Header Ads

  • Breaking News

    Phạm văn Vĩnh – Những nguyên nhân đưa đến sự tăng giảm giá dầu hoả



    Thị trường dầu khí là một thị trường rất phức tạp. Nó không phải là một thị trường cạnh tranh mặc dù có nhiều quốc gia sản xuất. Dầu hoả đóng một vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là thiết yếu, trong nhiều lãnh vực kinh tế như sản xuất, giao thông, du lịch, v.v. Dầu hoả đôi khi còn được dùng trong chiến tranh như một vũ khí. Sự tăng giảm giá cả vì thế tuỳ thuộc chẳng những vào luật cung cầu thị trường mà còn tuỳ thuộc vào những quyết định chính trị.

    Như đã nói ở trên, thị trường dầu hoả không phải là một thị trường cạnh tranh vì OPEP (OPEC)[1] đóng một vài trò quan trọng. OPEP là một Cartel, tức là một hiệp hội, gồm nhiều quốc gia sản xuất dầu hoả, có mục đích kiểm soát giá cả và sản lượng dầu. OPEP bao gồm các quốc gia dầu hoả Ả Rập và một số quốc gia khác trong đó có Equateur, Iran, Nigéria và Vénézuala. OPEP sở hữu hai phần ba lượng dầu thế giới. Ba quốc gia OPEP có lượng dầu rất lớn là Ả Rập Xê Út, Kuwait và các tiểu vương quốc Ả Rập.

    Ngoài OPEP, còn có một số quốc gia khác không thuộc vào tổ chức OPEP, NON-OPEP, gồm Hoa Kỳ, Mexico, Vương Quốc Anh, Na Uy, Nga.

    Cho đến năm 1972, giá cả dầu thô không do các quốc gia sản xuất quyết định mà do 7 công ty Âu Mỹ khai thác dầu hoả lớn nhất thế giới, được đặt tên là 7 Majors [2], quyết định. Các công ty này luôn có chính sách áp đặt giá rất thấp với hai mục đích: thứ nhất làm nản lòng sự thành lập những công ty dầu hoả mới, thứ hai nhằm thúc đẩy mạnh việc tiêu thụ xăng dầu. Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của các quốc gia Tây phương vào những năm 60, 70 đã đưa đến tình trạng các giếng dầu tại Mỹ bị cạn kiệt. Vì thế số lượng dầu cần thiết cho toàn thế giới đến từ Trung Đông càng ngày càng tăng. Kể từ lúc này, OPEP nhận thấy tầm quan trọng của mình để có thể thay đổi chính sách dầu khí đã được 7 Majors áp đặt trước đây. Cho đến ngày hôm nay, giá dầu luôn được định giá bằng đồng Dollar của Hoa Kỳ.

    Để tìm hiểu về các nguyên nhân đưa đến những thay đổi về giá cả dầu thô trong vòng mấy chục năm qua, xin mời quý vị độc giả nghiên cứu đồ biểu sau đây:


    Biểu đồ trên do tổ chức Statista trình bầy giá bình quân hàng năm của một thùng dầu thô OPEC từ năm 1960 cho đến ngày 18 tháng 2 năm 2022. Trong biểu đồ trên, trục hoành (x) biểu thị năm và trục tung (y) giá mỗi thùng dầu thô tính bằng USD.

    Cho đến năm 1972, giá dầu đều do 7 Majors định đoạt ở mức độ rất thấp, trên dưới 3 dollars một thùng dầu. Năm 1973, để hỗ trợ khối Ả Rập trong cuộc chiến tranh Kippour chống lại Israel, OPEP đã quyết định tăng giá dầu lên 12 dollars mỗi thùng và hạn chế lượng sản xuất . Điều này đã làm cho các quốc gia kỹ nghệ phương Tây rơi vào tình trạng khủng hoảng năng lượng dẫn đến khủng hoảng kinh tế trong suốt thập niên 1970.

