Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 01 tháng 3 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Chiến tranh Ukraina: Nga dồn quân cố đánh chiếm Kiev

    Hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies cung cấp cho thấy một đoàn xe không có điểm cuối ở phía đông nam của Ivankiv, phía tây bắc của Kiev, Ukraina, 28/02/2022. © Satellite image 2022 Maxar Technologies via AP 

    Hôm nay, 01/03/2022, ngày thứ sáu của cuộc xâm lăng Ukraina, quân đội Nga dường như đang dồn quân về thủ đô Kiev để đánh chiếm mục tiêu quân sự quan trọng hàng đầu trong cuộc tấn công.  

    Theo hãng tin AFP, tối qua, công ty ảnh vệ tinh của Mỹ Maxar cho biết các ảnh chụp được hôm qua cho thấy một đoàn xe quân sự trải dài trên 60 km, từ sân bay Antonov ở phía nam Kiev đến một thị trấn ở phía bắc thủ đô Ukraina. Kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina, sân bay Antonov vẫn là nơi giao tranh ác liệt, vì quân Nga cố chiếm được cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng chiến lược trong cuộc tấn công vào Kiev.

    Hôm nay, trên mạng Facebook, quân đội Ukraina cũng thông báo là trong 24 tiếng đồng hồ qua, quân Nga đang tập trung lực lượng, huy động thêm xe thiết giáp và các khẩu pháo “ nhằm bao vây và giành quyền kiểm soát Kiev và các thành phố khác.”

    Hai nguồn tin ngoại giao và an ninh cho hãng tin AFP biết là, quân Nga đang chuẩn bị mở một chiến dịch tấn công mới. Cho tới nay, quân đội Ukraina vẫn ngăn được quân Nga tiến vào trung tâm thủ đô Kiev và hôm qua, đà tiến của quân Nga đã chậm lại.

    Cũng theo hãng tin AFP, trong đêm qua, trên mạng Facebook, Igor Kolikhaiev, thị trưởng thành phố Kherson ở miền nam Ukraina, cho biết quân đội Nga đang tiến gần đến cửa ngõ của thành phố này. Nhưng ông Kolikhaiev khẳng định: “ Kherson vẫn thuộc về Ukraina. Kherson vẫn kháng cự!”.

    Trong khi đó, theo đặc phái viên RFI Denis Strelkov, thành phố Kharkov đêm qua đã bị oanh tạc dữ dội:

    “ Tình hình ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraina, nằm ở phía nam Kiev, rất nóng. Thành phố bị oanh tạc và đang bị quân Nga bao vây. Hiện giờ, chính quyền Ukraina khẳng định đang kiểm soát hoàn toàn Kharkov, nhưng trong vài tiếng nữa có thể tình hình sẽ thay đổi. Ai cũng rất lo. Có thông tin là các khu dân cư đã bị oanh tạc khiến hàng chục người chết, nhưng hiện chưa có nguồn tin nào khác xác nhận điều này. 

    Nói chung là từ Kharkov rất khó có được những thông tin có thể kiểm chứng được. Thành phố Mariupol được biết là vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraina, nhưng thành phố này đang bị cắt điện hoàn toàn. Quân đội đang tiến vào gần như toàn bộ các thành phố của Ukraina, kể cả Lviv, theo báo chí Ukraina, không còn là thành phố hoàn toàn an toàn. Người ta lo ngại tình huống xấu nhất tại đây.

    Tại Kiev, đêm qua đã không có tiếng nổ nào, nhưng thành phố vẫn có nguy cơ bị oanh tạc và còi báo động đã vang lên nhiều lần. Sáng nay, tuyết có rơi một chút, tôi không thấy nhiều binh lính trên đường phố như hôm qua, nhưng có rất nhiều xe thiết giáp ở trung tâm Kiev. Có thông tin quân Nga đang chuẩn bị bao vây thành phố, nhưng thông tin này chưa được quân đội Ukraina chính thức xác nhận. Họ cho rằng Kiev vẫn phòng thủ vững chắc, thường dân không nên chạy khỏi thành phố, mà chỉ nên vào các hầm trú ẩn.

    Tuy vậy, tình hình ở trung tâm thủ đô khá căng thẳng, do cảnh sát và quân đội đang truy lùng những người Nga cải trang thành quân Ukraina. Đó mới chính là mối đe dọa đối với Kiev.”

