Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn bị y án 11 năm tù, 3 năm quản chế 

    01/3/2022 

    VOA Tiếng Việt 

    Lê Hữu Minh Tuấn - thành viên Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam.

    Lê Hữu Minh Tuấn - thành viên Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam. 

    Một tòa cấp cao ở Tp. Hồ Chí Minh vừa y án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế đối với nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn trong một phiên tòa diễn ra nhanh chóng và không cho thân nhân tham dự.

    Bà Lê Thị Hòa Tâm, chị của ông Tuấn, cho VOA biết rằng thân nhân không được tham dự phiên tòa phúc thẩm sáng ngày 28/2. “Phiên tòa xử rất nhanh”, bà Tâm cho biết.

    “Họ nói phiên tòa mở ra công khai nhưng trong khi đó không cho gia đình vào tham dự.”

    Nhận định về bản án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước,” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự, bà Tâm nói rằng “Đây là án bỏ túi”.

    Bà Tâm cho biết thêm:

    “Tôi thấy [bản án] quá nặng. So với những gì Tuấn đã làm thì bản án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế là quá nặng nề, không công bằng, và quá khắc nghiệt.

    “Tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế và những người biết về Tuấn sẽ lên tiếng về chuyện này.”

    Bà Tâm cho biết thêm rằng ông Đặng Đình Mạnh, luật sư bào chữa cho ông Tuấn, không được phép tiếp xúc thân chủ trước phiên phúc thẩm. Bà nói rằng luật sư vào thăm thì bị gây khó khăn, chính quyền đưa ra nhiều lý do không cho luật sư vào gặp.

    Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một nhóm các nhà báo độc lập mà ông Tuấn là một thành viên, cho biết hôm 28/2: “Trong hơn một năm bị biệt giam tại trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu từ sau phiên sử sơ thẩm, Lê Hữu Minh Tuấn bị từ chối quyền được tiếp xúc luật sư với lý do rất khéo léo và thức thời là do COVID”.

    VOA đã liên lạc Tòa cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh để hỏi ý kiến của họ về phát biểu của gia đình bị cáo, nhưng chưa được phản hồi.

    Luật Sư Đặng Đình Mạnh nói với đài RFA rằng ông Tuấn phủ nhận cáo buộc “vi phạm pháp luật” “làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng và nhà nước” như cáo trạng nêu. Luật sư thuật lại lời ông Tuấn nói trước tòa rằng ông chỉ hoàn toàn thực hiện các quyền tự do căn bản của công dân về tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội như Điều 25 của bản Hiến Pháp quy định.

    Ông Lê Hữu Minh Tuấn, 33 tuổi, thành viên của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam, bị Cơ quan An ninh Điều tra TPHCM bắt vào sáng 12/6/2020 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”. Các thành viên khác của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam như ông Phạm Chí Dũng – một blogger của VOA Tiếng Việt, ông Nguyễn Tường Thuỵ - Phó chủ tịch của hội – cũng bị bắt trước đó với cùng cáo buộc.

    Cả ba nhà báo này đã bị tuyên án tổng cộng 37 năm tù giam và 9 năm quản chế trong phiên xử sơ thẩm vào ngày 5/1/2021. Chính quyền Việt Nam cho rằng các nhà báo này “sử dụng nhiều bút danh để đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”.

    Nhà báo Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thuỵ không kháng cáo và đã bị đưa đi thi hành án.

    Theo Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam, nhà báo Phạm Chí Dũng hiện đang chấp án tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai trong khi nhà báo Nguyễn Tường Thụy chấp án trại giam An Phước Bình Dương và đang có yêu cầu giám đốc thẩm do các sai phạm trong quá trình điều tra xét xử của cơ quan điều tra.

    Ngay sau phiên sơ thẩm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Liên minh châu (EU) lên tiếng về bản án “khắc nghiệt” và kêu gọi trả tự do cho ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

    “Những bản án khắc nghiệt này là bản án mới nhất trong một xu hướng bắt giữ và kết án đáng lo ngại nhằm vào các công dân Việt Nam thực hiện các quyền được ghi trong hiến pháp Việt Nam,” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết.

