Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Hoa Kỳ trao giải 'Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm' - IWOC- cho bà Đoan Trang và 11 người khác

    14/3/2022

    Nhà báo Phạm Đoan Trang trong ảnh chụp trước khi bị công an VN bắt tháng 10/2020

    Nguồn hình ảnh, BBC reader

    Chụp lại hình ảnh, 

    Nhà báo Phạm Đoan Trang trong ảnh chụp tại khu vườn rau Lộc Hưng trước khi bị công an VN bắt tháng 10/2020

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa ra thông báo về lễ trao giải Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm cho bà Phạm Đoan Trang và 11 người khác trên thế giới.

    Phu nhân tổng thống Mỹ Jill Biden sẽ có bài phát biểu tại sự kiện trực tuyến hôm 14/03/2022, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

    Bản thân sự kiện và tên tuổi 12 người phụ nữ dũng cảm, dám đấu tranh cho tự do báo chí, nữ quyền, nhân quyền và hoạt động xã hội dân sự, được Ngoại trưởng Antony Blinken công bố.

    Thông cáo báo chí trên trang của Bộ Ngoại giao Mỹ nói giải thưởng Quốc tế cho Phụ nữ Dũng cảm - International Women of Courage (IWOC) Awards năm nay được trao cho 12 phụ nữ, ở 12 quốc gia khác nhau.

    Đây là lễ trao không tiếp xúc trực tiếp, vì lý do dịch Covid, nhưng sẽ được truyền trực tuyến trên trang của Bộ Ngoại giao Mỹ, ở địa chỉ: https://www.state.gov/

    Trong ASEAN, có hai người được trao giải là bà Phạm Đoan Trang, công dân Việt Nam, hiện đang bị chế độ xã hội chủ nghĩa cầm tù, và bà Ei Thinzar Muang của Myanmar, người từng bị xử tù năm 2015 vì hoạt động cho quyền phụ nữ thời kỳ phe dân chủ nước này còn là lực lượng đối lập. 

    Ngoài họ là các phụ nữ ở Iraq, Liberia, Libya, Romania, Nam Phi, Moldova, Colombia, Brazil, Nepal và Bangladesh.

    Bà Phạm Đoan Trang được tặng giải thưởng này nhờ hoạt động báo chí tự do cho nhân quyền và nhà nước pháp quyền.

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết:

    "Bà Trang bị bắt ngày 6/10/2020 và bị xử chín năm tù giam vào ngày 14/12/2021 vì các bài viết, và vì thể hiện quan điểm của mình một cách hòa bình." 

    'Không hợp tác, không khai nhận và chưa từng nhận tội'

    Chính phủ Việt Nam kiên quyết bác bỏ các chỉ trích về nhân quyền từ châu Âu và Hoa Kỳ.

    Cáo trạng truy tố nhà báo, nhà hoạt động dân chủ Phạm Thị Đoan Trang của Viện Kiểm sát VN cuối 2021 nói bà Trang phạm tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999".

    Tuy nhiên, điều khiến bà bị xử tù nặng nề còn đến từ chỗ thái độ của bà "trong suốt quá trình làm việc, bà Trang không hợp tác, không khai nhận và chưa từng nhận tội", theo một luật sư bào chữa cho biết trên Facebook. 

    Năm 2018, bà Đoan Trang được trao (khiếm diện) giải nhân quyền Homo Homini tại CH Czech.

    Vào tháng 9/2019, Phạm Đoan Trang đã được Tổ chức Phóng viên Không biên giới trao cho Giải thưởng Tự do Báo chí, hạng mục "Ảnh hưởng".

    Bà Trang là người đồng sáng lập blog Luật Khoa Tạp Chí, nơi cung cấp thông tin về các vấn đề pháp lý để giúp người dân Việt Nam bảo vệ quyền của mình.

    Bà cùng với nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt Will Nguyễn từng công bố bản Báo cáo Đồng Tâm song ngữ Anh Việt.

    Trong bức thư đề ngày 27/5/2019 của Phạm Đoan Trang do Will Nguyễn công bố, bà Trang viết về ba tâm nguyện bà muốn cộng đồng thực hiện: 

    Vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới; Quảng bá các sách bà viết; Biến việc bà đi tù thành cơ hội để giới dân chủ đàm phán với nhà nước; Đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức Quốc hội mới.