    Hôm nay, bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigou vừa tuyên bố là quân Nga sẽ tấn công "cho đến khi nào đạt được toàn bộ mục tiêu" và một lần nữa cáo buộc quân đội Ukraina dùng thường dân làm "lá chắn sống"

    Nga - Ukraina sẽ đàm phán vòng 2 sau cuộc họp đầu tiên tại Belarus

    Phái đoàn Nga (T) và Ukraina đàm phán hòa bình lần đầu tiên tại vùng Gomel, Belarus, 28/02/2022. AP - Sergei Kholodilin 

    Sau cuộc họp kéo dài 6 tiếng ngày 28/02/2022 tại Gomel, Belarus, hai phái đoàn Nga và Ukraina đã về nước để « tham vấn » chính quyền. Hai bên nhất trí tổ chức « vòng đàm phán thứ hai », sớm diễn ra tại biên giới Ba Lan - Belarus, theo người đứng đầu phái đoàn Nga Vladimir Medinski. 

    Ông Mikhaïlo Podoliak, một trong các nhà đàm phán Ukraina, cho biết : « Các bên đã lập ra một loạt ưu tiên và chủ đề cần đến một số quyết định ». Phía Ukraina yêu cầu « ngừng bắn ngay lập tức và rút hết quân Nga khỏi lãnh thổ Ukraina ».

    Điều kiện của Nga được tổng thống Vladimir Putin nêu trong cuộc điện đàm ngày 28/02 với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron, gồm ba điểm : Công nhận bán đảo Crimée, bị Matxcơva sáp nhập năm 2014, là lãnh thổ của Nga ; phi quân sự Ukraina và giải trừ phát xít chính quyền Kiev ; cam kết « tình trạng trung lập » của Ukraina.

    Trong bản tóm lược về cuộc điện đàm, điện Kremlin nhấn mạnh đây là ba điều kiện tiên quyết để giải quyết cuộc xung đột. Ông chủ điện Kremlin cũng cam kết với tổng thống Pháp là ngừng mọi trận oanh kích nhắm vào thường dân, tránh cơ sở hạ tầng dân sự, bảo đảm an ninh cho các trục đường… Nhưng chỉ vài phút sau cuộc điện đàm, nhiều hình ảnh cho thấy quân Nga tấn công các khu dân cư ở thành phố Kharkov.

    Phía tổng thống Ukraina cho biết « không quá tin » vào các cuộc đàm phán, đồng thời kêu gọi quân nhân Nga từ bỏ vũ khí, với khoản tiền thưởng tương đương 41.000 euro. Cũng trong ngày 28/02, ông Zelensky đã ký yêu cầu chính thức gia nhập Liên Hiệp Châu Âu thông qua một « tiến trình đặc biệt ». Trước đó, trả lời đài Eurosnews, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nêu mong muốn kết nạp Ukraina vào EU « trong tương lai gần ».

    Các vụ tấn công của Nga đã phá hủy hệ thống hạ tầng của Ukraina, trong đó có mạng lưới điện. Sau cuộc họp ngày 28/02, các bộ trưởng Năng lượng của Liên Hiệp Châu cho biết sẽ khẩn trương kết nối mạng điện của khối với Ukraina, theo yêu cầu của chính quyền Kiev. Bộ trưởng Năng Lượng Pháp giải thích : « Ukraina phải tiếp tục phòng thủ và giúp người dân đối phó với cuộc xâm lăng của Nga. Ukraina cần năng lượng ».

    Điện Kremlin ban hành biện pháp khẩn cấp để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU, Hoa Kỳ

    Bryan Jung

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/02/Vladimir-Putin-700x420-1.jpg

    FILE PHOTO: Russian President Vladimir Putin takes part in the Supreme Eurasian Economic Council meeting at his residence outside Moscow, Russia December 10, 2021. Sputnik/Mikhail Metzel/Pool via REUTERS 

    Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố các biện pháp khẩn cấp mới nhằm ngăn chặn đà sụt giảm giá trị đồng tiền của mình, bao gồm lệnh cấm người dân Nga chuyển ngoại tệ ra ngoại quốc và buộc các nhà xuất cảng sử dụng đồng tiền của quốc gia này.