    Vào tháng 2/2022, trong bức thư gửi tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, bảy dân biểu liên bang Hoa Kỳ hối thúc Washington gây áp lực để Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho ông Lê Hữu Minh Tuấn và 21 tù nhân lương tâm khác.

    Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ (WGAD) vào tháng 6/2021 đã đưa ra ý kiến về trường hợp của Lê Hữu Minh Tuấn sau khi bị bắt, nói rằng việc giam giữ ông Tuấn là “tùy tiện” và kêu gọi trả tự do cho ông ngay lập tức.

    Trong khi đó, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao tại Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), kêu gọi nhà chức trách Việt Nam “trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn và chấm dứt chiến dịch sách nhiễu các thành viên của Hiệp Nhà báo Độc lập Việt Nam”. Ông nói thêm rằng “Việt Nam sẽ không bao giờ được coi là một thành viên quốc tế có trách nhiệm nếu nước này cứ tiếp tục đối xử với các nhà báo độc lập như tội phạm”.

    Giới trí thức và xã hội dân sự ở Việt Nam ủng hộ Ukraine, kêu gọi Nga chấm dứt chiến tranh

    RFA
    01/3/2022

    Giới trí thức và xã hội dân sự ở Việt Nam ủng hộ Ukraine, kêu gọi Nga chấm dứt chiến tranh

    Biểu tình phản đối Nga xâm lược Ukraine tại Bali, Indonesia hôm 1/3/2022 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Một số trí thức và tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam vào ngày 1/3 công bố bức thư chung gửi cho Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội. Bức thư trình bày với  đại biện lâm thời Nataliya Zhynkina  sự đoàn kết của những người ký tên với đất nước Ukraine.

    Trong thư, những cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức ký tên bày tỏ sự chia sẻ với người dân Ukraine về mất mát và hy sinh trong cuộc chiến tranh được cho là “một cuộc xâm lược do Putin gây ra”.

    Tự gọi mình là “những người yêu chuộng tự do”, những cá nhân và tổ chức khởi xướng bức thư này cho rằng cuộc kháng chiến của người Ukraine lúc này không chỉ là để bảo vệ hòa bình, mà hơn thế nữa, còn nhằm bảo vệ một “nền dân chủ non trẻ” vừa mới thoát ra khỏi quá khứ độc tài.

    Và mặc dù Việt Nam là một quốc gia Cộng sản, nhưng những người này cho rằng vẫn còn đó những người Việt Nam chia sẻ chung các giá trị độc lập và dân chủ mà người dân Ukraine đang đấu tranh để giữ gìn.

    Trả lời phóng vấn của Đài Á châu Tự do, Giáo sư Mạc Văn Trang, một trí thức thường xuyên bày tỏ thái độ về các vấn đề chính trị-xã hội, cho biết lý do ông tham gia ký tên vào bức thư này:

    “Việt Nam và Ukraine ở một hoàn cảnh rất là giống nhau. Việt Nam cũng đã từng trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh bởi các nước lớn gây ra, đặc biệt là chúng ta đã từng bị Trung Quốc đô hộ bao nhiêu năm, đặc biệt là Trung Cộng đã gây ra cuộc chiến năm 1979, rồi cướp đảo Hoàng Sa, cướp đảo Gạc ma của Việt Nam, và hiện giờ vẫn đang đe doạ Việt Nam từng ngày, từng giờ.

    Thế thì khi mà thấy Ukraine bị Nga, đứng đầu là tập đoàn Putin đe doạ, gây hấn, rồi đem xe tăng, đại bác, tên lửa đến để tàn phá, để xâm lược, để lấn chiếm, muốn khuất phục, lật đổ chính quyền Ukraine, để lập nên một cái chính quyền bù nhìn tay sai. Rồi biến Ukraine thành thuộc địa, chư hầu của Nga. Thì cái cuộc chiến đó rất là phi nghĩa.

    Chính phủ và nhân dân Ukraine dũng cảm đứng lên để bảo vệ chủ quyền, độc lập và tự do của dân mình, thì đó là cái tấm gương để cho chúng ta phải ngưỡng mộ, đồng thời chúng ta phải ủng hộ.”

    Trong cùng ngày, một nhóm luật sư ở Việt Nam cũng đã công bố một bức thư gửi đến tổng thống Vladimir Putin của nước Nga.