    Trong khoảng thời gian từ 1979 đến 1980, vì cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran do Imam Khomeini lãnh đạo và sau đó là chiến tranh giữa Iran và Irak đã dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng lần thứ hai. Giá một thùng dầu thô tăng vọt từ 12 dollars lên 36 dollars. Mức giá quá cao này đã thúc đẩy các quốc gia ngoài OPEP tăng sản lượng dầu khí làm OPEP mất nhiều thị trường.

    Từ năm 1985 đến 1986, vương quốc Ả Rập Xê Út nhận thấy khối OPEP đã mất nhiều thị phần, và vì không thể đạt được thoả thuận giữa các nước OPEP với nhau, Ả Rập Xê Út tự quyết định phá giá dầu bằng cách tăng sản lượng. Trước tình trạng này, các nước OPEP đã quyết định tăng sản lượng và giảm giá dầu xuống còn 18 dollars.

    Biểu đồ cho thấy giá dầu được ổn định trong những năm từ 1986 đến 1997. Trong khoảng thời gian này xẩy ra cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất vào năm 1990 nhưng vương quốc Ả Rập Xê Út đã tăng sản lượng để ổn định giả cả thị trường.

    Năm 1998, giá dầu giảm xuống còn khoảng từ 10 đến 12 dollars do các cuộc khủng hoảng tài chính, bắt đầu từ các nước Đông Nam Á rồi đến Nga Sô và cuối cùng đến các nước châu Mỹ La Tinh.

    Từ 1998 trở về sau, giá dầu bắt đầu tăng mạnh. Lúc đầu là vì OPEP đã quyết định hạn chế sản lượng để tăng giá dầu, thêm vào đó là vì sự phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ sau thời gian suy thoái 2001 và sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm 2002, 2003, sau đó là cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ hai (2003) đã đưa đến cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ ba. Trước tình trạng này, OPEP không có khả năng sản xuất thêm để ổn định giả cả vì các giếng dầu ở Irak không thể hoạt động vì bị phá hoại bởi chiến tranh du kích.

    Kể từ năm 2004, sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã làm giá dầu tăng vọt cho đến cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2009. Sự tăng giá dầu vào khoảng thời gian này được các chuyên gia giải thích bằng hai lý do: trước hết do nhu cầu dầu hoả trong việc sản xuất và sau đó là vì mức giá dầu hoả trong thời gian từ 1992 đến 2002 quá thấp làm các nhà đầu tư không tiếp tục bỏ vốn đầu tư trong lãnh vực dầu khí.

    Cuộc khủng hoảng Sub-Prime 2007 dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chánh 2009 đã làm giảm nhu cầu dầu hoả làm cho giá một thùng dầu thô chỉ còn khoảng 60 dollars vào năm 2009.

    Từ năm 2010 đến năm 2013, giá dầu tăng trở lại do những biến động chính trị tại các nước ở vùng Trung Đông. Bắt đầu là các phong trào đấu tranh “Mùa xuân Ả Rập” vào năm 2011 xảy ra ở các nước Ai Cập, Lybia đến cuộc trừng phạt kinh tế Iran vào năm 2012 và cuối cùng là cuộc chiến tranh xẩy ra tại Lybia vào năm 2013.

    Trong thời gian 2014 đến 2016, giá dầu giảm mạnh do suy thoái kinh tế toàn cầu và cũng vì sự cạnh tranh sản xuất giữa dầu OPEP và dầu phiến đá (sale oil, pétrole de schiste) của Hoa Kỳ.

    Từ năm 2016 đến 2018, các quốc gia sản xuất dầu trên thế giới đã đi đến những thoả thuận giảm lượng dầu xuống thấp với mục đích đưa giá dầu lên cao. Tuy nhiên cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã làm cản trở việc gia tăng sản xuất tại Trung Quốc nên làm giảm nhu cầu dầu hoả. Vì thế giá dầu giảm.

    Ngày 9 tháng 3 năm 2020, được coi là ngày thứ hai đen tối/sự sụp đổ dầu mỏ (black Monday/oil crash, krach pétrolier), giá dầu giảm xuống 25% sau cuộc đàm phán thất bại giữa Nga và Ả Rập Xê Út. Nga không chịu giảm lượng sản xuất xuống còn 1,5 triệu thùng một ngày nên Ả Rập Xê Út quyết định hạ giá dầu. Thêm vào đó là sự đình trệ sản xuất do dịch Covid-19 gây ra. Nhu cầu dầu hoả giảm thiểu trên toàn thế giới.

    Đến cuối năm 2021 cho tới đầu năm 2022, giá dầu bắt đầu tăng lại vì sản xuất phục hồi, nhu cầu dầu mỏ lên cao. Trong những ngày đầu chiến tranh Ukraine, giá dầu còn tăng vọt thêm nữa vì thị trường bị thiêu nóng bởi những viễn cảnh kinh tế khó đoán trước được. Tuy nhiên sau khi NATO tuyên bố không tham chiến và Âu châu quyết định không cấm vận dầu Nga sô thì giá dầu bắt đầu đi xuống. Biểu đồ sau đây cho chúng ta một cái nhìn về sự thay đổi giá dầu trong những ngày đầu của cuộc chiến Ukraine:


    Biểu đồ trên cho thấy giá một thùng dầu thô WTI vào ngày 25 tháng 2 năm 2022 là 91,5 dollars. Đây là ngày thứ hai sau khi Nga Sô tấn công vào Ukraine. Giá dầu bắt đầu tăng nhanh. Đỉnh cao nhất là vào ngày mùng 8 tháng 3 với giá cho một thùng dâu là 123,7 dollars. Tuy nhiên sau đó giá dầu ổn định lại như đã giải thích ở đoạn trước biểu đồ. Giá dầu từ từ hạ xuống và vào ngày 14 tháng 3 trở về vị trí gần ban đầu cuộc chiến ở mức độ 95,6 dollars. Theo khuynh hướng của biểu đồ thì giá dầu sẽ còn xuống nữa.

    Trên đây là những giải thích về giá dầu thô do các quốc gia sản xuất bán ra. Tuy nhiên với người tiêu dùng, giá xăng dầu còn tuỳ thuộc vào phí tổn lọc dầu, phi chuyên chở và thuế do các quốc gia áp dụng. Khi giá dầu tăng, phí tổn lọc dầu cũng tăng vì các nhà máy lọc dầu cần sử dụng năng lượng trong việc lọc dầu. Phí vận tải cũng tăng vì các phương tiện chuyên chở phải cần đến xăng dầu. Giá dầu tăng thì thuế cũng tăng theo vì thuế được tính theo phần trăm trên giá dầu thô. Đây là lúc ngân sách nhà nước tăng thêm. Lý tưởng nhất là thuế nhà nước giảm khi giá dầu hoả tăng và ngược lại. Với biện pháp này, giá xăng dầu cho người tiêu dùng luôn ở một vị trí quân bình, sẽ không đảo lộn công việc sản xuất và lạm phát. Đối với người tiêu dùng ngoài nước Mỹ, giá xăng dầu còn tuỳ thuộc vào giá trị của đồng Dollar. Nếu giá của đồng Dollar cao thì giá xăng dầu cũng sẽ cao. Nếu so sánh giá một thùng dầu thô vào những năm 2010-2013 với bây giờ thì sự chênh lệch không đăng kể. Tuy nhiên giá xăng dầu mà người tiêu dùng phải trả vào thời đó rất thấp so với bây giờ vì hiện nay giá trị của đồng Dollar rất cao do những biện pháp được ngân hàng trung ương Mỹ (FED) áp dụng để chống lại lạm phát quá cao.

    Paris 15/03/2022

    Phạm văn Vĩnh

    Chú thích:

    [1] OPEP : Organisation des Pays Exportateurs de Pétrole

    OPEC : Organization of the Petroleum Exporting Countries

    [2] 7 Majors (7 Sisters) : Exxon, Mobil, Socal, Texaco, Gulf, BP, Shell.

    Không có nhận xét nào