    Các biện pháp khẩn cấp này, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/03, bao gồm một lệnh cấm công dân Nga thanh toán cho người ngoại quốc bằng ngoại tệ mạnh “liên quan đến các thỏa thuận cho vay,” và sẽ bao gồm các hạn chế đối với các công ty mua lại cổ phiếu của chính họ, cũng như một số giao dịch chuyển khoản sang tài khoản ngoại quốc, theo một tuyên bố từ Điện Kremlin được công bố hôm 28/02.

    Moscow cho biết, sắc lệnh này nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Âu Châu đối với các hành động của họ ở Ukraine, vốn đã làm cho đồng ruble giảm giá mạnh, buộc ngân hàng trung ương phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ổn định thị trường.

    Tuyên bố này viết rằng, “Cấm từ ngày 01/03/2022, người cư trú ghi có ngoại tệ vào những tài khoản được mở ở các ngân hàng nằm ngoài lãnh thổ Liên bang Nga và các tổ chức thị trường tài chính khác.”

    Theo sắc lệnh này, mọi giao dịch chuyển tiền chỉ được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng sử dụng hình thức thanh toán điện tử do các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán ngoại quốc cung cấp.

    Ngân hàng trung ương Nga sau đó đã đưa ra một lời giải thích, nói rằng lệnh cấm này “chỉ bao gồm các khoản cho vay mới và không giải quyết các khoản nợ hiện có.”

    Các nhà xuất cảng của Nga sẽ phải giữ 80% dự trữ của họ bằng đồng ruble, có nghĩa là các công ty lớn như đại tập đoàn năng lượng Gazprom sẽ phải mua đồng tiền này.

    Các lệnh trừng phạt vào cuối tuần qua đã khiến đồng ruble giảm xuống mức thấp kỷ lục, với việc ngân hàng trung ương Nga tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản lên 20%.

    Giá trị của đồng ruble so với đồng dollar hiện bằng khoảng một phần ba so với trước năm 2014, thời điểm cuối cùng Nga can thiệp vào Ukraine, vốn châm ngòi cho vòng trừng phạt đầu tiên từ phương Tây.

    Kể từ năm 2014, các ngân hàng và công ty của Nga đã giảm bớt nợ đáng kể với khoản nợ phải trả của quốc gia này giảm còn 250 tỷ USD, và tổng số nợ ngoại quốc, 135 tỷ USD sẽ đến hạn thanh toán trong vòng một năm.

    Vòng trừng phạt mới thứ hai này được đưa ra nhằm đóng băng các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế và hạn chế khả năng ngân hàng trung ương sử dụng dự trữ của mình để giúp nâng giá trị đồng ruble.

    Hôm 28/02, Hoa Kỳ cho biết rằng họ đã cấm tất cả các giao dịch của Hoa Kỳ với ngân hàng trung ương của Nga và đã đóng băng các khoản tiền dự trữ của họ, trong khi Thụy Sĩ cũng cho biết họ sẽ áp dụng các biện pháp tương tự như EU đã công bố vào cuối tuần này.

    Hoa Kỳ và các đồng minh cũng đã đưa ra các hạn chế cá nhân đối với các nhà tài phiệt và các quan chức chính phủ hàng đầu, bao gồm cả chính ông Putin.

    Sự kiện đồng ruble mất giá được cho là sẽ thúc đẩy tình trạng lạm phát ở Nga, trong khi các lệnh trừng phạt này sẽ làm tổn hại đến khả năng xuất nhập cảng hàng hóa và dịch vụ của các công ty không liên quan đến năng lượng.

    Việc tăng mạnh lãi suất có thể sẽ làm tăng chi phí đi vay, khiến người tiêu dùng và các công ty Nga phải gánh nợ.

    Hôm 28/02, Sở giao dịch Chứng khoán Moscow đã đóng cửa để ngăn chặn những gì dự kiến sẽ là một đợt bán tháo cổ phiếu lớn của Nga.

    Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.

    Nhã Duy – SWIFT, vũ khí hạt nhân trong tài chánh 

    SWIFT

    Trong vài ngày qua, đòn trừng phạt tài chánh nặng nề nhất là SWIFT, được xem như một vũ khí hạt nhân trong lãnh vực tài chánh, đang được Hoa Kỳ cùng phe đồng minh bàn luận xem có thể áp dụng lên Nga hay không? Có lẽ đây cũng là dịp để tìm hiểu thêm về SWIFT.
    SWIFT là gì và vai trò cùng ảnh hưởng của nó ra sao?