    Bức thư có nội dung kêu gọi chấm dứt chiến tranh và chỉ ra sự phi lý của cuộc chiến mà Putin đang gây ra tại Ukraine.

    Luật sư Trần Đại Lâm, một trong những luật sư tham gia ký tên vào bức thư trên, cho RFA biết chính trải nghiệm của Việt Nam trong các cuộc chiến tranh ở quá khứ, là động lực khiến ông có hành động trên:

    “Tôi thấy rằng người dân Việt Nam chúng ta đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, đi cùng với chiến tranh đó là sự chết chóc và tàn phá về kinh tế, và hậu quả về tương lai sau này. Do đó tôi không muốn nhìn thấy người Ukraine và người Nga chĩa súng vào nhau. Và những đứa trẻ ở Ukraine, chúng là những đứa trẻ vô tội, và chúng không nên và không cần phải gánh chịu những hậu quả tàn khốc của chiến tranh, giống như người Việt Nam chúng ta đã phải trải qua.”

    Ngoài ra, vị luật sư này còn cho rằng hành vi đưa quân vào Ukraine của tổng thống Putin là hành vi xâm lược, trái ngược với luật pháp quốc tế. Ông cũng lo ngại rằng một ngày nào đó Việt Nam sẽ phải đối mặt với mối hoạ tương tự từ Trung Quốc.

    Tuy hai bức thư được thực hiện riêng rẽ, nhưng cùng chung nội dung phản đối chiến tranh và bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine.

    Một điểm chung nữa giữa những người ký tên vào hai bức thư này, đó là nỗ lực phản biện lại thái độ ủng hộ Putin của một bộ phận dân chúng Việt Nam.

    Giáo sư Mạc Văn Trang nói về hiện tượng nhiều người Việt Nam ủng hộ việc gây chiến của phía Nga:

    “Tôi tôn trọng các sự khác biệt ý kiến của mọi người, nhưng trong trường hợp này thì tôi không thể hiểu được. Bởi vì họ là người Việt Nam, trước sự đe doạ xâm lược của Trung Cộng như vậy mà họ lại không đồng cảm với nhân dân Ukraine, mà họ lại đi ủng hộ Putin xâm lược thì tôi không thể hiểu được cái đầu óc của họ u mê tăm tối đến nhường nào.

    Thực sự tôi không thể hiểu được có những người Việt Nam như vậy!”

    Còn luật sư Trần Đại Lâm thì cho rằng tâm lý ủng hộ kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu mà nhiều người ở Việt Nam bày tỏ là rất nguy hiểm, ông nói:

    “Theo tôi thì cái quan điểm này hết sức là nguy hiểm. Nếu một ngày nào đó Trung Quốc tấn công, hoặc là xâm chiếm một vùng biển hoặc hòn đảo của Việt Nam ngoài Biển Đông, thì liệu rằng người Việt Nam sẽ dựa vào lý lẽ nào để nói về cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của mình?”

    Cuộc chiến mà tổng thống Putin phát động chống lại nước láng giềng Ukraine tiếp tục là đề tài được tranh luận gay gắt trên mạng xã hội tiếng Việt, giữa những người ủng hộ và phản đối cuộc chiến này.

    Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm mạnh; Thanh Long còn tồn 30 ngàn tấn

    RFA
    01/3/2022


    Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm mạnh; Thanh Long còn tồn 30 ngàn tấn

    Một nhà vườn trồng thanh long tại Bình Thuận 

    Người Lao động 

    Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2022 chỉ đạt gần 1,3 tỷ đô la, giảm gần 31% so với năm ngoái. Lý do được nói vì Trung Quốc siết chặt kiểm dịch và các cửa khẩu đóng, mở thất thường. Thông tin trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố với truyền thông nhà nước trong ngày 1/3/2022.

    Theo Bộ, do Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero COVID” nên xuất khẩu rau quả sang thị trường này không còn là mặt hàng có giá trị lớn nhất, thay vào đó là nhóm hàng cao su, chiếm 33,3% kim ngạch.

    Tuy vậy, Bộ Nông nghiệp cũng cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong hai tháng đầu năm ước đạt gần 14,2 tỷ USD (tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, xuất khẩu ước đạt khoảng 8 tỷ USD (tăng 20,9%); nhập khẩu ước trên 6,2 tỷ USD (tăng 10%). Và thị trường nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ đạt trên 2,3 tỷ đô la (chiếm 28,2% thị phần), tăng gần 13% so với năm 2021.

    Cũng theo Bộ Nông nghiệp trong thời gian đến Bộ sẽ tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện qui định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ ùn tắc nông sản tại cửa khẩu.

    Cũng trong ngày 1/3, Hiệp hội Thanh Long tỉnh Bình Thuận cho truyền thông hay giá bán thanh long đang giảm sâu chỉ còn từ 500 đến 1.500 đồng/kg, do việc xuất khẩu trái cây này bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đang bị tắc nghẽn. Trong khi đó, việc xuất khẩu bằng đường biển không thể thực hiện được do chi phí vận chuyển quá cao.

    Theo Hiệp hội, hiện còn khoảng 30 ngàn tấn thanh long đang tồn ở cửa khẩu và trong kho lạnh của các doanh nghiệp. Ngoài ra, trong tháng 3, còn khoảng 100 ngàn tấn thanh long cần thu hoạch.

    Do đó, Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết đã kiến nghị Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương, các đơn vị liên quan đàm phán với phía Trung Quốc sớm thông quan cửa khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tồn đọng hiện nay; đồng thời kêu gọi các địa phương vào cuộc giải cứu tiêu thụ thanh long.

    Lô lúa mì miễn thuế đầu tiên từ Hoa Kỳ đã đến cảng Việt Nam

    RFA
    01/3/2022

    Lô lúa mì miễn thuế đầu tiên từ Hoa Kỳ đã đến cảng Việt Nam

    Thuế nhập khẩu ngô, lúa mỳ đã giảm từ 30/12/2021 (Hình minh hoạ) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Lô lúa mì đầu tiên của Hoa Kỳ 68.350 tấn với thuế xuất 0% đã đến cảng thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 6/2/2022.

    Đây là lô lúa mì nhận thuế nhập khẩu 0% sau khi Chính phủ Việt Nam quyết định điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) đối với một số nguyên liệu từ 30/12/2021.

    Theo đó, một số nguyên liệu như lúa mì khi nhập khẩu sẽ được giảm thuế từ 3% xuống 0%; ngô sẽ giảm từ 5% xuống 2%.

    Ông Robert Hanson, Tham tán phụ trách Nông nghiệp, Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài của USDA, Hà Nội được tờ DRGNews.com dẫn lời trong một bài viết phát hành hôm 28/2, nói rằng: “Với việc thuế nhập khẩu giảm xuống 0, Việt Nam đã tiết kiệm được gần 1 triệu USD cho lô hàng này. Chúng tôi cảm ơn chính phủ Việt Nam đã cắt giảm thuế quan xuống 0%, một quyết định sẽ hạn chế chi phí lương thực và giúp lúa mì Hoa Kỳ cạnh tranh mạnh hơn trong thị trường đang phát triển của Việt Nam.”

    Việt Nam nhập khẩu trung bình khoảng 4 triệu tấn lúa mì mỗi năm. Australia và Canada là những nhà cung cấp lúa mì lớn cho Việt Nam và đã được miễn thuế vào Việt Nam trong nhiều năm theo các hiệp định thương mại khu vực.

    Ông Vince Peterson-Chủ tịch Hiệp hội lúa mì Hoa Kỳ cho biết trên tờ DRGNews rằng: “Việc loại bỏ thuế nhập khẩu lúa mì của Hoa Kỳ đến vào đúng thời điểm đối với Việt Nam trong bối cảnh giá lúa mì của Hoa Kỳ và toàn cầu đang tăng lên. “Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp khách hàng của mình là Việt Nam thu được nhiều giá trị hơn với nguồn cung cấp lúa mì của Hoa Kỳ cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại thị trường Việt Nam, với thực phẩm lúa mì chất lượng tốt hơn.”

    Cùng với đó, hiện Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc và đang trở thành thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị kim ngạch trong hai tháng đầu năm 2022 đạt trên 2,3 tỷ đô la, cao hơn Trung Quốc 1 tỷ đô la.


    Không có nhận xét nào