Header Ads

  • Breaking News

    Michael Beckley: Trung Quốc sẽ hung hăng hơn trước khi đạt đỉnh

    Nguồn: Ryotaro Yamada (phỏng vấn), China to become more aggressive before peaking: Michael Beckley, Nikkei Asia, 20/03/2022

    Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

    30/3/2022

    Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, giáo sư Michael Beckley của Đại học Tufts cho rằng Trung Quốc sẽ sớm bước vào thời kỳ suy yếu do dân số già và thiếu thốn tài nguyên, lập luận rằng nước này có nguy cơ trở nên hung hăng đối với những quốc gia khác trong quá trình gấp rút đạt được các mục tiêu kinh tế và ngoại giao.

    Ông cảnh báo các nước láng giềng nên cảnh giác với một cường quốc đang trỗi dậy bất ngờ trì trệ và trở nên hống hách, một tình huống mà ông gọi là “bẫy đỉnh quyền lực” (peak power trap).

    Gần đây, Beckley, người cũng là nghiên cứu viên của Viện Doanh nghiệp Mỹ, đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia ngoại giao Washington khi thảo luận về “Hồi kết cho Sự Trỗi dậy của Trung Quốc” (The End of China’s Rise) trên các tạp chí đối ngoại và nhiều ấn phẩm khác của Mỹ.

    Vị giáo sư nói rằng Trung Quốc sẽ mất hơn 70 triệu người trong độ tuổi lao động và sẽ có hơn 100 triệu người cao tuổi vào đầu những năm 2030, khi sức mạnh quốc gia của họ nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh. Vì Chủ tịch Tập Cận Bình muốn để lại di sản cá nhân, Beckley cũng dự đoán giai đoạn căng thẳng nhất trong đối đầu Mỹ-Trung tại Eo biển Đài Loan sẽ diễn ra vào cuối những năm 2020.

    Dưới đây là nội dung đã được biên tập của bài phỏng vấn.

    Hỏi: “Đỉnh quyền lực” là gì? Tại sao ông lại cho rằng nó nguy hiểm?

    Đáp: Nhìn vào lịch sử hiện đại, khi phải đối mặt với suy thoái kinh tế, hoặc bị bao vây chiến lược, thì những cường quốc “trước đây từng trỗi dậy” và nay bắt đầu trì trệ sẽ trở nên hung hăng hơn nhiều.

    Các ví dụ có thể kể đến là, Đế quốc Nhật trong những năm 1930, sau khi phải hứng chịu cả hai [suy thoái kinh tế và bao vây chiến lược] đã quyết định tham gia Thế chiến II. Hoặc Đế quốc Đức trong giai đoạn trước năm 1914, vì lo sợ về vị thế suy giảm so với Nga và Pháp, cuối cùng đã phát động Thế chiến I.

    Như những trường hợp này đã chứng minh, khi quyền lực [của các quốc gia đang trỗi dậy] đạt đỉnh, họ có xu hướng chấp nhận rủi ro. Trung Quốc có vẻ như đã đi đúng theo con đường đó. Tôi lo ngại rằng, khi quyền lực của Trung Quốc đạt đỉnh , điều đó thực ra có nghĩa là sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc sẽ trở nên gay gắt hơn trong tương lai gần.

    Hỏi: Theo ông, mối đe dọa lớn nhất mà Trung Quốc gây ra đối với phần còn lại của thế giới là gì?

    Đáp: Tôi nghĩ mối đe dọa số 1 là quân sự, đơn giản vì chiến tranh Mỹ-Trung có thể là một cuộc chiến rất lớn giữa hai cường quốc vũ trang hạt nhân. Ngay cả trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh giành Đài Loan, và nó được dự định sẽ là một cuộc chiến tranh cục bộ, ngắn hạn vì không bên nào có thể chấp nhận thua và cả hai bên đều có tiềm lực mạnh, thì họ vẫn có thể tấn công lẫn nhau trong nhiều tháng. Trong lịch sử, các cuộc chiến giữa các cường quốc có xu hướng kéo dài hơn rất nhiều so với ý định ban đầu.

    Về lâu dài, sự lan rộng của các công nghệ độc tài kỹ thuật số cũng vô cùng đáng lo ngại. Việc giám sát người dân qua hàng triệu camera và công nghệ nhận dạng khuôn mặt giúp cho một chế độ độc tài trở nên hiệu quả, và hiệu quả hơn nhiều so với bất kỳ chế độ nào từng tồn tại trong lịch sử nhân loại. Các chính phủ độc tài và bán độc tài trên khắp thế giới đang xếp hàng để mua hệ thống của Trung Quốc. Mức độ dân chủ toàn cầu đang giảm dần qua từng năm. Những công nghệ kỹ thuật số mới này có thể đẩy nhanh [sự suy giảm dân chủ] vì chúng làm cho chế độ độc tài dễ duy trì hơn rất nhiều.