    SWIFT (The Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunications), tạm dịch là Cộng đồng Tài chánh Viễn Thông Liên Ngân Hàng Toàn Cầu ra đời năm 1973 tại Brussels, có tổng hành dinh tại Bỉ với khoảng 11 ngàn thành viên là ngân hàng cùng các tổ chức tài chánh thế giới.

    SWIFT không phải là một cơ quan tài chánh hay ngân hàng trực tiếp giữ và luân chuyển tiền mà như tên gọi, là một hệ thống viễn thông sử dụng các tin nhắn được tiêu chuẩn hóa để cung cấp các lệnh trung gian trong việc giao dịch tài chánh thế giới. Nó được ví như một xương sống trong hệ thống tài chánh toàn cầu hiện đại và là một “mạng xã hội” của cộng đồng tài chánh không thể thiếu.

    Trước khi SWIFT được thành lập và trở nên thông dụng trong thế giới tài chánh, việc thanh toán quốc tế được giao dịch qua hệ thống điện tín hay máy Fax truyền thống cho đến tận thập niên 80s, vừa thiếu an toàn và không bảo mật. Hiện nay, mỗi ngày SWIFT phát đi khoảng 42 triệu lệnh chuyển tiền, chi trả cho cá nhân hay các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân trên 200 quốc gia.

    Được-mất trong việc trục xuất Nga khỏi SWIFT:
    Khá nhiều ý kiến từ các chính khách cho đến giới chuyên gia tài chánh, truyền thông đang tranh luận xem liệu Hoa Kỳ và đồng minh có nên trục xuất Nga ra khỏi hệ thống giao dịch SWIFT như một biện pháp cấm vận và chế tài Nga trong cuộc xâm lấn Ukraine hiện nay hay không, bởi có những ảnh hưởng của biện pháp này.

    Nga phụ thuộc khá nhiều vào SWIFT với khoảng hơn 300 ngân hàng và tập đoàn tài chánh hàng đầu sử dụng SWIFT, cũng như có người sử dụng cao hàng thứ nhì sau Mỹ khi hơn phân nửa các tổ chức tín dụng Nga sử dụng SWIFT. Trục xuất Nga khỏi SWIFT là cắt mạng “internet” về tài chánh, làm tê liệt các giao dịch, thanh toán của các tổ chức tài chánh của Nga với Châu Âu và thế giới, gây biến động và xáo trộn hệ thống tiền tệ và tài chánh của Nga.

    Tuy nhiên không phải quốc gia đồng minh nào cũng sẳn sàng cho biện pháp này, kể cả Hoa Kỳ cũng chỉ xem nó như một đòn “vũ khí hạt nhân” đang còn cân nhắc, không chỉ lo ngại cho Hoa Kỳ mà vì chính những ảnh hưởng cho đồng minh tại Châu Âu.

    Các quốc gia Châu Âu mua khí đốt, năng lượng và giao dịch làm ăn với Nga, nhất là Đức và Ý cần có những giao dịch tài chánh qua lại hai bên. Dù chiến tranh xảy ra, các hãng năng lượng của Nga vẫn đang cung cấp năng lượng, khí đốt cho Châu Âu, không thanh toán tiền được thì việc cung cấp này sẽ gián đoạn, tạo ra một khủng hoảng năng lượng tại Châu Âu và ảnh hưởng dây chuyền đến kinh tế thế giới. Đó là lý do phương Tây đã hăm dọa trục xuất Nga khỏi SWIFT hồi 2004 sau vụ xâm lấn Crimea nhưng đã không thực hiện.

    Các nghị quyết giữa các dân biểu Cộng Hòa và Dân Chủ tại Quốc Hội cũng không thống nhất biện pháp này. Dự luật của Thượng Nghị Sĩ Bob Menendez thuộc đảng Dân Chủ tại Thượng Viện cùng các TNS Dân Chủ khác đề nghị cấm vận tài chánh có cả SWIFT nhưng dự luật của TNS Jim Risch phía Cộng Hòa lại không đụng đến SWIFT.

