Header Ads

  • Breaking News

    Tác động của lính tình nguyện nước ngoài trong cuộc chiến Ukraine là gì?



    “Nó giống như một người lính cứu hỏa nghe thấy tiếng chuông báo cháy. Tôi phải lên đường.” Đó là cách một người Canada giải thích sự thôi thúc khiến anh muốn cầm vũ khí chống lại các lực lượng Nga xâm lược ở Ukraine. Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, cho biết vào ngày 3 tháng 3 rằng 16.000 người từ khắp nơi trên thế giới đã tình nguyện tham gia Binh đoàn Quốc tế, một nhánh quân đội mà ông mới công bố thành lập. Con số đó bao gồm nhiều người từ các nước láng giềng hậu cộng sản của Ukraine, cũng như 3.000 người Mỹ. Bộ trưởng ngoại giao Ukraine, Dmytro Kuleba, nói rằng các tình nguyện viên đến từ 52 quốc gia đã đăng ký tham gia. Bất chấp sự miễn cưỡng của các chính phủ phương Tây trong việc tham gia chiến sự, có vẻ như công dân của họ sẽ sẵn sàng làm như vậy. Nhưng vai trò của họ lớn đến mức nào, và họ có thể ảnh hưởng ra sao đến cuộc chiến?

    Việc tuyển quân từ người nước ngoài từ lâu đã trở nên phổ biến vì lý do đơn giản là quân đội luôn cần có thêm quân. Theo nghiên cứu của Elizabeth Grasmeder được công bố trên tạp chí International Security (An ninh Quốc tế), từ năm 1815 đến năm 2020, có khoảng 91 quốc gia có binh sĩ nước ngoài đứng trong hàng ngũ quân đội của họ. Quân đội Pháp vẫn còn khoảng 9.000 người trong Binh đoàn Lê dương, một bộ phận có tuổi đời gần 200 năm của quân đội nước này. Một số người có thể đặt câu hỏi về lòng trung thành và động lực của các chiến binh nước ngoài. Nhưng sự sẵn sàng tham chiến và hi sinh của họ là điều rất đáng ngưỡng mộ. George Orwell, một nhà văn người Anh đã dành những năm tuổi ba mươi của mình để tham gia chống lại lực lượng phát xít trên tiền tuyến của cuộc nội chiến Tây Ban Nha, sau đó đã mô tả về trải nghiệm “cảm giác ác hại, một cảm giác rất khó để loại bỏ, rằng sau cùng chiến tranh thật vinh quang”.

    Cuộc nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939, trong đó Orwell và ít nhất 32.000 chiến binh nước ngoài khác đã tham gia, là một trong số ít cuộc chiến mà các chiến binh nước ngoài có thể được coi là một lực lượng chính trên quy mô lớn. Các chiến binh nước ngoài cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự trỗi dậy và sụp đổ của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo trong thập niên vừa qua, khi các chiến binh thánh chiến và kẻ thù của họ chiêu mộ những kẻ cuồng tín, cực đoan và cựu chiến binh từ nước ngoài. Các chính phủ đã lo lắng rằng một nhóm những kẻ gây rối tương tự từ khắp nơi trên toàn thế giới có thể tàn phá Ukraine. Nhưng Ukraine hiện là một sự nghiệp chính nghĩa toàn cầu, và họ có thể tuyển mộ một lớp chiến binh tốt hơn. Những người muốn chiến đấu chống lại quân Nga phải đưa ra bằng chứng về kinh nghiệm chiến đấu trước đây (mặc dù các quy tắc trên thực địa có vẻ lỏng hơn) và nhận được sự chấp thuận của tùy viên quốc phòng đại sứ quán Ukraine tại nước họ. Những người được tuyển bao gồm con trai của một nghị sĩ Anh, một tay súng bắn tỉa nổi tiếng người Canada và một cựu bộ trưởng quốc phòng Gruzia.

