Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Việt Nam: Chưa thể kiểm soát COVID-19 trước năm 2023, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu

    RFA

    Chưa thể kiểm soát COVID-19 trước năm 2023, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu

    Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội tháng 10 năm 2021. AFP 

    Việt Nam trong tháng 3 đặt mục tiêu tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại các tỉnh, thành tiến tới bình thường hoá với dịch bệnh và xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

    Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam (VN) Phạm Minh Chính đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra hôm 3/3.

    Thủ tướng VN qua đó dự báo tình hình tháng 3 và những tháng tới sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, ông Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nắm chắc tình hình, biễn biến thế giới và khu vực để báo cáo cấp thẩm quyền, đưa ra giải pháp kịp thời.

    Riêng vấn đề kiểm soát dịch bệnh, ngoài việc xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, ông Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV2, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp kiểm soát hiệu quả, bình thường hoá với dịch bệnh.

    Tại cuộc họp, Bộ Y tế dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Bộ cũng cho rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quốc gia khác nhận định chưa thể kiểm soát được COVID-19 trước năm 2023.

    Tuy vậy, đại diện Bộ Y tế cho biết mục tiêu trước mắt là sẽ đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin toàn quốc, chủ động cung ứng vắc-xin, giảm tối thiểu 30% tỷ lệ tử vong do COVID-19.v.v.

    Kể từ đợt dịch thứ tư bùng phát từ tháng 4/2021 đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 3,7 triệu ca nhiễm COVID-19; trong đó 2,5 triệu ca được công bố khỏi bệnh. VN đã tiêm được tổng số 195 triệu liều vắc-xin.  

    Kể từ sau Tết Nguyên đán, Việt Nam lại phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới khi số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tăng cao sau mở cửa. Hôm 2/3, Việt Nam đã ghi nhận con số người nhiễm kỷ lục trong một ngày kể từ sau Tết là hơn 100.000 ca.

    Tàu tuần dương Pháp ghé thăm cảng Cam Ranh 

    02/3/2022 

    Tàu hộ vệ Prairial của Hải quân Pháp thăm cảng Cam Ranh năm ngoái. Photo Twitter ALPACI - France Pacific Command

    Tàu hộ vệ Prairial của Hải quân Pháp thăm cảng Cam Ranh năm ngoái. Photo Twitter ALPACI - France Pacific Command 

    Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội cho biết, tàu tuần dương Vendémiaire của hải quân Pháp sẽ thực hiện chuyến thăm xã giao tại cảng Cam Ranh, miền Trung Việt Nam, từ ngày 1 đến 5 tháng Ba.

    Theo cơ quan ngoại giao này, tàu Vendémiaire, khinh hạm lớp Floréal, thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ tại Châu Á, và điểm dừng chân ở Cam Ranh “cho phép thủy thủ đoàn có thể nghỉ ngơi trong một nhiệm vụ dài ngày nhờ việc lên bờ trong khuôn khổ bong bóng khép kín để phòng chống dịch bệnh và giao lưu với hải quân Việt Nam nhân hoạt động huấn luyện trên biển”.

    Ngoài ra, trong dịp dừng chân này, đại diện bộ đội biên phòng cũng như các cơ quan quân sự cảng sẽ đón tiếp Thuyền trưởng tàu Vendémiaire, người sẽ đến thăm chính quyền Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tại Nha Trang. Thêm nữa, một cuộc họp trực tuyến với Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân cũng sẽ được tổ chức.

    Theo đại sứ quán Pháp, cam kết của Pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được thể hiện trên 4 lĩnh vực chính: an ninh và quốc phòng, kinh tế, chủ nghĩa đa phương và pháp quyền, biến đổi khí hậu và quản lý bền vững các đại dương.

    “Những thách thức này được Liên minh châu Âu chia sẻ và thể hiện mong muốn của Pháp cũng như của Liên minh châu Âu hợp tác với Việt Nam và với ASEAN, vốn là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, đại sứ quán Pháp cho biết hôm 1/3.

    Tin cho hay, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery không thể thực hiện chuyến đi do tình hình dịch bệnh, nhưng chào đón thủy thủ đoàn qua một thông điệp video, trong đó ông nói rằng “chuyến dừng chân này là một điểm nhấn cho hợp tác Pháp - Việt” cũng như “thể hiện sự gắn bó của Pháp với quyền tự do đi lại và hàng không trên biển”.

    Năm ngoái, ba tàu của Pháp đã ghé thăm Việt Nam gồm tàu hộ vệ Prairial, tương tự như tàu Vendémiaire, xuất phát từ Tahiti vào tháng 3, và nhóm tàu huấn luyện Jeanne d'Arc, gồm tàu sân bay trực thăng đổ bộ Tonnerre và tàu khu trục Surcouf đến từ Pháp vào tháng Tư.