    Hỏi: Ông nghĩ khi nào sức mạnh của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh?

    Đáp: Tôi nghĩ [là vào] cuối những năm 2020 đến đầu những năm 2030. Quyền lực của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh, sau đó bắt đầu giảm tốc độ tăng trưởng kể từ thời điểm đó. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải việc này. Thứ nhất, ngay cả khi không đề cập đến các vấn đề khác, chỉ riêng vấn đề nhân khẩu học cũng đủ làm tê liệt sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ mất hơn 70 triệu người trong độ tuổi lao động và sẽ có hơn 100 triệu người cao tuổi ngay từ đầu thập niên 2030.

    Thứ hai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bước sang tuổi 80 vào năm 2033. Chắc chắn một cuộc khủng hoảng kế vị sẽ xuất hiện, bất kể ông ấy có tự xác lập mình là nhà độc tài suốt đời hay không. Thứ ba, trong số các khoản vay mà Trung Quốc đã cho vay thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, có rất nhiều khoản sẽ đáo hạn vào đầu những năm 2030. Đòi nợ là một công việc khó chịu. Tôi nghĩ rằng tất cả những sự ủng hộ mà Trung Quốc đã giành được thông qua cung cấp các khoản vay này thực sự lúc đó có thể không còn, và sẽ có những phản ứng bất lợi cho Trung Quốc.

    Hỏi: Tại sao ông nghĩ quyền lực của Trung Quốc sẽ không vượt qua được Mỹ?

    Đáp: Có hai lý do chính. Lý do thứ nhất, khoảng cách kinh tế và quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc lớn hơn nhiều so với suy nghĩ của hầu hết chúng ta. Đó là bởi vì hầu hết chúng ta lựa chọn đo lường khoảng cách đó bằng các chỉ số như GDP hoặc chi tiêu quân sự. Những chỉ số này phóng đại sức mạnh của các quốc gia sở hữu dân số lớn. Tuy nhiên, anh cần phải tính đến cả mặt trái của việc sở hữu một dân số lớn. Khi trừ đi tất cả các chi phí cho lương thực, trật tự trị an, trong lúc bảo vệ 1,4 tỷ người, rất nhiều của cải và sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ hao hụt đi.

    Lý do thứ hai là Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một số khó khăn trong tương lai và chúng nghiêm trọng hơn các vấn đề mà Mỹ gặp phải. Trung Quốc sẽ có dân số già hơn nhiều, đồng thời sẽ mất đi một lượng lớn người trong độ tuổi lao động trong vòng 30 năm tới. Trung Quốc đang phải chịu cảnh khan hiếm trầm trọng các nguồn tài nguyên như nước, năng lượng, và lương thực, … Môi trường quốc tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt cũng thù địch hơn nhiều so với 40 năm trước. Ở Đông và Đông Nam Á, các quốc gia như Nhật Bản, thậm chí cả Việt Nam và Philippines, đã bắt đầu rất nghi ngờ, e sợ Trung Quốc, và tìm cách đối trọng lại sức mạnh của họ. Tất cả những điều này sẽ chống lại Trung Quốc trong dài hạn. Trong khi đó, nước Mỹ không gặp phải nhiều vấn đề trong số này.

    Hỏi: Quan ngại đang ngày càng gia tăng về xung đột ở eo biển Đài Loan. Ông nghĩ khi nào tình huống có thể trở nên nguy hiểm nhất?

    Đáp: Tôi nghĩ cuối thập niên 2020 sẽ là thời điểm đáng sợ. Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang chế tạo tàu chiến với tốc độ mà chúng ta chưa từng thấy ở nhiều quốc gia kể từ Thế chiến 2. Vào cuối những năm 2020, Mỹ sẽ cho loại biên rất nhiều tàu chiến, tàu ngầm, và máy bay ném bom. Do các cuộc chiến tranh ở Trung Đông và ngân sách eo hẹp sau cuộc khủng hoảng tài chính, Mỹ đã nhiều lần trì hoãn việc hiện đại hóa không quân và hải quân. Nước này vẫn đang dựa vào các khoản đầu tư mà họ đã thực hiện từ những năm 1980. Do đó, cán cân quân sự ở Eo biển Đài Loan sẽ dịch chuyển theo hướng có lợi cho Trung Quốc trong ngắn hạn.