    Ukraine không thiếu quân: quân đội của họ có 250.000 binh sĩ trước chiến tranh, và việc huy động lính nghĩa vụ theo thiết quân luật buộc mọi người phải phục vụ nếu được triệu tập. Nhưng Ukraine cũng từng dựa vào những binh sĩ phi chính thống trước đây. Kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea và hỗ trợ lực lượng ly khai ở khu vực Donbas, các tiểu đoàn quân tình nguyện phi chính phủ, và hiện nay là Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ, đã tăng cường bảo vệ Ukraine. Giá trị biểu tượng của sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài trong quân đội là rất rõ ràng: những lời lẽ thúc đẩy tình đoàn kết và vũ khí từ nước ngoài rất tốt cho tinh thần chiến đấu của binh lính. Cảnh những người nước ngoài cầm súng sát cánh cùng họ trong trận chiến thậm chí còn tuyệt vời hơn.

    Vẫn còn quá sớm để biết chính xác binh đoàn quốc tế của Ukraine sẽ làm gì, hoặc rào cản ngôn ngữ hay việc thiếu kiến ​​thức địa phương có thể kìm chân họ đến mức nào. Nhiều người sẽ mang lại những kỹ năng hữu ích mà các lực lượng vũ trang có thể thiếu. Cơ quan tình báo Ukraine đã thành lập một đơn vị nước ngoài đặc biệt ở Kyiv. Nhưng nếu các tân binh cứ tiếp tục đổ về, họ có khả năng biến cuộc xung đột thành một dạng chiến tranh thế giới kỳ lạ, với việc quân đội Nga và phương Tây bắn vào nhau mà không có lời tuyên chiến từ bất kỳ chính phủ nào. Điều đó, cũng như nguy cơ các phần tử cực đoan tham chiến, đang khiến các chính phủ lo ngại. Nhiều người đã yêu cầu công dân của họ rời khỏi Ukraine. Bộ trưởng lực lượng vũ trang của Anh nói rằng, nếu những người lính của Anh lựa chọn tham gia chiến đấu, chính phủ Anh có nguy cơ “bị Nga tuyên bố sai là một bên tham chiến trong cuộc chiến này”. Các quốc gia như Úc có luật được thiết kế để ngăn các công dân gia nhập Nhà nước Hồi giáo, đồng thời cũng cấm họ đi chiến đấu vì những lý do tốt đẹp hơn.

    Có một lý do khác để lo lắng. Các báo cáo về việc các binh sĩ nước ngoài bị giết hoặc bị bắt sẽ tạo ra áp lực chính trị lên các chính phủ ở quê nhà phải can thiệp. Một số lo lắng rằng các binh sĩ sẽ hành xử giống như một cặp “song sinh ngược” của hàng nghìn binh lính NATO đang đóng tại ba nước Baltic trên biên giới Nga. Ở đó, sự hiện diện của binh sĩ ​​nước ngoài như một rào cản ngăn chặn Nga tấn công Estonia, Litva hoặc Latvia, vì xung đột với toàn bộ phương Tây sẽ xảy ra. Ở đây, một nhóm người nước ngoài tự trở thành chiến binh chính thức trong một cuộc chiến đang diễn ra có nguy cơ tạo ra tác dụng ngược lại, vô tình đẩy các thành viên NATO rơi vào cuộc chiến theo một cách khác. Nhưng Ukraine không phải là bên duy nhất tìm đến người nước ngoài để giúp họ chiến đấu. Vào ngày 11 tháng 3, Tổng thống Nga, Vladimir Putin, cho biết ông sẽ hoan nghênh các tình nguyện viên sẵn sàng hỗ trợ Nga. Bộ trưởng Quốc phòng của ông tuyên bố có 16.000 chiến binh ở Trung Đông đang sẵn sàng tham gia chiến đấu bên cạnh quân Nga.

    Không có nhận xét nào