    Đại sứ quán Pháp cho biết, tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam, Đại tá Frédéric Daumas, nguyên Chỉ huy tàu Prairial, sẽ đại diện cho Đại sứ Pháp tại Cam Ranh.

    Ông Daumas được trích lời nói bày tỏ “vui mừng với các điều kiện tổ chức của chặng dừng chân này” và rằng “chúng tôi sẽ có thể tiếp tục các cuộc huấn luyện chung trên biển, điều đã không thể thực hiện được trong hai năm qua do khủng hoảng dịch bệnh”.


    Việt Nam biện minh về phiếu trắng cho nghị quyết LHQ đòi ngừng cuộc chiến Ukraine 

    03/3/2022 

    VOA Tiếng Việt 

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. 

    Hôm 3/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu quan điểm về việc nước này bỏ phiếu trắng cho nghị quyết tại phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc nhằm yêu cầu Nga ngừng ngay lập tức cuộc xâm lược Ukraine.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói tại một cuộc họp báo: “Quan điểm của chúng tôi là Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại về tình hình Ukraine”, theo báo chí Việt Nam.

    Bà Hằng nhận xét rằng cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine đang ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

    “Chúng tôi cho rằng, ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đàm phán đối thoại trên tất cả các kênh để đạt được các giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”, bà Hằng nói.

    Ngày 2/3, Đại hội đồng LHQ tổ chức kỳ họp khẩn cấp bất thường về tình hình Ukraine và ra nghị quyết yêu cầu Nga ngay lập tức chấm dứt chiến dịch quân sự và “rút toàn bộ lực lượng vô điều kiện” khỏi lãnh thổ Ukraine.

    Có 141/193 nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này. Năm nước bỏ phiếu chống gồm Nga, Belarus, Triều Tiên, Syria và Eritrea. Còn lại 35 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Việt Nam.

    Trước đó, vào ngày 1/3, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc phát biểu tại phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng LHQ rằng Việt Nam “hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine” và kêu gọi “kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và tổn thất”.

    Ông Giang cho rằng các cuộc chiến tranh và xung đột thường bắt nguồn từ “các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.

    Từ Tp. Hồ Chí Minh, tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng học tập ở châu Âu và đang theo dõi tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine, nêu nhận định với VOA về phản ứng của Việt Nam:

    “Tôi nghĩ rằng chính phủ [Việt Nam] phải xử lý như vậy thôi bởi vì quan hệ Việt Nam – Nga rất sâu sắc, từ truyền thống cho đến hiện nay. Việt Nam và Nga có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cho nên trong tình huống như thế này thị họ cũng thông cảm và đành phải bỏ phiếu như vậy”.

    “Nhưng tuyên bố của Đại sứ Việt Nam tại LHQ cũng rất tích cực”.

    Hôm 2/3, ngay sau khi Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng LHQ, Đại biện Lâm thời của Ukraine tại Việt Nam, bà Nataliya Zhinkyna, bày tỏ sự thất vọng. Bà viết trên Facebook: “Trong số tất cả các thành viên ASEAN chỉ có Việt Nam và Lào đã bỏ phiếu trắng. Việt Nam ơi, quê hương thứ hai của tôi, tôi rất thất vọng”.

    Cảm thông trước sự thất vọng của nhà ngoại giao Ukraine, ông Trần Tuấn Lộc ở Tp. Hồ Chí Minh viết: “Đúng là thất vọng! Dù ngay từ đầu tôi đã chắc đến 95% họ sẽ bỏ phiếu trắng, nhưng sau bài phát biểu có ngụ ý lên án Nga của đại sứ Việt Nam tại LHQ, tôi cũng hy vọng là họ sẽ bỏ phiếu lên án Nga. Nhưng họ đã không thay đổi cách tư duy vì lợi ích mà bỏ qua công lý và đạo lý!”

    Nghị quyết của LHQ đã được thông qua, dù không có tính ràng buộc nhưng sẽ đóng vai trò như một dấu hiệu cho thấy nước Nga bị cô lập như thế nào trong cộng đồng quốc tế.

    Hoa Kỳ, một trong các quốc gia đề xuất nghị quyết này lên Đại hội đồng LHQ, lên án cuộc tấn công quân sự của Nga nhắm vào Ukraine.

    Trong một tuyên bố vào tối ngày 2/3, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói cuộc bỏ phiếu của LHQ đã công nhận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “tấn công vào chính nền tảng của hòa bình và an ninh toàn cầu – và vào mọi thứ mà Liên Hợp Quốc đại diện cho”.

    Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân bỏ phiếu trắng hôm 2/3 và ông có bài phát biểu mang tính biện bạch về lập trường bỏ phiếu của Trung Quốc, cho biết: “Trung Quốc một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế kiên trì định hướng giải quyết chính trị, tạo bầu không khí và điều kiện có lợi cho hai bên trực tiếp đối thoại và đàm phán”.

    Ông Trương Quân nói rằng LHQ và các bên liên quan áp dụng bất cứ hành động nào đều phải lấy hòa bình và ổn định khu vực làm trọng, lấy an ninh phổ biến các bên làm trọng, phát huy vai trò chính diện cho làm dịu tình hình và thúc đẩy giải quyết ngoại giao.

    Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói với các phóng viên: “Chúng tôi không thấy bị cô lập. Lập trường của Moscow là hoạt động quân sự của Nga là để bảo vệ cư dân của các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine”. Nga cho rằng mình đang “tự vệ” theo Điều 51 của Hiến chương LHQ.

    Đài Loan: Bốn công nhân Việt bị truy tố vì bắt cóc, tống tiền đồng hương

    RFA
    03/3/2022


    Đài Loan: Bốn công nhân Việt bị truy tố vì bắt cóc, tống tiền đồng hương

    Lực lượng di trú Đài Loan hộ tống hai phụ nữ Việt Nam bị bắt, được cho là một trong số 152 người Việt Nam bị mất tích sau khi đến Đài Loan, vào một chiếc xe bên ngoài văn phòng di trú ở thành phố Tân Bắc vào ngày 28 tháng 12 năm 2018. AFP 

    Cơ quan Di trú của Đài Loan (NIA) hôm 2/3 cho biết bốn người đàn ông Việt Nam vừa bị khởi tố vì bắt cóc và hành hung một đồng hương người Việt của họ tại Đài Loan hồi năm ngoái.

    Hãng tin CNA của Đài Loan trích thông tin từ NIA cho biết người bị bắt cóc có họ Nguyễn, bị bắt cóc tại huyện Chương Hoá vào ngày 27/5/2021. Một trong số những người tham gia bắt cóc có họ là Vũ.

    Theo NIA, ông Nguyễn sau đó bị giam giữ tại một căn nhà, bị những đồng hương của mình dùng gậy, xích, súng BB hành hung. Sau đó những kẻ bắt cóc đã gửi hình ông bị tra tấn đến gia đình ông ở Việt Nam đòi tiền chuộc là 230 triệu dồng.

    Chen Ting-fu, Phó giám đốc cơ quan NIA cho báo giới Đài Loan biết gia đình ông Nguyễn đã chuyển tiền cho bọn bắt cóc và ông Nguyễn được thả vào ngày 2/6 năm ngoái.

    Sau khi được thả, ông Nguyễn đã báo cho NIA biết sự việc.

    Đài Loan là quốc gia có đông người Việt sang lao động. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam, có khoảng hơn 19 ngàn người Việt Nam đã sang lao động tại  Đài Loan trong năm 2021. Con số này vào năm 2020 là hơn 34 ngàn người. Nhiều người Việt sang Đài Loan lao động chui các năm qua và bị bắt giữ.

    Người Việt ở Châu Âu đùm bọc đồng hương từ Ukraine đi lánh nạn

    RFA
    03/3/2022

    Người Việt ở Châu Âu đùm bọc đồng hương từ Ukraine đi lánh nạn

    Người tị nạn từ Ukraine đến Budapest, Hungary hôm 3/3/2022 /Reuters 

    Ukraine là quốc gia có đông người Việt sinh sống, cũng giống như người bản địa, chiến tranh đã khiến cuộc sống của cộng đồng người Việt ở đây bị rơi vào cảnh hiểm nguy.

    Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine vào ngày 24/2 tới nay, đã có hơn một triệu người từ Ukraine đã đi lánh nạn ở các nước Châu Âu lân cận. Trong số này, có không ít là người Việt Nam.

    Ngay từ khi tin tức về dòng người tỵ nạn từ Ukraine đổ về các cửa khẩu biên giới để tìm cách thoát khỏi chiến tranh, người Việt ở các nước lân cận như Ba Lan, Romania, Cộng hoà Séc đã lập tức kêu gọi hỗ trợ.

    Mạng xã hội Facebook cũng đã được sử dụng để làm nơi thông báo về các hoạt động hỗ trợ của người Việt ở các nước khác nhau, giúp người lánh nạn có thể tìm đến và nhận sự giúp đỡ.

    Từ cung cấp nhu yếu phẩm tại cửa khẩu, hướng dẫn thông tin, quyên góp tài chính, huy động phương tiện để đón người tỵ nạn, đến cung cấp chỗ ở và nuôi ăn. Tất cả đều được cộng đồng người Việt ở các nước tại khu vực chung tay thực hiện.

    Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Phan Châu Thành, một doanh nhân người Việt tại Ba Lan nói về sự hưởng ứng của cộng đồng người Việt tại đây trước việc hỗ trợ người tỵ nạn đến từ Ukraine:

    “Cộng đồng người Việt bây giờ thì mỗi người một chân một tay ai làm được gì thì làm, ai có nhà cho ở thì cho ở, ai có xe đi đón thì họ đi đón, nói chung là hầu như toàn bộ cộng đồng là tham gia vào cái vấn đề này. 

    Cộng đồng Ba Lan bây giờ có khoảng độ 25 ngàn người thì trong đó có khoảng độ bảy, tám ngàn người tham gia vào chiến dịch này.”

    Bản thân ông Thành cũng đang điều hành hoạt động cứu tế cho người tỵ nạn tại một cửa khẩu biên giới giữa Ba Lan và Ukraine.

    Ở Romania, một nước có đường biên giới chung với Ukraine, cộng đồng người Việt tại đây cũng tham gia vào nỗ lực cứu trợ cho đồng bào của mình tới từ Ukraine. Chị Hải, một người Việt sống tại thủ đô Bucharest cho RFA biết hoạt động cứu trợ tại đây:

    “Thực ra thì nếu mà người Việt ở Ukraine hoặc dân Ukraine mà sang đến cái nước như bên mình thì mọi người, không chỉ riêng người Việt mà tất cả người dân ở Romania họ đều hỗ trợ giúp đỡ. Mọi người liên hệ với bất kỳ ai thuộc cộng đồng người Việt Nam tại Romania thì họ sẽ hỗ trợ hết sức. 

    Mọi người sang đây, nếu như những ai mà có nhu cầu phải ở lại đây khoảng vài ba ngày thì cộng đồng người Việt ở đây sẽ hỗ trợ tìm nhà thuê hoặc có thể là cho ở nhờ nhà người ta trong cái lúc khó khăn. Hiện tại người ta sang đây quá đông thì không còn chỗ ở thì người ta sẽ thuê khách sạn hoặc thuê nhà với giá rẻ để cho cộng đồng ở bên Ukraine sang để lánh nạn.” 

    Không chỉ cộng đồng người Việt ở các nước có chung đường biên giới với Ukraine mới tham gia vào nỗ lực cứu trợ đồng hương, ngay cả người Việt ở những nước cách xa Ukraine cũng chung tay dưới nhiều hình thức.

    Chị Julie Phan, một người Việt ở Cộng Hoà Séc đã đăng thông báo trên Facebook cho người Việt nào tới từ Ukraine cần chỗ ở, thì có thể tới ở nhà của chị. Trao đổi với phóng viên của Đài Á châu Tự do, chị cho biết động cơ thúc đẩy mình tham gia vào việc cứu trợ đồng bào:

    “Thực ra thì tôi cũng không suy nghĩ nhiều đâu, tôi chỉ thấy là khi chiến tranh nổ ra thì người dân rất là khổ, những em bé ở trong hầm rất là thương tâm, xem mà chảy nước mắt, vì tôi nghĩ rằng là mình đang hoà bình nhưng mà bé đấy chịu khổ dưới hầm này, nhiều người chết này, cảnh gia đình ly tán thì tôi rất là thương. Và cảnh đói nữa. 

    Chứng kiến những cái cảnh đó là người Ukraine và người Việt Nam mình xếp hàng ở biên giới Ba Lan dài đến 30 km để được đóng cái dấu để chạy sang Ba Lan để an toàn. Trời thì lạnh âm độ, đứng rét run cầm cập. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng rất là tội thì chúng tôi kêu gọi để ủng hộ để gửi cho những người đó thôi.”

    Chị Julie cũng cho biết cộng đồng người Việt ở Séc đang làm việc rất tích cực để gửi hàng cứu trợ đến cho người tỵ nạn.

    Chứng kiến sự hưởng ứng và chung tay của cộng đồng người Việt ở khắp Châu Âu vào nỗ lực cứu trợ đồng bào, ông Phan Châu Thành cho biết cảm thấy rất xúc động và biết ơn tấm lòng của cộng đồng người Việt xa xứ.

    Theo thông tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tính đến trưa ngày 3/3, hầu hết công dân Việt đã ra khỏi Kiev, Odessa và hàng trăm người ở Kharkiv cũng đã được sơ tán ra khỏi vùng chiến sự.

    Khoảng 400 người đã tới Moldova và hiện đang trên đường sang Romania, 140 người từ Ukraina sang Ba Lan và hiện đang ở Warsaw, 70 người đã sang được Romania, 33 người đã sang được Slovakia và 30 người đã tới Hungary.

    Con số người Việt tại Ukraine trước chiến tranh theo thống kê của Bộ Ngoại giao Việt Nam là khoảng 7.000 người.


    Không có nhận xét nào