Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Theo Dõi Nhân Quyền lên án Công an Hà Nội cản trở dân Việt ủng hộ Ukraine

    RFA

    Theo Dõi Nhân Quyền lên án Công an Hà Nội cản trở dân Việt ủng hộ Ukraine

    Các nhà hoạt động chụp ảnh chung với bà Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam /FB Bong Tuyet 

    Tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch ra tuyên bố lên án việc chính quyền Hà Nội ngăn cản người dân tới dự buổi gây quỹ của tòa đại sứ Ukraine.

    Tuyên bố trên được tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố hôm 16 tháng 3, nhằm phản ứng trước việc lực lượng công an ở Hà Nội canh cửa và giam lỏng nhiều công dân hôm 5 tháng 3. 

    Ngay hôm đó, đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam tổ chức một sự kiện gây quỹ từ thiện nhằm giúp nạn nhân của cuộc chiến tranh do Nga gây ra. 

    Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ này cáo buộc chính quyền Hà Nội đã nhiều lần tiến hành giam lỏng những người mà họ coi là mối đe dọa như những nhà hoạt động nhân quyền, người bất đồng chính kiến, và các nhà hoạt động xã hội. 

    Việc làm này của phía nhà nước xảy ra thường xuyên đến mức tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã liệt kê ra được một cách chính xác những thời điểm mà nó sẽ diễn ra. 

    Những thời điểm này bao gồm khi có biểu tình, khi có phiên toà xét xử người bất đồng chính kiến, và khi có nguyên thủ các nước phương Tây đến thăm Việt Nam. 

    Và hôm mùng 5 tháng 3 vừa qua, chính quyền đã một lần nữa áp dụng cách thức này để ngăn cản nhiều người đến bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine. 

    Từ thủ đô Bangkok, Thái Lan ông Phil Robertson bày tỏ về vụ việc mà ông gọi là sự vi phạm nhân quyền với đài RFA:

    “Các nhân viên an ninh Việt Nam vẫn thường xuyên vi phạm quyền tự do đi lại của giới hoạt động xã hội, cản trợ họ rời khỏi nhà để đến dự các sự kiện mà chính quyền cho là có vấn đề. 

    Giờ đây, chính quyền Việt Nam còn mở rộng chính sách đàn áp của họ đối với những nhà hoạt động, bằng cách ngăn cản họ đến thể hiện sự ủng hộ đối với người dân Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá”. 

    Hồi tháng 2 năm 2022, tổ chức này đã công bố một bản báo cáo dài 82 trang, trình bày chi tiết điều mà tổ chức này gọi là sự vi phạm “có hệ thống và trên quy mô rộng” đối với quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động ở Việt Nam. 

    Ông Phil Robertson gọi tình trạng này là sự vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn, và kêu gọi quốc tế lên án chính quyền VIệt Nam. Ông nói:

    “Lực lượng cảnh sát và an ninh ở Việt Nam đã quấy rối và đe doạ những người bất đồng chính kiến và giới hoạt động xã hội một cách không thể trắng trợn hơn, và hầu như không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào. 

    Các chính phủ quan tâm đến vấn đề này cần phải ngay lập tức lên án sự vi phạm có hệ thống này và yêu cầu nhà nước Việt Nam chấm dứt hành vi vi phạm quyền tự do đi lại của người dân.”

    Ngoài canh nhà và chặn cửa đối với nhiều người hôm 5 tháng 3, cũng có những thông tin cho thấy chính quyền cử an ninh mặc thường phục canh giữ bên ngoài đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội. 

    Covid-19 : Việt Nam chấm dứt quy định cách ly du khách quốc tế

    Ảnh tư liệu: Khách quốc tế đến sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, ngày 20/02/2020, khi Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam. AP - Hau Dinh 

    Du khách quốc tế đến Việt Nam kể từ nay sẽ không bị cách ly nữa trong bối cảnh Việt Nam đang cố khôi phục ngành du lịch sau hơn hai năm đóng cửa biên giới để phòng chống đại dịch Covid-19. 

    Trong một thông cáo đưa ra hôm nay, 16/03/2022, bộ Y Tế Việt Nam cho biết những người nhập cảnh Việt Nam kể từ nay chỉ cần trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid ( 72 tiếng đối với xét nghiệm PCR và 24 tiếng đối với xét nghiệm kháng nguyên). Trẻ em dưới 2 tuổi thì không cần xét nghiệm.