    Cựu bí thư tỉnh Bình Dương chịu trách nhiệm chính trong vụ gây thất thoát ngân sách 1.850 tỷ đồng

    Cựu bí thư tỉnh Bình Dương chịu trách nhiệm chính trong vụ gây thất thoát ngân sách 1.850 tỷ đồng

    Ông Nam bị cho là người chịu trách nhiệm chính trong việc vi phạm chuyển giao QSD tại khu đất vàng 43ha tại Bình Dương /abcland-RFA edited 

    Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội của ông Trần Văn Nam-cựu bí thư tỉnh Bình Dương, bị Bộ Công an cho rằng đặc biệt nghiêm trọng.

    Đó cũng là nội dung trong bản kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2) và một số đơn vị liên quan được Bộ Công an (C03) công bố với truyền thông Nhà nước hôm 14/3.

    Trong vụ này Viện kiểm sát tối cao đề nghị truy tố 28 bị can có liên quan. Trong đó, 22 người bị đề nghị truy tố về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”gồm nhiều cựu lãnh đạo của tỉnh Bình Dương như Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh…

    Sáu người khác bị đề nghị truy tố về tội “tham ô tài sản”, gồm: Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương; Trần Nguyên Vũ, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương và Huỳnh Thanh Hải, cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và quản lý dự án Bình Dương; Nguyễn Thục Anh, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển (con gái Nguyễn Văn Minh)…

    Theo kết luận, C03 cho rằng đây là vụ án gây thất thoát cho nhà nước số tiền rất lớn 1.850 tỉ đồng, thông qua việc chuyển giao quyền sử dụng đất tại 2 khu "đất vàng" gồm khu đất 145 ha và khu đất 43 ha.

    Ông Nguyễn Văn Minh cũng được xác định là người có vai trò tổ chức thực hiện các hành vi phạm tội với sự đồng phạm của nhiều quan chức cấp cao khác tại tỉnh Bình Dương.

    Kết luận điều tra bổ sung nêu rõ hành vi phạm tội của ông Nam là đặc biệt nghiêm trọng vì là người có chức vụ cao nhất và lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội. Do đó ông Trần Văn Nam phải là người chịu trách nhiệm chính đối với hậu quả này.

    Bên cạnh đó, C03 cũng xác định hành vi của ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 3/2 và con gái ruột giữ vai trò giúp sức là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại ngân sách hơn 1.850 tỷ đồng.

    Kết luận cũng nêu ngoài việc bị truy tố về tội tham ô tài sản, ông Minh phải chịu trách nhiệm với số tiền 815 tỷ đồng, số tiền này ông trực tiếp chiếm hưởng hơn 154 tỷ sử dụng để hoàn ứng, thanh toán nợ khó đòi tại Tổng Công ty 3/2 và hưởng lợi từ cổ phần tại Công ty Hưng Vượng.

    COVID-19: Việt Nam nằm trong số ba nước có nhiều ca nhiễm nhất thế giới tuần qua

    COVID-19: Việt Nam nằm trong số ba nước có nhiều ca nhiễm nhất thế giới tuần qua

    Hình minh hoạ: một người dân đi qua tấm biển cổ động phòng chống dịch COVID-19 ở Hà Nội hôm 19/10/2021 /AFP 

    Việt Nam, Hàn Quốc và Đức là ba quốc gia đóng góp nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới tuần qua theo số liệu thống kê của được cập nhật trên trang worldometers chuyên cập nhật các ca nhiễm vi-rút corona trên thế giới.

    Cụ thể, số ca nhiễm COVID-19 mới tại ba quốc gia này đã chiếm đến hơn 41% số ca mới trên toàn thế giới tính đến cuối tuần qua, mặc dù dân số của cả ba nước chỉ chiếm khoảng 3,9% dân số toàn thế giới.

    Tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới tính đến ngày 13/3 là hơn 458 triệu ca. Việt Nam tính đến lúc này đã ghi nhận hơn 6,1 triệu ca, trong đó con số tử vong là hơn 41 ngàn người.