    Thái độ của các dân biểu Hoa Kỳ trong vụ Nga tấn công Ukraine xem ra quyết liệt hơn so với phía Cộng Hòa không đồng nhất quan điểm về Nga, mất đi thái độ “diều hâu” vốn được xem là truyền thống của đảng Cộng Hòa. Dân biểu Marjorie Taylor Greene phía Cộng Hòa còn ra nghị quyết đòi cách chức Tổng Thống Biden vì “đã hăm dọa gây chiến với nước Nga hạt nhân”. Cũng vậy, trong khi phía Cộng Hòa khá đoàn kết trong sự chỉ trích việc đối phó với Nga và các biện pháp bị xem là yếu đuối của Tổng Thống Joe Biden cùng chính phủ Hoa Kỳ nhưng theo thăm dò của AP-NORC cho thấy, chỉ có 22% cử tri Cộng Hòa cho biết Hoa Kỳ nên đóng vai trò lãnh đạo phương Tây trong cuộc xung đột này.

    Việc trừng phạt Nga là điều không thể nào phủ nhận, tuy nhiên SWIFT hay không SWIFT vẫn là lựa chọn cân nhắc trên bàn cờ. Chiều tối ngày thứ Bảy cuối tuần, Bạch Ốc cùng một số đồng minh vừa tuyên bố trục xuất một số ngân hàng của Nga ra khỏi SWIFT, chưa phải lệnh chế tài toàn phần. 

    Diễn biến chiến sự ở Ukraine

    Phần lớn lực lượng Nga hiện chỉ còn cách thủ đô Kyiv của Ukraine 25 km và dường như sẽ bao vây thành phố này trong những ngày tới. Họ cũng đã phá vỡ các phòng tuyến của Ukraine ở phía nam, đánh về phía tây đến cảng Odessa, trong khi từ mạn bắc áp sát miền trung đất nước, nơi họ có thể cô lập quân đội Ukraine ở miền đông. Dù vậy, cỗ máy chiến tranh của Nga đang gặp khó khăn.

    Vấn đề lớn nhất là hậu cần. Đến nay đã có nhiều xe tăng và các phương tiện khác của Nga bị bỏ lại bên đường, bị hỏng hoặc hết nhiên liệu. Thậm chí Nga cũng không giành được ưu thế trên không. Trong những ngày gần đây, Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất để tập kích quân Nga, gây thiệt hại nặng nề. Giờ đây cuộc chiến có thể bước vào một giai đoạn tồi tệ hơn khi Nga bù đắp cho khởi đầu chậm chạp bằng cách tăng cường hỏa lực. Một ví dụ là sau khi không chiếm được Kharkiv, Nga đã dồn tên lửa và bom chùm vào thành phố này. Thương vong dân sự chắc chắn sẽ còn tăng.

    Tình hình trong nước gây áp lực lên chính quyền Nga

    Khi đà tiến quân của Nga ở Ukraine chậm lại, bộ máy tuyên truyền của Tổng thống Vladimir Putin bỗng đứng trước áp lực lớn. Trong phiên bản thời sự của Điện Kremlin, việc Nga đang làm không phải chiến tranh mà chỉ là một hoạt động gần như không đổ máu để giải phóng những người anh em Ukraine khỏi phương Tây và các tay chân theo chủ nghĩa phát xít. Tin tức về các lệnh trừng phạt gây tê liệt cũng như việc đồng rúp sụp đổ chỉ được đề cập lướt qua, xen kẽ giữa các quảng cáo về các khoản vay và thế chấp giá rẻ — những thứ sẽ sớm bị ảnh hưởng bởi trừng phạt.

    Tuy nhiên, tuyên truyền sẽ không thể đánh bại được thực tế một khi giá cả tăng vọt. Vì không hề chuẩn bị tâm lý cho chiến tranh cũng như hậu quả của nó, tầng lớp trung lưu Nga nói riêng đang vô cùng sợ hãi. Trong khi đó người biểu tình tiếp tục xuống đường phản đối chiến tranh, dù chỉ trong năm ngày qua đã có 4.000 người bị bắt giữ. Bức tranh chính xác hơn về cuộc xung đột cũng đang xuất hiện qua các kênh như kênh truyền hình độc lập TV Rain hay đài phát thanh Ekho Moskvy. Điện Kremlin chỉ có thể đáp trả bằng những lời đe dọa và cáo buộc phản quốc.