    Tuy nhiên, trong dài hạn, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn với Trung Quốc. Cả Mỹ và Đài Loan đều có những kế hoạch rất tham vọng để củng cố quân đội của mình. Mỹ đang hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản, nước đang thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến việc can dự vào Eo biển Đài Loan. Điều này có nghĩa là các xu hướng dài hạn dường như không mấy thuận lợi cho Trung Quốc, nhưng các xu hướng ngắn hạn lại có lợi cho nước này. Tình huống ấy tạo ra một ‘cửa sổ cơ hội’ nguy hiểm.

    Với tốc độ tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc sẽ khó theo kịp mức độ hiện đại hóa quân sự này. Ngoài những lý do chiến lược đó, Chủ tịch Tập còn có những lý do cá nhân về di sản của mình. Tất cả đang đẩy Trung Quốc vào cùng một con đường.

    Vấn đề là thời kỳ nguy hiểm nhất sẽ đến sớm hơn nhiều so với những gì mọi người nghĩ. Hầu hết chúng ta, ít nhất là ở Mỹ, cho rằng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là một cuộc đua marathon kéo dài 100 năm, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới kéo dài hàng thập niên. Hầu hết mọi người tin rằng chúng ta sẽ có nhiều thời gian để củng cố trong nước. Tuy nhiên, tôi cho rằng giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc cạnh tranh này sẽ diễn ra sau chỉ vài năm nữa.

    Nó sẽ thay đổi loại quyết định mà anh phải đưa ra với tư cách là một nhà hoạch định chính sách. Anh cần tập trung vào việc giải quyết mọi việc ngay trong ngắn hạn, thay vì đinh ninh rằng mình sẽ có nhiều thời gian để đầu tư vào nghiên cứu phát triển và đổi mới trong nước. Đó là những thứ tuyệt vời, nhưng chúng ta không có nhiều thời gian đâu.

    Hỏi: Mỹ và các đồng minh nên làm gì để tránh cái bẫy của một Trung Quốc đạt đỉnh?

    Đáp: Ưu tiên số 1 là tái lập răn đe ở Eo biển Đài Loan. Tôi ủng hộ việc Mỹ điều động càng nhiều lực lượng càng tốt, đến đóng ở gần và xung quanh Đài Loan ngay lập tức, để đóng cửa cơ hội của Trung Quốc. Dù ý nghĩa của hành động đó có là gì – duy trì các tàu hiện có tại đây, điều chỉnh mục đích của các tàu xà lan, đặt bệ phóng tên lửa lên chúng, hoặc sử dụng máy bay không người lái – bất kỳ loại lực lượng nào có thể đóng vai trò là bệ phóng tên lửa hoặc cảm biến đều rất có giá trị. Điều quan trọng là chúng ta không để Trung Quốc nhìn thấy viễn cảnh về một chiến thắng dễ dàng trước Đài Loan, và tránh để Trung Quốc bị cám dỗ bởi điều đó.

    Tất nhiên, đây là một đề xuất rất rủi ro, bởi vì làm như vậy, rốt cuộc anh có thể khiến Trung Quốc trở nên hung hăng hơn nữa trong ngắn hạn. Anh không muốn đẩy Trung Quốc vào chân tường và khiến họ cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác. Dù rất khó để cân bằng, nhưng tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã đi rất xa trên con đường đàn áp và gây hấn này, và dường như họ đang quyết tâm thực hiện những bước tiến mới. Đây là lý do tại sao răn đe là ưu tiên hàng đầu.

    Nói về hợp tác với các đồng minh của Mỹ, tôi rất ấn tượng với số lượng thay đổi xảy ra chỉ trong năm qua. Lúc này đây, Liên minh Mỹ-Nhật đang ngày càng trở thành một liên minh chống Trung Quốc rõ ràng. Với AUKUS, Mỹ mang đến cho Australia những khả năng quân sự mới. Sự hồi sinh của Quad là một động thái khác. Nhóm này không chỉ hoạt động trong lĩnh vực quân sự, mà còn có thể cung cấp giải pháp thay thế cho các sản phẩm, vắc xin, hoặc tài chính của Trung Quốc ở các khu vực như Đông Nam Á.

    Chính phủ Nhật Bản đang đầu tư nhiều hơn vào quân đội, cố gắng tái định hướng chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, củng cố liên minh Mỹ-Nhật, và cùng G-7 tạo ra một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc. Nhật Bản đang làm tất cả những điều ấy và đang thể hiện vai trò lãnh đạo rất ấn tượng, chẳng hạn như trong việc vận hành Quad. Tôi hy vọng sẽ chứng kiến tất cả những nỗ lực này diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn nữa.

    https://nghiencuuquocte.org/2022/03/30

    Không có nhận xét nào