    Kể từ sau Tết Nguyên đán đến này, nhiều tỉnh, thành của Việt Nam phải đối mặt với làn sóng dịch mới với số ca nhiễm tăng cao, trung bình hơn 100.000 ca mới mỗi ngày. Chỉ tính đến năm giờ chiều ngày 14/3, Việt Nam đã ghi nhận thêm 161.262 ca nhiễm mới.

    Cuộc thảm sát Gạc Ma 34 năm trước trên truyền thông Nhà nước

    RFA
    14/3/2022

    Cuộc thảm sát Gạc Ma 34 năm trước trên truyền thông Nhà nước

    Hình ninh hoạ: Biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm gạc Ma nhân kỷ niệm 28 năm cuộc chiến ở Hà Nội hôm 14/3/2016 /Reuters 

    Cuộc thảm sát Gạc Ma giết 64 lính công binh Việt Nam vào ngày 14/3/1988 được truyền thông Nhà nước Việt Nam nhắc lại nhân kỷ niệm 34 năm cuộc chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc.

    Nhật báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, có bài viết ‘Vinh quang đời đời những người giữ biển’. Nội dung nhắc lại cuộc chiến đấu diễn ra ngày 14/3/1988 với mục đích được cho biết nhằm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, thuộc quần đảo Trường Sa tại Biển Đông.

    64 người tham gia cuộc chiến bị giết chết là những cán bộ, chiến sĩ hải quân các tàu vận tải và công binh Việt Nam đang tham gia xây dựng đảo. Phương tiện và vũ khí của lực lượng đó được cho biết còn hạn chế, chỉ có súng bộ binh và các dụng cụ như cuốc, xẻng…

    Cuộc chiến đấu được mô tả chi tiết như sau: Vào 16 giờ ngày 13/3/1988, tàu HQ 604, HQ 505 cơ động đến thả neo tại vị trí quy định ở hai bãi đá Cô Lin và Gạc Ma. Đến sáng sớm ngày 14/3, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Công binh 83 (nay là Lữ đoàn Công binh 83) trên tàu HQ 604 bắt đầu chuyển vật tư lên bãi đá Gạc Ma để xây dựng công trình bảo vệ đảo. Lúc đó, ba chiến hạm Trung Quốc tiến đến uy hiếp tàu HQ 604 bằng cách chĩa pháo vào và phát loa yêu cầu phía Việt Nam phải ra khỏi khu vực Gạc Ma.

    Đến 6 giờ ngày 14/3, phía Trung Quốc cho ba xuồng nhôm chở 40 lính cùng vũ khí, trang bị đổ bộ lên bãi đá Gạc Ma. Tiếp đến chiến hạm Trung Quốc nã pháo vào tàu HQ 604 và những cán bộ, chiến sĩ Việt Nam trên đảo. Tàu HQ 604 bị trúng đạn rồi bị cháy và chìm xuống biển.

    Tại bãi đá Cô Lin, tàu HQ 505 cũng bị phía Trung Quốc bắn và phải lao lên bãi đá này.

    Truyền thông Nhà nước Việt Nam cũng loan tin về hoạt động tưởng nhiệm nhân dịp 34 năm cuộc thảm sát xảy ra tại Gạc Ma. Cụ thể, vào chiều ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính  đến khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại tỉnh Khánh Hòa dâng hương tưởng niệm những người lính bỏ mình trong vụ Trung Quốc tiến chiếm nhóm đảo Gạc Ma- Cô Lin- Len đạo thuộc Trường Sa hồi năm 1988.

    Báo Lao Động, cơ quan ngôn luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng có bài viết có tựa "34 năm sự kiện Gạc Ma: Giữ vĩnh cửu ngọn lửa yêu nước". Tuy nhiên, một số người đọc tại Việt Nam phát hiện trang điện tử của báo đã không gọi tên Trung Quốc là nước gây chiến mà gọi "nước ngoài". Sau đó báo này đã sửa chữ "nước ngoài" thành Trung Quốc, tuy nhiên bản in của báo vẫn còn chữ "nước ngoài" thay cho chữ Trung Quốc.

    Trong ngày 14/3 nhiều đoàn cựu chiến binh, viên chức cũng được tiến hành các hoạt động tưởng niệm vụ thảm sát Gạc Ma cách đây 34 năm.


    Không có nhận xét nào