    Tổng thống Biden sắp trình bày Thông điệp Liên bang

    Bài diễn văn thường niên “Thông điệp Liên bang” (State of the Union) là cơ hội cho tổng thống đương nhiệm bảo vệ thành tích và xác lập rõ các ưu tiên của mình với quốc hội— cũng như với toàn dân Mỹ. Vào tối thứ Ba, Joe Biden sẽ trình bày “Thông điệp Liên bang” đầu tiên trên cương vị tổng thống. Với tỷ lệ ủng hộ giảm sút và chính phủ đứng trước nhiều khó khăn— cả về đối nội, kinh tế và đối ngoại — bài phát biểu sẽ là nhiệm vụ đáng kể cho ông Biden.

    Đại dịch, lạm phát và Ukraine chắc chắn sẽ nằm ở đầu bài. Thứ nhất, ông Biden sẽ hoan nghênh những thành công trong chống covid-19. Thứ hai, ông sẽ tung hô hàng tỷ đô la được ông ký thành luật vào năm ngoái – mà như ông khẳng định, chính là phương thuốc cho lạm phát. Tuy nhiên, vấn đề thứ ba, tức phản ứng của Mỹ trước cuộc xâm lược của Nga, sẽ được theo dõi sát sao nhất. Sau khi áp đặt trừng phạt lên các cá nhân, công ty công nghệ và ngân hàng trung ương Nga, giờ đây ông Biden sẽ phải giải thích chiến lược của mình. Dù cả hai đảng đều ủng hộ thái độ cứng rắn với Nga, cũng không nên mong đợi quá nhiều tràng pháo tay từ phe Cộng hòa.

    Baidu trở lại ánh đèn sân khấu

    Công cụ tìm kiếm này từng được xếp ngang hàng với hai gã khổng lồ internet khác của Trung Quốc là Alibaba và Tencent, qua đó tạo thành bộ ba “BAT.” Nhưng lĩnh vực hoạt động của Baidu kém thú vị hơn thương mại điện tử của Alibaba và game của Tencent. Và việc hai công ty này tăng trưởng nhanh hơn cũng khiến “BAT” trở nên lỗi thời.

    Báo cáo thu nhập của Baidu vào thứ Ba có thể cho thấy họ vẫn khác xa hai công ty kia — nhưng với một lý do tích cực. Trước đó, việc thắt chặt quản lý lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc kể từ tháng 11 năm 2020 đã mạnh tay với Alibaba và Tencent hơn là Baidu. Giá cổ phiếu của họ thậm chí đang cao hơn thời điểm trước cuộc đàn áp, trong khi cổ phiếu Alibaba và Tencent giảm đáng kể. Cho tới nay Baidu đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo cũng như xe tự hành, những mảng phù hợp với ưu tiên của chính phủ. Đây có lẽ là một phần lý do họ tránh được mũi nhọn tấn công mà “AT” phải đối mặt.

    Mỹ trục xuất 12 nhà ngoại giao Nga tại LHQ, cáo buộc tham gia hoạt động gián điệp

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/03/Vassily-Nebenzia.jpg

    Đại sứ Nga ở Liên Hợp Quốc – Vassily Nebenzia của Nga (AP) 

    Đại sứ Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia của Nga nói với các phóng viên hôm 28/2, Hoa Kỳ đã yêu cầu 12 nhà ngoại giao Nga tại Liên Hợp Quốc rời đi vào đầu tháng 3 trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine.
    Theo Reuters, Mỹ đã viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia trong quyết định của mình, đồng thời gọi các nhà ngoại giao Nga là “đặc vụ tình báo” đang “tham gia vào các hoạt động gián điệp gây tổn hại an ninh quốc gia của chúng tôi”.

    Ông Nebenzia tuyên bố Nga sẽ sớm có phản ứng trước việc các nhà ngoại giao bị trục xuất “bởi vì đó là hoạt động ngoại giao”.

    Việc trục xuất các nhà ngoại giao là một phần trong quá trình liên tục diễn ra giữa Hoa Kỳ và Nga, bắt đầu ngay cả trước khi Nga xâm lược Ukraine.

    Đầu tháng này, Nga đã trục xuất ông Bart Gorman, nhà ngoại giao cấp cao thứ hai tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow. Các quan chức Nga cũng cho biết hồi tháng 12 năm ngoái, các nhà ngoại giao Mỹ từng ở Nga hơn 3 năm đã được lệnh rời đi vào cuối tháng đó.

