có trọng lượng cất cánh tối đa là 840,000 pound.

    Những đồn đoán về việc phi cơ Mriya đã bị hư hại hoặc bị phá hủy bắt đầu xuất hiện hôm 24/02, khi một trận chiến nổ ra nhằm giành quyền kiểm soát không phận Ukraine, như một phần trong cuộc tấn công quân sự toàn diện của Nga đối với quốc gia Đông Âu này dưới danh nghĩa “chiến dịch đặc biệt”. Ngay sau khi oanh tạc Phi trường Quốc tế Kyiv-Boryspil, người Nga đã mở rộng trận không chiến tới Phi trường Hostomel-Antonov, nơi chiếc Mriya được cất giữ.


    Hình ảnh một chiếc Antonov AN-225 trước khi cất cánh từ phi trường Kiev, vào ngày 10/05/2016. (Ảnh: Genya Savilov/AFP/Getty Images)

    Trong những ngày sau đó, các tuyên bố mâu thuẫn về số phận của chiếc Mriya đã gia tăng trên mạng xã hội. Nhiều báo cáo tuyên bố rằng chiếc phi cơ sáu động cơ này đã bị phá hủy trong một vụ hỏa hoạn nhà chứa phi cơ do cuộc giao tranh đó gây ra, trong khi ông Dmytro Antonov, phi công trưởng của công ty hàng không điều hành phi trường Hostomel, nói trên Facebook rằng chiếc Mriya vẫn còn “nguyên vẹn” ngay cả sau khi phi trường quê nhà nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

    Phi trường Hostomel, nơi chủ yếu phục vụ với tư cách là trung tâm vận tải hàng hóa thương mại, nằm cách Kyiv chỉ 15 dặm về phía tây bắc. Nó có một đường băng dài có khả năng giúp các phi cơ vận tải hạng nặng hạ cánh, có nghĩa là Nga có thể sử dụng nó để nhanh chóng chuyển quân và đồ tiếp tế đến các vùng ngoại ô của Kyiv.

    Các trực thăng và lực lượng dù của Nga đã tấn công và chiếm giữ phi trường Hostomel vào sáng sớm ngày 24/02, chỉ để đối mặt với cuộc phản công dữ dội của quân địa phương vào cuối ngày hôm đó.

    “Lính dù của quân địch ở Hostomel đã bị chặn lại và quân đội đã nhận được lệnh tiêu diệt họ,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài diễn văn được ghi hình, hãng thông tấn Agence France-Presse (AFP) đưa tin.

    Trong khi đó, ông Oleksiy Arestovych, cố vấn của ông Zelensky, đã tuyên bố trên Facebook rằng “Phi trường Hostomel là của chúng ta” và “lính dù Nga đã bị tiêu diệt”.

    Cẩm An biên dịch

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào