Từ hàng chục năm nay các nước Thụy Điển và Phần Lan đều muốn giữ vị thế trung lập. Nhưng sau khi Putin xâm lược Ukraine, các nước này vội vã nhích gần lại với NATO. Điều này cũng là do hậu quả của một sang chấn từ năm 1939.
Hannu Aaltonen là một trong những người Phần Lan mà cách đây không lâu vẫn tin Phần Lan không có chỗ đứng trong NATO. Nhưng chỉ trong vòng vài tuần, người đàn ông 56 tuổi này đã thay đổi quyết định của mình. Ông nói: “Cuộc chiến này làm rung chuyển quan điểm của tôi. Tôi sẽ không buồn nếu chúng tôi gia nhập NATO.”
Cha của Aaltonen, hiện đã qua đời, đã chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Mùa đông năm 1939, khi quân đội Liên Xô xâm lược Phần Lan và nước này bị mất một phần lãnh thổ ở Karelia. “Điều này khiến ông bị sang chấn nặng. Ông không thích nói về chuyện này và những ký ức này luôn ám ảnh ông,” người đàn ông Phần Lan thổ lộ. Những trải nghiệm thời đó vẫn còn đọng lại trong xương tủy của nhiều người lớn tuổi cho đến tận ngày nay. Không giống như ở Thụy Điển, ở Phần Lan vẫn còn có những người đã từng nếm trải cuộc chiến tranh xâm lược ở đất nước họ.
Cho đến nay, Phần Lan và Thụy Điển đều nhất trí nên giữ thái độ trung lập và cùng nhau xem xét nếu định tham gia liên minh. Đặc biệt, ở Phần Lan, quốc gia có đường biên giới dài 1.300 km với Nga, người ta khó có thể giành được bất kỳ lợi thế nào với tư cách là thành viên NATO.
Trong một cuộc khảo sát hồi tháng giêng, chưa đến một phần ba người Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO. Aaltonen nói: “Sau khi đã trải nghiệm chiến tranh, chúng tôi muốn bằng mọi giá tránh một cuộc chiến tranh mới. Logic đằng sau đó là: nếu Nga không muốn chúng tôi gia nhập NATO, thì chúng tôi nên giữ thái độ trung lập.”
Giờ đây gần hai phần ba người dân Phần Lan ủng hộ gia nhập liên minh này. Một phần cũng vì người hàng xóm lớn trở nên khó lường hơn bao giờ hết: “Dù bạn có khiêu khích Nga hay không – nếu muốn Nga vẫn cứ tấn công”, Aaltonen nói. “Chuẩn bị sẵn sàng vẫn tốt hơn nhiều.” Phần Lan không thể tránh được điều đó.
Na Uy cũng có chung đường biên giới với Nga, ở phía bắc, dài gần 200 km. Ở đây người ta không lo sợ, mà chỉ buồn và ái ngại. Người dân thành phố Kirkenes luôn có quan hệ hợp tác chặt chẽ với nước láng giềng Nga. Biển báo đường tại đây ghi bằng tiếng Na Uy và tiếng Nga. Các sự kiện văn hóa và thể thao đã diễn ra xuyên biên giới từ những năm 1990 cho đến nay.
Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga không chỉ có hậu quả về văn hóa mà cả về kinh tế. Hơn 2/3 doanh thu của xưởng đóng tàu ở Kirkenes đến từ các khách hàng Nga. Kể từ năm 2008, các quốc gia Bắc Âu gồm Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan đã gặp nhau tại thành phố này với Nga trong hội nghị Kirkenes hàng năm. Lần này, tất cả diễn ra trùng hợp với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Cho đến nay, người Na Uy vẫn không cảm thấy bị đe dọa. Nhưng họ cũng đã đề phòng, ngay từ trước đây, nước này luôn tránh chọc giận Nga. Tuy nhiên, với cuộc chiến ở Ukraine, người ta đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận khá thận trọng của mình đối với nước láng giềng rộng lớn ở phía đông, ngay cả khi Na Uy luôn tự coi mình là người môi giới hòa bình trong các cuộc xung đột ở khu vực và không thấy dễ chịu về điều này.
Na Uy không chỉ tăng ngân sách quốc phòng mà còn phá vỡ chính sách có tính nguyên tắc bất di bất dịch lâu nay. Giống như các quốc gia Bắc Âu khác, Na Uy đã chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Thủ tướng thuộc Đảng Dân chủ Xã hội Jonas Gahr Støre nói: “Chúng tôi là tai mắt của NATO ở phía bắc.”
Cách đây vài ngày Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng nhấn mạnh, không có quốc gia nào khác gần gũi với NATO như các nước Bắc Âu. Và về tư cách thành viên có thể có của Thụy Điển và Phần Lan, ông này nói: “Điều này có thể xúc tiến nhanh nếu như các nước đó yêu cầu.”
Dù sao chăng nữa, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Cả hai quốc gia đều dao động giữa lo ngại không thể phòng thủ trước Nga nếu không có NATO và việc tình hình an ninh ở châu Âu có thể leo thang hơn nữa khi họ gia nhập liên minh quân sự này.
Trong dân chúng thì đa số thiên hẳn về việc gia nhập, đặc biệt với Phần Lan. Bởi vì dù nước này có nỗ lực như thế nào đi nữa trong nhiều thập kỷ qua để đối phó với Nga một cách thực dụng và thân thiện, cảm giác canh cánh về một mối đe dọa vẫn chưa bao giờ hoàn toàn biến mất sau những trải nghiệm của cuộc Chiến tranh Mùa đông.
Những phản ứng này đã được cảm nhận ở cả hai quốc gia trong vài ngày đầu tiên sau khi nổ ra chiến tranh. Hàng trăm người Phần Lan đã đăng ký tham gia các khóa học về quốc phòng, và người Thụy Điển vốn không dùng tiền mặt vội vàng đổ xô đến máy ATM để rút tiền mặt. Ông Aaltonen nói: “Lúc này mọi người mua những thứ điên rồ nhất, radio chạy pin và viên i-ốt để tự bảo vệ mình trong trường hợp bị tấn công hạt nhân.”
Ông kể mỗi khi gia đình hoặc bạn bè gặp nhau thì chủ đề chiến tranh luôn nóng hổi nhất. Bầu không khí khá ảm đạm. “Có thể người ta không sợ, nhưng người ta lo lắng về những gì có thể xảy ra với Phần Lan. Rốt cuộc, hồi tháng Giêng, chúng tôi không thể nghĩ rằng Nga sẽ tấn công Ukraine”.
Câu hỏi về cách Phần Lan và Thụy Điển có thể làm gì để tự bảo vệ mình tốt nhất trước mối đe dọa từ Nga sẽ tiếp tục khiến các nước này bận tâm trong những tháng tới. Ở Thụy Điển, tư cách thành viên NATO có thể trở thành một vấn đề tranh cử trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9.
Trong khi phe đối lập đang gây áp lực để thúc đẩy tư cách thành viên, thì phe Dân chủ Xã hội cầm quyền cho đến nay vẫn phản đối. Nhưng có một điều chắc chắn là Thụy Điển và Phần Lan đã và đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với liên minh NATO.
Nguồn: „Ob man Russland provoziert oder nicht – wenn sie angreifen wollen, dann werden sie es tun“, WELT, 24/03/2022.
Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài
Không có nhận xét nào