    Thông cáo của bộ Y Tế cũng lưu ý : « Người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo quy định ».

    Hôm qua, chính phủ Hà Nội cũng đã thông báo tái lập việc miễn visa cho các công dân đến từ 13 quốc gia ( Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus ), với thời hạn tạm trúc 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

    Theo Báo Điện tử Chính phủ, từ ngày 15/3/2022 các biện pháp, thủ tục về xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được khôi phục giống như như trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19.

    Vào năm 2019, Việt Nam đã đón tiếp đến 18 triệu du khách ngoại quốc, một con số kỷ lục. Nhưng kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, chính quyền Việt Nam đã phải ban hành các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, khiến cho trong năm 2021 chỉ có 157.000 du khách quốc tế đến được Việt Nam.

    Hiện giờ, mỗi ngày ở Việt Nam vẫn có gần 200.000 ca nhiễm mới, nhưng bộ Y Tế khẳng định vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong do Covid vẫn còn thấp. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ chích ngừa Covid-19 cao nhất thế giới, với 98% người lớn đa được tiêm 2 mũi, theo các số liệu chính thức.

    Hơn một nửa số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp ở Việt Nam báo lỗ

    RFA

    Hơn một nửa số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp ở Việt Nam báo lỗ

    Hình minh hoạ: Công nhân may khẩu trang tại một nhà máy ở Thái Nguyên hôm 23/3/2020 /Reuters 

    Hơn 14.100 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, chiếm 51% tổng số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, báo lỗ trong năm 2020, theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây.

    Cụ thể, con số lỗ mà các doanh nghiệp này báo cáo trong năm 2020 là hơn 151 nghìn tỷ đồng.

    Theo báo cáo này, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, phần mềm vốn được cho là có lợi trong thời gian đại dịch COVID-19 cũng thông báo bị lỗ và hoạt động không tốt trong năm 2020.

    Hai công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thông báo doanh thu tăng trong năm 2020 là Airpay JSC và Shopee với con số doanh thu báo cáo tương ứng là 4,5 nghìn tỷ đồng và 2,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 58% tổng số doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

    Mặc dù vậy, hai doanh nghiệp này cũng báo lỗ khiến giảm nguồn vốn và đóng góp vào ngân sách của Nhà nước.

    Theo thống kê của Bộ Tài chính, doanh thu trong nước của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2020 đạt hơn 206 nghìn tỷ đồng, giảm 6,1 nghìn tỷ đồng so với năm 2019.

    Lọc dầu Nghi Sơn hết tiền, có khả năng ngưng sản xuất

    RFA

    Lọc dầu Nghi Sơn hết tiền, có khả năng ngưng sản xuất

    Nhân viêm bơm xăng vào xe cho người mua ở Hà Nội /Reuters 

    Bộ Công thương Việt Nam mới đây cho biết Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang gặp khó khăn về tài chính, thiếu nguồn cung cấp và có khả năng phải ngưng hoạt động trong thời gian tới. Truyền thông Nhà nước loan tin này hôm 15/3.

    Cụ thể, theo Bộ Công thương, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang gặp khó khăn về tài chính và  một số vấn đề nội tại nên không có kinh phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm.

    Hiện nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy.

    Trước đó, báo cáo của Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn cho biết Nhà máy đã phải cắt giảm công suất xuống mức 80% vào đầu tháng 1 và sau đó chỉ ở mức 55 đến 60% công suất. Nguyên nhân là vì thiếu dầu thô do Nhà máy thiếu tiền trả.

    Cuối tháng 1, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cổ đông lớn của NSRP, cho biết PVN đã đàm phán và đạt được thoả thuận với các đối tác nước ngoài tại NSRP. Các bên đã chấp thuận nguyên tắc tái cấu trúc nhà máy này do PVN đề xuất và thống nhất hỗ trợ nguồn lực tài chính ngắn hạn thông qua gia hạn cơ chế RPA. Ngoài ra, PVN đồng ý thanh toán sớm hợp đồng FPOA để giúp nhà máy cải thiện dòng tiền, tiếp tục sản xuất trong thời gian hoàn thiện phương án tái cấu trúc.

    Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, sang tháng 3, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng xăng dầu từ sản xuất trong nước tiếp tục giảm (do nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn tiếp tục giảm công suất).


    Không có nhận xét nào