    Newsweek đưa tin trước đó vào tháng 8/2021, các quan chức ở Washington đã ra lệnh cho hơn 20 nhà ngoại giao Nga rời đi vào đầu tháng 9. Hiện vẫn chưa rõ Nga có thể thực hiện các biện pháp trả đũa nào để đáp trả vụ trục xuất gần đây nhất.

    Bà Olivia Dalton, phát ngôn viên của Phái bộ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, đã xác nhận việc trục xuất trong một bài đăng trên Twitter vào chiều 28/2.

    “Hành động hôm nay đã được thực hiện trong vài tháng qua,” bà đăng tweet.

    Tuy nhiên, bà Dalton không nói chi tiết thêm về các “hoạt động gián điệp” bị cáo buộc.

    Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tập trung vào Ukraine, ông Nebenzia mô tả việc trục xuất là “thù địch” và nói rằng nó vi phạm nghĩa vụ của Hoa Kỳ với tư cách là nước chủ nhà của trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Reuters đưa tin.

    Khi được hỏi về bình luận của ông Nebenzia trong cuộc họp giao ban hôm 28/2, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhận xét: “Tôi nghĩ hành động thù địch chính là họ đang thực hiện các hoạt động gián điệp trên mảnh đất của chúng tôi.”

    Phó Đại sứ Liên Hợp Quốc Hoa Kỳ Richard Mills cũng đã phản hồi bình luận của ông Nebenzia. “Các nhà ngoại giao được yêu cầu rời khỏi Hoa Kỳ đã tham gia vào các hoạt động không phù hợp với trách nhiệm và nghĩa vụ của họ với tư cách là nhà ngoại giao,” Reuters dẫn lời ông cho hay.

    Ông nói thêm, các nhà ngoại giao đã được yêu cầu rời đi “để họ không làm tổn hại đến an ninh quốc gia của nước sở tại”..

    Cả ông Mills và bà Dalton đều khẳng định, quyết định này không vi phạm thỏa thuận về vấn đề nước chủ nhà mà ông Nebenzia nêu ra.

    Minh Ngọc 

    Visa, Mastercard chặn không cho các tổ chức tài chính Nga tiếp cận 

    01/3/2022 

    Reuters 

    https://gdb.voanews.com/6E4A897C-C125-4741-97FD-1A51E696A6C0_cx0_cy7_cw0_w1023_r1_s.jpg

    Các công ty thẻ thanh toán Visa và Mastercard của Mỹ đã chặn nhiều tổ chức tài chính Nga tiếp cận mạng lưới của họ, tuân thủ các chế tài mà chính phủ áp đặt vì Nga xâm lược Ukraine.

    Visa ngày thứ Hai nói họ đang hành động nhanh chóng để bảo đảm tuân thủ các chế tài hiện hành, đồng thời nói thêm rằng họ sẽ đóng góp hai triệu đôla cho viện trợ nhân đạo. Mastercard cũng hứa sẽ đóng góp hai triệu đô la.

    "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý trong những ngày tới để tuân thủ đầy đủ theo các nghĩa vụ tuân thủ của chúng tôi khi chúng thay đổi," Mastercard nói trong một phát biểu riêng vào cuối ngày thứ Hai.

    Các chế tài của chính phủ quy định Visa phải đình chỉ việc tiếp cận mạng lưới của họ đối với các thực thể được liệt kê là những Công dân Được Định danh Đặc biệt, một nguồn tin nắm rõ sự việc nói với Reuters. Mỹ đã bổ sung nhiều công ty tài chính khác nhau của Nga vào danh sách, bao gồm ngân hàng trung ương của nước này và ngân hàng cho vay lớn thứ hai là VTB.

    Ngày thứ Bảy, Mỹ, Anh, Châu Âu và Canada công bố các chế tài nhắm vào Nga - bao gồm chặn không cho một số ngân hàng tiếp cận hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

    Người Nga đã đổ xô đến các máy rút tiền tự động và xếp hàng dài chờ đợi hôm Chủ Nhật và ngày thứ Hai giữa lo ngại thẻ ngân hàng có thể ngừng hoạt động hoặc các ngân hàng sẽ hạn chế rút tiền mặt.


    Không có nhận xét nào